Giải đáp phụng vụ: Có thể đưa tên thánh Giuse vào các Kinh nguyện ngoài bốn Kinh nguyện Thánh Thể chính không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Bây giờ tên Thánh Giuse đã được thêm vào trong các kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV (trong Kinh nguyện I thì đã có sẵn rồi). Liệu có đúng chăng khi tên thánh Giuse cũng có thể được đưa vào các kinh nguyện Thánh Thể khác trong Sách lễ, chẳng hạn trong Kinh Tạ Ơn Hòa Giải và Kinh nguyện trong Thánh Lễ Cho Các Nhu Cầu Khác Nhau? Tôi đã hỏi một số linh mục, và chúng tôi không đồng ý với nhau về điểm này. Xin cha giúp làm sáng tỏ. - R. H., Mararba, Nigeria.


Đáp: Thật là thích hợp trong Mùa Giáng sinh để có thể nhắc lại Sắc Lệnh số 215/11/L, ban hành ngày 1-5-2013 bởi Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, về việc đọc tên Thánh Giuse trong các Kinh nguyện Thánh Thể.

Sắc lệnh nêu ra một lý do cho sự thay đổi này là do vai trò đặc biệt của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ và trong mối quan hệ với Giáo Hội. Xin mời đọc:

"Được đặt đứng đầu Gia đình của Chúa, thánh Giuse thành Nazareth đã quảng đại thực hiện sứ mạng được lãnh nhận từ ân sủng trong nhiệm cục cứu độ khi thay thế cha của Chúa Giêsu. Khi hoàn toàn gắn bó với mầu nhiệm cứu độ của nhân loại, vốn đang ở bước khởi đầu của nó, ngài đã trở nên gương mẫu của sự khiêm nhường quảng đại mà đức tin Kitô giáo ca ngợi ở mức cao cả nhất, và chứng nhân của những nhân đức thông thường, nhân bản và đơn sơ, vốn cần thiết để con người trở nên những môn đệ đức hạnh và đích thực của Chúa Kitô. Chính khi vận dụng chính những nhân đức này mà người công chính này, – người đã yêu thương săn sóc Mẹ Thiên Chúa và đã vui tươi tận tâm hiến dâng cho việc giáo dục Chúa Giêsu Kitô –, đã trở nên người gìn giữ những kho tàng quý giá nhất của Thiên Chúa Cha, và người nâng đỡ Thân Thể mầu nhiệm, tức là Giáo Hội.

"Trong Giáo Hội Công Giáo, một cách liên tục, các tín hữu đã luôn biểu lộ một sự sùng kính lớn lao đối với thánh Giuse, kính nhớ cách trọng thể và liên lỉ vị Hôn Phu rất trong sạch của Mẹ Thiên Chúa và là Quan Thầy trên trời của toàn thể Giáo Hội.... " (Bản dịch tiếng Việt của Tý Linh trên xuanbichvietnam.net)

Đây là lý do đã tác động Đức Thánh Cha Gioan XXIII đưa thêm tên của thánh Giuse vào Lễ Quy Rôma, và trong thực tế đó là sự thay đổi đầu tiên trong Lễ Quy Rôma trong hơn 1.000 năm. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cho phép đưa tên thánh Giuse vào ba Kinh nguyện Thánh Thể chính khác trong các trường hợp đặc biệt, và bây giờ Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức thông qua việc đọc tên thánh Giuse một cách trường kỳ trong cả ba Kinh nguyện Thánh Thể II, III, và IV.

Điều này làm cho bạn đọc của chúng tôi nêu ra vấn đề liên quan đến các Kinh nguyện Thánh Thể khác nữa.

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng nhan đề và nội dung của Sắc lệnh là rất chính xác: "Về việc đưa tên Thánh Giuse vào các Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV".

Thứ đến, Sắc lệnh khẳng định rằng "việc cứu xét chín muồi" đã được thực hiện cho "tất cả các vấn đề" trước khi đến một quyết định. Do đó, sắc lệnh chỉ đề cập từ Kinh nguyện Thánh Thể I đến Kinh nguyện Thánh Thể IV mà thôi.

Như vậy, nếu Sắc lệnh không nhắc gì đến Kinh Tạ Ơn Hòa Giải và Kinh nguyện trong Thánh Lễ Cho Các Nhu Cầu Khác Nhau, thì nhất thiết phải hiểu là Sắc lệnh không mở rộng cho các Kinh nguyện này. Chúng ta khó có thể cho rằng vấn đề này không được nêu ra khi soạn thảo Sắc lệnh, do đó đây là một sự lựa chọn tự do.

Tôi không nắm được các lý do tại sao Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích không chú ý đến các Kinh nguyện Thánh Thể khác. Có thể đó không là vì lý do phong cách, bởi vì các bản văn của các Kinh nguyện này sẽ không loại trừ việc đưa tên Thánh Giuse trong cùng cách thức, như các Kinh nguyện Thánh Thể chính.

Tôi có thể đoán - nhưng chắc chỉ là một sự đoán mà thôi - rằng Thánh Bộ không muốn bao gồm các Kinh nguyện Thánh Thể khác, để không tạo ra ý tưởng rằng các Kinh tiến hiến (anaphora) cũng là cùng cấp độ, và cùng hưởng vị thế bình đẳng với bốn Kinh nguyện Thánh Thể chính.

Việc sử dụng Kinh Tạ Ơn Hòa Giải và Kinh nguyện trong Thánh Lễ Cho Các Nhu Cầu Khác Nhau được giới hạn cho các tình hình cụ thể và công thức Thánh Lễ. Việc kể tên chúng cùng với các kinh nguyện khác, trong cùng một Sắc lệnh chung, có thể làm cho một số linh mục tin rằng chúng được sử dụng một cách không phân biệt đối xử cho tất cả các dịp.

Vì vậy, trong thời điểm này, ít nhất là tên Thánh Giuse không được đưa vào các Kinh nguyện ấy.

Tuy nhiên, vì dường như không có bất kỳ lý do thần học hay phong cách đặc biệt nào để loại trừ tên Thánh Giuse ra khỏi các kinh nguyện ấy, rất có thể cuối cùng thì Thánh Bộ Phụng Tự sẽ cho phép đưa tên thánh Giuse vào, bằng một tài liệu ít quan trọng hơn một Sắc lệnh tổng quát, hoặc đơn giản là một sắc lệnh riêng nhằm nhắc lại việc sử dụng hạn chế các Kinh nguyện.

Nhân đây, người dịch xin nhắc lại: ngày 9-10-2013, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ra Thông cáo về việc đọc tên Thánh Giuse trong các Kinh nguyện Thánh Thể:

“Trong Kinh nguyện Thánh Thể I, phải đọc như sau: "trước hết Ðức Trinh Nữ Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Mẹ của Ðức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, sau là thánh Giuse, bạn trăm năm Ðức Trinh nữ..." (in primis gloriosae semper Virginis Mariae, Genetricis Dei et Domini nostri Iesu Christi: sed et beati Ioseph, eiusdem Virginis Sponsi); trong Kinh Nguyện Thánh Thể II: "Cùng với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse, Bạn trăm năm Ðức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ..." (ut cum beáta Dei Genetríce Vírgine María, beáto Ioseph, eius Sponso, beátis Apóstolis); trong Kinh Nguyện Thánh Thể III: "nhất là với Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse, Bạn trăm năm Ðức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ..." (cum beatíssima Vírgine, Dei Genetríce, María, cum beáto Ioseph, eius Sponso, cum beátis Apóstolis); trong Kinh Nguyện Thánh thể IV: "cùng với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse, Bạn trăm năm Ðức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ..." (cum beáta Vírgine, Dei Genetríce, María, cum beáto Ioseph, eius Sponso, cum Apóstolis) (bản dịch tiếng Việt của Uỷ ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam). (Zenit.org 31-12-2013)

Nguyễn Trọng Đa