Trái với người xưa họ chú trọng về phần tâm linh, sự sống linh hồn trong khi ngày nay người ta quan trọng hoá sức khoẻ thân xác mà nhẹ phần linh thiêng. Người xưa tin bệnh tật là do tội, gây nên bởi tệ đoan xã hội. Những gì người xưa coi là tệ đoan, tật xấu thì nhóm chủ trương tiêu thụ và thương mại cho chúng cái tên nghệ thuật và giải trí, tiêu khiển sau những giờ làm việc vất vả, cực nhọc. Ai cũng biết nghiện ngập rượu chè, hút sách có hại cho sức khoẻ ở mọi lứa tuổi nhưng ít ai coi đó là tệ đoan, tật xấu.

Giáo huấn của Đức Kitô dậy chúng ta cần coi trọng cả thân xác và linh hồn. Người xưa tin tội lỗi là nguyên nhân gây nên bệnh tật. Điều này không sai nhưng không phải mọi người có bệnh đều phạm tội. Quan niệm tội là nguyên nhân gây bệnh liên quan đến nghi vấn ai là người gây tội của người bị mù từ lúc mới sanh. Vấn đề đặt ra ai là người phạm tội. Nhóm số một tin rằng tội của cha mẹ làm hại con cái ngay cả khi em bé đó chưa ra đời. Điều không thể chối cãi là hoá chất người mẹ hút và uống ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng khi bàn về vấn đề tội người ta lại làm ngơ, bỏ qua, không bản đến.

Nhóm thứ hai cho rằng chính em bé đó phạm tội. Không thấy giải thích làm thế nào một em bé có thể phạm tội ngay cả khi chưa sinh ra. Ai là kẻ gây cho em bé bị mù từ lúc mới sanh là vấn đề các tông đồ Đức Kitô thắc mắc. Họ hỏi Ngài và câu trả lời của Ngài gây ngạc nhiên cho mọi người. Ngài không đáp tại ai nhưng Ngài nói về tình thương Chúa và sứ mạng của Ngài nơi trần thế. Tình thương Chúa xoá bỏ đau khổ cho những ai chạy đến với Thiên Chúa và sứ mạng của Đức Kitô nơi trần thế được tiên tri Isaiah loan báo nhiều năm trước và chính Đức Kitô trong bài giảng trong đền thờ cũng nhắc đến điều đó.

Phúc Âm thánh Luca 4,18 nhắc đến việc Thánh Thần Chúa ngự trên Ngài, sai Ngài đi rao giảng, mở mắt cho người mù, nâng đỡ kẻ bị chà đạp và mang ánh sánh lại cho muôn dân. Sứ mạng của Đức Kitô không chỉ mở mắt cho một người mù được sáng mà là mở mắt cho mọi người nhìn thấy tình yêu Chúa, lòng yêu thương của Ngài đối với con người và ân sủng Ngài ban cho nhân loại.

Việc mở mắt sáng cho anh mù và mọi người nhận biết tình yêu Thiên Chúa chứng tỏ cho mọi người biết Đức Kitô là Thiên Chúa của tình thương. Các tiên tri xưa kia chỉ giúp được từng người một mà không thể giúp tất cả mọi người trong khi Đức Kitô Con Thiên Chúa mở mắt cho toàn thể nhân loại nhận biết Thiên Chúa yêu thương. Họ có đón nhận điều đó hay không là một vấn đề khác. Việc mở mắt cho mọi người còn tăng thêm niềm tin cho các tông đồ và làm cho niềm tin đó sâu đậm hơn, cũng như giúp các tông đồ nhìn thấy quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Quyền năng đó cho thấy những gì con người bị giới hạn, bó tay thì lại quá dễ dàng với Thiên Chúa uy quyền.
Người mù từ lúc mới sinh nhận được mắt sáng anh ta vui mừng hớn hở, nhảy mừng. Niềm vui của anh lớn hơn, bao trùm đau khổ anh chịu trong tối tăm, giờ bừng lên toả sáng. Điều này dẫn chúng ta tới một điểm khác đó là đau khổ đôi khi cũng có giá trị riêng của nó. Qua đau khổ, tủi nhục của mù loà, kẻ ăn xin nhìn thấy sự sống mới, ánh sáng chan hoà, hy vọng chứa chan. Nếu không trải qua mù loà anh mù mắt sáng không được nếm thử hạnh phúc của mắt sáng như thế. Tương tự như người mẹ, nếu không có đau khổ khi sanh con sẽ không có niềm vui bồng con trong tay.

Có được mắt sáng không có nghĩa là từ đây hết đau khổ. Anh mù mắt sáng có những đau khổ khác đón chờ anh. Anh bị chính quyền hạch sách, điều tra, anh buồn vì cha mẹ anh sợ mà chối bỏ cuộc sống mới của anh. ‘Nó lớn rồi đi điều tra nó, tôi biết gì đâu mà hỏi tôi.’ Trung thành trong đức tin sẽ gặp nhiều phiền toái, rắc rối trong đời. Rắc rối mới anh mù mắt sáng phải chịu nhưng anh không than phiền trái lại anh vui lòng làm chứng về Đức Kitô. Cuộc sống chứng nhân của Kitô hữu cũng không trảnh khỏi rắc rối, đừng để chúng làm cho đời ra đau khổ nhưng đến với Đức Kitô để Ngài cởi trói chúng thay ta.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org