CẢM XÚC MIỀN ĐẤT THÁNH

KHỞI HÀNH

Thế là cuối cùng, ước mong cả đời của tôi một lần đi hành hương Đất thánh đã được thực hiện. Công ty du lịch TransViet Travel đã chính thức thông báo cho chúng tôi hành trình chuyến bay sẽ khởi hành vào 20h25 ngày 17/06/2015. Chúng tôi nhanh chóng hợp thành đoàn hành hương do cha Giuse Phạm Công Trường, chính xứ Bến Hải thuộc Tổng giáo phận Tp Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn. Đoàn gồm 7 linh mục, một tu sĩ, và 18 giáo dân. Phần lớn thuộc miền Trung, phần nhỏ thuộc miền Nam, tôi là con số độc đắc thuộc miền Bắc. Chuyến bay sẽ tạm dừng ở Thailand một tiếng rồi quá cảnh ở Istanbul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (Turque), sau đó đi Tel Aviv thủ đô của Israel.

Chuyến bay Quốc tế cất cánh khá đúng giờ, chỉ một tiếng sau, chúng tôi đã chuẩn bị hạ cánh ở Thailand. Nhìn từ trên máy bay ở độ cao dưới 3000m, người ta đã có thể phân biệt được những trục đường chính của Thailand. Vẫn những dòng ánh sáng chuyển động dọc trục lộ. Chỉ khác là ở Việt Nam thì ánh sáng dày đặc và ôtô bị đan chen giữa dòng xe máy, còn ở Thailand thì có khoảng trống vừa đủ để chỉ có dòng ôtô chuyển động. Hiện trạng này là phổ thông với cả Thailand và hầu hết các nước trên thế giới, trong khi ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu ở các lộ cao tốc và đường vành đai.

Sau 9 giờ bay, máy bay chúng tôi đã tới sân bay quá cảnh tại Istanbul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Quả là một thú vị khi ở Việt Nam là 9h thì ở Istanbul lúc này là 5h sáng. Tôi được chứng kiến cảnh hừng đông ló dạng. Không phải là ngước nhìn lên phía mặt trời mọc, nhưng là nhìn xuống trái đất xuyên qua các làn mây từ trên máy bay. Cảm tạ Thiên Chúa đã dựng lên vũ trụ bao la xinh đẹp. Nhưng còn phải tạ ơn hơn nữa vì chỉ có con người biết thưởng thức công trình tuyệt diệu của Thiên Chúa. Qua ánh hừng đông từ phía mặt trời, tôi nhìn thấy những ngọn núi nhấp nhô vừa trùng điệp vừa kiến tạo những cảnh sắc muôn màu. Tôi sững người, căng tròn đôi mắt nhìn ngắm những dãy núi trùng điệp muôn sắc màu, cao vượt trên những rừng cây xanh phủ khắp một khoảng không gian rộng lớn. Nhưng vừa khi định thốt lên những lời cảm thán thì cũng là lúc tôi chợt nhận ra đó là những núi mây hình thành xuyên qua ánh mặt trời hừng đông. Tôi hứng thú đảo mắt
nhìn xuống khắp khung trời, những tảng mây trắng bồng bềnh trôi. Nơi đâu không có ánh mặt trời thì mây tạo thành mảng tối tựa như màu xanh cây lá bao trùm trái đất. Một bức tranh đen trắng hài hoà trong không gian đẹp đến ngỡ ngàng! Và rồi những đốm đỏ đã xuất hiện. Đó là ánh sáng điện trên mặt đất - một biểu tượng nếp sống văn minh của con người. Tôi bắt đầu phân biệt đất liền và biển nhờ qua cảnh sắc tạo hình của thiên nhiên. Khi dưới mắt tôi là một màu đen trắng mênh mông thì đó là biển cả, màu trắng bồng bềnh như những núi bông trùng điệp là do mây nhuốm ánh hừng đông tạo nên. Biển màu đen sậm để chỉ còn "Nước phía trên và nước phía dưới"((St 1,7)) như trình thuật Sáng thế đã mô tả. Những đốm sáng điện đỏ trên mặt đất dần xuất hiện dày đặc, tạo thành những mảng khối rộng, hình thành những thành phố và lại xuất hiện những dòng chảy của xe hơi trên các trục đường. Tôi bất giác nhớ Lời Chúa dạy " Thầy đã đem lửa từ trời xuống và Thầy muốn biết bao cho lửa đó cháy bùng lên"(Lc 12,49). Nếu mỗi ngôi nhà dưới mặt đất kia bừng lên thành một đốm lửa của lòng nhân ái thì những thành phố hoà bình kia sẽ mãi tỏa sáng dưới bầu trời yêu thương của Lòng Chúa thương xót, hạnh phúc biết bao!

Suy tư của tôi vụt tắt ngay khi chạm đất và phải đối diện với cảnh kiểm tra an ninh nghiêm khắc như bất cứ sân bay nào. Đó là cảnh do chính con người tạo nên, khi có những khủng bố khiến khoa học kỹ thuật với hàng loạt máy móc và con người phải vào cuộc kiểm tra. Hậu quả tất yếu là thế. Khi con người đánh mất Đức tin vào Thiên Chúa, thì cũng mất luôn niềm tự tin và còn nói gì đến việc tin vào nhau.

Chuyến bay Istanbul - Tel Aviv lại tiếp tục khởi hành. Thời tiết xấu đã làm chuyến bay chậm lại một giờ, đó sẽ là một thiệt thòi cho chúng tôi trong hành trình định sẵn. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đáp xuống phi trường Ben Gurion tại Tel Aviv là đường dành riêng cho người mù đưa hành khách tới cửa nhập visa. Đó là một phần đường được lát đá thẻ. Một cách dễ hình dung là như phần đường quy định cho người đi bộ ở các đường phố, chỉ khác là đường cho người mù thì đi dọc suốt lộ trình. Một dấu chỉ tình nhân ái đánh động những bước đầu tiên của khách hương khi đặt chân lên Đất thánh.

Tel Aviv là thành phố đông dân thứ hai của Israel, tọa lạc tại bờ biển Địa Trung Hải. Thành phố Trắng của Tel Aviv theo kiến trúc Bauhaus đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2003.

Sau bữa ăn trưa muộn giờ tại một tiệm ăn Trung Quốc, chúng tôi lên xe của hãng du lịch Israel do sự khớp nối giữa hai công ty du lịch Việt Nam - Israel, chấp nhận bỏ hành trình đi thăm thành cổ Caesarea để tiếp hành trình 100 km đi về phía nam, đến thăm Haifa, một đỉnh cao hơn 500m so với mặt biển, nằm phía Đông bờ biển Địa Trung Hải, hiện là thành phố cảng lớn nhất Israel. Từ đỉnh đồi Haifa, phóng tầm mắt nhìn toàn vịnh Haifa, phong cảnh ở đây tuyệt đẹp. Vịnh tạo hình vòng cung xa ngút tầm mắt. Các công trình kiến trúc như vườn hoa khoe sắc dưới không gian tráng lệ. Biển Địa Trunng Hải là nơi giao thoa ba nền văn hóa Châu Âu, Châu Phi và châu Á. Vịnh Haifa quả là nơi “Góc biển chân trời” hội tụ nhiều nền văn hóa và tôn giáo. Chính nơi đây có Tu viện Sao Biển Stella Marie và Núi Carmel, địa danh từ thời Cựu Ước gắn liền với tiên tri Elia.

NAZARETH

Tôi nhắm mắt như để cố gạt đi hiện tại, đưa tâm trí ngược thời gian về quá khứ để hình dung ngọn núi này 800 năm trước công nguyên. Một sườn đá nhỏ nhắc nhớ một trái núi hùng vĩ hoang vu nhưng hàm chứa một lịch sử cứu độ tiệm tiến từ Cựu Ước mà ngọn núi này đánh dấu là đã tiến đến thời Elia. Bên ngoài tu viện Carmel là cột tượng đài Đức Mẹ Stela. Tương truyền Đức Mẹ đã hiện ra nơi đây và truyền cho thánh Dominico mầu nhiệm rất thánh Mân côi để trừ được bè rối Catha khi đó đang hoành hành tàn phá Giáo Hội.Chúng tôi đã dâng lễ hành hương đầu tiên tại đây.

Trong bầu khí thanh tĩnh của miền Galile hài hoà môi trường sinh thái tự nhiên. Hình ảnh Nazareth thân thương hiện lên thật rõ nét với chúng tôi. Chúng tôi tiến về nơi đây khi trời vừa tối và nghỉ tại hotel mang tên Gabriel. Thật ngỡ ngàng khi đoàn lên tầng hai của khách sạn để đọc chung kinh tối và phát hiện đây chính là nguyện đường của một tu viện cổ. Chưa ai biết rõ tu viện này đã được bán lại năm nào và trong hoàn cảnh nào. Nhà nguyện còn giữ nguyên vẹn Thánh giá, Nhà tạm, Đàng Thánh Giá và những ảnh tượng được tôn kính trong nguyện đường. Chúng tôi đọc kinh mà chạnh lòng xót xa nghĩ về Đất Thánh của Chúa mà Chúa vẫn bị tẻ lạnh không biết đã từ bao lâu.

Đêm đầu tiên tại đất thánh thật an lành và hạnh phúc. Chương trình của đoàn là 6h sáng hôm sau tập trung ăn sáng và đi thăm các thánh địa vùng Galile. Giật mình thức giấc xem đồng hồ: 5h58', tôi vội đánh thức người anh em cùng phòng. Vệ sinh cá nhân xong tôi mới chợt nhận ra đó là giờ Việt Nam, giờ Israel đi sau 4 tiếng nên lúc này mới có 2h sáng, anh em chúng tôi lại ngoan ngoãn nằm ngủ lại!

Tạm gọi ngày đầu tiên là ngày của Cựu Ước vì lên núi Carmel với Elia, ngày thứ hai trong hành trình chính thức đi vào Tân Ước, chúng tôi hăm hở tiến vào Đền thờ Truyền tin. Đưa tâm trí hình dung về làng Nazareth bé nhỏ xưa, tôi chợt có cảm nhận một nét gì phảng phất giống Việt Nam theo khuôn lệ Cây đa - Giếng nước - Đình làng. Chúng tôi không được đến với Vương cung Thánh đường Truyền Tin ngay, nhưng được dẫn tới giới thiệu giếng nước cổ xưa của Nazareth. Vết tích còn đó nhưng nước đã cạn khô. Theo các nhà nghiên cứu thì có một mạch nước ngầm đã chảy từ sông Jordan tới đây và giếng này là nơi lấy nước cho cả làng, và đương nhiên thiếu nữ Maria ngày ấy cũng thường xuyên tới đây kín nước.

Vẫn là xoay quanh việc giếng nước, chúng tôi đi bộ một khoảng không xa thì tới một đền thờ nhỏ của Hồi giáo có tên là Nhà thờ Sứ thần Gabriel. Nơi đây cũng được coi là giếng nước Nazareth và Thiên Thần đã truyền tin cho Đức Mẹ tại đây. Tại sao lại có tới hai địa điểm khác nhau như vậy? Thì ra Hồi giáo theo ngụy thư của Phúc Âm Giacobê đã cho rằng Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ ngay khi Đức Mẹ đang kín nước. Tôi nhớ lại lời Đức Cha giáo phận Giuse Nguyễn Năng dặn tôi trước khi đi: "Những địa danh tự nhiên như hồ Galilê, núi Tabor, sông Jordan... thì còn nguyên bản. Các địa danh, thánh tích khác, về sự kiện thì chính xác nhưng người ta giới thiệu thì "tin ít thôi" vì địa lý trải qua 2000 năm đã có biết bao xáo trộn!".

Giờ đây chúng tôi mới thực sự đến với Vưong Cung Thánh đường Truyền Tin, đây là một trong những nhà thờ lớn và nguy nga nhất vùng thánh địa được cung hiến vào năm 1969. Nhà thờ hai tầng với vòm mái khổng lồ hiện đại, bao trùm tầng dưới là một nhà nguyện nhỏ trông như một cái hang, bao bọc quanh là những di tích còn sót lại của nhà thờ thời Thập Tự Chinh và thời Byzantine đã được các cha dòng Phanxicô tái tạo vào thế kỷ XVIII. Rất nhiều những tranh cẩm ngọc quý, những tượng dát vàng, những tranh nghệ thuật Mosaique. Hình ảnh Đức Mẹ được nhiều họa sĩ các nước diễn tả độc đáo, trong đó có cả Đức Mẹ Nữ Vương Việt Nam do họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân khắc họa năm 1989.

Tôi quỳ xuống trước cửa Vưong Cung Thánh Đường, vừa hôn kính Đất Thánh, vừa là hôn kính giây phút mầu nhiệm Truyền Tin Chúa Nhập Thể là giây phút đã mở đầu cho kỷ nguyên cứu độ đời đời trong Đức Giêsu Kitô.

Bước vào trong Vương Cung Thánh Đường, tôi tìm đến điểm trung tâm là bàn thờ được đặt đối diện với hàng chắn bằng hoa văn sắt, bên trong là tàn tích của những phiến đá nhỏ mang cấu trúc của một nền nhà cổ xưa, đây là chính nhà Đức Mẹ và Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel đã truyền tin cho Đức Mẹ tại nơi đây. Bất giác tôi lại nhớ tới lời Đức Cha căn dặn và quỳ gối nhắm mắt cố làm biến mất cả Vương Cung Thánh Đường đi để chỉ hình dung lại một ngôi nhà bé nhỏ cổ xưa của Đức Mẹ. Điều chắc chắn nhất là chính trên mảnh đất này, biến cố Truyền Tin đã xảy ra. Muôn ngàn đời phải khắc ghi giây phút huyền diệu "Chốc ấy Ngôi thứ Hai xuống thế làm người" và lời Đức Mẹ: "Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền"(Lc 1,38).

Ngang qua nhà Đức Mẹ, đoàn còn đến với nhà thánh Giuse để gắn liền công phúc của một vị thánh trên các vị thánh đã đồng công trong chương trình cứu độ của Chúa. Đoạn đường từ Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin đi biển hồ Galile dài khoảng 30 km về phía tây bắc. Bảng chỉ đường ở đây cũng chính là những địa danh Thánh Kinh quen thuộc, xe qua Tiberia đưa đoàn tới biển hồ Galilea.

Còn tiếp : Lần tới : Biển hồ Galilê

LM Phêrô Nguyễn Hồng Phúc