TOẠ ĐÀM VỀ CÔNG TRÌNH CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC - Bài 1: Diễn Từ Khai Mạc

Phát Diệm, ngày 15 tháng 07 năm 2013

LTS:. Lần đầu tiên, giáo phận Phát Diệm tổ chức buổi Tọa đàm mang tính nội bộ về CÔNG TRÌNH CỤ SÁU. Buổi Tọa đàm do Đức cha Giuse Nguyễn Năng chủ tọa đã quy tụ 500 đại biểu bao gồm Linh mục đoàn Phát Diệm, Chủng sinh, tu sĩ nam nữ, Ban hành giáo, giáo viên. Dưới đây là loạt bài cấu thành nội dung buổi Tọa đàm.. Hy vọng sẽ tạo được sự quan tâm của bạn đọc xa gần, góp phần cho diễn đàn Hội thảo trong tương lai được phong phú và có chất lượng chuyên môn cao.

Lưu hành nội bộ

DIỄN TỪ KHAI MẠC

Đức Cha Giuse Nguyễn Năng

Từ nhiều năm nay, khách hành hương cũng như khách du lịch tìm đến Phát Diệm ngày càng đông để chiêm ngắm quần thể nhà thờ Chính Tòa Phát Diệm, một công trình tôn giáo độc đáo mang đậm nét văn hóa Việt Nam do Cụ Sáu, tức linh mục Phêrô Trần Lục khởi công xây dựng từ năm 1875 đến khi Cụ qua đời vào năm 1899. Cụ Sáu đã để lại cho hậu thế không những một công trình kiến trúc có giá trị về kỹ thuật và nghệ thuật, mà hơn nữa, còn có những tập thơ diễn tả đức tin Kitô giáo và các nguyên tắc hướng dẫn đời sống Kitô hữu cũng như những kinh nghiệm trong cuộc sống đời thường qua các mối tương quan hằng ngày.

Từ giữa thế kỷ XX, người ta mới nói đến từ ngữ “hội nhập văn hóa”, nhưng thật ra từ khi Tin Mừng bắt đầu được rao giảng, Hội Thánh luôn quan tâm làm sao cho Tin Mừng đi vào lòng văn hóa các dân tộc. Đức tin không phải là chuyện bên lề cuộc sống, được thêm vào đời sống như một chuyện ngoại tại; trái lại, đức tin cần thẩm thấu và hội nhập vào toàn thể cuộc sống để biến đổi con người, từ não trạng, cách suy nghĩ, tâm tư tình cảm, đến mọi hành vi và ứng xử. Khi Tin Mừng gặp gỡ một môi trường văn hóa, dần dần đức tin cũng biến đổi văn hóa và mặc cho chúng những ý nghĩa Kitô giáo.

Hội nhập văn hóa là một hoạt động hai chiều: “Qua hội nhập văn hóa, Giáo Hội làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau và đồng thời dẫn đưa các dân tộc cùng với các nền văn hóa của họ vào cộng đoàn Kitô hữu. Giáo Hội truyền thông cho các dân tộc những giá trị của mình, đồng thời đón nhận những gì tốt đẹp trong các nền văn hóa đó và đổi mới chúng từ bên trong.” (Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc, số 52).

Trong Năm Đức Tin, các Kitô hữu không những cử hành và tuyên xưng đức tin, mà còn có nhiệm vụ phát huy di sản đức tin của những bậc tiền nhân. Một câu hỏi được đặt ra như một “dụng cụ để làm việc”: phải chăng công trình của Cụ Sáu đã thể hiện được một điều mà Giáo Hội hằng mong ước, đó là đem đức tin vào văn hóa, và nâng văn hóa lên tầm của Tin Mừng? Nói cách khác, công trình kiến trúc và thơ văn của Cụ Sáu có thực hiện được điều này chăng: diễn tả đức tin bằng những nét văn hóa Việt Nam, và ngược lại, những nét của văn hóa Việt Nam cũng đã được đón nhận và thanh luyện để chuyển tải nội dung đức tin Kitô giáo?

Đây không phải là chuyện bàn luận của kẻ nhàn cư hoặc mang tính hàn lâm bác học, nhưng là một yêu cầu bức thiết của hoạt động truyền giáo. “Ðức tin mà không trở thành văn hóa là đức tin chưa được chấp nhận hoàn toàn, chưa được suy cho thấu và chưa được sống tới cùng.” (ÐTC Gioan-Phaolô II, Thư thành lập Hội Ðồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, ngày 20.5.1982).

Sứ vụ loan báo Tin Mừng đòi hỏi Hội Thánh quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hội nhập văn hóa: một mặt, Tin Mừng cần được diễn tả bằng những chất liệu và sắc thái độc đáo của mỗi nền văn hóa; mặt khác người tín hữu có nhiệm vụ tạo cơ hội để Tin Mừng thanh luyện và chiếu sáng các vùng tối nơi mỗi nền văn hóa: “Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Nhờ thiên ân, Tin Mừng phong phú hóa, từ bên trong, những phẩm tính thiêng liêng và những đặc tính của mỗi dân tộc và mỗi thời đại. Tin Mừng củng cố, bổ túc và tái tạo chúng trong Đức Kitô.” (Công đồng Vaticanô II, hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 58).

Các nghị phụ trong Thượng hội đồng Giám mục về châu Á “ý thức nhu cầu thúc bách của các Giáo Hội địa phương ở châu Á là làm sao giới thiệu mầu nhiệm Đức Kitô cho dân tộc mình theo những mô hình văn hoá và theo những cách tư duy của họ. Các ngài đã chỉ ra rằng cuộc hội nhập văn hoá của đức tin trên lục địa này phải dẫn đến việc khám phá lại diện mạo Á Châu của Đức Giêsu, đồng thời phải tìm ra những phương cách mà nhờ đó các nền văn hoá Á Châu có thể nắm bắt được ý nghĩa cứu độ phổ quát của mầu nhiệm về Đức Giêsu và về Giáo Hội của Người.” (Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, tông huấn Giáo Hội tại châu Á, số 20).

Như vậy mục vụ văn hóa trở thành một nhu cầu khẩn thiết trong sứ vụ loan báo Tin Mừng hôm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại tư tưởng của các vị giáo hoàng gần đây: “Chắc chắn, sự rạn nứt giữa Tin Mừng và văn hóa là một bi kịch”.

Mục đích của buổi họp mặt này là tìm hiểu về công trình của Cụ Sáu trên bình diện đức tin và văn hóa, để từ đó thế hệ Kitô hữu hôm nay biết noi gương tiền nhân diễn tả và sống đức tin theo văn hóa Việt Nam; đồng thời, khi nỗ lực thể hiện các giá trị đạo đức của Tin Mừng trong những mối tương giao và chọn lựa hằng ngày, các Kitô hữu cũng dần dần biến đổi lối sống của văn hóa dân gian thành “văn minh của tình thương và sự sống” (Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể các tín hữu: Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống).

Nguyện xin Thần Khí sáng tạo mở ra cho tâm hồn con người những chân trời mới để những giá trị chân thiện mỹ của văn hóa tự nhiên và Chân Thiện Mỹ của Tin Mừng gặp nhau trong sự hài hòa của Thần Khí, vì Ngài chính là sự hài hòa.

+ GM Giuse Nguyễn Năng

Ngày mai bài 2: Đôi Lời Dẫn Nhập - LM Phêrô Nguyễn Hồng Phúc