CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Một giáo lý viên đã lớn tuổi thật thà chia sẻ: Trước kia, khi mới dạy giáo lý dự tòng, cầm cuốn giáo lý là ông dạy từ đầu đến cuối. Nhưng sau này, ông lại làm ngược lại: dạy phần cuối cùng trước, rồi đi lên dần. Có nghĩa là ông bắt đầu dạy các dự tòng cầu nguyện trước tiên, sau đó dạy về luân lý, cuối cùng mới là phần tín lý.

Ông cho biết lý do vì sao ông lại làm chuyện xem ra ngược đời ấy: “Vì tôi nghĩ, một người mới bắt đầu theo Chúa, họ phải được gặp Chúa trước, để từ đó họ sống với anh em. Vì nghĩ như thế, tôi giúp họ cầu nguyện trước”.

Từ đời sống cầu nguyện bắt đầu chớm nở đó, ông nói với họ về lòng Thiên Chúa yêu thương, về sự hiến thân của Đấng là Thiên Chúa làm người, lòng tha thứ Thiên Chúa dành cho con người…

Khi họ đã có thể hiểu một cách tương đối, ông nói với họ về Điều răn của Thiên Chúa, về tám Mối phúc của Chúa Giêsu.

Sau khi đã bắt đầu hình thành một đời sống Kitô hữu như thế, ông đưa họ vào các chân lý đức tin, qua việc giúp họ hiểu giáo lý, trong đó có niềm tin vào Chúa Phục sinh. Đó là những chân lý rất khó, sẽ càng khó đón nhận hơn, nếu không được chuẩn bị, ít là những điều cần thiết một cách cơ bản.

Ông bảo rằng, Thiên Chúa đã trợ lực cho ông. Chính Người dùng miệng lưỡi của ông mà nói với dân của Người. và cũng chính ơn của Chúa đã đồng hành với anh chị em, để những gì xuất phát từ môi miệng ông, anh chị em có thể hiểu được và tin.

Kể chuyện về người giáo lý viên nói trên để thấy rằng, chúng ta không phải là những kẻ dễ tin. Nhất là thời đại khoa học phát triển đến mức chóng mặt như hiện nay, người ta vịn vào khoa học để giải đáp mọi vấn đề, thì những chân lý đức tin, như vấn đề thân xác sống lại chẳng hạn, càng không dễ dàng chấp nhận.

Anh chị em dự tòng đi học giáo lý, chắc Thiên Chúa phải ban ơn cho họ, để họ tin. Vì một người đã lớn khôn, đã có sự hiểu biết, rất bình thường về năng lực lý trí, bây giờ được nói tới những chân lý đức tin xem ra khá xa xôi, vậy mà họ có thể chấp nhận. Ít là có thiện chí để chấp nhận. Tôi nghĩ, Thiên Chúa phải chuẩn bị cho họ nhiều lắm.

Hôm nay suy niệm Tin Mừng về việc Chúa Phục sinh hiện ra với tông đồ Tôma, tôi thấy cả tôi cũng được Chúa chuẩn bị bằng ơn thánh của người.

Cũng giống như sự chuẩn bị cho các dự tòng và tân tòng, hoặc cũng giống như bản thân thánh Tôma, Chúa đã chuẩn bị cho thánh nhân đón nhận đức tin cách hoàn hảo khi đáp ứng yêu cầu “được xỏ vào lổ đinh, được thọc tay vào cạnh sườn” của Chúa. Để qua cuộc khám phá diện đối diện với Chúa Phục sinh của thánh Tôma, Chúa Phục sinh ban cho tôi một bằng chứng xác thực. Đó là sự chuẩn bị đức tin, Người dành cho tôi, để bây giờ tôi tin Người .

Có người trách thánh Tôma là cứng lòng tin. nhưng riêng tôi, tôi thầm cám ơn thánh Tôma. Cám ơn, vì nơi thánh nhân, tôi thấy chính mình. Bởi không dễ dàng gì, một sớm một chiều tôi tin Chúa sống lại. Tôi cám ơn thánh Tôma do hai lý do:

Lý do thứ nhất: để có được đức tin, chắc chắn tôi cũng sẽ đòi bằng chứng. Chúa Giêsu đã trả lời bằng một bằng chứng mạnh mẽ nhất: cho xem chính thân xác của Người. “Tôma, hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh trên tay Thầy, hãy thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy”.

Ngày xưa, với một bằng chứng xác thực, Chúa bảo đảm cho đức tin của thánh Tôma đã vậy, ngày nay đó cũng là một bảo đảm cho chính đức tin của tôi. Vì Chúa của tôi đã sống lại thật. Người trả lời cho tôi không phải bằng lời, nhưng bằng thân xác Phục Sinh đích thật của Người.

Lý do thứ hai: Nhờ sự đòi hỏi bằng chứng xác thực của thánh Tôma, tôi biết mình có phúc. Vì Chúa Phục Sinh đã nói: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con tin, phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Từ lời của Chúa Phục sinh, chúng ta vui mừng mà chúc phúc cho nhau: Phúc cho ông, phúc cho bà, phúc cho anh chị em, phúc cho các bạn là những người trẻ, phúc cho các bé thiếu nhi, phúc cho tôi, phúc cho tất cả chúng ta…, vì chúng ta không hề thấy nhưng lòng tin tưởng thì rất lớn lao.

Đặc biệt, trong những ngày này, chúng ta không thể quên các anh chị em tân tòng. Phúc thật, phúc lớn cho những anh chị em tân tòng, những người vừa mới đón nhận đức tin, đặt biệt những anh chị em mới đón nhận đức tin trong dịp lễ Phục Sinh. Họ cũng là những người giống như bạn, như tôi: đã không thấy mà tin.

Các bạn tân, dự tòng thân mến, Giáo Hội đã trao cho chúng tôi kho tàng đức tin. Giáo Hội cũng đã hoặc sẽ trao cho các bạn đức tin ấy. Nếu chúng tôi đã lãnh nhận kho tàng đức tin, đã sống và gìn giữ kho tàng quý giá đó suốt cả cuộc đời chúng tôi. Nếu chúng tôi đã tuyên xưng đức tin và hãnh diện nhận mình là người Công giáo, chúng tôi cũng mong muốn, và cả ước ao tha thiết nữa, các bạn sẽ bền tâm giữ đạo đến giây phút cuối cuộc đời. Vì đức tin mà các bạn vừa có được là do sự chọn lựa của chính các bạn. Chính các bạn quyết định lãnh nhận bí tích rửa tội để vào đạo, chứ không do bất kỳ ai thúc ép.

Tất cả chúng ta, dù là người đã đi đạo từ lâu, hay chỉ mới đi đạo, thậm chí mới được rửa tội đúng một tuần, hay đang là dự tòng, chúng ta mang trong lòng mình một niềm xác tín lớn lao về Chúa Kitô Phục sinh. Bởi đó, chúng ta cũng cưu mang niềm hy vọng phục sinh như Chúa của mình đã phục sinh.

Đức tin vào ơn Phục sinh là niềm xác tín của cả Giáo Hội nói chung. Nhưng rất đặc biệt, vì đức tin ấy cũng đã trở thành niềm xác tín của riêng từng người là con cái của Giáo Hội.

Chúng ta xác tín mạnh mẽ rằng, tin vào ơn Phục sinh là một đức tin đã được chính Chúa chuẩn bị để ta có thể cưu mang và sống suốt cuộc đời của mình. Đức tin vào ơn Phục sinh cũng chính là lời chúc phúc trọng đại dành cho từng người, cho bạn cho tôi.

Bạn ạ, tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt, ra ngoài cái có thể thấy hay cảm nhận được. Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu của thánh Tôma. Nhưng chúng ta, rõ ràng nhất là các tân, dự tòng, lại được thấy Chúa qua đức tin của thánh Tôma, của Giáo Hội và của biết bao chứng nhân trong Giáo Hội.

Thông thường, ta vẫn nghĩ thánh Tôma thật là diễm phúc vì được Chúa trả lời cho sự chất vấn về đức tin của thánh nhân. Thánh Tôma cũng như nhiều môn đệ khác, thật diễm phúc vì nhìn thấy Chúa Giêsu Phục sinh cách nhãn tiền.

Nhưng Nói cho cùng, tin mà vẫn không thấy, chúng ta vẫn là người có phúc, phúc lớn. Tin mà vẫn không thấy, đó là đức tin mạnh, mạnh vô cùng. Tin mà vẫn không đòi bằng chứng, chỉ cần lời giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta đáng hãnh diện về mình, một niềm kiêu hãnh thuộc về một giá trị tuyệt đối.