Đi Lễ

Cùng với nỗ lực đóng góp và hoàn thành kế hoạch xây cất ngôi thánh đường tráng lệ dâng kính Đức Mẹ Lavang (ĐMLV) vốn đang tiến triển khả quan, giáo dân Giáo Xứ ĐMLV San Jose cũng đang thực hiện ba chương trình canh tân: các hội đoàn, giới trẻ và phụng vụ, nhằm tạo nên một công trình song song là trùng tu “ngôi đền thánh tâm hồn” nơi mỗi người giáo dân. Bài viết sau đây xin được góp phần nhỏ trong tiến trình canh tân phụng vụ, và xin gửi tặng Cha Chính Xứ, Thầy Phó Tế, cùng toàn thể quý anh chị em trong Liên Ban Phụng Vụ Giáo Xứ ĐMLV San Jose. Xin Chúa và ĐMLV chúc lành cho thiện chí của tất cả chúng ta. Nguyễn Kim Ngân.

Ngày lễ Tro năm nào cũng thấy nhà thờ chật kín người. Có người đi để dự lễ mở màn cho Mùa Chay Thánh. Nhưng có người đi lễ hôm ấy chỉ để được xức tro lên đầu mong đào sâu thêm ý thức “hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro.” Điều lạ là lễ Tro không hề là một lễ trọng, càng không phải là lễ buộc. Chỉ là ngày khai mở mùa Chay, chuẩn bị cho việc cử hành Đại Lễ Chúa Phục Sinh.

Người ta đi lễ, trong trường hợp này, là vì người ta muốn đi, một cách tự nguyện, không hề bị bó buộc bởi lề luật Hội Thánh. Người ta đi lễ vì thấy có một cái gì đó đánh động mình, đem lại ý nghĩa cho đời mình. Nhưng tại sao việc đi lễ lại đang trở thành một vấn nạn, cho nhiều người, nhiều gia đình, nhất là giới trẻ? Không lẽ chỉ mỗi Thánh Lễ được cử hành trong ngày Thứ Tư Lễ Tro mới có ý nghĩa sâu sắc và đậm đà có thể đánh động được lòng người, còn các Thánh Lễ khác thì không có gì đáng nói chăng? Nếu không phải thế, thì đâu là lý do khiến người ta chán đi lễ, lười đi lễ, để rồi từ từ bỏ luôn đi lễ?

Đi Lễ: Vấn Nạn

Tại sao lại phải đi lễ? Lễ với lậy, lúc nào cũng y như thế, chẳng có gì mới lạ, không có chi hấp dẫn cả! Đi lễ sao mà nhàm chán đến phát ngấy! Ông cha thì giảng dai, giảng dài, giảng dở, cứ y như là trực thăng bay vòng vòng tìm bãi đáp mà mãi không sao tìm được! Đó là một vài vấn nạn nghe rất quen tai. Có những người trẻ lý luận thẳng thừng: vào thời buổi khoa học kỹ thuật đang trở thành chìa khóa vạn năng mở tung hết mọi cánh cửa tiện nghi vật chất cho đời sống văn minh con người, từ kinh tế tài chánh, đến an sinh xã hội, thế mà còn đọc kinh đọc sách, đi lễ Chúa Nhật thì thật là quá tụt hậu. Thế là việc đi lễ Chúa Nhật bị lơi lỏng dần, hơi tí thì bỏ lễ, viện dẫn những lý do không đâu, rồi đi đến chỗ gạt bỏ lễ ra khỏi lịch trình sinh hoạt: thật là giản tiện và gọn gàng! Được giáo dân đến hỏi ý kiến làm cách nào để đối phó với việc con cái bỏ đi lễ Chúa Nhật một cách hết sức thoải mái, một linh mục đã trả lời rằng: “Là cha mẹ, chúng ta đã cố gắng dậy dỗ, khuyên bảo con cái mình đi lễ nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện, sống đạo chân thành từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành. Nếu bây giờ chúng nó bỏ đi lễ nhà thờ, bỏ đọc kinh cầu nguyện…thì đừng la mắng chửi rủa chúng nó làm gì, bởi chúng nó đã khôn lớn, đã có ý thức quyết định mọi sự liên quan đến đời sống của mình. Thôi thì cứ cầu nguyện và dâng hết mọi sự cho Chúa.” Tôi chợt hiểu tại sao trong các ý chỉ cầu nguyện được rao trước Thánh Lễ Chúa Nhật hằng tuần đã có rất nhiều người cầu xin cho con cái biết ăn năn trở lại, biết tăng thêm lòng kính mến Chúa, và sống đạo chân thành.

Đó là những trường hợp chán đi lễ. Tuy nhiên, ngay với những ai chịu khó đi lễ thì không phải là không có vấn đề! Này nhé: khi Linh Mục bắt đầu Thánh Lễ thì nhà thờ vẫn còn rộng rãi thênh thang, chỗ trống còn khá nhiều, ở nơi này, góc nọ. Đến khi hát Kinh Vinh Danh thì thiên hạ ùn ùn kéo vào, cho đến khi đọc bài đọc một thì nhà thờ đã không còn một chỗ trống. Người ta lại phải đứng vòng trong vòng ngoài. Thế có nghĩa là dù vẫn đi lễ đông vui thật đấy, nhưng chỉ có mỗi tội là đi…trễ, có khi trễ đến 10, 15 phút. Đi trễ thì dễ đậu xe “bất hợp lệ,” thành ra đành phải ra về…sớm. Thói quen đi trễ về sớm này có vẻ đang lan rộng ra trong số những người đi lễ thường xuyên. Nhiều người cứ coi như sau khi đã chịu lễ rồi thì có thể ra về thoải mái vì lúc đó tuy Cha chưa công bố giải tán, nhưng tới đó Thánh Lễ cũng coi như “đã đoạn” rồi! Thế là, ngay khi còn đang cho rước lễ, đã thấy hàng hàng lớp lớp lũ lượt “ra về trong hy vọng và mừng vui.” Hình như Hội Thánh chỉ dậy phải đi lễ Chúa Nhật thôi, chứ không nói gì về việc phải đi cho đúng giờ, về cho đúng lúc?

Đó là chưa kể đến các quý vị vẫn đi lễ thường xuyên, nhưng chỉ có mỗi “tội” là dự lễ “bên ngoài nhà thờ.” Trong không khí thoáng mát hữu tình ở cuối nhà thờ, các quý vị này vẫn tự nhiên hút thuốc, mở i-phone, hàn huyên tâm sự, mặc cho Thánh Lễ diễn tiến bình thường “trong bóng giáo đường.” Đây đúng là trường hợp điển hình của việc đi lễ mà không…dự lễ.

Đi Lễ và Não Trạng Thời Đại

Một trong các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đi lễ có thể là do “não trạng thời đại” khi đức tin và đạo nghĩa đang rơi sâu xuống tận đáy vực. Do hiểu sai về tự do theo nghĩa là muốn làm gì thì làm, người ta đi đến chỗ sống buông tuồng, thả lỏng. Trong khi ở bất cứ nơi đâu, kiểu sống phóng túng, tìm cầu lạc thú vật chất và xác thịt được nhìn thấy nhan nhản, đầy cám dỗ và mời mọc, được khuyến khích và quảng cáo rầm rộ, thì làm gì có chỗ cho Thiên Chúa, cho tinh thần, cho tôn giáo? Mà khi Thiên Chúa bị phớt lờ, lãng quên, thậm chí bị chối bỏ, bị gạt ra bên lề cuộc sống, thì tất nhiên lễ lậy và nhà thờ nhà thánh làm gì còn có ý nghĩa nào nữa! Cùng lắm thì đi lễ cho khỏi lỗi điều răn thứ ba để rồi phải đi xưng tội, chứ đi lễ “không thấy được một ích lợi gì cho tôi,” và “cứ nghĩ đến đi lễ cũng đã đủ khiến tôi xìu lơ” (giới trẻ bảo là “it turns me off”). Khi quan niệm tự do là “muốn làm gì tùy thích, nhất là nếu điều đó khiến ta cảm thấy vui vẻ thoải mái,” thiết tưởng cũng là điều tự nhiên khi nghe thấy những nhận định kể trên.

Đi Lễ: Niềm Hoan Lạc Tâm Linh

Quan niệm rằng cái gì vui nhộn, vui đến mức say sưa (vui say mà!), thì mới nên làm, nên tham dự là quan niệm rất phổ thông hôm nay, nhất là với giới trẻ. Đó là lý do của những buổi liên hoan, họp mặt, lễ lạc, sinh nhật, kỷ niệm này nọ. Cứ cái gì “fun” thì mới nên làm. Cái gì không “fun” thì rõ ràng là “boring,” phải dẹp ngay! Đi lễ thì có gì là “fun” cơ chứ!

Thực ra đi lễ đâu phải là đi dự một buổi liên hoan hay họp mặt, là lúc người ta đến để cùng ăn uống linh đình, tưng bừng ca hát và nhẩy nhót om xòm, lên tinh thần đến độ xuất thần, quên cả lối về. Thế nhưng, nếu quan niệm rằng con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, không phải chỉ có thân xác với những nhu cầu phàm tục, mà còn có linh hồn, nói theo Thánh Augustinô, vốn “hằng luôn thao thức cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa,” thì phải chân nhận rằng đi lễ cũng mang lại cho ta những niềm hoan lạc và bình an của tâm linh mà xác phàm không cảm nghiệm được, bởi vì tiêu chuẩn sống của xác phàm chỉ là duy vật và duy lạc thú để thoả mãn dục vọng. Nhưng không có gì bảo đảm những no thoả của dục vọng ấy có thể làm nguôi ngoai nỗi khát khao về cõi vô biên, hay khoả lấp được niềm trống vắng mênh mông trong đáy sâu tâm hồn. Con người xác phàm làm sao hiểu để có thể cất lên tiếng hát: “Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con. Con gẩy đàn dâng câu cảm tạ, lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ?” (TV 43:4) Phải, nếu chỉ sống theo dục vọng, cảm nghiệm của ta sẽ chỉ giới hạn trong cái tầm mức của giác quan, sẽ không thể trải nghiệm được niềm hân hoan của thánh ân và sự thảnh thơi khi bước vào cung thánh Chúa, vốn là những thực tại nằm trên một tầm cao khác mà giác quan con người không thể vươn tới. Chính trong niềm vui thanh khiết cao cả của ân thánh mà ta khám phá và nếm cảm được những vẻ đẹp linh thiêng hấp dẫn, niềm bình an thơ thới của một con người sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Niềm hoan lạc và bình an đó được Chúa ban xuống dồi dào cho ta qua Hội Thánh Ngài, xuyên qua con đường bí tích là những dấu chỉ hữu hình có khả năng chuyên chở đến cho ta những ân sủng vô hình.

Đi Lễ: Được Nhiều Vô Kể

Thành ra, nếu nói rằng "đi lễ chẳng được việc gì” thì rõ ràng là ta đã đặt sai vấn đề: trước hết ta đi lễ là để làm tròn bổn phận mình với Thiên Chúa, Đấng đã tác sinh ra ta, cho ta biết bao ơn lành trong một ngày sống. Tiếp đến, tiêu chuẩn “chẳng được việc gì” của ta đã được đặt sai bình diện: ông cha đâu có phát tiền khi ta đi dự lễ đâu! Ngược lại mới đúng: đi lễ bị “mất” tiền là khác; đó là tiền ta dâng cúng, hay đóng góp cho một mục tiêu chung. “Được” hay “mất” khi đi lễ theo nghĩa vật chất như thế này hoàn toàn không đúng chỗ. Thực ra, điều ta nhận được nằm ở một bình diện cao hơn, thiêng liêng và vững bền hơn: ta nhận được nhiều lắm từ Thánh Lễ, nhất là nhận được chính Mình và Máu Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng phán dậy cho ta qua Thánh Kinh, được thực sự hiện diện trong Thánh Lễ. Người trở thành của nuôi dưỡng linh hồn ta và bảo đảm cho ta được sống lại sau khi chết để được hưởng sự sống muôn đời. Đời người thọ lắm cũng chỉ ba vạn sáu ngàn ngày. Đó là chiều dài của kiếp sống thể xác nơi trần thế này. Làm sao nó có thể so sánh với sự sống vĩnh cửu khi ta đã được nuôi dưỡng bằng chính Mình và MáuThánh Chúa Kitô được!

Tóm lại, có ba điều nên nhớ khi đi dự lễ: (1) Đi lễ là tỏ lòng tôn vinh Thiên Chúa, là đáp trả lại tình yêu Ngài đã ban cho ta không biết bao nhiêu ơn lành, nhất là cảm tạ Chúa Cha đã ban Con Một Ngài để chịu nạn chịu chết cho ta (Thánh Lễ được gọi là Hiến Lễ Tạ Ơn là như thế); (2) Đi lễ chính là thực hiện nghĩa vụ công bằng: trả lại cho Chúa món nợ tình yêu. (3) Đi lễ còn là tuân theo lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Hội Thánh ra luật buộc đi lễ Chúa Nhật chính là để nhắc nhở ta nhớ mãi không quên lệnh truyền rõ ràng và minh bạch này. Ngoài ra, đây là câu hỏi ta nên đặt cho chính mình: “Chúa Nhật có đúng là ‘ngày của Chúa’ không? Ta làm gì để thánh hoá ngày của Chúa? Ta đã dành riêng cho Chúa bao nhiêu thì giờ ngoài khoảng hơn kém một tiếng đồng hồ đi dự Thánh Lễ?”

Đi Lễ: Dịp Gặp Gỡ Chúa Không Đâu Bằng

Có người bảo rằng: “Cần gì phải đến nhà thờ dự lễ làm chi? Chúa ở khắp mọi nơi cơ mà!” Phải, đạo tại tâm rất có lý, rất xuôi tai, bởi ta phải tôn thờ Chúa trong tinh thần và chân lý. Chúa biết tất cả, Chúa nhìn thấu lòng ta, thế nên chỉ cần Chúa và ta là đủ. Thực ra nếu “đạo tại tâm” được hiểu và được thực hành như là việc “liên lỉ kết hợp với Chúa,” thì đó chính là một thực hành lý tưởng mà không phải ai cũng có thể đạt được, ngoại trừ các bậc thần bí. Nhưng bình thường ra, nếu sống “duy tâm” như thế mãi, liệu có triển vọng tồn tại không? Hay là tới một lúc nào đó, đạo tại tâm cứ mờ nhạt dần rồi từ chỗ chỉ còn “ta với Chúa” sẽ trở thành ‘ta với ta” và “Chúa với Chúa” để rồi cuối cùng là “đạo cũng tàn mà tâm thì rỗng”!

Con người vừa là hồn vừa là xác, nghĩa là không phải thiên thần cũng chẳng là muông thú. Thực tại con người bao gồm cả những gì phàm tục lẫn những điều linh thánh. Con người vừa sống giữa thế giới vật chất hữu hình, lại vừa ngụp lặn trong những thực tại vô hình. Lại nữa, Chúa đúng là ở khắp mọi nơi và ta có thể gặp được Người bên ngoài nhà thờ, nơi những kẻ nghèo khó, neo đơn, bệnh hoạn. Chúa dựng nên muôn người, muôn vật. Tất cả đều giúp ta hướng về với Chúa. Ai chẳng thấy lòng rạo rực phấn khởi, mỗi buổi mai thức dậy, nhìn ánh bình minh đang dâng lên xua tan bóng đêm chập chùng? Ai chẳng thấy lòng chùng xuống khi nhìn ánh hoàng hôn đang nhuộm tím một buổi chiều hoang? Ai chẳng thấy lòng lâng lâng khi chiêm ngắm cảnh tượng núi đồi hùng vĩ, biển cả mênh mông với những đợt sóng dập dồn? Thiên nhiên chính là kiệt tác khiến ta tỏ lòng thán phục và ngưỡng mộ Hoá Công đầy quyền năng uy dũng. Đó là lý do Thánh Phanxicô Assisi đã viết nên những bài ca vũ trụ để ca ngợi Chúa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng là một người rất gần với thiên nhiên, rất ham mộ thể thao. Cả khi đi tĩnh tâm, Ngài cũng không quên được trượt…tuyết. Thế nhưng, cả hai vị đại thánh này không bao giờ quên dành thì giờ cầu nguyện và tâm sự với Chúa nơi nhà chầu, trong khung cảnh của nguyện đường tĩnh lặng. (Cũng nên nhớ rằng các bậc thần bí ta nói ở trên không bao giờ “siêu” đến độ quên đi nhà thờ đâu!) Bởi vì Thiên Chúa của ta đâu chỉ là một đấng để ta thán phục và ngưỡng mộ mà thôi, Người còn là—và nhất là--một vị Thiên Chúa đầy yêu thương và bao dung từ ái, một Thiên Chúa hoá thân làm người, ở giữa ta và chết tức tưởi trên khổ giá để cứu ta. Một Thiên Chúa như thế ta chỉ bắt gặp được khi dừng bước trong thánh đường, nơi Chúa hằng ngự trị, để tham dự Hy Lễ Tạ Ơn, hiệp thông cùng với muôn vàn anh chị em khác, như là những phần tử của đoàn chiên Chúa dẫn dắt. Chính nơi Thánh Lễ, vốn tự bản chất luôn mang tính công cộng và cộng đoàn, ta gặp được Chúa một cách tỏ tường, có thể nói, bằng xương bằng thịt, qua ánh mắt đức tin, nơi Bí Tích Thánh Thể. Đến với Chúa để gặp Người bằng xương bằng thịt như thế mà vẫn cứ như còn thiếu thốn sao đó, thì nói đến cái kiểu giữ đạo tại tâm làm chi nữa!

Bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô vào ngày Chúa Nhật 16 tháng 8 năm 2015 vừa qua là một minh hoạ thích hợp cho vấn đề này: “Nhiều khi ta nghe thấy vấn nạn này về Thánh Lễ: ‘Thưa cha, Thánh Lễ có ích gì với tôi? Tôi đi nhà thờ khi tôi cảm thấy cần, nhưng tôi thấy rằng cầu nguyện trong cô tịch tốt đẹp hơn’. Nhưng Thánh Lễ không phải là một kinh nguyện riêng tư cũng chẳng đơn giản chỉ là một kinh nghiệm thiêng liêng đẹp đẽ, không phải chỉ là gợi lại điều mà Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly. Để hiểu rõ, chúng ta phải nói rằng Thánh Thể là ‘lễ tưởng niệm’, hay là một cử chỉ hiện tại hóa và làm cho biến cố cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu hiện diện: bánh thực là Mình Chúa ban cho chúng ta, rượu thực là Máu Ngài đổ ra vì chúng ta.”

“Thánh Thể là chính Chúa Giêsu hoàn toàn hiến thân cho chúng ta. Nuôi dưỡng mình bằng Chúa và ở lại trong Ngài nhờ sự hiệp thông Thánh Thể, nếu chúng ta làm điều này với đức tin, thì nó biến đổi cuộc sống chúng ta, biến cuộc sống chúng ta thành một sự dâng hiến cho Thiên Chúa và anh chị em chúng ta. Nuôi sống mình bằng “Bánh Sự Sống” ấy có nghĩa là bước vào sự hòa hợp với con tim của Chúa Giêsu, hấp thụ những quyết định của Chúa, các tư tưởng, thái độ của Ngài. Nó có nghĩa là đi vào năng động yêu thương và trở thành những con người hòa bình, con người tha thứ, hòa giải, chia sẻ liên đới. Đó cũng chính là những điều Chúa Giêsu đã làm.”

Đi Lễ: Đi Dự Tiệc

Nếu phải dùng một hình ảnh, thì hình ảnh bữa tiệc có thể áp dụng cho Thánh Lễ, cả theo nghĩa vật chất lẫn thiêng liêng. Nếu con người chúng ta phải sống bằng các thức ăn: rau đậu, thịt cá, bánh trái…thì con người tinh thần cũng phải được nuôi dưỡng bởi lương thực thiêng liêng, vốn là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt. 1:4). Nếu thức ăn vật chất được sửa soạn theo kinh nghiệm và tài khéo của người nội trợ trong gia đình, của đầu bếp trong nhà hàng, thì thức ăn Lời Chúa được Mẹ Giáo Hội chăm sóc kỹ lưỡng không kém. Từng bài kinh, lời cầu, từng chương sách, mỗi dòng thánh thi trong Thánh Lễ đã được các chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm, góp nhặt từ các nguồn Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền, để cuối cùng sắp xếp lại theo chủ đề, ý nghĩa, đường hướng thần học phụng vụ và mục vụ rất mạch lạc, nhất quán và phong phú, đặt trên một dòng thời gian là niên lịch phụng vụ, với chu kỳ và các các mùa đổi thay từng nhịp.

Nhưng nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc, chỉ việc đến mà ăn, thì tại sao người ta lại rửng rưng khi đi dự Lễ như thế? Lẽ ra đi ăn cỗ thì phải phấn khởi, phải rộn ràng tươi tắn, chứ có đâu đi trễ về sớm cho qua? Hay là tại vì ta cảm thấy như không được mời? Hoặc tự ti mặc cảm bất xứng? Hay vì quá bận rộn với những công việc phần xác đến nỗi quên cả phần hồn? Thực ra Thiên Chúa luôn là người Cha nhân lành, luôn luôn mời gọi và chờ đợi, cho dù ta như thế nào chăng nữa. Cũng có thể là do ta chưa hiểu thấu ý nghĩa và tầm quan trọng của Thánh Lễ, cho nên đi lễ chỉ do thói quen, đi cho có lệ, chẳng cần để tâm hay sửa soạn chi cả. Đi đám cưới hay liên hoan thì diện ngất trời, còn đi lễ thì ăn mặc thế nào cũng xong, chẳng mấy quan tâm. Điều này dẫn ta tới điểm sau: phải chuẩn bị thế nào để có thể cảm thấy hứng khởi và nhận được ơn ích tối đa khi đi dự lễ?

Đi Lễ: Chuẩn Bị Thế Nào?

Thánh Công Đồng Vaticanô II đã nhắc đi nhắc lại bổn phận tham dự nghi lễ phụng vụ một cách trọn vẹn, ý thức và tích cực. Thử lấy thí dụ về bộ môn túc cầu xem sao. Nếu chỉ muốn thưởng thức một trận cầu, chứ chưa nói tới việc chính mình phải ra sân bóng, ta cũng cần kiến thức tối thiểu về luật chơi bóng tròn. Càng hiểu tường tận, ta sẽ càng thấy thú vị khi nhìn trái bóng lăn trước đôi chân lành nghề của người danh thủ ta hằng ngưỡng mộ trong một trận thư hùng trên sân cỏ giữa đội “fan”của mình và đội đối phương.

Thánh Lễ cũng vậy: kiến thức của ta về Thánh Lễ ở mức độ nào? Ta hiểu Lời Chúa qua các bài đọc như thế nào? Ta có hiểu ý nghĩa cử chỉ, điệu bộ, động tác của vị linh mục chủ tế? Ta có lắng nghe và theo dõi các lời kinh, lời giảng của ngài trong Thánh Lễ chăng? Nếu không, hoặc chỉ hiểu sơ sơ thôi, thì ta có biết sẽ phải làm gì? Hẳn nhiên là phải tìm hiểu và học hỏi qua việc chuẩn bị trước khi bước đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Việc càng quan trọng, càng cần chuẩn bị kỹ. Thánh Lễ cực kỳ quan trọng đối với người tín hữu. Ta đã chuẩn bị xa, chuẩn bị gần như thế nào? Ta có tham dự các khoá học hỏi về Thánh Lễ chăng? Ta có đọc qua các đoạn Thánh Kinh sẽ được sử dụng trong Thánh Lễ Chúa Nhật này chưa? Hay là ta “gặp đâu hay đấy,” cứ đi rồi tính sau. Thực ra, không phải ai cũng có thói quen đọc trước các đoạn Thánh Kinh sẽ được trích đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Có chăng là các quý vị Thừa tác viên Lời Chúa, hay các ca viên cần phải tập hát chuẩn bị cho Thánh Lễ Chúa Nhật, hoặc các vị có trách nhiệm giảng dậy khai triển Lời Chúa. Nhưng nếu Thánh Lễ và Thánh Thể là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội, thì dù là giáo dân thông thường, ta vẫn phải coi trọng và chuẩn bị đầy đủ để có thể tham dự Thánh Lễ một cách trọn vẹn, ý thức và linh động, như Thánh Công Đồng Vaticanô II đã dậy. Chuẩn bị xa là như thế, còn chuẩn bị gần thì sao? Ta có để ý dành riêng giờ giấc, gác bỏ hết mọi thứ gây chia trí lo ra, để cho tâm hồn lắng đọng bình an trong khoảng một thời gian hợp lý nào đó trước khi đi dự lễ chăng? Tất cả đều là vấn đề ý thức. Có dành sẵn thời gian, có lắng đọng tâm hồn thì khi đi lễ ta mới có được cảm nhận sâu xa, mới thấy được mọi sự diễn tiến nhịp nhàng và khít khao, từ việc lắng nghe Lời Chúa, chú tâm đến lời Cha giảng, cất lên lời kinh, hoà vang câu hát, cho đến lúc bước lên cung thánh để rước Mình Máu Chúa và kết hiệp với Người.

Thánh Lễ Cuộc Đời

“Ta về thôi vì Thánh Lễ đã hết, nhưng đời ta là Thánh Lễ nối dài.” Những lời hát này như nhắc nhở cho ta rằng: sau khi Thánh Lễ ở nhà thờ đã kết thúc, thì Thánh Lễ trong cuộc đời ta sẽ bắt đầu. Trong Thánh Lễ cuộc đời, chính ta sẽ đóng vai chủ tế để hiến dâng đời mình với biết bao hy sinh khó nhọc, của lao công vất vả, của lao tâm khổ trí, như là thập giá hằng ngày hiệp dâng cùng Hy Tế Thánh Giá của Chúa trên đồi xưa, tuôn xuống cho ta nguồn ơn cứu độ. Cuộc đời là một thể nhất quán, một nhịp sống liên tục và liền lạc. Một Thánh Lễ được tham dự sốt sắng, trọn vẹn, tích cực và linh động tại nhà thờ sẽ giúp đốt lên ngọn lửa ấm nồng cho Thánh Lễ cuộc đời, giúp cho đời sống này nở rộ những đoá hoa tình thương bác ái yêu Chúa yêu người.

Một vài tài liệu tham khảo:

Matthew Pinto & Chris Stephanick: Do I have to go? 101 questions about the Mass, the Eucharist and your Spiritual Life. Ascension Press, 2008

Matthew Kelly: Rediscover Catholicism. Beacon Publishing, 2010

Fr. Francis Randolph: Know Him in the Breaking of the Bread. Ignatius Press. 1998

Jonathan Robinson: The Mass and Modernity. Ignatius Press, 2005

Peter J. Kreeft: Because God is Real. Ignatius Press, 2008

Sacrosanctum Concilium—Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Công Đồng Vaticanô II)

Nhân Kỷ Niệm Đệ Nhị Bách Chu NiênSinh Nhật Cha Thánh Gioan Bosco

August 16, 1815—August 16, 2015

Nguyễn Kim Ngân