THƯ MỤC VỤ 01.03.2004

Số 122

Tôi đọc

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY NĂM 2004



CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II

“Ai đón tiếp một em nhỏ như thế này vì Danh Thầy là đón tiếp chính Thầy”
(Mt 18,5)

Đó là chủ đề được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn cho Sứ điệp Mùa Chay năm 2004. Nó nói lên phẩm giá cao quý của trẻ em giống như của người lớn. Trong xã hội ngày nay, vẫn còn rất nhiều người coi thường và khinh miệt con trẻ. Đối với họ, trẻ em là những người nhỏ bé, về thể lý, về năng lực, về kiến thức. v.v. Chúng vẫn cần người khác, vẫn phải nhờ người khác. Nhưng dưới cái nhìn đức tin, trẻ em vẫn là hình ảnh và là con của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đã nói: “Ai đón tiếp một em nhỏ như thế này vì Danh Thầy là đón tiếp chính Thầy ” (Mt 18,5).

Hơn nữa, vì còn non trẻ, tức còn gần với nguyên bản của con người - được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa - trẻ em còn gần với mô hình nguyên thủy của mình, là Thiên Chúa, mà tội lỗi và những tật xấu chưa làm ra lu mờ. Chúng còn đơn sơ vui sống, hồn nhiên, thành thật và thanh bạch. Chúng tin tưởng và tùng phục cha mẹ, cậy dựa vào cha mẹ, theo dõi và học theo gương sống của các ngài. Những đức tính giản dị và ngây thơ này đã được Chúa Giêsu trân trọng. Người đã dạy các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không quay trở lại nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy, ai tự hạ và coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời ” (Mt 18,3-4).

Ngoài ra, khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã sinh ra như một con trẻ. Người cũng đã trải qua giai đoạn của tuổi thơ, trong tình con thảo và sự vâng lời cha mẹ. người đã nêu gương cho hậu thế về sự tuân phục Thánh ý của Thiên Chúa. “Lương thực của Thầy là thì hành Thánh ý của Đấng đã sai Thầy ” (Ga 4,34).

Bên cạnh những trẻ nhỏ, Chúa Giêsu còn đặt những người bé mọn, thấp hèn. Đó là những người cùng khốn, nghèo đói, bệnh tật, tù nhân, những người bị xã hội ruồng bỏ, những người mang thương tích của đời sống. Người cũng đã đồng hóa mình với họ (x. Mt 25,40).

Chúa Giêsu yêu thương trẻ em và những người nhỏ bé. Người đã đồng hóa mình với họ và coi những gì làm cho họ là làm cho chính Người. Người còn lấy họ làm gương mẫu cho những ai muốn vào Nước Trời.

Hãy yêu thương con trẻ và những người bé nhỏ.

Hãy quan sát và mổ xẻ hoàn cảnh sinh sống của giới trẻ em.

Là những người trưởng thành, nhất là các bậc làm cha mẹ, và những người có trách nhiệm đối với giới trẻ: như các nhà giáo, các nhà truyền thông xã hội, các vị lãnh đạo quốc gia… anh chị em hãy để ý quan sát những điều kiện sinh sống, học hành, vui chơi và làm việc của các em: trong gia đình, trong xã hội và Giáo Hội, nơi trường học, lúc đi đường, khi rảnh rang.

Có những gia đình sống dưới những mái nhà rách rưới như ổ chuột, con cái không được học hành. Nơi ăn, nơi ngủ xô bồ, chật chội, người này nằm gác lên người kia. Cả chồng lẫn vợ đều đi làm, con cái không có người săn sóc và giáo dục. Người ta thường thấy chúng trên các lề đường, bạn bè với những người xấu.

Hãy để ý quan sát các trẻ em học sinh ở nhà trường. Chúng thường phải học ngày học đêm, học chung học riêng với thầy cô, học bù đầu bù óc, học cả những điều không cần. Nhà trường đã trở thành nhà buôn chữ, nhà học để đi thi.

Hãy quan sát giới trẻ em trên đường phố, giữa cảnh sống xô bồ của nền kinh tế thị trường, trước những bộ phim giới thiệu những cảnh chém giết, đánh đấm, bạo lực hay những trò chơi mang tính bạo hành, do giới truyền thông thiếu lương tâm truyền bá. v.v.

Hoàn cảnh và điều kiện sinh sống của con trẻ hôm nay thật đáng lo ngại! Môi trường vật lý và luân lý của xã hội đầy bụi bặm và uế khí. Gương xấu của thế gian, của người lớn còn quá nhiều.

Những người đáng được đề cao.

Sứ điệp Mùa Chay của Đức Gioan Phaolô II viết: “Có nhiều tín hữu đang cố gắng sống trung thành theo giáo huấn này của Chúa. Ở đây, tôi muốn nhắc đến những bậc làm cha mẹ sẵn sàng lãnh trách nhiệm một gia đình đông con, nhắc đến những người cha và những người mẹ thay vì đặt ưu tiên cho sự thành công nghề nghiệp và địa vị, thì lại quan tâm thông truyền cho con cái những giá trị nhân bản và tôn giáo, là những giá trị mặc cho cuộc sống một ý nghĩa đúng thật.

Với lòng khâm phục, tôi nghĩ đến những ai dấn thân chăm sóc cho những trẻ nhỏ đang gặp khó khăn và dấn thân làm nhẹ bớt những đau khổ của những trẻ nhỏ và gia đình của chúng, (đau khổ) vì những xung đột và bạo lực, vì thiếu lương thực và nước uống, vì bị bắt buộc phải bỏ xứ ra đi, và vì biết bao hình thức bất công khác hiện có trên thế giới” (số 3a
).< br> Những cảnh khổ đau của trẻ em.

Hướng về những đau khổ của trẻ em, Sứ điệp đã mạnh mẽ cảnh cáo: “Bên cạnh những sự quảng đại, tuy nhiên người ta cũng cần nói đến lòng ích kỷ của biết bao người không tiếp nhận trẻ nhỏ. Có những trẻ nhỏ bị thương tích sâu xa vì bạo lực của người lớn: những lạm dụng phái tính, những bắt buộc trẻ mại dâm, việc dính vào nạn buôn bán và dùng thuốc phiện; những trẻ nhỏ bị bắt buộc lao động hoặc bị bắt đi lính để đánh trận; những trẻ vô tội phải luôn chịu ảnh hưởng tiêu cực do bởi gia đình bị tan rã; những trẻ nhỏ bị dẫn dụ vào việc buôn bán xấu xa những cơ phận và buôn bán người. Và phải nói gì hơn nữa về thảm kịch của bệnh liệt kháng với những hậu quả tàn phá tại Phi Châu? Người ta nói đến con số hàng triệu người bị lây nhiễm tai ương này, và biết bao trẻ đã bị lây bệnh ngay từ lúc mới sinh ra. Nhân loại không thể nhắm mắt trước thảm kịch đáng lo ngại như thế !” (số 3b).

Kết luận:

Trở nên như trẻ nhỏ và tiếp nhận những trẻ nhỏ: đó là hai khía cạnh của một giáo huấn duy nhất mà Chúa lập lại cho các môn đệ của Người trong thời đại hôm nay (Sứ điệp, số 2).

Vì vậy, tiếp theo giáo huấn của Sứ điệp Mùa Chay này, tôi xin đề nghị với các gia đình:

Hãy để ý quan sát và theo dõi hoàn cảnh sinh sống và hoạt động của giới con em chúng ta. Con cái là hồng ân Chúa ban cho gia đình, hãy vui lòng đón nhận và ân cần gìn giữ.

Quan tâm đến việc học vấn, giáo dục đạo đức và đức tin của các em. Vì ích gì được lời lãi cả thế gian mà đánh mất sự sống mình: sự sống nhân bản và siêu nhiên.

Chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương và làm gương sáng cho con cái.

Riêng chị em giáo viên các nhà trẻ, các trường mẫu giáo và các lớp tình thương, hãy cố gắng dành chút thời giờ đi thăm học sinh và gia đình các em để tỏ tình liên đới và lòng yêu trẻ, nhất là những trẻ vắng mặt vì đau ốm hay vì một lý do nào khác của gia đình. Công tác thăm viếng này trong Năm Thánh Truyền giáo ban ân xá.

Phần của các giáo xứ, hãy tiếp tục phát huy phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, vì năm nay là Năm Thánh Thể; củng cố đoàn Lễ sinh và các ca đoàn giáo xứ và công tác Mùa Chay năm nay của thiếu nhi là đi thăm các bạn học.

Toàn thể giáo phận, hãy biến Mùa Chay này thành “Mùa Chay yêu trẻ em ”!

TIN TỨC

Thánh lễ thiếu nhi (Mùa Chay 2004)

Để tỏ lòng trìu mến và sự quan tâm giáo dục đạo đức đối với thiếu nhi, các giáo xứ nên giữ truyền thống Thánh lễ riêng cho các em một ngày trong tuần. Khi giảng dạy, nên chú trọng đến những đức tính nhân bản như: sự thành thật, lòng yêu người, đức công bằng, sự trong sạch, lòng hiếu thảo, tính đoàng hoàng và sự siêng năng học tập.

Mùa chay yêu trẻ em

Giáo phận hiện có hai trường dạy trẻ khiếm thính (câm điếc): một ở Hàm Tân với 44 em, phân làm 5 lớp do Nữ tu MTG. Phan Thiết dạy; một ở Phan Thiết với 43 em (28 khiếm thính và 15 chậm phát triển); một trường khiếm thị với 12 em. Hai trường sau đều do Nữ tu MTG. Nha Trang dạy.

Cả ba trường còn có thể thu nhận thêm học sinh, nhất là trong niên học mới 2004-2005. Xin anh chị em giới thiệu trường cho các gia đình cần gởi con đi học.

Hội Têrêxa

Ngày 19.02.2004 vừa qua, Hội Têrêxa giáo phận đã tập trung tại giáo xứ Thanh Xuân khoảng 150 người khuyết tật, mà đa số là trẻ em, trong buổi gặp giao lưu với nhóm bạn sinh viên Nhật viếng thăm Việt Nam. Hội Têrêxa hiện có trên 2000 thành viên: lành mạnh và khuyết tật.

Thực hành đức yêu thương như Thiên Chúa yêu thương loài người, Hội chăm sóc người khuyết tật, người nghèo khó, cô đơn, bệnh hoạn, già yếu và bất hạnh. Đa số thành viên là những thanh niên, thanh nữ thiện chí, tông đồ của Tình yêu.