Vương cung Thánh Đường Lateran là nhà thờ mẹ của mọi nhà thờ Công Giáo trên toàn thế giới. Thánh Đường được Đức Thánh Cha Clemens XII thánh hoá và dâng hiến cho Đức Kitô. Sau này để kính nhớ Hai thánh Gioan Tông Đồ và Gioan Tiền Hô nên nhà thờ được biết đến là Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran. Ngày lễ kính hoàn vũ liên kết giữa các thánh đường địa phương với Vương Cung Thánh Đường mẹ Lateran. Đây cũng là dấu hiệu liên kết chặt chẽ trong tình yêu Đức Kitô với vị đại diện Ngài nơi trần thế là Đức Thánh Cha.

Lateran là tên của một gia đình quí tộc. Gia đình này có hai người con làm toàn quyền là Sextius and Plautinus đại diện hoàng đế nơi vùng đất mới chiếm đóng, thay mặt hoàng đế điều hành quốc sự. Sau này vua Nerô kết tội Plautinus làm phản và tài sản của gia tộc bị tịch thu. Constantine lúc đó là một tướng quân, theo cha đánh giặc thắng nhiều trận và đạt chức đại diện hoàng đế. Có lần Constantine phải đối diện với một đạo quân hùng hậu và ông rất lo lắng. Trong giấc mơ nghe tiếng nói là khắc hình thánh giá vào khiên thuẫn sẽ thắng trận. Ông hạ lệnh cho quân lính khắc hình thánh giá vào khiên thuẫn và ra trận, lạ lùng thay trên bầu trời cũng cùng dấu hiệu đó nơi đám mây trước mặt và ông thắng trận vẻ vang. Ông trở thành vị vua Thiên Chúa giáo đầu tiên và trở lại đạo ở tuổi 40. Sau khi lên làm vua Constantine thực hành chính sách khoan hồng, ra lệnh tha cho tất cả mọi người từng chống đối ông và đồng thời cho phép tự do tôn giáo. Đạo ai nấy giữ, chấm dứt hơn ba trăm năm Thiên Chúa giáo bị bách hại. Chính sách khoan hồng khôn ngoan này tạo cho ông nhiều uy tín, lấy được lòng tin nơi dân chúng và cảm hoá những kẻ chống đối mà không cần phải học tập, cải tạo. Bởi chính họ nhìn thấy lòng nhân ái của ông mà tự cải hoá. Do lòng đạo đức của người mẹ và vợ Constantine hiến cho Giáo Hội khu đất thuộc gia tộc Lateran làm nơi cư trú cho Đức Thánh Cha và đây là Vương Cung Thánh Đường cổ kính nhất còn sót lại. Đây cũng là nơi sinh ra kinh tin kính hiện nay còn xử dụng thường được biết đến như là kinh tin kính Nicene. Có hai kinh tin kính một là Nicene và hai là kinh tin kính các thánh tông đồ.

Trải qua lịch sự Vương Cung thánh đường bị nhiều biến cố tànphá, ba lần bị cháy, một lần bị động đất và bỏ hoang, thiếu chăm sóc trong thời gian gần 70 năm khi Đức Thánh Cha dời qua sống bên Pháp. Mỗi lần như thế Lateran bị tàn phá nặng nề nhưng rồi như con đường thập tư, mỗi lần đổ xuống lại được vực lên và mỗi lần vực lên như thế lại tiếp tục công bố tình yêu Chúa cho nhân loại và lòng thứ tha cho kẻ đánh phá mình.

Không phải gỗ đá ban sức sống cho thánh đường mà chính là các Kitô hữu họp nhau cầu nguyện tạo nên sức sống cho thánh đuờng qua lời Chúa và các bí tích. Mỗi khi Kitô hữu gặp nhau cầu nguyện thánh đường có sức sốnb bởi chúng ta nhận sức sống từ Lời Chúa và từ Mình và Máu Thánh Đức Kitô và chính sức sống này làm cho thánh đường sống động. Nhiệm vụ của các Kitô hữu là bảo vệ, coi sóc nơi thờ phượng và làm cho nhà Chúa luôn sống động bởi nó là dấu hiệu của đức tin trong ta. Mỗi lần chúng ta phạm tội là chúng ta tự làm hại đền thờ Chúa Thánh Thần trong ta. Vì thế chúng ta cần siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhận Lời Chúa và nhận Mình và Máu Thánh làm sức sống nuôi dưỡng đền thờ Chúa Thánh Thần.

Trong thời gian tại thế Đức Kitô nhiều lần thăm viếng đền thờ và có lần Ngài than con nguời biến đền thờ của Cha Ngài thành nơi buôn bán, lừa đảo, trộm cắp. Tự trong thâm tâm ai cũng biết là khi vào nhà thờ cần phải giữ im lặng, cần phải tôn kính vì đó là nhà Chúa nhưng rất nhiều khi chúng ta bị đám đông cám dỗ, thấy họ bất kính nơi thánh đường chúng ta cũng bắt chước làm theo. Điều cần luôn nhớ là không phải lúc nào đại đa số cũng đúng, nếu không chúng ta vô tình coi thường nơi thờ phương, là nơi thánh, mà coi thường nơi thánh chính là dấu hiệu của một đức tin chưa trưởng thành, thiếu chiều sâu.

Đức Kitô gọi đền thánh Jêrusalem là nhà của Cha Ngài nơi Thiên Chúa ngự trị nơi trần gian và phải dùng con mắt đức tin để chiêm ngắm. Đức Kitô thiết lập Giáo Hội nơi trần thế mà Ngài là đầu và chúng ta là chi thể. Một chi thể phạm tội làm toàn thân nhơ nhuốc. một chi thể đớn đau toàn thân bị ảnh hưởng. Mội chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần bởi Chúa ở nơi ta và ta ở trong Chúa. Chúng ta liên kết với Chúa qua lời Ngài, qua các bí tích và qua việc đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa làm của ăn nuôi linh hồn. Mừng kính Vương Cung Thánh Đường chúng ta không phải mừng kính gỗ đá, đền đài mà chính là thân xác và linh hồn ta.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org