Nhiều người đã viết về Hồi Giáo, kể từ ngày có Mùa Xuân Ả Rập. Nhưng ít có ai so sánh tôn giáo này với các tôn giáo khác. Robert Traciski, một bỉnh bút của tờ The Federalist, và là chủ bút của Traciski Letter, có khác. Ông là một người vô thần, không tin có Thiên Chúa, nhưng nhân biến cố Charlie Bebdo ở Paris, ông có so sánh sau đây giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo về phương diện bạo lực.

Vụ thảm sát ở tòa soạn tờ Charlie Hebdo một lần nữa khiến các chính trị gia và giới truyền thông điên đầu quanh câu hỏi có chăng một điều gì đó khá đặc biệt nơi tôn giáo đặc thù là Hồi Giáo này khiến cho các tín đồ của họ quay cuồng tìm giết người khác.

Giữa những giới lịch thiệp, khó chấp nhận việc có thể có thứ khả hữu trên. Những người này vốn cho, như tờ New York Times, rằng “Hồi Giáo, tự thân nó, không bạo động hơn các tôn giáo khác”. Điều này có điểm dễ hiểu, bởi chủ đích bài báo là muốn chứng tỏ rằng người Hồi Giáo tại Trung Đông đang sầu khổ về di sản bạo động trong tôn giáo của họ.

Đã đành, mọi tôn giáo chính đều có những thời kỳ bạo động, hay những thời kỳ trong đó, tôn giáo sống chung với bạo lực. Cả những người Phật Giáo chủ hòa cũng thế thôi. Ai cũng thấy, hiện nay, người Phật Giáo đang “lên men” cho những vụ tàn sát chống người Hồi Giáo thiểu số tại Miến Điện (và tại Sri Lanka).

Nhưng trong bối cảnh ngày nay, quả là phi lý khi đặt Hồi Giáo và Kitô Giáo ngang hàng với nhau. Nói tới Toà Trừng Giới (Inquisition) Tây Ban Nha chỉ là xác nhận điều vừa nói, chứ không bác bỏ nó: vì nếu bạn phải trở về với 300 năm trước mới tìm ra các tàn bạo, thì chính là vì ngày nay các tàn bạo ấy khó kiếm ra. Trái lại, các tội ác quần chúng vi phạm nhân danh Hồi Giáo thì rất mới và công khai được tự hào.

Là một người vô thần, tôi không hề có thần thánh trong cuộc đấu tranh này, có thể nói như thế. Tôi không cho rằng các dị biệt giữa các tôn giáo khiến tôn giáo này giá trị hơn tôn giáo kia. Nhưng như vụ tấn công Charlie Hebdo cho thấy, quả có sự dị biệt thực tế rất lớn giữa các tôn giáo này. Thực thế, luận điểm tốt nhất chống lại việc đặt Hồi Giáo và Kitô Giáo ngang hàng nhau là: không ai hành động, dù xa xôi nhất, như thể điều này đúng. Ta được tự do phê phán và xúc phạm các Kitô hữu không cần đắn đo suy nghĩ, xin cám ơn các bạn, đã tỏ ra “cool” (bình thản) như thế, nhưng nói ngược lại người Hồi Giáo thì phải có can đảm mới được. Phải can đảm hơn nhiều người duy tục tại Tây Phương có thể nghĩ tưởng.

Thành thử, người ta thấy cần đặt câu hỏi: điểm khác nhau là đâu? Nguyên nhân gốc gác của nó là gì?

Theo tôi thấy, mối nguy hiểm chính do bất cứ tôn giáo nào gây ra cho những người bất đồng và không tin hệ ở việc bác bỏ lý lẽ; sự bác bỏ này cắt đứt khả thể thảo luận và tranh luận, chỉ còn chừa chỗ cho cưỡng bức như một giải pháp thay thế mà thôi. Tôi đồng ý với Voltaire ở điểm này: “Nếu ta tin những điều phi lý, ta sẽ phạm những điều tàn bạo”. Nhưng mọi tôn giáo đều khác nhau và có những giáo thuyết khác nhau từng lên khuôn cho lịch sử của mình, và như ta sẽ thấy, điều này bao gồm nhiều quan điểm khác nhau về những vấn đề nòng cốt như là vai trò của lý lẽ và sự thuyết phục.

Tôi muốn mở đầu bằng việc thú thực rằng tôi không phải là một chuyên viên về thần học, nhất là thần học Hồi Giáo. Ấy thế nhưng, hiện có một số dị biệt lớn lao, có tài liệu đàng hoàng, giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo, tìm thấy ngay trong các truyền thống do lịch sử của họ tạo nên và trong chính nội dung giáo thuyết thực sự của họ.

Đời sống Đức Kitô và đời sống Mohammed

Mohammed là một người chinh phục đã chiếm được quyền hành chính trị thế tục và sử dụng quyền hành này để bách hại những kẻ chống đối và để áp đặt tôn giáo của mình. Ông cũng thụ hưởng trọn vẹn bổng lộc trần thế của các bạo chúa, trong đó có việc có nhiều vợ. Trái lại, Đức Giêsu, trong căn bản, là một vị chủ hòa mà trọn mục tiêu ở đời là để mình bị tra tấn cho đến chết.

Người còn minh nhiên ngăn cấm đồ đệ không được dùng vũ lực để bảo vệ Người. Đây là chương 18 Tin Mừng Gioan: “Lúc ấy Simôn Phêrô tuốt kiếm, đâm vào viên đầy tớ của thượng tế, và cắt đứt một tai của anh ta… Đức Giêsu bèn nói với Phêrô: ‘xỏ gươm của người vào vỏ: chén đắng mà Cha Ta trao cho Ta, há Ta lại không uống hay sao?”

Điều trên không hàm ý cho rằng mọi Kitô hữu phải là người chủ hòa. Nhưng chắc một điều: nó lên cung giọng cho tôn giáo của họ. Cuộc đời của vị sáng lập một tôn giáo vốn được nêu cao cho các tín hữu làm mẫu mực giúp họ sống cuộc sống riêng của họ. Cuộc đời của Mohammed nói với người Hồi Giáo rằng họ nên mong chờ được thống trị, trong khi cuộc đời Chúa Giêsu dạy các Kitô hữu rằng họ nên mong được hy sinh và phục vụ. Điều này dẫn ta tới một khác biệt sâu xa hơn về giáo thuyết.

“Điều các con làm cho người bé nhỏ nhất trong những người này là các con làm cho Thầy”

Trong Mátthêu, chương 25, Đức Kitô cho các tín đồ hay điều gì sẽ xẩy ra vào ngày phán xét sau cùng, lúc Người phân rẽ kẻ chính trực khỏi người xấu xa.

Lúc ấy Vua nói với những người ở bên tay phải “hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, để hưởng vương quốc đã chuẩn bị sẵn cho các con từ lúc tạo nền thế giới: vì khi Ta là người đói ăn, các con đã cho ta thịt; khi Ta khát, các con đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con đã đón tiếp Ta; Ta trần truồng, các con đã cho ta mặc; Ta ốm đau, các con đã thăm viếng Ta; Ta ngồi tù, các con đã đến với Ta”.

Lúc ấy những người chính trực thưa lại rằng “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho Chúa ăn đâu? Hay khát mà cho Chúa uống? Có bao giờ chúng con thấy Chúa là khách lạ mà đón tiếp Chúa hay trần truồng mà cho Chúa mặc đâu? Hay có bao giờ chúng con thấy Chúa ốm đau, ngồi tù mà tới viếng thăm Chúa đâu?”

Và Vua trả lời mà nói với họ: “Quả thực, Ta nói với các con, bao lâu các con làm điều ấy cho một người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta đây, là các con làm cho Ta”.

Cũng thế, có một đoạn trong Bữa Tối Sau Hết, lúc các tông đồ đang cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Đức Kitô đã can thiệp và cho họ hay kẻ lớn nhất là kẻ phục vụ người khác nhiều nhất.

Và Người nói với họ: “Các vua chúa của Dân Ngoại thi hành quyền chúa thượng trên họ; và những người thi hành quyền bính trên họ được gọi là những ân nhân của họ. Nhưng các con không nên như thế: mà kẻ lớn nhất trong các con hãy là người chót hết; kẻ là chỉ huy hãy là người phục vụ”.

Đó là ý tưởng rất sâu sắc chống lại xu hướng của phần lớn lịch sử con người. Tôi vốn là người hâm mộ thế giới Cổ Điển, nhưng những người ngoại đạo vẫn còn coi là bình thường, đúng đắn và tự nhiên khi kẻ mạnh về thể lý ra lệnh cho mọi người khác. Thucydides từng nổi tiếng khi tóm lược thứ triết lý này trong Đối Thoại Melian (Melian Dialogue): “Kẻ mạnh muốn làm gì thì làm còn kẻ yếu chịu đựng điều phải chịu đựng”. Thucydides rõ ràng chỉ trích quan điểm này, nhưng thế giới Cổ Điển không có được một giải pháp thay thế rõ rệt. Như chỗ tôi được biết, Đức Kitô là người đầu tiên nhấn mạnh rằng ngay người thấp hèn nhất, kém ý nghĩa nhất cũng có giá trị và ta sẽ bị phán xử tùy theo cách ta cư xử với họ.

Ý tưởng khác biệt ở đây không hẳn là tin vào sự tự hy sinh, Hồi Giáo, với việc nó nhấn mạnh tới vinh quang được chết trong chiến đấu, cũng có ý tưởng này cách hết sức dồi dào. Nó cũng không hẳn là ý tưởng về việc phục vụ người khác, các chế độ Cộng Sản cũng được xây dựng trên ý tưởng cho rằng cá nhân hiện hữu chỉ để phục vụ tập thể. Thực ra, nó là ý tưởng cho rằng mỗi cá nhân đều có một giá trị tối cao và thánh thiêng. Ngay Ayn Rand cũng phải thừa nhận rằng ý tưởng phát xuất từ Kitô Giáo này gây ấn tượng nơi bà hơn cả.

Hồi Giáo không hề có ý tưởng nào tương ứng. Tin tức thường xuyên kể cho ta nghe câu truyện của một imam (giáo sĩ?) tại một nơi nào đó tuyên bố rằng việc một người đàn ông đánh vợ hoàn toàn nhất quán với Hồi Giáo, và việc nổi dậy của Nhà Nước Hồi Giáo Trị tại Syria cung cấp cho ta thật nhiều điển hình của việc Hồi Giáo ủng hộ chế độ nô lệ, trong đó có cả việc bắt giam và cưỡng hiếp có hệ thống các nô lệ tình dục. Đây là một tôn giáo vẫn còn quanh quẩn nhiều trong kiểu thức “quyền của kẻ chiến thắng”, trong đó, kẻ mạnh muốn làm gì thì làm còn kẻ yếu phải chịu những gì họ phải chịu.

Một lần nữa, điều trên khiến ta phải lui trở lại thuở ban đầu. Hãy đọc câu truyện của nhà viết tiểu sử đầu tiên về Mohammed, nói về Asma bint Marwan, một thi sĩ Ả Rập ở Medinah, người từng lên tiếng phải đối cuộc nổi dậy của Mohammed. Theo truyền thuyết, ông ta hỏi các tín đồ, “ai sẽ loại con gái của Marwan khỏi ta?” (một dịch bản của Henry II sau này: “ai sẽ loại tên linh mục hay quấy rầy này khỏi ta?”). Một trong các tín đồ này tình nguyện lẻn vào nhà nàng và sát hại nàng lúc nàng đang ngủ. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan tới tính chân thực của câu truyện, nhưng nguyên sự kiện nó được nhiều người tin và tường thuật lại đủ chứng tỏ gương xấu do Mohammed tạo nên.

Chắc một điều, thái độ tàn bạo này một phần do tính lạc hậu của một số xã hội bán phong kiến mà đa số theo Hồi Giáo, trong đó, các chia rẽ bộ tộc và đẳng cấp hết sức thịnh hành. Nhưng một lần nữa, Hồi Giáo đã không làm gì nhiều để thăng tiến các xã hội này, dù họ có cả hơn một nghìn năm để làm việc đó.

Lịch sử sơ khai của Kitô Giáo và Hồi Giáo

Các Kitô hữu khởi đầu như một thiểu số bị bách hại trong một xã hội ngoại giáo đến nỗi họ cảm thấy được an ủi khi thấy mình vô quyền. Những người thấy mình lạc điệu với thế giới tội lỗi coi việc này ít nhiều là trạng thái thông thường của thế sự.

Trái lại, lịch sử sơ khai của Hồi Giáo chỉ là chiến thắng và thống trị nhiều hơn, khi quân xâm lăng Hồi Giáo tiến vào Ba Tư và khắp Bắc Phi. Đó là lý do tại sao người Hồi Giáo có khuynh hướng coi tình thế hiện đại, trong đó các tín ngưỡng và hệ thống chính trị khác giầu có hơn họ và vận dụng một sức mạnh quân sự lớn hơn họ, như một thứ sai lệch không thể dung tha được. Lịch sử này liên hệ tới một vấn đề chuyên biệt về giáo thuyết.

Nước Thiên Chúa và nước con người

Khi bạn là thiểu số bị bách hại, tự nhiên bạn sẽ nói rằng phần thưởng tối hậu và công lý toàn diện phải được tìm thấy trong một thế giới khác, vì biết rằng bạn sẽ không có được những thứ ấy nơi cái đế quốc sa đoạ là Đế Quốc Rôma này. Trong Kitô Giáo, điều này khiến tạo ra sự phân biệt giữa Nước Thiên Chúa và nước con người. Khi Philatô hỏi Người có phải là vua không, Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc thế gian này: nếu nước tôi thuộc thế gian này, thì các bề tôi của tôi sẽ chiến đấu để tôi khỏi bị nộp cho người Do Thái: nhưng nước tôi không thuộc thế gian này”.

Ý tưởng trên đã được khai triển rộng dài trong nền thần học Kitô Giáo và được phần lớn những người bảo thủ về tôn giáo ngày nay lấy làm lời giải thích chính cho sự thất bại của chủ nghĩa Cộng Sản và các ý đồ không tưởng khác: chúng là những ý đồ ngạo mạn, sai lạc muốn tạo một thiên đàng trên trái đất. Hoặc nếu bạn là người thích dùng những từ ngữ dài và tối tăm không cần thiết, bạn có thể nói đây là các ý đồ nhằm “nội tại hóa cánh chung” (immanentize the eschaton).

Ý tưởng ở đây là: vì con người không có khả năng đạt tới trật tự thánh thiêng tối hậu cho sự vật trần gian, nên các cố gắng trong lãnh vực này chỉ là rồ dại.

Nhưng khi đấng tiên tri của bạn là một nhà độc tài, bạn sẽ bị cám dỗ hơn để nghĩ rằng mình chỉ cần truyền lệnh là sẽ có một xã hội hoàn hảo. Bởi thế, người Hồi Giáo mới bị ám ảnh bởi việc tạo ra một Nhà Nước Hồi Giáo Trị tinh ròng, thường là với một phân bộ đặc biệt gồm những người nhiệt thành tự gọi mình như một thứ Bộ Cổ Vũ Nhân Đức và Phòng Ngừa Thói Hư, mà công việc chính là áp đặt một danh sách dài các ngăn cấm tôn giáo chen vào đời tư người ta. Nhà Nước Hồi Giáo Trị chính là nước Thiên Chúa được đem xuống trần gian, một phương thức hoàn toàn bị thần học Kitô Giáo bác bỏ.

Các vai trò khác nhau của “falsafa”

Có một di sản quan trọng khác trong lịch sử sơ khai của Kitô Giáo giữa lòng dân ngoại. Trong trường hợp này, không phải là phản ứng chống lại qui luật ngoại giáo, nhưng là tiếp nhận một phần ảnh hưởng Cổ Điển.

Kitô Giáo đã bén rễ nơi nhiều người Hy Lạp và La Mã từng tắm gội trong truyền thống triết học Cổ Điển, và việc này để lại nhiều dấu ấn. Vị giáo hoàng nay đã về hưu, Bênêđíctô XVI, người mà ngay lúc này đây tôi rất nhớ, đã dùng điều này làm điểm chính trong bài diễn văn quan trọng đọc năm 2006 tại Đại Học Regensburg, trong đó, ngài nói tới mối liên hệ giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo. Ngài lập luận rằng “di sản Hy Lạp đã được gạn lọc một cách có phê phán đã tạo nên một phần yếu tính của đức tin Kitô Giáo” và ngài bênh vực việc “Hy Lạp hóa” Kitô Giáo về văn hóa (hellenization). Trong Kitô Giáo sơ khai, người ta đã tranh cãi nhiều về vấn đề này: Tertullian từng đặt câu hỏi: “Athens ăn nhập gì với Giêrusalem?”, và thoạt đầu, phe chống Cổ Điển đã thắng. Nhưng các tranh cãi buổi sơ khai này đã giúp Kitô Giáo dễ dàng tái hội nhập các ý niệm Cổ Điển vào cuối thời Trung Cổ và thời Phục Hưng.

Hồi Giáo đi theo một tiến độ ngược chiều. Nó cũng gặp nền khoa học và triết học Cổ Điển, mà tiếng Ả Rập gọi là “falsafa”, thời nó đi chinh phục các nước ở Địa Trung Hải, và thế giới Hồi Giáo cũng đã sản xuất ra các nhà khoa học và triết học vĩ đại từng chịu ảnh hưởng các ý tưởng của người Hy Lạp, trong đó có ibn Sina (Avicenna) tại Ba Tư và ibn Rushd (Averroes) tại Tây Ban Nha Hồi Giáo. Nhưng tới thời Trung Cổ, đúng lúc Tây Phương đang tái khám phá ra triết học Cổ Điển, thì thế giới Hồi Giáo đi khai trừ nó. Người ta thường gán lỗi này cho nhà thần học al-Ghazali, người từng tố cáo “sự thiếu mạch lạc của các triết gia”, khiến các nhà thần học Hồi Giáo bác bỏ ảnh hưởng Cổ Điển, coi nó như không đi đối với đức tin. Hậu quả là: Hồi Giáo dành rất ít chỗ cho việc thảo luận và tranh luận triết học về ý nghĩa của tôn giáo.

Một lần nữa, lịch sử trên cũng liên hệ với một vấn đề sâu xa hơn về giáo thuyết.

Thiên Chúa có hữu lý không?

Đây là vấn đề được Đức Bênêđíctô tập chú trong bài diễn văn Regensburg của ngài. Ngài đã trích dẫn một cách tán thành cuộc đối thoại trong đó một trong các hoàng đế Byzantine tranh luận với một người Hồi Giáo và lập luận rằng trong thần học Kitô Giáo, Thiên Chúa là Đấng hữu lý: Người hành động phù hợp với lý lẽ và ta có thể dùng lý lẽ mà hiểu được Người. Ngài trích dẫn một đoạn Thánh Kinh nói Thiên Chúa là “Logos”, mà trong tiếng Hy Lạp, vừa có nghĩa là “lời” vừa có nghĩa là “lý lẽ”, như trong câu nói “thế giới phát sinh từ lý lẽ” để chỉ thần trí sinh lực hóa công trình sáng thế của Thiên Chúa.

Hồi Giáo bác bỏ quan điểm này. Al-Ghazali bác bỏ luôn cả định luật nhân quả. Thiên Chúa của người Hồi Giáo không thiết lập ra các định luật trong thiên nhiên rồi để chúng tự hoạt động. Người đích thân can thiệp vào việc tạo nguyên nhân cho mọi biến cố tự nhiên bằng một hành vi ý chí trực tiếp. Do đó, al-Ghazali nhấn mạnh rằng khi một cục bông gòn được liệng vào lửa, lửa không đốt cháy cục bông gòn này. Thay vào đó, “khi lửa và bông gòn tiếp xúc với nhau, bông gòn bị Thiên Chúa đốt cháy, chứ không phải lửa”.

Nếu bạn cho rằng điều trên chỉ là lịch sử rất xưa, thời Trung Cổ, thì xin bạn hãy xét việc này: tại Pakistan, trong thập niên 1980, có một cuộc tranh cãi, trong đó, người duy Hồi Giáo nhấn mạnh rằng các sách giáo khoa về hóa học phải nói rằng khi phối hợp hydrogen và oxygen, thì lúc ấy do ý muốn của Allah, nước đã được tạo ra, hoàn toàn mượn công thức của al-Ghazali. Việc bác bỏ các định luật khoa học và lý lẽ trần tục đã được hệ thống hóa trong Hồi Giáo từ rất lâu, và những người dám bước ra ngoài thứ chính thống này tiếp tục bị trừng trị, như đã thấy trong việc Pakistan bác bỏ một trong những nhà vật lý học lỗi lạc nhất của họ.

Tất cả các điều trên có nhiều hệ luận đối với việc đương đầu với bất đồng và liệu bạn có nghĩ tôn giáo là chủ đề có thể được tranh luận hay không. Vị hoàng đế Byzantine, được Đức Bênêđíctô trích dẫn, lập luận rằng “bất cứ ai muốn dẫn người ta tới đức tin cần phải có khả năng nói hay và lý luận thích đáng, không dùng tới bạo lực và đe dọa”. Đức Bênêđíctô thêm vào câu này mấy lời sau: “câu tuyên bố dứt khoát trong luận điểm chống việc dùng bạo lực buộc người ta trở lại là: hành động không phù hợp với lý lẽ là chống lại bản tính Thiên Chúa”. Ngược lại, nếu lý lẽ tự nó lạc giáo, thì tại sao người ta lại phải chấp nhận các luận điểm và tranh luận triết học của bạn?

Luật đời và luật Sharia

Các khác biệt giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo không phải chỉ là về các luật tự nhiên. Còn có những khác biệt về luật lệ dành cho con người nữa.

Kitô Giáo có luật tôn giáo riêng, do Môsê đặt để trong Cựu Ước, dù phần lớn đã được Đức Kitô duyệt lại. Nhưng Kitô Giáo cũng có một truyền thống lâu dài sống chung với nhiều hệ thống luật đời. Việc này phát sinh từ bối cảnh La Mã, trong đó, hệ thống luật La Mã đã có từ lâu, mà Kitô Giáo không hề có ý định bãi bỏ. Theo tôi, điều này cho thấy ý nghĩa lời Đức Kitô dạy “hãy trả cho Xêda những gì của Xêda”. Bởi thế, ý tưởng coi tôn giáo là nguồn duy nhất của luật lệ không thành nề nếp trong Kitô Giáo. Hay nói chính xác hơn, tôn giáo được coi là nguồn các nguyên tắc luân lý tổng quát, nhưng người ta được thong thả tranh luận về ý nghĩa của các nguyên tắc này và diễn dịch chúng thành những luật lệ chuyên biệt.

Ngược lại, Hồi Giáo không dành chỗ cho bất cứ luật lệ nào nếu không phải là luật lệ giả thiết đã được mạc khải cho Mohammed, và đó là nguồn của không biết bao nhiêu rắc rối. Luận điểm minh nhiên của các nhà duy Hồi Giáo nhằm chống lại các chính phủ dân cử là lời than phiền cho rằng luật lệ do người ta bỏ phiếu là luật lệ do con người tạo ra, trong khi Thiên Chúa mới là đấng duy nhất có thể làm ra luật lệ. Tương tự như thế, một trong các vấn đề tranh cãi chính trong các chính phủ mới được thành lập tại khắp Trung Đông, từ Afghanistan và Iraq, cho tới Ai Cập, Tunisia và Libya, là câu hỏi liệu có nên xác định Hồi Giáo là nguồn độc nhất của luật pháp hay không. Rồi có Saudi Arabia, nơi Kinh Koran được dùng làm hiến pháp.

Nhưng điều thực đáng ta lưu ý là tính cụ thể của luật pháp Hồi Giáo. Như thường được giải thích, Sharia không phải là một bộ nguyên tắc tổng quát dành chỗ cho phán đoán cá nhân khi áp dụng chúng. Nó là một bộ các đòi hỏi và cấm đoán cực kỳ chi tiết và chuyên biệt. Đó là lý do tại sao ta thấy các giáo sĩ Hồi Giáo được yêu cầu ban hành các “fatwas” (hình phạt) trên mọi điều vụn vặt dưới bầu trời này, từ túc cầu tới những cô gái nghịch ngợm giống con trai (tomboys), Mickey Mouse; những “fatwas” này đôi khi dẫn tới những hậu quả hết sức dị thường.

Như nhà Hồi Giáo Học người Anh, Anjem Choudary, giải thích, “Hồi Giáo không nhằm hòa bình mà đúng hơn sự tùng phục các giới điều của một mình Allah mà thôi. Cho nên, người Hồi Giáo không tin các ý niệm tự do phát biểu, vì ngôn từ và hành động của họ được ấn định bởi mạc khải thần linh chứ không dựa vào ước muốn con người ta”. Hãy lưu ý tới việc nó tuyệt đối ra sao: mọi sự đều được mạc khải ấn định, rất ít chỗ được dành cho chọn lựa cá nhân. Thành thử không ngạc nhiên gì khi nó được sử dụng như một loại giấy phép để cưỡng bức vô giới hạn.

Bản chất cụ thể của luật Hồi Giáo và việc nó hạ giá phán đoán cá nhân phản ảnh một khía cạnh sâu xa hơn về sự dị biệt giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo.

Chiến đấu với đức tin có phải là việc bình thường không?

Kitô Giáo có truyền thống một tôn giáo hướng nội, một tôn giáo chuyên thăm dò những lớp lang sâu thẳm của linh hồn, và chiến đấu với đức tin của mình. Trong Thánh Kinh và trong hiểu biết bình dân (lore) của Kitô Giáo, có một truyền thống lâu đời công khai nói tới những cuộc chiến đấu chống hoài nghi, theo nghĩa đức tin là một điều khó duy trì, đến nỗi những vụ bỏ đạo (lapses) hay hoài nghi hoặc khủng hoảng đức tin là điều dễ hiểu và dung thức được. Ông Gióp bị ngược đãi từng tranh luận với Thiên Chúa. Ngay Đức Giêsu cũng chiến đấu chống cơn cám dỗ và hoài nghi trong Vườn Diệtsimani khi Người đối diện với viễn tượng bị đóng đinh. Đó chính là lý do một mảnh “hate mail” (thư xách nhiễu) của Kitô giáo mà tôi nhận được chẳng hề có tính xách nhiễu chút nào. Họ chỉ bảo tôi rằng họ cầu nguyện cho tôi để một ngày kia tôi nhìn thấy ánh sáng.

Ngược lại, người Hồi Giáo phần đông chấp nhận lối giải thích đặc biệt theo nghĩa đen về điều người Kitô Giáo có lẽ gọi là “cứu rỗi nhờ việc làm”. Trong lối giải thích thô sơ nhất, đó là “chết vì thánh chiến và được hưởng 72 trinh nữ trên thiên đàng”. Tìm cách lên thiên đàng không hẳn liên quan tới việc sắp xếp lại linh hồn hay cố gắng nội quan được ý nghĩa lớn lao hơn của đời sống mình, mà đúng hơn là hoàn tất một bản liệt kê các hoạt động bề ngoài, là vâng theo một danh sách dài các đòi hỏi và cấm kị hoàn toàn có tính cưỡng bức.

Lịch sử tôn giáo tại Hoa Kỳ

Điểm dị biệt lớn cuối cùng giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo không phải là một điều gì sai lầm với Hồi Giáo, mà đúng hơn một điều gì chỉ diễn ra tại Tây Phương ảnh hưởng tới Kitô Giáo, đó là lịch sử tôn giáo tại Hoa Kỳ. Từ đầu, ta đã có rất nhiều giáo phái khác nhau. Nhiều giáo phái trong số này tới đây tìm tự do, thoát khỏi cảnh bách hại tại quê nhà. Thành thử từ buổi sơ khai, ít nhất từ thời Roger Williams (1603-1683), các nhà lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ đã bắt tay vào việc khai triển chính sách tự do tôn giáo. Dù các ý niệm của Phong Trào Ánh Sáng gây nhiều ảnh hưởng rộng rãi tại Hoa Kỳ, các đòi hỏi tự do tôn giáo không chủ yếu phát xuất từ những phần tử phản giáo sĩ muốn loại bỏ tôn giáo. Trái lại, tự do tôn giáo thực sự đã được giảng dạy từ bục nhà thờ, đây là lý do tại sao nó đã tự nhiên được ghi vào các văn kiện lập quốc.

Dĩ nhiên, trên đây chỉ là một khía cạnh của Kitô Giáo tại Tây Phương, nhưng nó đã có một ảnh hưởng hoàn cầu đối với tôn giáo và cách nó tiếp cận với tự do.

Tôi đã đưa ra những nét chấm phá, và có những người chắc chắn sẽ trở lại với tôi bằng cách trích dẫn nhiều nhà lãnh đạo Hồi Giáo có những quan điểm tốt hơn, cũng như chắc chắn bạn sẽ gặp những Kitô hữu với những quan điểm tồi hơn nhiều.

Và dĩ nhiên, nhiều người ra tay sát hại người khác nhân danh Hồi Giáo không biết gì tới lịch sử này. Một trong các câu truyện ưa thích của tôi là câu truyện nói về các thánh chiến quân người Anh, những người đã lên đường gia nhập ISIS ở Syria sau khi mua một bản cuốn Islam for Dummies (Hồi Giáo Cho Những Anh Đần). Những chàng thanh niên này không theo dõi các cuộc tranh luận về giáo thuyết. Điều họ thâu nhận là chiều hướng tổng quát của ý nghĩa tôn giáo và phương cách thực hành nó.

Nếu bạn tổng hợp tất cả các yếu tố trên, bạn sẽ thấy bạn nhận được một hỗn chất dễ nổ bùng như thế nào từ Hồi Giáo: niềm chờ mong tôn giáo chỉ thị mọi việc, tôn giáo phải hoàn toàn thống trị ngay ở đời này, cộng với quan niệm coi tôn giáo không ủng hộ lý lẽ, không dành một tấc cho hoài nghi, tra vấn, hoặc tranh luận.

Các ý tưởng tôn giáo có thể, và thường ra, vẫn được tái phối hợp và tái giải thích một cách ít nhiều rộng lượng. Luôn luôn có sự căng thẳng giữa đức tin và lý lẽ; ý niệm phục vụ người khác có thể được sử dụng để đòi phải phục vụ nhà nước; ý niệm tội lệ và bất toàn của con người có thể được giải thích như có nghĩa: không thể áp đặt xã hội tôn giáo hoàn hảo lên trái đất, hay không thể tin tưởng trao tự do cho những con người nhân bản, nên nhà nước phải hạn chế các xung động xấu xa của ta. Chắc chắn, các nhận định mới đây của Đức GH Phanxicô về cuộc tấn công vào tờ Charlie Hebdo khiến ta thắc mắc không hiểu ngài dấn thân đến đâu với nguyên tắc tự do ngôn luận.

Nhưng điều ấy nên khiến ta càng nên lượng giá hơn nữa phương cách nhờ đó, sau nhiều thế kỷ của một lịch sử đầy tranh chấp và thường đổ máu, đức tin thịnh hành trong nền văn hóa của ta sẽ trở thành một hình thức nhân hậu và tự do hơn.

Ta hy vọng Hồi Giáo cũng sẽ như thế. Nhưng căn cứ vào lịch sử và các giáo thuyết của họ, họ vẫn còn một đường dài để đi, và tôi sợ rằng họ vẫn còn một số thế kỷ tranh chấp và đẫm máu nữa ở phía trước.