ROMA, (Zenit.org) - Hàng ngàn tín hữu đã tập trung tại Pristina, thủ đô của Kosovo, vào hôm thứ Bảy vừa qua để khánh thành nhà thờ chính tòa Công Giáo, kính chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta, đã được Cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong vào năm 2003. Nghi lễ này nằm trong chuỗi sự kiện được tổ chức, trong suốt năm nay, để mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của vị nữ tu (26 tháng Tám 2010), gốc Albania và sinh tại Macedoine, người sáng lập dòng Thừa Sai Bác Ái, từng cống hiện suốt 50 năm cuộc đời cho các bệnh nhân và những người chịu thiệt thòi tại Ấn Độ và trên thế giới. Mẹ Têrêsa qua đời cách đây 13 năm, vào ngày 5 tháng Chín 1997.

Đoàn rước các linh mục đã đi ngược lên đường phố chính của Pristina. Bên trong nhà thờ chính tòa được xây bằng gạch đỏ, các tín hữu vẫy dải khăn trắng và những biểu ngữ. Trong khi đó một vài người mặc trang phục truyền thống và giương cao quốc kỳ Albania.

Quyết định công việc xây dựng nhà thờ chính tòa đã được Cố Tổng Thống Ibrahim Rugova đưa ra vào 2007. Nhà lãnh đạo tượng trưng trong việc đòi độc lập cho Kosovo từ Serbia, trước khi qua đời, chính ông đã trở lại đạo Công Giáo.

Những nguồn tin chính thống trong Giáo Hội khẳng định rằng còn cần phải mất chừng hai năm trước khi nhà thờ chính tòa hoàn toàn được khánh thành.

Kosovo đã đơn phương tuyên bố độc lập vào ngày 17 tháng Hai 2008, tuy nhiên Serbia vẫn đòi lấy lãnh thổ này, và nền độc lập của Kosovo đã không được nhiều quốc gia công nhận trong đó có Tây Ban Nha.

Tổng Thống Kosovo Fatmir Sejdiu cho biết có nhiều nhân vật thuộc giới chính trị, ngoại giao, tôn giáo của các niềm tin khác nhau đến Kosovo để tham dự nhiều hoạt động của « Năm Mẹ Têrêsa » nhằm tôn vinh người nữ tu Công Giáo này.

Mặc dù tỉnh miền này thuộc Nam Tư cũ là một Tiểu Bang tục hóa với 90 % là người Hồi Giáo, chỉ 5% là Công Giáo và số còn lại là Chính Thống Giáo, các bưu điện của Koso vô đã phát hành con tem hình vị sáng lập dòng Thừa Sai Bác Ái.

Theo các dự án xây dựng hiện nay, nhà thờ chính tòa sẽ là tòa nhà cao nhất của Kosovo. Việc thi công được thành phố Pristina, các Hội Truyền Giáo Công Giáo Châu Âu và nhiều cá nhân đóng góp tài chính.