Bốn mươi năm “Sự Sống Con Người”(tiếp theo)

Cưỡng bức kỹ thuật học ngừa thai

Bốn mươi năm sau “Sự Sống Con Người” cũng đã chứng minh cho niềm sợ hãi của thông điệp cho rằng các chính phủ sẽ cưỡng bức việc sử dụng các kỹ thuật ngừa thai. Điển hình rõ ràng nhất đương nhiên là Trung Hoa với ‘chính sách một con’ song hành với cưỡng bức phá thai, theo dõi công khai chu kỳ kinh nguyệt, gia đình lẩn trốn, gia tăng giết hại trẻ sơ sinh nữ, triệt sản, và nhiều tấn công khác không thể kể hết ra đây. Thực vậy, nhiều đến nỗi cả những nhà bàn giấy của nhân quyền quốc tế cũng phải cho là sai lầm. Nhẹ hơn, phải kể đến các hành vi cưỡng bức sử dụng thuốc ngừa thai của chính phủ Ấn Độ trong các năm 1976 và 1977 và việc chính phủ Nam Dương cưỡng bức đặt vòng soắn (IUD) và chích Norplant trong hai thập niên 1970 và 1980.

Có ai trong hàng ngũ những nhà xét lại vấn đề dân số chịu nhìn nhận cố gắng của “Sự Sống Con Người” bằng cách cảnh cáo trước nguy cơ loại này chăng?

Méo mó liên hệ giữa các phái tính

Tiên đoán bị chế riễu nhất trong các tiên đoán của “Sự Sống Con Người” có lẽ là tiên đoán cho rằng tách biệt việc làm tình ra khỏi việc sinh sản sẽ làm méo mó các liên hệ giữa các phái tính và “mở rộng đường cho bất trung hôn nhân và, nói chung, hạ thấp các tiêu chuẩn luân lý”.

Tuy nhiên, ngày nay, không ai lại không thấy các lời tiên đoán ấy đã thành sự thực. Bảng đường và trang mạng đầy một thứ văn chương khiêu dâm. Thiếu niên nào muốn làm thần tượng đều sớm muộn sẽ khoe ngực trần, và có khi còn tệ hơn thế, trên liên mạng. Nhưng chứng cớ nghịch thường nhất chứng minh cho các lời tiên đoán của “Sự Sống Con Người” lại đến từ phong trào giải phóng phụ nữ ngày nay.

Từ Betty Friedman và Gloria Steinem tới Andrea Dworkin và Germaine Greer qua Susan Faludi và Naomi Wolf, văn chương của phong trào tranh đấu cho phụ nữ nhất quán một cách không ngờ và không ngừng lớn tiếng bày tỏ bất bình, tố cáo và không hài lòng về tính dục. Trong hồ sơ của bốn mươi năm ấy, họ cho thấy nhiều chứng tá bản thân về điều cuộc cách mạng tính dục đã đem lại cho nữ giới. Buồn cười một điều là đôi khi họ rơi cả vào mâu thuẫn: đàn bà lấy chồng và có con, họ cũng than vãn; mà đàn bà không chồng và không con, họ cũng than vãn nốt. Đàn bà làm việc ngoài gia đình và đồng thời chăm sóc con cái, họ cũng khiếu nại. Đàn bà làm việc bên ngoài và không chăm sóc con cái, họ chỉ trích bất cứ ai cho rằng điều đó không đúng. Có điều, nền văn chương ấy luôn chỉ trích người đàn ông bất khả tín, không thể trông nhờ được và chẳng có gì đáng tôn trọng.

Cuộc giải phóng tính dục đã đem những người của phe duy nữ đến cái nhìn thật ảm đạm ngày nay: gia đình như trại tập trung, đàn ông như những tên hiếp dâm, con cái như gánh nặng không thể chịu đựng được, thai nhi như đồ ăn bám… Những thực tại tưởng tượng ấy chẳng có mùi chi là giải phóng cả. Ngay đến cái quyền phá thai ‘thần thánh’ cũng chẳng giảm thiểu chút nào nỗi khốn cùng của hàng triệu những người đàn bà ấy sau cách mạng tính dục.

Quay đủ một vòng 360 độ, nhà duy nữ và cộng tác viên của “Vanity Fair” là Leslie Bennetts mới đây cho công bố một cuốn sách khuyên phụ nữ nên tự che chở cho mình về phương diện tài chánh hay ít ra cũng đừng lệ thuộc đàn ông, kể cả những người đàn ông sẽ bỏ rơi mình trong tương lai. Cô này cho hay: các bà mẹ không thể tin tưởng rằng các ông chồng của mình sẽ không bỏ rơi mình. Linda Hirschman, một nhà duy nữ khác, cho công bố một bản tuyên ngôn vào năm 2005 thúc giục phụ nữ nên tự ý áp dụng chính sách một con, vì theo cô, đứa con thứ hai buộc phụ nữ phải bỏ trung tâm thành phố ra ngoại ô, và do đó mất đi văn phòng cũng như các phương tiện thuận lợi cho công ăn việc làm.

Bên dưới tất cả những thứ ấy, ta đều thấy một thứ tầm nhìn như nhau: kẻ thù chính của đàn bà là Tên Đàn Ông Không Thể Tin Cậy Được, tên đàn ông không hiểu các nhu cầu sinh lý và tình cảm của nàng chút nào, cái tên đàn ông sẵn sàng một sớm một chiều chạy theo những ‘con đàn bà’ hấp dẫn và trẻ đẹp hơn. Đó quả là những tiếng kêu than tổng quát của một người đàn bà vốn nghĩ đàn ông “không đếm xỉa gì tới sự quân bình thể lý và xúc cảm của mình” và “không còn coi nàng như bạn đồng hành cần phải bảo bọc bằng quan tâm âu yếm”.

Trong một bài báo năm 2008 đăng trên tập san thế tục “Atlantic” tựa là “Marry Him!”, Lori Gottlieb, một bà mẹ đơn chiếc thụ thai đứa con duy nhất bằng tinh trùng hiến tặng, cho ta thấy những nẻo đường cô đơn do cuộc cách mạng tính dục mang tới, mà cô đơn hơn cả là phải tạo hình đứa con mình bằng tinh trùng của một kẻ vô danh, một phương thức duy tiêu thụ sẽ gặm nhấm hết niềm thơ mộng tuổi thanh xuân và đem cô đơn tuyệt đối lại cho tuổi già đang đến.

Chưa hết, có nhiều nhà văn duy nữ đã trở thành công tố viên bất đắc dĩ lên tiếng tố cáo cuộc cách mạng tính dục. Ta hãy nghe một suy nghĩ công khai gần đây về đứa con hoang của thuốc viên ngừa thai, tức nạn khiêu dâm ở khắp ngả: “Cuộc tấn công ồ ạt của khiêu dâm phải chịu trách nhiệm đối với việc giết chết dục năng nam giới trong liên hệ với người đàn bà thực sự, khiến nam giới càng ngày càng ít thấy ra những người đàn bà ‘đáng gợi dâm’ hơn”. Mặt khác, “thèm khát tính dục đã trở nên giống mối liên hệ giữa ngành kinh doanh nông nghiệp, thực phẩm chế biến, khẩu phần quá khổ, và bệnh mập phì… Nếu bạn bị kích thích và tọng đủ mọi thứ thực phẩm tồi, thì càng ngày bạn lại càng cần tọng thêm những thứ tồi ấy vào cho no bụng. Người ta không vì khiêu dâm mà gần nhau hơn, trái lại càng nhích ra xa nhau hơn; trong cuộc sống hàng ngày, họ không động tình nhiều hơn, mà thực ra ít hơn”. Và nhận xét sau đây nữa, nhận xét mà nhiều người tưởng là được trích dẫn từ “Sự Sống Con Người”: “Sức mạnh và năng lượng của tình dục sẽ được duy trì nếu có một nét thánh thiêng nào đó đi liền với nó, chứ không bạ lúc nào cũng mở ra được”.

Người có nhận xét trên không phải là một nhà tôn giáo ‘lỗi thời’ mà chính là Naomi Wolf, một nhà duy nữ thế hệ thứ ba, tác giả “The Beauty Myth” và “Promiscuities”, những tác phẩm được viết ra để bảo rằng cả đàn bà nữa cũng “tomcat” (mèo đực) như ai. Nhưng cô đã vô tình đề cập tới những chuyện đáng cười sau ngày thuốc viên ngừa thai ‘giải phóng phụ nữ khỏi ách nô lệ tình dục’. Đến độ, ngày nay ta phải tự hỏi: thực ra cuộc cách mạng kia đem lợi ích lại cho ai? Ở đây, tưởng nên nhắc lại lời của Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput của Denver, khi ngài nhận định về “Sự Sống Con Người” nhân kỷ niệm 30 năm ngày công bố thông điệp này năm 1998: “Ngừa thai đã giải thoát phái nam, một cách vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, khỏi trách nhiệm đối với sự gây hấn tính dục của họ”.

Hội nghị Lambeth năm 1930

Kẻ thù của “Sự Sống Con Người” ít khi tưởng tượng được một phát triển quan trọng có tính lịch sử mà khi nhìn trở lui xem ra đã đánh bại yêu sách của họ đòi Giáo Hội Công Giáo phải thay đổi lập trường. Đó là việc sụp đổ của Phong Trào Thệ Phản ở khắp nơi, nhất là của Giáo Hội Thánh Công Hội (Episcopal Church) và một số ngành khác của Anh Giáo. Sự sụp đổ từ bên trong này là hậu quả của Hội Nghị Lambeth năm 1930, trong đó, người Anh Giáo từ bỏ chủ trương cố hữu của Kitô giáo về ngừa thai. Nếu một giáo hội không biết dạy đoàn chiên của mình phải “làm gì với thân xác tôi” trong việc ngừa thai, thì những việc sử dụng thân xác khác cũng sẽ vượt ra ngoài quyền kiểm soát của giáo hội ấy. Từ chỗ đó, mà có cái dây chuyền đồng tính luyến ái ngày nay. Ta hãy nghe Anscombe: “Nếu cho phép người ta giao hợp một cách ngừa thai, thì chống đối thế nào được việc thủ dâm lẫn nhau, hay giao cấu kiểu in vase indebito[vào cái bình không đúng], kiểu kê gian [sodomy], kiểu hậu môn [buggery]…Nếu những điều như thế được coi là đúng thì làm sao thấy được việc giao hợp đồng tính có gì sai. Tôi không muốn nói: nếu bạn nghĩ ngừa thai không sao thì bạn sẽ làm những điều kia; không phải vậy. Thói quen đáng kính sống rất dai và thiên kiến là điều khó mất đi. Tôi chỉ muốn nói: bạn sẽ không có lý do vững chắc chống lại các việc ấy. Bạn sẽ không thể trả lời cho những kẻ tuyên xưng rằng vì nhiều người làm nên làm chúng là điều tốt. Bạn không thể nhấn mạnh được sự kiện ai cũng biết này rằng Kitô giao từng lôi kéo người ta ra khỏi thế giới ngoại đạo, và luôn luôn từ khước những việc như thế. Thành ra nếu bạn bênh vực việc ngừa thai, là bạn đã bác bỏ truyền thống Kitô giáo rồi vậy”.

Năm 1930, bằng cách chúc lành cho các cặp vợ chồng tín hữu dị tính luyến ái của mình cố ý làm tình mà không sinh con, Giáo Hội Anh giáo đã dần dần đánh mất hết thẩm quyền, không thể nói với các tín hữu khác, dù có lập gia đình hay không, dù là đồng tính hay dị tính luyến ái, đừng làm như thế. Nói cách khác, một khi người dị tính luyến ái bắt đầu đòi quyền hành động như những người đồng tính luyến ái, thì chẳng bao lâu sau người đồng tính luyến ái cũng sẽ đòi cho được quyền như người dị tính luyến ái.

Bởi thế, theo một nghĩa kỳ cục mà rất thực chất, cố gắng của Hội Nghị Lambeth, vì muốn tỏ lòng cảm thương đối với các cặp vợ chồng dị tính luyến ái, vô tình đã góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào đòi quyền cho người đồng tính ngày nay, và, do đó, của các vấn đề gây chia rẽ cho giáo hội của họ từ đó đến nay. Thật khó mà tin có ai trong khi mưu tìm một thay đổi tương tự như thế trong giáo huấn Công Giáo mà lại muốn cho Giáo Hội Công Giáo lâm vào thế hỗn loạn về luân lý và thần học hiện đang nằm ngay tâm điểm Giáo Hội Anh Giáo. Buồn thay, đó lại là sự ngu dốt cố ý của khá nhiều người chỉ biết húc đầu chống đối Rôma trong lãnh vực kiểm soát sinh đẻ, mà quên khuấy cả bài học lịch sử kia.

Những người Thệ Phản bên ngoài qũy đạo phóng túng

Các năm tiếp theo “Sự Sống Con Người” còn được chứng kiến một hiện tượng mà cả người Công Giáo bảo thủ lẫn người Công Giáo bất đồng đều không nhận ra, một khai triển đem lại thế giá cho Giáo Hội Công Giáo: tức việc những người Thệ Phản bên ngoài qũy đạo phóng túng tái thẩm định tính dục theo quan điểm Kitô giáo.

Albert Mohler, chủ tịch Chủng Viện Thần Học Baptist Miền Nam, năm 1998, nhận định như sau trên tờ “FIRST THINGS”: “Trong một biến chuyển nghịch lý, các nhà tin lành Mỹ đang suy nghĩ lại việc kiểm soát sinh đẻ ngay trong khi đa số người Công Giáo La Mã tại nước này cho thấy họ bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội họ”. Sau này, khi được phỏng vấn, trong một bài báo năm 2006 đăng trong ấn bản Chúa Nhật của tờ New York Times, ông nói rõ hơn: “Tôi không thể tưởng tượng được một khai triển nào trong lịch sử nhân bản, sau cuộc Sa Ngã (nguyên thủy), mà lại tác động trên con người mạnh hơn là thuốc ngừa thai… Toàn bộ chân trời của hành vi tính dục đã thay đổi. Tôi nghĩ chắc chắn không còn hoài nghi gì nữa rằng viên thuốc ngừa thai ấy đã cấp giấy phép tự do cho mọi sự từ ngoại tình cho đến những vụ lăng nhăng tiền hôn nhân và bên trong hôn nhân cho việc tách biệt hành vi tính dục ra khỏi việc truyền sinh”.

Mohler cũng nhận xét rằng cái di hại trên đang ảnh hưởng tới thế hệ trẻ của người tin lành: “Tôi nhận thấy một thay đổi lớn lao. Sinh viên tại các đại học của chúng tôi tỏ ra rất quan tâm. Không một tuần nào qua đi, tôi không được các mục sư tiếp xúc về vấn đề này. Hiện đang có những cuộc tranh luận tích cực diễn ra. Đó là một trong những điều có thể chia rẽ phong trào tin lành”. Một trong những nhóm chia rẽ ấy là Quiverfull, một phong trào Thệ Phản chống ngừa thai, chống bất cứ hình thức nào cố ý ngăn cản việc thụ thai, kể cả kế hoạch hóa gia đình theo cách tự nhiên (điều mà Giáo Hội Công Giáo không phản đối). Tác phẩm xuất bản năm 2002 của nhóm này có tựa đề là “Open Embrace: A Protestant Couple Re-Thinks Contraception”.

Người Công Giáo trẻ

Một số người trẻ Công Giáo, thuộc thế hệ lớn lên trong cảnh ly dị, dùng thuốc ngừa thai, nhà không có cha, và những tệ hại khác của phong trào ‘giải phóng’, cũng đang nghĩ lại như người Thệ Phản. Naomi Schaefer Riley thuật lại trên tờ “Wall Street Journal” các biến cố xẩy ra trong năm nay tại Đại Học Notre-Dame: “Khoảng 30 sinh viên đứng lên bước ra khỏi các cuộc Độc Thoại Cửa Mình (The Vagina Monologues) để phản đối ngay sau màn đầu tiên. Và người quen thuộc với đại học không ngạc nhiên khi thấy người trẻ, chứ không phải người lớn, đã đưa ra những phản kháng mạnh mẽ như thế. Các sinh viên có lẽ là thành phần có tinh thần tôn giáo nhiều nhất ở Notre-Dame… Giới trẻ Công Giáo có khuynh hướng thuộc nhóm ôn hòa hơn”.

Họ không ủng hộ thứ phá thai theo yêu cầu. Điều này khiến chúng tôi đặt câu hỏi: thực ra việc nhiều người bác bỏ “Sự Sống Con Người” đã ảnh hưởng tới đặc điểm của Đạo Công Giáo Mỹ ra sao?

Cũng như các nghịch lý khác, ở đây nên nói qua đến sự phi lý của người Mỹ. Họ than phiền nạn thiếu linh mục nhưng lại làm ngơ trách nhiệm của họ trong việc tạo ra cảnh thiếu hụt ấy (con số con không đủ để gửi một số đi làm linh mục, một số kết hôn để duy trì danh tính gia đình). Họ than thở việc đóng cửa nhà thờ và trường học Công Giáo, nhưng chẳng bao giờ để ý đến việc cả một giáo xứ, vì đòi hỏi quyền lương tâm cá nhân, nên đã tự ý đẩy mình ra khỏi các nhà thờ hay các trường đó. Họ coi việc các linh mục lạm dụng tình dục như chứng cớ tích cực cho thấy đức khiết trinh là điều quá khó không nên đòi hỏi nơi người ta, mà hoàn toàn quên khuấy rằng chính cái việc thiếu đức khiết trinh đó đã tạo ra các gương mù gương xấu kia.

Thực tế ra, cái nhục của người Công Giáo Mỹ hiện nay, tức những vụ gương mù gương xấu liên quan đến một số linh mục và thiếu niên, có thể có vết tích ngay trong sự thông đồng giữa một bên là hàng ngũ giáo dân chỉ muốn có một học lý khác về kiểm soát sinh đẻ và bên kia là thế hệ linh mục mới chỉ muốn làm một thứ phất phơ khác. “Tôi sẽ không ba hoa chích chòe về vụ linh mục đồng tính nếu cha chịu tha cho tôi tội ngừa thai”, câu này xem ra như là một thương lượng khá phổ biến tại nhiều giáo xứ kể từ ngày có “Sự Sống Con Người”.

Giới giáo dân biết vâng phục hơn rất có thể thắc mắc to tiếng về hiện tượng có quá nhiều linh mục thời hậu Vatican II tỏ ra ít nhiều đồng tính công khai. Giới giáo sĩ biết vâng phục hơn rất có thể nhận ra nhiều người Công Giáo sử dụng ngừa thai nhân tạo mà vẫn rước lễ. Khó tưởng tượng được thứ nào trong hai thứ khai triển mới ấy, tức việc giới giáo dân công khai nổi loạn chống lại giáo huấn về tính dục của Giáo Hội và việc giáo sĩ âm thầm đồng lõa nổi loạn chống lại cùng một giáo huấn ấy, có thể hiện hữu mà lại không cần đến thứ kia.

Học lý truyền thống

Trong cuộc viếng thăm Mỹ gần đây của Đức Bênêđíctô XVI, người ta thường nghe những lời kết án đại loại như “Sự Sống Con Người” đã phát sinh ra cuộc nổi loạn. Peter Steinfels, chẳng hạn, thẳng thừng tuyên bố: “Thông điệp năm 1968 của Đức Giáo Hoàng và những xôn xao do nó tạo ra tiếp tục phân hóa giáo hội Mỹ”. Cứ luận điệu này, hình như người ta muốn nói: mọi sự đang tốt đẹp cho đến ngày Đức Phaolô VI cương quyết không chiều theo khuynh hướng thời đại, nên cửa hỏa ngục mới mở toang ra!

Nhưng thực ra, Đức Phaolô VI chỉ nhắc lại điều mọi người khác trong lịch sử Kitô giáo đã từng nói về vấn đề ấy. Khi đòi cho người Công Giáo được như những người Thệ Phản chịu chấp nhận việc ngừa thai, các nhà chỉ trích đã quên khuấy điều các thần học gia Kitô giáo, dọc dài trong nhiều thế kỷ, từng nói về việc ngừa thai.

Họ đồng loạt nói: không! Đúng một trăm năm trước đây, tức năm 1908, Hội Nghị Lambeth khẳng định việc chống đối của mình đối với ngừa thai nhân tạo bằng những ngôn từ còn nghiêm khắc hơn “Sự Sống Con Người” nhiều: “làm nản lòng tính khí và thù nghịch đối với phúc lợi quốc gia”. Tuyên bố của các bậc khai sinh ra Phong Trào Thệ Phản làm cho các nhà bảo thủ Công Giáo năm 1968 xem ra có vẻ nhút nhát hơn nhiều.

Martin Luther, trong lời bình luận Sách Sáng Thế, đã tuyên bố rằng ngừa thai còn tệ hơn là loạn luân hay ngoại tình. John Calvin gọi nó là “tội ác không thể tha thứ được”. Sự nhất trí này không hề bị từ bỏ cho đến năm 1930, khi người Anh Giáo bỏ phiếu cho phép vợ chồng có cưới xin được dùng việc kiểm soát sinh đẻ trong những trường hợp khẩn trương, và thế là hết hệ phái này đến hệ phái kia bước chân theo.

Nhìn dưới ánh sáng truyền thống Kitô giáo, vấn đề không phải tại sao Giáo Hội Công Giáo lại từ khước không chịu bước chân theo mà là tại sao phần lớn những giáo hội khác trong truyền thống Do Thái và Kitô Giáo lại bước chân theo. Bất kể trả lời ra sao, thì Giáo Hội Công Giáo vẫn coi việc suy sụp kia là nguyên nhân gây ra gẫy đổ, trong khi chỉ một mình mình là không gẫy đổ mà thôi.

Tại sao bị tiếp nhận nghèo nàn?

Từ 1968, thỉnh thoảng người ta lại tự hỏi tại sao thông điệp “Sự Sống Con Người” bị tiếp nhận cách nghèo nàn như thế? Tất nhiên có vấn đề thời điểm, như G. Weigel đã nhấn mạnh. Người khác cho là vì giới truyền thông quá thế tục và người Công Giáo thiếu một diễn đàn quốc gia. Lại có nhiều người khác cho rằng thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô II đã lấy đi một số châm chích khỏi “Sự Sống Con Người” làm nó dễ được đoàn chiên vâng nghe hơn.

Thực ra, vấn đề chính khiến thế gian ghét bỏ thông điệp “Sự Sống Con Người” chính là điều Đức Tổng Giám Mục Chaput đã phát biểu cách nay 10 năm rằng “Nếu Đức Phaolô VI đúng khi nói tới nhiều hậu quả của ngừa thai, thì là vì Ngài đúng khi nói về chính việc ngừa thai”.

Đó chính là sự liên kết mà ít người năm 2008 chịu đưa ra, vì làm tình một cách ngừa thai là một sự kiện xã hội căn bản ở thời ta. Chính ý muốn dữ dằn và phổ quát nhằm duy trì nó phải chịu trách nhiệm đối với không biết bao nhiêu hậu quả hết sức tác hại ngày nay. Bất chấp cái hồ sơ thực nghiệm bênh vực quan điểm của Đức Phaoloô VI một cách không còn lầm lẫn vào đâu được, người ta vẫn không chịu công nhận cho giáo huấn luân lý Công Giáo đúng ở điểm nào, dù hồ sơ kia hết sức chi tiết.

Nghĩ cho cùng trách nhiệm của người Công Giáo không nhỏ: phần xấu hổ vì bị tố cáo là xưa cũ, phần cũng muốn được buông thả về tính dục như mọi người chung quanh, họ đã và đang cố gắng hạ quyết tâm tìm cho bằng được những ngõ thoát thần học sau ngày có “Sự Sống Con Người”, dù thế giới thế tục, đầy cái ác, đang vô tình tích lũy cả hàng kho dữ kiện thực nghiệm ‘bênh vực’ cho giáo huấn của Giáo Hội. Phải chăng, Giáo Hội trước sau vẫn là “dấu chỉ của mâu thuẫn”?