Giải đáp phụng vụ: Điệp ca của lễ nhớ

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi hiểu rằng tất cả các lễ nhớ (tùy chọn và buộc) được xem là lễ nhớ không bắt buộc trong mùa Chay. Định dạng cho lời nguyện kết thúc cho Kinh Sáng và Kinh Chiều là: 1) đọc lời nguyện riêng về mùa Chay, bỏ câu kết thúc; 2) đọc thêm điệp ca Kinh Benedictus hoặc Kinh Magnificat cho vị Thánh được nhớ; 3) sau đó thêm lời nguyện về vị Thánh rồi mới kết thúc. Rõ ràng là như vậy. Tuy nhiên, các lễ nhớ này (kể cả tùy chọn), vốn trùng với các ngày trong Mùa Chay, có điệp ca trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Tôi biết rằng điệp ca ấy trở thành một phần của lời nguyện kết thúc trong mùa Chay, nhưng liệu các điệp ca ấy được sử dụng ngoài mùa Chay không? Chữ đỏ cho biết rằng mọi thứ trong Phần Riêng Các Thánh được sử dụng, nhưng hình như các điệp ca ấy chỉ được đưa vào sử dụng đơn thuần trong lời nguyện kết thúc trong mùa chay - sự hiện diện của chúng bên ngoài mùa Chay có thể nâng cao mọi lễ nhớ (bắt buộc và tuỳ chọn) lên một bậc cao hơn so với chỉ là phù hợp mà thôi. - P. G., Charles Town, bang West Virginia, Mỹ.

Đáp: Người đưa ra câu hỏi trên đây là chính xác về các chỉ dẫn cho lời nguyện của lễ nhớ trong mùa Chay. Các chỉ dẫn này được tìm thấy trong văn kiện Trình bày và Qui định Các Giờ Kinh Phụng Vụ, các số 237-239. Người này cũng chính xác rằng trong mùa Chay, phần riêng của một số vị thánh, chẳng hạn thánh Casimir ngày 4-3, có các điệp ca đặc biệt trong mùa Chay, vốn không được dùng trong mùa thường niên.

Tuy nhiên, chữ đỏ không nói rằng chúng là các điệp ca của Kinh Benedictus và Kinh Magnificat, nhưng chỉ nói điệp ca thích ứng với giờ Kinh Sáng và Giờ Kinh Chiều. Đáng chú ý là chữ đỏ về điệp ca của Kinh Benedictus và Kinh Magnificat đã được hủy bỏ trong Sách Nhật Tụng trước các điệp ca theo mùa. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng chúng được sử dụng tại Kinh Benedictus hoặc Kinh Magnificat, nhưng được sử dụng duy nhất tại thời điểm kết thúc giờ kinh phụng vụ.

Tương tự như vậy, người ta có thể tranh luận để xem liệu điều ấy có nâng cao bậc của lễ nhớ vị thánh hay không – và có ít là hai lý do cho nó.

Trước tiên, bậc của lễ nhớ thuộc loại này là tự thân một bậc thấp. Không chỉ nó là luôn luôn tùy chọn, nhưng vị thánh hôm ấy chỉ được tưởng nhớ trong lời kinh phụng vụ và các bài đọc của ngày ấy. Trong thánh lễ, chỉ có lời tổng nguyện của vị thánh được sử dụng, trong khi mọi phần còn lại là theo phụng vụ mùa Chay, kể cả lễ phục tím. Điều này là chính xác cho lý do tại sao, khi niên lịch được cải cách năm 1969, một nỗ lực lớn đã được thực hiện, để chuyển lễ các vị thánh càng nhiều càng tốt ra khỏi mùa Chay, để không gặp trở ngại khi mừng kính các ngài.

Thứ hai là, thật là không rõ ràng khi cho rằng sự hiện diện của các điệp ca là một dấu hiệu của tầm quan trọng tương đối của một lễ nhớ. Hình như đúng đây là một vấn đề của một tập tục đặc biệt liên quan đến các lễ ấy trong mùa Chay. Điều này cũng đúng về Thánh lễ trong mùa Chay, mà trong đó lời nguyện cuối lễ là riêng cho mỗi ngày mùa Chay trong ấn bản thứ ba của Sách Lễ Latinh, và các bản dịch chính thức cuối cùng, chẳng hạn phiên bản tiếng Anh mới.

Ngay cả trong trường hợp rằng các điệp ca ấy là điệp ca của Kinh Benedictus và Kinh Magnificat, sự hiện diện của các điệp ca này là một dấu hiệu cho thấy khi nào vị thánh được tuyên thánh, hoặc một dấu hiệu của tầm quan trọng lịch sử của việc sùng kính ngài, hơn là tầm quan trọng của việc mừng lễ kính ngài.

Như một quy luật chung, nhưng không tuyệt đối, nhiều vị thánh xưa, mà sự sùng kính đã có trước khi tiến trình phong thánh bắt đầu thực hiện, đã có một điệp ca cho Kinh Benedictus và Kinh Magnificat. Một số Thánh trước đó nữa, do tầm quan trọng lịch sử của họ, đã có phần Phụng Vụ Các Giờ Kinh đầy đủ cho mình. Vì vậy, thánh Martinô thành Tours ngày 11-11, với tư cách là vị thánh không tử đạo đầu tiên đi vào lịch phụng vụ, đã có phần Phụng Vụ Các Giờ Kinh đầy đủ cho mình, đầy đủ hơn so với một số thánh tông đồ khác nữa, cho dù lễ của ngài là một lễ nhớ, chứ không lễ kính.

Tuy nhiên, sau khi tiến trình phong thánh chính thức bắt đầu thực hiện, dường như trong hầu hết các trường hợp, phần dành cho các thánh thời trước được giới hạn vào bài đọc thứ hai và lời tổng nguyện, trong khi các vị thánh thời sau đó hoặc thế kỷ gần đây lại có các điệp ca. Vì vậy, trong tháng Mười, lễ nhớ thánh Têrêsa thành Lisieux ngày 1-10 có các điệp ca đặc biệt, trong khi lễ nhớ thánh Têrêsa thành Avila ngày 15-10 lại không có điệp ca. Nhưng theo tôi được biết, không có ai đã gợi ý rằng lễ thánh Têrêsa thành Avila thuộc bậc thấp hơn so với lễ thánh Têrêsa thành Lisieux!.

Hầu hết các lễ nhớ tùy chọn không có các điệp ca; tuy nhiên, cũng có các ngoại lệ. Thánh Martinô Porres, lễ ngày 3-11 và được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tuyên thánh năm 1962, có các điệp ca của Kinh Benedictus và Kinh Magnificat.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể kết luận một cách an toàn rằng sự có mặt hay vắng mặt của các điệp ca không phản ánh bậc của lễ mừng các vị thánh. (Zenit.org 24-2-2015)

Nguyễn Trọng Đa