Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Vị Đô trưởng Rôma mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng đột ngột từ chức

Đô trưởng Ignazio Marino của Rôma đã đột ngột từ chức vào ngày 9 tháng 10, sau một loạt các cáo buộc có hành vi sai trái về tài chính.

Marino được bầu làm Đô trưởng Rôma vào năm 2013. Ông đã phủ nhận đã có những việc làm sai trái và nói rằng ông đã bị tố cáo bất công vì chiến dịch của mình nhằm loại bỏ tham nhũng trong chính quyền của thành phố.

Tuy nhiên, ông đã bị mất đi sự ủng hộ chính trị từ nhiều phía. Chỉ một tuần trước đây, báo chí tại Rôma đã rộ lên những báo cáo cho thấy ông Marino có những mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong bối cảnh đó, tờ il Giornale trong bài Dagospia: “Monsignor Parolin ha chiesto le dimissioni di Marino” cho rằng theo sau những cáo buộc liên quan đến những sai trái về tài chính của Marino, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã kêu gọi ông này từ chức.

Tờ Quan Sát Viên Rôma nhận xét rằng việc từ chức của Đô trưởng Ignazio Marino khiến thành phố Rôma rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, chỉ vài tuần trước khi khai mạc Năm Thánh. Người ta thi nhau đưa ra những đồn đoán liên quan đến chuyện này, nhưng tờ báo cho biết “có một điều chắc chắn nhất, đó là Rôma không đáng phải chịu như thế”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một cuộc trao đổi với các phóng viên trên chuyến bay từ Philadelphia trở về Rôma vào ngày 27 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng một ngôn ngữ thẳng thừng để bác bỏ những báo cáo cho rằng Marino, người đã có mặt tại Đại hội thế giới của gia đình, đã đến Philadelphia theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng.

Ngài nói:

“Tôi đã không mời ông đô trưởng. Tôi nói như thế đã rõ ràng chưa?” Ngài còn nói thêm là các nhà tổ chức các sự kiện ở Philadelphia cũng đã không mời Marino.

Căng thẳng giữa Marino và Vatican đã hình thành và lớn dần vì sự hỗ trợ của vị đô trưởng này cho việc công nhận pháp lý “hôn nhân” đồng tính.

Tuy nhiên, các quan chức Vatican thường tránh xung đột với các quan chức địa phương. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Tòa Thánh và thành phố Rôma sẽ tạo ra những ảnh hưởng mạnh vào những tháng tới, khi hàng triệu khách hành hương đổ về Rôma dự Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Khó khăn trong quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng và thị trưởng Rôma đã được thấy rõ khi một đài phát thanh Italia gọi một cú điện thoại giả cho Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Giả vờ là Thủ tướng Ý Matteo Renzi, người gọi hỏi Đức Tổng Giám Mục về những căng thẳng giữa Đức Giáo Hoàng và đô trưởng Rôma. Đức Tổng Giám Mục Paglia nói rằng Marino “muốn lợi dụng” các cuộc họp tại Philadelphia để đẩy mạnh nghị trình phò đồng tính của mình, và điều này “thực sự gây khó chịu” cho Đức Giáo Hoàng.

Agence France-Presse cũng đã tung ra một câu chuyện trong đó trích thuật Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Marino “chỉ giả vờ là một người Công Giáo.” Tuy nhiên, AFP không cho biết đó là nguồn gốc của lời trích dẫn này.

2. Một Tổng Giám Mục Syria nói: Chính sách của Mỹ khiến cho khủng bố Hồi Giáo IS tăng trưởng không ngừng

Hôm 8 tháng 10, trong cuộc gặp gỡ giới báo chí bên lề Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Thượng Phụ Youssif III Younan, Giáo Chủ Công Giáo Syria có trụ sở ở Liban, than phiền rằng:

“Chúng tôi bị các nước Tây phương lãng quên và thậm chí bị phản bội. Dường như các nước ấy, Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu Châu, theo chính sách xu thời về kinh tế, đang lãng quên các nhóm dân thiểu số, nơi nảy sinh đức tin và nền văn hóa Kitô”.

Bình luận về lời nhận xét này, Đức Cha Jacques Hindo, Tổng Giám Mục Hassake-Nisibis nói thêm với Asia-News rằng: “Chính sách của Mỹ đã đóng góp vào sự tăng trưởng của nhà nước Hồi giáo.”

Đức Tổng Giám Mục Jacques Hindo, là người sống rất gần với những mặt trận đang diễn ra tại Syria, giải thích rằng các cuộc không kích của Mỹ đã gây thiệt hại nhiều cho chính phủ Syria, chứ không phải cho là quân khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria. “Vấn đề không phải là ủng hộ hay chống lại chính phủ, nhưng mọi người không bao giờ tin vào các cuộc tấn công của người Mỹ”.

Chính phủ Bashar al-Assad thường than thở Mỹ tuy không dội bom trực tiếp vào quân chính phủ Syria nhưng thả bom chặn đường tiến công của họ, và trong nhiều trường hợp còn thả bom chặn đường triệt thoái gây hoảng loạn cho quân chính phủ Syria và khiến họ bị thương vong nặng nề. Những cáo buộc như thế thực ra không thể kiểm chứng một cách độc lập được.

Đức Cha Jacques Hindo nhận xét thêm rằng “Các cuộc tấn công của không quân Nga gần đây đã buộc các lực lượng Hồi giáo phải rút lui. Can thiệp của Mạc Tư Khoa đang đem lại những hệ quả rất tích cực”.

3. Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem kêu gọi người dân bình tĩnh trưóc nguy cơ Intifada lần thứ ba.

Đức Thượng Phụ Fouad Twal đang ở Rôma tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình đã ra một thông cáo kêu gọi người dân tại Thánh Địa bình tĩnh sau khi dải Gaza cũng đã bị lôi cuốn vào cuộc xung đột bắt đầu từ hôm 3 tháng 10 tới nay.

Các nhóm Do Thái và Hồi Giáo cực đoan đã đâm chém lẫn nhau tổng cộng 15 vụ gây cho hàng chục người chết và kích động những cuộc biểu tình, những vụ tấn công ném đá vào cảnh sát và binh lính Do Thái. Tình trạng bạo lực có nhiều khả năng dẫn đến một cuộc Intifada lần thứ ba.

Xung đột đã bắt đầu diễn ra tại Gaza hôm thứ Sáu 9 tháng 10 dọc theo biên giới với Israel khiến 9 người Palestine bị bắn chết.

Sáng Chúa Nhật, một thiếu niên 13 tuổi tên là Ahmad Sharake đã bị quân Do Thái bắn chết tại khu vực Tây Ngạn. Để trả thù, một người Ả rập sinh sống trong phần đất của Do Thái đã lao xe hơi vào 2 binh lính Do Thái và cán qua người họ. Vụ tấn công này khiến cho một nữ quân nhân Israel 19 tuổi bị thương trầm trọng và một nam quân nhân khác bị thương nhẹ.

Trong đêm Chúa Nhật, Hamas bắn 2 hỏa tiễn vào thủ đô Tel Aviv, một hỏa tiễn rơi vào cánh đồng trống, hỏa tiễn còn lại bị quân Do Thái bắn trúng ngay trên không. Do Thái đánh trả bằng cách không kích vào dải Gaza làm một thiếu phụ đang mang thai và đứa con gái 2 tuổi của bà bị thiệt mạng.

Trong thông cáo, Đức Thượng Phụ viết:

“Lo ngại sâu xa trước làn sóng bạo lực gần đây nào đang thổi qua Israel và Palestine, Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem lên án các biến cố đẫm máu của những ngày vừa qua và sự leo thang đáng sợ mà chúng họ có khả năng mang lại.

Mức độ nghiêm trọng của tình hình mời gọi tất cả các bên liên quan, Israel và Palestine, hãy thể hiện sự can đảm của mính và quay trở lại bàn đàm phán, phải được tiến hành trên nền tảng vững chắc và hợp lý, theo đúng các quy định của các nghị quyết Liên Hợp Quốc”

4. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi chống nạn buôn bán ma túy và buôn người.

Trong một diễn văn hôm 08 tháng 10 tại Liên Hợp Quốc về vấn đề tội phạm, Đức Tổng Giám mục Bernard Auza, đại diện thường trú của Tòa Thánh tại trụ sở New York, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có những quyết tâm mới nhằm chống lại nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp và buôn người.

Đức Cha Bernard Auza nói:

“Lạm dụng ma túy bất hợp pháp phá hủy các cấu trúc xã hội của từng gia đình, di căn đến cộng đồng, và cuối cùng dẫn đến sự mất ổn định của xã hội dân sự”.

Trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô, trong diễn từ ngài nói trong cuộc gặp gỡ các quan chức thực thi pháp luật chống ma túy quốc tế, ngài nói: “Ma túy là một sự ác, và với cái ác chúng ta không thể đầu hàng hay thỏa hiệp.”

Đức Tổng Giám Mục nói tiếp rằng Tòa Thánh “không thể nào diễn tả cho hết nỗi buồn vô hạn và sự quan tâm của mình về sự gớm ghiếc của nạn buôn người.”

5. Kinh Thánh được dịch sang tiếng bản địa của người da đỏ

Với sự chấp thuận của Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ, Kinh Thánh đã được dịch sang ngôn ngữ Tzotzil, là tiếng bản địa của người Maya, với dân số từ 350,000 đến 400,000 người, chủ yếu sống ở tiểu bang Chiapas của Mễ Tây Cơ.

Đức Giám Mục phó Enrique Diaz Diaz của San Cristobal de Las Casas đã dâng thánh lễ bằng tiếng Tzotzil tại thị trấn Zinacantán vào ngày 7 tháng 10 để tạ ơn nhân dịp này.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, có khoảng 7 triệu người Maya đang sống tại Mễ Tây Cơ, Guatemala, Honduras và Belize.

6. Hội Đồng Giám Mục Ghana kêu gọi bảo vệ ký giả Anas Aremeyaw Anas

“Đây không phải là lần đầu tiên đứa con ưu tú này của đất nước đã làm cho quốc gia chúng ta phải chú ý đến sự lộng hành của nạn hối lộ thâm căn và tình trạng tham nhũng trong đời sống công cộng và xã hội nhưng, cho đến nay, đây là một trong những báo cáo đã đánh thức tất cả chúng ta từ giấc ngủ mê và là một báo cáo sẽ được nhắc đến trong nhiều năm sắp tới”.

Các Giám Mục Ghana đã nói như trên về bài phóng sự của ký giả Anas Aremeyaw Anas trong đó phơi bày tình trạng tham nhũng kinh hoàng trong ngành tư pháp quốc gia. Ít nhất 29 thẩm phán đã bị câu lưu; một số đã bị sa thải, bị đình chỉ chức vụ, và một số có lẽ sẽ phải ngồi tù.

Các Giám Mục Ghana nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng:

“Chúng tôi tin rằng vụ bê bối này đã tạo ra tất cả sự chú ý của công luận bởi vì nó liên quan đến ngành tư pháp là cánh tay thứ ba của chính phủ và là nền tảng xây dựng một quốc gia dân chủ, văn minh và đại nghị”.

Các Giám Mục khuyến cáo các nhà chức trách, cảnh sát và các phương tiện truyền thông phải tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề này. “Chúng tôi đảm bảo với quý vị những lời cầu nguyện của chúng tôi. Chúng tôi rất hài lòng với các bảo đảm của ngành Cảnh sát Ghana là họ đang đưa ra sự bảo vệ cần thiết về an ninh cho Anas Aremeyaw Anas và đội ngũ của anh và cầu nguyện rằng việc bảo vệ và bảo mật tương tự cũng sẽ được mở rộng cho gia đình và người thân của họ”.

Các Giám mục Ghana đã lên án tình trạng tham nhũng tràn lan trong thời gian gần đây như là một mối đe dọa đối với quốc gia.

7. Chuyến tông du Hoa Kỳ của Đức Thánh Cha Phanxicô đem lại nhiều cảm tình của người dân Mỹ với Công Giáo

Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết 65% những người không Công Giáo tại Hoa Kỳ bày tỏ cảm tình với Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến tông du của ngài tại Hoa Kỳ từ 22 đến 27 tháng Chín vừa qua. Những người này cũng bày tỏ cảm tình với đạo Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng thứ Tư đến thăm Hoa Kỳ.

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên thăm Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1965.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Hoa Kỳ 7 lần. Lần đầu là vào ngày 10 tháng Giêng năm 1979 và lần cuối là vào ngày 26 tháng Giêng năm 1999.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thăm Hoa Thịnh Đốn và New York trong thời gian từ 15 đến 20 tháng Tư năm 2008.

14% những người không Công Giáo cho biết họ không thích Đức Thánh Cha Phanxicô, trong khi 21% nói rằng họ không thể đưa ra lời bình luận nào ngài.

8. Giáo Hội địa phương hoan nghênh quyết định của chính phủ bang Maharashtra, Ấn Độ cấm một vở kịch bài xích Công Giáo

Các tổ chức Công Giáo và giáo quyền địa phương đã lên tiếng ca ngợi một quyết định của chính phủ bang Maharashtra, Ấn Độ cấm diễn vở kịch “Agnes of God” – Anê của Thiên Chúa - để tránh xúc phạm người Công Giáo địa phương.

Bộ trưởng về các vấn đề dân tộc thiểu số trong chính quyền bang là ông Eknath Khadse đã ra lệnh cấm diễn vở sau khi nhận được những phản đối từ một nhóm Công Giáo.

Trong tâm tình bài bác các tôn giáo thiểu số, được thủ tướng Narendra Modi của đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata ủng hộ, vở kịch “Agnes of God” đã được chào đời trong đó hư cấu câu chuyện một nữ tu trẻ có thai, sinh con và giết chết đứa bé nhằm mục đích xuyên tạc các giáo huấn Công Giáo, bôi lọ Giáo Hội và kích động các tâm tình thù hận tôn giáo.

9. Người ta có quyền tự do ngôn luận nhưng không có quyền sỉ nhục tôn giáo

Phát biểu tại một cuộc thảo luận do Nghị Viện Châu Âu bảo trợ với chủ đề “Đấu tranh chống thù hận Do Thái Giáo và Hồi giáo ở châu Âu”, một giám mục Hà Lan lên tiếng chống lại những hành vi xúc xiểm tôn giáo đang rộ lên tại châu Âu.

“Tất nhiên, người ta có quyền tự do ngôn luận, kể cả phê bình, diễu cợt và thể hiện nghệ thuật, nhưng người ta không có quyền xúc phạm hoặc làm tổn hại người khác”, Đức Cha Theodorus Hoogenboom, Giám mục phụ tá tổng giáo phận Utrecht, đại diện cho Ủy ban các Hội đồng Giám mục Cộng đồng châu Âu, viết tắt là COMECE, đã cho biết như trên tại cuộc thảo luận.

Ngài nói thêm:

“Cần phải bác bỏ cái mà nhiều người mặc nhiên coi là 'quyền' được sỉ nhục các cộng đồng tôn giáo hoặc các thành viên của các cộng đồng ấy, cũng như niềm tin và các biểu tượng thánh thiêng của họ.”