Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc công khai mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót

Ước tính có khoảng 10,000 người Công Giáo Trung Quốc, đã tham dự nghi thức mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót được thực hiện bởi một vị giám mục của Giáo Hội "thầm lặng", tại nhà thờ chính tòa của thành phố Chính Định (Zhengding, 正定). Thông tấn xã AsiaNews của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đã cho biết như trên hôm 14 tháng 12.

Mặc dù cảnh sát có mặt tại nhà thờ, họ đã không làm gián đoạn buổi lễ hay ngăn cản anh chị em giáo dân tham dự. "Đó là một phép lạ!" Người Công Giáo địa phương nhận xét. Các cơ quan chức năng Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn các buổi lễ do các nhà lãnh đạo của Giáo Hội "thầm lặng" cử hành.

Đức Giám Mục Giuliô Giả Chí Quốc - Julius Jia Zhiguo – 81 tuổi của giáo phận Chính Định – là người đã bị quản thúc tại gia kể từ năm 2010, khi ngài được thả ra khỏi nhà tù. Mọi cử động của ngài đều được giám sát chặt chẽ, và ngài liên tục bị ép gia nhập Giáo Hội Yêu nước do chính phủ hậu thuẫn.

Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc là một nhà lãnh đạo nổi bật của Giáo Hội Công Giáo Thầm Lặng ở Hà Bắc nơi có đông đảo người Công Giáo nhất Trung quốc và cũng là nơi người Công Giáo Thầm Lặng hoạt động mạnh nhất. Công an Trung quốc đã bắt bớ, đánh đập các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân trong vùng này rất thường xuyên để buộc phải gia nhập vào tổ chức Công Giáo Yêu Nước.

Tòa Thánh đã nhiều lần cảnh cáo Trung Quốc vì thái độ thù hận và bách hại công khai với Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc. Ngài bị bắt không dưới 30 lần và đã phải ngồi tù ít nhất là 20 năm.

2. Nhận định của Hội Đồng Giám Mục Châu Âu về hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris

Hội đồng Giám mục Cộng đồng châu Âu đã ra một tuyên bố chào đón các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Paris.

"Việc áp dụng các công ước nền tảng của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được 195 quốc gia thông qua tại Paris vào ngày 12 tháng 12 tiêu biểu cho một bước tiến lớn của nhân loại nói chung," Cha Patrick Daly, Tổng thư ký COMECE nói.

"Đối với nhiều người nam nữ trên thế giới ngày nay của chúng ta, các mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề tuyệt đối có tính sống còn, trong khi hầu như tất cả các cư dân của hành tinh này đều nhận thức được những nguy hiểm của sự biến đổi khí hậu"

Cha Daly nói thêm:

“Đó là do quan trọng là tất cả các quốc gia đạt được một thỏa thuận tại Paris ... COMECE hy vọng thỏa thuận này được nhanh chóng triển khai. Giáo Hội và các tín hữu chờ mong rằng các cam kết đã được ký sẽ nhanh chóng được chuyển thành những hành động cụ thể.”

3. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khuyến cáo đừng đáp trả bạo lực bằng bạo lực

Nhắc đến những vụ bắn giết vừa diễn ra tại trung tâm Kế Hoạch Hóa Gia Đình tại Colorado Springs và tại San Bernardino, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố, trong đó ngài dâng lời cầu nguyện cho những ai chịu đau khổ và kêu gọi các tín hữu hãy là "những sứ giả của hy vọng và tiếng nói tiên tri chống lại bạo lực vô nghĩa, một bạo lực mà không bao giờ có thể được biện minh nhân danh Thiên Chúa. "

"Hãy nhìn những mạng sống vô tội bị lấy đi và tự hỏi nếu những hình thái bạo lực này ảnh hưởng đến chính gia đình chúng ta thì sao. Suy nghĩ ấy khuấy động lên những cảm xúc sâu sắc nhất của chúng ta". Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville nhận định như trên trong một tuyên bố ngày 14 tháng 12 của ngài.

"Chúng ta phải chống lại thù hận và những nghi ngờ dẫn đến các chính sách phân biệt đối xử. Hơn thế nữa, chúng ta phải hướng cảm xúc của chúng ta, những mối quan tâm và những nỗ lực bảo vệ của chúng ta, xuất phát từ lòng mến, thành những chứng tá sống động cho phẩm giá của mỗi người. Chúng ta chỉ nên sử dụng những luật nhập cư có tính nhân bản và có khả năng bảo vệ chúng ta, nhưng đừng bao giờ nhắm mục tiêu vào những nhóm người dựa trên tôn giáo."

Ngài nói thêm:

“Tin tưởng vào những gì Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ vẫn kiên định trong cam kết của mình với người tị nạn, những người vừa thoát ra được những hình thái khủng bố nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ việc tăng cường các dịch vụ xã hội cho người có bệnh tâm thần, nhưng chúng ta phải nhớ rằng chỉ có một số ít những người mắc vào căn bệnh này gây nguy hiểm cho bản thân hay tha nhân. Chúng tôi khuyến khích việc quản lý vũ khí một cách có trách nhiệm. Và chúng tôi sẽ tiếp tục vận động xã hội thay mặt cho những ai phải đối diện với sự kỳ thị tôn giáo, trong đó có anh chị em Hồi giáo của chúng ta.

Chúng ta hãy đối đầu với những mối đe dọa từ những kẻ cực đoan với lòng can đảm và lòng từ bi, và với nhận thức rằng Kitô Giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và nhiều tôn giáo khác được hiệp nhất trong các nỗ lực chống lại bạo lực được thực hiện nhân danh tôn giáo”

4. Y tá người Colombia bị bắt vì cưỡng bức phá thai nhiều phụ nữ

Héctor Albeidis Arboleda Buitrago, một phụ nữ người Colombia hiện đang làm y tá ở Madrid, đã bị bắt giữ về tội phạm thi hành 500 ca nạo phá thai cưỡng bức trong các lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC.

Từ năm 1964, nhóm du kích theo chủ nghĩa Mác này đã chiến đấu chống lại chính phủ Colombia. Hơn 175,000 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột.

"Chúng tôi có bằng chứng để chứng minh rằng buộc phá thai là một chính sách của FARC, trong đó các nữ du kích bị buộc phá thai vì người ta không muốn mất đi một công cụ chiến tranh," Luis Eduardo Montealegre, tổng chưởng lý của Colombia cho biết.

Các phương tiện truyền thông Colombia cho biết các nữ du kích thường bị hãm hiếp bởi chính các đồng chí nam giới của họ, và nhiều người trong số các nạn nhân là những trẻ em vị thành niên.

5. Hồng Y Phi Luật Tân: Hãy có lòng thương xót trong đời sống chính trị, và trong giao tiếp với người Hồi giáo

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của tổng giáo phận Manila đã thảo luận các khía cạnh của Năm Thánh lòng thương xót trong đời sống chính trị và xã hội của Phi Luật Tân.

Đức Hồng Y nói với tờ Vatican Insider La Stampa rằng "khi một chính trị gia lừa đảo, đánh cắp niềm tin của người dân, ông ta không chung thủy với những lời hứa của mình. Khi các chính trị gia bỏ không màng đến lợi ích chung hay khi họ chìm đắm trong tham nhũng, là một bệnh dịch ở Phi Luật Tân, họ đang chà đạp lòng thương xót ".

Ngài nói thêm:

“Lòng Thương Xót đòi hỏi các Kitô hữu và người Hồi giáo đặt mình vào vị trí của nhau, nuôi dưỡng những cảm xúc của sự đồng cảm, sự hiểu biết và lý trí. Lòng Thương Xót cũng đòi hỏi học tập và tha thứ, là cách duy nhất để đạt được hòa giải. Niềm tin cần được tái khám phá và xây dựng, bắt đầu với những điều chúng ta có chung với nhau như chúng ta đều là con người, đều là công dân Phi Luật Tân, chúng ta là con cái của Abraham, chúng ta có những giấc mơ tương tự cho con em chúng ta.”

6. Hội Đồng Giám Mục Đức quy định 26 tháng 12 là ngày cầu nguyện cho các Kitô hữu bị ngược đãi

Giáo Hội tại Đức quyết định chọn ngày 26 Tháng 12 là ngày cầu nguyện cho các Kitô hữu bị ngược đãi. Chủ đề năm nay đặc biệt hướng đến sự bách hại các Kitô hữu ở Syria.

Theo lịch Phụng Vụ, ngày 26 tháng 12 là ngày lễ Thánh Stêphanô, là vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo.

Trích dẫn nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô hồi tháng Ba vừa qua, Hội đồng Giám mục Đức cho biết trong một tuyên bố chung rằng các ngài "đảm bảo với những người đau khổ trong những tình huống bị bách hại là chúng ta sẽ không quên họ, chúng ta gần gũi họ và chúng ta đang cầu nguyện và làm những gì có thể để chặn đứng bạo lực không thể chấp nhận mà họ là nạn nhân."

7. Diễn biến đầy khích lệ: Đức Thượng Phụ Kirill khuyến khích chính trị gia Nga hợp tác với Công Giáo để giúp các Kitô hữu bị ngược đãi

Người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga đã nói với các nhà chính trị trẻ tuổi người Nga rằng "trốn tránh không đối thoại với Giáo Hội Công Giáo là một sai lầm bi thảm."

"Chính Thống Giáo Nga và Giáo Hội Công Giáo cùng bảo vệ các giá trị như nhau cả ở nơi công cộng lẫn trong cuộc sống riêng tư," Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa nói với các nhà chính trị trẻ tuổi người Nga như trên, theo hãng tin Interfax. "Chúng ta cần phải thiết lập một sự hợp tác như thế khi đối diện với thế giới không Kitô giáo."

Trong khi tập trung vào cuộc bách hại các Kitô hữu ở Trung Đông và châu Phi, Đức Thượng Phụ Kirill cũng không quên đề cập đến phương Tây nơi "các tôn giáo đang bị đẩy lùi khỏi đời sống công cộng" vì "sự thống trị của chủ thuyết tự do."

8. Cộng hòa Trung Phi: thanh niên Hồi giáo chịu bỏ vũ khí xuống sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

Trong một diễn biến ngoạn mục thanh niên Hồi giáo của quận PK5 đã chịu bỏ vũ khí xuống đàm phán với lực lượng vũ trang Anti-Balaka hầu mưu tìm hòa bình.

Ca ngợi biến cố này, vị giám chức hàng đầu của Cộng hòa Trung Phi đã kêu gọi các tín hữu Kitô noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành "những người hành hương của hòa bình".

Đức Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga, là người cùng với các giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu của quốc gia kêu gọi hòa bình, đã đến thăm vùng đất nguy hiểm PK5 của Hồi giáo thủ đô và nói rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng gần đây đã ảnh hưởng "sâu sắc" đến các thanh niên Hồi giáo trong vùng.

Trên chuyến bay từ phi trường M’Poko của thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi, về Rôma, Đức Thánh Cha đã dành ra một giờ để trả lời phỏng vấn của giới báo chí.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài nhận thức rõ rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của những điều bất ngờ, nhưng Đức Thánh Cha đã trải qua hết kinh ngạc này đến kinh ngạc khác trong chuyến thăm châu Phi đầy hào hứng.

Đức Giáo Hoàng trông rất mệt mỏi, nhưng rất vui. Ngài nói với các phóng viên rằng ngài đã cầu nguyện trong một đền thờ Hồi Giáo ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, và cùng dạo quanh một khu phố Hồi giáo với các lãnh tụ Hồi giáo ngồi với ngài trong chiếc xe popemobile. Cả hai điều này đều là các sáng kiến tự phát của Đức Giáo Hoàng vào ngày 30 tháng 11, ngày cuối cùng của ngài ở châu Phi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Những đám đông, những khuôn mặt hân hoan của những người có khả năng cử mừng ngay cả với một dạ dày trống rỗng” là những ấn tượng mà ngài sẽ mang về nhà với ngài sau chuyến đi sáu ngày tới Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên sau hai năm nội chiến, người dân của nước Cộng hòa Trung Phi muốn “hòa bình, hòa giải và tha thứ.”

“Trong nhiều năm, họ đã từng sống như anh chị em,” và giờ đây Đức Thánh Cha tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo, Hồi giáo và Tin Lành địa phương đang làm hết sức mình để giúp đỡ người dân của họ trở về tình trạng hòa bình, cùng tồn tại và tôn trọng lẫn nhau.

Các nhà lãnh đạo của mọi tôn giáo phải dạy bảo các tín hữu về những giá trị.

“Một trong những giá trị hiếm hoi nhất ngày nay đó là tình anh em,” một giá trị cần thiết cho hòa bình, ngài nói.

9. Tổng thống Sri Lanka được Đức Thánh Cha tiếp kiến

Hôm 14 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Maithripala Sirisena của Sri Lanka.

Một tuyên bố ngắn gọn được đưa ra sau cuộc họp cho thấy các cuộc hội thoại đã tập trung vào các nỗ lực để thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở Sri Lanka sau một cuộc nội chiến lâu dài và đẫm máu. Đức Thánh Cha cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Sri Lanka về kết quả của hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Paris.

Cuộc trao đổi "thân mật" cũng bao gồm ký ức về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Sri Lanka cuối tháng Giêng vừa qua.