THƯ MỤC VỤ 15.12.2003

Số 117

GIÁNG SINH 2003



“Đây Ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, tin mừng cho toàn dân”

(Lc 1,10).

Anh chị em thân mến,

Đó là lời của Thiên Thần báo tin cho anh em mục đồng ở Bêlem trong đêm Giáng sinh. Này tôi báo cho anh em một tin mừng đặc biệt. Tin mừng ấy là :“ Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho anh em trong thành vua Đavit”

Đấng Cứu Thế nói đây chính là Thiên Chúa. Vì chỉ có mình Người mới có quyền tha tội (Lc 5,21) Ơn cứu chuộc chỉ phát xuất từ Người, vì tội lỗi xúc phạm đến người (x. Miserere…).

Người là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát: “Một tin mừng cho toàn dân ”. Người có thể cứu chuộc con người từ trời cao, Người chỉ cần phán một lời, như khi tạo dựng con người và vũ trụ. Nhưng Người đã hạ sinh làm người. Bản gia phả theo thánh Matthêu và Thánh Luca xác nhân Người là con của loài người. Người đã nhập thể, xuất thân từ dòng giống loài người, để cứu dân Người khỏi tội lỗi (Mt 1,21). Thánh Phaolô viết:

Thiên Chúa sai con mình sinh làm con một người đàn bà và sống dưới lể luật, để cứu những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử ” (Gl 4,4).

Vậy hôm nay, cùng với Thiên Thần, Giáo Hội loan báo cho anh chị em: Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh. Người vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Người là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta ” và là Đấng Cứu Độ duy nhất và chung cho tòan thể nhân lọai.

Phẩm giá của con người thật cao cả

Trước hết, việc Thiên Chúa Giáng sinh nói lên phẩm giá cao cả của con người: “Lạy Chúa, phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến, con người là gì mà Chúa phải thăm nom ” (Dt 2,6). Theo Thánh Kinh thì “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh mình - Là nam và nữ - Người đã tạo dựng nên chúng” (St 1, 27): có thân xác hữu hình và linh hồn thiêng liêng. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thân xác và linh hồn ấy kết hợp với nhau nên một. Phẩm giá của con người là ở đó, nó cao trọng hơn mọi sự vật trên đời, hơn mọi sản phẩm: văn hoá, nghệ thuật, luật pháp, kinh tế, chính trị do con người làm ra… và hơn cả mọi loài thụ tạo khác trên trời, dưới đất, trong lòng biển cũng như trong lòng đất.

Ngoài ra, mọi người đều có cùng một phẩm giá như nhau: nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo, người có học cũng như người thất học, người có quyền chức cũng như người thường dân,… Do đó, tôn trọng phẩm giá của mình và của người khác là nghĩa vụ chung của mọi người. Tôn trọng phẩm giá mình hay tự trọng là sống đúng với nhân phẩm của mình, sống đàng hoàng, cao thượng, “trọn lành như Chúa Cha trên trời là Đấng trọn lành ” (x. Mtr 5, 48). Kính trọng phẩm giá của người khác là đối xử với họ cách công bằng, thành thật, có tình, có lý, không ghen ghét, hận thù, không lợi dụng, không phân biệt đối xử, không khai trừ, khinh bỉ. Người giàu không hành hạ hay bóc lột nguời làm công. Người có quyền không bất công với ngưới thuộc hạ. Những vị lãnh đạo trong các ban ngành, hãy giúp cho mọi người được sống và làm việc cách phù hợp với phẩm giá cao quý của họ: như công nhân trong các xí nghiệp, các công trường, nhân viên trong các cơ quan, người công dân trong nước. Hiền nhân của chúng ta đã nói: “Thương người như thể thương thân ”. “Đừng làm cho người khác điều mình không muốn người khác làm cho mình ”.

Thiên Chúa tự bản chất là Tình Yêu.

Kế đến, lễ Giáng sinh còn nói lên Thiên Chúa là Tình yêu. Người yêu thương con người. Thánh Gioan Tông đồ viết: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính con một của mình để tất cả những ai tin vào Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16 ). Thiên Chúa yêu thương con người. Người yêu trước, yêu tối đa và yêu đến tận cùng. Người đã sai người Con Một là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian để sống với loài người, để mạc khải và dạy dỗ họ mọi sự thật liên quan đến họ và Thiên Chúa của họ. Nơi Người, ta tìm được giải đáp cho mọi vấn đề. “Người làThầy và là Chúa” (Ga 13,13). “Người là Tình yêu” (1 Ga 4,8). Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh mình, tự bản chất, cũng là tình yêu.

Phải, con người cần yêu thương và được yêu thương: yêu thương giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, và giữa anh chị em với nhau trong gia đình, gia tộc, trong các cộng đoàn, các ban ngành, quốc gia và đại gia đình nhân loại. Vì con người là tình thương, nên phải nói kẻ thù của con người là sự chia rẻ, ganh tị, báo thù, bất công, kỳ thị, khủng bố, chiến tranh và các tai họa khác.

Giáng sinh là Tin mừng Thiên Chúa Tình Yêu. Mừng Giáng sinh, chúc mừng Giáng sinh, vui hưởng giáng sinh trong giáo xứ, trong quận, huyện, tỉnh, thành và trong nước, chúng ta đừng bỏ qua bài học về tình thương. Không có tình thương, gia đình anh chị em sẽ không có hạnh phúc, đất nước chúng ta sẽ không phát triển và thịnh vượng, và thế giới sẽ chẳng có hoà bình. Một số sự kiện xảy ra đã chứng tỏ nhiều người Việt Nam chưa yêu thương nhau. Những vụ vợ chồng đánh đập nhau rồi ly dị, những vụ xô xát trên đường phố, những vụ ỷ thế lạm quyền đàn áp nhân dân ở thôn quê, nạn tham nhũng, hiếp đáp dân chúng, nạn buôn lậu, buôn người, buôn xì ke, ma túy, sự gian dối ở các bàn giấy, xí nghiệp, toà án, sự chênh lệch ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo, nạn người bóc lột người ở các xưởng thợ, các bệnh viên, học đường, các ban ngành, tổ chức. Sự phân biệt đối xử, lòng ghét đạo, óc đảng phái địa phương, v.v… Đó là những tín hiệu chứng tỏ chúng ta chưa thương yêu nhau.

Đất nước đang trên đà phát triển về kinh tế, về ngoại giao, về thông tin, quân sự, tài nguyên và hạ tầng cơ sở, kể cả về thể dục thể thao, được nổi bật trong Sea Games vừa qua. Nhưng con người chưa phát triển được bao nhiêu, và trên một số lãnh vực xem ra như tụt hậu. Nhà hư, xe hư, đường hư… một vài năm có thể sửa lại được, nhưng người hư, gia đình hư, xã hội hư phải trăm năm may ra mới được phục hồi.

Hãy học với Thiên Chúa Giáng sinh bài học về tình yêu thương nhau. Ngài là Thiên Chúa tròn đầy, và là con người hoàn hảo.

Thiên Chúa đến để phục vụ

Sau hết, Chúa Giêsu, là Thiên Chúa Giáng sinh làm người. Người đã nói: “Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ anh em mình, và ai muốn cầm đầu, thì hãy làm tôi tớ. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người ” (Mt 20, 26-28).Giáng sinh cũng là bài học về phục vụ. Bắt đầu, như Chúa Giêsu dạy, là những người được coi là lãnh tụ các nước, những người cai quản dân chúng với tư cách là chủ nhân, và là những người làm lớn có quyền cai trị (x. Mc 10, 42). Người cũng đã nói với các môn đệ: “Người ngồi ăn và người hầu bàn, ai trọng hơn, nào chẳng phải người ngồi ăn ư? Thế mà Thầy, Thầy ở giữa các con như người hầu hạ ” (Lc 22,27). Người ta thường nghe nói: “yêu là phục vụ, yêu là trao ban, yêu là quan tâm đến người khác, là chia sẻ, là chí công vô tư ”. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến với loài người, sống với họ, chia sẻ những lo âu, và ước vọng của họ. Người hiến cả cuộc đời để an ủi, dạy dỗ và cứu chữa họ. Người đã chữa lành các thứ bệnh tật, thể xác và tinh thần. “Người còn phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người ” (Mt 20, 28). Anh chị em những người lãnh đạo trong các ban ngành, vẫn xưng mình là đầy tớ của nhân dân. Hãy noi gương Thiên Chúa Giáng sinh làm người mà quên mình để phục vụ. “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế ” (Mt 7,12)

Kết luận

Lễ Chúa Giáng sinh nhắc nhở chúng ta:

Phải tôn trọng phẩm giá của mình và phẩm giá của người khác.

Hãy thương người như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Hãy phục vụ lẫn nhau, vì thương yêu là phục vụ.

Đó là những bài học căn bản của Thiên Chúa Giáng sinh làm người.



TIN TỨC


Năm Thánh Truyền Giáo

Nhân kỷ niệm 470 năm truyền giáo tại Việt Nam (1533-2003), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chấp thuận đơn xin của UĐGMVN chọn năm 2004 làm Năm Thánh Truyền Giáo, sẽ cử hành trong toàn Giáo hội tại Việt Nam từ lễ Giáng sinh 25-12-2003 đến lễ Hiển Linh 06-01-2005.

Được hưởng ơn Toàn xá : với những điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha - các tín hữu tham dự: tại nhà thờ Chính Tòa hay các nhà thờ khác do Đức Giám Mục chỉ định.

Thánh lễ khai mạc ngày 25-12-2003 và Thánh lễ bế mạc ngày 06-01-2005 tại nhà thờ Chánh Toà.

Những buổi cử hành phụng vụ vào các ngày kỷ niệm Truyền giáo. Năm 2003: 28/12; Năm 2004: 14/2, 19/3,30/5, 11/6, 26/7, 12-15/8, 1/10, 24/11, 3/12.

Những cuộc hành hương về nhà thờ Chánh Toà để tham dự một cử hành phụng vụ.

Được hưởng ơn Tiểu xá :

Mỗi khi các tín hữu làm một việc thiện, hoặc một việc thống hối hay một công tác truyền giáo do cha xứ đề ra và được Đức Giáo Mục chấp thuận.

Mỗi khi làm việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Lavang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam hoặc các việc tôn kính khác.

Những nhà thờ hưởng ơn Toàn xá

Ngoài nhà thờ Chánh Toà, những nhà thờ được chỉ định (thuận tiện cho việc đi lại): Nhà thờ Thanh Xuân, Võ Đắt, Thuận Nghĩa (Hạt Hàm Thuận Nam), Long Ha (hạt Bắc Tuy).

Thắp sáng Ánh sao Giáng Sinh

Để đánh dấu Ngày khai mạc Năm Thánh Truyền Giáo và mừng ngày Chúa Giáng Sinh, xin anh chị em thắp sáng ánh sao hoặc trang trí hang đá Giáng sinh trước nhà mình.