Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Món quà sau chuyến tông du của Đức Gioan Phaolô II dành cho người dân Cuba

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Cuba, chúng tôi xin thuật lại một câu chuyện liên quan đến cuộc tông du tới đảo quốc này của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cả hai vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Phanxicô đều ở tuổi 78 khi viếng thăm Cuba. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng người Ba Lan yếu hơn vào thời điểm đó sau khi đã ở ngôi Giáo Hoàng 20 năm. Bất chấp yếu đau, Ngài đã thăm bốn tỉnh và đọc 12 bài diễn văn.

Trong một bài nói chuyện, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “ Tôi không phản đối việc vỗ tay, vì khi anh chị em vỗ tay Giáo Hoàng có thể nghỉ một chút !”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã gặp gỡ chủ tịch Fidel Castro. Nhà lãnh đạo Cuba này đã chào đón Đức Giáo Hoàng tại sân bay, tham dự thánh lễ tại quảng trường Cách Mạng ở Havana, cũng như tiễn Đức Giáo Hoàng khi Ngài trở về Rôma.

Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, phát ngôn viên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết: “ Tôi nhớ lại buổi chiều hôm kết thúc chuyến tông du. Chúng tôi đang chờ ở sân bay. Castro đến và nói: ‘Tôi hiểu rõ giá trị tất cả những điều mà Đức Thánh Cha đã phát biểu tại đất nước này, mặc dù cả những điều mà tôi không thể đồng ý’. Đó là một cách nói rất tế nhị và lịch sự là cố nhiên ông ta không thể đồng ý với mọi điều mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn thay đổi.

Dù thế, sau chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Fidel Castro đã chấp nhận ít nhất là một yêu cầu thay đổi của ngài: Ngày 25 tháng 12 là ngày quốc lễ của đảo quốc này. Chuyến tông du đã trực tiếp làm nên sự thay đổi này và người dân Cuba vui sướng đón nhận điều đó.

2. Hàng trăm người chết và bị thương tại thánh địa Hồi Giáo Mecca

Những tai nạn gây ra cái chết của hàng trăm người Hồi Giáo tại Masjid al-Haram, đại đền thờ Hồi Giáo ở Mecca, xảy ra quá thường đến mức các cơ quan truyền thông ít còn hứng thú loan tải. Tuy nhiên, tai nạn vừa xảy ra hôm 10 tháng Chín là một ngoại lệ vì nó diễn ra ngay cả trước cuộc hành hương Hajj truyền thống hàng năm.

Một cơn bão mạnh đã lật đổ một cần cẩu xây dựng vào buổi chiều thứ Sáu giết chết ít nhất 107 người và làm bị thương 238 người khác, cục an ninh dân sự của Saudi Arabia cho biết như trên.

Hình ảnh và video trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy cần cẩu này đâm xuyên qua mái vòm đền thờ Hồi giáo và gây ra các hậu quả kinh hoàng, với các thi thể, các vũng máu và các mảnh kính vỡ tung toé mọi nơi.

Cần cẩu này sụp đổ chỉ 10 ngày trước khi bắt đầu cuộc hành hương Hajj hàng năm dự kiến sẽ mang 2 triệu người Hồi Giáo đến với thánh địa Mecca.

Masjid al-Haram là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất trên thế giới bao quanh Kaaba, một ngôi đền hình khối vuông nơi các tín đồ đi vòng tròn xung quanh.

Những thảm kịch tại Mecca trong ngày lễ Hajj không có gì lạ. Năm 2006, người ta chạy giẫm đạp lên nhau giết chết ít nhất 363 người. Sau khi ném đá vào một bức tường tượng trưng cho ma quỷ, những người hành hương bắt đầu chạy toán loạn như một phần trong nghi lễ này.

Hàng trăm người bị thiệt mạng trong những vụ chạy tán loạn như thế vào năm 2004 và 1998. Riêng năm 1990 có tới 1426 người thiệt mạng.

Hồi giáo đòi hỏi mọi người Hồi giáo lành mạnh về sức lực và tài chính phải thực hiện cuộc hành trình đến thánh địa Mecca ít nhất một lần trong cuộc đời mình.

Ngày lễ Hajj xảy ra vào tháng Dhul-Hijjah của Hồi Giáo, tức là hai tháng và 10 ngày sau khi tháng chay Ramadan kết thúc.

3. Trùm Mafia được ca tụng “công đức” trên đài truyền hình RAI

Một chương trình truyền hình của RAI, tổ hợp truyền hình lớn nhất của chính phủ Italia với doanh thu lên đến 2.4 tỷ Euro trong năm 2014, đã tạo ra một phản ứng tức giận nơi công chúng nước này.

Thị trưởng Ignazio Marino của Rôma đã công khai chỉ trích một chương trình truyền hình được phát sóng hôm 9 tháng 9 trong đó đặc biệt tập trung vào gia đình của một trùm Mafia vừa qua đời, làm sống lại một cuộc tranh cãi sôi nổi vì đám tang xa hoa của tên cướp này hồi tháng Tám vừa qua.

Ông Ignazio Marino kêu gọi chính phủ Ý mở cuộc điều tra đài này. Ông nói chương trình đặc biệt của đài RAI nhằm “tưởng nhớ” trùm Mafia Vittorio Casamonica, là “không thể chấp nhận, không xứng với một dịch vụ công cộng.”

Trong chương trình truyền hình nói trên, Vera Casamonica, con gái của người đã khuất, phủ nhận rằng cha cô đã tham gia vào các hoạt động tội phạm, và nói rằng ông ta đã rất được lòng người “vì cha tôi rất tốt lành, giống như Đức Giáo Hoàng Phanxicô vậy”

Đám tang của tên trùm đã diễn ra hôm 21 tháng 8 tại nhà thờ San Giovanni Bosco ở ngoại ô thành phố Rôma tưng bừng như một lễ phong thánh.

Trưóc mặt tiền nhà thờ, người ta treo một bức chân dung rất lớn của tên trùm Vittorio Casamonica, 65 tuổi, như người ta vẫn từng thấy Tòa Thánh treo hình các vị Thánh hay Chân Phước trong các buổi lễ phong thánh tại tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Bức hình còn có cả một dòng chữ rất ngạo mạn “Re di Roma” – nghĩa là “Vua Thành Rôma”.

Một biểu ngữ khác còn ngạo mạn hơn được chăng ngang cửa chính của nhà thờ:

“Bạn đã chinh phục được Rôma, bây giờ bạn sẽ chinh phục thiên đường”.

Sau một nghi lễ long trọng trong nhà thờ, quan tài được khiêng ra một đoàn xe đưa tang cực kỳ xa hoa như cảnh an táng một vua chúa thời trung cổ, nhưng còn huy hoàng hơn đám tang vua chúa vì có thêm một tiết mục mới không vua chúa thời xưa nào có được là cảnh những cánh hoa tulip rơi từ đoàn trực thăng xuống trong khi ban nhạc chơi các giai điệu chủ đề trong bài “The Godfather” mà người Việt thường dịch là Bố Già.

Tên trùm Vittorio Casamonica là một trong những nhà lãnh đạo của gia tộc Casamonica, đã bị buộc tội bắt cóc, tống tiền và buôn bán ma túy.

Giám mục phụ tá Rôma là Đức Cha Giuseppe Marciante giải thích với tờ Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Italia rằng “giáo xứ đã mất cảnh giác”.

4. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi người Mỹ chào đón người tị nạn Syria.

“Tôi kêu gọi tất cả người Công Giáo tại Hoa Kỳ và những người thiện chí khác thể hiện sự cởi mở và chào đón những người tị nạn, những người đang chạy trốn những tình huống tuyệt vọng chỉ mong được sống sót”.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra ngày 10 tháng 9.

Ngài nói:

“Bất kể tôn giáo hay nguồn gốc quốc gia của họ, những người tị nạn đều là những con người được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, mang phẩm giá vốn có, và xứng đáng được tôn trọng, chăm sóc và được pháp luật của chúng ta bảo vệ khi họ bị ngược đãi.”

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tố cáo Hoa Kỳ đã gần như phủi tay với cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Trong năm 2013, khi số người tị nạn Syria đã lên đến mức 2.5 triệu người, Hoa Kỳ chỉ chấp nhận cho 36 người được định cư tại Mỹ.

Cho đến giờ phút này, Hoa Kỳ mới chỉ cho định cư 1,434 người tỵ nạn Syria. Dưới sức ép của cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra tại Âu Châu, tổng thống Obama đã hứa sẽ nhận thêm trong tài khóa tới 10,000 người nữa.

Chương trình thâu nhận người tỵ nạn tại Mỹ chỉ cho phép 70,000 người trên toàn thế giới một năm – đây là một chỉ tiêu cố định nhiều năm nay rồi không hề thay đổi bất chấp những cuộc khủng hoảng người tỵ nạn trên thế giới.

5. Úc nhận thêm thêm 12,000 người tị nạn Syria

Nguyên Thủ tướng Tony Abbott hôm thứ Tư 9/9 đã thông báo rằng Úc sẽ chấp nhận thêm 12,000 người Syria từ những nhóm thiểu số bị đàn áp. Một từ ngữ cho thấy Úc sẽ nhận chủ yếu là các Kitô hữu.

Trước đó, ông cho biết Úc sẽ ưu tiên nhận những người tị nạn Syria nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi hạn ngạch 13,750 người đã được ấn định trước cho năm 2015.

Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các giáo xứ tại Âu Châu đón nhận người tị nạn, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher ra tuyên bố kêu gọi chính phủ Úc tăng hạn ngạch đón nhận người tị nạn và đặc biệt ưu tiên đón nhận các Kitô hữu vào Úc.

Ngài nói các Kitô hữu phải được đối xử đặc biệt vì sinh mạng của họ bị đe dọa nghiêm trọng trong sách lược “xua đuổi các Kitô hữu ra khỏi Trung Đông”.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục cho biết:

“Ngày hôm nay các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã viết thư cho Thủ tướng Tony Abbott và Bộ trưởng Nhập cư Peter Dutton bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với chính phủ trong bất kỳ cách thế nào có thể giúp tái định cư cho những người tị nạn. Do thiếu một giải pháp ngoại giao hay chính trị ngay lập tức để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria, chúng tôi mong chính phủ Úc vui lòng bổ sung cấp thời một hạn ngạch là 10,000 chỗ cho người tị nạn, đặc biệt cho những người chạy trốn khỏi Syria. Nếu được, thông qua Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, chúng tôi mong những người này có thể đặt chân đến Úc trước Giáng Sinh này”

Với quyết định đưa ra hôm thứ Tư, trong năm nay Úc sẽ nhận tổng cộng 25,750 người tị nạn.

Trong tuyên bố hôm thứ Tư, thủ tướng Úc cũng thông báo quyết định ném bom các vị trí của quân khủng bố Hồi Giáo IS tại Syria. Lực lượng không quân Úc đã ném bom các mục tiêu của quân khủng bố Hồi Giáo IS tại Iraq trong khoảng 12 tháng qua. Với quyết định mới này Úc hy vọng giúp chặn đứng đà tiến công của quân khủng bố Hồi Giáo IS trên lãnh thổ Syria.

6. Câu chuyện những người tị nạn Trung Đông

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng 9 tại quảng trường Thánh Phêrô trước hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các giáo xứ và các tổ chức Công Giáo trên toàn Âu Châu đón nhận người tị nạn.

Ngài nói:

“Đứng trước thảm trạng hàng chục ngàn người tị nạn trốn chạy cái chết vì chiến tranh và đói và họ đang hành trình tiến về cuộc sống hy vọng, Tin Mừng kêu gọi chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy trở thành “những người thân cận của những người bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi, mang lại cho họ một niềm hy vọng cụ thể. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến gần, tôi kêu gọi các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và Đền thánh ở toàn Âu Châu hãy biểu lộ sự cụ thể của Tin Mừng và đón tiếp một gia đình tị nạn. Đó là một cử chỉ cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi đan viện, mỗi đền thánh ở Âu Châu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ giáo phận Rôma của tôi.”

Một ngày sau đó, trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha lại nói tiếp:

“Anh chị em thân mến, lịch sử Thiên Chúa Giáo gắn liền với những cuộc bách hại. Hãy nhớ đến mối phúc cuối cùng trong Tám Mối Phúc Thật: [Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.] Nếu người ta tống cổ anh em ra khỏi hội đường, ngược đãi anh em, chửi rủa anh em, anh em hãy biết đó là số phận của một Kitô hữu.

Ngày nay cũng vậy, điều này xảy ra trước mắt thế giới, với sự im lặng đồng lõa của nhiều nhà lãnh đạo các cường quốc là những người có thể ngăn chặn điều đó.

Chúng ta đang đối mặt với số phận của người Kitô hữu, đó là đi trên cùng một con đường Chúa Giêsu đã đi qua”.

Những diễn biến này cùng với dòng người tị nạn tràn vào Âu Châu cho thấy tình hình các Kitô hữu tại Trung Đông đang ngày càng bi đát. Chúng tôi xin dành trọn phần còn lại của chương trình này để giới thiệu với quý vị và anh chị em một số nét về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn tại Âu Châu.

7. Tại sao quá nhiều người tỵ nạn rời bỏ những trại tạm cư?

Có một số lý do khiến những người tỵ nạn nhắm mắt liều mình đến Châu Âu (hay đến Úc Đại Lợi như trường hợp của những người ra đi từ Đông Nam Á; hoặc đến nước Mỹ như trường hợp những di dân từ những nước Trung Mỹ). Lý do thứ nhất là vì những cuộc khủng hoảng tại chính quê hương họ đã quá nguy hiểm, kéo dài quá lâu trước sự thờ ơ của thế giới đến mức hy vọng trở về được mái nhà xưa lụi tàn trong lòng người tỵ nạn. Lý do khác là vì dù có đến được những trại tạm cư, nhưng chính tại đó những nguy hiểm vẫn phủ lên đầu họ và một tương lai mong manh chờ đón họ và gia đình khi phải bị giam giữ nhiều năm tại những nơi tạm cư đó.

Mùa hè năm nay, Cộng Đồng Châu Âu, Hoa Kỳ và Kuwait đã lần lượt cam kết trợ cấp 1.2 tỷ, 507 triệu và và 500 triệu để giúp đỡ những người tỵ nạn. Điều đó thật là tốt, nhưng vẫn còn xa lắm mới đạt đến nhu cầu thực sự là 5 tỷ rưỡi mà Liên Hiệp Quốc nói rất cần cho những người tỵ nạn này, chưa kể đến 2.9 tỷ cho những người Syrian phải bỏ nhà cửa ngay bên trong nước Syria của họ. Kết quả là, những trại tiếp đón đều đã quá tải và không đủ sức cung cấp những nhu cầu cần thiết cho người tỵ nạn. Chính điều đó đã làm cho người tỵ nạn sống tại đó phải chịu đựng thời tiết lạnh lẽo, đói khát, và làm mồi cho những bệnh tật huỷ diệt họ.

Thế là, hàng trăm ngàn người đã hướng về Châu Âu, đa số băng qua biển Địa Trung Hải trên những con thuyền mong manh kể cả những chiếc xuồng thể thao bằng cao su nhỏ bé. Những phương tiện ấy không thể dùng để đi biển. Vì thế thảm kịch là chuyện thường xảy ra. Cơ quan Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ước lượng là có tới 2,500 người đã bỏ xác trong mùa hè vừa qua khi cố gắng dùng thuyền vượt biển.

8. Cuộc phiêu lưu trở nên nguy hiểm vì những nước giàu có cố gắng làm nản lòng người tỵ nạn

Những quốc gia giàu có với những cố gắng đẩy người tỵ nạn ra khỏi bờ biển của họ đã rất tích cực lẩn tránh những chính sách có thể giúp làm cho những chuyến phiêu lưu của người tỵ nạn bớt nguy hiểm hơn. Chính việc này đã gây thêm những hiểm nguy cho người tỵ nạn. Mùa thu năm ngoái, nước Anh chẳng hạn, đã cắt bớt việc tài trợ cho những chiến dịch tìm kiếm và cứu trợ mang tên Mare Nostrum. Trong quá khứ, những chiến dịch này đã cứu được khoảng 150,000 người mỗi năm. Họ lý luận rằng chiến dịch cứu trợ như thế sẽ khuyến khích thêm ngườì vượt biển. Chính phủ Ý cũng chấm dứt chiến dịch cứu trợ này vào tháng 11 vừa qua. Kể từ đó, chương trình Frontex của Châu Âu đã đảm trách công việc này nhưng họ chỉ thực hiện những cuộc tuần tiễu cách biên giới khoảng 30 dặm và hoàn toàn không thực hiện nhiệm vụ tìm-và-cứu người tỵ nạn.

Kết quả có thể tiên đoán được là khoảng chừng 2,500 người đã bỏ mạng trên đường trốn chạy tính đến mùa hè vừa qua. Đây hoàn toàn không phải là một tại nạn. Đó là kết quả của những chính sách mà các nước Châu Âu đã đưa ra để đẩy lui người tỵ nạn.

Ngay bên trong lục địa Âu Châu, nhiều nước đang cố gắng giới hạn người tỵ nạn để họ không vượt qua được biên giới vào nước họ. Hung Gia Lợi đã thiết lập những hàng rào kẽm gai có gắn những lưỡi dao cạo dọc biên cương với Serbia trong một cố gắng ngăn chặn người tỵ nạn vào Châu Âu bằng đường bộ. Hungary cũng đưa ra những luật lệ mới kết án những ai phá hỏng hay băng qua những hàng rào kẽm gai đó. Và họ đã qui định sẽ phạt tù tới ba năm những ai vượi biên giới một cách bất hợp pháp. Chính phủ Hung Gia Lợi cũng cho tạm ngưng những chuyến xe lửa đến nước Đức trong một cố gằng rõ ràng là làm nản lòng những ai dùng Hung Gia Lợi như một quốc gia trung chuyển để tìm đường tỵ nạn chính trị tại nước Đức.

9. Liên Hiệp Âu Châu trước làn sóng người tỵ nạn

Đa số những quốc gia giầu có nhất trên thế giới, từ lâu lắm rồi, đã không ngừng từ chối người tỵ nạn và chỉ chịu chấp nhận một lượng người tỵ nạn ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được. Kết quả là, cho đến giờ phút này, khi mà cuộc khủng hoảng vượt qua tầm kiểm soát, họ vẫn chưa có một kế hoạch nào để ổn định tình hình, và cũng chẳng có một thoả thuận nào về việc phải chia sẻ gánh nặng này ra làm sao.

Cấu trúc Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt không phù hợp với vấn đề này. Trên lý thuyết, Châu Âu phải cùng chung lưng giải quyết, tức là phải hành động như một quốc gia đoàn kết. Nhưng, trên thực tế, đa số những quốc gia thành viên Châu Âu không muốn chia sẻ trách nhiệm của họ. Kết quả là, đa số những người tỵ nạn bị mắc kẹt trong hai hay ba quốc gia mà thôi, đến nỗi những nước này chẳng bao lâu tràn ngập người tỵ nạn. Điều này thật bất công cho những quốc gia này cũng như tồi tệ với người tỵ nạn.

Một phần của tình trạng này là qui luật của Châu Âu có tên là Qui luật Dublin. Theo qui luật này, người tỵ nạn bắt buộc phải ở lại tại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân tới cho đến khi đơn xin tỵ nạn của họ được xét duyệt xong. Về lý thuyết, qui luật này là một phương cách ngăn không cho người tỵ nạn nộp đơn hết quốc gia này đến quốc gia khác cho đến khi có một quốc gia nào đó sẵn sàng chấp nhận họ. Nhưng trên thực tế, chính qui luật này đã khiến hàng ngàn người tỵ nạn phải ở lại Hy Lạp và Italia, đơn giản là vì hai nước này là nơi những chiếc thuyền của họ dễ cập bến nhất khi băng qua Địa Trung Hải. và nhiều quốc gia Châu Âu cũng sử dụng qui luật này để đẩy gánh nặng người tỵ nạn cho hai quốc gia ấy.

Nước Đức, vì muốn làm gương, gần đây đã đồng ý tạm ngưng áp dụng Qui Luật Dublin đối với người tỵ nạn Syria. Hiện nay, họ được phép nộp đơn xin tỵ nạn trực tiếp tại Đức Quốc. Nhưng phần lớn Châu Âu vẫn không muốn theo chân sự lãnh đạo đầy đạo đức này của nước Đức.

Hoa Kỳ, về phần mình đã phủi tay với cuộc khủng hoảng. Cho đến giờ phút này, họ mới chỉ cho định cư 1,434 người tỵ nạn Syria và đã hứa là sẽ nhận thêm vài ngàn người nữa… trong tương lai. Chương trình thâu nhận người tỵ nạn tại Mỹ chỉ cho phép 70,000 người trên toàn thế giới một năm – đây là một chỉ tiêu cố định nhiều năm nay rồi không hề thay đổi bất chấp những cuộc khủng hoảng người tỵ nạn trên thế giới.

10. Thống kê của Tòa Thánh về Giáo Hội tại Cuba và Hoa Kỳ

Trước thềm chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha đến Cuba và Hoa Kỳ, hôm thứ Hai 14 tháng 9, Văn phòng Thống kê Trung ương Tòa Thánh đã công bố các số liệu thống kê liên quan đến Giáo Hội Công Giáo ở hai nước này được cập nhật cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2013.

Cuba, với diện tích rộng 110,861 km2, có dân số là 11,192,000 người, trong đó có 6,775,000 người Công Giáo, tương đương với 60.5 phần trăm dân số. Giáo Hội tại Cuba hiện nay có 11 giáo phận hay những miền giám quản tông tòa với 283 giáo xứ và 2,094 trung tâm mục vụ. Hiện tại, đất nước này có 17 giám mục, 365 linh mục, 659 tu sĩ nam nữ, và 4,395 giáo lý viên.

Có 85 chủng sinh đang theo học tại chủng viện Havana và nước ngoài. Giáo Hội có 6 trung tâm giáo dục Công Giáo, từ mầm non đến đại học. Về các trung tâm bác ái và xã hội thuộc Giáo Hội, được điều hành bởi các giáo sĩ hay tu sĩ, Giáo Hội hiện có 173 bệnh viện và phòng khám, một nhà dưỡng lão cho người già và những người tàn tật, một nhà cho trẻ mồ côi, và ba trung tâm đặc biệt cho những người cai nghiện và các tệ nạn xã hội khác .

Hoa Kỳ, với diện tích lên đến 9,372,616 km2, có 316,253,000 dân, trong đó có 71,796,000 người Công Giáo, chiếm 22.7 phần trăm dân số. Trong 196 giáo phận, có 18,256 giáo xứ và 2,183 trung tâm mục vụ.

Giáo Hội tại Hoa Kỳ hiện có 457 giám mục, 40,967 linh mục, 55,390 tu sĩ nam nữ, 381,892 giáo lý viên và 5,829 chủng sinh.

Giáo Hội có 11,265 trung tâm giáo dục Công Giáo, từ mầm non đến đại học. Về các trung tâm bác ái và xã hội, Giáo Hội tại Hoa Kỳ có 888 bệnh viện và phòng khám, hai trung tâm dành cho người bị bệnh phong, 1,152 trung tâm dành cho người già hoặc người tàn tật, 1,090 trẻ mồ côi, 981 trung tâm tư vấn gia đình và một số đông đảo các trung tâm khác phò sinh, và 4,295 trung tâm đặc biệt dành cho việc giáo dục nhằm tái hội nhập vào xã hội.

11. Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Syria cáo buộc Hoa Kỳ gây hỗn loạn tại nước này

Canada Catholic News cho biết người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Syria nói rằng sự hỗ trợ quân nổi dậy Syria của Hoa Kỳ, Anh, và Pháp không khác gì là “xúi giục bạo loạn” tại Syria “với chiêu bài của một thứ mùa xuân Ả Rập”. Chính sách này không ngăn chặn được quân khủng bố Hồi Giáo IS nhưng tạo điều kiện cho chúng giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác trong bối cảnh quân chính phủ Syria phải đương đầu cùng một lúc với nhiều kẻ thù.

Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph III Yonan đang thực hiện một chuyến viếng thăm mục vụ tại Ottawa, cáo buộc rằng quan điểm của phương Tây về “một thứ quân nổi dậy được hiện đại hóa và văn minh” nhằm lật đổ chế độ Assad là một “huyền thoại”.

Hôm 18 tháng 9 năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch lên đến 500 triệu đôla của ông Obama nhằm cung cấp vũ khí và huấn luyện “phiến quân theo chủ trương ôn hòa” ở Syria.

Các “phiến quân theo chủ trương ôn hòa” này trong thực tế lại gia nhập vào quân khủng bố Hồi Giáo IS đặc biệt trong những tình huống như khi bị lạc mất đơn vị hay khi bị quân chính phủ Syria đánh bại.

Đức Thượng Phụ nêu câu hỏi: “Các phiến quân đã được cung cấp vũ khí. Bây giờ thì sao nào? Quân Daesh (chỉ quân khủng bố Hồi Giáo IS) càng ngày càng vững mạnh, càng tiến nhanh như vũ bão”.

Như để xác nhận nhận định của Đức Thượng Phụ Yunan, hôm thứ Ba 15 tháng 9, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói tại quốc hội nước này: “Ngay giờ phút này đây, quân Daesh đang giành được những chiến thắng đáng kể. Tôi nghĩ đặc biệt đến những gì đang diễn ra trong khu vực Aleppo”.

Bình luận về việc tổng thống Pháp Francois Hollande cho máy bay thám thính trên không phận Syria, và triển vọng Pháp cho máy bay không kích quân khủng bố Hồi Giáo IS không chỉ tại Iraq như hiện nay mà còn cả tại Syria, Đức Thượng Phụ nhận định rằng các cuộc không kích không đem lại hiệu quả bởi vì các chiến binh Daesh lẫn vào trong dân thường, lấy họ làm bia đỡ đạn.

12. Khả năng xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với Fidel Castro và với Vladimir Putin

Trong cuộc họp báo sáng thứ Ba 15 tháng 9, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết là có khả năng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Fidel Castro trong chuyến thăm Cuba.

Một cuộc họp với các nhà độc tài Cuba đã nghỉ hưu không được liệt kê theo dự định ban đầu của Đức Thánh Cha, nhưng chương trình đã rất dày đặc của ngài có thể được sửa đổi một chút vào giờ chót để bao gồm thêm một vài biến cố nữa.

Khi được hỏi là liệu Đức Thánh Cha sẽ dành thời gian cho một cuộc họp với các nạn nhân bị lạm dụng tính dục trong thời gian ngắn ngủi của mình tại Mỹ, theo gương của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, cha Lombardi đã không trả lời trực tiếp. Tuy nhiên, ngài cho biết là các phương tiện truyền thông sẽ được thông báo nếu một cuộc họp như thế được sắp xếp.

Trả lời một câu hỏi về những đồn thổi cho rằng Đức Thánh Cha sẽ gặp tổng thống Nga Vladimir Putin tại New York về tình hình tại Syria và Ukraine, cha Federico Lombardi cho biết chưa có một dự trù nào về một cuộc gặp gỡ như thế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gây ra những phản ứng sửng sốt sau các nguồn tin theo đó Nga đã gởi quân sang Syria nhằm tránh nguy cơ sụp đổ của chính quyền Bashar Assad sau hàng loạt những thất bại quân sự gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon nói với các phóng viên tại Tel Aviv hôm 10 tháng 9 rằng những nguồn tin tình báo của Isarel cho biết các cố vấn quân sự, kỹ thuật viên và nhân viên an ninh Nga đã đến Syria trong những ngày gần đây, với mục tiêu chính là thiết lập một căn cứ không quân gần thị trấn ven biển Latakia.