Xin nhấn vào đây để xem hình ảnh

SAN JOSE - Vào ngày 25 tháng 4 năm 2003, khi Linh Mục Trần Công Nghị, Giám đốc cơ quan Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam VietCatholic loan tin Ðức Ông Mai Thanh Lương được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá Giáo Phận Orange, cả khối Cộng Ðồng Công Giáo trong và ngoài nước đều biểu lộ tâm tình vui mừng và phấn khởi vì việc bổ nhiệm này nói lên ý nghĩa Giáo Hội Công Giáo Mỹ chính thức thừa nhận vai trò quan trọng và sự đóng góp lớn lao của Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam vào Giáo Hội Hoa Kỳ. Do vậy, lễ tấn phong Giám Mục cho Ðức Ông Mai Thanh Lương là một biến cố lịch sử trọng đại đối với người Công Giáo Việt Nam nên ngay từ những ngày đầu tháng 5, nhiều giáo dân tại San Jose đã có ý định rủ nhau xuống hạt Orange để tham dự. Tuy nhiên, về sau mới biết, muốn tham dự phải có giấy mời, nên nhiều ông bà đã thất vọng và mong mỏi một ngày nào đó, Ðức Cha sẽ về San Jose để họ được gặp gỡ chúc mừng.

MONG ÐƯỢC ƯỚC THẤY.

Nỗi mong mỏi của giáo dân trở thành hiện thực khi Cha Nguyễn Minh Hiền, Ðại Diện Ðức Giám Mục Ðặc Trách Mục Vụ Việt Nam, phổ biến bản tin tòa Giám Mục San Jose đã sắp xếp chương trình để Ðức Cha Mai Thanh Lương gặp gỡ các giáo dân tại Giáo Xứ Việt Nam và các Cộng Ðoàn. Ðược tin này, mọi nơi đều chuẩn bị. Tại Giáo Xứ Thánh Maria Goretti, một tuần trước khi Ðức Giám Mục đến, Ðức Ông Dominicô Ðỗ Văn Ðĩnh đã ra một tâm thư được đăng trên tờ Canh Tân, giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc viếng thăm mục vụ của vị Giám Mục Việt Nam tiên khởi. Ðức Ông viết như sau:

“Cuộc đón tiếp này mang một ý nghĩa lịch sử quan trọng, tuy hơi khác với những cuộc đón tiếp các vị Giám Mục từ Việt Nam đến, vì Ðức Cha Mai Thanh Lương là một linh mục Việt Nam tị nạn đầu tiên được vinh thăng Giám Mục thuộc Giáo Hội Hoa Kỳ và phục vụ tại Hoa Kỳ. Giáo Hội Hoa Kỳ đã bày tỏ niềm hân hoan đón nhận Ðức Cha Mai Thanh Lương thì các giáo dân Việt Nam chúng ta tại Hoa Kỳ lại càng phải hân hoan hơn nữa”.

Và để công viêc tiếp đón Ðức Cha được chu đáo, Ðức Ông đã chỉ thị Hội Ðồng Mục Vụ Việt Nam thành lập ủy ban đặc nhiệm do Tiến sĩ Trần An Bài cầm đầu để thi hành chương trình đón tiếp Ðức Cha Mai Thanh Lương.

ÐẤT HẸP NGƯỜI ÐÔNG

Ðền Thánh Tử Ðạo Việt Nam San Jose vẫn được ví von là nơi đất hẹp người đông, nhất là vào những ngày đại lễ, những ngày đón tiếp Ðức Cha vì ở đây vẫn được tiếng là nơi nghĩa thắm tình nồng. Do vậy có câu hát đùa rằng:

Ðền này nghĩa thắm tình nồng

Ai lên Ðền Thánh cũng không muốn về


Ngày Ðức Cha Mai Thanh Lương thăm Ðền Thánh, nơi này bỗng trở nên ngày hội. Không hò, không hẹn mà bà con khắp vùng bắc Cali cứ lũ lượt kéo nhau trở về Ðền Thánh. Có người từ Stockton xuống, từ Monterey về, có người từ San Francisco đến. Do vậy, những con đường dẫn đến Ðền Thánh vào sáng Chúa Nhật đều lâm tình trạng kẹt xe. Ðức Ông Ðỗ Văn Ðĩnh, một chút nữa là đến trễ giờ lễ, mặc dù từ nơi Ðức Ông cư ngụ đến Ðền Thánh chỉ cách chừng nửa dặm đường. Nhưng dù ở đâu đâu, muôn người như một, họ về đây trong tâm tư dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ chân thành, đã ban cho Giáo Hội Hoa Kỳ một vị chủ chiên Việt Nam đặc trách đoàn chiên tị nạn.

ECCE HOMO : ÐÂY LÀ NGƯỜI ẤY

Ðúng 10 giờ, dưới ánh nắng rạng rỡ của bầu trời San Jose, Ðức Cha Mai Thanh Lương, vị Giám Mục Tiên Khởi Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong phẩm phục và mũ gậy Giám Mục cùng Ðức Ông Ðỗ Văn Ðĩnh, Quản nhiệm Cộng Ðoàn Việt Nam Giáo Xứ Thánh Maria Goretti, quý Cha Trần Bình Trọng từ Virginia đến, cha Mai Ngọc Lợi, bào huynh Ðức Giám Mục, 80 tuồi từ Việt Nam sang, cha Nguyễn Ðức Huynh, Giám đốc Ðền Thánh Ðức Mẹ La Vang tại New Orleans, Cha Nguyễn Mạnh Tân, cha Bùi Quốc Khánh, Thầy Sáu Huỳnh Văn Ngọc và Thầy Sáu Hồ Tá Trung, tiến ra lễ đài giữa những âm thanh dồn dập của các hồi chiêng trống, chen lẫn những tiếng vỗ tay giòn giã của hơn một ngàn giáo dân đứng trong lễ đài hướng về phía Ðức Cha. Các em Hướng Ðạo, Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Dâng Hoa, đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm, Hội Các Cụ Cao Niên, hội các Bà Mẹ Công Giáo, trong bộ đồng phục và cờ đoàn, xếp thành hai hàng danh dự chào đón Ðức Cha. Trước quang cảnh đón tiếp thật long trọng và thắm tình cha con ấy, mắt Ðức Cha trở nên long lanh cảm động. Ngài nhìn sang trái, sang phải, miệng nở những nụ cười thật tươi như muốn nói với mọi người lời cám ơn chân thành. Ngài dừng lại trước tượng đài Ðức Mẹ Ban Ơn đã che chở Cộng Ðồng trong nhiều năm qua.

THÁNH LỄ TẠ ƠN

Trước khi cử hành thánh lễ, Ðức Ông Ðỗ Văn Ðĩnh đã đại diện cha chính xứ Kevin Joyce và toàn thể giáo dân giáo xứ thánh Mari Goretti ngỏ lời chào mừng Ðức Cha. Ðức Ông nói:

Quyết định của Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức Cha làm Giám Mục Việt Nam tiên khởi tại Hoa Kỳ đã làm chúng con, những người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, rất hãnh diện và phấn khởi.Ðức Cha đã chọn khẩu hiệu Giám Mục là: " Anh Em Không Còn Phải Là Người Xa Lạ" (Eph. 2: 19).

Vâng, vào tháng 4 năm 1975, khi làn sóng người Việt Nam tị nạn đầu tiên đặt chân lên đất Hoa kỳ thì tất cả người và vật đều xa lạ đối với chúng con. Nhưng ngày nay, sau hơn 28 năm, chúng con đã được chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đón nhận, và đặc biệt Giáo Hội Hoa Kỳ đã mở rộng cánh tay ôm ấp chúng con, như Người Mẹ hiền chăm sóc những đứa con hoạn nạn. Nhờ vậy mà ngày nay, chúng con không còn phải là người xa lạ đối với Giáo Hội Hoa Kỳ nữa, bởi vì một trong số những người anh em của chúng con đã được bổ nhiệm làm Giám Mục, làm một thành viên lãnh đạo cao cấp trong Giáo Hội Hoa Kỳ. Ðó là Ðức Cha Ða Minh Mai Thanh Lương, người đang hiện diện giữa chúng con đây.

Ðã từ nhiều năm qua, Ðức Cha đã theo dõi và gắn bó với mọi vui buồn xảy ra trong Cộng Ðồng Công Giáo San Jose này. Ðức Cha thường xuyên liên lạc bằng thư từ và điện thoại chia sẻ mọi cảm nghĩ của Ðức Cha với chúng con. Tất cả những vui buồn của Cộng Ðồng chúng con cũng là những vui buồn của Ðức Cha. Ðồng thời, niềm vinh dự của Ðức Cha được Toà Thánh cất nhắc lên hàng Giám Mục cũng chính là niềm vinh dự của chúng con.

Thật là một vinh hạnh vô cùng lớn lao cho giáo xứ Thánh Maria Goretti chúng con được đón tiếp Ðức Cha hôm nay. Con xin thay mặt cho toàn thể giáo xứ Thánh Maria Goretti, cũng như Cha Chánh Xứ Kevin Joyce - vì bận việc mục vụ không thể hiện diện trong buổi lễ này - hân hoan chào mừng Ðức Cha và cùng hiệp ý với Ðức Cha dâng lời cảm tạ Thiên Chúa trong Thánh Lễ hôm nay
.

Sau những tràng pháo tay giòn giã, tán thưởng bài diễn văn sâu sắc của Ðức Ông Ðỗ Văn Ðĩnh, Ðức Cha Mai Thanh Lương đứng lên đáp từ. Với giọng nói sang sảng đầy lạc quan, Ðức Cha đã làm mọi người ngạc nhiên đến xúc động. Ngài vắn tắt chào mừng giáo dân rồi hồi tưởng lại những kỷ niệm xa xưa. Ngài nói năm 1982 chính nơi này, nay gọi là Ðền Thánh Tử Ðạo Việt Nam, Ngài đã cử hành thánh lễ cùng với Cha Tịnh, cha Tường. Ðến năm 1986, biến cố đau thương mà người ta thường gọi là biến cố tôn giáo San Jose đã xảy ra tại khu thánh đường này đã làm tâm tư Ngài lúc nào cũng trăn trở, xót xa. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm, nhờ lời cầu nguyện, vấn đề đã được giải quyết thỏa đáng trong tinh thần hòa giải. Từ ngày đó, Ngài ước mong được trở lại đây để cùng giáo dân San Jose cử hành thánh lể tạ ơn, để cùng bắt tay nhau hợp tác xây dựng và củng cố tinh thần sống đạo của người Công Giáo Việt Nam trên đất Hoa Kỳ. Sau đôi ba phút ngỏ lời chào mừng, Ðức Cha và các cha đã đồng tế thánh lễ tạ ơn.

Buổi đại lễ hôm nay, trong số khách danh dự được Ðức Ông mời, người ta thấy có các dì dòng Mến Thanh Giá Quy Nhơn, các dì Tu Hội Tình Thương, các dì phước dòng La San. Sự hiện diện của các dì, lúc nào cũng làm cho buổi lễ thêm phần trang trọng và bóng dáng các dì lúc nào cũng làm cho khung cảnh chung quanh trở nên dịu dàng thánh thiện. Ðồng thời những bài thánh ca đã được ca đoàn Ðồng Tâm trình bày một cách nghệ thuật, đưa tâm hồn hàng ngàn người hoà nhập vào tâm tình thánh lễ tạ ơn.

Ðến phần thuyết giảng, ai cũng dự đoán hôm nay Ðức Cha sẽ dùng chủ đề tạ ơn để xin mọi người cùng với Ngài tán tụng hồng ân Thiên Chúa đã cất nhắc Ngài lên chức vụ Giám Mục, chăn dắt đoàn chiên Việt Nam tại Giáo Phận Orange. Tuy nhiên, lại không như dự đoán, Ðức Cha cũng kêu gọi mọi người tạ ơn, nhưng tạ ơn vì biến cố tôn giáo San Jose đã được giải quyết. Chúng tôi đã ghi âm được bài giảng thuyết có giá trị tài liệu lịch sử này và chuyển sang hình thức văn bản để cống hiến qúy độc giả.

BÀI GIẢNG CỦA ÐỨC CHA MAI THANH LƯƠNG: HÃY THA THỨ VÀ HÒA GIẢI

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Hôm nay, đứng trước quý ông bà và anh chị em, tôi có rất nhiều những tâm tình. Tôi không biết nói làm sao, nhưng chỉ cầu nguyện Chúa soi sáng cho tôi, để tôi chia sẻ một vài tâm tình mà tôi tin chắc rằng Ðức Ông Ðĩnh và tất cả mọi người ở đây chúng ta chưa có ai biết cả, có lẽ chỉ một hai người trong số giáo dân biết thôi.

Chúng ta biết là biến cố ở đây xảy ra năm 1986 khi một cha rất khả kính của chúng ta, cha Nguyễn Văn Tịnh, Ngài là bạn rất thân của tôi. Tôi đã biết ngài từ khi còn du học ở bên Ðức. Do biến cố 1975, ngài đã đến đây để giúp quý ông bà và anh chị em. Chúng ta biết rằng chúng ta đến một nơi xa lạ như Ðức Ông Ðĩnh đã nói. Mọi cảnh vật đều khác hẳn, từ văn hóa, từ ngôn ngữ, nhất là những tư tưởng của con người rất là khác nhau, khác biệt, thành thử ra chúng ta - đặc biệt là Cộng Ðoàn ở đây - chúng ta xảy ra một biến cố rất đau thương và có lẽ 14, 15 năm, chúng ta mới hàn gắn được. Tôi nói là năm 1986 cho đến năm 1999, chúng ta mới tạm yên ổn. Tức là chúng ta biết đúng 13 năm trời. Mà tôi biết rằng trong những năm đó, bề ngoài có nhiều sự không được tốt lành, nhưng trong tâm tư của nhiều người, tôi nói tâm tư của nhiều người, vẫn hằng cầu nguyện và vẫn hằng tìm mọi cách để chúng ta đi đến việc tuân theo Thánh ý Chúa.

Và chúng ta phải cảm tạ ơn Chúa sau những biến cố đó và nhất là sau những năm đặc biệt từ 200 năm kỷ niệm Ðức Mẹ hiển linh tại La Vang cho đến năm 2000, một thiên kỷ mới mà Ðức Thánh Cha đã công bố cho Giáo Hội, nhất là ngài nhấn mạnh về sự giải hòa, yêu thương và đoàn kết và chúng ta có lẽ cũng phải cảm tạ nhờ những ơn đặc biệt đó hay những đặc sủng đó mà cộng Ðoàn dân Chúa ở đây, không phải chỉ có ở trong giáo xứ Thánh Maria Goretti, mà tất cả Cộng Ðoàn dân Chúa giáo phận San Jose này, chúng ta bắt đầu hiểu nhau, bắt đầu nắm tay nhau. Lúc đầu nó còn ngượng nghịu, vì sau bao nhiêu năm chúng ta không nói một lời với nhau. Tuy nhiên, là người đồng hương, chúng ta vẫn coi nhau là những người xa lạ, nhưng mà nhờ ơn Chúa, Chúa đã ban cho chúng ta nhiều hồng ân.

Quý ông bà và anh chị em cứ tưởng tượng cách đây 25 năm, khi tôi dâng Thánh lễ ở nhà nguyện nhỏ này, khi nơi này Ðức Cha vừa mới cho phép mua sơ sở này thì tôi nhớ cha Tịnh và cha Tường có mời tôi về đây để dâng Thánh lễ và đồng thời cũng nói chuyện với nhau về một vài chương trình mà có lẽ chúng ta sẽ phát triển ở đây. Nhưng mà những chuyện đó là chuyện quá khứ và tôi vẫn nghĩ rằng khi sáng nay đến đây để dâng Thánh lễ, tôi không ngờ rằng sau 25 năm tôi lại đứng trước quý ông bà và anh chị em, dâng Thánh lễ trong bầu khí rất đặc biệt, bầu khí đó là bầu khí mà chúng ta đã là những người con Thiên Chúa, đáp ứng lời Người mời gọi và đáp ứng lời của Giáo Hội, nhất là trong thiên niên kỷ mới này. Chúng ta sống hoà thuận, yêu thương nhau và xây dựng trên nền tảng mà chính Chúa nói, đó là: Cứ dấu này người ta nhận biết chúng con là môn đệ của Thày là chúng con yêu thương nhau. Chúng ta cảm tạ Chúa, đó là ơn vô song Chúa ban cho mọi người chúng ta lớn nhỏ.

Ðứng trước quý ông bà và anh chị em, một đoàn người đông đảo như thế này, có lẽ tôi cũng phải cảm nhận rằng đây là một ơn đặc biệt của Thiên Chúa và xin chúng ta đừng có bao giờ quên.

Lời của Chúa trong Chúa Nhật hôm nay, nếu chúng ta dùng một số thời giờ để tìm hiểu ý nghĩa của Phúc Âm và Lời Chúa hôm nay rất đặc biệt. Chúng ta thấy trong sách Khôn Ngoan nói với chúng ta rằng chúng ta phải xây dựng sự khôn ngoan của Thiên Chúa trên bẩy cột trụ. Trong Phúc Âm, chúng ta biết rằng số 7 bao giờ cũng là số hoàn toàn, số đẹp nhất. Cho nên, Chúa có ý nói với chúng ta rằng: Ðấy, sau bao nhiêu năm sáng trời, chúng ta đã tìm thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vậy thì từ nay trở đi chúng ta phải làm sao cho sự khôn ngoan đó được bền vững trong tâm can của từng người chúng ta một. Chúng ta đừng bao giờ quên hồng ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.


Trong thư Thánh Phaolô hôm nay nhắn nhủ chúng ta: chúng ta đừng sống như những kẻ khờ dại. Có lẽ trong quá khứ, chúng ta nhìn lại và thấy rằng có một số trong chúng ta chắc chắn đã lâm vào cảnh khờ dại đó. Không phải chỉ có quý ông bà và anh chị em dân Chúa, mà tôi có thể nói rằng cả hàng ngũ chúng tôi là những linh mục, nữ tu cũng đã lâm vào cảnh đó một phần nào. Nhưng mà qua sự khờ dại đó, chúng ta học được sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà sách Khôn Ngoan gợi ý cho chúng ta hôm nay.

Chúng ta cảm tạ Chúa và chúng ta theo đường lối của Thánh Phaolô đi tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, siêu vượt hơn mọi sự khôn ngoan của loài người. Bao lâu chúng ta dựa vào sự khôn ngoan của loài người, bấy lâu chúng ta sẽ lâm vào cảnh lầm lạc. Quá khứ đã dạy chúng ta điều đó. Cho nên chúng ta hãy tìm sự khôn ngoan chân chính đó, sự khôn ngoan mà chỉ có đời sống kết hiệp với Chúa Kitô, nhất là trong bí tích Thánh Thể mà Phúc Âm của thánh Gioan hôm nay nói với chúng ta. Thực sự khi Chúa nói rằng: "Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời", chúng ta nghĩ ngay tới bí tích Thánh Thể. Ðiều đó là đúng, nhưng chúng ta cũng phải nghĩ rộng hơn nữa là Chúa không những nuôi dưỡng chúng ta bằng bí tích Thánh Thể mà bằng lời của Chúa, bằng Phúc Âm của Chúa, bằng những lời chỉ dẫn của những người khôn ngoan đại diện cho Chúa. Chúng ta cũng cần phải được nuôi dưỡng bởi những lời khôn ngoan đó.

Trong Phúc Âm khi Chúa Giêsu, trước khi thi hành công việc vĩ đại nhất của Ngài là mang ơn cứu rỗi đến cho nhân loại, Chúa Giêsu đi vào sa mạc và ăn chay 40 đêm ngày và chúng ta thấy chước cám dỗ đầu tiên của Ngài là chước cám dỗ khi Ngài đói, ma quỷ hiện ra và nói với Ngài: "Hãy biến những viên đá này trở thành bánh!" Chúa Giêsu có thể làm việc đó ngay lập tức, nhưng chúng ta biết ý thâm độc của ma quỷ là muốn cho Ngài biết rằng tuy là Thiên Chúa trong bản tính của con người, Ngài cũng mang những yếu đuối của nhân loại. Cho nên, chước cám dỗ đó cũng là cám dỗ chung của tất cả chúng ta. Nhưng chúng ta phải học nơi Chúa Giêsu bài học là Ngài phản ứng thế nào trong khi bị cám dỗ. Ngài nói thẳng với ma quỷ rằng con người sống không nguyên bởi bánh, mà bởi những lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Con người phải được nuôi dưỡng bởi lời của Chúa, bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà hôm nay sách Khôn Ngoan cũng như thư của thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta.

Cho nên trong tâm tình của thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay, trước sự hiện diện của quý cha, quý sơ và những người đã và đang cầu nguyện, đã hy sinh rất nhiều cho quá khứ đau thương của chúng ta. Và hôm nay chúng ta có một ngày, có thể nói được là ngày vinh thắng, ngày mà chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã giúp chúng ta là người đồng hương với nhau biết học hỏi nơi Chúa bài học yêu thương, bài học bác ái, bài học tha thứ, bài học nhịn nhục, bài học mà có thể nói được rằng chỉ có ơn Chúa, chúng ta mới làm được và chỉ có ơn Chúa chúng ta mới quên quá khứ đó đi được, sau bao năm tháng.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đặc biệt trong Thánh Lễ hôm nay, như tôi nói ngay lúc đầu, cho những người đã âm thầm hy sinh xây dựng sự hòa thuận yêu thương cho Cộng Ðoàn dân Chúa ở đây. Ðầu Thánh Lễ, Ðức Ông Ðĩnh có nói một chút, nhưng đây là lúc tôi muốn nói với quý ông bà và anh chị em. Từ năm 1986, khi biến cố xảy ra ở đây, tôi vẫn bằng một cách này cách khác, liên lạc với người này người khác để làm sao cho chúng ta đi tới hòa thuận yêu thương. Có lẽ tới 10 lần, tôi phải nói tới 10 lần, có lẽ là hơn, tôi đã âm thầm bay từ New Orleans sang đây, có khi gặp một người, có khi gặp 2, 3 người, rồi tôi lại trở về New Orleans, mà chỉ người đó với tôi biết là chúng ta phải làm sao để chúng ta đi tới sự yêu thương hoà thuận mà ngày hôm nay chúng ta đã thành đạt
.

Tôi không muốn nói tới những công ơn của tôi. Ðấy chỉ là một chút rất nhỏ, một chút rất nhỏ. Trước khi chúng ta quyết tâm trở về để làm hòa với nhau, một biến cố rất đau thương xảy ra mà có lẽ nhiều quý ông bà cũng không biết là chính lúc chúng ta quyết tâm trở về để làm hòa với nhau, rất nhiều người vẫn còn nghi ngờ và cho rằng chúng ta là những người đóng kịch, chúng ta là những người giả dối, chúng ta là những người không nói sự thực và có lẽ phải hơn một năm trời chúng ta mới trải qua được những khó khăn đó và trong đó tôi biết chắc một điều là có một số người phải đau khổ rất nhiều, một cách rất âm thầm. Cho nên hôm nay trong Thánh Lễ này, không những chúng ta tạ ơn Chúa và chúng ta cũng dâng lên Chúa tất cả những lao công khó nhọc đó. Những của lễ đó mới là của lễ chắc chắn Chúa sẽ nhận và của lễ đó sẽ trở thành nền tảng hay là một trong 7 cột trụ mà sách Khôn Ngoan nói đến hôm nay để chúng ta xây dựng nền tảng Phúc Âm và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Trong Thánh Lễ, tôi không thể đi vào chi tiết cho nhiều được, nhưng trong tương lai, nếu cần, chúng ta có thể học hỏi với nhau và chúng ta có thời giờ để đi sâu vào hơn, nhưng bây giờ chúng ta tạm ngừng ở đây và chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa với nhau, nhất là trong nghi thức chúng ta chia sẻ chính Mình và Máu Thánh Chúa với nhau để chúng ta kết hiệp với Ngài và nên một với nhau trong một Cộng Ðoàn dân Chúa. Chúng ta cố gắng thề hứa với nhau là chúng ta quyết tâm yêu thương theo mẫu gương của Chúa Giêsu, theo mẫu gương của chính Ðấng Cứu Thế, Ngài đến để hy sinh chính mạng sống của Ngài để chúng ta học hỏi nơi Ngài bài học yêu thương, tha thứ, đoàn kết và hiệp nhất với nhau, và ơn đó chúng ta biết trước khi Chúa Giêsu vào cuộc tử nạn, có lẽ nhiều vị tông đồ, những người theo Ngài muốn học hỏi nơi Ngài những quyền năng làm phép lạ, nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh cho các ông rằng: cứ dấu này người ta nhận biết chúng con là môn đệ của Thày là chúng con hãy yêu thương nhau.

Thưa tất cả quý ông bà và anh chị em hiện diện nơi đây và nhất là những ai đã chịu đau khổ trong những năm vừa qua, chúng ta phải ghi sâu lời đó. Chính dấu mà chúng ta chịu đau khổ vác Thánh Giá với Chúa, chúng ta nhịn nhục với Chúa mà chúng ta có ngày hôm nay, ngày mà chúng ta có thể nói được rằng chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình đức tin trong niềm tin, trong yêu thương và trong tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam của chúng ta.

Ước chi tất cả những ý nguyện này Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta, ban cho chúng ta mỗi người được sự bình an của Ngài trong chính tâm hồn mình.

Chúng ta xin Ðức Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của những con cái Việt Nam, đặc biệt Ðức Mẹ La Vang như Mẹ đã hứa tại nơi Mẹ hiển linh: "Những ai đến đây kêu cầu Mẹ, không bao giờ ra về mà Mẹ không nhận lời."

Thưa quý ông bà và anh chị em,

Ðức Mẹ không phán lời này với một dân tộc nào khác trên thế gian này, chỉ có người VN của chúng ta.

Ước chi chúng ta sống xứng đáng với lời mà Ðức Mẹ đã cam kết với chúng ta và dân tộc chúng ta để chúng ta mỗi ngày một gắn bó với Ðức Mẹ, nhờ Mẹ, với Mẹ, để chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Amen
.

Bài giảng vừa chấm dứt, những tràng pháo tay của giáo dân làm cả khu Ðền Thánh vang động và chúng tôi nhận thấy trong khóe mắt nhiều giáo dân, những dòng lệ mừng mừng, tủi tủi tuôn trào trên hai gò má. Trong khi đó nhiều giáo dân nở những nụ cười thật rạng rỡ vui tươi.

TÌNH XƯA NGHĨA CŨ

Trước khi thánh lễ chấm dứt, Tiến sĩ Trần An Bài, đại diện ban tổ chức lên lễ đài cám ơn Ðức Cha đã về Ðền Thánh Tử Ðạo Việt Nam dâng lễ tạ ơn. Nhân dịp này, trước sự hiện diện của Ðức Cha, ông ôn lại mối giây liên hệ giữa Ðức Cha Mai Thanh Lương với Công Ðồng Công Giáo Việt Nam tại San Jose. Ông phát biểu như sau:

Đã từ lâu lắm rồi, mỗi lần Đức Ông Mai Thanh Lương về thăm San Jose, ngài cũng đến nhà thờ giáo xứ Thánh Maria Goretti cử hành thánh lễ, rồi qua bên Nguyện Đường Các Thánh Tử Đạo VN này ăn sáng, với một phong dáng vui tươi, bình dị, nhưng đượm tình cha con.

Hôm nay, Đức Cha trở về nơi thân thương này trong một khung cảnh đón tiếp long trọng khác thường. Tại sao lại có sự khác thường này? Ấy cũng tại Đức Cha thôi. Hôm nay, Đức Cha về thăm lại nhà xưa cảnh cũ của chúng con với một phẩm phục mới khác thường, một chiếc mũ đỏ mới khác thường, một chiếc gậy vàng mới khác thường, một chiếc nhẫn mới khác thường, và một tước hiệu mới cũng khác thường: "Đức Cha Mai Thanh Lương". Đức Cha không những là niềm hãnh diện chung của Giáo Hội Công Giáo VN., mà còn riêng của Cộng Đồng Công Giáo VN San Jose chúng con nữa.

Thông thường thì "Ông" phải cao trọng hơn "Cha", nhưng với tước hiệu trong Giáo Hội Công Giáo VN thì "Đức Cha" lại cao trọng hơn "Đức Ông". Tuy vậy, đối với chúng con, "Đức Ông Mai Thanh Lương" hay "Đức Cha Mai Thanh Lương" lúc nào cũng chỉ là một, và là một trong những người cha thân thương nhất của chúng con.

Thiên Chúa an bài thật kỳ diệu. Tuy chúng con không còn gọi "Đức Ông Đa Minh" nữa, mà là "Đức Cha Đa Minh", nhưng Cộng Đồng chúng con vẫn còn có một "Đức Ông Đa Minh" khác để gọi, đó là "Đức Ông Đa Minh Đỗ Văn Đĩnh", cũng hiền hòa dễ thương vô cùng.

Kính thưa Đức Cha,

Con là một chứng nhân với đầy đủ bằng chứng để có thể khẳng định rằng đã từ bao năm qua, Đức Cha là người hằng ưu tư và gắn bó với mọi thăng trầm của Cộng Đồng Công Giáo VN San Jose này. Từ năm 1986 cho đến thời gian gần đây, dù ở mãi bên New Orleans, nhưng Đức Cha vẫn viết nhiều thư về San Jose này, cho các giới chức trong giáo phận và cho cả chúng con nữa, để kêu gọi và đề nghị các giải pháp thể hiện tình đoàn kết và thương yêu của Chúa Kitô.

Rồi mỗi khi các giải pháp của cơ sở này được đề ra thì Đức Cha cũng vẫn là người can đảm tình nguyện đứng ra đóng một vai trò rất tích cực.Có thể nói mọi nỗ lực, mọi giải pháp trong quá khứ của Cộng Đồng này đã gây nhiều lo âu và phiền muộn cho Đức Cha. Dầu vậy, con thấy Đức Cha vẫn không nản chí. Mãi cho đến năm ngoái, một giải pháp thích hợp nhất được thành hình, đem lại sự hòa giải và an bình cho Cộng Đồng Công Giáo VN San Jose.

Chúng con tin chắc rằng giải pháp này cũng đã làm Đức Cha hài lòng, và nhờ vậy mới có buổi lễ ngày hôm nay tại Nguyện Đường Các Thánh Tử Đạo VN này.

Chúng con cảm tạ Chúa vì sự vinh thăng Giám Mục của Đức Cha đến kịp thời, ngay sau ngày hòa giải của Cộng Đồng chúng con.

Kính thưa Đức Cha,

Tất cả mọi biến cố rồi sẽ đi vào quá khứ, và tạo thành lịch sử. Quá khứ của Cộng Đồng Công Giáo VN San Jose chúng con phần nào được gắn liền với sự nghiệp của "Đức Ông Mai Thanh Lương".

Hôm nay, ngồi dưới chiếc mái dù khổng lồ này, bất chấp cơn nóng nực và những giọt mồ hôi lã chã, Đức Cha đang chứng kiến tận mắt những nét mặt rạng rỡ của từng người chúng con, những người đã là chứng nhân của những vất vả của Đức Cha và cũng là nạn nhân của những đau khổ mà Đức Cha đã nhắc tới trong bài giảng. Những đau khổ ấy của chúng con ngày nay đã nở hoa và trở thành niềm vui khôn tả. Niềm vui này thực sự được phản ảnh bởi những nụ cười thật tươi của Đức Cha: Tất cả đều là hồng ân Chúa ban cho cha con chúng ta trong ngày hội ngộ cảm động này
.

Bài diễn văn của vị đại diện ban tổ chức đã bị ngắt quãng nhiều lần vì những tràng pháo tay giòn giã, hoan hô tinh thần và con người của Ðức Cha Mai Thanh Lương. Thánh lễ tạ ơn đã kết thúc lúc 11giờ 15, sau đó là đại tiệc và văn nghệ đón mừng Ðức Cha.

ÐỘC NHẤT VÔ NHỊ - NHÀ HÀNG LỘ THIÊN CÁC THÁNH TỬ ÐẠO VIỆT NAM

Lễ đài là khu vực rộng lớn được kê với hàng ngàn chiếc ghế, thế mà chỉ trong 15 phút, mỗi người một tay, già trẻ lớn bé đã dẹp các ghế sang một bên, kê 40 bàn, trải khăn, bày biện đủ thứ bát, chén, ly, cốc, đũa, muỗng đủ cho 10 người mỗi bàn. Thành quả mau lẹ đó là nhờ tinh thần đoàn kết, hy sinh của mọi người trong cộng đồng.Trong những lần đại tiệc trước, phần phục vụ, đều do các anh chị trong Ca Ðoàn Mông Triệu của Giáo Xứ đảm trách. Nhưng lần này các anh chị ấy bận rộn vì lo tổ chức mừng lễ bổn mạng là lễ Ðức Mẹ Lên Trời, nên các huynh trưởng và các em trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, trong bộ đồng phục, cổ thắt khăn quàng màu đỏ, đã đảm trách công việc tiếp tân, đưa các món ăn ra các bàn tiệc. Các em đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc bất ngờ. Nhưng chuyện cảm động nhất vẫn là sau bữa tiệc, một số em thiếu nhi Thánh Thể đã tình nguyện đứng trong nhà bếp rửa những chồng chén, bát, ly, tách chất cao tới gần trần nhà. Trước những hành động phi thường đó, người ta chỉ còn biết nhận định rằng: Quả thật, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam đã là một môi trường giáo dục thanh thiếu niên tuyệt vời nhất.

Cùng với cung cách phi thường của Thiếu Nhi Thánh Thể, các em trong Ðoàn Hướng Ðạo của Cộng Ðồng cũng đã góp phần rất lớn trong việc giữ trật tự, làm cho buổi lễ thành công mỹ mãn. Suốt buổi lễ, với nhiều sinh hoạt diễn ra mọi nơi, nhưng chổ nào cũng đi vào nền nếp, trật tự. Không có sự kiện nào đáng tiếc đã xảy ra. Khu vực nhà bếp, nơi người ta bưng ra hàng trăm đĩa thức ăn đã được bảo vệ nghiêm nhặt, không có cảnh chen lấn hoặc ra vào mất rật tự nên không có hiện tượng thức ăn bị đổ tháo.

Trong khi mọi người thưởng thức bữa ăn trưa, thì trên sân khấu, các đoàn thể thi nhau trình diễn văn nghệ mừng Ðức Cha. Các em đoàn Dâng Hoa với vũ điệu "Trống Cơm" tuyệt vời và đồng ca bài "Thánh Ða Minh". Các em Thiếu Nhi Thánh Thể múa nón qua những bài dân ca ba miền. Còn các cụ Hội Cao Niên ngâm thơ ca ngợi thánh cả Ða Minh là quan thầy Ðức Cha Mai Thanh Lương và Ðức Ông Ðỗ Văn Ðĩnh. Các anh chị trong Ca Ðoàn Mông Triệu đã trình diễn vũ điệu "Chồng sớm" mà khách thưởng lãm cứ nhớ mãi câu dân ca hài hước “Có Bốn Chân Giường Gẫy Một Còn Ba.” Chương trình văn nghệ tuy nói là “bỏ túi” nhưng cũng đã gây cho thực khách những trận cười nghiêng ngả.

NHẤT CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO.

Khi bữa tiệc gần chấm dứt, theo lệ thường, Ðức Ông Ðỗ Văn Ðĩnh và Tiến sĩ Trần An Bài hướng dẫn Ðức Cha đi đến các bàn tiệc để giáo dân được chụp hình và tâm sự to nhỏ. Nhưng lần này thì khác. Ðức Cha Mai Thanh Lương bị hội Các Bà Mẹ Công Giáo, “bắt cóc áp tải đi trước”. Bà Mai Công Hiệt cùng với bốn bà lo phần bếp núc, từ nhà bếp chạy ra sau lưng Ðức Cha phân bua :

- Ðức Cha ơi, chúng con bị thiệt thòi quá. Cha coi! Ðức Cha nào về đây cũng bị mấy ông sắp xếp cho thăm nhà bếp chúng con sau cùng. Hôm nay nhất định là không chịu nữa. Chúng con phải được hân hạnh chụp hình với Ðức Cha đầu tiên.

Bà Thịnh thêm dầu vào lửa:

-Thưa Ðức Cha, đúng như vậy,

Rồi bà khoe:

- Ðức Cha biết không, chúng con thức dây sớm, nấu nướng bữa tiệc từ 2 giờ sáng đến giờ đấy.

Bà Ðinh Ngọc Long đứng cạnh Ðức Cha dí dỏm phụ họa:

- Ðứng nấu bếp mà người đẹp hoa hậu cũng thành hoa héo, hoa ôi hết Ðức Cha ơi.

Ðức Cha rất vui khi nghe những ý tưởng ngộ nghĩnh và lúc Ngài đang tỏ ý thán phục lòng hy sinh của các bà thì hình như có ai "mách nước", Ðức Cha cố tình đi tìm cho ra Bà Bài, Hội Trưởng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo. Mãi sau mới tìm được ở xó bếp. Bà phân bua:

- Vất vả thì vất vả, nhưng cứ có các Ðức Cha về là chúng con vui rồi. Năm tới Ðức Cha về nghỉ hè ở San Jose nữa nhé.

Qua các câu chuyện dễ thương đó, Ðức Cha đã vui vẻ nghe theo “lệnh”các bà, đi vào nhà bếp chụp hình và trò truyện với hội viên Các Bà Mẹ Công Giáo. Các bà được thể quây quần quanh Ðức Cha, nở những nụ cười thật rạng rỡ. Sau đó, Ðức Cha ra các bàn tiệc thăm hỏi và chụp hình lưu niệm với khoảng 400 giáo dân dự tiệc. Những người được chụp hình tỏ ra hãnh diện. Có người bày tỏ tâm tình:

- Ðức Cha bình dân tươi vui quá. Giá mà San Jose được một Ðức Cha Việt Nam như vậy thì hãnh diện biết mấy!!

Ðức Cha ra về lúc 1 giờ 30 chiều để lại trong tâm tư giáo dân San Jose những kỷ niệm thân thương khó quên. Hình ảnh một người Cha bao dung, lúc nào cũng muốn ôm ấp những người con Việt Nam vào lòng sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm khảm người tín hữu Ðền Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Và chúng tôi tin rằng họ sẽ đem ra thực hiện trong đời sống ý nghĩa câu “Anh em không còn phải là người xa lạ nữa.” (Eph. 2: 19)