Tổng thống Bush đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng khám phá không gian, bao gồm việc thành lập một trạm không gian trên mặt trăng và đưa người lên Sao Hỏa.

Người đầu tiên lên mặt trăng là phi hành gia Neil Armstrong vào năm 1969. Hai mươi năm sau, tổng thống Bush cha đã từng cam kết gửi phi hành gia lên mặt trăng.

Và nay Tổng thống Bush con cũng đưa ra những tuyên bố tương tự.

Thế nhưng giới khoa học gia lại đang đặt câu hỏi về giá trị của việc gửi người lên mặt trăng, khi mà các tàu thăm dò tự hành nhỏ gọn và ít tốn kém hơn cũng có thể đảm đương công việc.

Robot có thể thay thế con người?

Andre Balogh, giáo sư vật lý vũ trụ từ trường đại học Imperial College ở London nhận xét là hầu như tất cả những gì mà con người muốn làm trên vũ trụ đều có thể được các robot tiến hành với kết quả tốt hơn nhiều và ít tốn kém hơn nhiều.

Thế nhưng ông Balogh nói rằng robot thì không biết vẫy cờ, không biết mỉm cười trên vũ trụ, và không nói chuyện được với con người từ trên vũ trụ.

Vẫn theo ông Balogh thì về mặt khoa học, con người cần tới các robot, về mặt khám phá của con người thì cần có các phi hành gia. Đó là hai vấn đề khác nhau, với những mục tiêu và động cơ khác nhau.

Đạt được mục tiêu xây dựng cơ sở lâu dài trên mặt trăng trong thời gian hai thập niên và lên Sao Hỏa sau năm 2030 là một thách thức to lớn về mặt kỹ thuật.

Thậm chí trên bảng dự tính còn không hề đề cập tới việc sử dụng rocket đủ mạnh để thực hiện các chuyến bay.

Một cản trở to lớn nữa là chi phí sẽ là một nghìn tỷ đô la, vượt xa rất nhiều so với đề án một tỷ đô la trong ngân quỹ của Nasa trong thời gian năm năm tới.

Thành công của cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ trong việc đưa được máy tự hành đáp xuống Sao Hỏa đã làm sống lại niềm kiêu hãnh của Hoa Kỳ trong chuyện khám phá vũ trụ, làm tăng viễn cảnh lá cờ Mỹ tung bay trên hành tinh đỏ.

Thế nhưng cộng đồng khoa học đang trông đợi những chỉ dấu chắc chắn cho thấy chính quyền ông Bush sẵn sàng cung cấp một khoản tiền khổng lồ cho công việc này.(BBC)