Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 27 tháng 7

Chúa Giêsu Kitô và Nước Thiên Chúa là kho tàng vĩ đại vô giá chúng ta cần tìm kiếm và hy sinh mọi sự để chiếm hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi đoc kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 27 tháng 7.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắc tới ngày kỷ niệm 100 năm Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ và kéo dài bốn năm trời, khiến cho hàng triệu người phải chết và gây ra các tàn phá mênh mông; một cuộc chiến mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã định nghĩa là một “sự tàn phá vô ích”, cuối cùng kết thúc bằng một nền hòa bình còn mong manh hơn. Ngài cầu mong dịp kỷ niệm biến cố thê thảm này khiến cho người ta đừng lập lại các sai lầm qúa khứ, nhưng chú ý đến bài học lịch sử, bằng cách để cho các lý lẽ của hòa bình luôn luôn thắng thế qua một cuộc đối thoại kiên nhẫn và can đảm. Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người hiệp ý với ngài cầu nguyện cho ba vùng đang gặp khủng hoảng nặng là vùng Trung Đông, Iraq và Ukraine. Xin Chúa ban cho các dân tộc và các chính quyền các vùng đó sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để cương quyết theo đuổi con đường hòa bình, bằng cách vượt thắng mọi đả kích với sức mạnh của hòa giải và với sự kiên trì trong đối thoại. Ước chi ở trung tâm của mọi quyết định người ta đừng đặt để các lợi lộc riêng tư, nhưng chú ý trên hết đến công ích và việc tôn trọng mỗi người. Chúng ta hãy nhớ rằng mọi sự đều mất với chiến tranh, và không có gì để mất với hòa bình.

Đức Thánh Cha tha thiết kêu mời như sau:

“Anh chị em thân mến, không bao giờ chiến tranh! Không bao giờ chiến tranh! Tôi đặc biệt nghĩ tới các trẻ em, mà người ta đã cướp đi niềm hy vọng của một cuộc sống xứng đáng, đã cướp đi tương lai của chúng. Tôi nghĩ đến các trẻ em bị chết, các trẻ em bị thương, các trẻ em bị què cụt, các trẻ em mồ côi, các trẻ em có đồ chơi là các tàn tích chiến tranh, các trẻ em không biết cười. Tôi xin qúy vị, hãy dừng lại! Tôi xin qúy vị điều đó với tất cả con tim. Đã đến lúc dừng lại, hãy dừng lại, tôi van xin qúy vị!”.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cập đến ý nghĩa của các so sánh nói về Nước Trời trong chương 13 Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Trong số đó có hai tuyệt tác: đó là các dụ ngôn về kho tàng chôn dấu trong ruộng và dụ ngôn viên ngọc qúy. Chúng nói với chúng ta rằng việc khám phá ra Nước Thiên Chúa có thể xảy ra một cách bất thình lình, như bác nông phu khi cầy cuộng, bất ngờ tìm thấy kho tàng mà ông không dám mơ, hay như người buôn ngọc, sau thời gian tìm kiếm lâu dài, tìm được viên ngọc vô cùng qúy báu mà ông đã hằng ao ước từ lâu. Nhưng trong cả hai trường hợp chúng ta thấy điều này là đối với bác nông phu và ông thương gia kho tàng và viên ngọc có giá trị hơn tất cả mọi của cải khác, và vì thế khi tìm thấy chúng, thì họ từ bỏ mọi sự để có thể mua chúng cho bằng được. Họ không cần lý luận hay suy đi nghĩ lại: họ nhận ra ngay giá trị không thể nào so sánh được của điều họ đã tìm ra, và sẵn sàng mất tất cả để có nó. Nước Thiên Chúa cũng thế: ai tìm được nó đều không nghi ngờ, đều cảm thấy rằng đó là điều họ đã tìm kiếm, đã chờ đợi và đáp ứng các khát vọng đích thật nhất của họ.”

Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

“Qủa thật là như thế: ai biết Chúa Giêsu, ai gặp Người một cách cá vị, thì bị mê hoặc, lôi cuốn bởi biết bao điều tốt lành, biết bao sự thật, biết bao vẻ đẹp, và tất cả trong một sự khiêm tốn và đơn sơ lớn lao. Tìm kiếm Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu: đó là kho tàng vĩ đại!

Có biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu thánh nam thánh nữ, khi đọc Tin Mừng với con tim rộng mở, đã hoàn toàn bị Chúa Giêsu đánh động đến mức trở về với Người. Chúng ta hãy nghĩ tới thánh Phanxicô thành Assisi: ngài đã là một kitô hữu, nhưng môt kitô hữu “loại nước hoa hồng”. Khi đọc Phúc Âm trong một thời khắc định đoạt của tuổi trẻ, ngài đã gặp Chúa Giêsu và khám phá ra Nước Thiên Chúa; và khi đó tất cả các giấc mộng vinh quang trần thế của ngài đều biến mất. Phúc Âm làm cho anh chị em biết Chúa Giêsu đích thật, khiến cho anh chị em hiểu biết Chúa Giêsu sống động; nói với con tim anh chị em và thay đổi cuộc sống của anh chị em. Và khi đó anh chị em từ bỏ tất cả. Anh chị em có thể thay đổi kiểu sống một cách thực sự, hay tiếp tục làm những gì anh chị em làm trước đó, nhưng anh chị em là một người khác, một người đã được tái sinh: anh chị em đã tìm thấy điều trao ban ý nghĩa, điều trao ban mùi vị, trao ban ánh sáng cho tất cả, cả những mệt nhọc, cả những khổ đau và cả cái chết nữa.

Hãy đọc Phúc Âm. Chúng ta đã nói tới điều này rồi anh chị em có nhớ không? Mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm, và mang theo một cuốn Phúc Âm nhỏ, trong túi, trong sắc tay, ở tầm tay. Và ở đó khi đọc một đoạn chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Mọi sự có ý nghĩa khi trong Phúc Âm bạn tìm thấy kho tàng này, mà Chúa Giêsu gọi là “Nước Thiên Chúa”, nghĩa là Thiên Chúa ngự trị trong cuộc sống bạn, trong cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, an bình và niềm hy vọng trong từng người và trong tất cả mọi người. Đó là điều Thiên Chúa muốn, đó là điều vì thế mà Chúa Giêsu trao ban chính mình cho tới chết trên thập giá, để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tối tăm và đưa chúng ta vào vương quốc của sự sống, vẻ đẹp, sự tốt lành và niềm vui. Đọc Phúc Âm là tìm thấy Chúa Giêsu, và nhờ ơn của Chúa Thánh Thần, chúng ta có được niềm vui Kitô.

Anh chị em thân mến, niềm vui tìm thấy kho tàng của Nước Thiên Chúa trong sáng và phải nên tỏ tường. Kitô hữu không thể dấu đức tin của mình, bởi vì nó tỏa rạng ra trong mọi lời nói, mọi cử chỉ cả trong những cử chỉ đơn sơ thường ngày: tỏa rạng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu nguyện, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, để nước tình yêu, công lý và hòa bình của Thiên Chúa đến giữa chúng ta.

2. Câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúng ta phải đau lòng nhận thấy ngày nay bạo lực trên thế giới ngày càng có khuynh hướng lan rộng. Trong khi đó, lại có nguy cơ là người ta quen dần với thảm trạng này và quên đi các nạn nhân hằng ngày, quên đi những đau khổ khôn tả mà hàng triệu người tị nạn, trong đó có người già và trẻ em, đang phải đau khổ và nhiều khi đang chết vì đói và bệnh tật do chiến tranh gây ra.

Sự dửng dưng này làm đau lòng! Một lần nữa chúng ta phải lập lại cái tên của căn bệnh làm cho chúng ta rất đau buồn trên thế giới ngày nay, đó là hiện tượng toàn cầu hóa sự dửng dưng.

Nhân sinh quan “đèn nhà ai người nấy rạng”, “sống chết mặc bay” khiến chúng ta thờ ơ, không nhìn ra nơi những người đau khổ khuôn mặt của Chúa Kitô và không coi họ là những anh chị em của mình.

Câu hỏi: Ai là anh chị em của tôi vẫn vang vọng từ ngàn xưa đến nay.

Có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và anh chị em ngươi như chính mình". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống".

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: "Nhưng ai là người anh chị em với tôi?"

Ðức Giêsu đáp: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. ình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.

Nhưng một người Samaritanô kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác". Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người anh em với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?"

Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bình luận về câu chuyện Người Samaritanô Nhân Lành, hôm 7 tháng 10 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng ta có mở lòng mình ra để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống của chúng ta, dẫn dắt chúng ta đi chệch khỏi các dự kiến của chúng ta hay không?

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi tự hỏi bản thân mình, và tôi muốn hỏi tất cả anh chị em: Chúng ta có để cho Thiên Chúa viết lên cuộc sống của chúng ta không? Hay chúng ta muốn tự viết lấy?”

Vị tư tế và thầy Lêvi khi bỏ mặc người bị cướp đánh dở sống, dở chết bên đường đã “trực tiếp” và “tinh vi” chạy trốn khỏi Thiên Chúa.

“Dù là Kitô hữu, là người Công Giáo, là linh mục, là Giám Mục, là Giáo Hoàng đi nữa.. tất cả chúng ta đều có nguy cơ chạy trốn khỏi Thiên Chúa. Cám dỗ hàng ngày của chúng ta là không lắng nghe tiếng nói của Ngài, không nghe trong tim ta lời đề nghị, lời mời gọi của Ngài”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Thầy tư tế đi ngang qua, xúng xính trong chiếc áo lễ, một tư tế sáng giá, tốt lắm. Nhưng khi thấy con người sống dở, chết dở kia thì tự nói với lòng mình: Ta sẽ dâng lễ trễ mất. Và ông ta dông thẳng. Ông không nghe tiếng của Thiên Chúa ở đó”.

Cũng thế, thầy Lêvi có thể đổ thừa cho phiên tòa sắp diễn ra để bỏ mặc nạn nhân, và lờ đi tiếng nói của Thiên Chúa.

Ngược lại, "người duy nhất có khả năng hiểu được tiếng nói của Thiên Chúa lại là một trong những người thường xa Chúa, một kẻ có tội, một người Samaritanô. Người Samaritanô này xa cách Thiên Chúa, nhưng anh nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa và đến gần. Anh không có thói quen thực hành tôn giáo, và đời sống luân lý, thậm chí có những sai lầm thần học bởi vì người Samari thờ Thiên Chúa ở một nơi không xứng hợp.”

Dù thế, người Samaritanô "hiểu rằng Chúa đã gọi anh ta, và anh ta đã không bỏ chạy. Thật vậy, ông đã dành cả tiền bạc và thời gian của mình cho người bị cướp”

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, "vị linh mục đến kịp giờ cho Thánh Lễ, và tất cả các tín hữu hài lòng; người Lêvi cũng đã một ngày yên tĩnh, phù hợp với những gì ông đã lên kế hoạch để thực hiện vì ông chẳng dính líu gì với người đàn ông nửa sống nửa chết.

Trái tim của họ đã đóng lại, và khi trái tim của anh chị em đóng lại, anh chị em không thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa. Thay vào đó, người Samaritanô khi thấy người bị thương trên đường, anh chạnh lòng thương: trái tim nhân bản của anh được mở ra và anh được thu hút tới gần với Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Chúng ta có ngoan ngoãn lắng nghe Lời Ngài? Nhiều người nói rằng, ‘Chắc chắn rồi!’. "Nhưng anh chị em có sẵn sàng để lắng nghe và cảm nhận ra tiếng nói của Ngài không? Anh chị em có sẵn sàng để tìm kiếm Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày không, hay chỉ có những ý tưởng của riêng của anh chị em mới có quyền quy định tất cả mọi thứ, không để cho Chúa nói gì với anh chị em? "