Seoul (AsiaNews) - Một Kitô hữu truyền giáo ở Bắc Hàn đã bị tra tấn và sau đó chết trong một nhà tù ở Bình Nhưỡng. Người em trai của nạn nhân đã chia sẻ câu chuyện này và công khai nó. Trong một cuộc phỏng vấn khá lâu, ông đả kích chế độ Bắc Hàn (CHDCND Triều Tiên), gọi nó là "giả nhân", cố thâu tóm hết luật lệ, kể cả dân sự và tâm linh.

Ông Son Jung-hun, hiện đang sống tại Nam Hàn (Hàn Quốc), đã trở thành một Kitô hữu sùng đạo sau khi anh trai Son Jong-nam của ông bị kết án tử hình bởi chế độ Stalin cuối cùng trên thế giới.

Son Jong-nam qua đời ở tuổi 50. Sinh ra ở Bình Nhưỡng ngày 11 tháng 3 năm 1958, ông đã trải qua 10 năm trong đội vệ sĩ chủ tịch nước, ông bị sa thải ra khi đã là thượng sĩ vào năm 1983.

Là một quân nhân, ông đã dành cả cuộc đời mình để chiến đấu chống "Đế quốc Mỹ", nhưng vào năm 1997, vợ ông đang mang thai 8 tháng thì bị bắt giữ vì đã lên tiếng cáo buộc ông chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-il tàn phá nền kinh tế và gây ra nạn đói hàng loạt cho Bắc Hàn. Thường thì việc này đủ để bị tử hình.

Để có cho bằng được lời thú nhận của bà, viên thẩm vấn đã đá vào bụng bà khiến bà bị sẩy thai. Tuyệt vọng và sợ hãi, ông Son và gia đình ông chạy trốn sang Trung Quốc vào năm 1998. Bảy tháng sau khi trốn thoát, vợ ông cũng qua đời vì bệnh máu trắng.

Mặc dù tuyên bố rằng quyền tự do tôn giáo được đảm bảo, nhưng nhà nước Bắc Hàn đã có những phương thức bách hại các tín hữu cho từng tôn giáo. Kitô hữu đặc biệt bị cô lập bởi vì họ tin vào một tôn giáo mà nhà nước coi là "phương Tây" và bằng cách nào đó có liên hệ với Hoa Kỳ.

Hình thức thực hành tôn giáo duy nhất được cho phép trong nước này là sự sùng bái nhà độc tài Kim Jong-il và cha của ông ta, "chủ tịch vĩnh viễn" Kim Il-sung.

Chỉ có 3 nhà thờ ở Bình Nhưỡng, hai thuộc Tin Lành và một thuộc Công giáo, nhưng không có giáo sĩ nào cả. Đối với nhiều người, những nơi này có chỉ là để đánh lừa du khách khi họ đến với thủ đô.

Cuộc nội chiến Liên Triều kết thúc bằng một hiệp ước đình chiến vào năm 1953, sau đó, chế độ Cộng sản miền Bắc đã thành công trong việc loại trừ tất cả các tín hữu Kitô giáo và chủ chăn của họ. Gần đây, các nguồn tin từ Bắc Hàn nói với AsiaNews rằng, có khoảng 200 người Công giáo vẫn còn sống, chủ yếu là người già cả.

Truyền giáo ở một nơi như vậy là gần như không thể. Một số nhóm Kitô giáo đã cố gắng dùng người tị nạn Bắc Hàn cho mục đích này. Sau khi đào tạo thì họ được gửi trở về miền Bắc.

"Tôi lo lắng rất nhiều mỗi khi tôi được gửi về lại miền Bắc, vì tôi biết loại hình phạt nào sẽ dành cho tôi nếu bị bắt", linh mục Isaac Lee, một người Mỹ gốc Hàn Quốc đang làm công tác truyền giáo nói.

Son Jong-nam là một trong những người được gửi về Bắc Hàn. Ông đã bị bắt và bị trừng phạt. Mang theo 20 quyển Kinh Thánh và 10 băng cát-xét, ông trở lại Bắc Hàn, nơi đây ông đã gần như bị bắt ngay lập tức. Ông bị chuyển đến một trại tù, bị tra tấn buộc phải thú nhận "tội lỗi của mình", và bị kết án tử hình. Ông qua đời vào tháng 11 năm 2008.

Chỉ mới một vài tuần trước, người em trai Son Jung-hun đã nói về cái chết của ông Son Jong-nam thông qua một người tị nạn khác.

"Tôi tin rằng tôn giáo đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của anh ấy", ông Son nói. "Anh ấy đã hy vọng có một ngày nào đó anh ấy có thể mở một nhà thờ cách tự do tại Bình Nhưỡng, và giảng dạy Tin Mừng".

(Nguồn: http://www.asianews.it/news-en/N-Korean-Christian-tortured-to-death-for-having-Bibles-at-home-18874.html)