Khi lớn lên nhận biết trước khi mình được sinh ra thì cha mẹ đã không muốn thấy mặt mình là một nỗi sầu lớn trong đời. Cha mẹ có thể vì áp lực xã hội, phong tục địa phương không dám nhận em bé sinh ra ngoài hôn nhân. Dù lí luận thế nào đi nữa cũng không thể thay đổi được thực tế phũ phàng của việc từ bỏ đứa con chưa ra đời. Đứa nhỏ là một bào thai, vô tội, chưa từng gây điều trái trở thành nạn nhân của xã hội đương thời hoặc nạn nhân của í riêng. Đức Kitô là đứa trẻ bị chối bỏ trước khi sinh ra nhưng Ngài lớn lên mà không hề mang mặc cảm, không hằn thù, tự ti, mặc cảm, cũng chẳn hề nửa lời trách cha mẹ mình.

Phúc Âm tường thuật trước khi về chung sống với nhau cậu Giuse biết cô Maria đã có thai nên cậu âm thầm định từ hôn một cách kín đáo. Í định từ hôn vì sợ tiếng đời và sợ liên luỵ đến an nguy của cô Maria và bào thai trong cô Mat 1,19.

Về phần cô Maria cũng không hơn gì. Sứ thần đến báo tin cho biết cô sẽ mang thai và sẽ sanh một bé trai. Để chuẩn bị đưa tin sứ thần đã chuẩn bị tâm tình cô thông báo
‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở củng bà’ Lc 1,28

Sau đó sứ thần loan tin. Bằng đó câu khuyến khích chúc mừng giúp cô Maria bớt lo lắng bồn chồn khi nhận tin cô sẽ thụ thai. Cô Maria bối rối, lo lắng nhưng vẫn muốn hỏi cho rõ: việc đó xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng Lc 1,34.

Mặc dù không hề có chữ nào nói là cô Maria không muốn có con nhưng thái độ của cô Maria cho thấy cô không sẵn sàng đón nhận em bé đó.

Từ chối đón nhận tin vui Đấng Cứu Thế sinh ra cách đây hai ngàn năm dường như được lập đi, lập lại nhiều lần trong lịch sử cứu độ. Mỗi một thế hệ người sinh ra lại có người chấp nhận tin vui và cũng có người từ chối tin vui. Người ta mong đợi Đấng Cứu Thế đến nhưng khi Ngài đến người ta từ chối đón nhận. Người ta đi tìm ánh sáng chân lí nhưng khi ánh sáng đó lan tràn người ta lại chạy núp trong bóng tôi, ưa bóng tối hơn ánh sáng chân lí. Người ta khát khao tình yêu chân thật từ Thượng đế nhưng khi tình yêu đó đến người ta làm ngơ tình yêu từ thiên giới và chờn vờn với tình yêu tạo vật. Người ta đi tìm sự sống nhưng khi sự sống trường sinh đến người ta lại đóng đinh sự sống đó.
Thiên Chúa đến trong thế gian một cách bình thường đến độ con người làm ngơ, coi việc Ngài đến như là sự sống bình thường của một con người bình thường. Có lẽ còn đơn sơ, hèn mọn hơn cuộc sống của một con người bình thường. Sinh ra nơi đồng hoang, trong cảnh nghèo, giữa kẻ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Ngài đến rao giảng tin vui nhưng kẻ đón nhận, người từ chối, chê bai. Ngài đến không kèn, trống. Có tiền hô, hộ ủng đấy. Tiền hô là một chàng trai trẻ, mặc áo lạc đà, ăn châu chấu, uống nước sông. Hậu ủng là nhóm mươi người lang thang, thất thế, không nhà cửa. Đường lối Thiên Chúa khác hẳn đường lối xã hội. Con đường Ngài đi là con đường tình yêu mà tình yêu chân chính gắn liền với khiêm nhu, đơn sơ và khó nghèo. Ba đặc điểm trên thể hiện ngày Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Ba đặc điểm trên cũng thể hiện ngày Ngài tử nạn trên thập tự. Trên đồi Calvê có bạo động, có tiếng búa chói tai, có hò hét, la ó. Ai gây ra tiếng đó thưa là những nhà lãnh đạo trong dân. Thưa là đám lí hình hành hung người tù và cuối cùng là tiếng của đám đông chứng kiến. Đấng Cứu Thế im lìm đón nhận tất cả vì tình yêu Ngài dành cho nhân loại.

Cậu Giuse và cô Maria đón nhận Đấng Cứu Thế do sự can thiệp kì diệu của Thiên Chúa. Mùa Giáng Sinh chúng ta xin ơn bình an và ơn cam đảm đón Chúa tái sinh trong cõi lòng mỗi người.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org