Chương một: Cảm thức đức tin trong Thánh Kinh và Thánh Truyền



7. Kiểu nói cảm thức đức tin không có trong cả Thánh Kinh lẫn giáo huấn chính thức của Giáo Hội, cho mãi tới Vatican II. Tuy nhiên, ý niệm cho rằng Giáo Hội như một toàn thể không sai lầm trong niềm tin của mình, vì là thân mình và là hiền thê của Chúa Kitô (xem 1Cor 12:27; Eph 4:12; 5:21-32; Kh 21:9), và rằng mọi chi thể Giáo Hội đều lãnh nhận một việc xức dầu tự nó đã giảng dạy họ (xem 1Ga 2:20, 27), đều được phú ban cho thần khí sự thật (xem Ga 16:13) là một ý niệm được mọi nơi coi là hiển nhiên ngay từ buổi đầu của Kitô Giáo. Chương này sẽ truy nguyên những đường hướng phát triển chính của ý niệm này, trước nhất trong Thánh Kinh và sau đó trong lịch sử tiếp theo của Giáo Hội.

1. Giáo huấn Thánh Kinh

a) Đức tin như một đáp trả Lời Thiên Chúa

8. Trong suốt Tân Ước, đức tin được trình bày như một đáp trả nền tảng và dứt khóat của con người đối với Tin Mừng. Chúa Giêsu công bố Tin Mừng để đem con người tới đức tin: “Thời giờ đã nên trọn, và nước Thiên Chúa đã tới gần; hãy thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Thánh Phaolô thì nhắc các Kitô hữu tiên khởi nhớ lời ngài loan báo về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô để đổi mới và thâm hậu hóa đức tin của họ: “Anh chị em thân mến, giờ đây tôi muốn nhắc nhở anh chị em về tin mừng tôi đã công bố cho anh chị em, tin mừng mà anh chị em đã lãnh nhận và đang nắm vững, nhờ đó anh chị em được cứu rỗi, nếu anh chị em giữ đúng như tôi đã loan báo, nếu không, anh chị em chỉ tin uổng công” (1Cor 15:1-2). Cái hiểu đức tin trong Tân Ước bắt nguồn từ Cựu Ước, nhất là từ đức tin của Ápram, người đã tin vào các lời hứa của Thiên Chúa (St 15:6; xem Rm 4:11, 17). Đức tin này là lời đáp trả tự do đối với việc công bố lời Thiên Chúa, và như thế, nó là một hồng ân Chúa Thánh Thần mà những ai tin thực sự cần lãnh nhận lấy (xem 1Cor 12:3). “Việc vâng phục đức tin” (Rm 1:5) là kết quả ơn thánh Chúa, Đấng đã giải thoát con người và ban cho họ tư cách chi thể của Giáo Hội (Gl 5:1, 13).

9. Tin Mừng phát huy đức tin vì nó không chỉ thông truyền tin tức tôn giáo mà còn công bố lời Thiên Chúa, và “sức mạnh cứu rỗi” của Người, một sức mạnh đã thực sự được lãnh nhận (Rm 1:16-17; xem Mt 11:15; Lc 7:22 [Is 26:19; 29:18; 35:5-6; 61:1-11]). Nó là Tin Mừng của Ơn Thánh Thiên Chúa (Cv 20:24), là “mạc khải về mầu nhiệm” Thiên Chúa (Rm 16:25), và là “lời sự thật” (Eph 1:13). Tin Mừng có một nội dung có chất lượng: nước Thiên Chúa đến, Chúa Giêsu chịu đóng đinh sống lại và được hiển dương, mầu nhiệm Thiên Chúa cứu rỗi và hiển dương ta nhờ Chúa Thánh Thần. Tin Mừng có một chủ đề mạnh mẽ: Chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã sai các tông đồ và các người theo chân các ngài ra đi. Tin Mừng mang hình thức công bố trực tiếp, một cách đầy linh hứng và đầy thẩm quyền, bằng lời và bằng việc làm. Muốn lãnh nhận Tin Mừng, ta cần đáp ứng bằng cả con người mình “hết tâm hồn, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” (Mc 12:31). Đó là đáp trả của đức tin, vốn là “bảo đảm cho những điều ta hy vọng, xác tín những điều ta không thấy” (Thư Do Thái 11:1).

10. ‘“Đức tin” vừa là hành vi tin hay tín thác vừa là điều được tin hay được tuyên xưng, vừa là fides qua vừa là fides quae. Cả hai khía cạnh này luôn đi đôi với nhau một cách không thể tách biệt, vì tín thác là tán đồng một sứ điệp có nội dung khả niệm, và tuyên xưng không thể bị giản lược vào chuyện môi mép, nó phải phát xuất từ trái tim (6). Cựu và Tân Ước rõ ràng chứng minh rằng hình thức và nội dung của đức tin thuộc về nhau.

b) Các chiều kích bản thân và Giáo Hội của đức tin

11. Sách Thánh chứng minh rằng chiều kích bản thân của đức tin được hòa nhập vào chiều kích Giáo Hội; cả hình thức số ít lẫn hình thức số nhiều của ngôi thứ nhất đều có ở đây: “chúng tôi tin” (xem Gl 2:16) và “tôi tin” (xem Gl 2:19-20). Trong các thư của ngài, Thánh Phaolô thừa nhận đức tin của các tín hữu vừa như một thực tại bản thân vừa như một thực tại Giáo Hội. Ngài dạy rằng ai tuyên xưng “Chúa Giêsu là Chúa” đều được Chúa Thánh Thần linh hứng (1Cor 12:3). Chúa Thánh Thầm tháp nhập mọi tín hữu vào thân thể Chúa Kitô và ban cho họ một vai trò đặc biệt để xây dựng Giáo Hội (xem 1Cor 12:4-27). Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, việc tuyên xưng một Thiên Chúa và chỉ một Thiên Chúa mà thôi được nối kết với việc thực sự có đời sống đức tin trong Giáo Hội: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Eph 4:4-6).

12. Trong các chiều kích bản thân và Giáo Hội của nó, đức tin có những khía cạnh có tính yếu tính sau đây:

i) Đức tin đòi thống hối. Trong lời công bố của các tiên tri Do Thái và của Thánh Gioan Tẩy Giả (xem Mc 1:4), cũng như trong lời giảng dạy Tin Mừng của Chúa Giêsu (Mc 1:14 tt) và trong sứ vụ của các Tông Đồ (Cv 2:38-42; 1Tx 1:9tt), thống hối có nghĩa xưng thú tội lỗi của mình và bắt đầu một cuộc sống mới giữa cộng đoàn ký giao ước với Thiên Chúa (xem Rm 12:1tt).

ii) Đức tin vừa được phát biểu vừa được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và thờ phượng (leiturgia). Cầu nguyện có thể mang nhiều hình thức khác nhau: cầu xin, khẩn nài, ca ngợi, cảm tạ, và tuyên xưng đức tin là một hình thức cầu nguyện đặc biệt. Lời cầu nguyện theo phụng vụ, nổi bật nhất trong cử hành Thánh Thể, ngay từ buổi đầu, đã hết sức chủ yếu đối với đời sống của cộng đồng Kitô hữu (xem Cv 2:42). Cầu nguyện diễn ra cả ở nơi công cộng (xem 1Cor 140 lẫn ở nơi tư riêng (xem Mt 6:5). Với Chúa Giêsu, Kinh Lạy Cha (Mt 6:9-13; Lc 11:1-4) nói lên yếu tính của đức tin. Nó là “bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (7). Đáng lưu ý là ngôn ngữ của nó là ngôn ngữ “chúng tôi”.

iii) Đức tin đem lại hiểu biết. Ai tin người ấy có khả năng nhận biết chân lý của Thiên Chúa (xem Pl 3:10tt). Sự hiểu biết này phát sinh từ việc suy niệm cảm nghiệm của ta về Thiên Chúa, dựa vào mạc khải và tham dự vào cộng đồng tín hữu. Đây là chứng tá của nền thần học khôn ngoan của cả Cựu và Tân Ước (Tv 111:10; xem Cn 1:7; 9:10; Mt 11:27; Lc 10:22).

iv) Đức tin dẫn tới tuyên xưng (marturia). Được Chúa Thánh Thần linh hứng, các tín hữu biết Đấng họ tín thác (xem 2Tm 1:12), và họ có khả năng giải thích niềm hy vọng ở trong họ (xem 1Pr 3:15), nhờ các lời tuyên xưng Tin Mừng đầy tính tiên tri và tông truyền (xem Rm 10:9tt). Họ làm việc này nhân danh họ; nhưng họ làm thế giữa cộng đồng tín hữu.

v) Đức tin bao hàm tin tưởng. Tín thác Thiên Chúa có nghĩa đặt căn bản cho toàn bộ cuộc sống ta trên lời hứa của Thiên Chúa. Trong Thư Do Thái 11, nhiều tín hữu trong Cựu Ước được nhắc tới như những thành phần của một cuộc diễn hành vĩ đại, qua không gian và thời gian, hướng về Thiên Chúa trên trời, được Chúa Giêsu, “Đấng đi tiên phong và là người hoàn thiện đức tin của ta” hướng dẫn (Dt 12:3). Các Kitô hữu là thành phần của cuộc diễn hành này, cùng chia sẻ một niềm hy vọng và xác tín như nhau (Dt 11:1), và “được bao quanh bởi một đám mây chứng nhân vĩ đại” (Dt 12:1).

vi) Đức tin kéo theo trách nhiệm, nhất là việc bác ái và phục vụ (diakonia). Các môn đệ sẽ được nhận biết “qua hoa trái của họ” (Mt 7:20). Các hoa trái này chủ yếu thuộc đức tin, vì đức tin, một nhân đức vốn phát sinh từ việc lắng nghe lời Thiên Chúa, đòi người môn đệ phải vâng theo ý Thiên Chúa. Đức tin công chính hóa (Gl 2:16) là “đức tin hành động qua bác ái” (Gl 5:6; xem Gc 2:21-24). Thực vậy, yêu anh chị em ta chính là tiêu chuẩn đối với tình yêu Thiên Chúa (1Ga 4:20).

c) Khả năng biết và làm chứng cho sự thật của các tín hữu

13. Trong sách Giêrêmia, “một giao ước mới” đã được hứa hẹn; giao ước này bao hàm việc nội tâm hóa lời Thiên Chúa: “Ta sẽ đặt lề luật Ta trong chúng, và Ta sẽ viết luật đó lên trái tim chúng; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không dạy nhau hoặc nói với nhau “hãy biết Thiên Chúa”, vì mọi người trong chúng đều sẽ biết Ta, từ những kẻ thấp hèn nhất tới những kẻ cao cả nhất trong chúng, Thiên Chúa phán như vậy; vì Ta sẽ tha thứ tội lỗi của chúng, và sẽ không nhớ tới tội lỗi của chúng nữa” (Gr 31:33-34). Dân Thiên Chúa cần được tái tạo như mới, tiếp nhận “một tinh thần mới” để có thể nhận biết và tuân theo lề luật (Ed 11:19-20). Lời hứa này được ứng nghiệm trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu và trong đời sống của Giáo Hội nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Nó đặc biệt nên trọn trong lúc cử hành Thánh Thể, trong đó, tín hữu lãnh nhận chén “giao ước mới” bằng máu Chúa (Lc 22:20; 1Cor 11:25; xem Rm 11:27; Dt 8:6-12; 10:14-17).

14. Trong diễn văn từ giã ở Bữa Tối Cuối Cùng, Chúa Giêsu hứa sẽ ban cho các môn đệ “Đấng An Ủi”, vốn là Thần Khí Sự Thật (Ga 14:16,26; 15:26;16:7-14). Thần Khí sẽ nhắc các ông nhớ các lời lẽ của Chúa Giêsu (Ga 14:26), giúp họ khả năng làm chứng cho lời Chúa (Ga 15:26-27), “chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, công chính và phán xét” (Ga 16:8), và “hướng dẫn” các môn đệ “vào mọi chân lý” (Ga 16:13). Tất cả những điều này xẩy ra nhờ ơn Chúa Thánh Thần qua mầu nhiệm vượt qua, được cử hành trong đời sống cộng đồng Kitô Giáo, nhất là trong Thánh Thể, cho tới ngày Chúa đến (xem 1Cor 11:26). Các môn đệ có một cảm thức linh hứng về sự thật luôn hiện thực trong lời Chúa, nhập thể nơi Chúa Giêsu, và ý nghĩa của lời này đối với ngày nay (xem 2Cor 6:2), và đây là điều thúc đẩy Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sẵn sàng làm chứng cho đức tin của họ trong Giáo Hội và trong thế giới.

15. Môsê từng muốn cho mọi người trong dân trở thành tiên tri nhờ tiếp nhận thần khí Chúa (Ds 11:29). Ước muốn này đã trở thành lời hứa cánh chung nhờ tiên tri Gioen và trong biến cố Ngũ Tuần, Thánh Phêrô đã tuyên bố rằng lời hứa ấy đã được ứng nghiệm: “Thiên Chúa nói, trong những ngày sau cùng, Ta sẽ tuôn tràn Thần Khí ta trên mọi thân xác, và con trai con gái các ngươi sẽ nói tiên tri” (Cv 2:17; xem Ge 3:1). Thần Khí được hứa ban ấy (xem Cv 1:8) đã được đổ xuống, giúp tín hữu nói “về những việc làm đầy quyền lực của Thiên Chúa” (Cv 2:11).

16. Lời mô tả đầu tiên về cộng đoàn tín hữu Giêrusalem tổng hợp 4 yếu tố sau đây: “Họ chuyên chăm lắng nghe giáo huấn của các tông đồ, hiệp thông, bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2:42). Việc chuyên chăm vào 4 yếu tố này đã mạnh mẽ nói lên đức tin tông truyền. Đức tin bám lấy giáo huấn chân chính của các Tông Đồ, là giáo huấn luôn nhắc ta nhớ tới giáo huấn của Chúa Giêsu (xem Lc 1:1-4); nó lôi cuốn các tín hữu vào tình hiệp thông với nhau; nó được đổi mới nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa trong lúc bẻ bánh; và nó được dưỡng nuôi nhờ lời cầu nguyện.

17. Trong Giáo Hội Giêrusalem, khi xẩy ra tranh chấp giữa người Hy Lạp và người Do Thái liên quan tới việc phân phối thực phẩm hàng ngày, mười hai tông đồ đã triệu tập “toàn thể cộng đoàn môn đệ” và đưa ra quyết định: “làm vui lòng toàn thể cộng đoàn”. Toàn thể cộng đoàn này đã chọn “bẩy người có tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan” và đặt họ trước mặt các tông đồ. Các vị cầu nguyện rồi đặt tay lên họ (Cv 6:1-6). Khi có vấn đề xẩy ra tại Giáo Hội Antiôkia liên quan tới việc cắt da qui đầu và việc thực hành Lề Luật, thì vấn đề này đã được trình lên cho Giáo Hội mẹ ở Giêrusalem phân xử. Công đồng các tông đồ, từ đó phát sinh, có một tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với tương lai Giáo Hội. Thánh Luca mô tả trình tự các biến cố này một cách cẩn thận. “Các tông đồ và các vị trưởng thượng họp nhau để cân nhắc vấn đề” (Cv 15:6). Thánh Phêrô kể lại câu truyện ngài được Chúa Thánh Thần linh hứng đi rửa tội cho Ông Cornêliô và gia đình ông dù họ chưa được cắt da qui đầu (Cv 15:7-11). Thánh Phaolô và Barnaba thuật lại kinh nghiệm truyền giáo của họ tại Giáo Hội địa phương Antiôkia (Cv 15:12; xem 15:1-5). Thánh Giacôbê suy tư về các kinh nghiệm này dưới sự soi sáng của Thánh Kinh (Cv 15:13-18), và đề xuất một quyết định cổ vũ tính hợp nhất của Giáo Hội (Cv 15:19-21). “Thế rồi, các tông đồ và các trưởng thượng, với sự đồng ý của toàn thể Giáo Hội, quyết định chọn một số thành viên tại chỗ và phái họ đi Antiôkia cùng với Phaolô và Barbana” (Cv 15:22). Đối với Thánh Luca, các biến cố này cho thấy một hành động có tính đặc trưng Giáo Hội, bao gồm cả thừa tác mục vụ của các tông đồ và các trưởng thượng lẫn sự tham dự của cộng đoàn, nhờ đức tin mà có đủ tư cách tham dự.

18. Viết cho tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô cho rằng sự điên rồ của thập giá chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cor 1:18-25). Giải thích tại sao nghịch lý này có thể hiểu được, ngài nói: “chúng ta có tâm trí của Chúa Kitô” (1Cor 2:16; ἡμεῖς δὲ νοῦν Χριστοῦ ἔχομεν; nos autem sensum Christi habemus, theo Bản Phổ Thông). “Chúng ta” ở đây chỉ Giáo Hội Côrintô trong hiệp thông với các Tông Đồ như là một phần của toàn thể cộng đồng tín hữu (1Cor 1:1-2). Khả năng nhận ra Đấng Mêxia chịu đóng đinh là khôn ngoan của Thiên Chúa do Chúa Thánh Thần ban cho; nó không phải là một đặc ân của người khôn ngoan và của luật sĩ (xem 1Cor 1:20), nhưng là một đặc ân được ban cho người nghèo, người bị loại ra bên lề, và những ai bị coi là “điên rồ” dưới mắt thế gian (1Cor 1:26-29). Mặc dù thế, Thánh Phaolô vẫn phê phán người Côrintô vì “vẫn còn thuộc xác thịt”, vẫn chưa sẵn sàng dùng “đồ ăn đặc” (1Cor 3:1-4). Đức tin của họ cần phải trưởng thành và tìm được lối phát biểu tốt hơn bằng lời nói và việc làm.

19. Trong thừa tác vụ của ngài, Thánh Phaolô tỏ lòng kính trọng và muốn thâm hậu hóa đức tin của cộng đoàn của ngài. Trong câu 2Cor 1:24, ngài mô tả nhiệm vụ tông đồ của mình như sau: “tôi không muốn hàm ý rằng chúng tôi sai khiến đức tin anh em; đúng hơn, chúng tôi cùng làm việc với anh em để anh em được vui, vì anh em đã bền vững trong đức tin rồi”, và ngài khuyến khích tín hữu Côrintô: “Hãy bền vững trong đức tin của anh em” (1Cor 16:14). Với tín hữu Texalônica, ngài viết một lá thư “để củng cố và khuyến khích anh em vì đức tin của anh em” (1Tx 3:2), và ngài cầu nguyện cho đức tin của các cộng đoàn khác cũng như vậy (xem Cl 1:9; Eph 1:17-19). Không chỉ làm việc để gia tăng đức tin cho người khác, Thánh Tông Đồ biết rằng chính đức tin của ngài cũng cần được củng cố nhờ một loại đối thoại đức tin nào đó: “…để chúng ta cùng khuyến khích nhau bằng đức tin của mỗi người, cả đức tin của anh em lẫn đức tin của tôi” (Rm 1:12). Đức tin của cộng đồng là điểm qui chiếu đối với giáo huấn của Thánh Phaolô và là tiêu điểm đối với thừa tác mục vụ của ngài, tạo ra cả một trao đổi hữu ích hỗ tương giữa ngài và các cộng đoàn của ngài.

20. Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, Truyền Thống tông đồ đã được nhắc tới (1Ga 1:1-4) và độc giả được nhắc nhở tới phép rửa của họ: “Anh em đã được Đấng Thánh xức dầu cho và tất cả anh em đều được hiểu biết” (1Ga 2:20). Thư viết tiếp: “Còn về phần anh em, việc xức dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Người vẫn ở trong anh em, và như thế, anh em không cần ai dạy dỗ anh em cả. Nhưng vì việc xức dầu này dạy anh em mọi điều, và việc xức dầu này chân thật, không dối trá, thì theo như nó đã dạy anh em, anh em hãy ở trong Người” (1Ga 2:27).

21. Cuối cùng, trong sách Khải Huyền, trong tư cách tiên tri, Thánh Gioan nhắc đi nhắc lại với các Giáo Hội (xem Kh 2-3) công thức sau đây “Ai có tai hãy lắng nghe Thần Khí đang nói với các Giáo Hội” (Kh 2:7, và các câu khác). Các chi thể Giáo Hội được khuyên nhủ phải lưu tâm tới lời hằng sống của Thần Khí, tiếp nhận lời ấy, và vinh tụng Thiên Chúa. Chính nhờ vâng phục đức tin, vốn cũng là hồng ân Chúa Thánh Thần, các tín hữu có khả năng nhận biết rằng giáo huấn họ đang tiếp nhận quả thực là giáo huấn của cùng một Thần Khí, và đáp ứng đối với các huấn giáo họ nhận được.

Còn tiếp
______________________________________________________________________________________________________________________
[6] Theology Today, §13.
[7] Tertullian, De oratione, I, 6; Corpus Christianorum, series latina (từ đây viết tắt là CCSL), 1, p.258.