Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 5 tháng Sáu

Trong buổi tiếp kiến chung lúc 10h30 sáng thứ Tư 5 tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khích lệ các tín hữu hãy bảo vệ môi trường, và sống hài hòa với Thiên Chúa và Mẹ thiên nhiên

Đức Giáo Hoàng nói sự tương phản hoàn toàn giữa nền văn hóa tiêu thụ tối đa và sự nghèo đói không chỉ là một vấn nạn về kinh tế mà thôi, nhưng đó còn là một vấn đề thuộc lãnh vực đạo đức và nhân chủng.

Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi tất cả mọi người đừng lãng phí thực phẩm và đừng chiều theo thứ văn hoá xa hoa lãng phí.

Đức Thánh Cha nói:

Buổi triều yết chung của chúng ta hôm nay trùng với Ngày Môi trường Thế giới, và vì vậy thật là phù hợp để suy tư về trách nhiệm của chúng ta trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trái đất theo lệnh truyền của Thiên Chúa.

Chúng ta được kêu gọi không chỉ tôn trọng môi trường thiên nhiên, nhưng còn phải thể hiện sự tôn trọng, và đoàn kết với tất cả các thành viên của gia đình nhân loại. Hai chiều kích này liên quan chặt chẽ với nhau. Ngày nay chúng ta đang phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng không chỉ liên quan đến khả năng quản lý đúng đắn các tài nguyên kinh tế, nhưng còn là vấn đề nhân lực đứng trước nhu cầu của đông đảo anh chị em đang sống trong nghèo đói cùng cực, đặc biệt là trẻ em tại nhiều nơi trên thế giới không được giáo dục đầy đủ, không được chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng.

Chủ nghĩa tiêu thụ và một thứ "văn hóa lãng phí" đã khiến một số người trong chúng ta tỉnh bơ trước sự lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá, bao gồm thực phẩm, trong khi những người khác bị bỏ cho chết đói, theo đúng nghĩa đen của từ này. Tôi xin tất cả anh chị em hãy suy nghĩ về vấn đề đạo đức nghiêm trọng này trong tinh thần liên đới đặt cơ sở trên trách nhiệm chung của chúng ta đối với trái đất và với tất cả anh chị em trong đại gia đình nhân loại.

2. Hàng triệu người trên thế giới đã hiệp thông trong một giờ Chầu Thánh Thể long trọng vào Tối Chúa Nhật.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự biến cố toàn cầu chưa từng có này từ Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma. Tín hữu Công Giáo trên khắp thế giới đã tham dự tại các Vương Cung Thánh Đường, và các nhà thờ giáo xứ, trên truyền hình, đài phát thanh, và internet.

Đức Thánh Cha đã dành buổi Chầu Thánh Thể này cho các ý chỉ đặc biệt. Trước hết, là sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Xin cho biến cố Giáo Hội lan rộng trên khắp thế giới đang chầu Thánh Thể trong cùng một thời khắc trở nên như một dấu chỉ hữu hình của sự hiệp nhất. Xin Chúa cho Giáo Hội biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa để có thể đứng trước thế giới với một vẻ đẹp rạng ngời hơn bao giờ, không chút tì vết, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Xin cho qua việc trung thành công bố của Giáo Hội, Lời cứu độ của Chúa vang dội lòng thương xót trên một thế giới đang bị tàn phá bởi khổ đau, dối trá và hận thù; và xin cho tình yêu có thể ngự trị nơi trái tim con người ngày nay để trả lại cho nhân loại niềm vui và sự thanh thản.

Đối với biết bao những người trên thế giới vẫn còn bị nô lệ và là nạn nhân của chiến tranh, cuả các tệ nạn như buôn người, buôn bán ma tuý, và lao động nô lệ; đối với trẻ em và phụ nữ đang phải chịu tất cả các loại bạo lực; cầu xin cho tiếng kêu tắt nghẹn của họ được lắng nghe bởi một Giáo Hội tỉnh thức, để trong khi hướng mắt nhìn vào Chúa Kitô chịu đóng đinh, Giáo Hội không quên những anh chị em vẫn đang sống trong vòng kiềm tỏa của bạo lực. Xin cho Giáo Hội đừng quên tất cả những ai thấy mình trong tình huống bấp bênh về kinh tế, nhất là với những người thất nghiệp, người già, người di cư, người vô gia cư, các tù nhân, và những người bị gạt ra ngoài lề. Xin cho những lời cầu nguyện của Giáo Hội và sự gần gũi tích cực của Giáo Hội đem lại cho họ sự an ủi và hỗ trợ, cũng như niềm hy vọng. Xin cho Giáo Hội sức mạnh và lòng can đảm trong việc bảo vệ phẩm giá con người.

Buổi Chầu Thánh Thể long trọng tại Đền Thờ Thánh Phêrô đã bao gồm các bài Tin Mừng liên quan đến bí tích Thánh Thể trong Tin Mừng Thánh Gioan, chương sáu, cùng với những bài thánh ca truyền thống thường được hát trong các buổi chầu Thánh Thể. Những lời cầu nguyện từ sáu vị Giáo Hoàng gần đây bắt đầu từ Đức Giáo Hoàng Piô XII đến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, đã được xướng lên, cùng với những lời nguyện cho các nhu cầu của nhân loại.

Buổi lễ kết thúc bằng bài Tantum ergo và phép lành Tòa Thánh long trọng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

3. Đức Thánh Cha kết thúc tháng 5 kính Đức Mẹ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong những quyết định và trong việc phục vụ tha nhân. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài suy niệm ngắn vào cuối buổi đọc kinh Mân Côi trọng thể tối thứ Sáu 31 tháng 5 tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp kết thúc tháng 5 kính Đức Mẹ.

Hiện diện tại Quảng trường có lối 30 Hồng Y, Giám Mục và khoảng 40 ngàn tín hữu cùng với các tu sĩ nam nữ.

Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng của ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng và nhấn mạnh đến gương Mẹ Maria đối diện với hành trình cuộc sống trong tinh thần thực tế, đầy tình người và đúng đắn. Ngài tóm gọm mẫu gương của Đức Mẹ trong 3 từ: lắng nghe, quyết định và hành động.

1. Đức Thánh Cha nhận xét rằng hành động của Mẹ Maria lên đường viếng thăm bà Elisabeth xuất phát từ sự lắng nghe Lời Chúa. Đó không phải là nghe hời hợt, nhưng là chăm chú lắng nghe, đón nhận và sẵn sàng đối với Thiên Chúa. Mẹ Maria lắng nghe cả những sự kiện, nghĩa là đọc các biến cố trong cuộc sống, đi sâu vào ý nghĩa của chúng. Thái độ này cũng có giá trị trong cuộc sống chúng ta: lắng nghe Chúa nói với chúng ta, lắng nghe thực tại cuộc sống thường nhật, quan tâm đến con người và sự kiện vì Chúa đứng ở cửa đời sống chúng ta và gõ cửa bằng nhiều cách, đặt những dấu hiệu trên hành trình của chúng ta. Chúng ta cần có khả năng nhìn thấy những dấu chỉ ấy.

2. Từ thứ hai là “Quyết định”. Đức Thánh Cha giải thích rằng Mẹ Maria không sống “vội vã”, nhưng như thánh Luca đã nhấn mạnh, ”Mẹ suy niệm tất cả những điều đó trong lòng”. Mẹ Maria không để mình bị các biến cố lôi đi, không tránh né những nỗ lực vất vả cần phải làm khi quyết định. Và điều đó diễn ra không những trong chọn lựa căn bản thay đổi cuộc sống của Mẹ: “Này tôi là tôi tớ Chúa”, nhưng cả trong những chọn lựa thường nhật nhất.

Từ mẫu gương của Mẹ Maria, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu hãy can đảm đề ra những quyết định trong cuộc sống, đừng trì hoãn hoặc dồn cho người khác quyết định thay chúng ta, hoặc để cho mình bị lôi kéo vì những biến cố hay chạy theo các mốt thịnh hành nhất thời. Ngài nói:

“Nhiều khi chúng ta biết điều mình phải làm, nhưng không có can đảm làm, hoặc chúng ta thấy đó là điều quá khó khăn vì phải đi ngược dòng. Mẹ Maria đã đi ngược dòng trong biến cố truyền tin, trong cuộc thăm viếng, cũng như tại tiệc cưới Cana. Mẹ lắng nghe Lời Chúa, suy nghĩ và tìm hiểu thực tại, và quyết định hoàn toàn tín thác nơi Chúa, quyết định đi thăm bà chị họ già mặc dù mình đang có thai...”

3. Sau cùng là từ “hành động”. Mẹ Maria “vội vã lên đường” đi thăm bà chị họ Elisabeth Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Trong kinh nguyện, trước mặt Thiên Chúa đang nói, trong suy nghĩ và suy niệm về những sự kiện của cuộc sống, Mẹ Maria không vội vã, không để mình bị các biến cố lôi đi. Nhưng khi đã rõ về điều Chúa muốn, nghĩa là về những gì phải làm, thì Mẹ không do dự chần chừ, lần lữa, nhưng ra đi ”vội vã”. Thánh Ambroxio bình luận rằng ”ơn Thánh Linh không bao hàm sự chậm trễ”

Đức Thánh Cha nói: “Nhiều khi chúng ta dừng lại ở việc lắng nghe, suy tư về điều mình phải làm, có lẽ chúng ta cũng có quyết định rõ ràng phải đề ra, nhưng chúng ta không đi tới hành động. Và nhất là chúng ta không “mau lẹ” đến với người khác để giúp đỡ họ, để tỏ bày sự cảm thông và tình bác ái của chúng ta; để như Mẹ Maria, mang cho tha nhân những gì quí giá nhất đối với chúng ta là Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa bằng lời nói và nhất là bằng chứng tá cụ thể trong hành động của chúng ta”

4. Đức Thánh Cha công nhận thêm 95 vị tử đạo trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha

Hôm thứ Ba 4 tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công nhận 95 vị tử đạo người Tây Ban Nha, là những người đã bị giết vì đức tin trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Ngài cũng nâng bốn vị sáng lập các dòng tu lên bậc "đáng kính".

Nhóm 95 vị tử đạo này bao gồm 66 tu huynh dòng Đức Bà, 2 giáo dân, 17 tu sĩ dòng Biển Đức 17, đứng đầu là thầy Abel Angel Palazuelos, 5 nữ tu dòng Camêlô Chân Đất, 1 linh mục triều, và 4 vị nữ tu dòng Con Đức Mẹ Chăm Sóc Bệnh Nhân.

Nhân dịp kết thúc Năm Đức Tin, ngày 27 tháng 10 tới đây, Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha sẽ cử hành thánh lễ trọng thể tôn phong Chân Phước cho các vị vừa nêu.

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng cũng đã công nhận các nhân đức anh hùng của bốn vị sáng lập của các dòng tu. Các vị này gồm linh mục người Ý, cha Nicola Mazza, đấng sáng lập Dòng Các Tu Sĩ chuyên về Giáo Dục; Đức Giám Mục João de Oliveira Matos, người Bồ Đào Nha, đấng sáng lập Liga dos servo de Jesus; Chị Giulia Crostarosa, đấng sáng lập dòng các nữ tu Chúa Cứu Thế; và chị Teresa của Thánh Giuse, đấng sáng lập Dòng Cát Minh các Nữ tu của Thánh Giuse tại Tây Ban Nha.

5. Đức Thánh Cha tiếp Thượng phụ Armenia

Hôm thứ Ba 04 tháng Sáu Đức Giáo Hoàng đã chào đón Thượng Phụ Công Giáo Armenia thành Cilicia, là Đức Nerses Bedros Tarmouni thứ 19. Ngài cũng đã gặp gỡ những vị quản lý các chủng viện Armenia tại Rôma.

Đức Thượng Phụ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng đồng hai người mới khiêng nổi

Cặp vợ chồng khiêng cây thánh giá này là những người trong đoàn của Đức Thượng Phụ. Người phụ nữ nói với Đức Giáo Hoàng rằng gia đình cô là nạn nhân của nạn diệt chủng Armenia hồi năm 1915.

-Đó là tội ác diệt chủng tàn ác trên quy mô lớn đầu tiên của thế kỷ XX.

Giáo Hội Armenia hiện có khoảng 350.000 thành viên ở rải rác trong khu vực Trung Đông; đông nhất là là tại Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

6. Đức Hồng Y Godfried Danneels bước sang tuổi 80. Số Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng giảm xuống 112

Đức Hồng Y Godfried Danneels, người Bỉ, đã bước sang 80 tuổi hôm thứ Ba 04 tháng 6. Như thế, vị tổng giám mục danh dự của Brussels đã mất quyền bỏ phiếu trong cơ mật viện bầu Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y sinh tại Kanegemen và là con cả trong gia đình sáu anh chị em. Ngài được thụ phong linh mục ở tuổi 24 và trong những năm học tập ngài tập trung vào các nghiên cứu về phụng vụ. Trong thực tế, ngài đã là tác giả của nhiều bài báo về chủ đề đó.

Sau ngày 4 tháng Sáu, số lượng cử tri Hồng Y giảm xuống còn 112. Giáo Hội hiện có 93 vị Hồng Y đã quá tuổi 80. Như thế, tổng số các vị Hồng Y là 205.

7. Thượng phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh hoan nghênh quyết định của Đại Học Haifa công nhận Lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ

Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh Fouad Touwal đã lên tiếng ca ngợi quyết định của Đại Học Haifa công nhận ngày 25 tháng 12 là ngày nghỉ lễ cho tất cả các sinh viên, nhân viên và giáo sư. Quyết định trên đã được đưa ra hôm 30 tháng 5 và có hiệu lực ngay trong năm nay. Đây là lần đầu tiên một trường đại học Do Thái công nhận lễ Giáng Sinh là ngày nghỉ lễ.

Đại học Haifa (tiếng Do Thái: אוניברסיטת חיפה) là một trường đại học công tại Haifa, Israel.

Đại học Haifa được thành lập tại núi Camêlô vào năm 1963, hoạt động dưới sự bảo trợ của trường Đại học Hebrew ở Jerusalem. Năm 1972, Đại học Haifa tuyên bố độc lập và trở thành cơ sở học thuật thứ sáu tại Israel và là trường đại học thứ tư tại Do Thái.

Trường có khoảng 18,100 sinh viên đại học và trên đại học đang theo học các ngành khoa học xã hội, nhân văn, giáo dục pháp luật. Đại học được phân chia thành sáu khoa: Nhân văn, Khoa học xã hội, Luật, Khoa học và Khoa học Giáo dục, phúc lợi xã hội và Khoa học Y tế và Giáo dục. Ngoài ra còn có các phân khoa sau đại học như Khoa học Quản lý, và Đại Dương Học.

8. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người bị bắt cóc ở Syria, kêu gọi hòa bình trên toàn thế giới

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng Sáu, Đức Thánh Cha một lần nữa kêu gọi hòa bình ở Syria. Ngài bầy tỏ lo ngại về cuộc xung đột, đã bắt đầu từ trung tuần tháng Ba năm 2011.

Trước hơn 60,000 anh chị em tín hữu đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha tố cáo chiến tranh là điên rồ, gây tổn thương đặc biệt cho dân chúng vô phương tự vệ. Tình trạng chiến tranh đau thương này kéo theo những hậu quả bi thảm: chết chóc, tàn phá, thiệt hại lớn lao về kinh tế và môi sinh, cũng như tệ nạn bắt cóc người.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm:

“Trong khi lên án những sự kiện đó, tôi muốn cam đoan về kinh nguyện và tình liên đới của tôi đối với những người bị bắt cóc và thân nhân họ, và tôi kêu gọi tình người của những kẻ bắt cóc hãy trả tự do cho các nạn nhân. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho Siria yêu quí”.

Trước khi kết thúc buổi đọc kinh, Đức Thánh Cha kể lại rằng:

“Sáng hôm nay tôi đã cử hành thánh lễ với một số quân nhân và thân nhân của một số người đã ngã gục trong các sứ vụ hòa bình nhắm thăng tiến sự hòa giải và hòa bình tại những nước đang còn có máu đổ ra giữa những người anh chị em với nhau đang gặp chiến tranh, vốn là điều điên rồ.”

Đức Thánh Cha trích dẫn câu nói của ĐGH Piô 12: “Với chiến tranh tất cả đều mất mát. Với hòa bình ta được tất cả”. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho những người tử nạn, những người bị thương và gia đình họ. Và giờ đây, chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong thinh lặng, trong tâm hồn chúng ta, một kinh nguyện cho những người đã ngã gục, những người bị thương và gia đình họ”.

9. Kỷ niệm 50 năm ngày mất của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII

Năm 2013 đánh dấu 50 năm qua đời của Đức Giáo Hoàng Gioan 23, người đã triệu tập Công đồng Vatican II. Cậu Angelo Giuseppe Roncalli sinh năm 1881 ở Sotto il Monte, một làng nhỏ thuộc tỉnh Bergamo, miền Bắc nước Ý.

Cậu trở thành linh mục ở tuổi 22. Một năm sau, năm 1905, ngài được bổ nhiệm trở thành thư ký giám mục giáo phận của ngài.

Năm 1921, Đức Thánh Cha Bênêđictô XV bổ nhiệm ngài trở thành Chủ tịch Hội Truyền Giáo Ý. Ngài cũng là đại diện Tòa Thánh tại Bulgaria và là sứ thần Tòa Thánh ở Istanbul, Athens và Paris.

Năm 1953, Đức Piô XII vinh thăng Hồng Y cho ngài và bổ nhiệm ngài trở thành Thượng Phụ thành Venice. Ngài phục vụ ở đó cho đến năm 1958, khi ngài được bầu chọn trở thành Giáo hoàng ở tuổi 77.

Trong 5 năm triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã vinh thăng Hồng Y tiên khởi cho các quốc gia như Tanzania, Venezuela và Mexico.

Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên tiếp kiến một giáo trưởng Anh giáo. Ngài cũng ra vạ tuyệt thông cho Fidel Castro vào thập niên 1960.

Ngài viết tám thông điệp và vào ngày 11 tháng Mười năm 1962, ngài khai mạc Công Đồng Vatican II.

Đức Gioan XXIII mời gọi: "Các con thân mến, cha nghe các con lên tiếng! Đại diện cho cả thế giới đều quy tụ nơi đây. Người ta có thể nói rằng ngay cả mặt trăng cũng tỏa sáng đêm nay, khi nhìn vào cuộc trình diễn này".

Ngài chủ trì Công đồng Vatican II chỉ trong tám tháng, mà ngài gọi là một cuộc 'cập nhật hóa Giáo Hội'. Vào ngày 03 tháng Sáu năm 1963, ngài qua đời vì căn bệnh ung thư dạ dày.

Người kế vị ngài, Đức Phaolô VI, bắt đầu tiến trình phong chân phước cho ngài sau khi Công Đồng Vatican II kết thúc. Đức Gioan Phaolô II phong chân phước cho ngài vào năm 2000, 37 năm sau khi ngài qua đời.

Vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Jose Saraiva Martins là Tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh.

Đức Hồng Y Jose Saraiva Martins, Tổng trưởng Danh Dự Thánh Bộ Phong Thánh cho hay vào ngày 15 tháng Bảy, 2008: "Tôi khâm phục Đức Gioan XXIII vì trong cuộc sống và đời sống tâm linh của ngài, tôi tìm thấy một vị mục tử thực sự, một người cởi mở và có tình cảm sâu sắc. Trong một thời gian dài, ngài khiến người ta gọi ngài là ‘Đức Giáo Hoàng nhân hậu’. Một nhân vật thực sự phi thường: ngài đã triệu tập Công đồng Vatican II, điều mà Đức Piô XII đã muốn thực hiện trước ngài".

Lễ kính ngài được chọn vào ngày 11 tháng Mười, cùng ngày Công Đồng Vatican II khai mạc. Cho đến ngày nay, nó được công nhận là công việc quan trọng nhất của cuộc đời ngài.

10. Đức Thánh Cha Phanxicô tôn vinh cuộc đời và di sản của Đức Gioan XXIII

Hôm thứ Hai 3 tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm ngôi mộ của Đức Gioan XXIII nhân dịp 50 năm ngày Đức Angelo Roncalli qua đời. Trước đó, sau khi cử hành Thánh Lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chào đón hàng ngàn khách hành hương đến thăm từ giáo phận Bergamo quê hương của Đức Cố Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha cầu nguyện chung với họ và yêu cầu anh chị em tín hữu hiện diện hãy bắt chước Đức Gioan XXIII bằng cách tập trung vào nhân đức hòa bình và vâng lời.

Đức Thánh Cha nói:

"Đức Angelo Roncalli đã có thể truyền đạt hòa bình: Đó là một hình thái hòa bình tự nhiên, thanh thản và thân ái. Trong cương vị Giáo Hoàng, ngài đã truyền bá hòa bình cho thế giới, cùng với danh thơm tiếng tốt của ngài về lòng nhân hậu. Thật là vui khi gặp gỡ một tư tế tốt lành như thế. Một tư tế thật cao cả. "

Đức Thánh Cha giải thích rằng để đạt được hòa bình, điều cần thiết là phải gạt tính ích kỷ sang một bên và thay vào đó là dọn chỗ cho Thiên Chúa ngự trong lòng chúng ta.

Đức Giám Mục của giáo phận Bergamo đã làm cho đám đông dân chúng bật cười khi ngài nói với Đức Thánh Cha Phanxicô rằng khi Đức Thánh Cha ra mắt dân chúng sau khi được bầu vào ngai Giáo Hoàng, nhiều người tại Bergamo nói với ngài rằng vóc dáng và cử chỉ của Đức Tân Giáo Hoàng rất giống với Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.

12. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp vị tổng thống nghèo nhất thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón vị "Tổng thống nghèo nhất thế giới" là tổng thống Uruguay, ông José Mujica, tại điện Tông Tòa của Vatican.

Trong khi chụp hình chung với Đức Thánh Cha, tổng thống nói đùa:

"Thật quá là hân hạng, tôi cảm thấy choáng ngợp."

Cuộc họp đã diễn ra lâu hơn bình thường và kéo dài đến 45 phút. Theo Vatican, nhiều vấn đề đã được đề cập đến, chẳng hạn như "sự phát triển toàn diện của con người, tôn trọng công lý nhân quyền và hòa bình xã hội."

Dịp này tổng thống José Mujica đã thỉnh cầu Giáo Hội làm "tất cả mọi thứ có thể để tiến trình hòa bình ở Colombia có thể tiếp tục và trở thành hiện thực."

Tổng thống Mujica nói với Đức Giáo Hoàng rằng hai vị có chung một người bạn là, nhà thần học và nhà văn Alberto Methol Ferre, người đã qua đời vào năm 2009. Đức Giáo Hoàng đã công nhận rằng các tác phẩm của Ferre đánh động độc giả.

Vì vậy, như một món quà, tổng thống đã tặng Đức Giáo Hoàng một cuốn sách của tác giả Ferre. Ngược lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng tổng thống Mujica bộ kỷ yếu các văn bản chung thẩm của hội nghị các giám mục Mỹ 2007 Latinh tại Aparecida, Brazil.

Đức Thánh Cha mô tả chuyến thăm của tổng thống Mujica là một cuộc gặp gỡ với "một nhà thông thái," và tổng thống đã không che giấu sự cảm động của mình.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, tổng thống Mujica đã gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh là Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti và Đức Hồng Y Tarcisio Bertone

13. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các trẻ em bị bệnh và các bậc phụ huynh

Hôm thứ Hai 03 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một nhóm các bệnh nhân ung thư trẻ, những người đang được điều trị tại bệnh viện Agostino Gemelli của Rôma. Ngài đã cầu nguyện chung với các em, và một cô gái trẻ đã đọc một thư gởi Đức Giáo Hoàng rất cảm động.

"Con thật hạnh phúc khi có thể tận mắt nhìn thấy Đức Thánh Cha, chứ không phải như con vẫn thường thấy trên truyền hình. Tại Lộ Đức, chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha: chúng con vẽ lại một hang đá, như một món quà dâng lên Đức Thánh Cha. Chúng con hứa sẽ cầu nguyện cho ngài và chúng con xin Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho tất cả các trẻ em bị bệnh tại các bệnh viện và tất cả các nơi trên thế giới. Xin Đức Thánh Cha chúc lành cho tất cả các bậc cha mẹ để họ cũng có nụ cười tươi như Đức Thánh Cha! "

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành cho những người hiện diện, trong đó có cả các nhân viên y tế của bệnh viện và một số tình nguyện viên. Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một yêu cầu đặc biệt với các trẻ em.

Đức Thánh Cha nói:

"Tại thời điểm này, Chúa Giêsu đến với các con và ôm ấp các con trong vòng tay Người .

Và cha xin các con một ân huệ cuối cùng: hãy cầu nguyện cho cha! Các con sẽ làm điều đó phải không nào? Chắc chắn chứ? Tuyệt vời! "

Vào cuối cuộc tiếp kiến, Đức Giáo Hoàng đã dành thời gian để chào đón mỗi trẻ em trong số 22 em và gia đình các em.

14. Đức Giáo Hoàng tiếp Tổng thống Cộng Hòa Cape Verde

Sáng thứ Hai 4 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón tổng thống nước Cộng hòa Cape Verde, là ông Jorge Carlos Fonseca de Almeida.

Trong cuộc gặp gỡ, cả hai nhà lãnh đạo đã nói về sự hợp tác giữa đảo quốc này và Tòa Thánh trong các lĩnh vực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Hai vị đã đề cập đến tình trạng pháp lý của Giáo Hội tại Cape Verde. Thỏa thuận chính thức dự kiến sẽ được ký kết ngay tại thủ đô của đất nước là Praia, trong chuyến đi sắp tới của Đức Tổng Giám Mục Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh.

Cape Verde là đảo quốc gồm 10 hòn đảo trong vùng biển Đại Tây Dương cách bờ biển Tây Phi 570km. Niềm tự hào của quốc gia này là có một chính phủ dân chủ ổn định nhất châu Phi và phần lớn dân số là Kitô giáo. Theo thống kê năm 2011, Cape Verde có 531,000 dân với 99% dân số là người Công Giáo.

Tổng thống đã tặng Đức Thánh Cha một chiếc dĩa bạc hình phong cảnh đất nước Cape Verde và một tấm khăn quàng cổ truyền thống. Đức Thánh Cha đã tặng lại tổng thống một bức tranh khắc hình Tòa Thánh.