Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tòa Thánh công bố danh tính các vị tham gia trong Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới

Sáng thứ Ba 14 tháng 9, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố danh tính tất cả những thành viên tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa thường lệ kỳ thứ 14, bắt đầu vào ngày 4 tháng 10.

Trong danh sách này, Tòa Thánh đã cho biết danh tính của các vị Hồng Y, Giám Mục chủ tọa các phiên họp thượng hội đồng và các tham dự viên được đề cử bởi các Giám Mục của hơn 100 quốc gia.

Về phía Giáo Hội Việt Nam, hai nghị phụ chính thức là Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc của Tổng giáo phận Sàigòn, cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc.

Danh sách mới, và đầy đủ này bao gồm đại diện của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, các vị đứng đầu các cơ quan thuộc giáo triều, các dự thính viên giáo dân, và 45 vị đã được đích thân Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời.

Trong số những vị được đích thân Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời có các Đức Hồng Y Angelo Sodano, Christoph Schönborn, Walter Kasper, và Luis Antonio Tagle.

2. Sứ điệp ngày thế giới các bệnh nhân

Sáng thứ Ba 15 tháng Chín, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Tòa Thánh đã công bố sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Ngày Quốc Tế các Bệnh Nhân 11 tháng 2 năm 2016 với đề tài: “Tín thác nơi Chúa Giêsu từ bi như Mẹ Maria: Bất cứ gì Ngài nói với anh em, hãy cứ làm như vậy”.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha trả lời cho câu hỏi mà nhiều người bệnh, đặc biệt là bệnh nặng, thường đưa ra “Tại sao lại là tôi?” Bệnh tật khiến cho chúng ta bị khủng hoảng và dễ bị cám dỗ rơi vào thất vọng và nổi loạn, vì nghĩ rằng đã mất mọi sự. Nhưng chính trong những lúc như thế đức tin vén mở cho chúng ta thấy tiềm năng tích cực của bệnh tật. Đức tin không làm cho bệnh tật hay khổ đau biến mất, nhưng cung cấp cho chúng ta một chìa khóa đọc hiểu, qua đó có thể khám phá ra ý nghĩa sâu xa của sự sống con người. Và Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, là “chuyên viên sự sống”, trao ban chìa khóa đó cho chúng ta, giúp chúng ta tiến tới gần Chúa Giêsu hơn.

3. Đức Thánh Cha tiếp 400 thành viên Phong Trào Tu Đức Gia Đình Equipes Notre Dame

Đức Thánh Cha khích lệ các gia đinh kitô dấn thân trợ giúp và thương xót các gia đình bị thương tích, hay bị thất bại trong hôn nhân, cũng như mạnh mẽ chống lại các thực dân ý thức hệ.

Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ như trên trong buổi tiếp kiến 400 thành viên phong trao tu đức gia đình “Équipes Notre Dame” sáng ngày mùng 10 tháng 9 vùa qua. Ngài khẳng định rằng các cặp vợ chồng và các gia đình kitô thường ở trong các điều kiện tốt hơn để loan báo Chúa Giêsu Kitô cho các gia đình khác, để nâng đỡ, củng cố và khích lệ các gia đình khác. Đó cũng là lý do của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình sẽ khai diễn tại Roma trong vài tuần nữa. Mục đích là để Giáo Hội suy tư với nhiều chú ý hơn về cuộc sống của các gia đình, là các tế bào nòng cốt của xã hội và của Giáo Hội, và chúng đang bị đe dọa trong bối cảnh văn hóa khó khăn ngày nay.

Đức Thánh Cha đã mời gọi các gia đình của phong trào chủ động trong công tác truyền giáo, bằng cách làm chứng, loan báo, thông truyền, điều mà Chúa làm cho họ sống trong sự thân tình của tổ ấm gia đình, với các vui buồn và khổ đau trong sự phong phú nhân bản và tinh thần, để lôi kéo người khác bước đi trên cùng con đường ấy.

Sứ mệnh này đặc biệt quan trọng vì hình ảnh của gia đình như Chúa muốn, bao gồm một người nam và một người nữ cho thiện ích của hai người và của việc sinh con cái và giáo dục chúng, nhưng bị méo mó do các dự án quyền lực được nâng đỡ bởi các thực dân ý thức hệ. Chính vì thế cần có các hành động cụ thể và óc sáng tạo luôn canh tân để tiếp đón, đào tạo và đồng hành với các cặp vợ chồng trẻ, trước và sau khi cưới nhau. Đặc biệt cần gần gữi các gia đình bị thương tích vì nhiều lý do: thiếu công ăn việc làm, nghèo túng, vấn đề sức khỏe, tang chế, lo lắng vì con cái, mất quân bình vì xa cách hay vắng mặt, bầu khí bạo lực vv… Chúng ta phải có can đảm tiếp xúc với các gia đình đó một cách kín đáo nhưng quảng đại trên bình diện vật chất cũng như nhân bản và tinh thần trong các hoàn cảnh bị thương tích của chúng.

Chúng ta hãy là dụng cụ lòng thương xót của Chúa và của Giáo Hội đối với người thất bại trong hôn nhân. Một cặp vợ chồng hiệp nhất và hạnh phúc có thể hiểu hơn bất cứ ai khác, từ bên trong, vết thương và nỗi khổ đau gây ra bởi một sự bỏ rơi, phản bội hay một thất bại của tình yêu. Ngoài ra cũng không được quên nỗi khổ đau không thể tả được của các trẻ em phải sống các hoàn cảnh gia đình đớn đau này và trợ giúp chúng.

4. Dự luật cho phép trợ tử bị đánh bại ở Hạ Viện Anh với đa số áp đảo

Sau 5 tiếng đồng hồ tranh luận sôi nổi, hôm thứ Sáu 11 tháng 9, dự luật cho phép trợ tử đã bị đánh bại ở Hạ Viện Anh với đa số áp đảo 212 tren 118 phiếu.

Dự luật này sẽ cho phép các bác sĩ kê toa một liều độc dược gây tử vong, để bệnh nhân của họ sau đó có thể sử dụng để tự tử. Dự luật này đã bị phản đối kịch liệ bởi hàng giáo phẩm Công Giáo.

Đây là lần thứ hai dự luật cho phép trợ tử được đưa ra thảo luận và bị đánh bại ở Hạ Viện Anh. Một dự luật tương tự, được đưa ra trước Quốc hội vào năm 1997, đã bị đánh bại bởi một tỷ số thậm chí còn vang dội là 234-89.

Một tháng trước, Lord Carey, cựu Tổng giám mục Canterbury, đã gây sửng sốt cho hàng lãnh đạo của Giáo Hội Anh khi nói rằng việc bác sĩ hỗ trợ tự tử có thể là “một điều phù hợp sâu sắc tinh thần Kitô giáo và hoàn toàn hợp đạo đức.”

Lord Carey, người từng là lãnh đạo khối hiệp thông Anh giáo toàn thế giới từ năm 1991 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2002, nói rằng ông vững tin là người ta có thể đề ra những biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng an tử hợp pháp hóa để buộc những người già phải chết. Tuy nhiên, Lord Carey không đưa ra được những cơ sở cho tin tưởng này của ông.

5. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Serbia, bàn về cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Âu Châu

Sáng thứ Sáu, 11 tháng 9, tại điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha đã tiếp ông Tomislav Nikolic, tổng thống nước Cộng hòa Serbia.

Trong các cuộc thảo luận thân mật, hai vị đã bày tỏ sự hài lòng về các mối quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Serbia. Hai vị đã xem xét các vấn đề cùng quan tâm liên quan đến mối quan hệ giữa Giáo Hội và cộng đồng dân sự, đặc biệt là cuộc đối thoại đại kết và sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho lợi ích chung của xã hội Serbia.

Hai vị cũng đã bàn về những tiến bộ của Serbia theo hướng tích hợp đầy đủ trong Liên minh châu Âu, cũng như các tình huống khác nhau có tính chất khu vực và quốc tế, bao gồm điều kiện của người tị nạn Syria và Iraq và những người di tản khác trên thế giới, cũng như tầm quan trọng của việc thúc đẩy một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện tại.

Tổng thống Tomislav Nikolic sau đó đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.

6. Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Kuwait

Hôm 10 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp hoàng thân Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabah, Thủ tướng Cộng Hòa Kuwait.

Trong các cuộc thảo luận thân mật, những chủ đề đa dạng hai bên cùng quan tâm đã được xem xét, trong đó có sự đóng góp tích cực của thiểu số Kitô hữu cho xã hội Kuwait. Các bên cũng tập trung vào tầm quan trọng của giáo dục trong việc thúc đẩy một nền văn hóa của sự tôn trọng và chung sống hòa bình giữa các dân tộc và tôn giáo.

Vị hoàng thân thủ tướng sau đó đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.

Một bản ghi nhớ giữa phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Bộ Ngoại giao của Nhà nước Kuwait đã được ký bởi Đức Tổng Giám Mục Paul R. Gallagher và hoàng thân Sabah Khalid Al-Hamad Al-Sabah, phó thủ tướng thứ nhất và kiêm bộ trưởng Ngoại giao Kuwait.

Trong bản ghi nhớ này, các bên cam kết tăng cường củng cố các quan hệ song phương để đẩy mạnh sự hợp tác, cổ vũ hòa bình và ổn định khu vực và quốc tế.

7. Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu kêu gọi đón nhận người tị nạn

Các Giám Mục trong Uỷ ban thường vụ Liên Hội đồng Giám mục châu Âu, gọi tắt là COMECE, đã đưa ra một tuyên bố về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra tại lục địa này.

Tuyên bố được đưa ra hôm 9 tháng Chín có đoạn viết:

“Những dòng người tị nạn tràn vào châu Âu đang đặt các quốc gia trên lục địa của chúng ta trước những thách đố rất lớn. Tuy nhiên, những thách đố này có thể được vượt qua, nếu chúng ta, những người châu Âu, xem xét những vấn đề này như một trách nhiệm được chia sẻ và hợp tác để giải quyết hợp lý.”

Các Giám Mục lên tiếng phàn nàn nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Âu, đã tìm cách thoái thác đón nhận người tị nạn viện cớ là thiếu các tài nguyên. Các ngài nói “trong thực tế, một số quốc gia đang tìm cách thoái thác hoàn toàn trách nhiệm của họ. Đó là điều không thể chấp nhận. Trên tất cả mọi sự, Liên minh châu Âu được thành lập dựa trên sự liên đới của toàn thể các quốc gia châu Âu với nhau. Vấn đề tị nạn là một thách đố chung, và do đó đòi hỏi một giải pháp chung toàn châu Âu. “

Các Giám Mục nói thêm:

“Trong những tuần gần đây, chúng tôi thật xúc động trước tinh thần đoàn kết và sự giúp đỡ mà rất nhiều người châu Âu đã thể hiện trong việc đón tiếp những người tị nạn. Chúng tôi cảm ơn tất cả những ai đã dấn thân để đảm bảo rằng những người tị nạn được tiếp nhận với tình nhân loại và với sự ấm áp trong tình bác ái Kitô - bất kể là cuối cùng tư cách tị nạn của họ có được công nhận hay không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm thấy buồn trước tình trạng gây sách nhiễu và thù hận đối với người tị nạn ở nơi này, nơi khác. Chúng tôi mạnh mẽ phản đối điều này.”

8. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lên tiếng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng nồng nhiệt khen ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican.

Đức Thánh Cha, theo dự trù sẽ phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 25 tháng 9 tới đây.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nói: “Đức Giáo Hoàng là một người khiêm tốn và nhân bản, là là một tiếng nói đạo đức, và là người có mục đích. Riêng tại thời điểm này, khi thế giới đang trải qua nhiều cuộc xung đột, với hàng loạt những vấn đề như người tị nạn, di dân, vi phạm nhân quyền, thay đổi khí hậu, chúng ta thực sự cần một tiếng nói đạo đức mạnh mẽ như tiếng nói của Đức Giáo Hoàng”.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết thêm khi Đức Thánh Cha nói chuyện tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 25 tháng 9 tới đây, sẽ có hơn 150 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ trên thế giới đang có cuộc họp tại đó.

Ông nhận xét rằng:

“Bạn không thể mong đợi bất kỳ cuộc gặp gỡ nào có ý nghĩa hơn và quan trọng hơn của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Đức Giáo Hoàng. Tôi rất biết ơn sự lãnh đạo đầy lòng cảm thương của Đức Giáo Hoàng cho hòa bình và tình nhân loại”.

9. Điện tặc liên tục tấn công các Web sites của Vatican

Edward Lucas, tác giả cuốn “Cyberphobia” bàn về những hoạt động phá hoại của điện tặc trên không gian mạng trong bài “A click away from meltdown” đăng trên tờ Catholic Herald hôm 11 tháng Chín năm 2015 cho biết là các điện tặc đã liên tục tấn công các Web sites của Vatican

Ông đưa ra một số chi tiết như sau:

“Những cuộc tấn công gần đây vào Vatican đã diễn ra vào tháng Tư, khi Đức Thánh Cha Phanxicô dùng từ ‘diệt chủng’ để mô tả vụ tàn sát người Armenia của Đế Quốc Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915. Điều này khiến nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa quốc gia quá khích, là những người kịch liệt phản đối việc sử dụng ngôn ngữ này, khởi động một chiến dịch tấn công theo kiểu ‘từ chối dịch vụ vì quá tải’ mà từ chuyên môn gọi là DdoS attack”.

Vatican không bình luận về hệ thống an ninh mạng của mình, trong các cuộc họp báo thực sự với các ký giả hoặc trên mạng. Nhưng tất cả những dấu hiệu cho đến nay chứng tỏ rằng hệ thống phòng thủ của Vatican nhằm chống lại các cuộc tấn công tinh vi là tuyệt vời. Một báo cáo về các cuộc tấn công của công ty bảo mật máy tính Imperva cho thấy những kẻ tấn công đã cố gắng nhiều lần để đánh sập các Web site của Tòa Thánh nhưng đã thất bại. Các cuộc tấn công ban đầu xảy ra trùng với chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tới Madrid vào tháng 8 năm 2011 nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Các điện tặc đã cố tung những videos mà chúng đã đưa lên YouTube trước đó vào trang Web của Vatican nhưng thất bại. Phương án thứ hai của chúng là đánh sập trang Web quảng bá sự kiện Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid cũng không thành công.

Internet đã mang lại cho Giáo Hội một phương tiện tuyệt vời để truyền đi thông điệp của mình. Nhưng nó cũng mang lại cho những kẻ thù một phương thế chưa từng có để tấn công Hội Thánh.

10. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các đại diện ngân hàng tín dụng hợp tác xã Rôma

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ ngân hàng tín dụng hợp tác xã Rôma tiếp tục theo đuổi các mục tiêu cao quý nhân bản hóa kinh tế, thăng tiến công ích, chú ý đến các nhu cầu của các gia đình và giới trẻ.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến Hội đồng quản trị, các thành viên cộng tác, nhân viên và gia đình Ngân hàng tín dụng hơp tác xã Roma sáng 12 tháng 9, nhân kỷ niệm 60 thành lập. Ngài khẳng định rằng Giáo Hội hiểu biết giá trị của các tổ chức hợp tác xã, vì nhiều hợp tác xã đã do chính các linh mục và giáo dân dấn thân thành lập theo tinh thần liên đới kitô. Thông điệp Laudato si’ cũng nêu bật giá trị của chúng trong lãnh vực năng lượng có thể canh tân và nông nghiệp (LS 179-180).

Đức Thánh Cha đã lập lại một số khích lệ ngài đã đưa ra khi tiếp Liên hiệp các hợp tác xã Italia hồi tháng hai năm nay: tiếp tục là động cơ phát triển phần yếu kém nhất của các cộng đoàn địa phương và xã hội dân sự, đặc biệt nghĩ tới người trẻ thất nghiệp và thăng tiến việc tái sinh các doanh nghiệp hợp tác xã; chủ động trong việc đề nghị và thực hiện các giải pháp mới cho việc trợ cấp xã hội bắt đầu từ lãnh v vực y tế; lo lắng cho tương quan giữa kinh tế và công bằng xã hội bằng cách duy trì phẩm giá và giá trị của con người; tạo dễ dãi và khích lệ cuộc sống gia đình, đề nghị các giải pháp hợp tác xã và hỗ tương cho việc điều hành các tài sản chung, không thể chúng trở thành tư sản của một ít người và đối tượng của nạn đầu cơ; thăng tiến việc sử dụng tiền bạc với mục đích liên đới và xã hội, theo kiểu của hợp tác xã đích thật, nơi tư bản không chỉ huy con người nhưng con người chỉ huy tư bản; gia tăng nền kinh tế liêm chính: anh chị em không chỉ được mời gọi liêm chính – đây là điều bình thường – nhưng phổ biến và làm đâm rễ sự liêm chính trong toàn môi trường; sau cùng là tham gia tích cực vào việc toàn cầu hóa tình liên đới.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Mỗi hợp tác xã đều được mời gọi áp dụng các đường lối này vào sứ mệnh chuyên biệt của mình. Thách đố lớn nhất là phát triển mà vẫn luôn là một hợp tác xã. Làm ngân hàng là một nghề tế nhị, đòi hỏi sự nghiêm khắc. Nhưng một ngân hàng hợp tác xã còn cần một cái gì hơn nữa: đó là tìm nhân bản hóa kinh tế, hiệp nhất sự hữu hiệu với tình liên đới. Ngoài ra con có một từ quan trọng khác: đó là từ “phụ đới”. Anh chị em đã thực thi điều này trong cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế, bằng cách hiệp nhất các sức mạnh, giải quyết các vấn đề với sức riêng của mình và với tinh thần trách nhiệm, không trở thành gánh nặng cho các cơ cấu quốc gia.

Tôi cũng được biết là ngân hàng tín dụng hợp tác xã của anh chị em hay làm việc thiện và tương trợ. Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục truyền thống tốt đẹp này và luôn lấy con người, giới trẻ và các gia đình làm trọng tâm. Ngân hàng trung ương có thể là hạt nhân của một mạng lưới lớn, giúp nảy sinh ra các xí nghiệp tạo công ăn việc làm và trợ giúp các gia đình, qua vốn đầu tư nhỏ và các phương thức khác nhằm nhân bản hóa nền kinh tế. Anh chị em là Ngân hàng trung ương của Roma, nhưng vòng hoạt động cũng trải dài ra trong toàn vùng Lazio và cả vùng Abruzzo nữa. Tôi cầu chúc anh chị em trung thành thực thi sứ mệnh hợp tác xã tín dụng của anh chị em, với óc sáng tạo, niềm vui và sư trung thực nhằm phục vụ công ích.

11. Đức Thánh Cha khích lệ các tu sĩ dòng Claret kiên trì thờ lậy Chúa, liên lỉ bước đi và đồng hành với dân Chúa trong cuộc sống ơn gọi.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong buổi tiếp các tu sĩ Claret đang tham dự tổng tu nghị tại Roma sáng ngày 11 tháng 9 vừa qua. Trong bài huấn dụ nói buông ngài tâm sự rằng ngài có phúc vì có một vài người bạn là tu sĩ Claret. Người ta gặp các tu sĩ Claret khắp nơi, và nhiều vị là các thần học gia và chuyên viên giáo luật nổi tiếng. Đức Thánh Cha nói diễn văn đã dọn sẽ được Đức Tổng Giám Mục Ganswein trao cho các tu sĩ, ngài chỉ muốn nói với các vị 3 từ có thể giúp các vị sống ơn gọi của mình : “thờ lậy, bước đi và đồng hành”.

Trong thế giới hữu hiệu ngày nay chúng ta đã đánh mất đi ý nghĩa của việc thờ lậy, và cả trong việc cầu nguyện nữa. Dĩ nhiên, chúng ta cầu nguyện, chúc tụng, xin ơn và cảm tạ Chúa, nhưng quên thờ lậy Ngài. Thờ lậy Chúa là ở trước Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Duy Nhất, vô giá, không thể thương thuyết, không thể đổi được. Mọi sự ở ngoài Ngài là “giấy bìa bắt chước”, là ngẫu tượng.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Cần phải cố gắng lớn lên trong thái độ thờ lậy này. Thờ Lậy Thiên Chúa. Nó là điều thiếu trong Giáo Hội hiện nay, vì thiếu sư phạm. Thờ lậy Thiên Chúa là giới răn đầu tiên trong Thánh Kinh : « Hãy thờ lậy Thiên Chúa duy nhất. Con không có Thiên Chúa nào khác. Đó là Đấng Duy Nhất con phải tôn thờ. Việc « mất thì giờ này », không xin, không cám ơn, cũng không chúc tụng, chỉ thờ lậy thôi với linh hồn phủ phục. Tôi không biết tại sao tôi nói với anh em điều này, nhưng nó đến từ tận đáy tim tôi.

Từ thứ hai : bước đi. Thiên Chúa không thể tự thờ lậy chính mình, nhưng Thiên Chúa đã muốn bước đi. Ngài đã không muốn ở yên. Ngay từ dầu Ngài đã bước đi với dân Ngài. Đoạn kinh thánh của ông Môshê thật đẹp : « Anh em hãy nghĩ coi: đã có dân tộc nào có Thiên Chúa gần gũi cùng bước đi với anh em không ? » Bước đi có nghĩa là rộng mở biên giới, đi ra, mở rộng cửa, và tìm các con đường. Đúng thật là cần phải tổ chức sự việc, và có những việc đòi buộc phải có đầu óc yên ắng, nhưng với linh hồn, với con tim và cái đầu phải bước đi và tìm kiếm. Đi ra biên giới: các biên giới của tất cả mọi loại, kể cả tư tưởng. Anh em là các nhà trí thức, hãy đi ra các biên giới, mở ra các con đường, tìm kiếm. Nghiã là không ở yên. Ai ở yên và không cử động thì hư thối: cũng như nước vậy, nước mà tù đọng thì sẽ thối, trong khi nước sông chảy thì không thối. Bước đi như Thiên Chúa đã bước đi, và trở thành bạn đường của hành trình. Chúa đã đồng hành với dân Ngài bằng cách gánh lấy cả tội lỗi, tha thứ và đồng hành… Bước đi, bước đi với ước muốn một ngày kia chiêm ngưỡng Ngài, chứ không phài để bảo đảm cuộc sống mình trong một dòng tu, hay có cuộc sống an lành vì không thiếu thốn gì… Bước đi, bước đi.

Từ thứ ba: đồng hành. Như thế không phải bước đi một mình, vậy thì buồn lắm. Nhưng đồng hành với dân : Thiên Chúa bước đi bằng cách đồng hành. Thật là hay đẹp khi nhớ lại cảnh Chúa Giêsu đã « giả vờ » với những người đang trốn khỏi Giêrusalem để về làng Emmaus : Ngài ở đó, đồng hành với họ, đồng hành với toàn tiến trình.

Đồng hành trong những lúc vui, đồng hành với hạnh phúc của các đôi vợ chồng, của các gia đình, đồng hành với họ trong những lúc khó khăn, trong những lúc của thập giá, trong những lúc của tội lỗi… Chúa Giêsu không sợ người có tội : Ngài tìm họ. người ta chỉ trích Ngài : « Ông này đi qúa trớn ; ông này thật bất cẩn » Đồng hành với dân chúng, đồng hành với biết bao nhiêu ước muốn, mà Chúa gieo vãi trong con tim và để cho chúng lớn lên một cách tốt đẹp. Tôi muốn nói với anh em điều đó: thờ lậy, bước đi và đồng hành. Nếu nó giúp anh em, thì hãy tiến tới. Tôi để nó trong tay anh em.

12. Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế Công Lý Môi Sinh và các thay đổi khí hậu

Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người, mọi chính quyền và tổ chức toàn thế giới góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng môi sinh và các thay đổi khí hậu. Ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến hàng trăm tham dự viên hội nghị quốc tế về “công lý môi sinh và thay đổi khí hậu”, do Hiệp hội phát triển có thể chịu đựng được tổ chức tại Roma trong các ngày này.

Đức Thánh Cha nói:

“Khí hậu là một thiện ích chung ngày nay đang bị đe dọa một cách trầm trọng: bằng chứng là các thay đổi khí hậu, hiện tượng hâm nóng toàn cầu và các tai ương thiên nhiên gia tăng. Đó là các để tài quan trọng cấp thiết lôi kéo sự chú ý của giới truyền thông, dư luận công cộng, các vị lãnh đạo chính trị và các nhà khoa học. Các thay đổi khí hậu tạo ra các hậu quả tai hại cho xã hội và khiến cho những người nghèo phải thiệt thòi và khổ đau nhiều nhất. Như đề tài của hội nghị nêu bật, vấn đề khí hậu là một vấn đề của sự công bằng và cũng là vấn đề liên đới nữa, hai vấn đề gắn liền nhau. Nó liên quan tới phẩm giá của từng người, như là các dân tộc và như là các người nam nữ.”

Ngài nói thêm:

Khoa học và kỹ thuật đặt trong tay chúng ta một quyền lực chưa từng có, và nhiệm vụ của chúng ta đối vớí toàn nhân loại và đặc biệt đối với người nghèo và các thế hệ tương lại là sử dụng nó cho thiện ích chung. Tuy có nhiều mâu thuẫn nhưng chúng ta có đủ các lý do để dưỡng nuôi hy vọng thành công trong nỗ lực này. Tuy nhiên, mỗi người được mời gọi đáp trả lại lời mời gọi ấy một cách riêng rẽ, trong môi trường gia đình, việc làm, trong lãnh vực kinh tế, nghiên cứu, xã hội dân sự và các cơ cấu. Mọi người đều được mời gọi góp phần để kết qủa là hoa trái của một công việc chung.

Trong Thông điệp ‘Laudato si’ tôi đã đề nghị như con đường duy nhất giúp đương đầu với các vấn đề của thế giới chúng ta và tìm ra các giải pháp thực sự hữu hiệu. Sự hiện diện của các giới chức tôn giáo, chính trị, kinh tế, khoa học trong nhiều lãnh vực và của các tổ chức quốc tế và các tổ chức dấn thân trong cuộc chiến đấu chống nghèo túng trong hội nghị nói lên tầm quan trọng ấy. Tôi xin mời gọi tất cả mọi người cố gắng để trong các bàn hội nghị tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội và môi sinh duy nhất và phức, tạp tiếng nói của những người nghèo nhất được lắng nghe, giữa các quốc gia và các bản vị con người: đây cũng là một bổn phận của công lý môi sinh.”

Đức Thánh Cha cầu mong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu và sư phát triển có thể chịu đựng nổi, nhóm tại Paris vào đầu tháng 12 này sẽ đạt được các thỏa hiệp môi sinh toàn cầu thực sự có ý nghĩa và hiệu quả. Cá nhân ngài và toàn Giáo Hội ủng hộ các nỗ lực này bắt đầu với điều không thể thiếu là lời cầu nguyện.

13. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các tân Giám Mục được chỉ định trong năm nay.

Sáng hôm 10 tháng 9 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tân Giám Mục được chỉ định trong năm nay 2015.

Ngài khuyến khích các vị hãy là các chủ chăn rao giảng Chúa Kitô phục sinh, là nhà sư phạm, hướng đạo tinh thần, giáo lý viên, chuyên viên dẫn tín hữu bước vào các mầu nhiệm và là nhà truyền giáo. Các Giám Mục là những người kế vị các Tông Đồ, và cũng như các Tông Đồ, đã sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh và ơn của Chúa Thánh Thần biến đổi cuộc đời mình, cho dù có các khước từ, bỏ trốn, và phản bội trong đời sống.

Trước con người thời nay hay quên lãng cuộc sống vĩnh cửu các Giám Mục phải luôn luôn khiêm tốn can đảm rao giảng Chúa Kitô phục sinh nhắc nhở cho con người biết số phận cao cả của con người được mời gọi sống yêu thương.

Đức Thánh Cha nói ngài không muốn làm cho các Giám Mục hoảng sợ vì các vị đang sống tuần trăng mật với Chúa, sau khi được chỉ định làm chủ chăn. Nhưng cũng không nên quên rằng thế giới ngày nay đầy các thách đố cam go và thê thảm như: hiện tượng toàn cầu hóa gia tăng cách biệt giữa con người; làn sóng di cư tỵ nạn ồ ạt; môi sinh bị de dọa vì bị khai thác một cách tàn bạo; phẩm giá con người bị xúc phạm, tương lai công ăn việc làm bấp bênh, nạn sa mạc hóa các tương quan, tinh thần vô trách nhiệm lớn mạnh, sự thờ ơ đối với ngày mai, thái độ khép kín sợ hãi, sự lạc hướng của biết bao nhiêu người trẻ và nỗi cô đơn của người già, và biết bao nhiêu vấn đề khác nữa…

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha chỉ muốn trao cho từng tân Giám Mục Niềm Vui Tin Mừng và xin các vị hãy là các mục tử sống chết vì đoàn chiên hao mòn vì săn sóc lo lắng cho Giáo Hội địa phương. Không có lãnh vực nào của cuộc sống con người bị loại trừ không được con tim mục tử chú ý. Trái lại phải lưu tâm tới mọi thực tại của đoàn chiên, gặp gỡ, rao giảng Lời Chúa và mời gọi mọi người truyền giáo. Các Giám Mục phải là các nhà sư phạm, các vị hướng đạo tinh thần và các giáo lý viên cừ khôi có khả năng cầm tay tín hữu và dẫn họ lên núi Tabor gặp Chúa và bước vào mầu nhiệm đức tin, chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa, xả thân đồng hành với họ lên núi, không để họ ở dưới đồng bằng và tế nhị giứp họ thanh tẩy đôi mắt để trông thấy Chúa. Niềm vui của vị mục tử lôi cuốn, gây hứng khởi và làm cho ngất ngây. Không có niềm vui Kitô giáo tàn lụi trong mệt nhọc. Các chủ chăn cũng phải săn sóc các linh mục của mình thế nào để các vị cũng lôi cuốn, thức tỉnh và giúp tín hữu và con người say mê Chúa. Nhiều người xa Chúa vì thất vọng bởi các lời hứa của niềm tin, hay con đường đạt đến xem ra quá đòi hỏi. Không ít người đóng sầm cửa lại vì các yếu đuối của các chủ chăn khiến họ kiếm tìm các niêm hy vọng ở nơi khác.

Các chủ chăn phải bắt được lộ trình của họ, không coi các khổ đau và thất vọng của họ là gương mù gương xấu, nhưng soi sáng cho họ với ngọn lửa khiêm tốn của đức tin nhưng có sức dãi toả, dành thời giở để gặp gỡ, nói chuyện và giảng giải cho họ như Chúa Giêsu làm với hai môn đệ trên đường về làng Emmaus, giúp họ nhận ra Chúa, để họ có sức mạnh trở về Gierusalem. Các Giám Mục cũng phải là những nhà truyên giáo, kiếm tìm những ai chưa biết Chúa Giêsu, đi theo họ, ngước nhìn họ, và mời họ xuống như Chúa Giêsu đã làm với ông Giakêu và biết lo lắng cho thiện ích và hạnh phúc đích thật của các anh chị em ở xa.

14. Đức Hồng Y Kurt Koch nói: tha thứ là trọng tâm của phong trào hiệp nhất các Kitô hữu.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã khẳng định như trên trong sứ điệp gửi hội nghị đại kết quốc tế ngày mùng 9 tháng 9 vùa qua. Hội nghị được tổ chức trong cộng đoàn đại kết Bose miền bắc Italia trong các ngày 9-13 tháng 9.

Trong sứ điệp Đức Hồng Y Koch nhấn mạnh rằng phong trào đại kết sẽ không hiện hữu và phát triển, nếu không có xác tín rằng các kitô hữu phải xin ơn tha thứ của Thiên Chúa và xin tha thứ cho nhau vì các chia rẽ họ đã gây ra trong Thân Mình Chúa Kitô. Giáo Hội Công Giáo đã chính thức dấn thân trong phông trào đại kết ngay từ đầu với lộ rình tha thứ. Đức Chân phước Phaolô VI đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong thời đại mới đã xin Thiên Chúa và người đương thời tha thứ cho Giáo Hội. Ngài đã làm điều này trong diễn văn khai mạc khóa hai của Công Đồng Chung Vaticăng II ngày 29 tháng 9 năm 1963.

Lời xin lỗi này liên quan tới sự chia rẽ giữa các kitô hữu. Ngài nói: “Nếu phải thú nhận vài lỗi lẫm nơi chúng ta vì sự chia rẽ này, thì với lời van nài khiêm tốn chúng tôi xin lỗi Thiên Chúa và chúng tôi xin lỗi các Anh em cho rằng họ đã bị chúng tôi xúc phạm. Riêng phần chúng tôi chúng tôi sẵn sàng hết lòng tha thứ cho các xúc phạm đến Giáo Hội Công Giáo và quên đi nỗi đớn đau gaay thương tích vì các cuộc tranh cãi và chia rẽ kéo dài” (6.6). Các lời can đảm chưa từng có này đã được các nghị Phụ lầy lại trong sắc lệnh Unitatis redingratio về đại kết: “Với lời cầu khiêm tốn, chúng tôi xin lỗi Thiên Chúa và xin lỗi các anh em chia rẽ, cũng như chúng tôi tha lỗi cho những kẻ nợ chúng tôi” (s. 7). Đôi khi chúng ta quên, nhưng đây là văn bản duy nhất của Công Đồng Chúng Vaticăng II trong đó các nghị Phụ xin lỗi công khai rõ ràng, cả khi các văn bản khác cũng nhắc tới các trách nhiệm của các kitô hữu trong các vấn đề liên quan tới các tương quan giữ khoa học và đức tin (GS, 36), việc nảy sinh ra chủ thuyết vô thần (s. 19) hay phong trào bài Do thái (s. 4).

Một năm sau, trong những ngày cuối cùng của Công Đồng, một cách chính xác là ngày mùng 7 tháng 12 năm 1965, việc xin lỗi này đã trở thành cụ thể trong cử chỉ chính thức của Đức Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Attenagora, xóa bỏ vạ tuyệt thông cho nhau có từ năm 1954. Đây là một cử chỉ “của sự công bằng và tha thứ cho nhau”, theo lời của tuyên ngôn chung của hai thủ lãnh Giáo Hội. Và trong dịp kỷ niệm 10 năm ký tuyên ngôn chung ấy ngày 14 tháng 12 năm 1975 Đức Phaolô VI sẽ dùng lần đầu tiên kiểu nói “thanh tẩy ký ức”, sẽ xuất hiện trong huấn quyền của Giáo Hội Công Giáo (AAS 68,1976,tr. 121). Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm biến cố lịch sử này là một trong các cử chỉ xây nền cho dấn thân đại kết của Giáo Hội Công Giáo. Tôi vui mừng vì dịp kỷ niệm này sẽ được cử hành vào đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Năm 2014 Hội nghị đại kết quốc tế về nền tu đức chính thống đã có đề tài là “Lòng thương xót và tha thứ”. Ban tổ chức đã không biết rằng chỉ ít tháng sau đó Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót. Khi lựa chọn đề tài này Cộng đoàn đại kết Bose đã chứng minh cho thấy sự sắc sảo tinh thần và khả năng đọc hiểu các dấu chỉ thời đại của mình, là một ơn thật quan trọng ngày nay.

Tha thứ là một thành phần nòng cốt của phong trào hiệp nhất các kitô hữu. Dấn thân đại kết thúc đẩy các cộng đoàn kitô hoán cải con tim: việc tìm kiếm hiệp nhất chắc chắn là một trong các kích thích mạnh mẽ nhất đối với lòng thương xót.

15. Bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các dân tộc vùng Trung Đông

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, ngoại trưởng Toà Thánh, kêu gọi cồng đồng quốc tế bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các dân tộc vùng Trung Đông, trợ giúp người tỵ nạn, giúp họ hồi hương, nghiêm chỉnh đương đầu với hiện tượng khủng bố và đối thoại liên tôn.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại hội nghị ở Paris về “Các nạn nhân của bạo lực chủng tộc và tôn giáo trong vùng Trung Đông” hôm mùng 8 tháng 9 vừa qua. Hội nghị do ông Laurent Fabius, ngoại trưởng Pháp và ông Nasser Judeh, ngoại trưởng Giordania tổ chức. Nhắc lại thảm cảnh hàng chục ngàn kitô hữu và tín đồ các tôn giáo hay chủng tộc thiểu số phải bỏ nhà cửa ruộng vườn chạy trốn và tìm nơi ẩn trú tại nơi khác trong các điều kiện tạm bợ với biết bao khổ đau thể lý và tinh thần, ĐC Gallagher nói đây là vấn đề liên quan tới các nguyên tắc nền tảng như: giá trị của sự sống, nhân phẩm, tự do tôn giáo và việc chung sống hòa bình giữa các con người và các dân tộc. Hiện tượng khủng bố bách hại này vẫn tiếp diễn với các vi phạm quyền con người và quyền nhân đạo quốc tế từ phía nhà nước Hồi cũng như các lực lượng tham chiến.

Vị đại diện Tòa Thánh đã đưa ra ba đề nghị giúp cải tiến tình hình thê thảm hiện nay. Thứ nhất, gây ý thức cho cộng đồng quốc tế để đương đầu với tình trạng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và bảo đảm các điều kiện an ninh tối thiểu cho các nhóm thiểu số và các cộng đoàn kitô. Cần cung cấp thực phẩm, nước uống, nhà ở và giáo dục cho người trẻ, công ăn việc làm và săn sóc sức khỏe cho các người di cư tỵ nạn trong toàn vùng Trung Đông. Trong số các thách đố phải đương đầu trước hết có việc tôn trọng các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Cần nhấn mạnh rằng quyền tự do tôn giáo cũng bao gồm quyền tự do theo tôn giáo mình muốn. Nó cũng bao gồm việc bào đảm cho tín hữu của mọi tôn giáo quyền tự do sống và tuyên xưng niềm tin của mình. Chính vì thế các quốc gia trong vùng Trung Đông cùng với cộng đồng quốc tế phải bảo vệ các quyền căn bản của kitô hữu và tín hữu các tôn giáo thiểu số khác.

Thứ hai, bảo đảm quyền của người tỵ nạn trở về quê hương và sống trong phẩm giá và an ninh. Phải biết rằng các kitô hữu và tín hữu các tôn giáo hay chủng tộc thiểu số khác không chỉ muốn được nhân nhượng, mà được coi như là các công dân có mọi quyền lợi và nghĩa vụ. Cần phải có các dụng cụ pháp luật thích hợp bảo đảm cho thực tại này.

Thứ ba, đương đầu với hiện tượng khủng bố phá hoại và tạo thuận tiện cho cuộc đối thoại liên tôn. Cần phải tìm ra các cơ cấu để khích lệ tất cả, đặc biệt bao gồm các quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, đối phó với nạn khủng bố một cách nghiêm chỉnh, và đặc biệt chú ý tới việc giáo dục trong các trường học. Để đạt điều này cần chú ý đên việc giảng dậy trong các trường học, sử dụng hệ thống thông tin liên mạng và qua nội dung các bài thuyết giáo của các vị lãnh đạo tôn giáo, làm sao để loại bỏ các thái độ qúa khích triệt để, nhưng trái lại thăng tiến đối thoại liên tôn và hòa giải. Ngoài ra, thế giới tây phương cũng nên cẩn thận trong việc dùng các kiểu nói và biểu lộ thế nào để tránh xúc phạm và khiêu khích các tâm tình của vài tôn giáo.

Đối thoại liên tôn là liều thuốc chống lại khuynh hướng tôn giáo qúa khích khiến cho các tôn giáo phải đau buồn. Các vị lãnh đạo các tôn giáo Do thái, Kitô, Hồi giáo có thể và phải năm giữ vai trò nền tảng là tạo thuận tiện cho việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa giáo dục sự hiểu biết nhau. Ngoài ra cũng cần tố cáo rõ ràng việc sử dụng tôn giáo để biện minh cho bạo lực. Bên cạnh đó cần thăng tiến việc tách rời tích cực và tôn trọng giữa tôn giáo và Nhà nước, phân biệt hai lãnh vực làm sao để mỗi bên tự trị và độc lập, mà không ngăn cản sự cộng tác cần thiết giữa hai bên, cùng hiện hữu nhưng không chống lại nhau nhờ sự đối thoại giữa các giới chức tôn giáo và chính trị trong việc tôn trọng các thẩm quyền của nhau.

16. Toà Thánh khích lệ các nước đã ký kết thỏa hiệp về việc loại bỏ các bom chùm tìm ra các phương tiện giúp thực hiện hữu hiệu thỏa hiệp này.

Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, đại diện thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, trưởng phái đoàn Toà Thánh đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại hội nghị lần đầu tiên duyệt xét thoả hiệp nhóm tại Dubrovnik bên Croatia. Đức Tổng Giám Mục Tomasi khẳng định rằng cần phải ghi nhớ các nguyên tắc nền tảng của thỏa hiệp: đó là đặt con người, đặc biệt là các nạn nhân, vào trung tâm các ưu tư của chúng ta; tiếp tục củng cố điều lệ; nhấn mạnh trên việc đề phòng; không trốn chạy trách nhiệm và các biện pháp cụ thể giúp thực hiện các đòi buộc đã ký kết; tìm ra các phương thế hành chánh và tài chánh giúp thực hiện các mục tiêu của thỏa hiệp.

Vị đại diện Tòa Thánh khẳng định rằng: thách đố lớn của Thỏa hiệp trong giai đoạn hiện nay là tìm ra các phương tiện hành chánh và tài chánh lâu dài cho phép thực hiện các mục tiêu của thoả hiệp một cách hữu hiệu thực sự.

Ngài nói thêm:

Đây là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia thành viên đã ký kết thỏa hiệp. Cần phải có sự cộng tác chân thành và phân chia trách nhiệm một cách công bằng. Ngoài ra cũng cần phải có sự cộng tác giữa các nước nạn nhân với các nước ân nhân. Cần nỗ lực thế nào để đừng lập lại kinh nghiệm bất hạnh mà Thỏa hiệp liên quan tới mìn chống người đã và đang phải sống. Chính vì thế việc hoàn vũ hóa Thỏa hiệp chống bom chùm phải là một hoạt động ưu tiên. Để đạt các mục tiêu nói trên phải có một Đơn vị yểm trợ chuyên môn, hữu hiệu, ổn định và trường kỳ.

Tòa Thánh chắc chắn rằng các quốc gia thành viên ký kết thỏa hiệp biết góp phần trách nhiệm cá nhân và tập thể để các loại vũ khí như bom chùm không còn là mối đe dọa sự sống của các dân tộc trên thế giới này, và không còn là chướng ngại cho việc phát triển xã hội kinh tế của các vùng có chiến tranh. Tòa Thánh cương quyết góp phần mình cho sự thành tựu của công tác nhân đạo này.

17. Cuba ân xá cho 3522 tù nhân trước cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Hội đồng nhà nước Cuba sẽ ân xá hơn 3,500 tù nhân trước chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến đảo quốc này, hãng thông tấn xã Granma của Cuba cho biết như trên.

Năm 1998, chính phủ Cuba đã ân xá cho 200 tù nhân trong chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khoảng 400 người khác cũng đã được ân xá khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đến đây vào năm 2012.

Hầu hết những người được tha trên 60 tuổi, hoặc dưới 20 tuổi. Đa số mắc những bệnh kinh niên. Phần đông là phụ nữ và những người đã được lệnh tạm tha vào năm 2016. Một số tù nhân ngoại quốc cũng có thể được ân xá.

Một vài trường hợp ngoại lệ vì lý do nhân đạo, hầu hết các tù nhân được ân xá không phạm những tội như cướp của, giết người.

Quyết định này sẽ có hiệu lực trong thời hạn ba ngày, và chính phủ Cuba sẽ làm việc với các quốc gia khác để phối hợp thả các tù nhân người nước ngoài.

Có khả năng là các nhượng bộ khác sẽ đến trong chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Cuba.