Chúa Nhật 23-06-2013

Chúa Nhật XII Thường niên (Luca 9:18-24)


Con đường theo Chúa Giêsu, thường được gọi là Con đường Thập giá, con đường của hy sinh và đau khổ, không đễ dàng chút nào. Để có thể đi trên con đường này, chấp nhận vác thập giá hằng ngày, đòi hỏi người môn đệ phải có niềm xác tín vào Chúa Giêsu và trung thành với lựa chọn của mình.

Trang Tin mừng hôm nay của Thánh Lu-ca đưa chúng ta về thực tại đó trong bối cảnh của một nơi thanh vắng. Chúa Giêsu, sau khi cầu nguyện, đã hỏi các môn đệ về chính mình: Phần các con, các con bảo Thày là ai? Trước câu hỏi này, các ông hầu như bối rối và im lặng, ngoại trừ Phêrô lên tiếng: Thày là Đức Kitô của Thiên Chúa. Sự bối rối và im lặng của các ông cũng dễ hiểu, bởi vì tuy đã can đảm bỏ mọi sự : vợ con, mái ấm gia đình và nghề nghiệp, để theo Chúa và đồng hành với Ngài trên con đường rao giảng Tin mừng, nhưng các ông còn rất mơ hồ về Thày của mình. Khởi đi từ sự đáp trả rất lãng mạn trước lời mời gọi :"Hãy theo Ta", các ông vẫn nghĩ rằng thày Giêsu mà mình đi theo phải là một nhân vật đặc biệt, ngày nào đó sẽ đứng lên giải thoát dân Do-thái khỏi ách thống trị của người Roma, thiếp lập vương quốc riêng , và như vậy các ông sẽ có những vị trí quan trọng trong vương quốc này. Câu trả lời của một Phêrô, vừa cứu chữa danh dự cho các bạn, vừa tạo nên cơ hội để Chúa Giêsu đưa các ông ra khỏi cơn mơ mộng này, giúp các ông nhận ra sứ mạng của Ngài và lựa chọn đi theo Ngài: Con đường thập giá.

Thập giá, một biểu tượng của sự ô nhục và thất bại mà chính quyền Roma thường áp dụng như hình phạt cho các người nổi loạn hoặc trộm cắp, lại được Chúa Giêsu đề cao như biểu tượng của sự hy sinh, một tiêu chuẩn để trở nên người môn đệ: "Ai muốn đi theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày và theo tôi".

Chúa Giêsu lựa chọn con đường thập giá, không phải vì Ngài muốn sự đau khổ cho kẻ theo Ngài hay khuyến khích họ tìm kiếm sự khổ đau. Đau khổ là điều không ai muốn và tìm kiếm cho dù nó vẫn là một thực tại hiện hữu trong đời sống. Nếu đau khổ do chính con người tạo ra để thống trị, làm khổ người khác thì là bạo lực, sự đàn áp. Nhưng ngược lại nếu đau khổ đến từ lựa chọn cho một niềm tin, một lý tưởng, một từ bỏ, sẽ trở thành động lực giúp thanh luyện chính mình, tạo nên sức mạnh để đạt mục đích đang nhắm tới. Tấm gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà chúng vừa kỷ niệm 25 năm ngày các Ngài được phong thánh đã là một mình chứng hùng hồn.

Lời mời gọi vác thập giá theo Chúa vẫn vang vọng qua giòng thời gian. Thập giá hằng ngày của người Kitô hữu đang phải dối diện và gánh vác có thể là: sự đau đớn của bệnh tật, nỗi cô đơn của tuổi già, những đau khổ do hận thù, ghen ghét, sự cám dỗ hủy hoại sự sống bằng cách phá thai, ngừa thai, ủng hộ cái chết êm dịu, cổ võ hôn nhân đồng tính, trách nhiệm trong việc giáo dục con cái, và bổn phận phụng dưỡng cha mẹ già yếu....... Những thập giá này đang đè nặng trên vai mỗi người. Không thập giá nào nặng hơn hoặc nhẹ hơn thập giá nào. Người Kitô cần phải can đảm đón nhận thập giá đời mình với sự can đảm và xác tín rằng Chúa Giêsu cũng đang đồng hành và vác thập giá với chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban sự can đảm và cùng đồng hành với chúng con trên hành trình vác thập giá theo Chúa.

Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những chứng nhân anh dũng, đã can đảm và trung tín lựa chọn con đường vác thập giá theo Chúa qua cái chết đức tin của mình, chúc lành và giúp chúng con luôn sống đáng là người Kitô hữu giữa xã hội hôm nay. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Kim Long - Miami