Nhận thức là điều rất quan trọng trong cuộc sống vì nó giúp ta nhận biết chính ta. Nhận biết rõ về khả năng, kiến thức. Nhận biết ưu khuyết điểm của chính mình từ đó có thể học hỏi, bổ xung cho thiếu xót của chính mình. Xã hội chúng ta sống người ta rất trọng kiến thức và kẻ nào có nhiều kiến thức kẻ đó thường nắm vai trò trọng yếu nếu không là thầy dậy thiên hạ thì cũng nắm quyền cai trị thiên hạ. Quyền cai trị đồng nghĩa với đưa ra quyết định mang lợi nhuận lại cho chính họ và đồng thời gây ảnh hưởng tới nhiều người trong xã hội. Vì những lợi điểm trên mà người ta khát khao quyền hành, mong có quyền trong tay nếu không để thao túng thị trường thì cũng thao túng xã hội.

Có hai loại sức mạnh. Sức mạnh đến từ nội tâm, bên trong con người và sức mạnh đến từ xã hội. Sức mạnh đến từ nội tâm quan trọng hơn sức mạnh đến từ xã hội vì sức mạnh đến từ nội tâm thuộc về ta, do ta làm chủ và luôn ở trong ta, không thể nào mất được. Sức mạnh đến từ xã hội không thuộc về ta mà do đám đông ban cho. Sức mạnh này đến từ bên ngoài nên khi cần đám đông cũng có thể tước đoạt mất sức mạnh đó.

Sức mạnh được đám đông ban phát cho là loại sức mạnh Đức Kitô luôn chạy trốn. Chúng ta nhớ lại nhiều lần đám đông tụ họp nghe Ngài giảng, tâm thần họ chấn động và cùng nhau dù không ai bảo ai đều muốn Đức Kitô làm vị cứu tinh của họ. Họ tôn Ngài làm vua, lãnh đạo họ. Trong hoàn cảnh như thế Đức Kitô luôn tìm cách âm thầm trốn khỏi đám đông. Ngài trốn khỏi họ không phải để đi tìm đám đông khác để gây thêm thanh thế, hỗ trợ mà Ngài đi tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Học từ Đức Kitô để biết trốn chạy khỏi thế lực xã hội, tránh được các cám dỗ về quyền hành, lợi nhuận, vinh hoa phú quí để đi tìm sức mạnh nội tâm. Sức mạnh nội tâm tìm được qua cầu nguyện, đối thoại, liên kết với Đức Kitô. Sức mạnh nội tâm giúp ta tránh xa cám dỗ quyền hành. Sức mạnh nội tâm giúp ta có những quyết định khôn ngoan để thực hiện thay vì í của ta thì thực hiện í Chúa. Con mong làm theo í Cha, không phải í con. Sức mạnh nội tâm giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa yêu thương dựng nên ta và yêu ta hơn cả chính ta yêu ta. Sức mạnh nội tâm giúp ta nhận biết tất cả những gì chúng ta có đều thuộc về Thiên Chúa, tài năng, sức khoẻ đều là của Chúa ban vì thế chúng ta cần sống khiêm nhường và tin tưởng phó thác đời mình trong tay Chúa.

Đức Kitô hỏi các tông đồ người ta đồn Ngài là ai? Kẻ thì loan tin rằng Gioan sống lại từ cõi chết. Kẻ khác lại bảo Ngài là đại tiên tri Isaiah; Kẻ khác nữa thì lại quả quyết Ngài là một trong số các tiên tri tái thế. Phêrô lên tiếng Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Đức Kitô lên tiếng với Phêrô là kiến thức đó không phải đến từ máu huyết phàm nhân mà là đến từ Thiên Chúa. Mat 16,17.

Câu trả lời sai lầm vì những trả lời đó dựa vào kiến thức bề ngoài, những suy đoán thông thường từ nhận xét, từ quan sát từ nghe ngóng dẫn đến phán đoán sai lầm về Đức Kitô.

Sức mạnh bên ngoài thường gắn liền với quyền hành và quyền hành là thứ gây nhiều bất an cho cá nhân và cho xã hội. Mọi cám dỗ cạnh tranh, giành giật, mong nổi tiếng, biết hơn người đưa đến cãi vã, tranh cãi, hằn thù đều gây nên bởi khát khao quyền hành. Sức mạnh nội tâm giúp ta tự kiểm soát hành động, lời nói, cách cư xử của mình nhờ đó tránh được biết bao tai vạ. Sức mạnh nội tâm gắn liền với các đức tính Kitô giáo. Chúng ta cảm thấy xấu hổ, hối hận đều đến từ sức mạnh này. Sức mạnh nội tâm là cửa sổ của linh hồn giúp ta nhận biết Thiên Chúa yêu thương và đón nhận tình yêu đó với tấm lòng cởi mở và khát khao đón nhận.

Sức mạnh bên ngoài biến ta thành con người cao ngạo, tự hào với đời trong khi sức mạnh nội tâm giúp ta tìm thấy bình an nội tâm, khiêm nhu phục vụ, làm việc bác ái với một tâm hồn bình an, và tâm tình tạ ơn Chúa.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org