LỜI GIỚI THIỆU: Vào sáng ngày 04.10.2014, trong thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận Xuân lộc, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã cho công bố 14 địa điểm hành hương trong toàn giáo phận, bắt đầu từ 04.10.2014 đến hết tháng 10.2015, gồm 11 nhà Thờ của các Linh mục quản Hạt, Nhà Thờ Chánh Tòa Giáo phận, Nhà Nguyện TGM Xuân Lộc và Nhà Thờ Tân Triều (Quê hương của Thánh Tử đạo Phaolô Trần Văn Hạnh). Có lẽ chúng ta nghe nói đến Tân Triều qua thương hiệu Bưởi Tân Triều nhiều hơn là qua một bề dày lịch sử mang nhiều nét đặc trưng Nam Bộ, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử đất nước, của Giáo Hội Việt Nam, cùng với những cuộc bách hại đạo Công Giáo gắt gao đã diễn ra tại đây. Vì vậy mà hôm nay Ban Truyền Thông xin trân trọng giới thiệu bài viết của Linh mục Chánh xứ Giuse Vũ Đức Hiệp giới thiệu đôi nét về Giáo xứ Tân Triều và về người con ưu tú của Giáo xứ: Thánh Phaolô Hạnh, để nhờ biết biết thêm về Tân Triều, chúng ta có thêm tâm tình yêu mến Chúa và Giáo Hội khi hành hương lãnh nhận ơn Toàn xá tại ngôi thánh đường đặc biệt này.

ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ TÂN TRIỀU
Giáo hạt Biên Hòa – Giáo phận Xuân Lộc
Địa chỉ: Giáo xứ Tân Triều, Ấp Vĩnh Hiệp
Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai.
Đt: 0613.965328


I/ NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH GIÁO XỨ:

1/ Những ngày đầu thành lập: (Từ năm 1709 – 1850)

Tân Triều nằm trên một hòn đảo nhỏ của sông Đồng Nai, cách Biên Hòa chừng 10km về phía Bắc, là một trong những xứ đạo cổ ở Phương Nam. Từ đầu thế kỷ XVIII, thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, từng đoàn lưu dân vào Phương Nam lập nghiệp và các Cha Thừa sai cũng theo để truyền giáo. Năm 1777, chúa Huệ Vương Nguyễn Phúc Thuần và cả gia đình bị sát hại; hậu duệ duy nhất có quyền nối nghiệp ngôi chúa còn sống sót là Nguyễn Anh. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1778, sau khi đã chiếm lại được Gia Định thì Nguyễn Ánh (Gia Long) lập triều đình mới tại Đá Lửa. Trong số những người theo Nguyễn Ánh vào Đá Lửa, có cả những người theo đạo Công Giáo.

Từ ngày Nguyễn Ánh (năm 1778) đóng đô tại đây và tự xưng là chúa, lấy niên hiệu là Gia Long, Đá Lửa được đổi tên thành Tân Triều. Từ đó tên họ đạo này được gọi là họ Tân Triều (theo bản phúc trình của Tòa Giám Mục Sài Gòn năm 1891 của Cha Sở Le Golf).

Trong lúc chiến đấu với nhà Tây Sơn, Gia Long đã được Đức Cha Bá Đa Lộc (Mgr.Pigneaux de Béhaine) bảo trợ trên hòn đảo này. Gia Long vốn đa nghi và e dè với đạo Thiên Chúa, nhưng vì nhiều lý do nên làm ngơ cho việc truyền bá đạo giáo: nội tình chưa yên lắm, guồng máy cai trị chưa nề nếp, bản thân nhà vua đang mệt mỏi vì những năm dài chiến tranh ngang dọc… Đàng khác vua lại đang cần các giáo sĩ Tây Phương hỗ trợ về mặt khoa học kĩ thuật, văn hóa. Nhất là lại được Đức Cha Bá Đa Lộc tận tình giúp đỡ. Thấy được điều đó nên vua để cho người Công Giáo được thoải mái tự do hành đạo.

Khi Nguyễn Ánh đến Tân Triều, người Công Giáo đã theo các Cha thừa sai qui tụ về đây khá đông và lập thành một họ đạo có nề nếp, vững chắc. Vì thế, trước khi Nguyễn Ánh lập triều đình tại đây (1778), Đức Cha Pigneaux đã đến đặt trụ sở (Tòa Giám Mục và Chủng Viện) sát nhà thờ, đồng thời còn cất một nhà nguyện để cử hành việc thờ phượng công khai, vì ở đây yên ổn hơn cả Cao Miên và Hà Tiên (là những nơi mà Đức Cha đã có ý lập trụ sở ). Đức Cha Pigneaux ở Tân Triều gần 4 năm (1778 – 1782) tương đối yên ổn. Từ nơi đây, Đức Cha có thể đi kinh lý khắp nơi ở Nam Bộ. Thời gian ở Tân Triều, Đức Cha đã truyền chức cho một số linh mục Việt Nam.

Trong cuốn sách “La belle histoire des Missions Etrangères de Paris”, “Một trang sử đẹp của Hội Thừa Sai Paris” có kể lại rằng:

Khoảng giữa năm 1778, có một sự kiện mang tính quyết định xảy đến: những tên cướp người Cao Miên tấn công cộng đoàn Hà Tiên, thảm sát 4 chủng sinh của chủng viện, đốt nhà nguyện và nhà ở, tàn sát nhiều người Công Giáo, trong đó có 7 nữ tu người An Nam. Vùng đất Hà Tiên không còn là nơi an toàn cho các nhà truyền giáo. Vì thế Đức Cha Pigneaux cùng với cả chủng viện đã tìm đến một nơi trú ẩn ở Tân Triều, gần Biên Hòa, nằm ở phía Bắc Sài Gòn, nơi mà chúa Nguyễn Ánh đang trú ngụ.

Cũng từ ngày đó, mối quan hệ bạn bè giữa hoàng tử Nguyễn Ánh và Đức Cha Pigneaux trở nên thắm thiết. Khi nào hoàng tử Nguyễn Ánh không đi chinh chiến xa, hoàng tử thường mới Đức Cha đến nhà, cùng với hai hoặc ba quan viên. Hoàng tử cũng có lần đến thăm nhà của Đức Cha, ngồi trò chuyện rất đơn sơ và thân thiện. Thế nhưng Đức Cha không thể thuyết phục chúa Nguyễn Ánh theo đạo Công Giáo.

Sau 4 năm yên ổn tại Tân Triều, thì vào tháng 4/1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định đánh bật Nguyễn Ánh ra khỏi đất liền. Đức Cha Pigneaux cùng với chủng sinh lánh qua Cao Miên. Sau đó, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm lại được Nam Bộ, thì lại đem chủng sinh về Mặc Bắc ( thuộc địa phận Vĩnh Long – nơi có hai thánh tử đạo Giuse trùm Lựu và cha Philipphê Minh ).

Tân Triều có dân số khá đông và an bình. Chính vì thế mà Đức Cha Pigneaux mới lập tòa Giám Mục và chủng viện tại đây. Từ lúc Đức Cha Pigneaux ra đi (1782) cho tới ngày quân Pháp chiếm đóng (1861), người ta không biết gì thêm về Tân Triều. Chỉ biết một điều là khi hòa bình trở lại, đời sống đạo rất hưng thịnh, có tự do tôn giáo. Nếu Tân Triều là một họ đạo tốt như vậy, đó là nhờ có các linh mục lui tới thường xuyên, nhất là các linh mục bản xứ.

Hơn nữa, Tân Triều là trung tâm thuận tiện cho các giáo dân từ các nơi như Cù Lao Phố, Bến Gỗ và các nơi khác đến để lãnh nhận các bí tích.

2/ Bị bách hại và phát triển: ( Từ năm 1850 -1920 )

Năm 1850, Cha Martin Hiển đến Tân Triều. Sau khi tình hình tôn giáo yên ổn lại, Cha lo xây cất một nhà thờ thay thế nhà nguyện cũ đã bị phá hủy. Cha còn cho xây một Nữ tu viện. Ngoài ra Cha còn giúp dân canh tác đất đai trồng cau trầu và nuôi tằm.

Nhưng khi Pháp chiếm được Đà Nẵng vào năm 1858, thì lệnh bắt đạo được thi hành dữ dội. Các cơ sở tôn giáo lập tức bị phá hủy, Cha Hiển phải chuyển đi nơi khác, các con chiên cũng phải tìm cách ẩn náu. Nếu ai không may mắn bị bọn lính bắt đi thì bị chúng giải về giam trong nhà ngục ở Biên Hòa, sau đó tuyên án tử hình và đem đi chặt đầu tại Dốc Sỏi (tức sân bay Biên Hòa hay phi trường Biên Hòa ngày nay). Tuy thế, giáo hữu ở đây vẫn kiên trì với đức tin. Trong thời gian này có hai Cha Phêrô Tri (chịu chức khoảng năm 1844) và Cha Gabriel Thành (gốc Tân Triều chịu chức năm 1859) luôn ẩn lánh và có mặt trong họ đạo để lo lắng cho giáo dân.

Lại một lần nữa tai họa ập đến với họ đạo Tân Triều khi quân Pháp chiếm được Mỹ Tho vào năm 1861. Điều đó có nghĩa là trước sau gì Biên Hòa cũng bị đánh chiếm. Chính vì vậy mà người Công Giáo bị coi là kẻ thù trước mắt. Các nhà thờ, các cơ sở Công Giáo đều bị phá hủy. Người Công Giáo bị tập trung, bất luận đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ đều bị giải về Biên Hòa. (Có một số bà mẹ gửi con em mình cho những đồng bào lương dân tốt bụng ở địa phương che chở; sau khi tai nạn qua khỏi các em được trả lại cho gia đình). Những người bất hạnh này bị giam chung trong một ngục và trước ngày 16/12/1861 (tức ngày quân Pháp chiếm được Biên Hòa) một cuộc thiêu sát khổng lồ đã được diễn ra. Ai chạy thoát ra khỏi đám lửa thiêu sát sẽ bị lính bên ngoài bao vây hạ sát. Duy chỉ có một thiếu nữ chạy thoát khỏi đám lửa thiêu sát, liền bị một anh lính cho một đao ngay ở cổ, tưởng cô đã chết nên bọn lính bỏ đi. Nhưng khi bọn lính bỏ đi hết cô ta dần hồi tỉnh và trốn thoát. Đây chính là nhân chứng cho cuộc thảm sát đẫm máu này, sau đó cô qua đời tại Tân Triều.

Sau khi Biên Hòa thất thủ, quân Pháp lập lại trật tự tại đây. Cha Besombes được cử đến coi sóc Tân Triều (ngài ở đây cho đến 1864). Công việc đầu tiên là quy tụ các giáo hữu tản mác khắp nơi trở về và xây cất lại ngôi thánh đường. Việc xây cất gặp rất nhiều khó khăn, phải đi nhặt các vật liệu từ các mái nhà, đình chùa sụp đổ hoặc bị bỏ hoang … Và trong khi thu nhặt đã lượm được một cái chiêng và một quả chuông chùa (chuông nam). Cái chiêng hiện vẫn còn nhưng đã cũ lủng hư, còn quả chuông nam thì đem đổi lấy một quả chuông tây của nhà thờ Sài Gòn (nhà thờ chánh tòa cũ) quả chuông hiện còn đang dùng. Và cũng do Tân Triều là một nơi biệt lập không mấy được bình yên, nên cha Besombes còn kiêm thêm việc tổ chức tự vệ. Nhờ đó mà mới đẩy lui được những cuộc tấn công của những đám người đến đây khủng bố uy hiếp, giữ được sự ổn định cho họ đạo. Nhưng đến năm 1864 thì Bề Trên đổi Cha đi nơi khác, để lại nhiều mến tiếc và ân tình cho họ đạo Tân Triều.

Năm 1865, Cha Bernad đến cùng với Cha Creuse làm phụ tá, nhưng đến tháng 6/1866 Cha phụ tá qua đời tại bệnh viện Biên Hòa. Hai năm sau vào tháng 9/1868 Cha Bernard cũng qua đời. Thi hài hai Cha được an táng tại Biên Hòa.

Sau đó Bề Trên cử Cha Vincent tới, nhưng đến tháng 5/1869 lại đổi Cha Delpech thay thế. Cha Delpech không chịu được phong thổ ở đây, luôn bị những cơn sốt rét hành hạ. Tuy vậy ngài rất thương những tín hữu tại đây. Nhận thấy Tân Triều nằm chơi vơi phải vượt qua một con rạch sình lầy, người dân địa phương phải qua lại bằng một cây cầu tre lỏng chỏng rất nguy hiểm, nên ngài tìm cách bắc cho được một cây cầu. Một hôm ngài đến thăm ông Tỉnh Trưởng Biên Hòa – ông De Lanessan và ngỏ ý mời ông đến thăm Tân Triều. Ông Tỉnh Trưởng vui vẻ nhận lời mời này. Đúng hẹn, các vị khách đã cưỡi ngựa từ Biên Hòa đến thăm Tân Triều. Đến được bờ của con rạch, nhưng vượt qua được con rạch không phải là chuyện dễ dàng. Sau một hồi khó nhọc và vất vả, họ mới qua được tới bờ bên kia. Tuy đến được nhà Cha sở nhưng ai cũng thấy mệt mỏi và chán nản. Sau cuộc viếng thăm này, chính ông Tỉnh Trưởng đã đề nghị làm cho Tân Triều cây cầu chắc chắn. Đây chính là ước muốn của Cha xứ Tân Triều. Đầu năm 1871 một cây cầu bằng gỗ thật đẹp được hoàn thành (cầu được tu sửa nhiều lần và hiện nay được thay thế bằng cây cầu đúc xây 2001).

Tháng 7/1870 Cha Delpech thuyên chuyển đi nơi khác và Cha Duquesnay đến thay thế, ngài lo việc xây cất nhà thờ bằng gạch đá, lợp ngói. Năm 1873 nhà thờ được khánh thành lấy tên Thánh bổn mạng là Gioan Baotixita. Ngôi nhà thờ này có sự cộng tác quan trọng của Cha Errard (Cha sở Biên Hòa). Nhà thờ xây cột và tường bằng gạch tô vữa; kèo đà bằng gỗ lợp ngói. Với thời gian nhà thờ này đã được sửa chữa nhiều lần, nhất là thay đổi mặt tiền. Sau cùng nhà thờ xuống cấp trầm trọng và ngày 24/3/2003 được phá đi để xây lại. Ngôi nhà thờ mới này nằm trên nền nhà thờ cũ.

Một thời gian sau, Cha Duquesnay bị sốt rét nên phải rời khỏi Tân Triều. Sau đó Đức Cha cử Cha Briant và Cha Grezet coi sóc họ đạo được một năm.

Năm 1875 Cha Michel Ducle (cha Dư) đến làm Cha sở Tân Triều. Ngài để hết tâm trí lo cho bổn đạo, chú tâm trong việc dạy giáo ly. Lý do vì trong thời kỳ bắt đạo mọi người đều học giáo lý một cách sơ sài đủ để biết Chúa mà thôi. Ngài mở trường dạy học cho thiếu nhi, lập Hội con Đức Mẹ …. Ngoài ra ngài còn hợp tác với bổn đạo Bến Gỗ lập thêm họ đạo Tân Uyên nằm bên bờ sông Đồng Nai và hai họ đạo ở Lạc An và Chai Sà …. Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn họ đạo sinh hoạt rất sống động và đạo đức. Đời sống vật chất cũng ngày càng sung túc nhờ đất đai màu mỡ, trồng cây ăn trái và nhất là cây trầu.

Đến tháng 12/1891 Cha Dư đổi đi và Cha Le Goff đến thay thế, nhưng hai năm sau ngài qua đời.

Tiếp đó, Cha Anrê Huỳnh Công Thể coi sóc họ đạo đến 10 năm. Thế nhưng chính căn bệnh kiết lỵ đã làm tiêu hao sinh lực và Cha qua đời ngày 26/8/1903. Sau khi Cha Thể qua đời, Cha Phêrô Nguyễn Nghi Sao đến. Làm Cha sở được 6 năm thì một cơn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi tính mạng của ngài. Ngài qua đời ngày 4/1/1910 tại Sài Gòn.

Bẵng đi một thời gian, cha Bề Trên bổ nhiệm Cha Tranier một vị Thừa sai trẻ tuổi có nhiều tâm huyết. Ngài tu sửa lại nhà xứ đã hư hại và nuôi hy vọng sẽ làm việc ở Tân Triều được lâu dài. Nhưng chỉ sau 6 tháng Cha bị sốt rét dữ dội và đã qua đời khi đang làm Cha sở Tân Triều. Sau Cha Tranier là Cha Nhơn đến thay thế ngày 12/8/1910.

Lúc đó Tân Triều là nơi phong thổ độc hại nhất từ trước đến nay, nơi thử thách cam go đối với các vị Linh mục, nhất là đối với những người lớn tuổi. Lý do gồm có:

1. Đất đai rậm rạp: ngày xưa, phần lớn các gia đình có đất vườn rộng. Vì không còn sợ bị bắt bớ nữa, họ trồng nhiều cây ăn trái và các loại cây khác nữa. Dân tiết kiệm đất đến nỗi không chừa chỗ để làm đường đi, thậm chí lối đi là những đường mòn chật hẹp xuyên qua vườn sát nhà ở, làm cho bầu khí ngột ngạt, ẩm thấp, sinh nhiều giống muỗi gây bệnh sốt rét giết người.

2. Ô nhiễm: Nguồn lợi lớn nhất của họ là trồng trầu, trầu thì cần rất nhiều phân bón. Do đó, họ sử dụng hàng tấn phân khiến cho không khí bị ô nhiễm, giếng nước bị nhiễm độc.

3. Đường nước sình lầy: Con rạch trước kia rất sâu dần dần bị lấp đầy; thủy triều lên xuống không lưu thông được, sỉnh lầy bốc mùi hôi thối thành chướng khí sinh bệnh.

Đó là những nguyên nhân gây bệnh sốt rét cho những người dân Tân Triều. Chỉ có một thứ thuốc chữa là thuốc Quinine; nhưng họ không muốn dùng vì “nóng quá”. Họ đạo Tân Triều vì thế bị đe dọa sẽ biến mất. Hồi Cha Ducle (Dư – 1875), số giáo hữu là 1.000 người, đến thời Cha Tranier (1910) chỉ còn 300. lẽ ra sau 30 năm (1875 – 1910) họ đạo phải tăng lên đến 2.000 người. Sở dĩ số giáo hữu giảm đi không phải vì họ bỏ đi nơi khác mà là do chết vì bệnh sốt rét, có lúc chết hàng loạt. Các Linh mục sở tại chỉ còn biết phó thác cho Chúa.

May mà năm 1952 trận lụt năm Thìn đã ngập lụt cả vùng rửa sạch đất và trầu cau chết hết, nên sau đó không khí trở lại trong lành, người khỏi bị ô nhiễm. Người dân lập lại vườn bưởi, trồng bắp thay cho vườn trầu cho đến ngày nay.

Tương truyền rằng, trong trận lụt năm 1952, tất cả các loại cây cối đều chết vì úng nước. Riêng có cây bưởi ở nhà thờ Tân Triều do các Cha Thừa sai mang sang là sống sót. Từ đó, người ta chiết nhánh và nhân rộng giống bưởi này. Cũng theo các cụ kể lại thì chỉ có bưởi ở gần khu vực nhà thờ Tân Triều mới ngon, ngọt và đem lại giá trị kinh tế cao.

3/ Tân Triều qua những năm tháng chiến tranh: ( 1920 – 1975 )

1. Từ năm 1920 đến 1945:

Thời gian này, sinh hoạt tôn giáo của Tân Triều gặp nhiều khó khăn do chiến tranh: vẫn có các linh mục quản xứ nhưng các ngài phải kiêm hai hai họ đạo: mỗi tháng họ Tân Triều được hai tuần có thánh lễ Chúa Nhật và các ngày trong tuần, còn hai tuần kia dành cho họ Bến Gỗ.

Các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phụ trách dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, tập hát cho ca đoàn.

Các Bí tích do Cha sở ban, còn Đức Giám Mục thỉnh thoảng đến ban Bí tích thêm sức tại họ đạo. Trong thời gian này đời sống giáo dân tuy nghèo nhưng tương đối ổn định.

2. Từ năm 1945 – 1954 –1975:

Thời chiến tranh Việt – Pháp, rồi chiến tranh giữa hai miền đất nước Bắc – Nam Việt Nam.

Tình hình chính trị an ninh bất ổn, dân chúng hoang mang lo sợ. Nên có một số bổn đạo bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi đến các thành thị. Số còn lại thì vất vả và nghèo, sống bằng nghề nông, trồng trầu cau. Sau trận lụt năm Thìn ( 1952 ) người dân bắt đầu trồng bắp và bưởi.

Để giữ vững đời sống đạo cho giáo dân, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, tiếp tục dạy giáo lý và phụ trách ca đoàn. Suốt hơn 40 năm, từ năm 2013 trở về trước, vì số các em rất ít nên để lãnh bí tích thêm sức, các em phải ra nhà thờ Biên Hòa.

4/ Tân Triều sau biến cố 30/4/1975: Đất nước thống nhất.

Đời sống kinh tế và tôn giáo của dân gặp nhiều khó khăn, đó cũng là tình hình chung của cả nước. Nên nhiều gia đình bỏ quê đi lập nghiệp tại các vùng kinh tế mới, theo phong trào nhà nước phát động và một ít người đi “vượt biên” sang Hoa Kỳ. Nhiều năm sau, đời sống vật chất mới từ từ được cải thiện nhờ các điều kiện như sau:

a/. Từ năm 1952: đặc sản của Tân Triều là bắp nếp và bưởi, từ năm 1995 giá bưởi được nâng cao vì được biết rằng: bưởi chữa được bệnh Cholesterol và bưởi Tân Triều (cùng bưởi Năm Roi) thuộc loại ngon bậc nhất Việt Nam.

Thấy thế, dân chúng từ từ ngưng trồng bắp để chuyên trồng bưởi. Nhưng mỗi gia đình chỉ có khoảng từ 1 đến 3 sào đất, trong đó vừa cất nhà vừa làm vườn.

b/. Một số gia đình có thân nhân đã vượt biên ra nước ngoài gởi tiền về để xây cất nhà cửa.

c/. Theo đà phát triển của đất nước vừa mở cửa, các nước ngoài đến đầu tư, mở các nhà máy xí nghiệp ngày càng nhiều. Biên Hòa trở thành khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai.

Nhờ đó, giới trẻ có thể đi làm công nhân tại các công ty xí nghiệp. Số thanh niên khác đi làm thợ hồ ở thành phố Hồ Chí Minh hay ở Biên Hòa.

Kinh tế phát triển, nhà xây bắt đầu thay thế nhà ván, nhiều gia đình có xe gắn máy (xe 2 bánh) làm phương tiện di chuyển, nếp sống văn minh bắt đầu đi vào làng quê Tân Triều. Còn tình hình tôn giáo, khoảng từ 1990, đời sống đức tin từng bước phát triển, nhờ chính sách tôn giáo của nhà nước có phần nào thông thoáng hơn.

Từ năm 1956 đến 1975, họ đạo Tân Triều chỉ có các Cha quản nhiệm từ Biên Hòa vào. Sau ngày 30/4/1975 Tân Triều vui mừng đón tiếp Cha sở mới, Gioakim Nguyễn Văn Quới. Trong những năm đầu, cuộc sống còn rât nhiều vất vả khó khăn, Cha phải làm ruộng, nuôi dê, trồng tiêu, trồng bưởi trong khuôn viên đất nhà xứ để mưu sinh. Do thiếu thốn các linh mục, ngài còn phải quản nhiệm thêm 2 giáo xứ: Gò Xoài và Đại An cách xa Tân Triều hơn 25 km. Mỗi tuần ngài về Tân Triều dâng thánh lễ Chúa Nhật và các ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư. Năm 1994 ngài cho xây tháp chuông nhà thờ Tân Triều, hiện nay vẫn còn đang sử dụng.

Năm 1977, do hoàn cảnh khó khăn, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm rút về nhà Dòng. Trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu người đó, có bà chín Isave Đỗ Thị Diệu, kế tiếp là cô Nguyễn Thị Thu Thủy, là giáo dân trong họ đạo đã lãnh trách nhiệm dạy giáo lý và tập hát cho ca đoàn trong 20 năm. Để phát triển phong trào giáo lý, Cha Gioakim Quới và Ban Hành Giáo đã xin các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ai Vinh Sơn đến giúp.

Năm 1998, nhà dòng cử khi thì 2 khi thì 3 người, đi từ nhà dòng Mẹ Sài – Gòn đến dạy giáo lý vào ngày Chúa Nhật trong nhà thờ. Tháng 11/1998, nhà dòng Nữ Tử Bác Ai Vinh Sơn giúp đỡ xây cho 01 nhà giáo lý (dài 24m x rộng 8m). Từ đó, các nữ tu này còn góp phần đào tạo thêm một số giáo lý viên, để dạy giáo lý theo chương trình của giáo phận.

Năm 1999, Cha Gioankim Nguyễn Văn Quới bị bệnh cao huyết áp, rất nguy hiểm khi phải đi đường xa bằng xe Vespa đến các họ đạo Đại An và Gò Xoài. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho ngài, Đức Giám Mục đã thuyên chuyển ngài làm Cha sở giáo xứ Tân Thành ngày 14 tháng 10 năm 1999, sau 24 năm làm Cha sở Tân Triều.

Thay thế Cha Quới, là Cha Giuse Nguyễn Ý Định làm Cha sở Đại An và Gò Xoài, quản nhiệm họ Tân Triều. Về chưa được một năm thì vào ngày 03/09/2000, Đức Giám Mục giao cho Cha Philipphê Lê Văn Năng, Cha sở Biên Hòa, quản nhiệm Tân Triều.

Đến năm 2007, lần đầu tiên sau nhiều năm không có Cha xứ, nay Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã cử cha Gioan.B Nguyễn văn Thành về làm chính xứ Tân Triều. Trong thời gian hơn một năm phụ trách giáo xứ, cha Gioan. B đã mở mang giáo xứ, sửa chữa lại đất thánh, mua 4 sào đất đất tại xã Thạnh Phú để dành làm nhà nguyện sau này. Đặc biệt trong thời gian cha Gioan.B làm cha xứ, có hai sự kiện lớn đến với giáo xứ Tân Triều:

1/ Mừng 300 năm giáo xứ và 150 năm ngày sinh nhật trên trời của Thánh Phaolô Trần văn Hạnh ( 1759 – 2009 ).

2/ Thánh lễ truyền dầu của giáo phận tại giáo xứ Tân Triều.

Từ năm 2009, Cha Tôma Lâm văn Kinh được cử về làm cha xứ Tân Triều, thay cho cha Gioan.B Nguyễn văn Thành, được cử về làm Cha xứ Thái Xuân. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng Cha Cố Tôma vẫn không ngừng nỗ lực cống hiến và chăm lo đến đời sống đức tin của giáo xứ. Cha đã xây dựng tượng đài Đức Mẹ thật khang trang và thông thoáng. Hơn nữa còn thành lập ca đoàn Cêcilia (ca đoàn mắt kiếng) để phục vụ trong các thánh lễ nhất là ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Hiện nay ca đoàn đang góp lời ca tiếng hát từng ngày, giúp giáo dân sốt sắng cầu nguyện mỗi khi đến với Chúa.

Đầu tháng 08 / 2013, đến tuổi hưu và do bệnh tật và đau yếu, Cha Cố Tôma đã xin Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh cho ngài được về hưu tại nhà hưu các Cha ở giáo xứ Gia Viên. Hiện nay Ngài đang sống tại nhà hưu quí cha, và vẫn thường xuyên được con dân Tân Triều mến yêu và thăm nom.

Nhận thấy Tân Triều là chiếc nôi đức tin hơn 300 năm, có bề dầy lịch sử cả về tôn giáo lẫn chính trị của đất nước, lại có Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, vị Thánh duy nhất được tuyên phong vào 19/ 06/ 1988, nên Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã cử cha Giuse Vũ Đức Hiệp về làm chính xứ Tân Triều thay cho Cha cố Tôma đã nghỉ hưu. Một năm đã qua, kể từ ngày nhậm chức Chính xứ Tân Triều ( 07.10.2013 – 07.10.2014 ), Cha Giuse tiếp tục công việc của các Cha tiền nhiệm, từng bước củng cố lại nhân sự, phân chia các họ, hướng dẫn các đoàn thể và quan tâm đặc biệt đến vấn đề truyền giáo. Nhờ đó số giáo dân xứ Tân Triều hiện nay đã lên đến 1.562 người với 453 hộ gia đình Công Giáo, sống giữa 50 ngàn lương dân. Địa bàn giáo xứ trải dài trên 4 xã thuộc huyện Vĩnh Cửu, với chiều dài 10 cây số và chiều ngang là 12 cây số. Đây quả là một vùng đất mới, đang rất cần được quan tâm, đặc biệt trong công cuộc truyền giáo

II. THÁNH PHAOLÔ TRẦN VĂN HẠNH (1827-1859) – NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA TÂN TRIỀU

Phaolô Trần Văn Hạnh sinh năm 1827 tại Tân Triều, Biên Hòa, Giáo dân, bị xử trảm ngày 28/05/1859 tại Chí Hòa, Nam Việt dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X đã suy tôn chứng nhân Phaolô Hạnh lên hàng Chân Phước ngày 02/5/1909. Ngày 19/6/1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 28/05.

Tiểu sử thánh Tử đạo Phaolô Trần Văn Hạnh:
“Việc Chúa làm cho tôi, ôi vĩ đại!
Tôi thấy mình chan chứa một niềm vui.”
(Tv 126,3)

Vâng, đó là lời ca chúc tụng Chúa trên quê trời của thánh Phaolô Trần Văn Hạnh và của tất cả chúng ta, những người lắng nghe hay đọc tiểu sử của ngài.

Cây lúa trổ bông

Nước Thiên Chúa ví như khi một người kia gieo giống xuống đất, dù người ấy ngủ hay thức, đêm hay ngày hạt giống cứ nẩy mầm, lớn lên mà người ấy không biết. Tự dưng cây mọc mạ rồi trổ đòng đòng và thành những hạt lúa chắc nịch, cho đến khi mùa gặt tới” (Mc 4, 26-29).

Đoạn Tin Mừng trên ứng nghiệm cuộc đời thánh Phaolô Hạnh.

Cậu Hạnh chào đời tại Tân Triều, tỉnh Biên Hòa khoảng năm 1827. Lớn lên cậu cùng hai người anh đến vùng Cầu Muối, Chợ Quán, Sài Gòn để buôn bán. Nói tới Cầu Muối là nói tới những băng đảng. Dư luận đồn đại về anh nhiều điều xấu. Trong nghề buôn bán, anh giao dịch với một số tay anh chị chuyên lường gạt, bắt chẹt những người cô thế cô thân. Hạnh đã từng quy tụ một nhóm đàn em choai choai trong vùng, lang thang đây đó, cướp giật khắp vùng. Hạnh sống ung dung, rượu chè trai gái với tiền cướp giật do đàn em cung phụng. Sống trong tội lỗi với cái nghề bất lương, nhưng anh lại luôn cảm thấy lương tâm bất ổn. Nhiều lần anh tìm cách thoát khỏi con đường dìm đời anh vào vũng lầy nhầy nhụa, ghê tởm, nhưng không dễ dàng vì chốn giang hồ có luật giang hồ: Ai lật tẩy đường dây thì phải đền mạng!

Hạt mầm đức tin được gieo thuở ấu thơ vẫn âm thầm nẩy nở trong anh dù chính anh không hay biết. Một lần kia, chứng kiến đàn em bóc lột một thiếu phụ nghèo khổ không thương tiếc, anh bỗng xúc động, ra tay can thiệp. Anh dùng áp lực bắt đàn em phải trả lại cho nạn nhân tất cả của cải chiếm đoạt, dù biết trước thái độ hào hiệp ấy sẽ mang lại cho mình hậu qủa không may theo luật giang hồ.

Kitô hữu đến chết

Đàn em tức giận quyết tâm trả thù bằng giải pháp hèn hạ “ném đá giấu tay” là đi tố cáo với chính quyền rằng: tên Hạnh là người Kitô hữu và gán cho anh tội tiếp tay với quân đội Pháp.

Khi bị bắt nộp cho quan toà ở Bà Quẹo và bị tra hỏi: “Có phải anh đã liên lạc với người Pháp âm mưu làm loạn không?”, thì Hạnh trả lời: “Tôi không bao giờ liên lạc hay giúp người Âu Châu.” Thế mà khi bị hỏi: “Anh có phải là người theo đạo Gia Tô không?”, thì Hạnh, dù biết mình không giữ đạo tử tế, biết nguy hiểm đến tính mạng, vẫn can đảm nhìn nhận: “Phải, tôi là người theo đạo Gia Tô!”

Suốt thời gian bị giam, các quan tìm đủ cách dụ anh bỏ đạo. Họ áp dụng những hình khổ dã man nhất đã được vua Tự Đức cho phép. Người ta căng thân thể anh ra đánh đòn, người ta dùng kìm nguội để kẹp vào đùi anh tóe máu, dùng những thanh sắt nung đỏ dí vào người anh xông mùi khét nồng nặc. Vậy mà anh vẫn cương quyết tuyên bố: “Tôi là một Kitô hữu, dù có phải chết tôi cũng không bao giờ bỏ đạo.” Phaolô Hạnh đã yếu đuối trong đường tội lỗi, nhưng khi đã trở về lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa thì lại nhận được sức mạnh lạ lùng.

Bông hoa ngát hương.

Không làm anh chối bỏ đức tin, vua Tự Đức đã chuẩn tấu án xử trảm Phaolô Hạnh. Ngày 28/5/1859, anh Hạnh bị trảm quyết tại Chí Hòa khi mới 32 tuổi. Thi thể vị Tử đạo được mai táng ở Chợ Quán. Đức Piô X đã suy tôn chứng nhân Phaolô Hạnh lên hàng Chân Phước ngày 02/5/1909. Ngày 19/6/1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn Ngài lên bậc Hiển thánh.

Sử gia Rodriguez đã viết thật ý nhị: Cuộc đời của Phaolô Hạnh ví “như một bông hoa tím dại bên đường, cho đến ngày có người đi ngang qua dẫm nát, thì mới tỏa hương thơm. Phaolô Hạnh quả là bông hoa bị che khuất bên vệ đường Hội Thánh, cho đến khi bị vò nát trong cuộc bách bại, mới tỏa ra hương thơm ngào ngạt khiến chúng ta phải ngây ngất, lâng lâng…”

Kitô giáo là một tôn giáo của ân sủng, một tôn giáo dạy chúng ta mở lòng ra để cho Thiên Chúa hành động. Ngài có thể tái tạo mỗi người chúng ta thành một kiệt tác của Ngài như một Augustinô, một Phaolô Hạnh, miễn là chúng ta làm như thánh Margaret Mary Alacoque dạy: “Chúa Kitô sẽ làm mọi sự cho tôi miễn là tôi cho phép Ngài hành động. Ngài yêu thương tôi, bù đắp mọi sự mà tôi còn thiếu. Phó thác hoàn toàn bản thân cho Thiên Chúa là hình thức cao nhất của sự tín nhiệm vào Ngài, cậy dựa vào Ngài.”

Ước gì lắng nghe tiểu sử của thánh Phaolô Hạnh hôm nay, lòng mỗi người chúng ta được bừng cháy khao khát sống thánh thiện giữa cuộc đời ô trọc, được thôi thúc thể hiện đức tin giữa thế giới vật chất đang cố át đi tiếng gọi thần linh, được thúc đẩy yêu thương giữa bao tăm tối hận thù, tranh giành, ghen ghét, đố kỵ. Điều quan trọng là: “Chúng ta cần có một ước muốn duy nhất là làm sao để người đời nhìn thấy chúng ta như là những kẻ yêu mến Chúa thật sự, mặc cho những giới hạn của mình; làm sao để người đời nhìn thấy chúng ta say mê Chúa Giêsu, đến độ không còn có khoảng cách nào giữa những gì chúng ta nói và những gì chúng ta là”[1]. Chính Chúa sẽ làm cho cuộc đời chúng ta nên ý nghĩa, đẹp đẽ.

Mỗi sáng thức dậy, ước gì chúng ta mang trong lòng một xác quyết: “Cuộc sống là một quà tặng và mỗi ngày sống là một món quà quý giá Thiên Chúa ban cho chúng ta. Với món quà này, chúng ta có thể làm ra biết bao quà tặng để ban thưởng cho chính mình và dâng hiến cho đồng loại. Hãy thưởng thức món quà của sự sống và làm cho ngày sống hôm nay của chúng ta tràn ngập phép lạ tình yêu”[2].

Sống được như vậy, chắc chắn chúng ta dần mang được niềm xác tín của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Được làm một Kitô hữu quả là một ân huệ tuyệt vời!”

III. LỜI KẾT:

“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”

Giáo xứ Tân Triều chúng con xin hết lòng cảm tạ Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót, luôn quan tâm lo lắng cho đoàn chiên Giáo Hội, cách riêng cho giáo xứ Tân Triều, được vinh dự là cái nôi đức tin cho Giáo Hội đàng trong từ đầu Thế kỷ 18.

Tri ân các vị Thừa sai vì tình yêu thương đã dấn thân và hy sinh cả mạng sống mình để hạt giống đức tin các Ngài gieo vãi hôm nay đang trổ sinh hoa trái.

Cám ơn Quí Đức Cha, Cha Quản hạt, quí Cha, quí Ân nhân xa gần trong giáo phận đã quan tâm và dành cho giáo xứ chúng con nhiều ưu ái. Xin Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, qua lời bầu cử của thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, người con ưu tú của Tân Triều, ban cho các Đấng bậc muôn ngàn phúc lộc thiêng liêng.

Đặc biệt trong năm kỷ niệm Kim Khánh giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha Chính Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã xin với Tòa ân giải tối cao của Tòa Thánh mở Năm Thánh, và chỉ định giáo xứ Tân Triều là một trong số 14 điểm hành hương trong toàn giáo phận, bắt đầu từ 04/10/2014 đến hết tháng 10/2015. Đây chính là thời gian ân sủng để mọi người Công Giáo trong cũng như ngoài giáo phận, vui sống hồng ân Kim khánh giáo phận Xuân Lộc 1965 – 2015.

Giáo xứ chúng con tuy còn đang trong giai đoạn củng cố và nâng cấp sau nhiều năm thiếu thốn và khó khăn, cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần, rất ao ước được đón tiếp Quí Đức Cha, Quí Cha, quí Chủng sinh, quí Tu sĩ nam nữ và giáo dân từ khắp nơi đến hành hương và lãnh nhận ơn toàn xá.

Ước mong những ngọn gió trong lành, cùng với hương thơm của bông bưởi nơi một vùng quê hẻo lánh, sẽ đem lại cho mọi người đến đây hành hương và kính viếng Thánh Tử đạo Phaolô Hạnh, được ơn hoán cải và bình an tâm hồn. Nhất là còn tìm được ơn vững mạnh trong đức tin, dạt dào trong tình mến, để hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người trên các nẻo đường đất nước Việt Nam thân yêu này.

[1] Marco Cè, Tuần Tĩnh Tâm cho Giáo triều Rôma năm 2006.
[2] Chuyên đề Don Bosco, số 26, tháng 10&11.2013, trang 15.