NĂM ĐỨC TIN: GIÁO XỨ VN PARIS HỌC HỎI CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Paris, Chúa Nhật 09 tháng 06 năm 2013, tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, có buổi học hỏi về « Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội », chương VI trong Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, Dei Verbum. Đây là buổi học hỏi cuối cùng trong niên khóa 2012-2013 về các văn kiện Công Đồng Vaticanô II do Trường Huấn Luyện của Phong Trào Cursillo Giáo Xứ Việt Nam tổ chức cho các Cursillistas.

Tại sao học hỏi các văn kiện Công Đồng Vaticanô II ?

Trong buổi khai mạc chương trình học tập cho năm đức tin, ngày 09.09.2013, chị trách nhiệm Trường Huấn Luyện đã giải thích tại sao cần học hỏi các tài liệu Công Đồng Vatican II. Chị nêu ra đường hướng mục vụ Năm Đức Tin của Giáo Xứ Việt Nam Paris và của Tổng Giáo Phận Paris ; Và đặc biệt chị trích Tông Thư Cánh Cửa Đức Tin của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI : « việc khởi sự Năm Đức Tin trùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 có thể là một cơ hội thích hợp để hiểu rằng các văn kiện Công đồng, được các Nghị Phụ để lại như gia sản, "không bị mất giá trị, cũng như vẻ tươi sáng". Cần đọc các văn kiện ấy một cách thích hợp, cần biết rõ và hấp thụ các văn kiện ấy như những văn bản giá trị và có tính chất qui phạm của Huấn Quyền Hội Thánh, giữa lòng Truyền Thống của Giáo Hội. Hơn bao giờ hết tôi cảm thấy nghĩa vụ phải nêu cao Công đồng như "hồng ân lớn lao mà Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ 20" : trong đó chúng ta được một địa bàn chắc chắn để định hướng trong con đường của thế kỷ đang mở ra". (CCĐ T, 8-10). Chị cũng nhắc đến « Hướng dẫn Mục Vụ Năm Đức Tin » điều 6, ở cấp Giáo Hội Hoàn Cầu, của Bộ Giáo lý Đức Tin, ngày 6 tháng Giêng 2012 : « Đối với mọi tín hữu, Năm Đức Tin sẽ đem lại một cơ hội tốt để học hỏi kỹ lưỡng những văn kiện chính của Công đồng Vatican II và nghiên cứu sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo ».

Học hỏi những văn kiện nào ?

Sau khi đã giới thiệu sơ qua Công Đồng và liệt kê tất cả những tài liệu chình yếu của Công Đồng, chị đề nghị một chương trình học hỏi xoay quanh ba tài liệu : Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), - Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) và - Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes). Chương trình cụ thể được đề nghị xoay quanh 9 buổi với những đề tài chi tiết như sau :

1. 09/09/2012 : Ý kiến về chương trình năm ngoái. Giới thiệu về chương trình năm nay : Công Đồng Vatican II.

2. 14/10/2012 : Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, chương I. « Về chính việc Mạc Khải »

3. 11/11/2012 : Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, chương III. « Sự linh ứng của Thiên Chúa và việc giải thích Thánh Kinh ».

4. 09/12/2012 : Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, chương I «Mầu Nhiệm Giáo Hội».

5. 10/02/2013 : Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, chương IV «Giáo Dân».

6. 10/03/2013 : Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, chương VIII «Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội».

7. 14/04/2013 : Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, chương IV «Vai trò của Giáo Hội trong thế giới ngày nay».

8. 12/05/2013 : Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, chương V «Cổ võ hòa bình và xây dựng cộng đoàn các dân tộc».

9. 09/06/2013 : Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, chương VI « Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội ».

Học hỏi như thế nào ?

Mỗi đề tài được một nhóm tự nguyện đảm trách. Nhóm này quyết định cách học hỏi thuận lợi cho đề tài của mình. Nhưng tổng thể, các nhóm đều đi theo tiến trình bốn bước : trình bày, trao đổi, tổng kết của tuyên úy và suy tư riêng trước Thánh Thể.

Việc trình bày có thể là do nhóm trách nhiệm trình bày. Nhưng cũng có nhóm trách nhiệm không trình bày, mà chỉ in tài liệu, phát ra, rồi xin các hội thảo viên tự nguyện đọc một đoạn và trình bày điều mình hiểu trong đoạn văn vừa đọc.

Việc trao đổi thì do nhóm trách nhiệm điều hành, nhưng tổng quát thì rất tự do. Ai cũng có quyền diễn tả và chia sẻ quan điểm của mình.

Việc tổng hợp của tuyên úy vừa có ý nghĩa sư phạm tóm tắt lại những ý tứ đã được nêu ra trong phần trình bày và thảo luận vừa có ý nghĩa huấn quyền đại diện của Giáo Hội.

Việc suy tư riêng trước Thánh Thể là áp dụng cụ thể đầu tiên của việc học hỏi. Ghi nhận những trao đổi của các anh chị em khác, nghĩa là giơ tay ra nắm lấy anh em. Suy tư trước Thánh Thể Chúa là giây phút đưa tay ra nắm lấy Chúa.

Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), chương VI : Thánh Kinh Trong Ðời Sống Giáo Hội

21. Tầm quan trọng của Thánh Kinh đối với Giáo Hội. Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng với các Tông Ðồ. Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực thế, trong các sách thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. Bởi thế, lời nói sau đây thật xứng hợp cho Thánh Kinh: "Thực vậy, lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm" (Dth 4,12). "có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hóa" (CvTđ 20,32; x. 1Th 2, 13).

22. Cần có bản văn và bản dịch. Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu. Chính vì thế mà từ buổi đầu, Giáo Hội đã công nhận như của riêng mình bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy lạp, một bản văn rất cổ và được gọi là bản dịch do bảy mươi người. Ngoài ra Giáo Hội còn luôn tôn trọng các bản dịch của Ðông Phương hay các bản dịch Latinh, nhất là bản thường gọi là bản "Phổ Thông". Vì phải đem lời Chúa đến cho mọi thời đại, Giáo Hội như một người mẹ ân cần lo liệu cho các sách thánh được dịch ra các thứ tiếng cách thích hợp và đứng đắn, đặc biệt dịch từ nguyên bản. Mọi Kitô hữu có thể xử dụng những bản dịch được thực hiện chung với cả những anh em ly khai trong trường hợp thuận tiện và được giáo quyền chấp thuận.

23. Nhiệm vụ tông đồ của các nhà Thánh Kinh học. Hiền thê của Ngôi Lời nhập thể, tức Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, hằng cố gắng hiểu biết Thánh Kinh ngày càng sâu rộng hơn, hầu không ngừng lấy lời Chúa nuôi dưỡng con cái mình. Do đó, Giáo Hội có lý khi khuyến khích việc học hỏi các thánh Giáo Phụ Ðông Phương và Tây Phương cũng như các Phụng Vụ thánh. Phần các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo và những người chuyên về Thần Học Thánh phải ân cần lo lắng, dưới sự trông nom của Quyền Giáo Huấn Thánh, và dùng những phương thế thích hợp, để nghiên cứu và trình bày Thánh Kinh, để cung ứng nhiều thừa tác viên lời Chúa hết sức có thể, hầu lương thực Thánh Kinh được dồi dào ban bố cho dân Chúa, để soi sáng trí khôn, kiên trì ý chí và nung đốt lòng người yêu Chúa. Thánh Công Ðồng khuyến khích các con cái Giáo Hội đang chuyên cần học hỏi những khoa học Thánh Kinh, hãy tiếp tục theo đuổi công trình đã khởi sự cách tốt đẹp với những năng lực ngày được đổi mới, và tất cả hăng say hợp với cảm thức của Giáo Hội.

24. Tầm quan trọng của Thánh Kinh đối với thần học. Khoa Thần Học dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền như dựa vào một nền tảng vĩnh viễn. Trên nền tảng này, thần học được củng cố hết sức chắc chắn và mãi mãi được trẻ trung trong khi tìm kiếm, dưới ánh sáng đức tin, mọi chân lý tiềm ẩn trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Thánh Kinh chứa đựng lời Chúa và thực sự là lời của Chúa, vì được linh ứng. Nên nghiên cứu Thánh Kinh phải là linh hồn của Khoa Thần Học Thánh. Thừa tác vụ lời Chúa - nghĩa là việc rao giảng thuộc mục vụ, dạy giáo lý và huấn dụ Kitô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ phải chiếm một chỗ quan trọng - phải được nuôi dưỡng cách an lành và gia tăng sinh lực cách thánh thiện, nhờ lời Thánh Kinh.

25. Khuyên nhủ năng học hỏi và đọc Thánh Kinh. Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành "kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng". Thánh Công Ðồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hay năng đọc Thánh Kinh để học biết "khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô" (Ph 3,8). "Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô". Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ Phụng Vụ Thánh dồi dào lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các Chủ Chăn trong Giáo Hội chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi. Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì "chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sâm ngôn thần linh".

Các Giám Mục là những người "gìn giữ giáo lý tông truyền" có phận sự tùy nghi dạy các tín hữu đã được ủy thác cho các ngài, cho biết xử dụng đúng đắn sách thánh, nhất là Tân Ước và trước tiên các sách Phúc Âm, nhờ các bản dịch, và các bản dịch này phải được kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ, để con cái Giáo Hội có thể xử dụng Thánh Kinh cách bảo đảm và ích lợi, và được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh.

Hơn nữa, cũng cần thực hiện những ấn bản Thánh Kinh với lời chú giải thích hợp cho cả những người ngoài Kitô giáo và thích hợp với hoàn cảnh của họ. Các vị Chủ Chăn linh hồn cũng như các Kitô hữu, dù trong bậc sống nào, cũng phải ân cần lo lắng phổ biến các ấn bản ấy.

26. Kết luận. Vì thế, ước gì nhờ việc đọc và học hỏi sách thánh, "Lời Thiên Chúa được trôi chảy và sáng sủa" (2Th 3,1), và ước gì kho tàng Mạc Khải, đã được ủy thác cho Giáo Hội, ngày một tràn ngập tâm hồn con người. Nếu đời sống Giáo Hội được tăng triển nhờ năng nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, cũng thế, cũng có thể hy vọng đời sống thiêng liêng được đổi mới nhờ thêm lòng sùng kính lời Chúa, là lời "hằng tồn tại muôn đời" (Is 40,8; 1P 1,23-25).

Sau giờ học hỏi về Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội, trên đường ra về, một anh tâm sự : Hôm nay, qua buổi trao đổi và cầu nguyện, tôi ghi nhận và học được 4 điều quan trọng về vai trò của Thánh kinh trong đời sống đức tin của mình :

Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin ;

Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội ;

Thánh Công Ðồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hay năng đọc Thánh Kinh để học biết "khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô" (Ph 3,8). "Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô".

Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì "chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sâm ngôn thần linh".

Paris, ngày 09 tháng 06 năm 2013

Trần Văn Cảnh