Suy Niệm Lời Chúa Chúa nhật 1 Mùa Chay

Đnl 26:4-10; Rm 10:8-13; Lc 4:1-13

Mùa chay là lúc người tín hữu kiểm điểm lại mối liên hệ trước mặt Chúa và xét lại mối tương quan giá trị của mỗi người: những gì là quan trọng trước mặt Chúa và quan trọng hơn trong cuộc sống người tín hữu. Mùa chay kéo dài 40 ngày, nhắc nhở cho ta 40 năm dân Chúa đi qua sa mạc để vào đất hứa. Thời gian 40 ngày còn nhắc nhở cho ta việc ăn chay đền tội 40 ngày của các tiên tri. Để sửa soạn cho giao ước Sinai, Môsê đã ăn chay 40 ngày. Tiên tri Êlia đã ăn chay 40 ngày trên đường lên núi Hô-rép. Gioan Tiền hô cũng ăn chay 40 ngày trước khi rao giảng phép rửa sám hối dọn đường cho Đấng cứu thế đến. Chính Chúa cũng đã ăn chay 40 ngày trước khi bắt đầu cuộc sống công khai. Màu sắc phụng vụ trong mùa chay là màu tím tượng trưng cho tâm tình ăn năn, sám hối trong mùa chay.

Trước khi đi vào miền đất hứa, dân Chúa phải lang thang qua sa mạc 40 năm trường. Họ được nhắc nhở để ghi nhớ những kỳ công Chúa đã làm cho họ, giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Aicập, và làm giao ước với họ trên núi Sinai. Trong sa mạc, họ gặp nhiều cám dỗ, thử thách, và thường họ sa ngã, vấp phạm. Họ kêu trách Chúa. Họ thách thức Chúa biểu lộ quyền năng để cứu họ. Họ chối bỏ Chúa để đi thờ các thần ngoại lai. Họ đúc bò vàng để thờ. Họ phản bội Chúa. Và mỗi lần họ ăn năn sám hối thì Chúa lại giang tay rộng mở đón nhận họ trở về.

Qua bí tích rửa tội, ta được trở nên dân tộc mới được chọn. Chúa cũng muốn đưa dẫn ta tới miền đất hứa. Nhưng trước đó ta phải trải qua cái sa mạc thế gian. Ta cũng phải chịu cám dỗ và thử thách. Theo quan niệm Ki-tô giáo, thì cám dỗ là mưu chước của ma quỉ. Chúa để cho cám dỗ xẩy đến với những người được kêu gọi. Khi những ước muốn và nguyện vọng của ta không được toại nguyện, ta phàn nàn kêu trách Chúa. Cám dỗ là cái thước đo tự do của mỗi người. Trước những cám dỗ thử thách, ta có thể lựa chọn hoặc ưng thuận hay chống trả. Nếu không có tự do lưạ chọn, thì loài người không có trách nhiệm. Cám dỗ thường là cái triệu chứng nói lên cái yếu điểm của mỗi người. Mỗi người có những yếu điểm khác nhau: có người ham danh, người ham lợi, người ham thú vui… Vì thế ma quỉ thường lợi dụng những yếu điểm của mỗi người để tấn công.

Mùa chay là mùa ăn năn đền tội, là thời gian ăn chay kiêng thịt, hi sinh hãm mình và lam việc lành phúc đức. Cái lợi điểm của việc ăn chay là để không những giữ gìn sức khoẻ phần xác, nhưng còn để gia tăng sức mạnh thiêng liêng hầu chống trả cám dỗ. Nếu người ta kiêng ăn uống chỉ nhằm giữ gìn sức khoẻ phần xác, để khỏi mập, khỏi cao máu, hay làm giảm cholestorol, thì việc kiêng ăn uống không có giá trị siêu nhiên, vì thiếu động lực tôn giáo thúc đẩy. Vì vậy muốn có giá trị thiêng liêng, người ta phải đưa cái động lực tôn giáo vào việc kiêng cữ đồ ăn thức uống. Thiết tưởng đời nay ta cũng cần xét lại cái việc kiêng đồ ăn thức uống. Sống ở một vài xã hội hiện tại và hiện đại, ta thấy thịt thà quá dư thừa. Vì thế được dịp ăn cá cũng là tốt cho sức khoẻ phần xác. Vả lại những người thích ăn cá thì việc kiêng thịt cũng không phải là viêc hãm mình lớn. Có những người kiêng thịt mà lại đi ăn tôm hùm chẳng hạn, thì chắc hẳn phải đặt lại vấn đề hãm mình.

Ngoài luật giáo hội buộc ăn chay kiêng thịt mà đời nay có tính cách đơn giản, giáo hội mong muốn ta tự nguyện ăn chay kiêng thịt thêm nữa. Ngoài ra Giáo hội còn mong muốn ta, không những kiêng thịt, mà còn kiêng miệng lưỡi, lỗ tai và con mắt để chỉ nói, chỉ nghe, chỉ nhìn xem những gì đáng nói, đáng nghe và đáng xem, những gì làm đẹp lòng Chúa. Trong mùa chay ta nhớ lại những thất bại, những yếu đuối, những lỗi lầm trong quá khứ và ăn chay đền tội để xin Chúa nhân lành tha thứ và để sửa soạn tâm hồn mừng lễ Phục sinh.