Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức quốc mừng 25 năm thống nhất

Đức đã đánh dấu một phần tư thế kỷ thống nhất hôm 3 tháng 10, với hai nhà lãnh đạo sinh trưởng ở phần phía đông trước đây là cộng sản đang lãnh đạo đất nước hướng đến sự khẳng định vai trò quan trọng trên chính trường châu Âu.

Lễ mừng thống nhất diễn ra trong bối cảnh quốc gia với nền kinh tế đứng hàng đầu châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức mới trước một làn sóng tị nạn đòi hỏi nhiều tài nguyên và sự kiên nhẫn.

Radio Vatican có bài tường thuật sau của ký giả Stefan Bos:

Với những cảm xúc lẫn lộn người Đức đã mừng ngày thống nhất 03 tháng 10 năm 1990. Đó là đỉnh cao của một quá trình kéo dài gần 11 tháng trước đó khi các nhà lãnh đạo cộng sản Đông Đức phải mở bức tường Berlin dưới áp lực của các cuộc biểu tình khổng lồ.

Sự khác biệt giữa Đông và Tây đã dần bị xóa nhòa, nhưng một số bất bình đẳng vẫn tồn tại ngay cả ở thời điểm này. Tuy nhiên, thủ tướng Angela Merkel, người đã lớn lên ở phần phía đông và bước vào chính giới khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, là một biểu tượng hùng hồn cho sự hội nhập hoàn toàn giữa Đông và Tây. Theo lời bà “mọi thứ đều tốt. Rất nhiều người hăng hái và bắt đầu tìm hiểu việc làm mới, xã hội mới”

Tuy nhiên, lễ mừng thống nhất năm nay đã diễn ra trong bối cảnh quốc gia thống nhất này giờ đây đang phải đối mặt với những căng thẳng gây ra từ một làn sóng những người tị nạn chưa từng thấy, nhiều người trong số họ chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria.

Bộ trưởng Nội vụ Đức đã chỉ trích những gì ông nói là một “thiểu số” những người tị nạn ngang ngược đang gây ra rắc rối về chính sách chỉ định nơi cư trú cho họ.

Thomas de Maizière nhấn mạnh trên truyền hình Đức rằng đa số những người di cư chấp nhận các nơi cư trú chỉ định bởi nhà chức trách Đức. “Trước mùa hè năm nay, những người tị nạn tỏ ra biết ơn khi được ở đây với chúng ta. Họ hỏi cảnh sát ở đâu, các chính quyền địa phương ở đâu, họ sẽ được chuyển đến nơi nào”.

“Bây giờ có rất nhiều người tị nạn tin rằng họ có thể chỉ định cho mình nơi cư trú, họ rời khỏi các trại tiếp cư của chúng ta, kêu taxi và, đáng kinh ngạc là tiêu tiền đi du lịch hàng trăm cây số qua các lãnh thổ Đức, rồi tổ chức các cuộc biểu tình vì họ không thích chỗ ở và gây rắc rối vì họ không thích các thức ăn”.

Nhận xét của ông được đưa ra trong khi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng về cuộc khủng hoảng này trong lòng người Đức. 51 phần trăm người Đức cho biết họ lo lắng về tương lai trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người tị nạn. Ba tuần trước đó chỉ có 38 phần trăm tỏ ra bất an như vậy.

25 năm sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và thống nhất đất nước, Đức bây giờ đang tiếp nhận 800,000 người tị nạn chỉ nội trong năm nay.

2. Hội Đồng Giám Mục Đức gặp gỡ thủ tướng về vấn đề người tị nạn

Cũng liên quan được vấn đề người tị nạn, tuần qua, Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Angela Merkel để thảo luận về cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu.

Đức Hồng Y Marx cho biết về lý do cuộc họp này như sau:

“Không ai có quyền phủ nhận các quyền cơ bản của người tị nạn. Bất cứ ai làm đơn xin tị nạn phải nhận được một quy trình hợp lý và nhanh chóng. Đó là yêu cầu của chúng tôi.”

3. Tổng thống Ghana nói chiếc xe Fiat tí hon của Đức Giáo Hoàng là một biểu tượng mạnh mẽ

Tổng thống John Dramani Mahama của Ghana đã nói với các nhà lãnh thế giới rằng họ có thể học được nhiều “bài học mạnh mẽ” từ sự đơn giản của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài chọn đi trên một chiếc xe Fiat 500L tí hon trên các đường phố của New York, Hoa Thịnh Đốn và Philadelphia trong chuyến tông du Hoa Kỳ vừa qua.

Đức Thánh Cha trở thành tiêu điểm chú ý của thế giới sau khi rời khỏi máy bay ở Maryland trong một chiếc xe hơi màu đen Fiat nhỏ bé. Lối sống đơn giản của ngài, bất kể chức vụ đang nắm giữ, đã gây sự chú ý của Tổng thống Ghana John Dramani Mahama.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 70, tổng thống Mahama nói cử chỉ khiêm tốn của Đức Giáo Hoàng để lại một “hình ảnh khó quên” về ngài.

“Năm nay chúng ta đã có một Đại hội đồng rất có hiệu quả. Chúng ta đã thông qua các mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta đã thảo luận xem làm thế nào có thể thành lập hệ thống y tế ổn định, chúng ta đã có một hội nghị thượng đỉnh về việc gìn giữ hòa bình, và cũng đã thảo luận về các phương án đối phó với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Chúng ta sẽ giữ trong ký ức mình nhiều kỷ niệm đẹp khi trở về quê hương, nhưng đối với tôi những hình ảnh đáng chú ý nhất, gây ấn tượng rất lớn đối với tôi trong những ngày đầu của cuộc gặp gỡ này là chiếc xe của Đức Giáo Hoàng.”

“Thật là ngoạn mục khi thấy Đức Giáo Hoàng được chào đón bởi những đám đông khổng lồ và thật là xúc động khi thấy ngay cả các quan chức chính phủ cũng rơi lệ; nhưng không có gì ngoạn mục hơn khi thấy ngài bước vào và được chở đi qua các đường phố của New York trong một chiếc Fiat 500L tí hon. Đó là một ẩn dụ tuyệt vời cho thời đại chúng ta đang sống, và một bài học mạnh mẽ về những thay đổi nhất định chúng ta phải thực hiện khi đối đầu với một tương lai đang thay đổi quá nhanh chóng của chúng ta”

Tổng thống Mahama nói thêm: “Có một cảm giác kỳ lạ của tình đoàn kết mà tôi cảm thấy với chiếc xe bé nhỏ này khi tôi thấy nó đang lướt qua các đường phố, bao quanh và bị mất hút trong đám đông các xe thể thao khổng lồ đa dụng. Nó nhắc nhở tôi về hoàn cảnh của cái gọi là ‘các quốc gia đang phát triển’ trong mối quan hệ của chúng tôi với các quốc gia giàu có, to lớn, thành đạt hơn của cái thế giới này. Có cái cảm giác được bảo vệ, nhưng cũng có cái cảm thức rõ rệt bị áp đảo; bị dẫn đường; và cả cái cảm thức bị đe dọa không được đi chệch ra khỏi một lộ trình đã được chỉ định.”

“Tuy nhiên, trên tất cả những điều đó, điều đánh động tôi là tính hiện đại của thời điểm này. Sự tồn tại của hành tinh của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta tiếp cận thế nào với các khía cạnh tính hiện đại này. Nó đòi hỏi chúng ta phải xác định lại mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên và nhận ra rằng chúng ta chỉ là một phần của một hệ sinh thái lớn hơn. Cuối cùng chúng ta phải nhận thức được rằng chính chúng ta là những người phụ thuộc vào thiên nhiên, chứ không phải là điều ngược lại.”

Tổng thống cho biết châu Phi đang có những dấu chỉ rất đáng khích lệ. Ông nói:

“Trong những năm gần đây có những dấu chỉ ló dạng ở châu Phi đã tạo ra niềm hy vọng lớn lao và những kỳ vọng rất cao. Nhiều quốc gia châu Phi đã chấp nhận dân chủ. Bầu cử tự do và công bằng đã trở thành một một hiện tượng xuất hiện thường xuyên trên châu lục này. Một số quốc gia châu Phi đang nhìn thấy sự tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế và nhiều biện pháp hợp lý hơn đã thành công trong việc giảm thiểu tình trạng nghèo đói ở châu lục này.”

4. Hung Gia Lợi đóng cửa biên giới với Croatia

Chính phủ Hung Gia Lợi cho biết họ đang chuẩn bị đóng cửa biên giới với Croatia để ngăn cản người di cư, như đã làm trong tháng Chín với Serbia, bất chấp cam kết trước đó rằng chính phủ Hung Gia Lợi sẽ tham khảo ý kiến với cộng đồng quốc tế.

Cục trưởng của cục đặc nhiệm chống nhập cư do thủ tướng Viktor Orbán thành lập là ông János Lázár cho biết ông đã đề nghị thiết lập một hành lang quá cảnh qua Hung Gia Lợi. Dưới kế hoạch đó, những người di cư và tị nạn, có thể băng qua Hung Gia Lợi đến Áo trước và sau đó đi tiếp sang Đức. Tuy nhiên, cục trưởng János Lázár nói rằng “một hành lang thông qua Hung Gia Lợi cho người di cư và người tị nạn chỉ có thể được thiết lập sau khi Hung Gia Lợi đóng cửa biên giới với Croatia”.

Trước đó, thủ tướng Orbán cam kết sẽ tham khảo ý kiến với Liên Hợp Quốc và các nước khác về việc thiết lập một hàng rào chống người di cư dọc theo biên giới với Croatia.

Hung Gia Lợi đã làm một hàng rào cao bốn mét tương tự dọc theo 175 km biên giới với Serbia. Croatia đã lên án hành động này của Hung Gia Lợi, và nói rằng nước này không còn có thể đối phó với dòng người tị nạn, đang phải chiến đấu với nhiệt độ rất lạnh và thời tiết xấu đầy mưa bão khi vùng này đang bước dần sang mùa đông.

Cảnh sát Croatia nói hơn 90,000 người di cư đã đi qua Croatia để di chuyển về phía Tây Âu trong vòng chưa đầy hai tuần qua kể từ khi Hung Gia Lợi đóng cửa biên giới với Serbia.

5. Hội Đồng Giám Mục Nam Phi nói tham nhũng chính là tình trạng khẩn trương của đất nước

Hàng trăm ngàn người dân Nam Phi đã xuống đường từ ngày 30 tháng Chín đến nay trong các cuộc tuần hành chống tham nhũng. Tình trạng trầm trọng đến mức chính phủ đe doạ ban hành tình trạng khẩn cấp, Tuy nhiên, Đức Cha Abel Gabuza của Kimberley là chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi lặp lại những lời chỉ trích của ngài nhắm vào tổng thống Jacob Zuma của châu Phi và nói rằng tham nhũng mới chính là tình trạng khẩn trương của đất nước.

“Hùng biện thôi không đủ đâu, những can thiệp sắc bén mới là điều cần thiết”, Đức Cha Abel Gabuza đã nói như trên với thông tấn xã MISNA.

“Chúng tôi tin rằng chính quyền của đảng Công Nghị Quốc Gia Nam Phi thiếu nghiêm túc trong việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.”

6. Các Giám Mục Hoa Kỳ hoan nghênh những dự luật về môi sinh vừa được thông qua tại Quốc Hội Mỹ

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 01 tháng 10, hai ủy ban thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng hoan nghênh các sáng kiến của Quốc Hội liên quan đến những đạo luật mới về môi trường.

Những sáng kiến này bao gồm nghị quyết được đưa ra bởi Dân biểu Chris Gibson và một số thành viên khác của đảng Cộng hòa tại Hạ Viện nhằm thúc đẩy việc quản lý môi trường và nỗ lực giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu. Sáng kiến thứ hai là đạo luật American Energy Innovation được đưa ra bởi Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, cùng với nhiều thành viên đảng Dân chủ ở Thượng viện.

Đức Cha Oscar Cantu nói:

“Chúng tôi khuyến khích những sáng kiến này vì chúng sẽ kích thích đối thoại nhiều hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp bền vững. Điều đó có thể dẫn đến một thay đổi thực sự và lâu dài” .

Đức Tổng Giám mục Thomas Wenski thì nói:

“Các giám mục Hoa Kỳ hiệp nhất với Đức Thánh Cha trong lời kêu gọi bảo vệ sáng tạo. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: ‘Chúng ta cần một cuộc đối thoại bao gồm tất cả mọi người, trước các thách thức về môi sinh chúng ta đang trải qua, và đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.”

7. Giao tranh tại thủ đô Bangui. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha có thể phải hủy bỏ

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Cộng hòa Trung Phi có thể phải hủy bỏ vì điều kiện an ninh tại đây. Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi trong tháng Mười Một tới đây.

Tổng thống lâm thời Catherine Samba Panza đã phải cắt ngắn chuyến viếng thăm Liên Hiệp Quốc ở New York để cấp tốc trở về nước sau những cuộc giao tranh dữ dội ở thủ đô Bangui khiến ít nhất 36 người chết và hơn 30,000 người phải tản cư.

Bà Catherine Samba Panza cáo buộc phiến quân Séléka đã muốn cướp chính quyền bằng vũ lực.

Cộng hòa Trung Phi có 5,390,000 dân trong đó 25% là người Công Giáo sinh hoạt trong một tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Bangui và 8 giáo phận. Tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi là rất đáng lo ngại. Thật vậy, các diễn biến gần đây cho thấy quân Hồi Giáo Seleka đã được tăng viện bởi các nhóm khủng bố quốc tế đặc biệt là từ Cộng Hòa Chad, nơi dung thân của quân Séléka.

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã bùng lên từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm 2014 để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Từ tháng Hai năm 2014, quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad. Tuy nhiên, nhóm Hồi Giáo cực đoan này nhận được tăng viện cả về khí tài chiến tranh lẫn nhân sự và đã có khả năng trở lại gây chiến ngay tại thủ đô Cộng Hòa Trung Phi.

8. Rạn nứt giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và đô trưởng Ignazio Marino của Rôma.

Theo Catholic World News, trong một cuộc trao đổi với các phóng viên trên chuyến bay từ Philadelphia trở về Rome vào ngày 27 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng một ngôn ngữ thẳng thừng để bác bỏ những báo cáo cho rằng Marino, người đã có mặt tại Đại hội thế giới của gia đình, đã đến Philadelphia theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng.

Ngài nói:

“Tôi đã không mời ông đô trưởng. Tôi nói như thế đã rõ ràng chưa?” Ngài còn nói thêm là các nhà tổ chức các sự kiện ở Philadelphia cũng đã không mời Marino.

Căng thẳng giữa Marino và Vatican đã hình thành và lớn dần vì sự hỗ trợ của vị đô trưởng này cho việc công nhận pháp lý “hôn nhân” đồng tính.

Tuy nhiên, các quan chức Vatican thường tránh xung đột với các quan chức địa phương. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Tòa Thánh và thành phố Rôma sẽ tạo ra những ảnh hưởng mạnh vào những tháng tới, khi hàng triệu khách hành hương đổ về Rôma dự Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Khó khăn trong quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng và thị trưởng Rôma đã được thấy rõ khi một đài phát thanh Italia gọi một cú điện thoại giả cho Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Giả vờ là Thủ tướng Ý Matteo Renzi, người gọi hỏi Đức Tổng Giám Mục về những căng thẳng giữa Đức Giáo Hoàng và đô trưởng Rôma. Đức Tổng Giám Mục Paglia nói rằng Marino “muốn lợi dụng” các cuộc họp tại Philadelphia để đẩy mạnh nghị trình phò đồng tính của mình, và điều này “thực sự gây khó chịu” cho Đức Giáo Hoàng.

Agence France-Presse cũng đã tung ra một câu chuyện trong đó trích thuật Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Marino “chỉ giả vờ là một người Công Giáo.” Tuy nhiên, AFP không cho biết đó là nguồn gốc của lời trích dẫn này.

9. Hàng ngàn người tị nạn Hồi giáo đã xin rửa tội sang Kitô Giáo sau khi đến Đức

Theo nhật báo Ý Il Giornale, hàng ngàn người tị nạn Hồi Giáo đã xin được rửa tội sau khi đặt chân đến Đức. Tại Berlin, mục sư Gottfriend Martens báo cáo hơn 600 người Hồi giáo đã được rửa tội trong Giáo Hội Lutheran tại nhà thờ Ba Ngôi Thiên Chúa của mình; 50 người khác đang chuẩn bị lãnh Phép Rửa vào tháng Mười Một tới.

Trong khi đó tại Hanover, chỉ một giáo xứ Công Giáo thôi đã báo cáo rửa tội cho 2,000 người từ năm 2008 đến nay. Các linh mục cho biết nhu cầu được Rửa Tội đang tăng lên theo dòng người tị nạn.

Một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi liệu có phải người Hồi giáo tìm cách trở thành Kitô hữu vì hy vọng rằng sẽ được thuận lợi hơn trong việc mưu tìm sự chấp thuận đơn xin tị nạn của họ hay không.

Tuy nhiên, về mặt tư pháp, việc theo tôn giáo nào không ảnh hưởng đến quyết định cho hay không cho nhập cư ở Đức.