Một chiếc máy bay siêu âm thử nghiệm đã phá kỷ lục tốc độ thế giới sau khi vượt bảy lần vận tốc âm thanh.

Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ NASA nói rằng chiếc máy bay không người lái dùng một động cơ gọi là scramjet một ngày nào đó có thể giúp chế tạo một thế hệ phi thuyền con thoi mới.

Chiếc máy bay này có mã số X-43A đã bay trong 10 giây đồng hồ với động cơ riêng của nó trên bầu trời California, và sau đó đã lướt trong khí quyển trong 6 phút trước khi rơi xuống biển.

Leslie Williams, nữ phát ngôn viên của NASA nói: "Tất cả diễn tiến theo đúng kế hoạch"

"Tôi thực sự nghĩ rằng đây là vật đẹp nhất mà tôi chưa từng thấy. Chúng tôi đã trông đợi từ vài năm nay", bà Leslie Williams nói thêm.

Bà nói tiếp: "Lần đầu tiên, chúng tôi thành công trong việc tách đôi hai phi thuyền đang bay ở tốc độ Mach 7"

Một cuộc cách mạng

Giám đốc dự án này ông Vincent Rausch trước đó cho biết dự án trị giá $230 triệu này "có thể đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc cách mạng trong ngành hàng không và không gian"

Theo thông báo của NASA thì động cơ này là loại phản lực đốt bằng Hydro, nhưng dùng Oxy được lấy trực tiếp từ không khí với tốc độ cao.

Ðộng cơ hỏa tiễn cho tới nay phải mang theo nguồn Oxy riêng.

Scramjet viết tắt từ các chữ supersonic combustible ramjet.

Các chuyến bay vũ trụ sẽ rẻ hơn

Kỹ thuật này có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên mới mà trong đó các chuyến bay đường dài sẽ rút ngắn thời gian bay hơn và cũng sẽ giảm chi phí thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ.

Tuy nhiên, phái viên Jon Leyne của đài chúng tôi tại Washington nói rằng còn phải mất nhiều năm nữa mới thực hiện chuyện này.

Các chuyên gia ước lượng chiếc scramjet đầu tiên có người điều khiển sẽ không cất cánh trước năm 2025.

Hôm thứ bảy vừa qua, chiếc scramjet X-43A được phóng ra từ một chiếc máy bay B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Edwards California và khi lên đến cao độ 12 ngàn mét, chiếc scramjet tách ra khỏi máy bay mẹ.

Một hỏa tiễn sẽ tăng cường tốc độ của nó lúc ban đầu và đưa nó lên cao độ 30 ngàn mét, và từ đó, X-43A bay với động cơ riêng trong 10 giây.

Chiếc scramjet A-43A sau đó lướt trong bầu khí quyển, và thực hiện một loạt các cuộc thử nghiệm về lực cản của khí quyển trong vòng 6 phút đồng hồ trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Phi vụ này đánh dấu lần đầu tiên một động cơ không phải là hỏa tiển và lấy Oxy từ không khí đã thành công trong việc đẩy một phi thuyền bay với tốc độ siêu âm.

Ba năm trước đây, một chiếc A-43A đã nổ tung khi hệ thống tách rời nó, không hoạt động. (BBC)