Sản phẩm hàng hoá thường ghi chi tiết nơi sản xuất đồng thời đóng dấu hiệu cầu chứng. Thí dụ như ghi sản xuất tại Việtnam, hay Nhật Bản. Có những loại hàng sản xuất một nơi, đóng thùng một nẻo nên ghi thêm chi tiết hàng được công ti A nhập cảng và công ti B đóng thùng. Mục đích việc làm này mong giúp giới tiêu thụ không rơi vào trường hợp con buôn vì ham lợi đánh lận con đen, mua hàng giả dán nhãn thiệt thu lợi nhiều.

Kitô hữu cũng có nhãn hiệu không phải nhãn hiệu cầu chứng mà là ấn tín chứng thực. Mỗi người trong chúng ta là sản phẩm của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sáng tạo, đóng ấn tín cho từng người. Đây không phải là điều bịa đặt mà là một thực tại có từ thời sáng tạo vũ trụ. Sách Sáng Thế Kí chương đầu 1, câu 27 trong phần lịch sử sáng tạo ghi rõ. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Người. Như thế chúng ta vào đời là thành quả yêu quí của Thiên Chúa yêu thương.

Trước khi cho ngươi thành hình người trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi. Jer 1,4

Hãy xem Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta Is 49,6


Dấu Ấn

Sản phẩm thường mang dấu hiệu cầu chứng thương mại, ghi rõ mã số cầu chứng. Kitô hữu không mang dấu hiệu cầu chứng thương mại mà là ấn tín đức tin. Ấn tín đức tin đó được ghi nhận trong ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy với dấu thánh giá trên trán con người và được xức dầu thánh hiến để trở thành hàng thật, Kitô hữu thật trong Đức Kitô. Ấn tín thập giá là nhãn hiệu của mỗi Kitô hữu dưới danh hiệu chúng ta là con cái Thiên Chúa. Kitô hữu sống làm vinh danh thập giá là Kitô hữu chính hiệu. Đó là tiếp tục sứ mạng Đức Kitô đã bắt đầu như lời tiên báo của tiên tri Is 61,1-2

Thần Khí Chúa ngự trên tôi và đã xức dầu sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó tấm lòng tan nát, công bố ân xá cho kẻ giam cầm, phóng thích tù nhân và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma 8,17 còn cho biết là con cái Thiên Chúa nên được trở thành kẻ thừa tự, thừa hưởng tình yêu viên mãn và cuộc sống đời đời của Thiên Chúa.

Nhập cảng và đóng dấu

Chúng ta chính thức gia nhập Giáo Hội trong ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy nơi xứ tạo ta đang cư trú. Xứ đạo địa phương là nơi chúng ta được đóng gói, được đúc khuôn để trở thành người Kitô hữu tương lai. Xứ đạo địa phương dẫn dắt chúng ta trên con đường học đạo và hành đạo. Xứ đạo địa phương là nơi chúng ta cùng hội họp, cầu nguyện, lãnh nhận bí tích, cùng chia sẻ và nhận những đóng góp, hỗ trợ trong tinh thần Kitô hữu. Xứ đạo địa phương là nơi chúng ta kết hợp trong Chúa qua các buổi cùng cầu nguyện, cùng sinh hoạt. Vì thế có thể coi xứ đạo địa phương đóng góp rất lớn vào việc giúp thành hình và phát triển đức tin. Điều này ít nhiều gây hiểu lầm trong việc hành đạo. Kitô hữu quá cứng ngắc gắn bó với xứ đạo, nhà thờ, trung tâm gây nên chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ. Lí do chính là sống trong sợ hãi. Sợ hãi làm tâm hồn mất tự do. Có thể họ là người đạo đức, siêng năng, cần mẫn nhưng căn bản là đức tin chưa trưởng thành. Địa điểm thờ phượng là phương tiện cho chúng ta gặp gỡ, cầu nguyện. Viện ra đủ lí lẽ tranh đấu biến địa điểm thờ phượng thành nơi đấu lí có khác chi mượn chính đạo làm việc tà đạo. Tình trạng ngấm ngầm cạnh tranh về mọi phương diện giữa họ lẻ với giáo xứ không thể biện minh là làm việc đạo đức.

Đức Kitô về trời cho xác tín một điều quê hương chúng ta ở trên trời. Là công dân nước trời cần có tinh thần, coi trọng việc hướng về thiên quốc, luôn nhớ mọi sự trần gian đều qua đi. Vật thể cần cho cuộc sống, cần cho việc giữ đạo, Kitô hữu khôn ngoan dứt khoát từ bỏ bất cứ điều gì khi chúng trở thành vật cản bước tiến về thiên quốc, chắn tầm nhìn nước trời.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org