Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hãy gần gũi với những người bị xã hội loại trừ

Giáo Hội chỉ có thể trở thành một cộng đoàn thật sự nếu các thành viên của mình sẵn sàng để cho bàn tay của mình bị dơ bẩn khi đón nhận những ai bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 26 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta khi suy tư trên đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bệnh phong.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng phép lạ được tường thuật trong Tin Mừng Thánh Matthêu khi Chúa Giêsu xúc động và chữa lành cho người bệnh phong ngay trước mặt các thày thông luật, là những người coi người đàn ông này là “ô uế”. Đức Thánh Cha giải thích rằng vào thời đó bệnh phong tựa như một án phạt chung thân vì chữa một người phong cùi được cho là khó như làm cho một người sống lại từ cõi chết. Những người cùi bị loại trừ khỏi xã hội, nhưng Chúa Giêsu dang rộng đôi tay và chỉ cho chúng ta thấy những gì có nghĩa là sự gần gũi với những người như vậy.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chúng ta không thể là một cộng đoàn, chúng ta không thể kiến tạo hòa bình, và chúng ta không thể làm việc thiện mà không gần gũi với mọi người. Chúa Giêsu có thể chỉ cần nói với người phong cùi, “anh đã được chữa lành”, nhưng thay vào đó Ngài dang tay ra và chạm vào anh ta, tự làm mình ra “ô uế”. Đây là mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Ngài mang trên mình những bẩn thỉu của chúng ta, và những tội lỗi của chúng ta để trở nên gần gũi với chúng ta.

Tin Mừng cũng ghi nhận rằng Đức Giêsu đã yêu cầu người đàn ông được chữa lành đừng nói cho bất cứ ai, nhưng đi gặp một tư tế và 'dâng của lễ theo luật Môisen' như là bằng chứng mình đã được sạch. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Chúa Giêsu không chỉ làm cho tay mình dơ bẩn nhưng Ngài còn hướng dẫn người đàn ông này đến với các tư tế để anh có thể được đón nhận lại trong Giáo Hội và trong xã hội. Chúa Giêsu không bao giờ loại trừ bất cứ ai. Ngài chỉ loại trừ chính mình ngõ hầu đón nhận chúng ta là những người tội lỗi.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận phản ứng của những người xung quanh Chúa Giêsu, nhiều người trong số đó ngạc nhiên trước những lời giảng dạy của Ngài và đã đi theo Ngài. Những người khác, quan sát từ xa với trái tim chai cứng để chỉ trích và lên án Ngài, trong khi lại có những người khác nữa muốn đến gần Chúa Giêsu, nhưng chưa đủ can đảm để làm như vậy. Với những người như thế, Chúa Giêsu chìa tay ra, như Ngài đã chìa tay ra với tất cả chúng ta, gánh lấy tội lỗi của chúng ta để trở thành một người trong chúng ta. Liệu chúng ta có đủ sức mạnh và can đảm để bước ra và chạm vào những người bị loại trừ hay không? Đây là ý nghĩa của một cộng đoàn Kitô giáo và đây là câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta - các linh mục, giám mục, tu sĩ, tất cả chúng ta - phải tự hỏi chính mình.

2. Những mục tử gắn bó với thế gian nói rất nhiều lắng nghe chẳng bao nhiêu

Lời nói, việc làm và khả năng lắng nghe là ba yếu tố quyết định khiến các tín hữu có thể nhìn thấy nơi một vị mục tử sự nhất quán và thẩm quyền. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 25 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Nhắc lại Tin Mừng trong ngày trong đó mọi người ngạc nhiên về những lời giảng dạy đầy thẩm quyền của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói rằng ngày nay người ta cũng cảm thấy thuyết phục “khi một linh mục, giám mục, một giáo lý viên, một Kitô hữu, có sự nhất quán mang lại cho người ấy thẩm quyền luân lý”.

Đức Thánh Cha nói Chúa Giêsu đã từng “khuyên nhủ các môn đệ của Ngài” hãy cẩn thận tránh xa các “tiên tri giả”. Nhưng ngài đặt vấn đề là làm thế nào để phân biệt những người rao giảng Tin Mừng đích thực và những kẻ giả mạo?

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, có ba điều giúp ta phân định: họ nói như thế nào, họ làm gì, và họ có chịu lắng nghe không?

“Họ nói, họ làm, nhưng họ thiếu một thái độ khác là cơ sở, là nền tảng cho những phát biểu, và hành động, đó là họ thiếu khả năng lắng nghe”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “sự kết hợp giữa nói và làm thì chưa đủ.. .” và thường có thể chỉ là trò lừa đảo. Thay vào đó, điều Chúa Giêsu hy vọng nơi chúng ta là biết “lắng nghe và hành động - để đưa vào thực tế. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7:24-25).

Hãy cảnh giác với những “tiên tri giả”

Thay vào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng những người “nghe nhưng không biến những lời ấy thành của mình thì không lắng nghe nghiêm chỉnh hay không đưa những lời ấy vào thực hành sẽ giống như một người xây dựng ngôi nhà của mình trên cát”.

“Khi Chúa Giêsu cảnh báo mọi người hãy cẩn thận các 'tiên tri giả’ Ngài nói: ‘Xem quả thì biết cây’. Và cụ thể ở đây là thái độ của họ: Nói rất nhiều, và làm bao nhiêu những chuyện to tát, nhưng mà họ không có một trái tim rộng mở để lắng nghe Lời Chúa; họ sợ sự im lặng của Lời Chúa và họ là những 'Kitô hữu giả', các 'mục tử giả’. Đúng là họ làm được nhiều điều tốt đẹp, nhưng họ thiếu nền tảng”

Mục tử của thế gian nói rất nhiều nhưng lắng nghe chẳng bao nhiêu

Cái mà những người này thiếu là “đá tảng tình yêu của Thiên Chúa, đá tảng Lời Chúa” Và khi không có đá tảng này, họ không thể rao giảng, họ không thể xây dựng: Họ chỉ giả vờ và cuối cùng tất cả mọi thứ sụp đổ”

Đây là những “mục tử giả”, là những “Kitô hữu nặng lòng thế gian”, là những người nói quá nhiều. Họ sợ sự im lặng; có thể vì họ làm quá nhiều. Họ không có khả năng đón nhận những gì họ đã nghe, họ thích những âm thanh của tiếng nói riêng mình – và những điều không đến từ Thiên Chúa.

Nêu bật ba từ “làm, nghe, nói,” Đức Giáo Hoàng nhận định rằng “ai chỉ nói và làm thì không phải là một tiên tri chân thật, không phải là một Kitô hữu chân chính, và cuối cùng tất cả mọi thứ sẽ sụp đổ vì mọi thứ không được xây trên đá tảng tình yêu Thiên Chúa - mọi thứ không vững như đá. Một người biết lắng nghe và có hành động đáp lại những gì người ấy đã nghe, với sức mạnh của lời Chúa, không phải sức riêng mình thì đạt đến sự cân bằng. Dù người ấy là một người khiêm hạ đi chăng nữa cũng không quan trọng – có biết bao những người vĩ đại như thế trong Giáo Hội! Biết bao những giám mục cao cả, biết bao nhiêu linh mục vĩ đại, biết bao những tín hữu tuyệt vời là những người đã lắng nghe và đem ra thực hành những gì đã lắng nghe!

Một ví dụ trong thời đại của chúng ta là Mẹ Teresa thành Calcutta, là người “không nói gì, nhưng biết lắng nghe trong im lặng” và “đã làm rất nhiều!” Cả Mẹ Teresa và những công việc Mẹ làm đều không sụp đổ. Những người vĩ đại biết lắng nghe và hành động đáp lại những gì đã nghe vì niềm trông cậy và sức mạnh của họ dựa trên đá tảng là Chúa Giêsu Kitô.

3. Câu chuyện Vị Tiên Tri Cô Độc

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người Ấn Ðộ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

“Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế dọa sẽ trừng trị họ bằng một trận động đất. Ðất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng đất... Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình thường.

Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe dọa của Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời...

Ðộng đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vào.

Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem những gì đang xảy ra cho loài người. Ðúng như lời đe dọa của Thượng đế, mọi người sống trên mặt đất đều hóa ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại...

Buồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có một tâm trí lành mạnh, bình thường...

Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữa.

Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ...”

Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc...

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phụng Vụ ngày 3 tháng 7 kính nhớ thánh tông đồ Tôma. Ai cũng biết lời bất hủ của Toma khi tuyên bố về sự sống lại của Chúa: Nếu tôi không xỏ tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, tôi không tin... Theo phương pháp khoa học, nhiều người đã lấy câu nói của Toma làm châm ngôn cho việc đi tìm chân lý. Nghĩa là, nếu tôi không kiểm chứng được, nếu tôi không sờ mó được, tôi không chấp nhận điều đó là đúng...

Thái độ đó chưa hẳn là thái độ thực tiễn trong cuộc sống. Giá trị cao cả nhất trong cuộc sống: đó là sự tin tưởng, tín nhiệm đối với người khác. Ðau yếu, chúng ta đi mua thuốc, chúng ta buộc phải tin tưởng ở người bán thuốc. Lạc đường, chúng ta buộc phải tin tưởng ở lòng thành thật của người chỉ lối...

Thái độ đó càng đúng hơn trong lĩnh vực Ðức Tin... Chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không phải vì chúng ta đã thấy Người hiện ra, nhưng chỉ vì lời chứng của các tông đồ, của các tiền nhân... Một thái độ như thế đòi hỏi rất nhiều phấn đấu của lý trí. Lắm khi, chúng ta chỉ là một thiểu số cô độc.

Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô độc của những người đang đi tìm chân lý. Người Kitô thường phải đi ngược dòng. Ðiều người đời cho là bất bình thường, có lẽ phải là cái bình thường đối với người Kitô. Ðiều người đời cho là yếu nhược, có khi phải là sức mạnh của người Kitô. Ðiều người đời cho là điên dại, có khi phải là lẽ khôn ngoan của người Kitô.

4. Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái

Trong gia đình tất cả đều gắn liền với nhau. Vì thế mọi lời nói việc làm và thiếu sót của cha mẹ đều gây ra các thương tích trong tâm hồn con cái, và để lại các hậu qủa trầm trọng trong cuộc sống của chúng. Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết trong suốt cuộc đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 24 tháng Sáu, lễ kính Thánh Gioan Tẩy Giả.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý các vết thương trong cuộc sống chung của gia đình. Ngài nói: thật là điều xấu, khi trong gia đình người ta làm cho nhau đau khổ. Chúng ta biết là không có lịch sử gia đình nào mà lại không có các thời gian, trong đó sự thân tình của các trìu mến bị xúc phạm bởi thái độ sống của các thành phần trong gia đình. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Các lời nói, các hành động và các thiếu sót, thay vì diễn tả tình yêu thương, thì lại lấy mất đi, hay tệ hại hơn, gây khổ đau cho tình yêu thương. Khi các vết thương này còn có thể sửa chữa được, chúng bị lơ là, trở nên trầm trọng và biến thành các ưu quyền, sự thù nghịch và khinh rẻ. Và lúc đó chúng có thể trở thành các xâu xé sâu đậm, chia rẽ vợ chồng, và dẫn đưa tới chỗ tìm ở nơi khác sự cảm thông, nâng đỡ và an ủi. Nhưng thường khi các “nâng đỡ” ấy không nghĩ tới hạnh phúc của gia đình.

Sự trống rỗng tình yêu hôn nhân làm lan tràn sự oán hận trong các tương quan. Và thường khi sự tan vỡ đổ ập trên con cái. Con cái, đó là điểm tôi muốn đề cập tới một chút. Mặc dù sự nhậy cảm của chúng ta bề ngoài xem ra đã tiến triển, và mọi phân tích tâm lý tinh tế của chúng ta, tôi tự hỏi chúng ta cũng có đang gây mê đối với các vết thương trong tâm hồn các trẻ em hay không. Người ta càng tìm cách bù trừ bằng quà cáp và bánh ngọt bao nhiêu, thì lại càng đánh mất đi ý thức về các vết thương của tâm hồn – đau đớn và sâu đậm hơn – bấy nhiêu. Chúng ta nói nhiều về các thái độ hỗn loạn, về sức khỏe tâm thần, vể hạnh phúc của trẻ em, sự lo âu của cha mẹ và con cái… Nhưng chúng ta có còn biết vết thương của tâm hồn là cái gì không? Chúng ta cảm thấy sức nặng của quả núi đè bẹp tâm hồn một trẻ em, trong các gia đình, trong đó người ta đối xử tàn tệ với nhau và làm cho nhau đau khổ, cho tới chỗ bẻ gẫy mối dây liên kết của sự chung thuỷ hôn nhân? Các lựa chọn của chúng ta có sức nặng nào trên tâm hồn của các trẻ em? Có sức nặng nào trong các lựa chọn của chúng ta – các lựa chọn sai lầm chẳng hạn, có sức nặng biết bao nhiêu trên tâm hồn của các trẻ em?

Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết suốt cả cuộc đời.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Trong gia đình tất cả đều gắn bó với nhau: khi tâm hồn của trẻ em bị thương tích tại một điểm nào đó, thì sự nhiễm trùng lan sang mọi nguời. Và khi một người đàn ông và một người đàn bà dấn thân để trở nên “một thân thể duy nhất” và thành lập một gia đình, nghĩ tới các đòi hỏi riêng của họ liên quan tới sự tự do và tưởng thưởng một cách ám ảnh, thì sự lệch lạc này tấn kích con tim và cuôc sống của con cái một cách sâu đậm. Biết bao lần các trẻ em lẩn trốn để khóc một mình… Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Chồng vợ là một thịt xác duy nhất. Nhưng các thụ tạo của họ là thịt xác của thịt xác họ. Nếu chúng ta nghĩ tới sự cứng rắn mà Chúa Giêsu dùng để cảnh cáo người lớn đừng gây gương mù gương xấu cho các trẻ em, như đã nghe trong đoạn Tin Mừng (x. Mt 18,6), thì chúng ta cũng có thể hiểu một cách dễ dàng hơn lời nói của Ngài liên quan tới trách nhiệm trầm trọng phải gìn giữ mối dây hôn nhân khai mào gia đình nhân loại (x, Mt 19,1-9). Khi người nam và người nữ đã trở nên một thịt xác duy nhất, thì mọi vết thương và các bỏ rơi của người cha hay người mẹ ghi đậm dấu vết trên thịt xác sống động của con cái họ.

Đàng khác, cũng đúng thật là có những trường hợp, trong đó sự chia ly không thế tránh được. Đôi khi nó có thể trớ thành cần thiết trên bình diện luân lý, khi người ta tìm lấy khỏi người phối ngẫu yếu duối hơn, những đứa con còn bé khỏi các vết thương trầm trọng hơn, bị gây ra bởi ưu quyền và bạo lực, sự nhục nhã và khai thác bóc lột, sự xa lạ và thờ ơ.

Nhưng cám ơn Chúa không thiếu những người được nâng đỡ bởi đức tin và tình yêu thương đối với con cái, làm chứng cho sự chung thủy của họ đối với mối dây ràng buộc mà họ đã tin, dù xem ra không thể làm nó sống lại được. Tuy nhiên, không phải mọi nguời ly thân đều cảm thấy ơn gọi này. Không phải ai cũng thừa nhận trong thinh lặng một tiếng gọi của Chúa hướng tới họ. Chung quanh chúng ta chúng ta tìm thấy các gia đình khác nhau trong những hoàn cảnh bất bình thường. Tôi không thích từ này và chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi? Làm sao trợ giúp các gia đình? Làm thế nào để đồng hành với chúng? Làm thế nào để đồng hành với các gia đình để con cái không trở thành con tin của cha hay mẹ?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một đức tin lớn lao để nhìn thực tại với cái nhìn của Thiên Chúa; và một tình bác ái lớn lao để đem con người tới gần trái tim thuơng xót của Chúa.

5. Hãy tha thứ để được thứ tha

Để cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành lời dạy trong kinh Lạy Cha: nghĩa là phải chân thành ăn năn vì những tội lỗi của chúng ta, vì biết rằng Thiên Chúa luôn tha thứ, và chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ cho người khác. Đức Thánh Cha đã nói như trên khi phân tích bài trích Phúc Âm theo Thánh Mátthêu (18: 21-35), trong đó Chúa khuyên các môn đệ của Ngài tha thứ “bảy mươi lần bảy”, tức là luôn luôn và tất cả, Đức Thánh Cha đã đề cập đến những liên kết chặt chẽ giữa việc Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta và sự tha thứ của chúng ta cho tha nhân.

Suy tư trên bài đọc từ Cựu Ước trích từ sách tiên tri Daniel, kể về lời van xin Thiên Chúa khoan hồng của Azariah, người đại diện cho toàn dân, thú nhận tội lỗi và cầu xin được tha thứ vì đã từ bỏ con đường đoan chính của Chúa. Azariah không biện hộ cho dân, cũng không cầu xin Chúa hãy xem nhẹ những tội lỗi của họ, hay là bỏ qua những tội lỗi của dân Người, nhưng xin Chúa tha thứ cho họ.

Đức Thánh Cha nói:

“Kêu cầu sự tha thứ là một điều khác với việc chỉ đơn giản nói rằng, tôi đã thực hiện một sai lầm 'cho tôi xin lỗi’ hay ‘Xin lỗi, tôi đã làm sai’. Không, ‘Tôi đã phạm tội!’ - Đó là sự khác biệt: hai điều này không giống nhau. Tội lỗi không phải là một sai lầm đơn giản. Tội lỗi là thờ ngẫu tượng: đó là sự tôn thờ những ngẫu tượng như niềm tự hào, phù hoa, tiền bạc, ‘cái tôi’, ‘sự sung túc riêng mình’. Chúng ta có quá nhiều ngẫu tượng vì thế mà Azariah không xin lỗi nhưng ông cầu xin sự tha thứ”

Sự tha thứ phải được khẩn xin một cách chân thành, hết lòng - và sự thứ tha cũng phải được trao ra hết lòng với những người đã làm tổn thương chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc lại thái độ của người đầy tớ được tường thuật trong Tin Mừng, là người đã được chủ tha cho một món nợ lớn, nhưng đã không hào phóng như thế với người bạn mình. Đức Thánh Cha giải thích rằng động lực của sự tha thứ là những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha:

“Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha như thế này: Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” Nếu tôi không thể tha thứ, thì tôi không thể cầu xin được tha thứ. ‘Nhưng thưa cha, con đi xưng tội’ Nhưng anh chị em sẽ làm gì trước khi đi xưng tội? ‘Thưa, con nghĩ đến những điều con đã làm sai. Sau đó, con cầu xin Chúa tha thứ và hứa sẽ không làm những điều đó nữa. Và sau đó con đến gặp một linh mục’ Nhưng trước khi anh chị em làm những điều này, anh chị em vẫn thiếu một cái gì đó: anh chị em có tha thứ cho những người đã làm tổn thương anh chị em không?”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng sự tha thứ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đòi buộc chúng ta phải tha thứ cho người khác.

“Đây là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta về sự tha thứ: đầu tiên, xin tha thứ không phải là một lời xin lỗi đơn giản, đó phải là một nhận thức về tội lỗi, về sự sùng bái ngẫu tượng mà tôi đã phạm; thứ hai, Thiên Chúa luôn tha thứ, luôn luôn - nhưng Ngài đòi hỏi tôi phải tha thứ cho người khác. Nếu tôi không tha thứ, trong một nghĩa nào đó, tôi đã đóng cửa với sự tha thứ của Thiên Chúa. Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.