Đói và khổ thường đi chung với nhau. Bởi vì đói nên mới khổ. Có nhiều trường hợp khổ không phải vì đói mà ăn nhiều phát khổ, sinh bệnh tật. Những người sống nơi nghèo đói có kinh nghiệm nhiều đêm đói mà trong nhà không có gì ăn, đành ăn mấy hạt muối, uống nước chống đói hy vọng khi ngủ mệt quên cái đói hành hạ. Sau chiến tranh anh bạn tôi nghe chính quyền mới rêu rao ‘học cải tạo’. Nào ngờ đến nơi mới biết là lao động khổ sai. Lúc đó mới rõ chính quyền mới chủ trương khủng bố tinh thần con người. Thời gian lao động khổ sai vừa đói vừa khổ. Khổ vì bụng đói, chân lấm tay bùn, mặt nhễ nhãi, lưng vã mồ hôi. Khổ và nhục vì bị xỉ vả. Khổ vì bị hành hạ từ thể xác đến tinh thần. Khổ vì phải học cái tối tăm của người ‘thầy’ không biết ‘trò’ sáng hơn ‘thầy’. Cơn đói hành hạ bao tử triền miên. Ngày đêm nó giai giẳng đòi ăn, đến quặn đau tấm thân. Chỉ cần ngửi mùi thức ăn bay thoảng qua cũng đủ làm nước miếng ứa chảy thành sợi. Không gì có thể làm nguôi cơn đói, ngay cả cầu nguyện cũng không đủ chống lại cơn cám dỗ thực phầm cần cho thân xác.

Đói nó dã man, tàn bạo đến thế. Biết rõ thế mà dùng hình phạt bắt nhịn đói làm việc là cách lãnh đạo yếu kém nhất trong mọi cách lãnh đạo. Điều này thể hiện nơi những quốc gia chưa phát triển. Toàn dân đói khổ chỉ một số nhỏ lãnh lạo sống sung sướng, dư thừa còn đại đa số ăn sáng thiếu tối. Dân chúng chỉ dám mơ có được một bữa ăn thịnh soạn và mơ thì mấy khi thực hiện được. Một gia đình năm bảy người chia nhau vài ba lạng thịt hoặc toàn gia đình chia sẻ một con gà cho cả ngày. Vì thế mà miếng thịt nó quí vì nó cho cơ thể đói khát nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.

Những người nghèo cảm thấy họ được đối xử công bằng, được coi trọng khi họ cùng chung tham dự Bí Tích Thánh Thể. Trong Thánh Đường không thấy tình trạng kì thị, phân biệt giầu nghèo, cũng không phân biệt đẳng cấp, phẩm trật trong xã hội. Nếu có điều đó cũng không xảy ra, thể hiện rõ rệt như thấy nhan nhản ngoài xã hội.

Mọi người được đối xử bình đẳng, như nhau trước mặt Chúa. Điều rõ ràng hơn cả khi là khi chúc bình anh cho nhau, giầu nghèo đều cởi mở, thân thiện, bắt tay nhau chúc bình an. Khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Đức Kitô cũng thế, mọi người lớn nhỏ, giầu nghèo nhận như nhau, không phân biệt giai cấp. Chính những điểm này giúp con người trong thánh đường nhận rõ giá trị thật sự của mình, nhận biết phẩm giá của con người được đề cao, sự sống được coi trọng và công bình được đối xử đồng đều cho mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi lứa tuổi đều bình đẳng trước mắt Thiên Chúa. Tham dự Bí Tích Thánh Thể con người cảm thấy cuộc sống hạnh phúc hơn, gánh nặng cuộc đời nhẹ hơn và niềm hy vọng ngày mai tươi sáng tươi hơn vì tâm hồn họ được nuôi dưỡng bằng bánh hằng sống, bánh từ trời ban xuống. Cuộc sống trần thế của họ vẫn cơ hàn nhưng tâm hồn họ thanh thản, giầu tình thương Chúa, tâm tình vững mạnh hơn đón nhận thống khổ đời sống mang lại do yếu kém lãnh đạo gây ra. Trong thánh đường họ nhận ra bộ mặt thật của con người khi Thiên Chúa sáng tạo ra họ và họ nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô nơi anh chị em khác.

Sức mạnh nội tâm không giúp cho phần xác khỏi đói nhưng nó ban sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua được nhiều khó khăn, gian truân trong cuộc sống. Anh bạn tôi sống sót nhờ vào sức mạnh ấy. Anh tin bạn Kitô hữu không bao giờ bỏ anh và niềm tin vững mạnh vào Đức Kitô Phục Sinh giúp anh vượt qua được thời gian tù đầy, về nhà bình an.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org