Đền thờ đồi Golgotha và mộ Chúa Giêsu sống lại

Từ xưa nay, đều có những đoàn người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng đền thờ đồi Golgotha, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập gía, cùng ngôi mộ, nơi Chúa Giêsu được an táng và đã sống lại. Hai nơi thánh này cùng nằm trong một đền thờ ở Gierusalem vùng cổ thành.

Khách hành hương đến kính viếng hai nơi thánh này, những mong tưởng có dịp thuận tiện tốt lành, nhất là bầu khí thánh thiêng yên tĩnh để cầu nguyện, mong đụng chạm xờ vào di tích thánh tảng đá núi đồi , nơi cây thập gía Chúa Giêsu ngày xưa dựng cắm, mong qùy xuống hôn kính viên đá nấm mồ nơi Chúa Giêsu đã nằm yên nghỉ trước khi sống lại từ cõi chết…

Nhưng nhiều người đã thất vọng. Vì bầu không khí nơi đó khác hẳn với nghĩ tưởng, hầu như „ hương vị thánh“ gần như tan loãng. Lý do là các khách hành hương thuộc đủ mọi tôn giáo, mọi nước ra vào nhộn nhịp, rồi những nghi lễ khác nhau của các tôn giáo cử hành ở các bàn thờ khắp trong đền thánh, và cộng thêm những hướng dẫn cắt nghĩa của những nhóm du khách hành hương nữa.

Đền thờ mộ Chúa Giêsu nơi đây không thuộc riêng về một tôn giáo nào. Nhưng là của chung những tôn giáo Chính Thống giáo Hy Lạp. Chính thống giáo Armenien, Công Giáo do Dòng Phanxico đại diện, Chính Thống giáo Cốp, Chính thống giáo Syria, Chính thống giáo Ethiopia. Thành ra 6 Tôn giáo đó cùng chung thờ phượng Chúa trong một ngôi đền thờ.

Ngày xưa Chúa Giêsu chết trên thập gía giữa cảnh ồn ào nhộn nhịp lộn xộn thế nào, thì ngày nay có lẽ cũng diễn ra gần như vậy.

Dẫu vậy, người hành hương, người tín hữu Chúa Kito tin rằng nơi đó Chúa Giêsu đã bị đóng đinh trên thập gía cho tới chết, và sau đó Ngài được mai táng trong khu mộ ngay sát cạnh đó trước khi Ngài sống lại, là di tích nơi thánh cho lịch sử thần học đức tin Công Giáo cùng những tôn giáo khác cùng tin vào Chúa Giêsu.

Từ khía cạnh đó, người ta đi tìm hiểu lịch sử của ngôi đền thánh này, không chỉ về phương diện năm tháng xây dựng, nhưng còn về ý nghĩa đạo đức thần học nữa.

Đền thờ thời Vua Constantino

Trong dòng thời gian ba thế kỷ đầu tiên sau Chúa về trời, các tín hữu Chúa Kitô thời Giáo Hội sơ khai chú trọng tới việc đạo đức thần học là việc chính. Giáo Hội sơ khai chú ý đến ý nghĩa sự chết của Chúa Giêsu trên thập gía và sự phục sinh của Chúa nhiều hơn. Còn nơi chốn Chúa chịu đóng đinh đồi Golgotha, mộ thánh của Chúa ở Gierusalem với họ là việc phụ thôi, họ không chú trọng đến.

Mãi đến thời hoàng đế Constantin thứ nhất di tích hai nơi thánh mới dần lộ diện ra ánh sáng được biết đến. Constantino sau khi thắng Licinius năm 324 , ông trở thành hoàng đế của đế quốc Roma thống trị toàn vùng miền phía đông của đế quốc, và là vị vua đầu tiên Ông trở lại Công Giáo trong đế quốc Roma. Từ đó đạo Công Giáo được công nhận và bắt đầu phát triển lan rộng.

Mùa Hè 325 Hoàng đế Constantino triệu tập Công đồng Công Giáo ở Nicea. Hoàng đế muốn không chỉ về phương diện chính trị, mà còn muốn hợp nhất một Giáo Hội theo khía cạnh thần học tương đương phù hợp một vương quốc và một Giáo Hội.

Ở Công đồng Nicea bản kinh tin kính được các Giám mục viết về Chúa Giêsu: „ Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô….vì loài người chúng tôi, và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập gía, và ngày thứ ba người sống lại, Người lên trời và người sẽ trở lại, để phán xét người sống và người chết…“.

Từ căn bản thần học đó của Công Đồng Nicea, nhà Vua cùng với Thánh nữ Helena là mẹ của Vua đã cho xây dựng đền thờ đôi đầu tiên ở Gierusalem để kính nhớ sự chết đau khổ và sự sống lại khải hoàn của Chúa Giêsu, đồng thời cũng cho xây dựng một đền thờ nữa trên núi Cây dầu ở Gierusalem để kính nhớ Chúa Giêsu lên trời.

Phương án cho xây dựng đền thờ ở ba nơi đó phù hợp với ba giai đoạn đời Chúa Giêsu như diễn tả trong kinh Tin Kính của Công đồng Nicea. Có thể nói được, „chương trình bản hòa tấu thần học“ kinh tin kính đó nhà Vua đã cho viết khắc trên đá nơi công trình xây cất đền thờ đầu tiên năm 325. Và sau 10 năm xây dựng, đền thờ được khánh thành năm 335.

Đền thờ bị phá hủy

Năm 614 đền thờ bị quân Batư chiếm gây ra cảnh tàn phá cùng với những nhà thờ khác nữa ở Gierusalem. Nhưng cây thánh giá Chúa Giêsu trong đền thờ được kịp thời do tướng Shahrbaraz đưa đi cất dấu. Và năm 629 đền thờ được chiếm lại, cây Thánh gía Chúa Giêsu được đưa trở lại đền thờ, và đền thờ được sửa chữa lại cho xứng đáng. Đền thờ và những nhà thờ khác ở Gierusalem trong thời kỳ này, dù do những vị cai trị người Hồi Giáo trị vì, được bảo vệ không bị tàn phá. Những người tín hữu Chúa Kitô đã có một thời gian dài trở thành số đông dân số sống trong Gierusalem. Họ được hưởng đời sống an toàn.

Nhưng đến thời hoàng đế Carolo thứ nhất sự chuyển hướng tấn công những cơ sở của người tín hữu Chúa Kitô bắt đầu. Từ thời kỳ này có nhiều nhà thờ bị tàn phá không còn trên bản đồ thành phố nữa. Không rõ chính xác, nhưng vào mùa Thu 1009 Kalif Al-Hakim, cai trị Ai Cập ở Kairo từ 1000 đến 1021, đã xâm chiếm tàn phá đền thờ Golgotha và mộ Chúa Giêsu..

Sau những đề nghị hội thảo về những hiệp ước hòa bình với Giáo Hội Bysantin bên Đông phương, những lễ nghi phụng tự được phép cử hành trên đống đổ nát hoang tàn của đền thờ. Và sau cùng từ năm 1033 đến năm 1048 được phép xây dựng lại đền thờ. Đền thờ mới xây dựng lại không còn bộ mặt như cũ nữa. Nhưng chỉ rotundus -Vòng cung hình tròn- sự phục sinh sống lại của Chúa Giesu Kito được xây dựng lại, ngôi mộ thánh của Chúa Giêsu chỉ còn lại một khung hình vòng cung thôi.

Năm 1099 Đạo binh thánh gía theo lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Roma đã tiến về Giêrusalem chiếm lại đền thờ mộ Chúa Giêsu và những đền thờ khác ở Gierusalem từ tay Hồi giáo. Và từ năm 1160-1170 Mộ thánh Chúa Giêsu được xây dựng lại cho hoàn chỉnh.

Năm 1555 đền thờ được xây dựng lại như mô hình thuở ban đầu. Đến năm 1808 đền thờ lại bị hỏa hoạn cháy tàn phá và lại được xây dựng mới trở lại. Dù được xây lại mới, nhưng công trình cũng giữ lại theo chiều hướng vết tích của đền thờ cũ.

Sao các Bạn tìm người sống nơi người chết?

Ai đến kính viếng mộ thánh Chúa Giêsu trong đền thờ đều gặp trước hết một gian phòng ngay trước mộ có hàng rào xây vây chung quanh và có tượng Thiên Thần.

Thiên Thần này đã hỏi các người phụ nữ sáng sớm ra thăm viếng mộ Chúa Giêsu khi xưa: Sao các người tìm người sống, nơi người chết vậy? (Lc 24,5. )

Bước qua căn tiền phòng này người hành hương phải cúi mình xuống thấp chui qua một cửa nhỏ mới vào được căn phòng mộ nhỏ, căn phòng nầy đã được xây dựng từ thời Vua Constantino năm 325. Nơi địa điểm này „ Chúa Giêsu đã được đặt nằm an táng“ (Mt 28,6)

Người hành hương chui vào căn phòng mộ nhỏ chỉ có một tấm đá dài trống trơn, qùy xuống kính viếng nơi ngày xưa Chúa Giêsu đã nằm an táng. Và có lẽ trong trong tâm trí vang lên lời Thiên Thần đã nói ngày xưa“ Sao các bạn tìm người sống nơi người chết sao? Người không còn ở nơi đây“ Người đã chỗi đậy sống lại rồi.“ (Lc 24,5.)

Vào thăm viếng mộ đá Chúa Giêsu trống trơn, nhưng gợi vang lên hai khía cạnh: sự hấp dẫn và chỉ hướng. Hấp dẫn vì đến tận nơi huyệt đá gốc ngọn nguồn của đức tin, và có được sự tĩnh tâm chú ý. Sự chỉ hướng là tìm thấy sự vắng mặt người chết, và hướng về người sống, một căn bản của đức tin.

Năm 1545 đền thờ bị phá hủy nặng do trận động đất gây ra, và sau đó được Dòng Phanxico tu sửa lại, nhất là phần ngôi mộ thánh. Tu sỹ Dòng Phanxico Guardian Bonifatius von Ragusa đã ghi lại trong một bức thư cảm động nói về mộ rất thánh aperto ss. Sepulcro, như nhân chứng đã quan sát nhìn thấy ngôi mộ thánh cũ trước khi bị tàn phá và được xây mới lạl“

„ Ngôi mộ rất thánh của Chúa được đục trong hang núi đá. Trong hang có hai bức hình vẽ Thiên Thần chồng lên nhau. Một Thiên Thần với tấm băng rôn có hàng chữ Người đã sống lại rồi Người không còn ở đây, đang khi vị Thiên Thần khác bằng ngón tay chỉ vào chỗ huyệt chôn „ Đây là chỗ Người đã được đặt nằm an táng Mc 16,6…..

Còn đang ngạc nhiên thì chúng tôi nhìn thấy một chỗ trống, nơi Chúa Giesu đã nằm ba ngày. Địa điểm này chiếu tỏa ánh sáng lóng lánh như ánh sáng mặt trời của máu cực thánh Chúa Giêsu trộn lẫn với dầu thơm., mà người ta đã ướp khi tẩm liệm mai táng…

Ở giữa nơi cực thánh này chúng tôi tìm thấy một khúc gỗ bọc trong một tấm khăn lau mồ hôi. Khi chúng tôi cung kính cầm lên tay và hôn kính, lúc đó không khí thoát ra, tấm khăn lau mồ hôi tan rữa ra tay chúng tôi không còn gì nữa., chỉ một vài sợi chỉ vàng còn sót lại.

Trên khúc gỗ có dòng chữ, nhưng dòng chữ này cũng đã bị tiêu hủy vì lâu đời rồi, đến nỗi người ta không thể ghép đọc những chữ đó thành câu được. Duy nhất trên hàng đầu của tấm bản người ta có thể đọc được những chữ viết lớn bằng tiếng latinh: HELENA MAGNI CONSTINI MATER FECIT, Helena, mẹ của đại đế Constantino đã làm.“

Về diện tích chu vi của căn phòng ngôi mộ Chúa Giêsu, Tu sỹ Maximos Symaios, người chỉ huy giám sát việc xây dựng lại ngôi mộ năm 1808 sau trận hỏa hoạn đã ghi chú lại kích thước ngôi mộ “ Hang đá ngôi mộ thánh làm bằng đá qúy của một vị vua có chiều dài ba xải, chiều rộng một xải rưỡi và chiều cao bốn xải, khoảng 140 x70 x185 cm. Phía nam và phía bắc chỉ là bức tường ngăn, trong khi phía đông và phía tây và mái bên trên được xây dựng. Nền nhà bằng đá.“

Đồi Golgotha bây giờ là một bàn thờ có thánh gía Chúa Giêsu bị đóng đinh trên đó, dưới chân bàn thờ có một lỗ hổng ăn thông xuống bên dưới có tảng đá được bảo quản trong tủ lồng kính cẩn thận. Lỗ hổng đó là nơi ngày xưa cây thập giá Chúa Giêsu được dựng cắm, và tảng đá đó là tảng đá chỗ thập gía Chúa được dựng cắm lên. Bàn thờ này thuộc Giáo Hội Chính Thống. Ngay bên cạnh phía bên phải có một bàn thờ Công Giáo với hình Chúa Giêsu nằm trên thập gía có Đức mẹ đứng bên cạnh và thánh nữ Mai đệ liên quỳ ôm chân Chúa đang khóc.

Ngoài ra trong ngôi đền thờ này còn có những bàn thờ, nhà nguyện nhỏ khác nữa, như nhà nguyện Thánh Thể hay còn có tên là nhà nguyện Chúa Giêsu hiện ra với Đức mẹ Maria sau khi sống lại, trong nhà nguyện này có một cột đá mầu đen là cột trụ Chúa Giêsu bị trói, bàn thờ kính Thánh nữ Maria Maiđệ liên, nhà nguyện kính Thánh nữ Helena, nhà nguyện kính Adong Eva, bàn thờ kính người trộm lành được Chúa Giêsu chúc phúc cho lên thiên đàng.

Ngôi mộ chôn Chúa Giêsu được xây dựng bằng đá. Táng đá lịch sử đó quan trọng theo phương diện chính trị tôn giáo, hay khoa khảo cổ học.

Ngôi mộ chôn Chúa Giêsu bằng đá với người tín hữu Giáo Hội thời tiên khởi sau khi Chúa Giêsu về trời là nơi đã diễn ra ơn cứu độ chữa lành. Và vì thế họ rất mực tôn kính.

Ngôi mộ trống của Chúa Giêsu là chốn khởi điểm của đức tin Kitô giáo, đức tin Chúa Giêsu sống lại. Đây là sự cứu chuộc chữa lành tận căn rễ cho nhân loại khỏi hình phạt tội lỗi phải chết. Điều này nói lên không có sự chữa lành nào có thể mang đến như sự cứu độ của Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.

Tuần Thánh 2015

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Lấy cảm hứng từ:

- Welt und Umwelt der Bibel, 3000 Jahre Jerusalem, Nr. 1-1996
- Welt und Umwelt der Bibel, Faszination Jerusalem, Nr 16, 1999
- Grabekirche Wikipedia