Sau khi truyền phép bánh và rượu linh mục xướng: Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin. Giáo dân có thể chọn lựa thưa một trong ba câu.

1. Con tuyên xưng Chúa đã chết đi, con tuyên xưng Người sẽ sống lại trong vinh quang mai Ngài lại đến, đón chúng con lên trời về với Chúa Cha.
2. Lậy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến.
3. Mỗi lần chúng con ăn bánh và uống chén này chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến.

Như thế mầu nhiệm đức tin của chúng ta khai sinh trong mầu nhiệm chết, sống lại hiển vinh và đến trong vinh quang của Đức Kitô để đón chúng ta lên trời về với Chúa Cha.

Chết là một mầu nhiệm và sống lại là một mầu nhiệm sâu thẳm hơn nữa. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm tham dự nghi thức hay lễ an táng của người thân, của thân hữu. Ai trong chúng ta cũng có lúc nghĩ đến cái chết của chính mình và của người thân, dù nghĩ đến hay suy gẫm về sự chết thì sự chết vẫn là một mầu nhiệm không ai có được câu trả lời thoả đáng về mầu nhiệm sự chết. Kitô hữu may mắn tìm được câu trả lời trong Kinh Thánh đó là sự chết không phải là mất đi mà chỉ là nói theo thuyết ‘tiến hoá’ là tiến lên cuộc sống cao cả hơn, tốt lành hơn và bền vững muôn đời.

Đức tin Kitô hữu vừa mặc khải vừa bảo đảm có sự sống đời sau cho những ai tin tưởng vào Đức Kitô Phục Sinh vì Ngài đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai tin theo con đường dẫn đến sự sống ngàn thu. Tin vào Đức Kitô nghĩa là học để nhận biết, tin theo, trở thành môn đệ và vâng lời Người giảng dậy. Những điều này được nối tiếp từ thời các tông đồ những vị may mắn trực tiếp nghe Đức Kitô rao giảng và truyền lại cho hậu thế. Các tông đồ truyền lại chính những điều mắt thấy, tai nghe Đức Kitô giảng cho các ông. Đức Kitô không phải chỉ rao giảng mà còn thực hiện điều Ngài rao giảng bằng cách vâng lời Chúa Cha chết trên thập giá để diễn tả tình yêu khôn cùng Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Tình yêu đó là ban sự sống trường sinh cho những ai đón nhận lời Con Một Ngài rao giảng.

Đức tin bảo đảm những điều chúng ta ước mong. Điều chúng ta ước mong cao vượt khỏi mắt nhìn như thánh Phaolô tông đồ viết trong thư gởi tín hữu Hebrew 11,1

Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.

Đức tin bảo đảm cho những điều chúng ta hy vọng là thực, không phải mộng tưởng nhưng là một sự thực mà sự thực đó tồn tại và coi như điều hy vọng đã nhận được Thiên Chúa ban cho. Đây chính là kinh nghiệm của người phụ nữ mắc bệnh loạn huyết lâu năm. Bà tin tưởng mãnh liệt bà sẽ được ơn khỏi bệnh nếu bà được sờ vào gấu áo của Đức Kitô.

Bà nghĩ bụng ‘tôi cỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là tôi sẽ được cứu’. Đức Kitô quay lại thấy bà thì nói ‘này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con. Và ngay từ giờ ấy bà được cứu chữa Mat 9,21-22.

Đức tin là đặt trọn vẹn vào lòng từ ái của Thiên Chúa và tin tưởng điều Đức Kitô hứa ban là sự thật và sự thật đó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây chính là lòng tin của mười người phong hủi trong bài đọc hôm nay. Các ông tin Đức Kitô sẽ ban cho điều các ông xin.

Lậy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi. Thấy vậy Đức Kitô bảo họ: Hãy đi trình diện với các tư tế. Đang khi đi thì họ được sạch Lk 17,14

Đức tin của người phụ nữ và của mười người phong hủi xác tín một sự thật về mầu nhiệm của niềm tin sâu thẳm, huyền diệu ngoài sự tưởng tượng của con người. Chữa bệnh bằng cách cho sờ vào gấu áo hay bảo đi trình diện các tư tế mà khỏi bệnh là điều khoa học khó chấp nhận. Con người có khuynh hướng khống chế hay làm chủ hoàn cảnh. Đức tin dậy sống phó thác, tin yêu và biết sống tâm tình tạ ơn.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org