Các đại biểu tôn giáo đóng góp vào Dự thảo 5 Luật TNTG

Chiều 4-9-2015, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đã tổ chức hội nghị tiếp xúc với đại biểu 23 tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận cùng một số GS, TS nghiên cứu về tôn giáo để nghe phản ánh tâm tư của đồng bào các tôn giáo và đóng góp ý kiển cho bản dự thảo lần 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Dự thảo). Tham dự còn có đại diện một số Bộ, Ban ở Trung ương. Phía Công Giáo, có 4 linh mục ở Hà Nội, Hải Phòng, Bùi Chu, Hưng Hóa. Ông Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên BCT, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN chủ trì hội nghị. Sau lời khai mạc của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch đã tóm tắt các ý kiến đóng góp của đại biểu 32 tôn giáo ở thành phố Hồ Chí Minh để các đại biểu khỏi trùng lặp khi góp ý.

Trong phần phản ánh tâm tư nguyện vọng, một số đại biểu Phật giáo đề nghị Nhà nước có biện pháp ngăn chặn nạn sư giả hay gắn biển “chùa linh thiêng nhất Việt Nam” tùy tiện. Chú ý đào tạo cán bộ quản lý công tác tôn giáo ở cơ sở. Linh mục Dương Phú Oanh cho rằng cần để các tôn giáo tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực xã hội hóa của giáo dục, y tế. Cần thực hiện bình đẳng giữa tín đồ các tôn giáo và tạo điều kiện cho tín đồ tôn giáo ở vùng sâu xa được thực hiện quyền tư do tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Về phần góp ý cho Dự thảo, nhìn chung các đại biểu đều cho rằng Dự thảo có nhiều điểm khắc phục được khiếm khuyết của Dự thảo lần 4. Dự thảo đã nêu nhiều điểm mới như các người bị giam giữ cũng có quyền đọc sách tôn giáo (điều 4, khoản 3) hay các tôn giáo có quyền tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo (điều 47, 48)…Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến bổ sung. Hòa thượng Thích Tất Đạt- Trưởng ban Pháp chế Giáo Hội Phật giáo cho rằng tín ngưỡng lâu nay vẫn thuộc Bộ Văn hóa Thông tin, nay đưa gộp chung với tôn giáo thì cơ quan nào quản lý? Luật này nên đổi tên là luật quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo. Trong Dự thảo tách bạch việc làm lễ và giảng lễ nhưng đây là hai việc không thể tách rời. Nhà sư nào đến làm lễ chẳng giảng đạo. Giáo Hội cũng là một cơ cấu hành chính nay họp mai hành xin phép làm sao cho kịp. Rồi người ta chết đến xin làm lễ, nhà sư có biết đâu mà xin phép, đăng ký? Việc lập trường đào tạo là bắt buộc với Giáo Hội. Bây giờ Ban trị sự tỉnh nào chẳng có trường, nếu theo Dự thảo chỉ có cấp Trung ương mới có quyền đề nghị thành lập trường thì quá phiền phức. Rồi khi phong chức, phong phẩm phải đăng ký. Nhà nước đã công nhận Giáo Hội và hiến chương của Giáo Hội nay phong chức cũng là theo hiến chương lại phải đăng ký mà nếu chính quyền không công nhận thì giải quyết ra sao khi đương sự đã thành sự về mặt Giáo Hội? TS Phạm Huy Thông (Hà Nội) phát biểu là một số khái niệm trong Dự thảo không chính xác. Ví dụ định nghĩa khoản 1 điều 2: “tín đồ tôn giáo là người tin, theo tôn giáo”. Tin ở trong đầu lấy gì kiểm chứng? Phải viết lại : tín đồ tôn giáo là người đã gia nhập tôn giáo qua nghi lễ nhập đạo. Ví dụ Công Giáo là Rửa tội, Tin lành là Baptem, Phật giáo là Quy y tam bảo. Khoản 2 điều 3 viết rằng người tín đồ có quyền thể hiện niềm tin nơi gia đình và cơ sở thờ tự là chưa đủ. Nhiều tín đồ các tôn giáo trước bữa ăn có cầu nguyện, làm dấu ở nhà hàng, quán ăn hay người Hồi giáo quỳ cầu nguyện 5 lần/ngày bất kỳ chỗ nào thì không được sao? Có điều các hành vi nơi công cộng đó không được làm ảnh hưởng đến người khác. Điều 5 khoản 3 có viết: nghiêm cấm “xúc phạm niềm tin tín ngưỡng tôn giáo hợp pháp của người khác” là không được. Nước ta chỉ có tôn giáo được công nhận và chưa được công nhận, không có tôn giáo hợp pháp và bất hợp pháp. Khoản d, điều 20 quy định các trường tôn giáo buộc phải dạy 2 môn lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam. Nên có loại trừ vì chủng sinh Công Giáo đều có bằng cử nhân khi vào chủng viện mà 2 môn này đã học phần đại cương rồi. Bây giờ sinh viên học văn bằng 2, những môn học rồi cũng được miễn, sao chủng sinh phải học lại? Khoản 2 điều 32 quy định khi phong phẩm, phong chức có yếu tố nước ngoài thì phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý Trung ương cũng khó thực thi. Ví dụ tấn phong Hồng Y, đương sự cũng chỉ được báo trước 5 phút thì làm sao xin được sự chấp thuận? Điều 38 quy định nếu làm lễ ngoài cơ sở tôn giáo, nếu có người đến dự khác xã, huyện thì xin phép huyện, khác tỉnh thì xin phép tỉnh. Đây là điều không thể thực thi vì bây giờ giao thông thuận lợi, người nước ngoài cũng đến dự thì xin phép ai? Chẳng lẽ xin phép Liên hiệp quốc? Bản thân người tổ chức và cấp phép cũng không biết ai đến dự. Hòa thượng Thích Chiếu Tạng (Hà Nội) phản ánh, chính quyền can thiệp vào nội bộ tôn giáo hơi sâu. Chẳng hạn, một ni sư, hòa thượng viên tịch, theo Giáo Hội là được xây tháp trong đất chùa nhưng chính quyền không cho, tôi đưa nghị quyết 92 của Chính phủ ra thì ông cán bộ Nội vụ một quận của Hà Nội, giải quyết vấn đề tôn giáo bảo rằng làm gì có nghị quyết 92 …

TS Bùi Thanh Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ cảm ơn sự đóng góp của các đại biểu và sẽ nghiên cứu tiếp thu. Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn các đại biểu và đề nghị Ban soạn thảo trước khi trình Quốc hội thông qua nên có ý kiến đóng góp bằng văn bản của các tôn giáo. Trước khi ra về, các đại biểu đã chụp ảnh kỷ niệm chung (ảnh trên).

Triết Giang