Robert McNamara từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời các tổng thống Kennedy và Johnson

Ngày 2 tháng Tư 2003, phim tài liệu mang tên The Fog of War về cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara sẽ ra mắt rộng rãi tại Anh.

Nhân sự kiện này, nhà báo Jon Swain, người từng có mặt nhiều lần tại Việt Nam thời chiến tranh, đã có cuộc phỏng vấn ông McNamara.

Bài viết của Jon Swain được đăng trên tờ The Sunday Time Magazine 21.03 vừa qua.

Theo Jon Swain, ông McNamara từ một nhân vật được coi là hiếu chiến nhất của Hoa Kỳ thời chiến tranh Việt Nam nay trở thành một người luôn băn khoăn về số phận của hòa bình.

Robert McNamara lo sợ Hoa Kỳ ngày nay có thể phạm sai lầm ghê gớm như cuộc chiến Việt Nam.

Ông nói với nhà báo Jon Swain rằng nhiều lúc ông ‘ghê tởm cách Hoa Kỳ đối xử các dân tộc khác’ và rằng cách nước Mỹ dùng sức mạnh, ảnh hưởng to lớn của mình với cách thường là ‘sai lầm và sai trái về mặt đạo đức’.

Cuộc chiến Việt Nam bị McNamara nay coi là một trong những sai lầm lớn nhất của cuộc đời ông và của nước Mỹ trong thế kỷ 20.

Thiêu sống hàng vạn sinh mạng

Nhưng theo Jon Swain, những suy tư của Robert McNamara còn trở lại thời Thế chiến Hai. Năm 1945 ông được cử đến Guam trong nhóm kế hoạch cho bộ tư lệnh không quân của tướng Curtis LeMay.

Các phi cơ B-29 của lực lượng này đã dùng bom cháy trải xuống 67 thành phố của Nhật Bản.

McNamara kể lại rằng ‘chỉ trong một đêm, chúng tôi đã thiêu sống 100 nghìn thường dân ở Tokyo, đàn ông, đàn bà, trẻ con’.

Ông nhớ lại rằng chính tướng LeMay nói với ông là nếu Hoa Kỳ thua trận thì ‘chúng ta sẽ bị xử như những tên tội phạm chiến tranh’.

Nhưng vấn đề đạo đức mà McNamara nay gặp phải là nước Mỹ chưa bao giờ thua trận.

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, McNamara đang hoạt động kinh doanh thì được tổng thống Kennedy mời đến, trao trách nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông đem cái nhìn ‘kỹ thuật thuần tuý’ vào cuộc chiến và sớm được lính Mỹ ở Việt Nam gọi là Bodycount Bob (tạm dịch là Robert thích đếm xác).

Cách làm việc của McNamara hồi đó là đặt trọng tâm vào các con số như số thương vong của quân địch, số vũ khi thu được, phần trăm dân số thuộc phe Mỹ và liên quân kiểm soát.

Khi cần McNamara sẵn sàng dùng hỏa lực áp đảo, chủ yếu là không quân ném bom để đánh gãy ý chí chiến đấu của địch quân.

Quan điểm đó được nói là để ‘sớm kết thúc cuộc chiến’. Nhưng theo lời thuật lại của Jon Swain thì chính McNamara đã nhận rằng ông không đánh giá hết tinh thần chiến đấu của Bắc Việt Nam.

Và càng ném bom nhiều thì chiến sự càng tăng lên, khiến cuộc chiến trở thành ‘không có chương kết thúc’ như lời của Bắc Việt Nam lúc đó.

Ám ảnh xưa và nay

Nay đã 87 tuổi, ông bị ám ảnh bởi cuộc chiến Việt Nam và sợ rằng Hoa Kỳ sa lầy tại Iraq.

Tuy vậy McNamara tránh không phê phán đường lối của tổng thống Georg W Bush vì cho rằng với tư cách là cựu bộ trưởng quốc phòng thì làm như thế là không phải.

McNamara nhớ lại rằng chính quyền Johnson đã ‘biến hóa’ thông tin tình báo trong vụ tàu Maddox ở vịnh Bắc Bộ năm 1964 để tham chiến tại Việt Nam. Ông cho rằng sự thật không giống như những gì chính quyền khi đó trình bày ra.

Ông cũng cho rằng khẩu hiệu vì tự do của Nam Việt Nam nghe có vẻ giống một cách khó xử với khẩu hiệu Iraq Tự do ngày nay.

Theo McNamara, thế giới cần có một hệ thống kiểm soát các chính trị gia mỗi khi họ ra quyết định tham chiến.

McNamara lo sợ thế kỷ 21 cũng rơi vào các cuộc chiến đẫm máu như thế kỷ 20.

Sau chiến tranh McNamara làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới 13 năm liền. Kinh nghiệm đó cho ông thấy rằng nghèo khổ là một vấn đề lớn trên thế giới và muốn có cách giải quyết.

Bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo gốc Ailen, Robert McNamara đã tiến thân nhờ sức học tốt và sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ở Harvard, ông đã làm cho hãng Ford trước khi vào làm chính trị.

Cho tới giờ phim The Fog of War mới chỉ được chiếu ở Anh trong các liên hoan phim và sẽ ra mắt rộng rãi từ tháng Tư 2004. Đây là phim được giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 2004. Tác giả của phim là Errol Morris, mô tả nước Mỹ qua con mắt của Robert McNamara.

Ông nói về các sự kiện như cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Ông còn nhắc lại rằng sau này ông có dịp nói chuyện trực tiếp với Fidel Castro. Theo ông, Fidel Castro đã sẵn sàng dùng tên lửa bắn vào Hoa Kỳ nếu bị tấn công.

Ông cũng kể lại với nước mắt về quyết định ông chọn chỗ chôn cất tổng thống Kennedy sau vụ ám sát.

Tuy vậy, các nhà bình luận phim cũng để ý đến thái độ của ông McNamara khi kể chuyện chiến tranh trong phim.

Theo họ thì ông có vẻ như vô cảm khi nói về những vụ ném bom chết hàng vạn người, thậm chí còn cố gắng giải thích những suy tính giả tưởng 'làm thế nào để thực hiện chiến tranh hiệu quả hơn'.

Còn trong bài báo của mình Jon Swain kết thúc bài viết bằng cảm tưởng rằng những gì McNamara nói ra bây giờ, dù có đúng đi nữa cũng khó được người ta tin.

Jon Swain không tin rằng các bài học McNamara rút ra từ cuộc đời nhiều biến động sẽ được lắng nghe.(BBC)