SÀI GÒN - Hằng năm, cứ vào ngày lễ lá, việc chuẩn bị lá dừa để cử hành lễ lá - kỷ niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem - thêm long trọng, là công việc bận rộn đáng chú ý trong giáo xứ.

Hình ảnh

Đã từ lâu, chúng tôi ao ước được tìm hiểu việc đi lấy lá dừa phục vụ cho ngày lễ đặc biệt này; ngày thứ tư 09/4/2014, chúng tôi mới có dịp đi thực tế cùng với giáo dân Sài Gòn đi lấy lá dừa, cung cấp cho một giáo xứ, một tu viện và một cộng đoàn tu hội.

Chúng tôi được đi cùng cha chánh xứ và một số vị trong Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Thánh Cẩm, hạt Thủ Thiêm, Sài Gòn. Từ 8 giờ 00 sáng, chúng tôi đã có mặt ở phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 để chuẩn bị xuống ghe. Trong suy nghĩ của chúng tôi, là lát nữa đây, sẽ được ngồi trên chiếc ghe chở đầy lá, đi dọc con sông một cách thơ mộng; nhưng không, mọi việc diễn ra có phần khác với suy nghĩ riêng này.

Xuống bến đò cách nhà thờ 300 mét – một bến đò đã có từ lâu, nơi có nhiều người bị quân Pháp giết hại ngày xưa - bước lên chiếc ghe to vừa đủ cho công việc, chúng tôi đi dọc rạch Gò Công một đoạn. Trên con rạch cũng có những ghe khác chở sinh viên qua bên kia bờ cắm trại. Ghe dừng ở đoạn sông Tắc sau khi đi khoảng 2 km. Nước ở gần bến đò thì đen ngòm nhưng ra giữa dòng thì trong xanh. Khi ghe ghé sát vào khu dừa nước mọc bên sông, công việc lấy lá dừa mới bắt đầu. Các ông trùm tìm cách len vào bên trong, dùng dao cắt những đọt dừa, tức là một cành dừa lá còn nằm trong cành, chưa tẽ ra như cái lược, mang ra xếp trong lòng ghe. Cứ cắt hết chỗ này lại di chuyển sang chỗ khác mà cắt, có khi phải lội xuống nước. Các ông còn cắt được hai buồng (quả) dừa nước to tròn bằng hai cái rổ úp vào, trông cũng hay hay. Những đọt dừa xanh mướt này sẽ được quí bà trong giáo xứ tách ra, lấy những lá dừa non có màu vàng nhạt.

Mấy năm trước, có hai ông trùm cứ lặng lẽ mang hai con dao đi, tự chặt dừa rồi đem về. Lần này, ngoài cha xứ, hai chúng tôi, bốn ông trùm và hai giáo lý viên, còn có một cô tên là Tám, năm nào cũng “tước” lá dừa và “đan” (trang trí) cây dừa chính để cha xứ cầm đi rước. Cô sốt sắng tình nguyện với tất cả tấm lòng. Nhìn cô Tám tách đọt, trang trí một cây dừa hoàn chỉnh, chúng tôi thấy quí mến, thương thương làm sao! Hỏi ra mới biết, công việc này cũng phải được một người “dạy” cho, mới làm thuần thục và đẹp. Có tận mắt chứng kiến quí ông chui vào giữa rừng dừa nước cắt đọt và cô Tám tách thử một đọt trên ghe, chúng tôi mới thấy thú vị làm sao! Thì ra, những lá dừa vàng nhạt, tươi và đẹp được phát cho giáo dân trong nhà thờ, cũng mất nhiều công sức. Đoàn rước tại các nhà thờ diễn lại hình ảnh Chúa Giêsu vào thành được linh động cũng nhờ những chiếc lá (lá dừa ở miền Nam, lá cọ ở miền Bắc), ẩn trong đó là công sức đáng quí của những người tình nguyện.

Công dụng của cây dừa nước này là lá non để gói bánh nếp chuối; lá già phơi khô để lợp nhà, cọng của lá để làm chổi xương (chổi giễ). Nếu dừa nước mọc hoang thì cứ tự nhiên mà cắt, còn nếu mọc trên vùng đất của ai thì phải có một lời xin với chủ nhà. Mỗi cây dừa chỉ có một đọt chính, nếu lấy đọt này cây chậm phát triển.

Sau khi xong công việc, thấy trên ghe có “khách mời” của cha xứ, chủ ghe – chính là anh giáo lý viên trẻ - cho ghe đi ra sông Cái, rồi bọc ra sông Đồng Nai một quãng khá xa để tham quan vui mắt rồi quay trở về. Chủ ghe hướng dẫn rất vui vẻ như đi du lịch vậy! Khi ghe đi một vòng tham quan, chúng tôi đi ngang qua vườn cò của ông Thư Đê. Cứ 5, 6 giờ chiều là cò về đậu trắng cả vườn nhà ông, làm cho nơi đây trở thành khu du lịch. Dọc bờ sông còn có những cây chuối nước. Đây là một loại cây để giữ đất bờ ở dưới nước (trên đất gò thì có cây lồ ô giữ be bờ đất); lá chuối nước và sóng gân lá để gói bánh téc. Theo lời anh chủ ghe giáo lý viên thì ngày trước, Đức Tổng Phaolô Bình cũng hay xuống vùng này, vào nhà ông Mười Thôi, nghỉ ngơi, ngắm sông nước một ngày rồi về. Ông Mười Thôi chính là ông ngoại của anh lái ghe này.

Để cho bớt nắng mấy ông trùm còn nối một hai lá dừa trên thành ghe làm cho chúng tôi thấy lòng ghe dịu hẳn. Khi trở về bến đò, những đọt dừa dưới ghe được chuyển lên bờ, sau đó có xe đưa về nhà thờ.

Khoảng 45 đọt dừa được cắt hôm nay sẽ cung cấp 2.500 lá cho giáo xứ thánh Cẩm, một cộng đoàn tu hội và một tu viện; còn giáo xứ thánh Gẫm sẽ cắt sau, cũng trong vùng này. Cha, quí ông trùm và chúng tôi rời ghe, đến một quán gần nhà thờ mà dùng cơm trưa. Tất cả sự thân tình được cởi mở trong bữa cơm thân mật: những công việc như đi lấy đọt dừa (và những việc phục vụ cho tam nhật vượt qua) hằng năm đã nối kết nhiều thành phần trong giáo xứ, làm cho cộng đoàn dân Chúa quí mến và hiểu nhau trong công việc hơn.

Được biết, hiện nay có nhiều nguồn cung cấp lá dừa trong dịp lễ lá. Nhiều nhà thờ cắt lá ở quận 2 vì gần, còn nếu lấy số lượng lớn thì phải đến vùng Cần Giờ.

Trở về nhà giữa trời trưa nắng gắt qua quãng đường khoảng 15 km nhưng lòng chúng tôi lại thấy mát rượi như màu xanh của những đọt dừa nước, được chọn để phục vụ trong ngày lễ lá.