Ngày 09-07-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:38 09/07/2009
ĐỆ TỬ PHÁT TÀI

N2T


Đệ tự đến trước mặt sư phụ, hỏi:

- “Con là một người giàu có, gần đây lại trúng một số tiền lớn, xin hỏi sư phụ con phải làm gì với số tiền ấy để có lợi cho việc tu đức của con ?”

Sư phụ trả lời:

- “Một tuần sau lại đến, ta sẽ chỉ cho con một đáp án.”

Một tuần sau đệ tử lại đến, sư phụ thở dài nói:

- “Ta thật không biết nên nói gì với con, nếu thầy nói con đem tiền tặng cho bạn bè hoặc cho người thân, thì chẳng có ích gì cho tu đức của con. Nếu để con đem tặng cho nhà chùa, thì chỉ làm thỏa mãn lòng tham của các tư tế mà thôi. Nếu khuyên con đem bố thí cho người nghèo, thì con sẽ vì việc thiện ấy mà tự mình kiêu hãnh, cuối cùng sẽ phạm tội kiêu ngạo.”

Nhưng đệ tử ấy vẫn cứ năn nỉ nói ra chủ ý, cuối cùng sư phụ nói:

- “Đem tiền ấy cho người nghèo, tối thiểu họ có thể nhận ân huệ, dù con chưa chắc được lợi.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Người nghèo thì không có gì cả, vì không có gì cả nên rất cần đến sự quan tâm giúp đỡ của người khác, mà người tu hành thì dù có tiền cũng như không có vậy, đó là cốt lõi của sự dùng tiền của.

- Có một vài người tu hành rất giàu có, tiền bạc dùng không hết nên hùn vốn đầu tư với các công ty để kiếm lời hưởng thụ, khi công ty bị vỡ nợ thì câm nín không nói nên lời, vì đối với Giáo Hội như thế là bất hợp pháp.

- Có một vài vị tu hành rất có tiền, và để chuẩn bị cho cuộc về hưu sau này của mình, nên đem tiền buôn bán bất động sản, rất giàu có.

- Có một vài người tu hành rất có tiền, nhưng không giúp đỡ người nghèo, mà chỉ giúp có một người mà thôi, đó là tình nhân của mình.

Tất cả những việc làm trên đây đều là bất hợp pháp theo luật Giáo Hội, bởi vì đã là người tu hành (linh mục, tu sĩ nam nữ) thì không được kinh doanh buôn bán tư lợi cá nhân, họ vô tình phỉ báng đức tin của mình vào Thiên Chúa toàn năng: vừa làm tôi Thiên Chúa vùa làm tôi tiền của.

Đầu tư vào ngân hàng người nghèo, người bất hạnh thì rất hợp pháp là phát tài nhất, bởi vì đó là điều mà Giáo Hội khuyến khích, Thiên Chúa vui mừng, và mọi người vỗ tay đồng tình.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:39 09/07/2009
N2T


35. Nên cầu xin Thiên Chúa ban cho con sức mạnh để chống trả với tội kiêu ngạo, nó là kẻ địch lớn nhất của con, là tất cả căn nguyên của mọi thứ tội, và là nguyên nhân thất bại của tất cả mọi điều thiện mỹ.

(Thánh Vincent de Paul)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:41 09/07/2009
N2T


168. Người có chí cuối cùng việc sẽ thành.

 
Đơn sơ!
Sa Mạc Hồng
05:58 09/07/2009
An nhiên như chú chim bồ câu
Tung cánh bay từ sáng đến chiều
Chẳng lo mây gió muôn ngàn lối
Vẫn trở về tổ ấm dấu yêu.

Trắng trong như em bé ngây thơ
Đất rộng trời cao ngàn ước mơ
Vẫn tung tăng chiều chiều chân sáo
Theo mẹ cầu kinh cuối nhà thờ.

Khiêm nhu như rất nhiều tâm hồn
Luôn cho đi không tính thiệt hơn
Chỉ cầu mong an bình trong Chúa
Ngày qua ngày sống trọn niềm tin.
 
Sứ mạng làm chứng cho Chúa
Đinh Lập Liễm
12:01 09/07/2009
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN B

SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÚA

+++

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật 15 hôm nay cho chúng ta biết: trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã quyết định chọn con người chúng ta làm nghĩa tử nhờ Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 2). Đồng thời cũng hé mở cho chúng ta biết chúng ta có ơn gọi và sứ mạng làm con, làm tiên tri và làm người rao giảng Tin mừng Cứu độ của Thiên Chúa. Đây thực là một hồng ân cao cả, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề phải chu toàn.

Sau một thời gian huấn luyện các Tông đồ, Đức Giêsu cho các ông đi thực tập truyền giáo. Ngài căn dặn các ông đủ điều để làm hành trang trên buớc đường truyền giáo: sống siêu thoát, nhịn nhục chịu đựng, phó thác...(Bài Tin mừng). Nhưng trên bước đường truyền giáo, những người thi hành sứ vụ ấy không phải lúc nào cũng được người ta tiếp nhận vui vẻ, nhiều khi còn bị người ta chống đối, bị xua đuổi như trường hợp tiên tri Amos (Bài đọc 1).

Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng tiên tri tức là phải làm chứng cho Đức Giêsu như lời Ngài dạy: ”Chúng con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của mình để làm chứng, vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng là chứng nhân của Chúa, ngược lại chỉ là “phản chứng”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Am 7,12-15

Amos là một người chân chất sống ở tiểu vương quốc Giuđa (phía nam), làm nghề chăn nuôi súc vật, nhưng Chúa truyền cho ông phải đến vương quốc Israel (phía bắc) khiển trách lối sống phản tôn giáo và các tư tế ở đền thờ Bethel chỉ biết sống theo hình thức trong đời sống tôn giáo mà không có đời sống thực.

Vì trung thành nói lời Chúa nên Amos bị dân chúng ghét bỏ. Một trong các vị tư tế đền thờ là Amasias, được nhận bổng lộc của nhà vua, đã ra lệnh trục xuất ông khỏi xứ sở. Ông đã phản ứng lại một cách mãnh liệt, không chịu rời khỏi xứ ấy vì ông đã nhận được sứ mạng nói tiên tri, mặc dầu ông không thuộc dõng dõi tiên tri, cũng không quen làm nghề tiên tri.

+ Bài đọc 2: Ep 1,3-14

Thánh Phaolô gửi thư mục vụ cho tín hữu Êphêsô tiết lộ cho họ một mầu nhiệm: trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã quyết định chọn con người chúng ta làm nghĩa tử, nhờ Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Ngài còn cứu chuộc chúng ta bằng giá máu của chính Con Ngài và nuôi dưỡng chúng ta bằng sự sống của Ngài dưới tác động của Thánh Thần.

Đây là mầu nhiệm tình yêu. Tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm phải đáp trả lại tình yêu ấy bằng cách phải tỏ ra xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu và tích cực cộng tác vào việc thi hành thánh ý Chúa.

+ Bài Tin mừng: Mc 6,7-13

Sau khi rời bỏ Nazareth đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chọn Capharnaum làm trung tâm hoạt động. Công việc huấn luyện các Tông đồ tạm đủ, Ngài sai các ông đi từng hai người một đến những vùng xa hơn để rao giảng.

Ngài sai các ông đến với mọi người, dù họ là ai, và đặc biệt đến với những người nghèo khó nhất. Sứ mạng đặc biệt của các ông là rao giảng sự thống hối. Ngài cũng ban cho các ông quyền trừ qủi và chữa được nhiều bệnh tật.

Để bảo đảm cho sứ mạng của các ông thành công, Ngài ban cho các ông chỉ thị rõ ràng: phải có tinh thần vô vị lợi, không quá lo lắng về đời sống vật chất, không cần phải trang bị gì, cứ tin vào sự quan phòng của Chúa. Chúa sẽ nâng đỡ và làm cho những cố gắng của các ông thêm phong phú.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Ra đi làm chứng cho Chúa

I. NHỮNG SỨ GIẢ ĐƯỢC SAI ĐI

1. Các tiên tri

Ngày xưa, khi Thiên Chúa muốn truyền cho dân điều gì thì Ngài dùng các tổ phụ hoặc các tiên tri. Bài đọc 1 chứng minh cho chúng ta qua việc Thiên Chúa gọi Amos là người xứ Giuđa đi nói tiên tri cho người xứ Israel. Ông phản đối mạnh mẽ việc lạm dụng tôn giáo và tính cách thiếu tôn giáo đang lan tràn tại Israel, đặc biệt ông nhấn mạnh việc thờ phượng mà thiếu luân lý lành mạnh là không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Khi ông tiên báo là vua Joroboam sẽ bị ám sát và Israel sẽ bị đi lưu đầy, thì vị tư tế Amasias ở đền Bethel phản đối và đuổi ông đi khỏi Israel.

Thời đó, ở Israel có trường dạy nghề tiên tri, một nghề để kiếm ăn. Do đó xuất hiện những tiên tri giả. Amos hiểu nghĩa của từ “thầy chiêm” mà Amasias dùng nên khẳng định: ông chỉ là người chăn chiên và đi hái sung vả, ông phải làm nghề này chỉ vì Chúa đã gọi ông: ”Hãy đi nói tiên tri cho Israel dân của Ta”(Am 7,15).

2. Các Tông đồ

Khi Đức Giêsu xuất hiện thì thời đại tiên tri chấm dứt với ông Gioan Tẩy giả, ông là tiên tri bản lề giữa Cựu ước và Tân ước. Lúc này Chúa không dùng các tiên tri nữa mà lại dùng các Tông đồ đi rao giảng Lời Chúa. Sau khi đã huấn luyện các Tông đồ một thời gian, Đức Giêsu muốn cho các ông được thử lông thử cánh, cho các ông truyền đạt cho người ta những điều Ngài dạy, biết va chạm vào thực tế với những thành công và thất bại để sau này các ông có kinh nghiệm truyền giáo, sau khi Đức Giêsu đã về trời (Bài Tin mừng).

3. Các nhà truyền giáo

Khi Đức Giêsu đã về trời, các Tông đồ đã chia nhau đi rao giảng Tin mừng, có các người phụ tá và những người cộng tác với các ngài. Khi các ngài đã qua đi thì Giáo hội lãnh nhận công tác tiếp nối công việc của các Tông đồ mà rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng thế giới, không kể mầu da sắc tộc, ngôn ngữ. Lời Chúa phải được rao giảng cho mọi người. Và đến lượt các tín hữu, mọi người có trách nhiệm phải rao giảng cho người khác. Mọi người phải rao giảng Tin mừng, không trừ ai, nhưng Giáo hội trạch cử một số người chuyên đi rao giảng mà ta gọi là “các nhà truyền giáo”. Đức Giêsu không còn trực tiếp rao giảng như ngày xưa nữa mà cần loài người chúng ta phải cộng tác để đi đến các hang cùng ngõ hẻm đem Lời Chúa đến cho mọi người.

Truyện: Chúa cần bàn tay bạn

Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng, có một ngôi nhà thờ Công giáo. Bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Đức Kitô. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua rồi bức tượng đã biến mất. Bức tượng đã bị hất ra khỏi bệ vỡ ra từng mảnh trên mặt đất.

Một hôm lính Mỹ đã giúp vị Linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị Linh mục đã từ chối. Ông nói:

- Tôi có một ý tưởng hay hơn: Chúng ta hãy để pho tượng không có bàn tay. Và chúng ta sẽ ghi vào chân đế lời này: BẠN ƠI, BẠN HÃY CHO TÔI MƯỢN ĐÔI BÀN TAY CỦA BAN” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr 494).

II. CÁC MÔN ĐỆ ĐƯỢC SAI ĐI LÀM CHỨNG

1. Chúa sai các Tông đồ đi

Trở lại bài Tin mừng hôm nay, chúng ta biết Đức Giêsu đã chọn cho mình 12 Tông đồ để trở thành những cán bộ nồng cốt cho việc rao giảng Tin mừng. Sau khi đã huấn luyện một thời gian, Ngài muốn sai các ông đi thực tập truyền giáo. Đây là bước sang giai đoạn thứ hai chương trình của Ngài: từ lý thuyết sang thực hành.

Các ông đã sống vối Ngài một thời gian, đã chứng kiến cuộc đời Chúa, đã nghe Ngài giảng thuyết, đã chứng kiến phép lạ Ngài làm, đã nhìn thấy những thất bại của Ngài ở Gherasa và ở Nazareth, đã nhận thức thái độ thù ghét của người biệt phái. Nay đã đến lúc thử để biết vàng hay thau. Ngài cần cho các ông biết phải hoạt đột theo tinh thần nào và những nguyên tắc nào.

Chúng ta hãy xem cách thức Đức Giêsu sai các Tông đồ như thế nào:

a) Từng hai người một: Ngài sai các ông đi từng hai người một để giúp đỡ nhau, biểu lộ tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ, đồng thời để làm chứng tích sống động về điều họ rao giảng là cộng đoàn huynh đệ yêu thương. Nguời ta cứ dấu đó mà biết họ là những môn đệ của Chúa Kitô.

b): Ban quyền lực: Quyền lực đây phải hiểu là “quyền trừ các thần ô uế”. Câu nói đó phải hiểu theo quan điểm đã ghi chép trong Mt 10,8 và Lc 9,1 nghĩa là khu trừ qủi ám và chữa lành các bệnh tật: vì theo quan niệm thời đó, tất cả các bệnh tật đều coi như là hậu quả của tội lỗi và không ít thì nhiều do ma qủi làm.

c) Môi trường hoạt động: Trước tiên hãy đến với dân Chúa tức là những người Do thái: ”Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn là hãy đến với các chiên lạc nhà Israel”(Mc 10,5). Còn đối với dân ngoại, các ông sẽ đến với họ sau khi Chúa đã về trời.

d) Đề tài rao giảng: Các ông sẽ rao giảng sự thống hối. Vì công cuộc cứu chuộc chưa hoàn tất nên Đức Giêsu không dạy các ông giảng về Ngài. Điều đó Ngài sẽ dạy các ông rao giảng sau này khi Ngài đã chịu chết và sống lại để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế (Rm 1,3-4; 1Cr 1,23).

2. Tư cách của vị Tông đồ

Khi sai các Tông đồ đi truyền giáo, Đức Giêsu căn dặn các ông kỹ càng nhiều điều để làm hành trang lên đường. Chúng ta có thể tóm tắt các lời căn dặn đó trong 3 điểm sau:

a) Sống tinh thần khó nghèo

Đức Giêsu đã từng nói về Ngài: ”Con chồn có hang, con chim có tổ, Con người không có nơi tựa đầu”. Ngài di chuyển nay đây mai đó, không vướng mắc gì về phần vật chất nghĩa là sống siêu thoát. Vì thế, Ngài khuyên các ông đừng mang gì ngoài cây gậy. Thậm chí không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi. Người Tông đồ không chuẩn bị gì để lên đường, mọi sự đã có Chúa lo: ”Tiên vàn các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho”.

b) Chấp nhận bị khinh dể

Đức Giêsu đã bị hất hủi nơi quê hương mình: ”Không có tiên tri nào mà không bị khinh dể nơi quê hương mình”. Các Tông đồ cũng sẽ rơi vào trường hợp đó. Các ông sẽ không được một số người tiếp nhận và còn bị ngược đãi nữa. Trong trường hợp đó, Ngài cho phép ra đi đến một nơi khác, và giũ bụi chân lại cho họ biết lỗi lầm của họ. Người Do thái có thói quen làm như thế khi họ đi từ vùng dân ngoại vào vùng đất của họ để minh chứng họ dứt bỏ mọi liên hệ xấu xa với dân ngoại. Vậy người môn đệ làm như thế để đánh thức những ai từ chối họ, và cho những người ấy biết rằng cách cư xử của họ như vậy là đã trở thành dân ngoại.

c) Phó thác nơi Chúa

Phó thác được coi như một nhân đức, nhưng phải hiểu cho đúng nghĩa. Phó thác không có nghĩa giao khoán cho Chúa hoàn toàn, còn mình thị thụ động, không cộng tác, không làm gì cả. Ngược lại, phải cộng tác với Chúa theo khả năng của mình, phải có hành động theo sự soi sáng hướng dẫn của Chúa vì, theo thánh Giacôbê: ”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Vậy phó thác là gì ? Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa dạy các Tông đồ phó thác theo nghĩa là khi các ông ra đi truyền giáo, các ông chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ: một cây gậy để chống lại thú dữ dọc đường, một chiếc áo mặc, một đôi dép để đi, thế thôi. Đừng quá lo lắng về vật chất: không cần mang lương thực dự trữ, không cần thủ nhiều tiền trong túi, không cần tới hai áo, không cần mang bị theo để đựng quà biếu của người khác. Về nơi ăn chốn ở cũng thế, miễn sao có chỗ trọ là được, không cần tìm đến nhà giầu sang, chỗ nào không tiếp nhận thì đi chỗ khác... Điều chính yếu quan trọng mà các ông cần cậy dựa vào, đó là quyền năng của Chúa.

III. CHÚA SAI CHÚNG TA ĐI LÀM CHỨNG

Mỗi khi tham dự Thánh lễ, trước khi ra về, Linh mục nói lên lời cầu chúc và căn dặn mọi người: ”Ite, Misa est”: Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Linh mục không cầu chúc mọi người trở về nhà bình an mà cầu chúc mọi người ra đi rao giảng Tin mừng, vì Thánh lễ chưa kết thúc ở đây mà còn kéo dài trong cả ngày, trong cả cuộc sống. Chúng ta đã tiếp nhận được Lời Chúa trong Thánh lễ thì hãy đem lời Chúa gieo rắc khắp nơi nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa. Hãy đi làm chứng cho Chúa giữa lòng đời.

1. Làm chứng cho Chúa là gì ?

Làm chứng cho Chúa là lấy lời nói, nhất là cách ăn ở, việc làm mà tỏ cho người khác biết Chúa Kitô, vì người ấy giống Chúa Kitô trong tư tưởng, nói năng, xử sự, việc làm. Vì giống như vậy nên khi người ta gặp người ấy, thì người ta nhớ đến Chúa Kitô. Người ấy đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô như thánh Phaolô nói:”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Chúng ta chỉ là công cụ của Chúa để nhờ đó người ta biết Chúa. Tuy công cụ nhỏ bé chẳng đáng kể nhưng lại cần thiết. Chúa không trực tiếp tỏ mình ra cho người ta mà dùng con người nhỏ bé của chúng ta để tỏ lộ cho mọi người biết Thiên Chúa cao cả. Chúng ta chỉ là phương tiện để Chúa đến với người ta và người ta đến với Chúa. Ví dụ: một người muốn biết ngôi sao mai trên trời nhưng không biết ngôi nào trong hàng ngàn ngôi sao, nhưng nếu chúng ta dùng bàn tay chỉ cho họ thì họ sẽ nhận ra ngôi sao mai trên trời. Bàn tay chỉ là phương tiện để người ta nhìn ra sao mai, nếu không có bàn tay ấy thì người ta không nhìn ra sao mai được.

Truyện: Công cụ của Chúa.

Một ngày mùa đông một người đàn ông đi đến một cậu bé đang ngồi ăn xin trên một cây cầu của thành phố, gió thổi lồng lộng. Cậu bé run lập cập vì lạnh và rõ ràng đang cần một bữa ăn ngon. Nhìn thấy cậu bé, người đàn ông rất tức giận bèn nói với Thiên Chúa:

- Lạy Chúa, tại sao Chúa không làm điều gì đó cho cậu bé này ?

Thiên Chúa đáp lại:

- Ta đã làm một điều gì đó cho nó rồi.

Điều này làm người đàn ông ngạc nhiên, vì thế ông nói:

- Con hy vọng Chúa không nói rằng: Bất cứ điều gì Chúa làm đều có vẻ như không làm.

Chúa đáp:

- Ta cũng đồng ý với con điều đó.

Người đàn ông hỏi:

- Nhưng bằng cách nào mà Chúa đã làm điều đó ?

Chúa đáp:

- Ta đã làm ra con (Flor McCarthy, Sđd, tr 492)

2. Cách thức làm chứng cho Chúa

a) Mọi người có thể làm chứng

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ những lời sau cùng:”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật”(Mc 16,15; Mt 28,19). Nếu Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân thì lệnh truyền ấy phải có thể thực hiện được: thực tế đã chứng minh, các ông đã đem Tin mừng đến mọi nơi, và từ 2000 năm nay vẫn còn tiếp tục. Dĩ nhiên với thời gian vắn vỏi các ông chưa có thể đi khắp thế giới rao giảng được, nhưng Giáo hội đã tiếp nối sứ mạng ấy và nhờ chúng ta là những phần tử trong Giáo hội tiếp tục sứ mạng ấy. Ai không rao giảng Tin mừng là một điều thiếu sót. Thánh Phaolô đã nói:”Khốn thân tôi, nếu không rao giảng Tin mừng”(1Cr 9,16).

Chúa về trời, ngài đã mượn miệng lưỡi chúng ta để rao giảng, mượn đôi tay chúng ta để thi ân, mượn đôi chân chúng ta để đi đến những người cùng khổ. Tuy về trời, Ngài vẫn hiện diện và hoạt động trong cuộc sống chứng nhân của mỗi Kitô hữu.

b) Mỗi người một cách làm chứng

Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngành nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta. Chính vì vậy mà Chúa đã bảo các Tông đồ và chúng ta rằng:”Các con là chứng nhân của Thầy”(Lc 24,48).

Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết hay bất cứ một phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính cách thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho Linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ Ngài về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ:”Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.

Truyện: Thánh Phanxicô Assisi truyền giáo

Thánh Phanxicô gọi một thầy dòng cùng đi giảng với ngài. Hai thầy trò cùng đi các đường phố Assise, cách nghiêm trang, suy tưởng về Chúa... Về nhà, thầy dòng hỏi cha thánh:

- Giảng ở đâu ?

Cha thánh trả lời:

- Giảng là đem Chúa đến bằng gương sáng, bằng cách sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn.

Trong cuộc sống văn minh đầy tiện nghi hôm nay, nhiều Kitô hữu đã lao mình vào cuộc sống vật chất, họ chỉ biết hưởng thụ, thu tích cho nhiều của cải mà quên đi vai trò làm chứng của mình. Họ là những Kitô hữu vô thần. Tại sao đã là Kitô hữu mà lại vô thần được ? Thưa, trên danh nghĩa thì họ là Kitô hữu thật, nhưng trong thực tế, cách sống của họ hoàn toàn là vô thần. Chúng ta có thể nói: họ còn vô thần hơn cả người vô thần nữa. Cách sống thiếu gương mẫu của họ vô tình biến đổi từ nhân chứng đến “phản chứng”, thay vì lôi kéo người ta đến với Chúa lại đẩy người ta ra xa Chúa hơn.

Truyện: Indira tầm đạo

Inđira đến gặp một đạo sĩ Makia và ngỏ lời:

- Xin ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôi tôn thờ và một tôn giáo để sống theo.

Đạo sĩ Makia liền đem Indira đến toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi một vị thần được dành cho một căn phòng riêng.

Dừng chân đầu tiên trước tượng thần Batđa đạo sĩ giới thiệu:

- Đây là vị thần sẽ cất hết sự đau khổ khỏi thế giới.

Nhưng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác. Trước vị thần thứ hai đạo sĩ Makia giới thiệu:

- Đây là nữ thần Sôpha có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.

Nhưng Indira cũng lại xin đạo sĩ đi nơi khác. Cuối cùng hai người dẫn đến trước một vị thần bị treo trên thập giá. Indira tò mò hỏi:

- Vị thần này là ai mà bị treo trên thập tự như thế ?

Đạo sĩ chậm rải trả lời:

- Đây là thần của những người đạo Kitô.

Với chút xúc động lộ trên mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để trở thành đồ độ của Đấng chịu treo trên thập giá. Đạo sĩ ngạc nhiên hỏi:

- Này anh Indira, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần anh gặp lúc trước, một đề nghị cất hết mọi đau khổ, một đề nghị giúp tránh sự đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả. Tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của Vị chết nhục nhã trên thập tự như thế ?

Indira giải thích:

- Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là hứa suông. Người ta không thể nào cất đi được những đau khổ. Và dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn, và người ta cũng không thể nào tránh được đau khổ. Nhưng nhìn vào vị thần của người Kitô chấp nhận sự đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Rồi một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm tin và an hòa sẽ trổ sinh trên thế giới này. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đấng chịu treo trên thập giá kia, và muốn làm đồ đệ của Ngài. Vậy xin đạo sĩ đưa tôi đến nơi người Kitô sống để được trở thành người Kitô.

Đạo sĩ dẫn Indira đến nhà thờ những người Công giáo để xin lãnh bí tích rửa tội.

Khi vừa bước vào làng thì hai người đã nhìn thấy những cảnh không tốt đẹp. Đây một nhóm người đang cãi lộn. Nơi khác có những kẻ như đang sắp đánh giết lẫn nhau. Nơi khác nữa thì nghe vẳng lại những lời nói tục tĩu vô lễ. Bảng ghi “Coi chừng bị móc túi” được dán nơi công cộng.

Indira hỏi đạo sĩ:

- Đây là đâu ?

Đạo sĩ trả lời:

- Thôi, chúng ta hãy đi nơi khác. Tôi mộ mến và tin vào Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng tôi không muốn trở thành người Kitô hữu nữa.

Đức Giêsu đã dạy chúng ta: ”Các con sẽ làm chứng về Thầy”. Chúng ta nghĩ thế nào về câu nói đó ? Đời sống đạo của chúng ta hôm nay là một chứng từ hay một phản chứng ?

Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Chúa”, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh chị em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh chị em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng giầu lòng tha thứ.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Đứng Trước Các Biến Cố Hiện Nay
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
13:16 09/07/2009
ĐỨNG TRƯỚC CÁC BIẾN CỐ HIỆN NAY

Dave Brannon kể: Trong một chuyến đi mạo hiểm trong biển Caribbean, chúng tôi bơi bằng ống thở. Thuyền đưa chúng tôi ra khơi ngắm cảnh đẹp hơn, đã quay vô bờ, và tôi bắt đầu cảm thấy kinh hoàng khi ỡ giữa biển khơi.

Tôi cảm thấy khó thở, tôi cầu cứu con rể Todd và một người bạn là Dave Velzen. Họ giữ cánh tay tôi trong khi tôi tìm được một phần san hô lộ thiên gần đủ để đứng lên trên. Khi đã có chỗ đứng, dù là vây quanh bởi nước sâu, tôi vẫn thấy an tâm hơn.

Cảm nghĩ: Bạn có thấy hơi hoảng về những sự việc trong cuộc sống mình không? Có thể như thể mình đang ở ngoài khơi giữa nhiều nan đề trong mối quan hệ, hoặc những khốn khó tiền bạc, hoặc chỉ là thiếu khả năng lập trật tự cho cuộc sống mình. Có thể bạn cảm thấy như thể mình đang chết đuối giữa biển thử thách và rối ren! ?

Ngày nay, thời đại toàn cầu hóa, dù ở đất nước nào, những người nghèo khổ, thấp cổ bé miệng, không có địa vị thường bị coi thường hất hủi. Khi mọi thứ đều được đánh giá trên đồng tiền, trên tiện nghi vật chất, khi người ta quá coi trọng địa vị bằng cấp, coi thường những người kém cỏi ít học, làm bạn dễ bị xao xuyến, hoang mang, lo lắng, không sáng suốt tìm nguồn khôn ngoan, bình an ở đâu !?

Xin phép được gợi ý hai điều. Trước hết hãy tìm một hay hai bạn có đời sống tâm linh tốt có thể đến với bạn và nâng đỡ bạn, cầu nguyện cho bạn, trò chuyện với bạn, và nhắc bạn nhớ rằng: bạn không cô đơn đâu!. Sách Giảng viên dạy: “Người này ngã đã có người kia nâng dậy; nhưng khi chỉ có một mình mà bị ngã thì thật là khốn. Vì chẳng có ai nâng dậy cả.” (Gv 4, 10)

Sau đó hãy đặt chân bạn lên nền vững chắc duy nhất trong cuộc đời: Đó là Đức Giêsu Kitô, và Thần Khí của Người. Thánh Phaolô khuyên: “Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề... Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1 Cor 3, 10-11)

Phó tế: GB Nguyễn Văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Cây gậy,đôi dép và tấm áo
Pm. Cao Huy Hoàng
17:44 09/07/2009
Suy niệm CN 15 Thường niên (Mc. 6,7-13)

Chúa Giêsu sai các tông đồ đi loan báo tin mừng. Khi sai đi, Chúa cũng ban cho họ có quyền trên thần ô uế, và lời căn dặn mang tính pháp qui: “khi đi đường không mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo”. (Mc.6, 8-9).

Như vậy hành trang ra đi chỉ có cây gậy, đôi dép, và tấm áo. Cái hành trang rất đơn sơ của một môn đệ Chúa, là sự quá thiếu thốn trước mắt thiên hạ. Người môn đệ Chúa có thể không hài lòng, nhưng đây là pháp qui. Có thể các vị có những ưu tư, nhưng không thấy vị nào lên tiếng phản đối cái đòi buộc làm giới hạn những phương tiện, điều kiện của mình đến mức quá sức như vậy. Vì chính các vị đã được Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi thành con người mới: nên giống Chúa Kitô hoàn toàn, một Chúa Kitô đơn sơ nghèo hèn nhưng là vương đế, là tiên tri, và là tư tế chí thánh của Thiên Chúa, một Chúa Giêsu Kitô sống sức sống của Thiên Chúa.

Cây gậy

Sức sống ấy là niềm tin tuyệt đối vào uy quyền của Thiên Chúa. Cái gậy trong tay biểu trưng cho sức mạnh của Thiên Chúa thông ban cho người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ra đi với chiếc gậy trong tay, đồng nghĩa với niềm tin vào một chỗ dựa vững chắc là sức mạnh của Thiên Chúa. Và như thế, không cần thiết phải tìm một chỗ dựa phù du nào khác. Những chỗ dựa phù du như tiền bạc, sự sung sướng vật chất, phương tiện, những lời chúc tụng, những cái bái gối, những lời đường mật ngọt ngào…vẫn luôn cám dỗ người thi hành sứ vụ. Nhưng, không gì có thể được gọi là cần thiết hơn sự cần thiết của niềm tin vào Thiên Chúa uy quyền. Thiên Chúa không có được cái uy quyền của Ngài do bởi sự thịnh nộ, quát tháo, hay vỗ ngực xưng tên… nhưng Ngài có uy quyền bởi vì tình thương của Ngài vĩ đại. Cây gậy uy quyền của Thiên Chúa thông ban cho người loan báo tin mừng chính là Tình Yêu đối với các tạo vật. Tình yêu và chỉ có Tình Yêu mới có sức, mới có uy quyền tạo dựng và biến đổi mọi tạo vật nên thánh thiện theo chương trình của Ngài.

Chúa Giêsu đã tỏ uy quyền của Thiên Chúa bằng tình yêu và hy tế thập giá. Ngài đang đòi hỏi các môn đệ của Ngài tiếp nối sứ mạng cao cả ấy. Sứ mạng loan báo về Thiên Chúa và sự sống đời đời của Thiên Chúa, trước tiên phải là người cảm nếm được Thiên Chúa và có sự sống đời đời qua Đức Giêsu nơi chính đương sự. Không ai cho cái mình không có. Đức tin, đức cậy, đức mến của người thi hành sứ vụ là hành trang cơ bản vậy. Hơn nữa, người loan báo tin mừng, chính là người mang Chúa Giêsu đến cho mọi người. Vậy, hành trang mà người phải mang theo chính là Chúa Giêsu, cây gậy của Thiên Chúa, cây gậy vững chắc bền bỉ nhờ tình yêu thương nhân loại.

Đôi dép

Đôi dép cần thiết để đi từ nơi nầy đến nơi kia. Khi ngủ người ta không mang dép. Vậy đòi buộc mang dép đồng nghĩa với đòi buộc ra đi. Thay vì nói phải ra đi luôn luôn thì Chúa Giêsu lại bảo chân đi dép. Chúa không bảo ngồi ở nhà chờ người ta tìm đến “xin và cho” Tin Mừng của Chúa. Nhưng Ngài sai đi, sai ra đi. Chúa Giêsu đã ra đi, đi từ trên cao xuống thấp, đi từ rất xa đến rất gần, đi từ cõi cao sang đến thân phận bần cùng, tội lệ.. Ngài cũng đòi hỏi môn đệ Ngài ra đi khỏi cái vỏ ốc ích kỷ của lòng mình, khỏi cái cao sang học thức của mình nếu có, khỏi cái lòng kiêu ngạo tự tôn cái rốn của vũ trụ hoặc nơi tập trung cho mọi phục dịch ngắn ngày vô bổ. Ngài đến để ra đi và phục vụ, không phải để ngồi đó và được phục vụ.

Đã có biết bao người ra đi, và đi xa, để Tin Mừng Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu đến được tận nhà người chưa biết Chúa. Người công giáo Việt Nam có thể cảm nhận điều này sâu sắc nhất, vì lịch sử vượt biển trùng khơi của các nhà truyền giáo đến Việt Nam hãy còn rất mới mẻ với thời đại đức tin của chúng ta. Còn đó những cây đa cây đề, những vị cao niên làm chứng cho chúng ta rằng họ đã sống qua mấy đời cố tây, mấy đời cố ta - những người ra đi loan tin mừng của Thiên Chúa. Ai cũng dám bỏ cái góc trời riêng nhung lụa của mình, để hòa nhập vào đoàn người đang đói khát tin mừng. Tin mừng là một quà tặng. Người tặng đến trao tận tay. Tin mừng không bày bán tại quầy chờ người đến mua, càng không phải chờ người đến lạy lục van xin để được ban phát, hay qui đổi thỏa thuận đôi bên cùng có lợi! Bản chất cốt lõi của Tin Mừng là Ra Đi. Vì Tin Mừng chính là “Đức Giêsu ra đi”.

Tấm áo

Người ra đi, được mang áo. Chỉ có một tấm áo che thân! Không được hai tấm áo! Sao quá nghiệt ngã cho người ra đi loan báo tin mừng vậy? Để che thân, thiên hạ có cả cái nhà hoặc vài ba cái nhà cao cửa rộng, có phòng lạnh, phòng nóng, phòng cách nhiệt, cách âm… Ra đường còn có xe to xe nhỏ che nắng che mưa, hoặc có ô có dù, có lọng hoa che, có võng rồng kiệu rước…. Còn thân phận của người môn đệ Giêsu chỉ có một tấm áo! Nếu là tấm áo duy nhất cuối cùng của Đức Giêsu, thì đó lại là một tấm áo không có đường may, là một tấm nguyên tuyền từ trên xuống dưới! Nhưng người ta cũng đã lột ra rồi, và là tấm áo thắm đẫm máu của con chiên chịu sát tế. Thiết nghĩ, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ mình mặc một chiếc áo duy nhất, là chính chiếc áo của Ngài đã mặc trong cuộc khổ nạn!

Các em nhỏ thường hát bài “Mặc áo xanh rồi mặc áo đỏ. Mặc áo nọ rồi mặc áo kia. Nhưng em tin rằng em đẹp nhất, nếu em mặc lấy Đức Kitô”. Mặc lấy Đức Kitô theo cách suy tư của Thánh Phaolô quả là một đòi buộc của Tin Mừng. Nên giống Chúa Kitô là phải mặc lấy tấm áo chịu sát tế của Ngài, để đời mình nên của lễ hiến dâng đền tội cho chính mình và cho người khác. Tấm áo ấy, không là tấm áo để che thân xác hay hư nát, nhưng là tấm áo, nhưng là tấm áo thắm máu được lột ra, và trở nên “những chiếc áo trắng tinh tuyền được giặt sạch nơi Máu Con Chiên”.

Quả thực, đòi buộc của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, đối với những người loan báo Tin Mừng thật là một đòi buộc chính đáng. Đòi buộc ấy, không chỉ riêng cho những người được ơn sai đi trong chức linh mục thừa tác, mà còn là của mỗi tín hữu, những người đã nhận được ơn sai đi từ Bí tích rửa tội, với ba ơn Tư tế, tiên tri và vương đế.

Cây gậy của vương đế, của Vua Tình Yêu, đôi dép của tiên tri, và tấm áo của tư tế chí thánh là Đức Giêsu.

Trong năm thánh Linh Mục, đòi hỏi của Tin Mừng hôm nay càng khẩn thiết hơn. Chúng ta càng ra sức cầu nguyện nhiều hơn, để các linh mục nên gương sáng cho các tín hữu chúng ta về việc thực thi những đòi buộc của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra: Chúa đã ban cho con cây gậy vững chắc để nương dựa là tình yêu Chúa, cho con đôi dép để luôn bước đi và bước ra đi, và cho con tấm áo thắm máu của Ngài để con được cùng Ngài tử nạn …Đó là hành trang của một đời người theo Chúa, để cho con được rỗi, và được rỗi cùng với mọi người. A men.
 
Sức mạnh loan báo Tin Mừng
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
17:48 09/07/2009
Chúa Nhật 15 Thường Niên B

Sau khoá huấn luyện “trung cấp”, tức khoảng 2 năm về “kỷ năng” loan báo Tin Mừng, hôm nay Chúa Giêsu biệt phái các môn sinh của mình lên đường thực tập sứ vụ trước khi cấp “chứng chỉ tốt nghiệp ra trường” cho các ông. Ngay trước lúc lên đường, Chúa Giêsu đã không quên ân cần dặn dò các môn sinh cách thức để việc loan báo Tin mừng mang lại hiệu quả như ý. Tựu trung lời dặn dò đó chứa đựng 3 bí quyết:

1. Loan báo Tin mừng – sứ mạng phải được thực hiện trong chiều kích cộng đoàn.

Cá nhân chủ nghĩa không có chổ đứng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Bởi chưng, Chúa Giêsu không sai các môn đệ đi từng người một, lẽ loi đơn độc, để rồi các ông cứ mãi hát khúc hát “Cô Đơn Một Cõi Đi Về”. Ngài sai họ đi là sai từng hai người một. Cùng với các Tông đồ khác tạo thành nhóm, thành cộng đoàn. Qua đó, các ông được huấn luyện tinh thần làm việc chung, làm việc với người khác. Tinh thần làm việc chung, việc nhóm mới có khả năng tạo nên sức mạnh kỳ diệu (các giải thưởng Nobel trong những năm gần đây chứng minh điều này. Hầu hết đó là những công trình của một tập thể, một nhóm). Hơn nữa, trên phương diện chứng tá, thì chứng của hai người trở lên bao giờ cũng có giá trị. Giá trị còn là vì cộng đoàn tính nói lên tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ. Cộng đoàn tính còn là lời chứng sống động về tình huynh đệ yêu thương mà họ rao giảng. Bởi thế ta không ngạc nhiên khi thấy các vị thừa sai thường được phái đi từ 2 hoặc 3 người đến một giáo điểm hay một giáo xứ nào đó để làm việc Tông đồ truyền giáo.

Chính Chúa Giêsu khi được Chúa Cha sai đến trần gian, Ngài không đi một mình, nhưng có Chúa Thánh thần cùng đồng hành và cùng hoạt động với Ngài.

2. Loan báo Tin mừng – sứ mạng cần được thực hiện với tinh thần siêu thoát.

Siêu thoát khỏi những dính bén với của cải vật chất, tiền bạc để sẵn sàng lên đường, sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu một cách nhanh nhẹn và vui tươi. Siêu thoát với mọi thực tại đời này để toàn tâm, toàn ý cho sứ mạng được giao phó. Thái độ siêu thoát cũng là dấu chứng nói cho người khác biết lòng tin tưởng phó thác của người môn đệ vào sự quan phòng của Chúa. Chúa Quan Phòng phải là người bạn đường của người loan báo Tin mừng. Nếu gạt Chúa Quan Phòng sang một bên, người tông đồ chỉ còn loay hoay vun vén, đào hang, xây tổ cho riêng mình.

Chúa Giêsu đã nêu gương cho các môn đệ của Ngài về tinh thần siêu thoát và tín thác. Khi đến trong trần gian, Chúa Giêsu không mang theo gì ngoại trừ tình yêu của Chúa Cha. Khi sống trong trần gian, cũng như khi đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu hoàn toàn sống phó thác vào sự quan phòng của Chúa Cha. Chính Ngài đã bộc bạch: “Chim có tổ, cáo có hang; còn Con Người không có chổ tựa đầu” (Lc 9, 58).

3. Loan báo Tin mừng – sứ mạng phải được thực hiện với năng quyền của chính Chúa.

Lệnh truyền và sứ điệp loan báo Tin Mừng không đến từ con người, nhưng đến từ Thiên Chúa. Do đó để có thể chu toàn sứ mạng, cần đón nhận năng quyền Thiên Chúa ban. Đó là năng quyền rao giảng: công bố Tin mừng cứu độ của Đức Kitô. Đó là năng quyền chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống. Đó còn là năng quyền trừ quỷ hầu chế ngự và đẩy lui các thế lực sự dữ.

Kinh nghiệm của các Tông đồ ngày hôm nay cũng cho thấy Thiên Chúa luôn dẫn dắt chúng ta đi: “Ơn ta đã đủ cho ngươi”. Đức Tổng Giám mục Vacchelli, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám mục Ý quốc, khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Trợ lý Tổng Trưởng của Thánh Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các dân tộc và Chủ tịch Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, Ngài cho hay: “Gia nhập vào Thánh Bộ là chịu trách nhiệm trực tiếp với 1.100 giáo phận trên toàn cầu, 2000 giám mục và vô số các giáo sĩ, nam nữ tu sĩ. Và trên hết vấn đề chính không chỉ là nghèo đói, nhưng là xây dựng một đời sống theo đường lối Kitô giáo. Vì thế phạm vi rộng hơn nhiều”.

Đối mặt với lượng công việc đồ sộ như vậy, Ngài vẫn tràn trề hy vọng nói: “Khi anh làm việc cho Thiên Chúa, Người luôn đi trước anh, thu xếp tính hèn yếu của anh bằng ân huệ của Người”. Nếu ý thức được như thế, các vị thừa sai của Chúa sẽ bớt lo sợ khi thấy trách nhiệm năng nề, đồng thời sẽ bớt tự mãn kiêu căng khi làm được việc này việc kia.

Qua Bí tích Rửa tội, đặc biệt là Bí tích Thêm sức, người Kitô hữu, cũng là người được sai đi. Được sai đi cùng với người khác, được sai đi với tính thần siêu thoát và được sai đi với ơn sức của Chúa. Đối tượng mà chúng ta cần nói cho biết về Chúa, không ở đâu xa mà ngay trong gia đình, gia tộc và xứ sở của mình. Họ là những người thân thích với ta, là bà con lối xóm của ta. Họ là những người đồng hương với ta. Họ là những người cùng nghề cùng sở làm với ta, v.v...

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là khi thực hiện ơn gọi loan báo Tin mừng, tôi đã nêu cao tinh thần chung, tinh thần cộng tác với anh chị mình chưa hay vẫn còn cá nhân chũ nghĩa ? Tôi đã đề cao tinh thần siêu thoát chưa hay còn quá dính bén với những thự tại đời này, quá chú trọng đến việc xây tổ, có đào hang cho mình không? Và nhất là tôi đã hết lòng dương cao sức mạnh của Chúa chưa, hay chỉ toàn cậy dựa vào tài cáng và sức riêng mình ?
 
Dòng Đa Minh Hà Lan nói về sứ vụ linh mục
Nguyễn Thông
17:51 09/07/2009
1. Sứ vụ linh mục trong giáo hội công giáo.

Chỉ có linh mục cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Không có linh mục, thì không có thánh lễ. Khi không có thánh lễ, thì cử hành phụng vụ Lời Chúa và có thể trao Mình Thánh Chúa.

Có 2 cách giải quyết tình trạng thiếu linh mục:
-liên kết các giáo xứ trong 1 vùng thành liên giáo xứ, do 1 linh mục đứng đầu và làm việc chung với các phó tế và cán sự mục vụ.
-thu nhận các linh mục ngoại quốc.

Nhận xét:
-sứ vụ linh mục đặt trên quyền của giáo dân cử hành thánh lễ,
-thánh lễ đặt trên cộng đoàn tế tự,
-quyền linh mục đặt trên quyền của cộng đoàn đức tin.

Vấn nạn:
-giáo dân không phân biệt thánh lễ và phụng vụ Lời Chúa,
-giáo dân cử hành Lời Chúa,
-giáo dân không thể cử hành các bí tích.

Gợi ý:
Cộng đoàn đức tin chọn người cử hành phụng vụ, để giám mục trao ban sứ vụ.

2. Tư tưởng thần học về giáo hội.

Công đồng chung Vatican 2 năm 1965 đã xác định:
-ơn cứu độ của dân Chúa là đích điểm,
-giáo sĩ là phương tiện.

Giáo hội thời các tông đồ có nhiều sứ vụ khác nhau: tông đồ, tiên tri, thánh sử, lảnh đạo, thầy dạy, phó tế, quan sát, cố vấn … Các vị lảnh đạo được các tong đồ trao ban sứ vụ qua một nghi thức: gọi là bí tích. Các chức vụ khác không cần nghi thức trao ban. Cộng đoàn đức tin ấn định người nào làm việc gì.

3. Cử hành các bí tích.
Việc cử hành các bí tích là dấu chỉ, là mầu nhiệm, là sự bảo đảm của ơn cứu độ cho cộng đoàn đức tin. Cử hành Thánh Thể, chia sẻ bánh rượu: Mình Máu Chúa, là chia sẻ sự sống Chúa với nhau, là dấu chỉ Chúa ở với cộng đoàn đức tin.

4. Thi hành sứ vụ linh mục.

-cộng đoàn đức tin chọn người,
-độc thân không là điều kiện,
-chọn người có khả năng,
-từ thế kỉ 12: có luật độc thân,
-từ thế kỉ 13: chỉ linh mục cử hành bí tích,
-từ thế kỉ 17: linh mục thành thiên chức,
-từ thế kỉ 20: giáo sĩ là phương tiện.

5.Suy nghĩ tương lai.

-độc thân và nam giới: là luật giáo hội,
-thực tế của cộng đoàn dân Chúa,
-thiếu linh mục: thêm các phó tế và cán sự mục vụ,
-cộng đoàn đức tin chọn người, để giám mục trao ban sứ vụ.
 
Năm Linh mục: Cha sở tôi
Micae Nguyễn Ngọc Sáng
18:10 09/07/2009
“Ông cha”, ngài là linh mục. Hồi xưa, có nơi gọi là ông cố, nhưng danh xưng ông cố hình như được dùng để gọi các cha lớn tuổi (?). Những người không Công Giáo còn gọi các ngài là ông cố đạo. Đi đến nhà thờ, có người muốn gặp ông cố sở, có người muốn gặp cha phó. Ông cố hay ông cha, dẫu cho được gọi dưới tên gì, đó cũng là linh mục. Nhưng, linh mục, ngài là ai?

Tôi chỉ muốn và dám nói tới các cha của họ đạo tôi thôi. Bà con xứ tôi thương các cha lắm và hãnh diện lắm. Cha là người ở xứ nào đâu đó đến, mặc, không cần biết, chỉ biết là từ khi cha đã đến xứ này rồi thì: một, cha sở tôi, hai cũng là cha sở tôi. Sau một thời gian ở tại họ, cha được các đấng bề trên đổi đi nơi khác. Tới ngày lễ bổn mạng của cha sở cựu, bà con cơm ghe bè bạn lên đường đi thăm cha nơi nhiệm sở cha đang ở, gặp người xứ lạ nơi cha đang phục vụ, vậy mà cũng dám mở miệng nói: cha sở tôi! May phước là người ta không tranh giành.

- Mình có họ đạo rồi thì không cha này cũng cha khác, cũng sẽ có cha được bổ nhiệm tới chớ lo gì?

-Tầm bậy, cha sở mình là cha sở mình!

Danh tiếng lắm! Hãnh diện lắm! Cha sở Tòng làm Đức Cha!

Giám mục Nguyễn Bá Tòng
Xin gọi là Đức Cha bởi nếu thời đó nói tới ngài mà gọi là Giám Mục thì người ta không biết, bà con xứ tôi sẽ cự lại liền: Đức Cha chớ Giám Mục cái gì! Tôi đang nói về “cố Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng”, vị giám mục tiên khởi của Việt Nam, là đức cha đầu tiên trong lịch sử giáo hội Việt Nam, là cha cựu của họ đạo Bà Rịa, là người đã để lại bao công trình cho họ đạo, là người đã xây dựng “nhà tuồng” nơi đó bà con xứ tôi đã có dịp xem những tuồng hát đạo như “Thánh Xitô tử đạo”, tuồng gì nữa đó mà tôi chỉ là kẻ hậu sanh nên chỉ nghe kể lại thôi rồi không nhớ được, rồi tuồng “Thương Khó” danh tiếng. Các vở tuồng này thì nếu tôi nhớ không sai, đó là các vở tuồng của ông Đoàn Công Chánh, người em út của cha Phaolô Đoàn Công Đạt. Tuồng nào khi diễn cũng đều do cha sở Tòng xem vai, chọn vai. Thí dụ như khi diễn tuồng “Thương Khó”, cha đã chọn người đóng vai Chúa Giêsu là ông Bảy Vui, cha của cha Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Vàng bởi ông có gương mặt dài dài, giống như các hình vẽ về Chúa, mà giọng nói của ông thì nghe như tiếng chuông ngân, không biết bao giờ nghe lại được! Còn như với tuồng “Xitô”, cha đã chọn ông Sáu Trọng để đóng vai thầy pháp. Mỗi lần thầy pháp bước ra sân khấu là mỗi lẫn tiếng cười vang gần bể rạp.

Còn nữa, trường học nhà thờ, lầu chuông (thời đó), và … cho nên một khi mà cha sở sau này muốn sữa đổi cái gì, người ta hay ngăn cản: đó là di tích của cha sở Tòng. Người ta không “muốn” làm cái gì mới. Người ta muốn giữ lại tất cả những gì có thể làm cho người ta nhớ lại “cha sở Tòng”. Tất cả những cái đó bây giờ không còn nguyên vẹn, do thời cuộc. Có chăng là những chạm trổ trên các cửa ở nhà thờ Tân Định. Sau khi rời Bà Rịa, cha đổi về Tân Định. Được ít lâu sau, cha trở lại thăm họ cũ rồi đem ông Tư Nhi và người học trò là Bảy Để lên Tân Định, để chạm trổ các cửa nhà thờ mà ngày nay vẫn còn. Rồi cái cha được chọn làm Đức Cha, cha đổi đi đâu ở cái xứ gì mà nó xa lắc xa lơ không biết ở đâu mà tới. Sau này, đọc báo mới biết cha đổi đi làm giám mục địa phận Phát Diệm. Rồi cha qua đời, không ai tìm đến được để “thăm” cha, nhưng trong lòng, người ta luôn nhắc tới “cha sở Tòng”.

Cha Tòng đi, cha Gabriel Long tới.

Cha Nguyễn Thành Long
Cha là một thầy đờn (bây giờ người ta gọi là nhạc sĩ). Đức Cha Tòng chịu chức năm 1930, thì cha đổi đi khỏi Bà Rịa vài năm trước đó, nghĩa là cha Long về họ Bà Rịa ở những năm 1927 (?). Người lớn kể lại: cha thường có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ, chắc là cha đang sáng tác. Khổ nổi là không còn ai của thời đó để mà hỏi thăm, chỉ biết là cha có nhiều học trò nhạc, trong đó có ông Sáu Cậy ở Chợ Quán. Có một thời, ông Sáu Cậy là trưởng ban nhạc Cảnh Sát Đô Thành, gồm hơn 150 nhạc công, và ông cũng thường tự hào, xưng mình là học trò của cha Gabriel Long và cha Phaolồ Đạt.

Nói tới cha Long, nhiều người thương mà cũng có người “ghét”. Cha giỏi nghề thuốc lắm. Mấy cái bệnh thông thường như ho cảm, đau bụng đau dạ thì ai nói làm gì, mà hễ đau, lên cha, cha cho thuốc hay cha viết toa cho ra tiệm thuốc Bắc để “hốt” thuốc, đặc biệt cái bệnh tiểu đường. Sau khi bắt mạch biết rõ bệnh rồi, cha biểu về đi, mai lên cha lấy thuốc. Ngày hôm sau lên, cha đưa thuốc, về sắc uống, sau đó hết bệnh. Năn nỉ xin cha cái toa để mai sau hữu dụng, giúp đời, cha dứt khoát không cho là không cho: “ông cha xấu”!

Cha Long đổi đi, cha Phaolồ Đạt về.

Người ta nhắc: Từ ngày cha đi rồi, đâu còn nghe cha hát nữa. Bởi cha cũng là một thầy đờn. Cha soạn nhạc. Cha là tác giả của hai cuốn “Ca Ngợi Trái Tim” và “Ca Ngợi Đức Bà”. Còn bài hát “Kính Nguyện Chúa Thánh Thần” cũng là của cha. Thỉnh thoảng trong ngày, có dịp đi ngang nhà cha, người ta nghe cha hát. Cha hát một cách tự nhiên, to tiếng y như là người ta đang hát trong nhà thờ. Có người rình và thấy khi hát, cha “múa tay” lên xuống, lắc lư cái đầu làm như hát thiệt:

- Cha nhỏ con mà tiếng hát cha to ghê!

Đó là những lúc cha đang soạn nhạc, cha đánh nhịp, cha hát thử.

Có một lần lên nhà thờ gặp giờ cơm, về bà ngoại tôi thấy mũi lòng. Bà kể cha ngồi ăn cơm trưa với một dĩa khổ qua luột và một dĩa nước mắm “sống” có dầm trái ớt (đó là nước mắm nguyên chất, không có pha chế, thêm giấm hay thêm đường). Thấy bà ngoại tôi cứ nhìn lom lom “bữa cơm” của cha, cha giải thích: ăn như vầy ngon lắm con mà lại bổ nữa, với lại khổ qua ăn nên thuốc. Nhưng bà ngoại tôi “không chịu”, rồi từ đó cho đến khi ngoại tôi chết, cứ mỗi lần câu được cá buôi thì bà ngoại tôi sai hai anh tôi đem lên cho cha. Con cá buôi này tôi không hề biết mặt. Đó là loại cá hiếm mà anh tôi nói là ngon lắm, tưởng gì: ngoại nói như vậy. Cũng bà ngoại tôi nói chớ nào anh tôi có nếm qua món cá này bao giờ đâu. Anh tôi còn nói: cá này mắc tiền lắm, người ta mà câu được thì thường đem ra chợ bán, cho mấy nhà giàu, và mỗi lần hai anh tôi (hai anh em sinh đôi) khiêng cái giỏ cá đi lên nhà cha, cha thấy thì cha hay bước ra trước thềm nhà cha, đầu ngả qua ngả lại, cha hát:

Ba đồng một mớ cá buôi
Bỏ công câu cá về nuôi mẹ chồng.


Bà ngoại tôi chết, không còn cá buôi để đem lên cho cha nữa. Rồi cha đổi đi nơi khác, không biết là họ đạo nào cho đến khi má tôi dẫn tôi lên thăm cha là lúc cha đang nghỉ hưu tại Chủng Viện Sài Gòn. Rồi cha qua đời, được chôn cất tại nghĩa trang các cha ở Chí Hòa.

Đâu có dễ gì mà tìm đến nơi được để “thăm” cha. Từ xứ tôi mà đi được đến Sài Gòn thì cầm bằng như là bây giờ đi từ Việt Nam qua Mỹ, qua Tây, nhưng hồi đó có lẻ còn khó hơn. Mà đến được Sài Gòn rồi thì Chí Hòa là ở đâu nữa? Bởi vậy, hễ có người biết đường đi, người ta rủ nhau đi chung, đi lên thăm cha già, đi viếng mộ cha. Cả một tốp người vây quanh một nấm mộ. Bao nhiêu người chung một lòng tưởng nhớ!

Trước đây, trong tháng 5 là tháng Đức Mẹ và tháng 6 là tháng kính Trái Tim, chiều phép lành là người ta hát các bài hát trong sách “Ca Ngợi”. Còn ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nhiều họ đạo lo tập kinh “Kính Nguyện Chúa Thánh Thần”, 4 bè thiệt là “uy nghi”. Những khi nghe hát những bài hát này, sau lễ bà con xứ tôi nhắc nhở nhau: “Thiệt, nghe mấy bài hát này tui nhớ cha già Phaolồ Đạt quá!” Ngày nay, nói tới mấy kinh này, có mấy ai biết!

Trong đời tôi, còn nhiều “cha sở” nữa, nhưng xin dừng lại nơi đây, tạm có đôi phút tưởng nhớ các cha xưa, “cha sở tôi”.
 
Chân dung người được sai đi
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:34 09/07/2009
Chúa Nhật XV Thường niên

Ai là những người được sai đi ?

Hằng năm cứ vào dịp hè về, các Chủng viện, các Hội Dòng tại Việt Nam thường có những tổ chức cắt cử người thụ huấn đi thực tập mục vụ, truyền giáo, với các văn thư sứ vụ hay còn gọi là “bài sai”. Hình như tâm trạng chung là vừa hí hững khi được dịp khẳng định mình và vừa hồi hộp không biết mình sẽ đi đâu và làm việc gì. Cần khẳng định rằng không phải chỉ có các linh mục, chủng sinh, thỉnh sinh, tập sinh hay tu sĩ nam nữ mới là những người được sai đi.

Những người được sai đi phải là những người được Thiên Chúa chọn gọi. Ngôn sứ Amốt đã trả lời với tư tế Amatgia cách tượng hình rằng: “Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật…”( Am 7, 15 ). Thánh sử Maccô ghi rõ “Khi ấy Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai và bắt đầu sai đi từng hai người một…”( Mc 6,7 ). Có thể nói rằng bất cứ ai là Kitô hữu cũng đều được sai đi, đặc biệt khi đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức để sống đời Kitô hữu cách trưởng thành, nghĩa là với sự ý thức, tự giác và tinh thần trách nhiệm. Một người dân quê, chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung như Amốt cũng được sai đi. Tất thảy là vì “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” ( Ep 1, 4 ).

Được sai đi để làm những gì ?

Chúng ta có thể liệt kê một vài công việc của người được sai đi như sau: Trước hết là nhân danh Chúa truyền đạt ý định của Chúa cho tha nhân. Đây chính sứ vụ làm ngôn sứ mà Cựu ước thường gọi là đi tuyên sấm hay đi nói tiên tri và Tân ước thường gọi là đi rao giảng Tin Mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Công việc của người được sai đi còn là xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, nghĩa là thi ân giáng phúc cả phần hồn lẫn phần xác cho nhân trần.

Một định luật dường như là tất yếu: Không ai có thể trao ban những gì mình không có. Để thực thi những điều, những việc vượt lẽ thường tình, thì những người được sai đi phải có khả năng cách nào đó cũng như phương tiện nào đó. Nhìn vào danh sách của Nhóm Mười Hai thì người ta có quyền nghi ngại về khả năng tự bản thân các ngài. Hơn nữa, khi các ngài được sai đi thì như với hai bàn tay trắng. Không tiền bạc, không lương thực, không bao bị, trên thân chỉ mỗi một manh áo, dưới chân chỉ có đôi dép và chiếc gậy trên tay, thế thì các ngài dựa vào đâu để chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, rao giảng tin mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối ? Câu trả lời là đây: Tin Mừng Maccô ghi rõ: Chúa Giêsu ban cho các ngài quyền trên các thần ô uế ( 6,7 ).

Một nguồn lực để thực thi sứ mạng tông đồ: Có quyền trên các thần ô uế.

Có quyền trên một ai đó là ta thực sự làm chủ trên họ, ra lệnh cho họ và họ phải tuân theo. Thử hỏi các thần ô uế là những ai ? Nếu cho rằng đó là thần dữ, là ma quỷ thì ít ai dám phản đối. Thế nhưng, người mà thần ô uế đành tuân lệnh thì phải Đấng Thánh của Thiên Chúa ( x. Mc 1,23-24 ). Thần ô uế xét như là thế lực bên ngoài thì chính là ma quỷ. Chúng ta tin nhận Chúa Giêsu đã ban quyền cho các Tông đồ cách nào đó trên thế lực này. Xưa lẫn nay, cũng có nhiều đấng được thông ban ơn trừ quỷ. Tuy nhiên số các vị này rất ít. Thế thì những người khác không có ơn này thì không được sai đi để thi hành sứ vụ tông đồ ư ? Dễ dàng trả lời là không phải như thế. Thử hỏi có mấy ai dám to gan cho rằng mình đủ khả năng đương đầu với ma quỷ ? Trước kẻ thù bên ngoài như “sư tử gầm thét”, thì chúng ta không dám coi thường ( x. 1 P 5,8 ), nhưng chúng ta rất có thể xao lãng kẻ nội thù.

Vậy cần phải xem xét thêm một thứ thế lực ô uế bên trong con người chúng ta. Chúa Giêsu đã minh nhiên khẳng định những cái bên trong phát xuất ra làm cho người ta ra ô uế đó là “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” ( Mc 7,21 ). Có quyền trên các thần ô uế thì cũng có nghĩa là làm chủ các khuynh hướng xấu, các ý định xấu, các việc làm xấu xa ở trên. Một điều chắc chắn rằng để được sai đi và có khả năng thực thi sứ mạng, thì người đựơc sai phải làm chủ một cách nào đó những cái bên trong vốn có thể làm chúng ta ra ô uế.

Đó đây có thể thiếu người được sai đi, nhưng ở Việt Nam hiện nay thì có thể nói vẫn chưa thiếu nếu không muốn nói là còn thừa. Với những người được sai đi thì Thiên Chúa không bao giờ dè sẻn ân ban. Thế nhưng, những người được sai đi có thực thi được sứ mạng hay thực hiện sứ mạng cách tốt, xấu ra sao, thì vẫn còn tùy ở việc họ có làm chủ được các thần ô uế bên trong, nghĩa là làm chủ những xung lực xấu ở bên trong, khả dĩ có thể làm cho họ ra ô uế như thế nào.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nhận định về thông điệp ''Đức Ái Trong Sự Thật''
Vũ Văn An
10:06 09/07/2009
Chỉ trích chủ nghĩa tư bản

Trên tờ tuần báo The America, số đầu tháng Bẩy, linh mục James Martin, Dòng Tên, cho rằng thông điệp “Đức ái trong sự thật” đã mặc nhiên phê phán chủ nghĩa tư bản. Ông nhận xét như thế với tư cách là một người tốt nghiệp trường Kinh Doanh Wharton, với bằng cử nhân kinh tế vào năm 1982 và đã từng làm việc cho công ty GE và sau đó cho công ty GE Capital (từ 1982 tới 1988). Nói như thế chỉ để chứng tỏ ông là một người theo chủ nghĩa tư bản, hay ít nhất cũng là người ủng hộ chủ nghĩa này, coi nó như một hệ thống đóng góp hữu hiệu nhất cho của cải, dịch vụ và sự thịnh vượng của con người.

Theo linh mục Martin, không ít người Công Giáo phò thị trường tự do đã thêu dệt Đức Ái Trong Sự Thật thành một thứ văn kiện nhìn nhận hệ thống tư bản. Và ông tỏ ra ngạc nhiên đối với những người Công Giáo ấy, những người vẫn thổi phồng các chủ trương “phản bác văn hóa đương thời” của các vị giáo hoàng, nhất là lúc nói tới những vấn đề như phá thai, nghiên cứu tế bào gốc hay các vấn đề về sự sống nói chung, nhưng lại sẵn sàng nhìn sang hướng khác, khi nền văn hóa bị phản bác ấy là chủ nghĩa tư bản phò thị trường tự do hay chủ nghĩa tiêu thụ đang thịnh hành. Và nếu bạn còn hoài nghi không biết Đức Giáo Hoàng có chỉ trích chủ nghĩa tư bản hay không, thì theo linh mục Martin, bạn nên đọc chính văn kiện của ngài.

Một số từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần như: liên đới, công lý, nghèo khó, ích chung, tất cả đều là những từ ngữ mà chủ nghĩa tư bản, hay ít nhất tư tưởng duy tư bản, vốn có truyền thống đọc lướt qua. Những người phò thị trường tự do cho rằng thị trường sẽ đem lại những điều trên qua việc điều hành nền kinh tế một cách êm đẹp và hữu hiệu. Nhưng như ta đã thấy, thực tế đã không xẩy ra như vậy. Chỉ cần hỏi người nghèo là thấy. Mà hỏi đâu cũng thấy vì người nghèo có đến hàng tỉ, ngay tại Hoa Kỳ và ở khắp mọi nơi. Như Winston Churchill có lần đã nói về nền dân chủ, chủ nghĩa tư bản xem ra là hình thức tồi tệ nhất trong việc phân phối kinh tế. Và ở đây, theo linh mục Martin, cũng như các vị tiền nhiệm từ Lêô, tới Phaolô và Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô hoàn toàn đúng và có quyền đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ đối với não trạng duy tư bản.

Hãy đọc số 36: “hoạt động kinh tế không thể giải quyết hết mọi vấn đề xã hội bằng cách chỉ áp dụng luận lý thương mãi. Việc ấy phải được quy hướng về việc mưu cầu ích chung, mà cộng đồng chính trị đặc biệt phải nhận phần trách nhiệm”.

Điều chủ chốt mà Đức Bênêđíctô XVI muốn nói là: thị trường không thể chu cấp cho mọi người. Và vì nó không thể làm được việc đó, nên một điều gì khác thế phải được coi là giá trị chủ chốt: điều đó chính là ích chung. Bên ngoài việc tạo ra của cải, còn có nhiều giá trị khác nữa. Và các giá trị này phải được nhập thân vào cách tính toán của ta đối với những điều “nên việc”. Đối với Đức Bênêđíctô XVI, Adam Smith (1) chỉ đúng một phần.

Sau đây là một lãnh vực chỉ trích khác. Trong kinh tế học cổ truyền, các nhà kinh tế học thường cho rằng sẽ luôn có thứ “thất nghiệp thặng dư” (residual unemployment), do các công nhân thay đổi công việc mà tạo ra. Còn sở dĩ có người nghèo, là tại họ không “có hiệu năng” do thiếu giáo dục hay huấn luyện tay nghề, và cũng có thể họ không chịu cố gắng đi tìm việc làm, cho nên cảnh nghèo của họ chính là chiếc gậy nhọn thúc họ phải được huấn luyện tốt hơn, được giáo dục tốt hơn hay được khích lệ nhiều hơn. Tóm lại cả hai vấn đề, thất nghiệp và nghèo đói, đều là các dữ kiện có sẵn trong hệ thống thị trường tự do. Nhưng không sao, vì cuối cùng thị trường sẽ điều chỉnh các vấn đề ấy.

Cũng như các vị tiền nhiệm của mình, Đức Bênêđíctô XVI không nghĩ như thế. Ngài viết: “Không được coi người nghèo là một “gánh nặng”, mà là một tài nguyên, dù xét theo quan điểm kinh tế. Tuy nhiên, sẽ sai lầm khi chủ trương rằng nền kinh tế thị trường tự chân thân đã mang nhu cầu phải có một chỉ tiêu nghèo khó và thiếu phát triển mới vận hành được cách tối hảo. Vì chính lợi ích của thị trường, người ta cần phải cổ xúy việc giải phóng, nhưng để làm được việc này, nó không thể dựa vào chính mình, vì tự nó, nó không thể sản xuất được điều gì nằm ngoài khả năng của nó. Nó cần rút tỉa các năng lực tinh thần của mình từ các chủ thể khác, vốn có khả năng sản sinh ra những năng lực này”.

Làm người Công Giáo không nhất thiết phải làm người duy tư bản. Dĩ nhiên càng không nhất thiết phải là người cộng sản hay duy xã hội. Giáo Hội Công Giáo rất đúng khi lên tiếng chỉ trích các lỗi lầm trắng trợn của hệ thống tư bản, không phải vì tự thân chủ nghĩa tư bản là một điều xấu hay đi nguợc lại Phúc Âm, nhưng chỉ vì nó thất bại trong nhiều khía cạnh đối với việc duy trì phẩm giá của mọi con người nhân bản. Trong Phúc Âm Mátthêu, khi Chúa Giêsu dạy ta rằng ta sẽ bị phán xét căn cứ vào cung cách ta chăm sóc những người anh em nhỏ bé nhất của ta, là Người chủ ý nói tới người nghèo.

Theo linh mục Martin, thông điệp “Đức Ái Trong Sự Thật” nhắc ta điều này: đức ái mà Chúa Giêsu thường nói tới không do chủ nghĩa tư bản chu cấp. Và do đó, quả là thích hợp nếu Giáo Hội chỉ ra sự thật ấy, dù sự thật ấy có làm những người Công Giáo theo chủ nghĩa tư bản khó chịu.

Chỉ trích nhiều khía cạnh khác

Độc giả Brian Thompson, sau khi đọc bài của linh mục Martin, đã nhận định rằng: đúng là Đức Thánh Cha chỉ trích các thiếu sót của chủ nghĩa tư bản, nhưng đồng thời ngài cũng chỉ trích nhiều khía cạnh khác. Theo ông cần đọc những điều Đức Thánh Cha nói tới giá trị của tính phụ đới (subsidiarity) nghĩa là phải cố gắng quản trị sự việc ở cấp thấp nhất có thể; liên kết công lý với yêu thương/bác ái; thận trọng đừng làm người khác lệ thuộc việc bác ái về phương diện vật chất; lên án việc đồng hóa thịnh vượng vật chất với phát triển; dùng bác ái để xuất cảng hay áp đặt ý thức hệ hay thí nghiệm trên người nghèo (như kiểm soát dân số chẳng hạn); thỏa hiệp các tiêu chuẩn đạo đức và luân lý nhân danh “phát triển” (như một số trò nhại đạo đức sinh học rẻ tiền); thái độ cha chú, kẻ cả đối với các nước nghèo; sự thiếu khả năng của chủ nghĩa duy tục trong việc đưa tới phát triển nhân bản chân chính… Và điểm chủ yếu của thông điệp, theo Thompson, là: Trên hết, phát triển nhân bản chân chính nhất thiết phải nối kết với việc đối xử với con người như những thực tại toàn diện, bất cứ điều gì không làm được như thế không thể gọi được là công bình, chân thật và yêu thương. Ông cũng cho rằng xã hội ngày nay có nhiều điều cần cải thiện. Ngay lúc này đây, cả người tư bản, lẫn người xã hội chủ nghĩa hay bảo thủ hoặc cấp tiến đều không được tự mãn. Mọi người đều có nhiệm vụ phải thận trọng khi phân tích các ngôn từ của Đức Thánh Cha để tìm thấy trong đó có cái gì chứ không phải tìm ra điều mình muốn nghe, muốn đọc.

Nền kinh tế ơn phúc

Linh mục Drew Christiansen, Dòng Tên, chủ bút tuần san The America, thì cho rằng suốt bốn năm qua, nhiều người Công Giáo vẫn mong có một thông điệp mới về xã hội, đề cập đến những vấn đề nóng bỏng như hoàn cầu hóa, đạo đức môi sinh, cũng như cuộc khủng hỏang kinh tế hiện nay và vấn đề bảo vệ lao động. Tin đồn lên cao vào hai năm trước nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Đức GH Phaolô VI công bố thông điệp “Phát Triển Các Dân Tộc” (Populorum progression). Nên việc công bố thông điệp “Đức Ái Trong Sự Thật” ngày 7 tháng Bẩy vừa qua là một tin vui.

Các nhà tranh đấu và đạo đức học xã hội hiện còn tôn kính Đức Phaolô VI thẩy đều hân hoan khi biết Đức Bênêđíctô XVI đã dành hẳn một chương để nhắc tới Phát Triển Các Dân Tộc, một trong những văn kiện xã hội có tính canh tân nhất trong 50 năm qua, và mặc dù trễ so với việc kỷ niệm 40 năm ban hành thông điệp ấy, Đức Bênêđíctô XVI vẫn kêu gọi ta tưởng niệm nó như ta thường tưởng niệm thông điệp Tân Sự (Rerum novarum) hàng năm. Những nhà tân bảo thủ hình như hơi cau mày khi ngài đặt thông điệp này không những cùng hàng với Phát Triển Các Dân Tộc mà còn cùng hàng với Quan Tâm Tới Việc Xã Hội (Sollicitudo rei socialis), là thông điệp bình đẳng nhất của Đức Cố GH Gioan Phaolô II mà họ ít ưa nhất trong công trình biên soạn của Đức Cố Giáo Hoàng.

Đức GH Bênêđíctô XVI tự đặt cho mình nhiệm vụ cập nhật thông điệp của Đức Phaolô VI, nhất là vì cường độ gia tăng của việc hoàn cầu hóa và các vấn đề càng ngày càng nhiều của nó. Ngài cũng đem lại một cái nhìn mới mẻ đối với thông điệp của Đức Phaolô VI, đặc biệt nhấn mạnh tới thần học về nhân vị vốn ẩn tàng trong đó. Cái hiểu của ngài về thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc cũng như chính tựa đề Đức Ái Trong Sự Thật cho thấy các quan tâm có tính siêu hình nơi Đức Bênêđíctô XVI, và ngài đã khai thác các chủ đề, tỉ dụ phát triển như “ơn gọi” chẳng hạn, thành các bài học quan trọng về vai trò chủ yếu của tự do một cách có trách nhiệm trong tiến bộ nhân bản. Thông điệp còn nhiều phong cách riêng khác, như việc nhấn mạnh rằng giáo huấn xã hội Công Giáo coi phát triển như chiếc áo không viền, không có những phân chia nhỏ (subdivision) rõ ràng.

Thông điệp này chắc chắn mang dấu ấn của Đức Bênêđíctô XVI và bộc lộ với ta các quan tâm của ngài. Sự liên hệ qua lại giữa đức ái và sự thật là một điển hình hiển nhiên nhất; và có lẽ đây là văn kiện giáo huấn xã hội đầu tiên kể từ Vatican II biết minh nhiên nhấn mạnh tới tính liên quan của siêu hình học đối với sứ mệnh xã hội của Giáo Hội. Công đồng từng từ bỏ mô thức Triết Lý Trường Cửu (philosophia perennis) xưa cũ trong giáo huấn xã hội của mình để tiếp nhận nền thần học tích cực của Thánh Kinh, của các giáo phụ và phương pháp đọc ra các Dấu Chỉ Thời Đại. Đức Ái Trong Sự Thật cũng nói nhiều tới các mối tương quan qua lại giữa đức tin và lý trí, đức ái và nhận thức, quyền lợi và bổn phận, phụ đới và liên đới, không ngừng nhắc ta nhớ tới những cặp “cả-lẫn” (both-and) của đạo Công Giáo.

Khu vực thứ tư bên cạnh nhà nước, thị trường và xã hội dân sự

Theo linh mục Christiansen, điều hấp dẫn nhất là định đề của Đức Bênêđíctô XVI về một khu vực thứ tư trong xã hội, tức các thực tại kiếm lời nhưng dấn thân tìm kiếm ích chung, song song với nhà nước, thị trường và xã hội dân sự. Linh mục nhận định rằng thoạt đầu khó hình dung được khu vực này, nhưng dần dần người ta thấy trên thực tế đã có những thực tại như vậy thí dụ Ngân Hàng Grameen (2) và nhiều định chế tài trợ tiểu mô khác; những nhà tiếp thị “Fair Trade” (3) (Kinh Doanh Ngay Thẳng) và những công ty tiểu đầu tư như GlobalGiving (4), chuyên hỗ trợ các nhà doanh nghiệp tại các nước đang phát triển. Linh mục Christiansen nghĩ rằng các điển hình này có thể phù hợp với quan điểm của Đức Giáo Hoàng. Vì tất cả các tổ chức ấy đều có đặc tính của điều được Đức Thánh Cha gọi là “nền kinh tế ơn phúc” hay nền kinh tế nhưng không (the economy of gratuitousness). Người ta không biết chắc liệu các doanh nghiệp này có tạo thành một khu vực riêng trong sinh hoạt kinh tế hay không, nhưng chắc chắn chúng báo trước một loại kinh tế học khác hẳn, có tính ý thức, tránh được lầm lỗi của hơn 30 năm qua.

Dù Đức Bênêđíctô đặt cơ sở của lãnh vực này trong sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, mở lối cho các nhà thần học khai triển rộng ra, nhưng có lẽ ngài cũng đã đưa ra một cơ sở có tính cảm nghiệm nhiều hơn khi ngài đề cập tới việc mọi liên hệ kinh tế cần phải có một yếu tố nhưng không nếu muốn vận hành một cách hữu hiệu. Ta thấy nơi Đức Cố GH Gioan Phaolô II cũng có một quan niệm tương tự tức quan niệm cho rằng không có công lý nếu không có tha thứ. Nghĩa là nếu không có tha thứ, thì công lý sẽ rơi tõm xuống áp bức và mang lại cơ hội mới cho tranh chấp. Như thế, trong kinh tế học, một nền kinh tế theo kiểu “Gradgrind” (5), tức nền kinh tế trong đó, mọi giao dịch đều nguyên tuyền chỉ là giao hoán theo nghĩa hẹp, thì tựu chung, sẽ ngưng đọng vì thiếu chất dầu tin tưởng và thiện chí và vì cái cảm thức bất công mỗi ngày một lớn mạnh.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha còn yêu cầu nhiều hơn nữa. Dù thừa nhận tính vận hành mặc nhiên của nhưng không trong nền kinh tế, ngài cho rằng cần phải minh nhiên bao gồm tính nhưng không vào mọi khu vực, để định chế nào cũng phải nhìn nhận vai trò của nó trong việc phục vụ ích chung như là sự phát triển nhân bản của “từng người và mọi người”.

Những ai rùng mình khi thấy Đức Bênêđíctô nói đến sự thật thì đừng có lo. Bởi vì phần lớn thông điệp đều rất gần gũi với nền nhân học của Đức Phaolô VI, cho nên sự thật về con người ở đây có ý nói tới các điều kiện ít nhiều có tính nhân bản, luôn luôn gần gũi với năng động tính của thèm muốn qua đó con người nhân bản thèm muốn nhiều hay ít, nhưng sẽ ra lệch lạc nếu không biết nhìn nhận các đối tượng siêu việt trong thèm muốn của mình, một công thức được sử dụng nhiều lần trong Phát Triển Các Dân Tộc. Ngoài ra, còn có sự thừa nhận được nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng đức tin và lý trí có liên hệ hỗ tương với nhau và biết sửa chữa cho nhau. Đức ái và nhận thức cũng thế. Nền nhân bản của Đức Bênêđíctô XVI, theo linh mục Christiansen là một nền nhân bản toàn diện, giống nền nhân bản của Đức Phaolô VI.

Một tóm lược có ý nghĩa

Độc giả David Cloutier, sau khi đọc bài của linh mục Christiansen, có đưa ra một tóm lược đầy ý nghĩa:

1. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới một kinh tế học dựa trên “nguyên tắc ơn phúc hay nhưng không” và nguyên tắc này không thể từ sinh hoạt kinh tế mà có, nhưng phải nội tại trong chính sinh hoạt ấy. Do đó, phải đặc biệt ghi nhận sự quan trọng của việc đầu tư cho ích chung, của các hợp tác xã của người tiêu thụ v.v… Việc ủng hộ “nền kinh tế ơn phúc” này hay “nền kinh tế hiệp thông” hay như tựa đề của chương 5 đã gợi ý, nền kinh tế hợp tác chính là tâm điểm của thông điệp và đó là bước nhẩy vọt lớn nhất của nó.

2. Cần phải có những hình thức thực hành thay thế có thể vượt qua “mô thức độc hữu có tính nhị phân giữa thị trường và nhà nước” (đoạn 39), trong đó, sự cởi mở và trao đổi “ơn phúc” (gifts) có thể diễn ra. “Ơn phúc” không phải chỉ có nghĩa một “thái độ” mà là một khuôn khổ khác để thực hành. Ta khó có thể hình dung được những ơn phúc này vì chúng ta vốn kẹt cứng trong điều Đức Bênêđíctô gọi là “độc hữu nhị phân giữa thị trường và nhà nước”. Nếu muốn có một điển hình rõ ràng, chỉ cần nhìn các hợp tác xã thực phẩm tại địa phương, đó chính là loại tổ chức mà Đức Bênêđíctô nói tới ở đoạn 66. Có những doanh nghiệp đã xây dựng trong chính cấu trúc của mình nguyên tắc cho đi và liên đới. Nhờ thế bạn không những ăn uống với công lý mà còn ăn uống với đức ái nữa. Quan trọng hơn nữa, các cấu trúc này thực sự còn là các mô thức tham gia hỗ tương, vì người tiêu thụ cũng là chủ nhân ông và có quyền quản trị định chế của mình, dưới sự hướng dẫn của chính sách về mục đích vốn không nhằm tối đa hóa lợi nhuận, nhưng là duy trì doanh nghiệp trong dài hạn, mang lợi lại cho cộng đoàn và bảo vệ môi sinh.

3. Mọi hình thức thực hành trên phải mở cửa đón nhận Thiên Chúa và siêu việt thể, để kinh thành trần gian trở thành hình ảnh báo trước của kinh thành thiên quốc. Kinh thành trần gian này có thể biểu tượng cho kinh thành thiên quốc bằng tình yêu của mình. Điều này được liên kết với “cánh chung luận xã hội” mà Đức Thánh Cha đã nói tới trong “Được Cứu Rỗi Nhờ Đức Cậy” (Spe Salvi). Thông điệp này chắc chắn cũng sẽ khiến ta suy tư về “luật tự nhiên” vì nó đã dệt một cách chặt chẽ các giáo huấn thần học và xã hội của nó với nhau.

4. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tới đặc điểm xã hội có tính nội tại trong các giáo huấn của Giáo Hội về tính dục và các vấn đề sự sống cũng như mối tương quan của chúng với sự quan trọng phải chăm sóc tới cấu trúc nội tại của môi trường tự nhiên. Không thể nào dạy người ta tôn trọng môi trường nếu chính họ không biết tự tôn trọng mình.

Chú thích

(1) Adam Smith (1723 –1790) là triết gia luân lý người Tô Cách Lan và là người tiên phong của nền triết lý chính trị. Ông thường được coi là cha đẻ của khoa kinh tế học hiện đại.

(2) Grameen Bank là lối tổ chức tài chánh tiểu mô và là loại ngân hàng phát triển cộng đồng khởi đầu tại Bangladesh vào năm 1976 do giáo sư Muhammad Yunus, nhằm cung cấp các khoản vay nhỏ cho người nghèo mà không cần thế chấp. Giáo sự Yunus được cấp giải Nobel Hòa Bình năm 2006 nhờ sáng kiến này.

(3) Fair Trade là một phong trào xã hội có tổ chức nhằm giúp đỡ các nhà sản xuất tại các nước đang mở mang. Phong trào này cổ vũ việc trả giá cao hơn cho các nhà sản xuất cũng như việc phải có các tiêu chuẩn xã hội và môi trường tại các khu vực có liên hệ đến việc sản xuất ra của cải. Nhiều tổ chức viện trợ quốc tế và nhiều cơ quan xã hội, tôn giáo và môi sinh đã tham gia phong trào này, như Christian Aid, SERRV International, Oxfam, Amnesty International, Catholic Relief Services, và Caritas International. Năm 2008, phong trào này đã chứng nhận một số lượng bán ra trị giá 2.9 tỉ bảng Anh (4.8 tỉ mỹ kim).

(4) GlobalGiving là một thị trường liên mạng nhằm trực tiếp nối các nhà tặng dữ với các dự án hạ tầng tại các nước đang mở mang.

(5) Thomas Gradgrind là một ông hiệu trưởng khét tiếng trong tiểu thuyết Hard Times của Dickens, nổi tiếng trong các vụ làm ăn kiếm lời. Tên ông hiện nay được sử dụng để chỉ bất cứ ai khó tính, chỉ biết tới những con số và sự kiện lạnh lùng.
 
Nhà thờ thánh Phao lồ ở Tarse được dành làm nơi hành hương
Pt Huỳnh Mai Trác
14:08 09/07/2009
Nhà thờ thánh Phao lồ ở Tarse trong vùng Cilicie thuộc nước Thổ Nhỉ Kỳ, đã bị chính phủ nước này trưng thu vào năm 1943 và xử dụng như một Bảo Tàng Viện cho đến năm 2008, vào đầu năm thánh thánh Phao lồ. Sau khi năm thánh thánh Phao lồ chấm dứt, chính phủ Thổ Nhỉ Kỳ cho phép tiếp tục mở cửa cho những người hành hương và các tín hữu đến cầu nguyện và thờ phượng.

Cơ quan “Trợ giúp người nghèo” cho biết như trên sau khi đã liên lạc với Đức Giám Mục Luigi Padovese. ở Anatolie,

Đầu tiên, chính phủ Thổ Nhỉ Kỳ cho phép được thờ phượng và dâng thánh lễ trong nhà thờ này chỉ trong năm thánh Phao lồ mà thôi. Năm thánh đã chấm dứt, nhưng chính phủ đã cho phép xử dụng kéo dài trong một thời gian vô hạn định và giao quyền cai quản lại cho chính quyền địa phương ở Tarse. Đức Giám Mục Padovese hy vọng thánh đường này từ nay sẽ được xem như một nơi hành hương.

Trong Năm thánh thánh Phao lồ, thành phố Tarse đã được những người Kitô hữu đến thăm viếng với con số kỷ lục. Theo như Đức Giám Mục Padovese cho biết thì có khoảng 416 nhóm hành hương đến từ 30 quốc gia đã đến thăm viếng nơi sinh quán của thánh Tông đồ Phao lồ. Nhiều người Hồi giáo cảm kích lòng nhiệt thành của những người Kitô hữu đến đây, họ không hành xử như những kẻ du lịch mà như những người hành hương chân chính, rất sốt sắng trong sự cầu nguyện.

Đây cũng là lần đầu tiên mà dân bản xứ nhận biết thánh Phao lồ ở Tarse được người Kitô hữu sung bái như vậy và họ không xem nhà thờ của thánh Phao lồ tại nơi sinh quán là một Bảo Tàng viện mà là một nơi để cầu nguyện.

Đức Cha Luigi Padovese kêu gọi những người Kitô hữu hãy đến hành hương nơi sinh quán của thánh Phao lồ và hãy vào cầu nguyện trong nhà thờ để chính quyền địa phương vẫn luôn mở cửa nhà thờ cho giáo dân được đến đọc kinh cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa. (nguồn tin: Apic)
 
ĐTC nói những giá trị đạo đức phải là thành phần trong tiến trình khôi phục và phát triển kinh tế
Jos. Tú Nạc, NMS
17:46 09/07/2009
VATICAN – Những giá trị luân lý phải chiến thắng trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cũng như để tiêu diệt nghèo đói và để thúc đẩy sự phát triển chân chính của tất cả các dân tộc trên thế giới, ĐTC Benedict XVI đã nói đến trong tông huấn mới của Ngài.

Tài liệu, Caritas in Veritate, đề ngày 29 tháng Sáu và ban hành tại Vatican ngày 7 tháng Bảy.

Chân lý điều mà Thiên Chúa là người sáng tạo sự sống loài người, điều mà mỗi sự sống là thiêng liêng, bất khả xâm, điều mà hành tinh Trái Đất được ban cho nhân loại để dùng và bảo vệ và điều mà Thiên Chúa có ý định cho mỗi một con người phải được tôn trọng trong những chương trình phát triển và trong những nỗ lực khôi phục kinh tế nếu chúng có lợi ích thực sự và lâu dài, ĐTC nói.

Lòng bác ái, hoặc yêu thương không phải là sự lực chọn đối với những Ki-tô hữu, Ngài nói, và “thực thi bác ái trong chân lý giúp người ta hiểu rằng sự trung thành với những giá trị Ki-tô giáo không chỉ là lợi ích, mà chủ yếu để xây dựng một xã hội tốt đẹp và vì một nền phát triển hoàn toàn trung thực,” Ngài viết.

Đề cập đến sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự chịu đựng cảnh cùng khổ của những nước nghèo nhất thế giới, Ngài nói, “của cải tích lũy quan trọng bậc nhất được bảo vệ và coi trọng là con người, con người thuộc tính người trong sự vẹn toàn của nam hoặc nữ.”

Phạm vi toàn cầu của sự khủng hoàng tài chính là biểu lộ sự thất bại đạo đức của những chuyên gia tài chính và những nhà đầu tư tham lam, thiếu sự giám sát của các chính quyền quốc gia và sự thiếu hiểu biết rằng nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi một cách quốc tế khả năng điều hành bao gồm toàn bộ nhận thức, ĐTC nói.

“Đứng trước sự phát triển không ngừng đối với sự phụ thuộc toàn cầu, đòi hỏi phải có một sự cảm thông mãnh liệt, thậm chí giữa một cuộc suy thoái toàn cầu, vì sự canh tân của tổ chức Liên Hiệp Quốc, và tương tự đối với những tổ chức công tác xã hội và tài chính quốc tế, để khái niệm đại gia đình dân tộc có thể đạt được hiệu quả đích thực,” ĐTC viết.

“Để quản lý nền kinh tế toàn cầu; đề phục hồi những nền kinh tế; để phục hồi những nền kinh tế bị rơi vào khủng hoảng; để tránh bất kỳ tình trạng tồi tệ nào của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và những mất cân đối trầm trọng hơn mà có thể dẫn đến; để làm rõ việc giải trừ quân bị toàn bộ và đúng lúc, bảo toàn thực phẩm và hòa bình; để bảo đảm việc bảo vệ môi trường và để chỉnh đốn sự di dân: đối với tất cả vấn đề này cần phải có yêu cầu cấp bách một quyền lực chính trị đúng đắn.”

ĐTC Benedict khẳng định rằng ý tưởng của những quốc gia giàu nhất thế giới giảm sự phát triển viện trợ trong khi tập trung vào sự phục hồi kinh tế của riêng họ đã không để tâm đến những phúc lợi kinh tế dựa trên quan hệ lâu dài của sự đoàn kết và tuyệt đối không có nghĩa vụ đạo đức Ki-tô giáo và nhân loại để giúp đỡ người nghèo.

“Trong việc tìm kiếm những giải pháp cho sự khủng hoảng kinh tế hiện nay, tăng trưởng viện trợ cho những quốc gia nghèo phải được coi như một cách hiệu lực tạo ra sự thịnh vượng cho toàn thể,” Ngài nói.

Sự phát triển kinh tế của những nước nghèo hơn và những đòi hỏi của công dân nước họ về hàng tiêu dùng và những sản phẩm giúp ích một cách thực tế trong những quốc gia giàu có hơn của thế giới, Ngài nói.

ĐTC đã đề cập đến lương thực và nguồn nước là “những quyền lợi chung cho tất cả sự sống loài người không có sự phân biệt và đối xử phân biệt” và chúng là phần căn bản đối với đời sống. Ngài cũng nói rằng phò sự sống có nghĩa là bảo vệ sự sống, nhất là đã đem đến sự gắn liền giữa tình trạng nghèo khổ và số tử vong sơ sinh, và rằng cách duy nhất để thúc đẩy sự phát triển thực sự của con người là đẩy mạnh một nền văn hóa trong mỗi đời sống con người được đón mừng và coi trọng.

“Chấp nhận cuộc sống củng cố sức mạnh đạo đức và tạo cho con người có khuynh hướng giúp đỡ lẫn nhau,” Ngài nói.

Ngài nói môi trường, đời sống, tình dục, hôn nhân và quan hệ xã hội không thể thoát khỏi tính liên kết. Nếu xã hội không tôn trọng đời sống con người từ lúc thụ thai của nó đến lúc kết liễu tự nhiên của nó, “nếu sự thụ thai loài người, thời kỳ thai nghén và ra đời được làm ra bởi nhân tạo, nếu những phôi thai con người bị hy sinh để nghiên cứu, lương tâm của xã hội cuối cùng đánh mất khái niệm thuộc sinh thái học và, cùng với nó, điều đó thuộc về sinh thái môi trường,” Ngài nói.

Những chương trình phát triển và cung cấp viện trợ để cổ vũ những biện pháp kiểm soát hạn chế dân số và đôn đốc việc phá thai không có cái thiện của con người trong tâm hồn và giới hạn sự kích thích của nhân vật để trở thành những nghệ nhân trong sự phát triển và tiến bộ của cá nhân họ, ĐTC nói. Ngoài ra tinh thần chống sự sống trong những nước giàu nhất được liên kết tắc trách đối với người nghèo.

“Chúng ta phải ngạc nhiên bởi những thể hiện khác nhau hướng tới những tình huống của sự thoái hóa biến chất con người khi sự khác nhau như vậy kéo dài thậm chí đối với thái độ của chúng ta hướng tới cái gì là người và cái gì không còn là người như thế nào?”

“Trong lúc người nghèo của thế giới vẫn tiếp tục gõ cửa người giàu, thế giới của sự giàu có chạy trốn sự rủi ro, bất trắc không còn nghe những ai gõ cửa giá trị của lương tâm có thể không còn phân biệt cái gì là con ngưới,” Ngài nói.

ĐTC Benedict cũng nhấn mạnh sự giáo huấn giáo hội rằng việc làm ra tiền và sống giàu có không phải là tội lỗi, nhưng cách làm ra đồng tiền và cách sử dụng nó mới có thể sinh ra tội lỗi.

ĐTC đã kêu gọi “một phương thức mới mạnh mẽ về sự hiểu biết kinh doanh,” mà để hiểu được rằng những nhà đầu tư không phải là người giữ tiền đặt cược duy nhất của công ty, không có vấn đề việc doanh thương được cấp vốn và tổ chức như thế nào. Người làm công, những người sản xuất hàng loạt hàng hóa, những người mà phải sống trong những cộng đồng nơi công ty là căn bản, nơi mà những sản phẩm của nó bắt nguồn và nơi mà những sản phẩm của nó được bán tất cả có một cột mốc trong kinh doanh, ĐTC đã đề cập đến.
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI bình luận về thông điệp
Bùi Hữu Thư
22:31 09/07/2009

Đức Thánh Cha Benedict XVI bình luận về thông điệp



Khẳng định “sự thật” và “đức ái” là tâm điểm của chủ thuyết xã hội

VATICAN, ngày 8 tháng 7, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đích thân bàn về thông điệp thứ ba của ngài hôm nay, và dành buổi tiếp kiến chung cho việc bình luận về “Đức Ái trong Sự Thật."

Thông điệp về xã hội thứ nhất của Đức Thánh Cha được phổ biến ngày Thứ Ba sau khi được ký ngày 29 tháng 6.

Đức Thánh Cha nói trong diễn từ tại Sảnh Đường Thánh Phaolô VI là tài liệu này “đề cập đến các chủ đề về xã hội thiết yếu cho sự an vui của nhân loại và nhắc chúng ta rằng một sự canh tân đích thực của cả các cá nhân lẫn xã hội đòi hỏi phải sống theo chân lý của Chúa Kitô trong đức ái."

Ngài giải thích, sự thật trong tình yêu là trọng tâm của giáo huấn của Giáo Hội về xã hội."

Đức Giám Mục thành Rôma ghi nhận rằng sự khởi hứng cho thông điệp là “một đoạn trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, trong đó thánh tông đồ nói về việc phải hành động theo chân lý trong đức ái: ‘Thay vì sống sự thật trong tình yêu, chúng ta cần phải tăng trưởng trong mọi sự, hướng về Chúa là thủ lãnh, là Đức Kitô.'"

Công nhận rằng ngài không có ý định cung ứng các giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề xã hội, Đức Thánh Cha nói thông điệp “chú trọng đến các nguyên lý thiết yếu cho việc phát triển con người."

Ngài tuyên bố, "Quan trọng hơn hết là chính đời sống con người, tâm điểm của tất cả mọi sự tiến bộ thực sự. Ngoài ra, [thông điệp] nói về quyền tự do tôn giáo như một thành phần của sự phát triển nhân loại, thông điệp lưu ý nên tránh chỉ có những hy vọng vô bờ về kỹ thuật mà thôi, và nhấn mạnh nhu cầu cần có những người nam và nữ công chính – chú tâm đến lợi ích chung – cho cả thế giới chính trị lẫn thương mại."

Nuôi sống người nghèo

Đức Thánh Cha Benedict XVI đặc biết chú ý đến “thảm trạng” của nạn đói trên thế giới, ngài ghi nhận là “Đức Ái trong Sự Thật” kêu gọi phải có “những hành động quyết liệt để cổ võ cho an ninh thực phẩm và phát triển canh nông, cũng như sự tôn trọng môi sinh và luật pháp."

Ngài tiếp, "Các bạn thân mến, nhân loại là một gia đình duy nhất, nơi mọi chương trình phát triển – nếu muốn được trọn vẹn – thì phải xem xét đến việc tăng trưởng về đường thiêng liêng của các con người và đến sức mạnh thúc đẩy của đức ái trong sự thật."

Đức Thánh Cha kết luận, "Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những ai đang phục vụ trong chính phủ và trong việc điều hành các nền kinh tế, và đặc biệt cầu nguyện cho các vị lãnh đạo các quốc gia đang tụ tập tại Ý trong Hội Nghị Thượng Định Nhóm 8 Người. Xin cho những quyết định của họ cổ võ cho sự phát triển thực sự và đặc biệt cho người nghèo trên thế giới."

Nhóm Tám Người đang nhóm họp tại Ý tới ngày thứ sáu này.
 
Top Stories
More pro-democracy activists arrested in Vietnam
Asia-News
00:40 09/07/2009
Two former soldiers end up behind bars, charged with promoting movements that want to change the political system. The government has been cracking down on dissidents in recent weeks, arresting about 30. A week ago a group of US senators demanded the liberation of Fr Thadeus Nguyen Van Ly.

Hanoi (AsiaNews) – Pro-democracy activists continue to be arrested in Vietnam. The latest two are former soldiers. In one case, Nguyen Tien Trung, 26, was arrested in Ho Chi Minh City the day after he was discharged from the military. Colonel Tran Anh Kim, 60, was taken into custody instead on Monday in Thai Binh. Their arrest is part of a wave of repressive measures taken by the authorities against political dissidents. In the last few weeks alone, some 30 have been arrested.

These arrests come after Le Cong Dinh, a well-known human rights lawyer, was arrested a week after a group of 37 US senators asked Vietnamese President to free Fr Thadeus Nguyen Van Ly (pictured, during his trial).

Father Ly is a 62-year-old Catholic priest who was sentenced in 2007 to eight years in prison and five under administrative probation for setting up in April 2006 a pro-democracy group called Bloc 8406 which now has 2,000 members. He is also accused of supporting illegal groups like the Progressive Party of Vietnam.

In the two other arrests, Nguyen Tien Trung was arrested by police for organising the Movement of Democratic Youth, an organisation accused of cooperating with local and foreign anti-government groups to bring about a 'change of political regime' in Vietnam.

Police said Trung wrote blogs, distributed documents, ran the 'Democracy Youth Forum' on the internet and made speeches at meetings to incite people to oppose the government.

He has also been accused of inciting university students to protest China's move to set up an administrative district for the disputed Spratlys and Paracel Islands in the South China Sea in December 2007 as well as for instigating demonstrations against the Olympic torch relay in Ho Chi Minh City in April last year.

Colonel Tran Anh Kim belongs instead to Bloc 8406 and is the general secretary of the Vietnam Democratic Party. He was arrested for 'acting to undermine the State’ and ‘violating Article 88 of Vietnam's Criminal Code.'

Kim was accused of working with exile groups in the United States including Viet Tan, which Vietnam’s communist government considers a terrorist organisation, to sabotage the government, state-controlled Vietnam News Agency reported.
 
Urgent Action: Incommunicado Lawyer Now Disbarred
Amnesty International
01:17 09/07/2009
Lawyer Le Cong Dinh has been disbarred by the Ho Chi Minh City Bar Association and the Vietnamese Ministry of Justice has revoked his practising licence. Le Cong Dinh is a prisoner of conscience who has been held incommunicado since his arrest on 13 June.

On 1 July 2009, the deputy head of the Ho Chi Minh City Bar Association told journalists that it had disbarred and that the Ministry of Justice had revoked his licence, forbidding him to practice law. Le Cong Dinh has still not been allowed to receive any visits from family members or legal professionals that could represent his case, and Le Cong Dinh's well-being remains unknown.

The Vietnamese authorities have launched a public propaganda campaign against Le Cong Dinh following international pressure calling for the lawyer’s release. In a statement issued on 26 June, the government requested “international understanding and support for its struggle against conspiracies and acts conducted by organizations and individuals to carry out acts of terrorism and unrest, overthrow the State and destroy the peaceful life of the people”.

Le Cong Dinh was arrested 13 June under Article 88 in the national security section of the Penal Code. Together with other lawyers, Le Cong Dinh had previously argued that Article 88 breaches Viet Nam’s constitution and international human rights law.

The Ministry of Foreign Affairs has stated that he is accused of contacting and colluding “with some exiled Vietnamese organizations and groups abroad, including those listed by the Vietnamese government as terrorist groups, in an attempt to prepare for riots and cause social instability and public disorder with the ultimate goal of overthrowing the State of Viet Nam”.

PLEASE WRITE IMMEDIATELY in English, French, Vietnamese or your own language:
- expressing concern that lawyer Le Cong Dinh is a prisoner of conscience that has been arrested under Article 88 of the Penal Code solely for the peaceful exercise of his right to freedom of expression;
- urging the authorities to release him immediately and unconditionally, and drop all charges against him;
- calling on the authorities to ensure that he is allowed immediate access to his family and a lawyer of his choosing and, that he is provided with any medical attention he may require;
- calling on the authorities to either repeal or amend provisions in the 1999 Penal Code which criminalize peaceful political dissent;

PLEASE SEND APPEALS BEFORE 17 AUGUST 2009 TO:

Le Hong Anh
Salutation: Dear Minister
Minister of Public Security
Ministry of Public Security
44 Yet Kieu Street
Ha Noi, VIET NAM
Fax: +8443 942 0223

Pham Gia Khiem
Salutation: Dear Minister
Minister of Foreign Affairs
Ministry of Foreign Affairs
1 Ton That Dam Street, Ba Dinh District
Ha Noi, VIET NAM
Fax: +8443 823 1872
Email: bc.mfa@mofa.gov.vn

And copies to:
Diplomatic representatives of Viet Nam accredited to your country.

Also send copies to diplomatic representatives accredited to your country.

Please check with your section office if sending appeals after the above date.
This is the first update of UA: 155/09, AI index: ASA 41/002/2009

Further information: www.amnesty.org/en/library/asset/ASA41/002/2009/en/8484be67-45bb-4e34-8585-435a28830b47/asa410022009eng.html

URGENT ACTION

INCOMMUNICADO LAWYER NOW DISBARRED
ADDITIONAL INFORMATION


Le Cong Dinh is a prominent lawyer and former deputy president of the Ho Chi Minh City Bar Association. He runs a private law firm in Ho Chi Minh City. In November 2007 he represented human rights lawyers Nguyen Van Dai and Le Thi Cong Nhan, two other prominent prisoners of conscience, at the appeal court hearing against their sentences. He argued that Article 88, under which the two were charged, is unconstitutional and contravenes international human rights treaties that Viet Nam has ratified, such as the International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), and should therefore be reviewed.

He also represented Nguyen Hoang Hai, a blogger known as Dieu Cay, who was tried in September 2008 on politically motivated criminal charges for writing critical articles and calling for respect for human rights. Le Cong Dinh has also been an outspoken critic of recent bauxite-extraction in the Central Highlands, as well as calling for political reform in Viet Nam.

Le Cong Dinh has been charged with "conducting propaganda" against the state, under Article 88 of the Penal Code. If convicted, he faces a three- to 20-year prison sentence. He is a prisoner of conscience, detained solely for the peaceful exercise of his right to freedom of expression.

The Vietnamese authorities have sentenced at least 30 dissidents, including a number of lawyers, to long prison terms since 2006 in an attempt to stifle freedom of expression and association. Most are supporters of an internet-based pro-democracy movement, Bloc 8406, or other unauthorized groups calling for democracy and human rights. The majority have been sentenced to imprisonment under the national security section of the 1999 Penal Code, with additional sentences of up to five years of house arrest on release from prison. An unknown number of dissidents are in custody awaiting trial.

Articles of the Penal Code used to criminalize peaceful political dissent include Article 80 (Spying), 87 (Undermining the unity policy), and 88 (Conducting propaganda against the Socialist Republic of Viet Nam).

In May 2009, the UN Human Rights Council considered Viet Nam under the Universal Periodic Review (UPR). Viet Nam rejected the recommendations of other states to allow greater freedom of expression and to reform national security laws which limit freedom of expression, among others.

Further Information on UA: 155/09 AI Index: ASA 41/003/2009 Issue Date: 6 July 2009
 
Vietnam says case of jailed priest must follow law
Reuters
17:20 09/07/2009
HANOI (Reuters) - Vietnam said on Thursday that normal legal procedures must apply in the case of a Catholic priest found guilty of spreading anti-government propaganda, after U.S. senators called for his release.

The U.S. senators urged Vietnam's president on July 1 to immediately and unconditionally free Father Thadeus Nguyen Van Ly, and human rights groups said his imprisonment justified putting Hanoi on a U.S. religious freedom blacklist.

"Consideration on releasing Nguyen Van Ly will be given in line with Vietnamese law," Foreign Ministry spokesman Le Dung told a regular briefing in Hanoi.

He said Ly was arrested, tried and sentenced for violations of the law, "not for any religious reasons or his political view".

Vietnam often grants amnesties to selected prisoners for good behaviour ahead of major national holidays such as the April 30 Liberation Day, the National Day on Sept. 30 and the Lunar New Year festival in January or February.

The 37 senators, led by Democrat Barbara Boxer and Republican Sam Brownback, had urged President Nguyen Minh Triet to free the 63-year-old cleric, calling his trial "seriously flawed".

But Dung denied the accusation, saying: "The trial of Nguyen Van Ly was public and his rights at the court were protected in accordance with Vietnamese law."

He was jailed for eight years in March 2007.

In May Vietnam acknowledged some human rights "wrongdoings" in an appearance before a U.N. watchdog but rejected exiles' allegations about the mistreatment of dissidents and minorities.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thể diện quốc gia, một dấu hỏi?
Trần Văn - RFA
00:43 09/07/2009
Tin ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, vừa chính thức lên tiếng “nhắc nhở” chính quyền Việt Nam, về việc một số cơ quan truyền thông của Việt Nam đã không thực hiện đúng thỏa thuận giữa hai chính phủ, dám chỉ trích chất lượng hàng hoá Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam khuyến cáo các tờ báo này, khiến nhiều người sửng sốt.

Trách nhiệm và quyền hành Đại sứ quán TQ tại Việt Nam?

Tin tường thuật về sự kiện này trên blog Người buôn gió và Diễn đàn điện tử X-Cafevn, buộc nhiều người tự hỏi: Tại sao một nhân viên ngoại giao, chỉ giữ vai trò tham tán kinh tế - thương mại trong đại sứ quán của một quốc gia, lại có thể hành xử như vậy trên lãnh thổ của một quốc gia khác?...

Ngoài việc yêu cầu chính quyền Việt Nam khuyến cáo các tờ báo Việt Nam đã dè bỉu chất lượng hàng hoá của Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm còn bày tỏ với đại diện chính quyền Việt Nam rằng, Trung Quốc không hài lòng việc hai chuyên gia kinh tế Việt Nam là bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Minh Phong đã có những phát biểu, mà ông Hồ Tỏa Cẩm nhận định là “thiếu tinh thần hữu nghị”.

Bà Phạm Chi Lan – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và ông Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội đã phát biểu những gì?

Vài tháng qua, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đang điêu đứng vì kinh tế suy thoái, doanh thu liên tục sụt giảm thì hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém vẫn ùn ùn tràn vào Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tác động cộng hưởng của kinh tế suy thoái và hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa được báo động như một hiểm họa, có khả năng đẩy hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đến chỗ phá sản, hàng triệu lao động mất việc làm.

Đây cũng là lý do khiến báo giới Việt Nam đồng loạt lên tiếng. Doanh giới và các chuyên gia kinh tế cùng nhập cuộc để bàn bạc, góp ý với hy vọng tìm ra những giải pháp khả thi, nhằm chống lại thực trạng hàng Trung Quốc đang bóp chết sản xuất nội địa.

Đạo lý kinh doanh hay lương tâm kinh doanh không có

Ngày 16 tháng 6, báo điện tử VietNamNet tổ chức một buổi tọa đàm nhằm tìm giải pháp đối phó với hàng Trung Quốc chất lượng thấp, có sự tham gia của bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Minh Phong.

Tại buổi tọa đàm này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, một trong những nguyên nhân giúp hàng Trung Quốc có giá bán rẻ là: Trung Quốc theo đuổi chính sách đã làm gì thì làm tới cùng. Có khi họ không quan tâm nhiều hoặc bất chấp những điều thuộc về đạo lý kinh doanh hay lương tâm kinh doanh: hàng xấu, hàng độc... Ngay cả đối với dân của họ, họ cũng không quan tâm, chẳng hạn trường hợp trẻ em Trung Quốc ngộ độc sữa... Cho nên đối với người tiêu dùng nước khác, dại dột mua hàng kém chất lượng và bị hại, họ càng không coi đó là vấn đề của mình.

Ông Nguyễn Minh Phong tán thành điều đó và góp thêm: Người hàng xóm của chúng ta đã ‘hy sinh’ 750 triệu nông dân nước họ để có giá thành lao động cực thấp, thậm chí với 1USD một ngày họ cũng làm quần quật, chưa kể chi phí của lao động trẻ em, lao động tù nhân.

Và như mọi người đều biết, trong nhiều trường hợp, họ bỏ qua những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đấy là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của họ. Nếu chúng ta bám được vào ý này, chúng ta sẽ tạo được những điểm mạnh cho chúng ta.

Nếu đối chiếu những nhận định của bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Minh Phong với các ý kiến phân tích, đánh giá của nhiều chuyên gia, cũng như báo chí trên thế giới về chính sách kinh tế và hàng hoá Trung Quốc, ai cũng có thể thấy những nhận định này không mới.

Vậy thì tại sao Tham tán Thương mại – Kinh tế của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam lại thay mặt chính quyền Trung Quốc, yêu cầu chính quyền Việt Nam phải chấn chỉnh báo chí?

Theo dõi kỹ báo chí Việt Nam, ai cũng có thể thấy, những cảnh báo về hàng hoá Trung Quốc nguy hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng, cũng như tác hại của hàng hoá Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam thường là theo đợt.

Có những giai đoạn như khoảng từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008, gần như không thể tìm thấy những cảnh báo về hàng Trung Quốc trên báo chí Việt Nam, dù tác hại của hàng Trung Quốc tới kinh tế, xã hội, sức khoẻ của người Việt không giảm. Vì sao? Một vài nhà báo trong nước tiết lộ trên các blog của họ. Vì chính quyền Việt Nam cấm đưa những thông tin như thế do sợ chính quyền Trung Quốc nổi giận.

Trung Quốc sẽ dạy cho VN cách quản lý báo chí?

Ông Hồ Tỏa Cẩm không phải là nhân vật đi tiên phong trong chuyện khuyến cáo. Một số nhà báo Việt Nam từng kể rằng, năm 2007, vào lúc nửa đêm, chính quyền Trung Quốc đã “vời” Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc đến để trách mắng vì báo chí Việt Nam dám chỉ trích chất lượng hàng Trung Quốc.

Đây là lý do những thông tin liên quan đến các “đơn đặt hàng” mua vỏ cây, rễ cây, móng gia súc, xương gia súc,... tuy rõ ràng là xuất phát từ Trung Quốc và trở thành tác nhân kích thích các phong trào hủy diệt môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên của Việt Nam, song khi tường thuật về những vấn đề này, báo chí Việt Nam không dám nêu đích danh thủ phạm.

Trong rất nhiều sản phẩm báo chí như tin, bài, phóng sự truyền hình,... tường trình về đủ loại tác hại của các “đơn đặt hàng” như vừa kể từ Trung Quốc hay hàng hoá Trung Quốc, hệ thống truyền thông Việt Nam chỉ dám gọi Trung Quốc là... “nước ngoài”, mạnh dạn hơn thì gọi là... “bên kia biên giới”.

Trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Dương Danh Dy – cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, tâm sự như thế này:

Tôi làm việc với Trung Quốc suốt từ năm 1962, đến năm nay về hưu rồi nhưng mà vẫn cứ tiếp xúc, vẫn phải làm với Trung Quốc - anh láng giềng to, khoẻ, lại tham, xấu tính. Mệt lắm! Lúc hữu nghị mình tưởng nó giúp mình hết sức nhưng mà nó luôn luôn tìm cách thọc gậy. Ngay trong những lúc họ giúp đỡ mình to lớn nhất, họ vẫn có ý đồ. Lúc đầu mình không để ý. Cho nên trong một buổi phát biểu gần đây tôi có nói thế này:

"Mắt tôi đã từng thấy thế hệ cha anh bị Trung Quốc mang lòng tin ra để đánh lừa, thế hệ tôi cũng có lúc bị Trung Quốc mang lòng tin ra để đánh lừa. Tôi hy vọng và mong rằng thế hệ sau tôi không mắc những cái nhược điểm đó.


Liệu giới lãnh đạo Việt Nam có đồng cảm với điều đó? Được biết, trong cuộc gặp mà chúng tôi vừa đề cập, khi ông Hồ Tỏa Cẩm bảo rằng: Cần phải rút kinh nghiệm cho lần sau, phải có biện pháp triệt để. Không nên để tình trạng cứ đăng như vậy rồi xem xét – bà Quản Duy Ngân Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đã hứa sẽ báo cáo lại với các đồng chí có trách nhiệm.

Tin mới nhất cho biết, sắp tới sẽ có một đoàn cán bộ quản lý báo chí của Trung Quốc sang Việt Nam để giúp đỡ Bộ Thông tin – Truyền thông của Việt Nam kinh nghiệm về quản lý báo chí!
 
Nhìn vào nước Đức dịp 2009 kỷ niệm 20 năm thống nhất lại nhớ đến Việt Nam
Hà Long
17:36 09/07/2009
BÁ LINH - Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, ai hơn ai kém, đó là câu hỏi và cũng là cuộc chiến ý thức hệ rất gay gắt trong gần một thế kỷ qua, còn hơn thế nữa hàng 100 triệu sinh mạng phải trả giá cho cuộc đối đầu này. Nước Đức năm nay kỷ niệm 20 năm thống nhất, cùng đồng nghĩa chủ nghĩa cộng sản tại Đông Đức bị sập đổ hoàn toàn về chính trị lẫn kinh tế. Nước Đức thay đổi thế chế dân chủ trong an bình và trật tự, cho dù họ gặp vô vàn khó khăn về kinh tế, xây dựng quy mô cơ sở hạ tầng cũng như tìm cách thay đổi quan điểm độc đảng sang nền tự do dân chủ. Cộng sản Đông Đức đã hướng dẫn 16,5 triệu dân cùng đồng lòng đi chung „bên lề phải“ ròng rã trong 40 năm qua (thành lập 07/10/1949). Nay tập tành một mình bước qua „bên lề trái“ quả là khó khăn cho những đôi chân đã đi theo thói quen và ít chịu nghe theo sự điều khiển từ nhận thức tư duy mới của chính mình. Từ 1989 đến nay miền Đông Đức đã hoàn toàn được lột xác, thí dụ, bây giờ tìm đỏ mắt vẫn không ra 1 chiếc xe Trabi xấu xí (chỉ có một kiểu và một màu trắng đục duy nhất) do Đông Đức chế tạo, mà thời cộng sản phải là người có thế lực mới sắm được một chiếc riêng cho mình. Cửa nhà đường phố không còn nhìn thấy được những cảnh nghèo nàn, nhếch nhác, lạc hậu của thời đi „bên lề phải“ nữa rồi. Ai trong thâm tâm cũng ngầm cám ơn cho việc thống nhất. Tuy nhiên qua những thống kê mới nhất cho biết người Đông Đức vẫn mơ tưởng về thời xa xưa của đảng cộng sản lên đến 59%, cho đó là một xã hội tốt như hiện nay. Người Đức thật ngạc nhiên về con số thống kê mới lạ này.

Bây giờ có đầy đủ vật chất và hưởng tự do dân chủ mà người dân Đông Đức vẫn chưa hài lòng? Họ hài lòng lắm chứ! Đã 20 năm khoảng 16,5 triệu dân Đông Đức không còn bị rình rập bởi mạng lưới mật vụ quy mô dầy đặc hơn 1 triệu nhân viên, cho đến một con kiến cũng khó thoát được sự dòm ngó của mật vụ Stasi ác ôn này. Đã 20 năm không còn cảnh phải dậy sớm sắp hàng mua đường sữa, không còn bị ngăn cấm về phát biểu bất đồng chánh kiến, không còn cảnh chờ đợi được cấp phép cho qua biên giới thăm phần Tây Đức anh em tư bản giàu có, không còn cảnh tham nhũng, hối lộ công quyền… Tuy nhiên theo các nhà xã hội học phân tích cho biết: người Đông Đức vẫn ưa chuộng kiểu ra lệnh từ trung ương, vì tư duy như thế làm cho họ đỡ phải nhức đầu suy nghĩ. Đối với họ, khi làm sai, tất cả tội vạ phủi tay đổ lỗi cho chủ trương chính sách là xong. Thứ hai, chạy theo kinh tế thị trường làm cho họ mệt nhoài hụt hơi vì phải tự chịu trách nhiệm riêng cho chính mình. Dân chủ tự do nghĩa là phải kèm theo trách nhiệm từ việc bé đến việc lớn làm người dân Đông Đức không quen và khó chịu. Thứ ba khi nói đến cộng sản thì người Đông Đức luôn cảm thấy như bị dị ứng nói về chính cá nhân họ, theo các nhà âm lý cho biết đây là „sự tự ti mặc cảm“ vì nghèo đói. Kết cục ghét cộng sản nhưng vẫn thích bào chữa cho họ.

Có thể với cách tư duy một chiều này mà đa số các nước Đông Âu vẫn ỳ ạch chạy theo đàng sau khối tự do dân chủ chăng? Như thế chủ nghĩa cộng sản theo Mác-Lênin đã đi trật đường, xây dựng một xã hội trong những điều mơ tưởng hão huyền?

Chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ là một chủ nghĩa để xây dựng một quốc gia có độc lập. Nó là chủ nghĩa cá lớn hiếp cá bé một cách tàn bạo, thí dụ sự can thiệp thô bạo của Xô Viết vào Tiệp Khắc, Ungarn, Đông Đức và Ba Lan, sự lấn chiếm biển Đông của giặc Tàu đang xảy ra quanh bờ cõi VN… Chủ nghĩa cộng sản còn là chủ nghĩa của hận thù và nội chiến. Nó là chủ nghĩa của tù đày, dối trá, gian lận tham ô, hối lộ hà hiếp. Nó đồng tình với chủ nghĩa trên bảo dưới không nghe, luôn tạo ra cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nó là một hệ thống mafia tham nhũng không phải của một người mà trở thành đường dây từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Nó xem nhân cách, nhân phẩm của con người chỉ là hạng hai và xây dựng giai cấp đảng đứng trên pháp luật. Nó là một guồng máy công an và mạng lưới mật vụ bao trùm trên cuộc sống nhân dân, chúng dùng bàn tay sắt được bọc nhung. Nó còn là một hệ thống tôn sùng cá nhân cho dù đó là những tên sát nhân của thế kỷ, những tên ác độc xảo trá, trọn đời là những chuỗi dài thủ đoạn hiểm độc như Stalin, Mao, Hồ, Ceauşescu, Kim Jong-il, Fidel Castro, Pol-Pốt… Nó là một chế độ phong kiến thối nát bám chặt vào ngôi vua như cha con Kim Jong-il hoặc anh em Fidel Castro hàng chục năm, về điểm này ở VN chơi nổi nhất dám so sánh với Phật, vì chốn ăn chơi giải trí có vườn thú của “Đại Nam thế giới du lịch” tại Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương, người ta còn đặt ông Hồ được mạ vàng trong Đại Nam Quốc tự để thờ chung với tượng đức Phật và vua Hùng Vương. Chủ nghĩa cộng sản còn là một hệ thống không có nhân cách chính trị, chưa bao giờ có một quan lớn cộng sản đủ can đảm bước ra từ chức cho những sai lầm chính trị của mình (kể cả việc tàn ác giết người) trong thế giới cộng sản Đông-Tây hơn 70 năm qua, nếu có chỉ là cảnh phe nhóm hạ bệ lẫn nhau. Nó luôn là sự vắt chanh bỏ vỏ, một chế độ luôn tạo ra một kiểu dân chủ hình thức có quốc hội có bầu cử mà thực chất là độc đoán cực đoan, hành sự hết sức tùy tiện và đổ vạ cáo gian cho người bày tỏ chính kiến đối lập.

Các đảng cs hầu như muốn tước đoạt hết quyền yêu nước của người dân, rồi từ đó họ mê hoặc quần chúng là chỉ có họ mới là người yêu nước chân chính. Ai chống lại họ tức là phản bội quốc gia. Đối với họ chỉ có 2 giai cấp duy nhất: giai cấp đảng csVN và giai cấp nhân dân. Chẳng khác gì phân biệt giữa chủ và đầy tớ, điều này còn tồi tệ hơn trong thời Pháp thuộc. Bây giờ chỉ có 3 triệu đảng viên làm ông chủ, phần còn lại hơn 80 triệu dân VN làm đầy tớ cho chúng. 3 triệu đảng viên này tự nhận là những con người ưu tú, được hưởng mọi bổng lộc, được sống trên nhung lụa, được hưởng tất cả mọi quyền lợi của con người. Ngược lại, những người đầy tớ đã bị tước đoạt hết mọi quyền nhân bản của con người về tự do, về tôn giáo, về quyền lao động, về ruộng đất… Những người đầy tớ này cũng không phép được biểu lộ lòng yêu nước chống ngoại xâm, vì đó là một xa xỉ, một tội phạm quốc gia. Chỉ có 3 triệu đảng viên nhưng họ đã ghi khắc lại những dấu chân nhơ bẩn đậm nét vào niềm tự hào dân tộc chống giặc Tàu ngàn năm.

Ngoài ra những người đầy tớ bị khinh bỉ và chỉ chờ sự bố thí từ giai cấp đảng ban cho. Số phần của những người đầy tớ được giai cấp đảng ban cho ai thì người ấy chịu, thí dụ cuộc sống của Điếu Cầy, Ls Lê Công Định phải lấy cảnh ngục tù làm vui.

Vì thế, chẳng lạ gì khi chúng ta kiểm chứng những thông tin hàng ngày trên các tờ báo của csVN, nếu tinh ý và chịu khó nhìn về cuộc sống an sinh thường ngày, cuộc sống xã hội của người dân chúng ta sẽ khám phá ra giai cấp đảng cộng sản VN đang cỡi trên đầu trên cổ người dân, đang lộng quyền sinh sát. VN đang tạo ra quá nhiều quyền lợi riêng cho giai cấp đảng. Bọn này đang tàn phá tinh thần Việt tộc yêu nước thương nòi, đưa dân tộc đến sự phá hủy đạo nghĩa con người bằng những căn bệnh giả dối. Chúng nó tự tạo ra luật pháp như một mê hồn trận, khi cần nói trắng thì thành trắng, khi phải đen thì là đen (viết đến suy tư này chúng ta tội nghiệp linh mục Lê Quang Uy, một vị tu trì chân thành, có thể ngây thơ vừa được ăn quả lừa to tướng của lũ quỷ dữ qua những nữ cán bộ văn hóa vì chiếc máy tính xách tay của ngài).

Theo dõi các bản tin chi tiết do báo đảng cung cấp, độc giả có thể nhìn thấy những tinh hoa ưu hạng đen tối, lừa lọc, quái đản, vô luân, vô chính phủ, vô tổ quốc, vô trách nhiệm… của giai cấp đảng csVN từ trung ương đến địa phương, luộm thuộm từ việc tiểu mô cho đến vĩ mô về việc: người dân lầm than, môi trường độc hại, người chết nằm không yên, phụ nữ được bán như một món hàng, công an tàn ác đánh người, tự nguyện hiến đất nếu không sẽ bị cướp, bệnh giả dối trở thành quốc nhục, ăn gì cũng sợ ngộ độc và ung thư, nắng nóng là điện mất, ngập nước là do trời…

- 50 cô gái „trình diễn“ cho 5 người Hàn Quốc tìm vợ: Trưa nay (7-7-2009), hơn 50 cô gái đang trình diễn cho những người đàn ông Hàn Quốc chấm điểm tại căn nhà ở hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM thì cảnh sát bất ngờ xuất hiện. Nhiều cô gái nháo nhác, hoảng loạn khi thấy bóng dáng của những người mặc sắc phục. Trong chốc lát, họ cùng chủ môi giới, phiên dịch viên và các chú rể ngoại quốc bị đưa về trụ sở công an phường làm việc. Tại đây, các cô cho biết đều đến từ các vùng quê nghèo khó, chỉ ở độ tuổi 20, nhiều cô không biết chữ. Trong khi đó, những chú rể đều ở độ tuổi 40. Theo điều tra ban đầu, chủ đường này là Vũ Thị Bạch Yến (26 tuổi)… Khai nhận ban đầu với cơ quan điều tra, "bà mai" Yến khai nhận, mỗi "chú rể" khi chọn được vợ phải chi 10.000 USD. Trong đó, gia đình cô gái này chỉ được trả 500 USD, những kẻ "giúp việc" trong phi vụ môi giới, mỗi người được hưởng gần hai triệu đồng. Số tiền còn lại đều thuộc về Yến.

- Hơn 280.000 thí sinh bỏ thi đợt 2: Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo thi (Bộ GD-ĐT), đến hết ngày 8/7, cả nước có trên 583.000 thí sinh đến các hội đồng thi làm thủ tục dự thi ĐH đợt 2 trong số 870.000 lượt hồ sơ đăng ký. đạt tỷ lệ 67,03%. Nhận định ban đầu, lượng thí sinh "sửa sai" không nhiều. Tuy nhiên, vẫn tái diễn sai sót trong Giấy báo dự thi.

- Công an hành xử với dân bằng dùi cui, roi điện: Từ nguồn tin tố cáo của nhân dân đêm 28/6, Trưởng Công an Xã Ya Chiêm-TP Kon Tum đánh trọng thương một người phải nhập viện. Chỉ vài giờ xác minh tại Ya Chiêm, hàng chục người vây lại kể tội Trưởng Công an xã đánh họ thừa sống thiếu chết. Anh Phạm Văn Đảng 32 tuổi, trú ở thôn Plei Bua-Ya Chiêm-TP Kon Tum-Kon Tum, đang nằm bệnh viện Kon Tum kể với chúng tôi trong ngắt quãng cơn đau: Chiều 28/6 Đảng chở Tuyển về đến thôn Plei Plei -Ya Chiêm thì gặp tổ kiểm tra trật tự giao thông do Trưởng Công an (CA) Ya Chiêm Nguyễn Minh Hùng chỉ huy. Ông Hùng đưa gậy, thổi còi yêu cầu dừng xe kiểm tra, anh Đảng chấp hành ngay. Do không có bằng lái, không giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực nên Công an xã lập biên bản phạt anh Đảng. Trong lúc chờ xử phạt, hai bên lời qua tiếng lại. Anh Đảng bỏ đi thì bất ngờ bị ông Hùng nắm tay giật quay người lại vung dùi cui lên đánh thẳng mặt, khiến anh Đảng ngã xuống ngất xỉu, máu ra bê bết. Trao đổi với chúng tôi (phóng viên) ông Nguyễn Minh Hùng cho rằng, sở dĩ có vết thương trên mặt Đảng là do anh tự ngã, ông Hùng không đánh, không đẩy.

- Đến cả nghĩa trang cũng bị... thu hồi: “Sống ở làng Do Lộ, chết về khu sau chùa”, đó là tâm niệm bao đời nay của người dân thôn Do Lộ. Thế nhưng, nghĩa trang duy nhất của thôn nay đã bị chính quyền xã thu hồi giao lại cho các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa người dân sẽ không còn chỗ nào để “trú ngụ” sau khi họ qua đời. Nghĩa trang thôn Do Lộ (xã Yên Nghĩa, TP. Hà Đông, Hà Nội) được hình thành từ trước Cách mạng tháng Tám. Đến nay, diện tích nghĩa trang ngày một thu hẹp dần. Người Do Lộ phải dè sẻn từng tấc đất nghĩa trang để còn có chỗ cho những người đời sau “nương náu”. Vậy mà từ ngày 20/1/2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra quyết định 153 thu hồi khu đất nghĩa trang này để giao cho công ty TNHH Đức Việt. Tổng diện tích đất nghĩa trang bị thu hồi là 14.353m2, trong đó giao cho Công ty Đức Việt 11.174,9m2. Điều đáng nói là sau khi ra quyết định thu hồi khu đất nghĩa trang này, phía cơ quan chức năng không lập dự án di dời hay xây dựng một khu nghĩa trang khác khiến bà con trong thôn vô cùng bức xúc. Hơn 4/5 diện tích đã bị thu hồi khiến cho toàn bộ người dân thôn Do Lộ khi có người chết, họ buộc phải chôn chen chúc giữa các ngôi mộ còn sót lại. Tình trạng đó đến nay đã kéo dài suốt 4 năm, đất đã hết chỗ trống để có thể chen thêm một vài ngôi mộ nữa. Trong khi chính quyền vẫn chưa có giải pháp để xây dựng khu nghĩa trang mới.

- Gần 100 công an bị xử lý do có dấu hiệu tham nhũng: Sáng 8/7, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến cho biết, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 13 cán bộ, chiến sĩ tham nhũng; 80 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng... 5 lãnh đạo, chỉ huy bị kỷ luật do liên đới trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tại đơn vị được giao phụ trách. Cũng trong 6 tháng qua, hàng loạt cán bộ tại nhiều địa phương bị phát hiện có hành vi tham nhũng. Tại Kiên Giang, 33 đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, ở Đồng Nai là 4 người. Thủ quỹ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau bị phát hiện đã tham ô gần 300 triệu đồng… Hà Nội, TP HCM là hai địa phương đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án tham nhũng nhất, cùng 22 vụ, tiếp sau là Quảng Ngãi (14 vụ) và Kiên Giang (12 vụ)... "Một bộ phận cán bộ trong giải quyết công việc có liên quan tới người dân, doanh nghiệp còn phiền hà, nhũng nhiễu gây bức xúc trong xã hội", Chánh văn phòng Ban chỉ đạo nhận xét. Ông Chiến cũng lo ngại có một số địa phương thời gian qua không khởi tố một vụ án nào về các tội tham nhũng như Lai Châu, Quảng Trị, Hà Giang, Khánh Hòa... Ông cho rằng việc này cần được xem xét thận trọng, khắc phục tình trạng né tránh, thiếu quyết tâm trong phòng chống tham nhũng.

- Một dự án "thảm sát" gần 80 cây xanh 20 năm tuổi: Hàng chục cây xanh, trong đó có những cây có đường kính trên 50cm, cao trên 10m, được trồng hơn 20 năm đã bị chặt bỏ không thương tiếc để phục vụ một dự án không cần thiết phải "chạm" đến cây xanh - cống hoá mương Nghĩa Đô. Trong 3 ngày gần cuối tháng 5/2009, khi Hà Nội đang giữa mùa nóng, người dân ra đường tranh nhau từng bóng mát thì khoảng 80 cây xanh dọc mương Nghĩa Đô (cạnh đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) đã bị triệt hạ một cách chóng vánh. Hàng trăm hộ dân thuộc các tổ 2, 34, 35, 36 thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy đến giờ vẫn còn xót xa hai hàng cây xanh cao ngang ngôi nhà 3 - 4 tầng, chạy dọc bên đường Nguyễn Khánh Toàn (đoạn từ Công viên Nghĩa Đô đến sông Tô Lịch) với những tán cây rộng cả chục mét. Nay, hai bên vệ đường chỉ còn trơ ra những gốc cây và ngổn ngang thân. Khi PV VietNamNet đến thì vẫn còn nhiều cành cây chưa kịp dọn đi. Chỗ thì chỉ còn lại những cái hố sâu, đường kính đến cả mét bởi người ta chặt cây xong rồi bứng luôn cả gốc.

- 'Móc ruột' sông Hậu: Gần hai tháng nay, hàng trăm sà lan, tàu loại lớn cùng máy móc, cần cẩu hạng nặng, tập trung dày đặc trên một đoạn sông Hậu dài mấy chục cây số để khai thác cát. Đứng trên cồn Ấu, dưới chân cầu Cần Thơ, nhìn chếch về phía Vĩnh Long, thấy các cần cẩu hạng nặng nhả khói đen ngòm. Những chiếc mỏ ngoạm đu đưa trên cần cẩu rồi cắm xuống dòng sông, móc lên từng khối cát nhả vào sà lan xung quanh. Rất nhiều thuyền loại nhỏ có ống cắm xuống sông Hậu hút cát. Lừng lững những chiếc sà lan hàng trăm tấn, lặc lè bên trên một núi cát dập dìu giữa sông. Cứ khoảng một phút có một núi cát như thế đi về các ngả. Đại công trường này kéo dài cho đến tận cù lao Tân Lộc ở quận Thốt Nốt, giáp Đồng Tháp. Hàng trăm chiếc sà lan trọng tải lớn chở đầy cát, đủ biển kiểm soát của TP Cần Thơ, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang… có cả những tàu lớn từ miền Trung, miền Bắc như Bình Thuận, Đà Nẵng, Hải Dương. Nhiều tàu quốc tế như Singapore, Malaysia, Indonesia, neo đậu túc trực để chờ ăn cát. Trong tháng 6/2009, Công an quận Thốt Nốt kiểm tra phát hiện 38 phương tiện khai thác trái phép. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử phạt của Phòng CSGT Đường thủy Nội địa chỉ dừng lại ở những vi phạm giao thông như quá tải trọng, chạy sai luồng tuyến. Việc khai thác cát và vận chuyển cát lậu lại thuộc thẩm quyền của Cảnh sát Môi trường. Trong khi đó, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Cần Thơ, do thiếu phương tiện nên mỗi lần kiểm tra phải đi nhờ CSGT. Mỗi lần kiểm tra chỉ được khoảng năm phương tiện. Hầu hết các phương tiện đều sai phạm. Tuy nhiên, do không có bến bãi và người trông coi nên không thể giữ phương tiện. “Sở TN&MT cấp phép khai thác cát nhưng không hề thấy tổ chức thanh tra, kiểm tra các phương tiện”, ông Thượng tá Lê Văn Chì, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, cho biết.

- Truy tố 5 cựu cán bộ Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ): Liên quan đến vụ sai phạm lập quỹ trái phép tại Nông trường Sông Hậu (cũ), Viện KSND huyện Cờ Đỏ vừa tống đạt cáo trạng truy tố năm cá nhân liên quan đến vụ sai phạm nghiêm trọng này. Đó là bà Trần Ngọc Sương - nguyên giám đốc nông trường, Trương Hồng Nhung - nguyên phó giám đốc, Đặng Thế Quốc Hưng - nguyên kế toán trưởng, Hoàng Thị Bình - nguyên kế toán và Nguyễn Văn Sơn - nguyên thủ quỹ. Trong thời gian từ 2003-2007, giám đốc và phó giám đốc nông trường đã lợi dụng chức vụ lập quỹ đen gần 9,5 tỉ đồng từ nhiều nguồn thu trong hoạt động của nông trường. Từ nguồn quỹ trái phép này, các đối tượng đã chi vô tội vạ như: chi sinh nhật, quà tết, mua sắm, kinh doanh bất động sản... với số tiền trên 4 tỉ đồng. Ngoài ra, vị giám đốc này còn chỉ đạo trả lương cho hai lãnh đạo nông trường đã chết trong thời gian dài với số tiền trên 320 triệu đồng.

- "Tôi đi kiểm tra, chỉ thấy… 2 con ruồi": GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt nhận được khá nhiều chất vấn về mức độ ô nhiễm của bãi rác Đa Phước, mà theo ông khẳng định, đây là bãi rác có công nghệ chôn lấp "tốt nhất Việt Nam". “Không chỉ kiểm tra ban ngày mà chúng tôi còn kiểm tra ban đêm. Khi đi từ Phú Mỹ Hưng về bãi rác Đa Phước, tôi mở kính cửa xe thì không thấy mùi… Tôi không phủ nhận ruồi xuất phát từ bãi rác Đa Phước nhưng đã được giải quyết. Khi tôi đi kiểm tra, chỉ còn… 2 con ruồi”, ông Kiệt nói.

- 'Nếu giám đốc sở không có giải pháp, hãy để tôi': "Nếu Giám đốc Sở giao thông vận tải TP HCM chỉ trả lời chung chung, sẽ không giải quyết được các vấn đề về ngập nước, tắc đường... Để tôi đưa ra một số biện pháp khả thi", đại biểu Võ Văn Sen bức xúc trước phần trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Giao thông công chính. Đề cập sự trì trệ trong tiến độ thực hiện dự án, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân minh chứng về con đường Lê Văn Lương đi qua xã Phước Kiểng, Huyện Nhà Bè bị trễ hạn 1 năm so với dự kiến. Lẽ ra, dự án phải hoàn thành xong trong tháng 7/2008 nhưng đến nay vẫn còn dang dở. "Xin tạ lỗi với hương hồn đồng chí Lê Văn Lương, con đường mang tên ông đã được người dân Nhà Bè gọi là đường "Thê Lương" vì xuống cấp trầm trọng", ông Xuân nói. Còn ông Lê Văn Trung tỏ ra bức xúc hơn khi con đường Tân Hóa đã bị bỏ quên gần 19 năm. "Yêu cầu sở trả lời chính xác có tiến hành hay không? Nếu có là khi nào?", vị đại biểu này gay gắt… Tỏ ra lúng túng, người đứng đầu ngành giao thông công chính TP HCM, Giám đốc Trần Quang Phượng ngập ngừng: "sẽ tiếp thu và hứa trả lời cụ thể bằng văn bản".

- Ô nhiễm 50 năm vì nhà máy xi măng trong khu dân cư: Từ trung tâm Hà Nội chạy xe khoảng 20km theo đường Láng - Hòa Lạc, ai cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng cột khói của Nhà máy Xi măng Sài Sơn đang cuồn cuộn “nhả” lên trời. Bình thường là vậy nhưng mỗi khi có đợt gió tạt qua thì khói từ cột khói này bỗng dưng đổi hướng tràn sát xuống nhà dân. Nhà máy Xi măng Sài Sơn nằm trong khu dân cư thuộc thôn Khánh Tân (xã Sài Sơn, Hà Nội). Thôn Khánh Tân là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng khói bụi từ Nhà máy Xi măng Sài Sơn nên còn được gọi với cái tên “xóm bụi”. Khi mới bước chân vào thôn này, cảnh tượng mờ mờ của khói bụi và tiếng ầm ầm của nhà máy xi măng đang hoạt động khiến chúng tôi cảm thấy kinh hoàng. Thế nhưng, hơn 50 năm nay, người dân thôn Khánh Tân luôn phải sống chung với tình trạng này. Chị Vũ Thị H., một người dân đang sinh sống trong “xóm bụi” than vãn: “Chính khói, bụi của nhà máy đã gây ra rất nhiều bệnh liên qua đến hô hấp. Trẻ con trong làng luôn phải chịu cảnh ho hen kéo dài". Các thôn khác của xã Sài Sơn hàng ngày phải chịu cùng cảnh ngộ với thôn Khánh Tân là thôn Đa Phúc và Năm Trại. Nhưng hai thôn này mức độ ô nhiễm không nặng nề bằng thôn Khánh Tân. Tuy nhiên vẫn chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc để giải quyết tình trạng này.

- Vụ hối lộ 10 triệu đô la Úc in tiền Polymer: Úc tiếp tục điều tra, csVN tại Hà Nội vẫn im lặng. Công ty Securency của Úc bị cáo buộc đưa hối lộ tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vụ này gắn liền với con trai cựu Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, Lê Đức Thúy, người quyết định cho Việt Nam sử dụng tiền polymer của công ty Securency. Nơi đây chúng ta cũng đừng quên tên Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính với dự án Đại lộ Đông-Tây nhận tiền hối lộ của Nhật. Chỉ khi nào Nhật truy tố ông Sỹ thì csVN mới đủng đỉnh nhập cuộc.

- Hà Nội thiệt hại hơn 542 tỉ đồng do tham nhũng: Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng TP Hà Nội, năm 2008, Công an TP đã khám phá 24 vụ tham nhũng (tham ô tài sản; đưa, nhận hối lộ; lạm dụng chức quyền...). Tổng thiệt hại lên đến trên 542 tỉ đồng. 24 vụ việc này liên quan đến 45 đối tượng, trong đó 20 đối tượng tham ô tài sản, 3 đối tượng nhận hối lộ, 2 đối tượng đưa hối lộ, 11 đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và 9 đối tượng lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trong tổng số thiệt hại lên tới hơn 542 tỉ đồng, tính đến hết năm ngoái mới thu hồi được hơn 162 tỉ đồng, 70.907 USD và 2.750 euro. Ngoài ra, 38 vụ việc liên quan hành vi tham nhũng khác (cả cũ và mới) đang được thụ lý điều tra với 78 nghi can, tội danh chủ yếu là tham ô.

- Sửa đường kiểu “thủng đâu vá đó”: Theo lời của một dân cư kể như sau: Tôi là một trong những người dân cư ngụ tại P.12, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Tôi rất bức xúc về việc sửa chữa đường Chu Văn An (P.12, Q.Bình Thạnh). Đây là một đoạn đường dài chừng 500 mét. Tôi chuyển về đây sinh sống được 10 năm thì đoạn đường này được sửa chữa cũng ngót nghét 10 lần, nhưng vẫn không được lắp đặt cống thoát nước. Người ta sửa đường theo kiểu “thủng đâu vá đó”… Chúng tôi là cư dân đô thị nhưng phải sống trong điều kiện mất vệ sinh trầm trọng: nước thải lênh láng ngoài đường, hẻm. Nhiều con hẻm thấp hơn đường, nước thải đọng thành ao.

- Chuyện quái đản về giấy mời tiệc chia tay tiễn lãnh đạo đi học 3 tháng tại quốc nội Tây Nguyên. Chỉ có thế mà giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Nông Sơn làm văn thư có con dấu đỏ chói như là một lệnh truyền mời mọi người đến dự tiệc (nhằm hưởng quà tặng của khách mang đến), trong khi đó Nông Sơn là huyện miền núi có tỉ lệ hộ gia đình đói nghèo gần 68 phần trăm. Đâu rồi chủ trương về tiết kiệm, chống lãng phí?

- Hồ Cao Vân là nguồn cung cấp nước cho thị xã than Cẩm Phả, thành phố Hạ Long, huyện đảo Vân Đồn - những trung tâm công nghiệp, du lịch văn hóa của tỉnh Quảng Ninh. Hiện, hồ bị ô nhiễm nặng và cạn dần khiến lòng dân không yên. Chỉ ba, bốn năm than “thổ phỉ” hoành hành, hàng ngàn hecta rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh xanh tốt ngút ngàn tại các xã Quang Hanh, Dương Huy… bị chặt phá tanh bành. Đồi núi bị đào bới toang hoác, đất đá trút xuống ngổn ngang, xe vận tải chở than đủ các loại khuấy đảo, gầm rú suốt ngày đêm, tạo ra những đường hào ngang dọc, lầy lội khủng khiếp, như bãi bom B52 hủy diệt khổng lồ! … Nhưng chỗ này san lấp, chỗ kia lại đào bới. Lán cũ vừa phá, hôm sau lại mọc lên lán mới…

- Cần đến 63 năm cầm quyền nhà nước VN mới nghĩ ra cách giáo dục nhân viên của mình: Cảnh sát giao thông phải nói “cảm ơn” sau khi thực thi nhiệm vụ. Nội dung trên vừa được đưa ra qua thông tư 27/2009/ TT- BCA, của Bộ Công an về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGT). Khi kiểm tra xe khách, trường hợp không phát hiện vi phạm, CSGT cũng phải thông báo với lái xe, các hành khách và nói: “Cảm ơn ông bà... đã giúp đỡ lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ”. (Sic!)

- Nắng nóng là điện mất: Nóng nực trở lại từ ngày hôm qua (19/6) đã ngay lập tức kèm theo sự cố mất điện. Những người dân Hà Nội sống tại các điểm nóng quá tải thấp thỏm lo âu trước kịch bản cứ nắng nóng là điện mất! Mấy ngày qua, các tuyến phố Hà Nội như Xã Đàn 2, Tôn Thất Tùng, Yên Hòa (Cầu Giấy), Khương Thượng... mất điện liên tục. Trời nóng hầm hập, buổi tối, người dân kéo nhau ngồi la liệt vỉa hè, phành phạch quạt tay. Đêm về, họ ngủ vạ vật ngoài hè hay ban công. Những nhà có trẻ con, người lớn thay nhau quạt, bế, lau mồ hôi, xách quần áo, chai nước… Song, trên website của Cty Điện lực Hà Nội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, không thấy bất cứ một dòng thông báo nguyên nhân hay xin lỗi của Cty này gửi các khách hàng của họ. Chúng ta cũng không quên được câu nói về mùa mưa: „Cứ mưa là những con đường trở thành dòng sông“.

- Không thể “ngập do trời”: Báo cáo của TP.HCM về nguyên nhân ngập nước do diễn biến bất thường của thời tiết không được ĐB Nguyễn Văn Hiệp đồng tình. Ông nói cái chính là công tác dự báo lưu lượng mưa, giám sát đầu tư các dự án “có vấn đề” khiến hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn. Ông đề nghị bỏ cụm từ này trong báo cáo vì lâu nay khi tiếp xúc cử tri luôn đặt câu hỏi: trách nhiệm cơ quan chức năng đâu không thấy nhưng rốt cuộc lại đổ lỗi do ông trời? Theo ĐB Phạm Minh Trí, nếu nói ngập tại trời mưa, kẹt xe do xe nhiều thì cuối cùng trở thành... huề vốn.

- Doanh nghiệp VN thua đau bởi hàng Trung Quốc giá rẻ. Bà Phạm Chi Lan một chuyên gia kinh tế nhận định: Những ngày gần đây, tôi thực sự thấy rất bứt rứt, sốt ruột và đau lòng vô cùng về hàng chất lượng thấp của nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc tràn vào VN. Không những nó làm hại cho người tiêu dùng mà còn làm hại cho nền sản xuất VN ở mức độ rất to lớn… Tôi rất lo sợ do chúng ta thiếu sự chuẩn bị thì có thể trong cuộc chơi mới, chúng ta háo hức hòa nhập với mong muốn chiến thắng, nhưng lại thua trong quá trình hội nhập ở mặt này hay mặt khác, kể cả trên sân nhà”.

- Không tự nguyện hiến đất sẽ bị (cướp) giải tỏa trắng: Những ngày qua, nhiều người dân ở thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) rất bức xúc chuyện UBND huyện Tân Trụ bắt dân phải tự nguyện hiến trên 22 tỉ đồng (quy đổi từ giá trị đất bị giải tỏa) để mở rộng, nâng cấp 2,3 km tỉnh lộ 833 đi qua thị trấn Tân Trụ. Nếu ai không tự nguyện hiến đất sẽ bị giải tỏa trắng theo chỉ đạo của tỉnh. Ông Nguyễn Văn E kể: “Mấy ông ở huyện, thị trấn đến nhà kêu tui phải tự nguyện hiến 250m2 đất mặt tiền để làm đường. Tui không đồng ý, vậy mà mấy ổng vẫn cứ ngang nhiên cho thi công”. Theo ông E, chỉ tính giá đất 1,3 triệu đồng/m2 theo bảng giá đất năm 2009 của tỉnh Long An đối với đoạn đường này, số đất của ông tương đương với 325 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Ngọc, người cùng xóm với ông E, nói: “Gia đình tôi có hơn 800m2 đất, vậy mà mấy ổng kêu hiến không 215m2”. Người dân cho biết, huyện muốn 166 hộ dân trên đoạn đường này phải tự nguyện hiến đất, nếu ai không chịu sẽ bị giải tỏa trắng. Có lẽ, sợ bị giải tỏa trắng nên một số hộ ký tên vào danh sách “tự nguyện” hiến đất, nhưng vẫn ghi câu “thòng”: “Nếu sau này có bồi thường thì phải bồi thường cho tôi”. Ông Nguyễn Thanh Chánh, bí thư Huyện ủy Tân Trụ, khẳng định: “Huyện, thị trấn Tân Trụ làm như thế là đúng theo tinh thần quyết định 883 ngày 1/4/2004 của tỉnh. Nếu vận động mà dân không tự nguyện hiến đất thì phải giải tỏa trắng”.

- Philippines „bác lệnh“ cấm đánh cá của Trung Quốc: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Orlando ercado hôm 11/6/2009 bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về một lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 2 tháng từ 1/6 - 31/7 tại Biển Đông và nói Bắc Kinh trước tiên cần phải cấm đánh bắt cá bằng chất Xyanua nếu thực sự nghiêm túc trong chiến dịch bảo vệ các nguồn tài nguyên biển. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhấn mạnh lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc sẽ không có hiệu lực đối với ngư dân nước này. Ông cũng tố cáo mạnh mẽ: "Chúng tôi đang đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của chúng tôi. .. Họ (TQ) mới chính là người xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi". Đấy mới là tiếng nói yêu nước chân chính để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Còn VN thì sao? csVN chỉ biết thỏ thẻ kiểu con thỏ run rẩy trước miệng rắn như Bộ Ngoại giao Việt Nam đã "đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam". Nơi đây thế giới tự do nhận thức được sự khác biệt rõ ràng về từ ngữ ngoại giao „bác lệnh“, „bác bỏ“, „không có hiệu lực“ là những lời mạnh mẽ và tỏ thái độ quyết liệt với đôi phương, còn từ ngữ „đề nghị“ đúng là phát xuất từ cửa miệng của một kẻ tôi đòi hoặc hèn nhát. Chính vì thế theo tin ngày 21-6-2009 lực lượng tuần tra Trung Quốc không thèm để ý đến „kẻ đề nghị“ lãi ngang nhiên bắt thêm 3 tàu cá gồm 37 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi các tàu này đang đánh cá bình thường tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thuộc chủ quyền của „kẻ đề nghị“. Trái ngược lại Philippines đã có lần anh dũng bắt giữ các tàu cá của Trung Quốc khi lấn vào hải phận của họ. Một nỗi nhục đang được bếu xấu dân tộc VN trên xa lộ thông tin, xin hãy xem tin mới nhất của Tàu bắt thuyền đánh cá VN trong You Tube do bọn phóng viên „bên lề phải“ của Tàu cộng tuyên truyền phát đi để cho thế giới thấy VN phạm pháp ngay trong hải phận của mình. Hình ảnh người ngư dân chấp tay lạy lục bọn giặc phương Bắc làm đau lòng cho những ai có lòng ái quốc, còn giai cấp đảng chỉ biết né tránh gọi bọn Tàu là những „thuyền lạ nước ngoài“ mà thôi để tránh làm mất lòng người anh lớn cũng là ông chủ của bọn chúng: http://www.youtube.com/watch?v=P9kPsRhG37U&eurl=http%3A%2F%2Ftinparis.net%2Ftinvn09%2F2009_07_07_TinVN.html&feature=player_embedded

- Vừa thông xe đường hầm Kim Liên, Hà Nội đã ngập nước thành sông: Sáng 16/06/2009, sau gần 3 năm thi công với tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, hầm cơ giới nút giao thông Kim Liên (Hà Nội) đã chính thức thông xe. Tuy nhiên chỉ sau 2 tiếng, đường hầm đã phải đóng cửa vì bị ngập nước mưa. Đến 14h chiều nay, hầm mới thông xe trở lại. Được biết, hầm bị ngập nước trong cơn mưa bất ngờ sáng nay là do hệ thống bơm thoát nước vẫn chưa đi vào hoạt động. Dự án nút giao thông Kim Liên được thai nghén từ 9 năm trước đây. Hầm cơ giới tại nút giao thông Kim Liên là hầm chui cơ giới đầu tiên tại Hà Nội. Chiều dài đường hầm 644m, rộng 18,5m m, chiều cao trong hầm 6,25m. Trong tổng chiều dài hầm có 140m hầm kín, 405m hầm nổi và 99m đường dẫn.

- „Bệnh giả dối đang trở thành quốc nhục“, đó là nhận định của giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học số một của Việt Nam nói vệ hệ thống giáo dục VN: Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc (của VN).

- Sân golf và cây lúa: Theo thống kê của bộ Tài nguyên và môi trường, trong vòng 5 năm (2001 – 2005), diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị biến thành đất phi nông nghiệp là 366.000ha. So với những năm 70 của thế kỷ 20 đất nông nghiệp từ 9 triệu hecta nay chỉ còn 4,2 triệu hecta! Theo thông tấn xã Reuters, các sân golf đang “xé nát những cánh đồng lúa” ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Dĩ nhiên cụm từ “sân golf” được hiểu là tốc độ đô thị hoá ào ạt, thiếu kế hoạch, thiếu tầm nhìn. Một nhà khoa học mới đây nhận xét: “Việt Nam phát triển nhưng nông thôn vẫn lạc hậu, nông nghiệp cực kỳ bấp bênh và nông dân thì thua thiệt đủ đường”. Thí dụ chỉ riêng cho sân golf Vân Trì, Hà Nội được cấp phép thuê 128ha đất từ năm 1995 nhưng “treo” mãi cho đến gần đây mới được “động đậy”. Hơn 10 năm, 128ha đất đó không hề sinh lợi một đồng nào, trong khi 93/128ha là đất “bờ xôi ruộng mật” của lúa (!). Không chỉ vậy, chỉ trong hai tháng 4 và 5.2009, UBND TP Hà Nội đã hai lần gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị được lấy đất sân golf Vân Trì cho tập đoàn Noble Việt Nam xây 100 biệt thự với 100 triệu USD đầu tư! (?). Đường đi vòng vèo của cây lúa tới sân golf rồi đi tiếp đến các biệt thự là sự cài cắm lợi ích nhóm khó biện minh. Bản thân sân golf không có lỗi, nhưng nếu một nước nghèo như nước ta mà có đến 144 sân golf thì quả là điều khó hiểu. Khó hiểu hơn nữa là “biệt thự hoá” sân golf một cách ngang nhiên, bất chấp quy hoạch dài lâu. Các nhà khoa học cho rằng: Sân golf là một "trò chơi tốn đất", bởi diện tích bình quân của mỗi dự án hiện nay là 203ha, nhưng cả nước mới chỉ có khoảng 5.000 thành viên chơi golf, chưa đến một nửa số này chơi thường xuyên - mà trong đó chỉ khoảng 10% là người Việt Nam.

- Lâm tặc vào chặt phá vườn quốc gia Vũ Quang như... đi chẩy hội: Từ những lời kể về thực trạng ở Vườn Quốc gia (QG) Vũ Quang của một số người dân sống ở đây, chúng tôi đã tìm đến và chứng kiến những cảnh tượng thật đau xót. Những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá trở thành bụi rậm, còn lâm tặc ngang nhiên vào rừng phá rừng vận chuyển gỗ về… Từ xóm 4, xã Hoà Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh) chúng tôi cắt rừng, tìm dấu vết phá rừng của lâm tặc để lại. Men theo sông Rào Nổ đã thấy bè gỗ nối nhau trôi theo sông, trâu kéo gỗ nối nhau đi hai bên bờ. Càng lên thượng nguồn con sông, tiếng máy cưa gầm rú inh ỏi giữa rừng sâu, đã có nhiều cánh rừng bị triệt hạ. Theo nhiều người dân ở đây cho biết, cách đây không lâu thì cứ vào chiều tối, gỗ lại được thả trôi về trắng cả một khúc sông… Để có thể vận chuyển được qua trạm kiểm lâm ở Hoà Hải thì phải làm luật. Thông thường mỗi bê gỗ được ấn định tiền luật là 70 nghìn đồng, nếu loại gỗ tạp, ít giá trị thì có thể ít hơn. Cây rừng được đưa về khi trời tối hoặc tờ mờ sáng. Theo những lâm tặc thì chuyện khai thác gỗ trong rừng Vũ Quang đã diễn ra nhiều năm nay. Nhiều người dân từ từ chỗ làm ruộng đã chuyển sang làm gỗ vì lợi nhuận cao hơn. Đến hiện nay thì nhiều loại gỗ quý hiếm đã “sạch bóng”. Nhiều người dân ở xã Hoà Hải nói rằng họ thường gặp cảnh tượng cứ đến chừng chiều tối, gỗ từ trên thượng nguồn sông Rào Nổ “chảy” về làm trắng cả khúc sông qua xóm 4. Rồi sau đó, số bè gỗ trên không biết bằng cách nào đó đã được đi qua khu vực Trạm kiểm lâm ở xã Hoà Hải một cách khá dễ dàng. Con đường chính dẫn vào Vườn QG Vũ Quang về đêm đã trở thành con đường của lâm tặc. Khi đêm đến, cảnh xe tự chế, xe khách 12 chỗ lột hết ghế chở gỗ ngang nhiên “qua mặt” các lực lượng chức năng.

- Ăn gì cũng sợ ngộ độc, ung thư: đây là nhận định của đại biểu Đào Xuân Nay (Bình Thuận), khi Quốc hội đã dành trọn ngày 10-6 để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tâm trạng lo lắng chung nhất của người dân hiện nay là ăn cái gì cũng sợ ngộ độc, sợ ung thư. Nguyên nhân của “căn bệnh” là quản lý kém, chồng chéo trách nhiệm lên nhau…, tức là luật pháp đã bị vô hiệu hoá một cách tự nhiên.

- Trên 5.000 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hà Nội. Đây là kết quả sơ bộ từ 15/4 - 15/5 sau khi lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra trên 20.000 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chế biến hàng thực phẩm, ăn uống trên cả nước. Chẳng lạ gì khi hàng ngày vẫn có hàng trăm bệnh nhân bị nhiễm trùng tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm phải nhập viện trên toàn quốc.

- Lao động Trung Quốc "làm chui" ở công trường Công Thanh: 200 lao động phổ thông người Trung Quốc vừa bị thanh tra lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai phát hiện là "lao động chui" tại công trường xây dựng nhà máy xi măng Công Thanh huyện Nhơn Trạch. Mức xử phạt là 5 triệu đồng/người và buộc phải hồi hương. Chúng tôi vẫn thấy thấy khá nhiều công nhân Trung Quốc cưỡi xe máy hoặc đi bộ trên đường dẫn đến các quán cafe, quán nhậu. Có khoảng 5.700 lao động nước ngoài đang làm việc tại Đồng Nai, trong quá trình thanh tra, Sở LĐ&TBXH đã phát hiện 1.960 trường hợp lao động “chui”- Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai. Thượng tá Nguyễn Vân Anh - Trưởng phòng xuất, nhập cảnh Công an TPHCM cho biết, nếu đối chiếu thủ tục xuất nhập cảnh thì việc cấp thị thực cho người nước ngoài rất dễ nhưng khi đối chiếu với những quy định khác về lao động nước ngoài thì hai quy định này chọi nhau. Theo ông, vì thế việc cấp thị thực cho lao động nước ngoài tại Việt Nam giống như tình trạng thả gà ra đuổi.

- Tái định cư ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm: Mịt mù cho 12.500 căn hộ. Đã hơn một năm rưỡi kể từ khi Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chỉ đạo gấp rút xây 12.500 căn hộ tái định cư (TĐC) khi xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), đến nay người dân bị giải tỏa vẫn chưa biết căn hộ của mình sẽ như thế nào. Nhưng đến sáng 25/6/2009, có mặt tại hai lô đất đã khởi công xây chung cư, chúng tôi nhận thấy bên lô đất có treo bảng dự án trên hoàn toàn im ắng và cỏ vẫn mọc đầy, lô đất cách đó hơn 100 m thì đang trong giai đoạn ép cọc!? Những dự án khác liên quan tái định cư KĐTMTT như dành gần 70 ha ở phường Bình Khánh, 2.000 nền tại Bắc Rạch Chiếc... đến giờ vẫn chưa khởi công. Ông Nguyễn Cư, Phó Chủ tịch UBND Q.2 từng khẳng định, chính quyền sẵn sàng đáp ứng nhu cầu TĐC của bà con tại 12.500 căn hộ TĐC. Nhưng cả ông Cư và Ban Bồi thường và Giải phóng mặt bằng Q.2, Ban Quản lý KĐTMTT… đều không trả lời được câu hỏi khi nào có căn hộ TĐC và giá một mét vuông là bao nhiêu.

Nơi đây được nhắc thêm về các cơ sở tôn giáo vùng Thủ Thiêm: Mấy năm gần đây, Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải và các cán bộ tham nhũng của TP HCM, đã xé nát quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, giải toả trắng các hộ gia đình đang định cư ở đây và âm mưu chiếm luôn phần nhà đất tôn giáo gồm có Giáo xứ Thủ Thiêm đã được thành lập từ 150 năm nay, đây là một trong vài giáo xứ cổ kính nhất của Tổng giáo phận Sài Gòn. Và Tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được thành lập từ 169 năm nay, đây cũng là tu viện cổ kính nhất và xinh đẹp nhất Sài Gòn. Cha xứ Thủ Thiêm cho biết: Ngài phản đối việc giải toả nhà thờ Thủ Thiêm và ngài quyết tâm sống chết với nhà thờ giáo xứ này. Hơn 400 nữ tu MTG đồng lòng không di dời.

- Chủ nghĩa trách nhiệm là „đá bóng“ xuống địa phương: Đại biểu Lê Văn Cuông, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã "chấm điểm" kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc vào tháng 6 như sau với câu hỏi: Vậy đặt ra chuyện hậu giám sát sau mỗi kỳ họp để làm gì nếu tất cả những vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội đã không được làm rõ đến nơi đến chốn? ĐB địa phương, ngoài những người vì khả năng, điều kiện có hạn, còn một số khác là lãnh đạo mà quyền lợi gắn với địa phương nên né tránh, ngại đụng chạm. Có nắm được vấn đề cũng không dám truy đến cùng. Một là đứng ngoài cuộc, hai là chỉ nêu nhẹ nhàng, kiểu nói ra cho biết, còn truy đến cùng thì rất hiếm. Có những người dám lại không nói được vì nếu không nắm vấn đề thì đôi khi đuối lý và thua cuộc. Trong khi lẽ ra phải giao trách nhiệm rõ ràng, phân công ai giám sát, kèm theo cơ chế báo cáo, xử lý và đưa ra QH xem xét. Cứ hô hào chung chung, ai tự giác thì làm không thì thôi. Vẫn như thế này thì đến hết nhiệm kỳ sau cũng thế thôi. Chỉ là những lời kêu gọi mang tính cổ vũ. Có người muốn được làm nhưng không ai giao cho, hoặc lại nghĩ không giao mà dính vào thêm mệt. Như kỳ này, QH báo cáo kết quả giám sát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng có làm rõ được trách nhiệm của ai hay xử lý thế nào đâu, cũng chỉ là cảnh báo. Vẫn theo một truyền thống là sao chép văn bản, kiến nghị chung chung rồi thực hiện hay không cũng không có đánh giá quy trách nhiệm.

- Về những nổi cộm vĩ mô thì „Bộ trưởng cứ ghi nhận... rồi vậy thôi“: Đại biểu Lê Văn Cuông cho thấy sự tê liệt của các quan lớn, khi các đại biểu nêu bức xúc đòi hỏi Chính phủ khắc phục các khó khăn như sân golf, điều hành xuất khẩu gạo, khai thác bôxít Tây Nguyên, lãng phí đất công... Các Bộ trưởng cũng nói chung chung là ghi nhận, quan tâm, sắp tới cũng sẽ như thế này, thế kia... rồi vậy thôi!

- Tình trạng vô chính phủ từ cấp địa phương: Những việc nổi cộm như đất đai, sân Golf vẫn chưa đi được đến cùng? Cũng theo đại biểu Lê Văn Cuông trả lời cho câu hỏi: quanh chuyện sân golf, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói rất đúng về việc bùng nổ do phân cấp cho địa phương. Nhưng phân cấp mà lại không có cơ chế quản lý thì sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ (như hiện nay). Đúng như vậy! Nhiều “đầy tớ của dân” thời gian qua lợi dụng chức quyền chiếm đất đai hoặc ban phát cho người thân. Họ bưng bít thông tin, không công khai những việc làm của mình. Có thể nói, thời gian qua, ở bất cứ địa phương nào cũng có chuyện tham nhũng về đất đai khiến quần chúng bức xúc: Đồ Sơn, Hóc Môn, Khánh Hòa, hay Tam Đảo... Thêm vài ví dụ cụ thể: vụ cấp đất sai nguyên tắc ở Phú Quốc cho thấy được mức độ nghiêm trọng khủng khiếp về diện tích đất đai của việc tùy tiện sử dụng tài sản quốc gia. Đã phải thu hồi toàn bộ các lô đất rừng phòng hộ rộng 744.000m2 ở khu vực Bãi Vòng, xã Hàm Ninh; 408.000m2 đất rừng ở khu vực cây số 10, xã Dương Tơ; 38 lô đất cấp cho cán bộ tỉnh, huyện ở ấp Vũng Bầu, xã Cửa Cạn... Vụ án Nguyễn Đức Chi và khu nghỉ dưỡng Rusalka, những dự án đầu tư vào Bãi Dài - bắc bán đảo Cam Ranh hay tại Vườn Dừa - Sông Lô cũng là những dẫn chứng về tình trạng vô chính phủ ở cấp địa phương. Nạn nhân của các vua con địa phương là những gia đình nghèo đói bị cưỡng bách phải di dời, không còn đất đai canh tác nuôi sống cho mình và gia đình.

Kết luận: Khi cần thiết để bênh vực cho giai cấp đảng csVN thì một tên nào đó ba hoa chích chòe trên báo chí, tìm những từ ngữ nhằm mê ngủ người dân, như một lần Nguyễn Tiến Dũng đã lên giọng cương quyết: “Tôi xin nói suy nghĩ riêng của mình. Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực, ghét nhất, giận nhất là sự giả dối!”, đó là tâm niệm cá nhân, tin là sự chân thành đi, nhưng lời nói và thực hành đã cách xa hàng vạn dặm đối với tư cách của ông Dũng. Rồi độc giả có dịp nhớ thêm tâm tình của Lê Khả Phiêu, khi còn là Tổng Bí thư của giai cấp đảng dịp nhắc về tệ nạn tham nhũng: “Công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta có kết quả, có răn đe song chưa triệt được tận gốc. Mà chưa triệt tận gốc thì nó lại xì chỗ này, chỗ khác và xì trầm trọng hơn. Trầm trọng hơn ở chỗ: tham nhũng không phải một người mà trở thành đường dây từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Mình trị chỗ này, chỗ này chựng lại một chút; trị chỗ kia, chỗ kia chựng một chút. Nhưng số tinh vi đông hơn nhiều, nó che chắn thành dây, mình khó phát hiện”.

Ồ! Ở điểm này, có lẽ đồng chí Phiêu thật thà hơn vị thủ tướng một chút ít vì dám đụng chạm vào vết ghẻ lây lan tham nhũng bất trị của giai cấp đảng csVN: „Tham nhũng không phải một người mà trở thành đường dây từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới… nó che chắn thành dây, mình khó phát hiện”. Chúng ta hiểu rõ rằng tham nhũng ở VN bắt đầu từ những dây mắt xích được quyện chung thật dài với nhau của giai cấp đảng từ đồng chí lãnh đạo Nông Đức Mạnh đến Dũng, Triết, Phiêu, Mười, Lương, Khải, Duyệt, Sang, Cầm, Trọng, Trà, Nghị… kéo chằng chịt đến các quan dưới địa phương như ở Đồ Sơn, Hóc Môn, Khánh Hòa, Tam Đảo, Sông Hậu hay tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An hoặc ở vườn quốc gia Vũ Quang.

Công tâm nhận định chưa có quốc gia nào có sự tương phản về giàu nghèo đến mức kinh hoàng quá nhanh chóng như ở VN, nhất là nhìn vào quyền lợi và tài sản của 3 triệu đảng viên. Của chìm của nổi của họ kể đâu cho hết. Có thể nói cứ mỗi một dự án kinh tế, xây dựng, nhà đất là có sự chấm mút của từng đứa to xuống đứa bé, từ địa phương lên đến trung ương. Một ví dụ qua cửa miệng của ông Lê Khả Phiêu khi còn giữ chức vị Tổng bí thư đảng csVN trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ số báo ra ngày 25-5-2005: „Có người đến với mình với động cơ cầu thị, trong sáng như xin ý kiến để thực hiện công việc được tốt hơn. Song cũng có người đến với động cơ không trong sáng, muốn tìm chỗ nương tựa hay tiếp tay gì đó. Mình phải hết sức cảnh giác. Phải luôn răn mình là đầy tớ của dân. Tôi nói thật có chuyện họ đến biếu tiền, 5.000, 10.000 (đô la mỹ) chứ không ít đâu… Lúc tôi còn thường trực (Thường trực Bộ Chính trị -PV) đã có rồi, lúc làm tổng bí thư càng có (nhiều hơn nữa). Đối với tôi, họ đến đút tiền không dám đưa thẳng đâu. Thường là có bó hoa xong để cái gói trên bàn rồi về. Mở ra thấy có năm nghìn, mười nghìn tôi gọi anh Hoan (ông Trần Đình Hoan, khi ấy là chánh Văn phòng Trung ương Đảng - PV) và cậu Dần (ông Nguyễn Giáp Dần - thư ký nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu - PV) lên, nói: “Cái này của ông A, ông B... Giao các cậu mời các ông đó lên xem thái độ thế nào. Tại sao lại có phong bì thế này? Đồng chí tổng bí thư nhắc như thế là không được, từ nay trở đi không được làm thế”. Vậy mà có ông trả lời rằng “đồng chí Phiêu không nhận thì tôi xin biếu các anh”. Cả cậu Dần, anh Hoan về báo cáo lại tôi. Thế thì không được rồi. Tôi phải gọi lên cảnh cáo.“

Đấy chỉ là một cảnh vén màn rất bé nhỏ để một tia sáng yếu ớt rọi vào hậu trường chính trị tham nhũng của đảng csVN mà bí thư Phiêu lỡ miệng khai ra cho bàn dân thiên hạ chiêm ngắm. Còn muôn vàn bì thư chuyền đi trong tăm tối của 63 năm nay có thể lên đến một con số không hề tính ra hết được. Nếu dân gian đồn thổi rằng những tay đầu nậu nắm quyền tại trung ương Hà Nội đang ngồi trên núi đô la của tiền triệu, tiền tỷ Mỹ kim thì cũng có thể tin được đấy. Cũng không lạ gì khi người dân búc xúc được biết về số tiền hối lộ khủng khiếp của PMU 18 và của Huỳnh Ngọc Sỹ. Câu chuyện mới nhất vào ngày 17/4/2009 về chị hai của đương kim thủ tướng Dũng, bà Hai Tâm với nguồn lợi về đất đai vườn cao su vẫn còn rân ran tại Bình Dương vì một người thân của đương kim thủ tướng đã bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280ha cao su còn lại ở xã An Tây để làm khu công nghiệp vào tháng tư vừa qua. Khu đất này quy ra tiền để đâu cho hết!

Ký giấy cho phép giặc Tàu phương Bắc vào khai khẩn bô-xít tại Tây Nguyên là cùng lúc đồng chí thủ tướng Dũng rủng rỉnh bỏ vào túi riêng 150 triệu đô la Mỹ qua con đường chuyển nạp vào hệ thống kinh doanh của gia đình thủ tướng Dũng, không biết điều này đúng hay là tin đồn vu oan thất thiệt?

Điều khôn ngoan quỷ quyệt của giai cấp đảng csVN là bên ngoài khuôn mặt rất liêm minh và còn ra vẻ cần kiệm nữa nhưng chúng ta có thể để ý đến người thân của họ thì mới thấy những gia tài kếch sù hàng chục, hàng trăm triệu đô sờ sờ trước mắt: các cổ phần lớn nhỏ trong địa ốc, khách sạn, sân golf, các loại resort nghỉ hè thượng hạng, ngân hàng, kinh doanh, thầu khoán xây dựng mặt đất, trên không dưới biển, điện lực, dầu khí, khoáng sản… Chỉ một điều rất đơn giản về quy tắc làm ăn của giai cấp đảng csVN là không cho chúng tao góp cổ phần hoặc chia chác vào các dự án thì chúng mày chẳng bao giờ có phép tắc cho công việc đó.

Khi nào người dân Việt Nam mới thực sự hưởng được nền tự do dân chủ như người Đức hiện tại, không phải lo bị đàn áp, không bị quan lại hành chánh vòi vĩnh ngửa tay xin tiền? Nơi đây người Đức được hưởng quyền lợi hiến pháp và luật pháp ngang nhau cho dù là người nông dân hay tổng thống. Nơi đây không có cảnh quan to cúi đầu chịu nhục với nước “đồng chí nhớn” nhưng lại hống hách đe dọa bỏ tù người dân nước mình vì có tinh thần yêu nước chống đối sự xâm lăng của ngoại bang.

Người dân Đức ngày nay sống trong một xã hội tiên tiến xem như hoàn toàn đối nghịch và tưởng chừng là kẻ thù truyền kiếp của giai cấp đảng csVN, thế vậy các cậu ấm cô chiêu của giai cấp đảng csVN xoành xoạch đi qua đi lại nơi chốn này để hưởng thụ mua sắm từ những đồng tiền hối lộ dơ bẩn. Cực kỳ phản động hơn thế nữa khi cô „con gái rượu“ của thủ tướng Dũng đã biết tìm bãi đáp thật an toàn bên người chồng Việt kiều tại Mỹ, một nơi bọn csVN đã từng nguyền rủa và đánh cho giặc Mỹ bỏ chạy lấy thân, tuy vậy có thể ông bố biết nhìn xa chuẩn bị cho hậu sự sau này khi bị thất sủng và cũng có thể chính tư bản Mỹ sẽ là lô cốt đảm bảo nhất để cất giấu đồng tiền hối lộ của gia đình thủ tướng Dũng.

Thật buồn cho quê hương Việt Nam dịp 2009 nhìn vào cuộc kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản tàn ác vô luân tại Đông Đức và toàn Đông Âu đã bị phá sản hoàn toàn!
 
Ân xá quốc tế vì Lê Công Định
BBC
23:47 09/07/2009
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) vừa kêu gọi dư luận có hành động khẩn cấp để phản đối việc ông Lê Công Định bị rút chứng chỉ luật sư và cấm hành nghề.

BBC - LS Lê Công Định lúc chưa bị bắt
Trong một thông cáo trên website của mình, Ân xá Quốc tế viết "ông Lê Công Định là tù nhân lương tâm và hiện không có tin tức gì kể từ khi ông bị bắt hôm 13/06".

"Ông Lê Công Định vẫn chưa được phép gặp thân nhân hay tiếp xúc bất kỳ luật sư bào chữa nào và tình hình sức khỏe của ông không ai biết."

Thông cáo viết tiếp: "Chính quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền chống lại ông Định sau khi quốc tế gây áp lực đòi phải trả tự do cho ông".

Tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở chính ở Anh này cũng kêu gọi những người quan tâm gửi thư cho Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Hồng Anh và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, cũng như cho đại sứ quán Việt Nam ở các nước để bày tỏ quan ngại.

Ân xá Quốc tế cũng đề nghị gửi thư yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Lê Công Định, cho ông quyền tiếp xúc gia đình và luật sư, được chăm sóc y tế nếu cần; và kêu gọi chính quyền thay thế hoặc sửa đổi các điều trong Luật hình sự năm 1999 vốn hình sự hóa hoạt động bất đồng chính kiến một cách ôn hòa.

Chiến dịch truyền thông

Trường hợp ông Lê Công Định vừa được nhắc tới trên truyền thông Việt Nam hôm thứ Tư 08/07.

Tường thuật buổi tiếp Viện trưởng Viện Công tố Đan Mạch Jorgen Steen Sorensen của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chiều 07/07, Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay Chủ tịch Triết đã giải thích về vụ bắt giữ ông Định.

Đài này trích lời ông Chủ tịch nói Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cho thấy "Lê Công Định câu kết với thế lực bên ngoài, âm mưu lật đổ chế độ".

"Vì vậy, việc bắt giam Lê Công Định là hoàn toàn đúng pháp luật, không có chuyện bắt giam vì bất đồng chính kiến."

Những ngày qua, báo đài trong nước cũng tập trung nói về vụ bắt giữ hai nhân vật khác hôm 07/07 là Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim.

Báo Lao Động viết Nguyễn Tiến Trung "là người đưa Lê Công Định vào tham gia tổ chức phản động".

Báo Hà Nội Mới, trong bài viết hôm 08/07 dưới tựa đề "Ảo vọng ngông cuồng, hành vi nguy hiểm" thì kết luận: "Hành vi phản bội Tổ quốc và coi thường pháp luật của Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim sẽ phải trả giá thích đáng".

"Mong rằng đây sẽ là bài học cho những ai mang ảo vọng ngông cuồng, phá hoại sự ổn định, hòa bình của đất nước mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã chung sức chung lòng để bảo vệ và gìn giữ."

Phản ứng của Đảng dân chủ Việt Nam

Tất cả các vụ bắt ở trên, theo thông tin loan tải trên báo Việt Nam, đều có liên quan tới Đảng Dân chủ Việt Nam mà chính quyền Việt Nam coi là "tổ chức phản động lưu vong do Nguyễn Sĩ Bình và Nguyễn Xuân Ngãi cầm đầu".

Từ Hoa Kỳ, ông Nguyễn Sĩ Bình nói với BBC hôm thứ Năm 09/07 rằng các động thái vừa rồi là hành động chính trị "tập trung nhắm vào đảng Dân chủ Việt Nam và răn đe những ai yếu vía hay chưa sẵn sàng nhất quyết nói chung".

Ông Bình cũng bác bỏ tin nói rằng Nguyễn Tiến Trung là đầu mối giới thiệu các nhân vật ở Việt Nam cho đảng Dân chủ ở hải ngoại.

Ông nói việc các nhà hoạt động "tìm tới nhau là việc bình thường".

"Hơn nữa, việc giới thiệu người hay ai quan hệ với ai trong sinh hoạt dân chủ ôn hòa không phải là hành vi vi phạm pháp luật."

Ông Nguyễn Sĩ Bình cho hay đảng này đang tìm cách vận động cho những người vừa bị bắt.

"Vận động gây áp lực lên Nhà nước Việt Nam để họ sớm trả tự do cho các anh chị em dân chủ bị bắt là việc chúng tôi đang tập trung. Áp lực bao gồm từ nhiều phía, từ các chính phủ có quan hệ với Việt Nam đến các đoàn thể xã hội và người dân yêu chuộng tự do, dân chủ, bình đẳng cả trong và ngoài nước."

Cho tới nay, vẫn chưa có phản ứng gì từ các chính phủ nước ngoài về vụ bắt giữ hai ông Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim, ngoại trừ các phát biểu của một số dân biểu Hoa Kỳ như bà Loretta Sanchez và ông Joseph Cao bày tỏ bất bình và nói sẽ kêu gọi Quốc hội can thiệp.

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/07/090709_ai_lecongdinh.shtml)
 
Thông Báo
Cáo phó: Thân phụ của LM Nguyễn Văn Thạch vừa tạ thế
Hà Long
17:40 09/07/2009
TÒA GIÁM MỤC KONTUM XIN KÍNH BÁO


Ông cố: Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Cơ,
Sinh ngày: 20-08-1929
Thân Phụ của nữ tu: Gioanna Nguyễn Thị Bàng, Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm
Và Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Thạch, USA

Đã về nhà Cha lúc 10h10 ngày 04-07-2009 tại Mỹ
Hưởng thọ 80 tuổi

Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 10h00 ngày 11-07-2009 tại Mỹ.

Thánh lễ cầu cho linh hồn ông cố Phanxicô Xavier sẽ được cử hành tại:
Nhà Thờ Phương Quy, Giáo Phận Kontum
Vào lúc 5h00 ngày 11-07-2009.

Kính mời Quý Cha đến dâng Thánh Lễ cầu cho linh hồn Phanxicô Xavier.
Xin quý cha mang lễ phục tím.
 
Cáo phó: Linh mục Giuse Phạm Ngọc Hoan vừa qua đời tại Biên Hòa
Giáo Xứ Bắc Hải
18:22 09/07/2009

Cáo phó


Trong niềm tin vào Chúa Giesu Kito phục sinh
Chúng con xin kính báo

Cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan
Đã được Chúa gọi về lúc 2g 00, Thứ Năm ngày 09.7.2009
Tại Bệnh viện Thống Nhất Biên Hòa Đồng Nai
Hưởng thọ 69 tuổi.

Thánh lễ An táng được cử hành lúc 8g30 Thứ Hai 13.7.2009
Tại Thánh Đường giáo xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai
Cha cố sẽ được An nghỉ tại Đất Thánh Giáo Xứ Bắc Hải

Kính xin quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sỹ, quý cộng đoàn,
quý thân bằng quyến thuộc cầu nguyện
cho Linh Hồn Cha Cố Giuse sớm hưởng Tôn Nhan Chúa.
Kính báo


CHƯƠNG TRÌNH LỄ AN TÁNG

1/ THỨ NĂM 09.7.2009
• 16g00: Nghi thức tẩn liệm
2/ THỨ SÁU 10.7.2009
• 5g00: Di quan Linh cữu Cha cố ra nhà Nguyện Huynh đoàn Đaminh Bắc Hải
• 6g – 21g: Các giáo xứ đoàn thể Dâng Lễ và Kính viếng
3/ THỨ BẨY 11.7.2009
• 6g – 21g: Các giáo xứ đoàn thể Dâng Lễ và Kính viếng
4/ CHÚA NHẬT 12.7.2009
• 9g00: Di quan Linh cữu Cha cố lên Thánh Đường Bắc Hải Qúy Cha Hạt Hố Nai dâng Thánh Lễ Đồng tế
• 11g – 21g: Các giáo xứ đoàn thể Dâng Lễ và Kính viếng
5/ THỨ HAI 13.7.2009
• 8g30: Thánh Lễ An Táng

TÓM TẮT TIỂU SỬ CHA CỐ GIUSE:
• 1940: Sinh tại Kẻ Sặt, Hải Dương
• 1954 – 1963: Tiểu Chủng Viện Chân Phúc Liêm Mỹ Tho, và Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolo Phú Nhuận
• 1963 – 1970: Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn
• 01.8.1971: Thụ Phong Linh Mục
• 1971 – 1972: Giáo Sư Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc
• 1972 – 1974: Phó Xứ Phúc Nhạc
• 1974 – 1975: Phó Xứ Kim Bích
• 1975 – 2005: Chánh Xứ Bắc Hải
• 1988 – 2001: Quản Hạt Hố Nai
• 2005: Nghỉ hưu tại Giáo Xứ Bắc Hải.
 
Văn Hóa
Thành tâm
Lm Vũđình Tường
14:34 09/07/2009
Bài viết phỏng theo câu nguyện một người bạn kể cho nghe. Chi tiết xác thực với những gì nghe được và nhớ được nhưng tên tuổi thay đổi khác đi để tránh bị phát hiện.

Bob học kĩ khoá tiếng Việt trước khi sang Việt Nam. Chàng nghe và hiểu được bản tin trên đài phát thanh nên tự tin tiếng Việt của mình đủ để giao dịch với mọi người. Đến nơi chàng té ngửa thì ra người đọc tin trên đài phát thanh là giọng được chọn lựa, tiếng vừa thanh vừa rõ, lại đọc chậm rãi cho thính giả.

Thẹn thùng

Thực tế khác với học đường. Chàng cố gắng nghe đi nghe lại vẫn không nắm bắt được điều dân địa phương phát âm. Dân Núi Đất có giọng nói miền núi, khác với giọng người đọc trong băng cassette và người đọc đài phát thanh. Ngày mới tới chàng không dám cười ra mặt nhưng cười trong bụng giọng người thông dịch viên vì cách phát âm Anh ngữ nửa Việt nửa Anh. Một tháng sau Bob lại phục người thông dịch viên vì ít ra người ta còn nghe và tạm hiểu những gì anh nói. Trái lại Bob rất khổ tâm vì cái ngôn ngữ què của mình. Trước đây tự hào bao nhiêu bây giờ tự hạ bấy nhiêu. Chàng không hiểu người ta nói và chàng nói người ta cũng hiểu lõm bõm.

Chính niềm tự hào, kiêu hãnh dồn chàng vào ngõ bí. Ngày mới đến người ta gởi cho Bob người thông dịch viên chàng từ chối bảo đảm với cấp trên là tiếng Việt của chàng đủ để xoay sở. Ứng nghiệm điều chàng nghĩ, mỗi chữ mỗi câu chàng đều phải xoay sở đủ kiểu, đủ cách để hiểu xem họ nói gì và hình như người nghe chàng cũng xoay sở không kém. Cuối cùng đành phải vuốt mặt thú thật với cấp trên chàng cần thông dịch viên.

Người làm thông dịch cho chàng là vợ một sĩ quan trong quân đội. Chàng yên tâm nhiều, không sợ bị gài bẫy vì chồng chị cùng chung chiến tuyến. Bob rất hài lòng không những về việc làm của người thông dịch mà còn cả tư cách của người phụ nữ đó. Việc làm cẩn thận, kín đáo, gọn gàng, mạch lạc, chính xác cộng thêm tính tình ôn hoà gây cho Bob một tình cảm quí mến sâu đậm.

Ngày trở về

Ngày ra đi đã gần Bob tặng chị những gì chàng không muốn mang về nhưng chị từ chối ngoại trừ con kangaroo nhồi bông vì cháu nhỏ ở nhà yêu quí nó. Điều này khiến chàng tự hỏi bao nhiêu người nhờ lính Úc mua dùm thứ này, thứ nọ và sẵn sàng nhận những gì họ bỏ lại không mang về, nhưng người phụ nữ này lại từ chối khiến chàng không hiểu được.

Ngày hồi hương đến chàng ra đi lòng mong nhớ và kính trọng người cộng tác viên chân thành. Chàng lấy địa chỉ và hứa với lòng khi về sẽ viết thư liên lạc tiếp tục tình bạn xưa. Thư đi thì có, thư hồi âm thì không. Chẳng bao lâu sau chiến tranh chấm dứt, miền nam rơi vào tay bắc quân. Bob không hy vọng có ngày gặp lại người phụ nữ chàng mong kết thân kia.

Hai cái đau

Hai cái đau trùng hợp gặm nhấm tâm hồn các người lính xa nhà. Sợ chiến tranh, đau khổ, cô đơn vì xa gia đình nhưng bù lại nơi đó có người cộng tác viên đắc lực, tốt bụng, chân thành, tận tuỵ và luôn sống trong hy vọng. Quê hương Bob không có những thứ đó. Trái lại về quê chàng không được đón nhận mà còn đọc các bài báo nói toàn điều khích bác. Bob trở nên bực với chính dân của mình, chính quyền mình và bực với lòng thành tâm, hy sinh của mình. Không phải chỉ mình Bob cảm nhận điều này mà hội cựu chiến binh của chàng cũng nhiều người cảm như chàng. Những lần gặp nhau họ lại nhắc chuyện xưa, thành tích cũ để tự an ủi nhau, tự khích lệ và giúp nhau tái hội nhập vào một xã hội thay đổi lối suy nhanh như trong trận mạc. Người nhắc chiến thắng trận này, kẻ kia khen cộng tác viên nọ. Người khen đơn vị lính Cộng Hoà đó anh dũng, kẻ nhắc lại tinh thần dũng cảm của đoàn quân. Không có kinh nghiệm trận mạc Bob hay nhắc đến người thông dịch viên trung thành, tận tuỵ và liêm chính. Ngờ đâu những đồng đội khác hiểu lầm lâu lâu lại nhắc lại con người đáng mến mà họ chưa gặp mặt. Những lần như thế Bob chỉ cười nói

‘May mà nàng không có mặt ở đây nếu không thì vợ tao sẽ làm lớn chuyện vì tụi mày khiêu khích tính ghen của nàng’.

Thất vọng lớn

Càng ngày Bob càng thấy hận những người điều khiển chiến tranh. Họ cố tình bóp méo sự thật cho mục đích riêng tư. Bob có cảm tưởng xương máu, số mạng, đau khổ, thương tích, tật nguyền và tất cả các hy sinh của chàng và các người chiến sĩ Cộng Hoà bị lợi dụng. Không hy vọng gì thắng trận chiến này vì người cầm cân, nảy mực không muốn thắng, không thực tâm thắng.

Sau ngày miền Nam lọt vào tay bắc quân. Trại tù lao động khổ sai ngụy danh là trại học tập mọc nên khắp nơi, chồng nàng là sĩ quan cũng nằm trong số những người không may mắn đó. Người ta rình rập, tìm kiếm mò bới hết cách để bắt nàng vào tù. Họ nghi nàng làm công việc bí mật gì đó cho chế độ cũ nhưng không có chứng cớ gì để buộc tội. Gia đình nàng nghèo, chồng là sĩ quan mà gia đình vẫn nghèo. Nàng và các con luôn sống thuận hoà với mọi người trong xóm ngõ.

Sau chiến tranh hai ba người trong xóm tự đứng lên vỗ ngực xưng là nằm vùng. Tố người này, cáo người nọ, gởi người kia vào tù, ra lệnh đuổi nhà người nọ. Gia đình chị bị rình rập ngày đêm mà vẫn chưa có động tĩnh. Chị chuẩn bị nếu bị bắt thì gởi hai con cho nội nuôi. Đêm đến hình ảnh ma rình rập hiện về, sáng ngày nó biến mất. Cứ thế ngày này qua tháng nọ. Họ vẫn chưa bắt chị và gia đình vẫn sống trong phập phồng lo sợ. Người này tới làm quen dò hỏi, người kia tới gạ gẫm đi vượt biên. Chị một mực từ chối, quyết sống bình thường như mọi người. Đói ăn đói, khổ chung như bao người. Thỉnh thoảng chị cũng xin phép đi thăm chồng và quà mang đến cho chồng cũng đơn giản như bao gia đình nghèo khác. Sau tháng năm theo dõi họ tạm làm ngơ cho mẹ con chị sống yên thân.

Quả phụ

Hung tin đến chồng chị bị chuyển trại vào rừng sâu, xa nhà hơn và chưa có phép thăm nom. Tin cuối cùng nhận được chàng chết rũ tù, thân xác vùi đâu đó trong rừng sâu. Bốn mẹ con ôm nhau khóc ròng, khóc ngày chán, khóc đêm. Thời gian chữa lành mọi vết thương. Chị tự nhủ phải đứng vững nuôi con. Buôn thúng, bán bưng kiếm sống qua ngày. Ngày ngày con chị chứng kiến cảnh mẹ sáng dậy sớm buôn bán, tần tảo nuôi con. Tối về chưa được ngủ ngay, sau khi lo xong việc nhà. Lo cho con ăn uống. Chị còn phải chuẩn bị cho việc buôn bán ngày mai. Trong cái rủi có cái may. Con chị chứng kiến cảnh oan khiên, khổ sở của mẹ lo cho con nên chúng ngoan, hiểu và cảm thông nỗi cực khổ của mẹ. Chúng giúp chị và siêng học. Đôi lần thấy chúng học những bài lịch sử nghe chói tai, tuyên truyền lệch lạc, sai sự thật, chị định lên tiếng nhưng lại thôi. Chị an ủi bây giờ giải thích chỉ làm chúng hoang mang. Khi nào chúng khôn lớn hơn lúc đó mình sẽ giải thích cặn kẽ cho chúng hiểu đúng về chiến tranh, về cuộc chiến đấu anh dũng của cha nó. Chị soạn sẵn trong đầu những bài giải thích cho con rành mạch về cuộc sống gia đình. Đêm đêm chị ôn tập hầu như thuộc những bài đó trong lòng, chờ cơ hội thuận tiện sẽ giúp con hiểu đúng về cuộc sống.

Ngày trở về

Ngày kia Bob cùng các bạn trở lại Núi Đất. Toàn cảnh đã đổi thay. Hình ảnh sống trong đầu chàng nay không còn trên thực tế. Nơi trước đây chàng làm việc biến mất nhường chỗ cho nương rau, mái nhà mới. Sau nghi lễ tưởng niệm chiến hữu chàng thảnh thơi thăm chỗ này, viếng chỗ nọ. Một vài người đề nghị đi tìm chỗ trước đây họ bị phục kích và nơi họ từng phục kích. Một trong những nơi đó là làng của người thông dịch. Nhớ được tên của chị và tên chồng chị nên gặp ai chàng cũng hỏi có ai biết người đó không. Hỏi ra địa chỉ chị đi làm không có ở nhà. Chàng xin số điện thoại và ngay tối đó gọi lại hỏi xem có đúng người chàng muốn tìm không. Người nhận điện thoại ở đầu kia chối bai bải không hề quen ai là người nước ngoài. Hơi ngã lòng Bob thử lại lần thứ hai, lần này chàng nói chuyện lâu hơn, mở màn bằng tiếng Việt sau đó chêm thêm tiếng Anh. Người kia nghe hiểu. Chàng nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, người kia vẫn hiểu, vẫn trả lời gọn gàng, mạch lạc, tuy giọng nói có ngượng ngạo hơn. Bob tin chắc người đang nói chuyện kia là người mà chàng đi tìm nhưng sao người đó vẫn chối không chịu nhận. Đến lần thứ ba người đó vẫn chối không chịu nhận. Vừa tức vừa tò mò vì người đàn bà kì quái này. Chàng gọi lần cuối trước khi ra phi trường trở lại Úc. Người phụ nữ đồng ý gặp chàng nơi quán càfe do nàng chỉ định. Tại quán cafê đông người, chị phụ nữ xác nhận chính nàng từng là thông dịch viên cho Bob. Nàng giải thích vì nơi làng ở người ta dòm ngó và nàng sợ bị trả thù, bị qui tội vì họ chưa tha cho gia đình nàng. Nàng thoát vào tù vì trước đây không hề cho ai biết nàng là thông dịch viên, và cũng không ai biết trước đây nàng cộng tác với quân đội hoàng gia Úc. Nghe xong câu chuyện Bob vỡ lẽ, hiểu, thông cảm và càng kính trọng người thông dịch viên cũ. Hai người từ giã và Bob hứa nếu có cơ hội trở lại Việtnam sẽ đi thăm nàng. Lên máy bay Bob mang trong hành lí của mình là hình ảnh người thông dịch khả kính, đáng mến, đáng tôn trọng.

Ba năm sau Bob trở lại với mục đích duy nhất là kiếm nàng. Khi biết rõ chồng nàng chết trong tù, một mình nuôi ba con ăn học và làm việc vất vả lại sống trong nghi ngờ của chế độ. Bob ngỏ ý bảo lãnh nàng sang Úc định cư. Hỏi quá đột ngột nàng không biết nói nhận hay chối, cứ khất lần, khất lượt cho đến cả tháng sau nàng mới quyết định. Cả xóm làng đồn rùm beng nàng đi tư tình với lão già người Úc sau lần gặp nhau ở quán càfê trên phố. Bực bội vì tin đồn nhưng đồn thế cũng đỡ nguy hiểm hơn là họ rõ sự thật của ba chục năm trước đây.

Di dân

Được nàng đồng ý Bob trở lại Úc lo thủ tục bảo lãnh. Sự việc không đơn giản. Chàng không có lí do chính đáng bảo lãnh nàng. Lí do cộng tác viên cũ không còn hiệu lực vì nàng hiện nay không bị chế độ trả thù. Nhờ hội cựu chiến binh và các đồng nghiệp nâng đỡ. Kẻ chung tiền, người cho mượn vốn, kẻ đứng làm giấy bảo trợ đơn xin của chàng vẫn bị từ chối. Cuối cùng Bob bảo lãnh nàng theo diện vợ chồng vì trước đó mấy năm bà Bob qua đời. Bob hiện sống với mẹ già. Chàng bảo lãnh nàng và cháu nhỏ nhất còn độc thân. Hai cháu kia có gia đình phải bảo lãnh riêng. Sau hai ba năm cố gắng toàn gia đình nàng đi định cư.

Bob sống chung với mẹ già. Những ngày đầu mẹ Bob còn giữ kẽ, ai làm công việc người đó, không ai giúp ai. Dần dần cách biệt xích lại gần hơn và bà cụ già cũng yếu hơn, chậm hơn đành chấp nhận sự giúp đỡ của cô gái xa lạ. Tình cảm mỗi ngày mỗi thắm thiết vì nàng hiểu và cảm thông cho người già lại cũng là cách giúp trả ơn Bob bảo lãnh con và cháu nàng đến nơi định cư an toàn.

Trong nhà treo nhiều hình ảnh trong chiến tranh và một tấm hình của nàng khá lớn ngồi trước máy đánh chữ. Mẹ Bob cho biết mỗi lần nhìn hình bà điên tiết lên vì hình ảnh chiến tranh gợi lại cảnh đau thương. Bạn con của bà, đứa thất học, đứa tử thương, đứa mang thương tích đầy mình. Chính vì điểm này mà hình chiến tranh trở thành kẻ thù trong lòng bà. Dẫu thế bà thương con không dám tháo gỡ, cất chúng đi vì đối với Bob những hình ảnh chết chóc, đau khổ kia là lẽ sống của Bob. Bà thương con, quan tâm đến con nên đành ráng nhịn để những hình kia trong phòng.

Sau này bà thú nhận, xin lỗi nàng. Từ khi biết nàng bà đổi hẳn lối suy nghĩ. Trước đây bà ghét chiến tranh, ghét cả con người trong cuộc chiến. Ngày nay trái lại, bà quí mến, kính phục và thương cho những người lính Việt Nam Cộng Hoà một thời bị hiểu lầm, bị bạc đãi. Bà cầu nguyện cho những chiến hữu chết trong cuộc chiến, đặc biệt những người bỏ xác trong trại tập trung lao động khổ sai.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Hermesianism – Holy Grail
Nguyễn Trọng Đa
00:54 09/07/2009
Hermesianism
Thuyết Hermes, phái ngộ đạo bí truyền. Là các sai lầm tín lý của Georg Hermes (1775-1831) đã bị Công đồng chung Vatican I lên án. Hermes người theo chủ nghĩa duy lý, với lập trường bị lên án trong ba định nghĩa của công đồng như sau: 1. “Nếu ai nói rằng sự đón nhận đức tin là không tự do, nhưng chủ yếu là do lý luận của lý trí con người; hoặc nói rằng ơn Chúa là không cần thiết cho đức tin sống động, vì đức tin họat động qua đức ái, thì người ấy bị vạ tuyệt thông”; 2. “Nếu ai nói rằng vị trí của các tín hữu và của người chưa đạt đến đức tin chân thật là như nhau, nên người Công giáo có lý do đủ để ngưng đón nhận đức tin và hòai nghi đức tin mà họ đã đón nhận dưới huấn quyền của Giáo hội, cho đến khi họ hòan tất một chứng minh khoa học về sự khả tín và chân lý đức tin, thì người ấy bị vạ tuyệt thông”; 3. “Nếu ai phủ nhận rằng thế giới được tạo thành vì vinh quang Chúa, thì người ấy bị vạ tuyệt thông” (Denzinger, 3039, 3040, 3025).
Hermit
Người sống ẩn dật, thầy ẩn tu. Là một người sống một mình, chăm lo việc cầu nguyện và suy ngắm. Cuộc sống ẩn tu đã có từ thời kỳ bách hại đầu tiên của Giáo hội, nhưng các thầy ẩn tu đã được biết đến trong thời Cựu Ước, chẳng hạn ngôn sứ Elijah và ở thời sau là thánh Gioan Tẩy Giả. Lúc ban đầu số đông thầy ẩn tu là ở Ai Cập và Tiểu Á, sau đó cuộc sống ẩn tu sớm lan ra tới Tây phương, nơi nhiều tu viện xuất hiện vốn kết hợp đời sống ẩn tu và đời sống đan sĩ, và các thầy ẩn tu biệt lập được khuyến khích thành lập cộng đòan. (Từ nguyên Latinh eremita, từ chữ Hi Lạp er_mit_s, người sống trong sa mạc.)
Hermitage
Ẩn viện. Là nơi ở của một thầy ẩn tu, cho phép thầy hòan tòan được sống riêng tư để cầu nguyện, và trong trường hợp thầy là linh mục, được cử hành Thánh lễ. Trong một số trường hợp, các ẩn viện qui tụ chung quanh một nhà thờ trung tâm, hay một tu viện trung tâm, nơi các ẩn sĩ gặp nhau theo định kỳ, để cử hành việc phụng vụ và sinh họat cộng đòan. Thánh Phanxicô Átxidi đã viết một Luật sống trong ẩn viện. Trong đoạn mở đầu, ngài viết: “Những anh em nào muốn sống đời tu hành trong các ẩn viện, thì hãy ở với nhau thành nhóm ba hay bốn người là nhiều nhất. Trong số đó, hai người sẽ làm mẹ và có hai hay ít nhất một người làm con. Hai người mẹ hãy sống như chị Mátta; hai người con hãy sống như chị Maria (x. Lc 10:38-42).”
Herod
Herod, Triều đại Hê-rô-đê. Là một triều đạo cai trị Palestine và vùng chung quanh từ khỏang năm 55 trước Công nguyên đến năm 93 của thế kỷ thứ nhất. Không vị vua Herod nào là người Do Thái khi ra đời. Vị vua đầu tiên là Antipater, tiểu vương của Idumaea, ông đến từ thành phố Ashkelon của người Philistine. Con trai ông là Herod Cả đã được đế quốc Roma bổ nhiệm cai trị Palestine dưới thời Julius Caesar, và các người kế vị ông tiếp tục cai trị trong gần 150 năm. Herod Cả là người chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát các thánh Anh hài. (Từ nguyên Hi Lạp h_r_d_s, sinh ra từ một anh hùng.)
Herod Antipas
Herod Antipas, Tiểu vương Hê-rô-đê Antipas. Là con trai của Herod Cả. Ông là Tiểu vương Galilee (Ga-li-lê) từ năm 4 trước Công nguyên đến năm 39. Bởi vì thời kỳ cai trị của ông gần như là song song với cuộc đời Chúa Giêsu, ông thường được nhắc đến trong Tân Ước nhiều lần hơn so với các Herod khác. Do các phương pháp xảo quyệt của ông, Chúa Giêsu nói đến ông như là một “con cáo” (Lc 13:32). Ông phạm luật khi cưới cháu gái là Herodias (Hê-rô-đi-a), vì trước đó bà này đã kết hôn với anh trai của ông (việc chặt đầu Gioan Tẩy Giả là hậu quả của việc Gioan tố cáo cuộc hôn nhân tội lỗi này.) Sự hiếu kỳ của Herod Antipas được gây nên bởi các lời kể mà ông nghe được về sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (Mt 14:1-12; Lc 9:9). Tổng trấn Pontius Pilate (Phon-xi-ô Phi-la-tô) đề nghị đưa Chúa Giêsu đến với Herod, người đã mong có cuộc gặp từ trước với Chúa. Nhưng Chúa Giêsu từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào của ông. Herod tức giận sai trả Chúa Giêsu về lại với Pilate để Chúa bị kết án. Năm 39, Herod Antipas bị đày đi xứ Gaul (Lc 23:7-11).
Herodians
Người thuộc phe Herod, người thuộc phe Hê-rô-đê. Là một tổ chức của người Do Thái, ủng hộ triều đại Herod và trung thành với đế quốc Roma. Họ tham gia âm mưu gài bẫy Chúa Giêsu để xem Chúa có bất trung khả dĩ với hòang đế Caesar (Xê-da) hay không (Mt 22:16-22). Thánh Marcô cáo buộc họ còn âm mưu với nhóm Biệt phái để tiêu diệt Chúa nữa (Mc 3:6). Đây là một tổ chức chính trị hơn là tôn giáo.
Herodias
Herodias, bà Hê-rô-đi-a. Là con gái của ông Aristobulus, và là em gái của Herod (Hê-rô-đê) Agrippa. Cô kết hôn với chú Philip (Phi-líp-phê), nhưng rồi bỏ ông để kết hôn với một chú khác là Herod Antipas. Gioan Tẩy Giả tố cáo cuộc hôn nhân này, và bà Herodias quyết tâm trả thù. Khi con gái bà là nàng Salome (Sa-lô-mê) trình bày điệu vũ làm vui lòng vua Herod Antipas, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô xin cái đầu của Gioan Tẩy giả (Mt 14:3-11). Vua buồn rầu chấp nhận lời xin. (Mc 6:17-29). Ít năm sau đó Herodias tháp tùng với Herod Antipas khi ông bị lưu đày.
Herod Philip
Herod Philip, Hê-rô-đê Phi-lip-phê. Là em cùng cha khác mẹ của Herod Antipas, là con trai của Herod Cả. Ông kết hôn với Salome (Sa-lô-mê), con gái của bà Herodias (Hê-rô-đi-a). Từ năm 4 trước Công nguyên đến năm 34, ông làm tiểu vương vùng Ituraea và Trachonitis. Có lẽ công trình đáng lưu ý nhất của ông là tái thiết các thành Caesarea Philippi (Xê-da-rê Phi-líp-phê) và Bethsaida (Bết-xai-đa).
Heroic Act
Nghĩa cử anh hùng, hành động anh hùng. Là hành vi bác ái mà một nguời làm dâng lên Chúa, vì lợi ích các linh hồn ở luyện ngục, mọi việc đền tội mà người ấy sẽ làm suốt đời mình, và mọi kinh cầu cho người chết sẽ có trong đời hoặc sau khi mình qua đời nữa. Đây không phải là lời khấn, mà là khỏan dâng hiến vốn có thể thu hồi tùy ý. Sự anh hùng nằm trong sự sẵn sàng chịu đựng đau khổ ở đời này và trong luyện ngục để làm giảm hình phạt luyện ngục cho người khác. Giáo hội đã hơn một lần chuẩn thuận nghĩa cử bác ái anh hùng này.
Heroic Virtue
Nhân đức anh hùng. Là sự thực thi các hành động nhân đức phi thường với sự sẵn sàng và trong một thời gian dài. Các nhân đức luân lý được thực hiện với sự thỏai mái, trong khi các nhân đức tin cậy mến được thực thi với một mức độ xuất sắc. Sự hiện diện của các nhân đức này được Giáo hội yêu cầu như là bước thứ nhất tiến tới việc phong thánh. Người thực thi nhân đức anh hùng được tuyên bố là Chân Phước, và được gọi là “Tôi tớ Chúa” hay “Người tôi tớ Thiên Chúa.”
Herrenmoral
Đạo đức chủ. Nghĩa đen là đạo đức của người chủ (Herren). Là một khái niệm của thái độ ứng xử tàn nhẫn liên quan đến thuyết đạo đức của Friedrich Nietzsche (1844-1900), triết gia Đức và tác giả cuốn “Der Antichrist” (Phản Kitô). Các ý tưởng như là ý chí quyền lực, siêu nhân, chủng tộc chủ, và sự ưu thắng của người ý chí mạnh mẽ không quan tâm đến các nguyên tắc Kitô giáo đã thấm sâu vào xã hội Tây phương.
Hesychasm
Thuyết tĩnh tọa, kỷ thuật tĩnh tọa, linh đạo tĩnh tọa. Là một hệ thống của khoa thần nghiệm, lúc ban đầu được bảo vệ bởi các tu sĩ Chính thống giáo trên Núi Athos trong thế kỷ 14. Thuyết cho rằng qua biện pháp khổ chế và sự thực thi một số lời nguyện xin, người ta có thể nhìn thấy ánh sáng vô tạo của Chúa ngay ở đời này. Đượm sắc màu của tân học thuyết Plato, và có vay mượn từ thuyết phiếm thần, thuyết tĩnh tọa bị phản đối bởi một số tín hữu Chính thống giáo, khi những người này tìm hiệp nhất với Roma và ủng hộ lối tiếp cận Chúa một cách phản tĩnh hơn. Những người Tĩnh tọa thời nay nói rằng hình thức khoa thần nghiệm của họ là một tín điều của Giáo hội Chính thống.
Heteronomy
Tha luật, quyền dị trị. Là một thuyết luân lý nói rằng con người lệ thuộc vào các luật vốn không do mình tạo ra, nhưng do người khác tạo ra, và cuối cùng là do Chúa tạo ra. Trái nghĩa của nó là autonomy (tự chủ). (Từ nguyên Hi Lạp hetero, khác + nomos, luật.)
Hexameron
Lục nhật trình thuật, trình thuật sáng tạo sáu ngày. Là sáu ngày tạo dựng trong Kinh thánh, được mô tả bởi tác giả thánh, để tuyên bố sự kiện chính yếu của đức tin là toàn thể thế giới được Chúa tạo thành, và để gợi ý hai hệ luận của đức tin cho các tín hữu. Đó là họ cần bắt chước Chúa để làm việc sáu ngày và nghỉ một ngày, và họ cần phải lao động bây giờ, trong sự cộng tác với Chúa, để điểm tô cho thế giới, bởi vì Chúa đã dựng nên thế gian, và muốn chúng ta phát triển những gì Chúa đã sáng tạo. (Từ nguyên Hi Lạp hexameron, công việc sáu ngày; trong sáu ngày.)
Hexapla
Sách sáu cột. Là sưu tập phê bình Cựu ước do Origen trình bày bằng tiếng Do Thái cổ và tiếng Hi Lạp vào cuối thế kỷ thứ hai. Bộ Kinh thánh sáu cột trong 50 cuốn được sắp xếp thành sáu cột song song, gồm bản văn Do thái cổ bằng chữ Do Thái cổ và chữ Hi Lạp, Bản Bảy Mươi, và ba bản khác bằng tiếng Hi lạp. Origen muốn chứng tỏ có mối quan hệ giữa Bản Bảy Mươi và các bản tiếng Do Thái cổ và tiếng Hi lạp. Cột trình bày Bản Bảy Mươi là cột duy nhất còn tồn tại. (Từ nguyên Hi Lạp hexapla, nếp gấp sáu.)
Hexateuch
Lục thư Thánh kinh, lục kinh bộ, bộ sáu quyển. Là sáu cuốn đầu tiên của Kinh thánh, từ sách Sáng thế (St) đến sách Gio-duê (Joshua, Gd), được gọi là Lục thư vì chúng tạo nên một tổng thể văn chương. (Từ nguyên Hi Lạp hex, sáu + teuchos, sách.)
H.H.
H.H., His Holiness - Đức thánh, Đức Giáo hòang, Đức Thượng phụ (tiếng tôn xưng)
Hierarchy
Hàng giáo phẩm, phẩm trật. Là những người kế vị các thánh Tông đồ dưới quyền của Đức giáo hoàng như là Đấng kế vị thánh Phêrô. Có ba quyền trong hàng giáo phẩm Công giáo: gíao huấn, mục vụ và tư tế. Ba quyền này phù hợp với sứ vụ ba cách của Chúa Kitô trong công việc cứu độ trần gian; sứ vụ ngôn sứ hay là thầy dạy, sứ vụ mục vụ hay là vương đế của người cai trị, và sứ vụ tư tế để thánh hóa các tín hữu. Chúa Kitô chuyển sứ vụ này, với quyền tương ứng, cho các Tông đồ và các người kế vị các ngài. Một người đi vào hàng giáo phẩm bằng việc tấn phong Giám mục khi người ấy nhận lãnh chức linh mục vẹn toàn. Nhưng vị này tùy thuộc vào sự hiệp nhất Giám mục đoàn, cùng với Giám mục Roma và hàng giáo phẩm Công giáo, để có thể thực sự thi hành hai quyền khác, đó là giảng dạy chân lý của Chúa, và cai trị cách hợp pháp các tín hữu dưới quyền tài phán của mình. (Từ nguyên Latinh hierarchia, quyền bính thánh, từ chữ Hi Lạp hierarchia, quyền của một hierarch_s, người quản lý nghi lễ thánh.)
Hierarchy Of Being
Bậc thang hữu thể. Là khái niệm kinh viện của một trật tự đi lên của các hữu thể trong vũ trụ, bao gồm vật chất bất động, thảo mộc, động vật và con người có lý trí; cao hơn các loài này là các hữu thể vô hình và các thiên thần; và trên hết là Chúa, với yếu tính là siêu phàm vô biên hơn bất cứ thụ tạo nào. Mỗi cấp trong bậc thang này là hòan hảo trong yếu tính của nó, và không có việc chuyển từ cấp này sang cấp khác, trong khi mỗi cấp thấp hơn lệ thuộc vào các hữu thể ở cấp cao kế tiếp; và tất cả các cấp đều hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa.
Hieromonk
Đan sĩ linh mục. Là một đan sĩ trong các Giáo hội Kitô Đông phương, trong đó có các Giáo hội hiệp nhất với Roma, được truyền chức Linh mục.
Hieronymites
Tu sĩ Dòng thánh Hiêrônimô. Cũng gọi là tu sĩ Jeronymite hoặc Hierohymitae. Đây là các nhóm ẩn tu tuân theo lối sống tu trì của thánh Jerome (Hiêrônimô, 342-420), là người đã qui tụ một cộng đoàn các tu sĩ nam nữ chung quanh ngài ở Bethlehem (Bê-lem). Sau đó họ tuân theo luật sống của thánh Âu Tinh. Dòng nữ tu Hieronymite được thành lập tại Tây Ban Nha năm 1426. Trong thế kỷ 16, Dòng này là một trong các tổ chức, mà qua đó Phong trào Cải cách Công giáo diễn tả ý nghĩa của mình.
Hierurgia
Tác vụ thánh, tác vụ thánh chức. Là một họat động phụng vụ thánh, nhất là Thánh lễ, trong nghi lễ Byzantine của Giáo hội Công giáo.
Higher Religions
Các tôn giáo bậc cao. Là các tôn giáo sống động của loài người, đã được hệ thống hóa thành các tín lý, nghi lễ và bộ luật luân lý. Các tôn giáo này được phân biệt với các tôn giáo thời sơ thủy hoặc tôn giáo bộ tộc, vốn không có tín lý hoặc lời tuyên xưng niềm tin.
High Mass
Lễ hát. Tiếng Latinh gọi là Missa Cantata, là từ ngữ thông thường để chỉ một Thánh lễ được linh mục hát, và không có phó tế (thầy sáu) hoặc phụ phó tế (thầy năm) tham dự.
Hindering Impediment
Ngăn trở cản hôn. Còn gọi là ngăn trở tiêu hôn, là một điều kiện làm cho hôn nhân trở thành bất hợp pháp, không có phép chuẩn và không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của nó. Lời khấn đơn tu sĩ, ngăn trở khác đạo, và một số liên hệ pháp lý được xem là ngăn trở cản hôn.
Hiram
Hiram, vua Khi-ram, triều đại Hiram. Triều đại các vua ở thành Tyre (Tia), một cảng gần thành phố Beirut hiện nay (I V 5:1). Vua nổi tiếng nhất của triều đại Hiram là một bạn thân của David (Đa-vít) và Solomon (Sa-lô-môn, II Sm 5:11). Vua cung cấp thợ mộc và thợ nề cho hai vị, và gửi gỗ bá hương và gỗ trắc ở các rừng Lebanon (Li-băng) cho hai vị trong thời gian xây dựng Đền thờ Jerusalem (I Sb 14:1). Chính nhờ sự cộng tác hữu hiệu của Hiram mà vua Solomon có thể hoàn tất chương trình xây dựng này (I V 5:1-18). Liên minh thương mại có thể thực hiện được nhờ kỹ thuật khéo léo của các thủy thủ thành Tyre trên tàu buôn của họ (I V 9:11).
His Holiness
Đức thánh, Đức Giáo hòang, Đức Thượng phụ (tiếng tôn xưng). Là danh tước của Giáo hoàng và Thượng phụ. Là một tước hiệu để tôn vinh và kính trọng trong Giáo hội Tây phương dành cho Đức Thánh Cha, Đức Giáo hoàng, do sứ vụ của ngài là quản lý công việc thánh. Đôi khi từ ngữ cũng dùng cho các thượng phụ ở Đông phương, chẳng hạn thượng phụ của Giáo hội bảo hoàng (Melkite) ở Antioch, hiệp nhất với Roma, khi ngài được gọi là “Đấng Thánh nhất trong phụng vụ”, và thượng phụ Chính thống ở Constantinople, được gọi là “His All-Holiness” (Đức Toàn thánh).)
Historical Determinism
Thuyết tất định lịch sử. Là một triết học lịch sử cho rằng mọi hành động con người đều được quyết định bởi các tiền lệ của chúng. Trong hòan cảnh như nhau, con người luôn xử lý cùng theo một cách. Do đó công việc của sử gia là chứng tỏ rằng chuyển động của các quốc gia là đều đặn, và giống như các chuyển động khác, chúng được quyết định bởi các tiền lệ của chúng. Khái niệm lịch sử này, với tư cách là một khoa học tất định, là khác với giáo lý Công giáo, vốn tin vào sự tự do của con người.
Historicism
Thuyết lịch sử, chủ nghĩa duy sử. Là thuyết cho rằng lịch sử thế tục của bất cứ sự gì là sự giải thích thích đáng cho ý nghĩa của nó; rằng giá trị của một phong trào hay một triết học chỉ được hiểu đúng nhờ tìm hiểu gốc gác của nó; và rằng một điều được hiểu rõ hoàn toàn nếu sự phát triển của nó được giải thích theo lịch sử. Các thí dụ đầu tiên của thuyết lịch sử hiện đại là các triết học lịch sử của Georg Hegel và Karl Marx.
Historicity
Lịch sử tính, sử tính. Áp dụng vào Tin Mừng, giá trị của Tin Mừng nằm ở chỗ trung thực kể lại các sự việc và biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô, với nguyên nhân và hậu quả được giải thích theo linh hứng của Chúa Thánh Thần.
History Of Dogma
Lịch sử các tín điều. Là sự trình bày có hệ thống lịch sử mặc khải của Chúa, bởi vì lịch sử này chấm dứt vào cuối thời các Tông đồ, cho đến ngày nay. Lịch sử này bao gồm sự xác định của Giáo hội về những gì đã được mặc khải trong Kinh thánh và Thánh truyền; lập định thức lời Chúa trong kinh Tin kính, định nghĩa, và từ ngữ tín lý; giải thích điều được mặc khải; phát triển việc hiểu ý nghĩa lời mặc khải; và bảo vệ chân lý mặc khải chống sự xâm nhập của lạc giáo.
H.O.
H.O., Ngày lễ buộc.
Holiness
Tính thánh thiêng, tính chất thánh thiện, sự thánh thiện. Trong Cựu Ước từ ngữ Do Thái cổ Kadosch (thánh) có nghĩa là tách rời khỏi thế tục hay sự đời, hoặc tận hiến phục vụ Chúa, như dân Do thái được gọi là thánh vì là dân của Chúa. Sự thánh thiện của Chúa xác định sự phân cách của dân này với mọi sự dữ. Trong các thụ tạo, dân này là thánh do mối tương quan với Chúa. Sự thánh thiện trong các thụ tạo là chủ quan, khách quan hoặc là cả hai. Nó là chủ quan yếu tính nhờ sự sở hữu ơn Chúa và thực thi nhân đức về mặt luân lý. Sự thánh thiện khách quan trong thụ tạo biểu thị sự thánh hiến đặc biệt của họ để phục vụ Chúa: các linh mục bởi lễ truyền chức, các tu sĩ bởi lời tuyên khấn; nơi thánh, đồ thánh, lễ phục bởi việc làm phép và mục đích thánh thiêng mà chúng được dành cho.
Holiness, Essential
Sự thánh thiện yếu tính. Còn gọi là sự thánh thiện bản tính, là sự sở hữu ơn thánh hóa. Nó hiện diện trong một người từ lúc người ấy được rửa tội, và làm cho người ấy trở nên giống như Chúa. Nhưng nó là độc lập với sự cư xử luân lý của người ấy. Nó là sự thiện nội tại của hữu thể, và là lý do cơ bản để cho Tân Ước nói về tín hữu như là các “thánh”. Họ là thánh thiện vì họ làm vui lòng Chúa.
Holiness, Moral
Sự thánh thiện luân lý. Còn gọi là sự thánh thiện đạo đức, là sự thực hành các nhân đức. Mặc dầu nó rất gần với sự thánh thiện yếu tính, nó không hề giống với sự thánh thiện này. Đây là sự thiện của một người được tỏ lộ trong hành động, khác với sự thiện của người ấy trong tình trạng bạn hữu với Chúa. Đôi khi Chúa cho phép một số người thánh thiện hơn về luân lý, so với chính việc bề ngoài của họ hay của người khác. Nhưng vì sự thánh thiện được chứng tỏ trong việc thực hiện nhân đức, nên nó là luân lý hay đạo đức. Lẽ tất nhiên sự thực hành nhân đức là cần thiết để ở lại trong ân sủng Chúa, nhưng hãy để cho người ta một mình lớn lên trong đường thánh thiện.
Holiness, Objective
Sự thánh thiện khách quan. Là sự tận hiến hay cung hiến để phục vụ Chúa, dù đó là người, chẳng hạn linh mục hay tu sĩ, hoặc là vật, chẳng hạn nhà thờ hay lễ phục; hoặc một cơ hội, chẳng hạn ngày lễ trọng.
Holiness, Subjective
Sự thánh thiện chủ quan. Là sự thánh thiện vốn có của một người, để phân biệt với vai trò của người ấy trong Giáo hội, như là một người được đặc biệt hiến thánh cho Chúa.
Holocaust
Lễ toàn thiêu. Là lễ vật được thiêu hoàn toàn bằng lửa nơi người Do Thái xưa và nơi nhiều tín hữu ngòai Kitô giá hiện nay. Trong truyền thống Do Thái, chỉ có các động vật mới được dâng làm lễ vật, vốn được xem là sự diễn tả trọn vẹn nhất của lòng kính mến Chúa. Lễ toàn thiêu có thể được luật qui định hoặc con người tự ý làm, để chu toàn một lời khấn riêng tư hay một hành vi sùng mộ. Trong Cựu Ước, lễ toàn thiêu là sự nhắc nhở sống động cho sự thống trị tuyệt đối của Chúa trên mọi thụ tạo. Đó là các biện pháp đền tội, và chúng tiên báo hy tế vẹn toàn của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá. (Từ nguyên Hi Lạp holokaustos, tòan thiêu.)
Holofernes
Holofernes, tướng Hô-lô-phéc-nê. Là vị tướng chỉ huy quân đội hùng mạnh Assyrian (Át-sua) của Vua Nebuchadnezzar (Na-bu-cô-đô-nô-xo), người định đoạt số mệnh của quân đội Do Thái ở Bethulia. Quân đội Do Thái là yếu về bộ chỉ huy và việc huấn luyện, và nguồn cung cấp nước đang bị cạn kiệt. Trong tình hình tuyệt vọng ấy, bà Judith (Giu-đi-tha) xuất hiện. Bà là một phụ nữ Do thái xinh đẹp và đạo đức, tin tưởng vào Chúa hơn là vào sức mạnh của vũ khí. Bà mở cuộc chiến với tướng Holofernes, không bằng sức mạnh vũ khí nhưng bằng sắc đẹp và trí thông minh của mình. Tướng quân này mê say sắc đẹp của bà và mời bà đến nghỉ đêm với mình trong lều. Ngay trong cơ hội đầu tiên, bà cắt đầu ông và đem về trại binh Do Thái. Trong trận đánh sau đó, quân Assyrian tỏ ra hoảng hốt và thiếu người chỉ huy, đã bị tiêu diệt. (Gđt 1-16).
Holy Alliance
Liên minh Thánh. Là một tuyên bố, được ký lúc đầu vào năm 1815 giữa các nước Nga, Áo, và Phổ, và sau đó hầu như toàn bộ các nhà lãnh đạo châu Âu, ngọai trừ Hoàng thân nhiếp chính của Anh, Đức Giáo hoàng và Vua Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên tắc cơ bản của liên minh, kể từ đó, là quyền dân sự có thể được hướng dẫn, trong tương quan với “các chân lý siêu phàm mà Tôn Giáo Thánh của Chúa Cứu thế chúng ta đã dạy.” Được Sa hoàng Nga khởi xướng và chân thành nhắm tới việc củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc, liên minh không bao có hiệu quả như một công cụ ngoại giao. Tuy nhiên năm 1899, liên minh đã thúc đẩy sa hoàng Nga Nicholas II đã tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế lần thứ nhất tại The Hague (tức La Haye), Hà Lan.
Holy Childhood Association
Hiệp Hội Chúa Hài Đồng. Được thành lập năm 1843, đây là hội chính thức quốc tế của thiếu niên để trợ gíup công tác truyền giáo của Giáo hội. Hội trợ giúp các chương trình giáo dục truyền giáo, và dụng cụ học hành cho các trường tiểu học Công giáo và các lớp giáo lý. Hội thuộc quyền của Dòng Chúa Thánh Linh.
Holy Chrism
Dầu thánh. Là dầu ôliu trộn với một ít nhựa tô hợp hương. Đây là một trong ba dầu thánh, và là cần thiết cho bí tích Thêm sức. Nó cũng được dùng trong nghi thức Rửa tội long trọng; việc cung hiến nhà thờ và tấn phong Giám mục; làm phép các chuông nhà thờ lớn, nước Rửa tội, đĩa thánh và chén thánh. Việc xức dầu với dầu thánh có nghĩa là ban truyển đầy đủ ơn Chúa.
Holy Coat
Tấm áo chòang của Chúa, tấm áo dài của Chúa. Là chiếc áo choàng liền mảnh, không có đường khâu, của Chúa Kitô (Ga 19) mà các binh lính đã bắt thăm đế lấy trên đồi Calvary (Can-vê). Hai thành phố đã tuyên bố là giữ chiếc áo đích thực này. Thành phố Trier, nước Đức, cho rằng đây là thánh tích mà thánh nữ Helena (255-330) đã gửi đến, và được chứng minh bởi một tấm thẻ trong thế kỷ thứ sáu, và nhiều tài liệu của thế kỷ 12. Trong khi đó tấm áo tại Argenteuil, nước Pháp, được nhắc đến trong một tài liệu năm 1156 và ghi là “cappa pueri Jesu” (áo của Chúa Giêsu Hài đồng). Do hai truyền thống này, truyện kể rằng chiếc áo, do Đức Trinh Nữ dệt và được Chúa Giêsu mặc, đã lớn rộng dần ra cùng với thân thể Chúa lớn lên. Các người bênh vực thánh tích ở Argenteuil nói rằng tấm áo choàng ở Trier là không phải tấm áo liền mảnh được kể ra trong Tin Mừng, mà là một tấm áo khoác. Tuy nhiên cả hai thánh tích là đối tượng của các cuộc hành hương nổi tiếng của tín hữu.
Holy Cross Congregation
Dòng Thánh giá. Là một Dòng giáo sĩ, với lời khấn đơn, dấn thân trong công việc truyền giáo trong nước và nước ngòai, giảng tĩnh tâm, công tác giáo dục và mục vụ, dịch vụ xã hội, và việc tông đồ trong ngành xuất bản. Được linh mục Basile-Antoine Moreau thành lập tại Pháp năm 1837.
Holy Days Of Obligation
Ngày lễ buộc. Là các ngày lễ buộc, trong các ngày này tín hữu phải tham dự Thánh lễ và hết sức kiêng việc xác. Số và ngày lễ buộc thay đổi tùy theo từng quốc gia. Tại Mỹ có sáu ngày lễ buộc: lễ Đức Mẹ Mẹ Thiên Chúa ngày 1-1; lễ Chúa Lên Trời, 50 ngày sau lễ Phục sinh; lễ Đức Mẹ Lên Trời ngày 15-8; lễ Các Thánh ngày 1-11; lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 8-12; và lễ Chúa Giáng Sinh ngày 25-12. Vào các ngày lễ buộc này, cha xứ phải dâng lễ họ đặc biệt cho giáo dân của mình. Tại Việt Nam, các ngày lễ buộc đều đã đưa hết vào Chủ Nhật rồi, chỉ thêm ngày Lễ Chúa Giáng Sinh thôi.
Holy Doors
Cửa thánh. Là các cửa chính của các vương cung thánh đường ở Roma là Đền thờ thánh Phêrô, đền thờ Lateran, đền thờ thánh Phaolô Ngọai thành, Đền thờ Đức Bà Cả; các cửa này được đóng kín trừ ra trong các năm thánh. Đức Giáo hòang đích thân mở và đóng cửa đền thờ thánh Phêrô, gần Điện Vatican, trong khi các Hồng y đặc sứ sẽ mở và đóng cửa các đền thờ khác khi khai mạc và bế mạc năm thánh. Các lễ nghi này tượng trưng cho quyền của đền thờ, vốn có lịch sử từ thời ngọai đạo xa xưa, và thật sự chỉ được tuân giữ tại nơi có đền thờ Lateran hiện giờ.
Holy Face, Scapular
Áo Thánh Nhan, áo tôn nhan Chúa. Là áo nhỏ trắng có ảnh Thánh Nhan Chúa Kitô. Đây là huy hiệu của Liên phụng hội Thánh Nhan Chúa.
Holy Family, Devotion To The
Tôn sùng Thánh gia. Mặc dầu gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse là nổi bật trong Tin Mừng, việc tôn sùng Thánh Gia trên diện rộng chỉ bắt đầu từ thế kỷ 17. Nhiều liên phụng hội, trên phạm vi quốc tế, đã được thành lập để cổ vũ việc tôn sùng này. Trong số các Giáo hòang hiện đại, Đức Giáo hòang Piô IX năm 1847 và Leo XIII năm 1892 đã khuyến khích các tổ chức này và chính thức phê chuẩn họ. Một số tu hội cũng được thành lập, đặc biệt dấn thân làm việc tông đồ giúp đỡ các gia đình Kitô giáo sống mạnh và thịnh vượng, qua việc tôn sùng Thánh Gia của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse. Trong phụng vụ mới được duyệt lại, ngày Chủ nhật trong tuần Bát nhật lễ Giáng sinh là Lễ Thánh Gia, với Lễ đặc biệt riêng và Thần vụ riêng.
Holy Father
Đức Thánh Cha. Là một tước hiệu của Đức Giáo hòang, thường dùng với nghĩa như là Beatissimus Pater. Từ ngữ này diễn tả vai trò của Đức Giáo hòang như là người cha tinh thần của mọi tín hữu Kitô giáo.
Holy Grail
Chén thánh. Là Chén huyền thọai được cho là Chúa Kitô đã dùng trong bữa Tiệc Ly, và từ Chén này các Tông đồ đã lãnh nhận Máu Thánh. Việc truy tìm Chén thánh này là cơ sở cho nhiều câu truyện nổi tiếng. Một trong những truyện nổi tiếng nhất nói rằng ông Giuse Arimathaea (A-ri-ma-thê) đã đem Chén thánh qua nước Anh. Chén thánh cũng trở thành chủ đề cho nhiều thơ văn đời vua Arthur.