ÐỐI THOẠI TÔN GIÁO

Buổi nói chuyện của sœur MAI THÀNH[1]

tại Paris, ngày 14/10/2006

Tôi ham mê lời Chúa Kitô

Chương trình được dự liệu khai mạc vào 16 giờ. Tôi đến sớm trước 15 phút, tưởng như mình là người đầu tiên. Vừa vào đến phòng, khoảng 8, chín người đã có mặt. Môt bà pháp ra đón tôi « Xin mời Ông vào. Chắc là ông đến nghe sœur Mai Thành nói chuyện. Làm sao mà ông biết tin về buổi nói chuyện hôm nay ? ». Tôi trả lời : « Vâng tôi đến có ý nghe sœur Mai Thành nói chuyện. Tôi có nghe người ta nói nhiều về Sœur Mai Thành, nhưng chưa bao giờ được diện kiến sœur.
Sr Mai Thành nói truyện tại Paris về Đối Thoại Tông Giáo
Một người bạn ở Giáo Xứ Việt Nam đã cho tôi hay tin ». Thế rồi bà dẫn tôi đến giới thiệu với Sœur Mai Thành. Trong câu truyên vắn vỏi, điều làm tôi ghi nhớ nhất là lời sau đây của Sœur : « Ông biết không, Tôi mê lời Ðức Phật, tôi mê lời Ðức Khổng. Nhưng tôi mê lời Chúa Kitô trên hết ». Người tham dự lục tục kéo đến. Ðúng 16 giờ, Tôi còn đang nghe hai ba người Pháp nói truyện về kỷ niệm hồi xưa ở Ðà lạt thì có người ra bảo : Mời các ông các bà vào phòng họp. Vào phòng họp, trên dưới tôi đếm thoáng qua có khoảng 30 người đến dự. Ða số là người pháp. Người Việt, ngoài tôi ra, còn hai người khác.

Tôn giáo là đường vươn lên

Mở đầu, Sơ Mai Thành xác định ngay rằng đề tài của buổi nói chuyện là « Ðối thoại tôn giáo » và đặc biệt là đối thoại tôn giáo ở vùng Ðông Nam Á châu, trong đó có ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Tôn giáo, tiếng pháp là « Religion », có gốc từ chữ « « Religare », có nghĩa là « relier», là liên kết. Tôn giáo nào củng nhằm tạo ra những liên lạc, mở rộng những nối kết, tìm đường giải thoát. Ba tôn giáo vùng Ðông Nam Á liên kết chặt chẽ với nhau, nhất là trong tâm hồn của người theo đạo. Có thể bảo rằng cái tâm linh của mỗi người đã nối kết ba tôn giáo Phật Lão Khổng lại với nhau, tạo thành một cái tâm đạo.

Vươn lên là vươn lên về một đỉnh

Các thính giả trong buổi nói truyện của Sr. Mai Thành
Trong cái tâm đạo liên kết á đông ấy, từ thế kỷ thứ XVI, một đạo mới đã xâm nhập vào. Ðó là Ðạo Thiên Chúa. Vì nhiều hiểu lầm, nhiều nhà truyền giáo đã cho rằng Tam giáo thờ Bụt Thần, sùng bái hình tượng. Từ đó hai thái độ : thái độ trịch thượng cho rằng chỉ có đạo Thiên Chúa mới đưa đến sự cứu rỗi và thái độ mô phạm ngăn cấm sự tôn kính tổ tiên. Vì vậy, nhiều người Á châu xa tránh Thiên Chúa Giáo. Thực ra những cử chỉ của người dân tam giáo diễn tả sự cung kính chứ không phải sự thờ phượng.

May thay, một mùa xuân đã trở về với Giáo hội, mùa xuân Công Ðồng Vatican 2. Những chiều hướng « đối thoại mới » đã được mở ra và xác định lại, đặc biệt là qua Bản Tuyên ngôn Nostra Aetate về những liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo năm 1964. Ðại cương, sau đây là vài tư tưởng chủ đạo của Bản Tuyên Ngôn : 1- Trong mỗi tôn giáo đều có sự hiện diện của Ngôi Lời. 2- Loan báo và đối thoại. Ðối thoại đã là một hình thức loan báo về Chúa Kitô. 3- Ngôi lời nhập thể : qua những thực hành chân thành, những người lòng ngay đã tìm được sự giải thoát qua truyền thống. 4- Tất cả những gì vươn lên là vươn
Các thính giả
lên về một đỉnh (Teilhard de Chardin). Tất cả mọi tôn giáo đều leo lên một ngọn núi, từ những sườn núi khác nhau.

Khổng giáo với lòng nhân hiếu,

Giáo hội là một đại gia đình, Chúa Kitô là một đại hiếu tử


Theo quan niêm Âu Châu, từ Aristote đến Descartes, Con người bản tính là thuần lý và suy tư. Theo quan niệm Á Ðông, đặc biệt là Khổng giáo, con người bản chất là liên hệ (relationnel). Chữ « nhân » có nghĩa là người, được viết với hai nét phải trái dựng vào nhau như người đứng. Nếu thêm một nét ngang ở trên sẽ thành chữ « đại », có nghĩa là lớn. Thêm một nét ngang nữa trên chữ đại thành chữ « thiên », có nghĩa là trời. Con người, vì bản chất là liên hệ, có nhiều tương quan, liên lạc : với vua chúa, với cha mẹ, giữa vợ chồng, với anh em, với bạn bè. Và xa hơn nữa với tất cả mọi người trên thế gian : tình huynh đệ đại đồng, tứ hải giai huynh đệ.

Trong những tương quan trên, gia đình có ba tương quan lớn : cha con, vợ chòng, anh em. Gia đình là một đơn vị xã hội nền tảng và quan trọng trong quan niệm
Sr. Mai Thành và cháu là nữ sĩ Trần Diệu Tâm
Á Ðông. Trong liên hệ giao dịch hàng ngày, người ta dùng những từ trong gia đình để xưng hô với nhau : ông, bà, bác chú, cậu mợ, dì cô, anh em,.. Trong các tương quan ấy, tương quan vói cha mẹ gọi là hiếu (piété filiale) rất được coi trọng.

Giáo hội là một đại gia đình. Chúng ta tất cả đều là con. Chúa là Cha. Hàng ngày chúng ta đọc kinh lậy Cha là vậy. Phúc âm thánh Gio An có lẽ là một tác phẩm thánh kinh dồi dào nhất về tình yêu, tình yêu giữa Chúa Cha và nhân loại, tình yêu phụ tử giữa ngôi Cha và ngôi Con, tình yêu đại đồng : « Như Cha đã yêu ta thế nào, ta cũng yêu thương anh em như vậy ».

Phật giáo với từ bi hỉ xả

Giáo Hội khiêm tốn giúp mọi người nghèo khổ


Phật giáo qua cái nhìn thực tại về thế giới đã đưa ra tứ diệu đế : khổ, dục, diệt, đạo. Ðời là bể khổ : sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ. Khổ là do lòng dục. Muốn diệt khổ phải diệt dục. Ðể đạt đạo phải theo con đường : từ, bi, hỉ, xả. Phật giáo đã đưa cho người việt nam cách cư xử siêu thoát với thế tục :
Sr. Mai Thành nói chuyện về Đối Thoại Tôn Giáo
xả kỷ với mình, để từ bi với chúng sinh. Thoát ly thế tục đến độ khất thực là một thái độ tiêu biểu của nhà phật.

Làm sao để đối thoại với đạo Phật ? Cha dòng tên Aloysius Pieris, người Sri Lanka đã chỉ đường bằng cách sống trong chùa Phật giáo 6 năm ròng, làm mọi điều như một « thầy chùa ». Hoà Thượng chủ trì đã phong cho cha tước vị tiến sĩ phật học vì Cha đã hiểu phật giáo hơn là một phật tử. Cha đã diễn giải phật giáo qua và bằng đức tin công giáo của cha. Cha đã dám quì lậy trước các phật tử để xin họ chỉ dậy cho những diều họ biết. Cha đã bắt chước Chúa Giêsu dám đến xin Ông Gioan tiền hô rửa tội cho. Cha đã biết dùng đức từ bi để giúp đỡ người nghèo.

Hội Fraternité chrétienne avec le Vietnam, le Cambodge, le Laos (FCVCL)

Trước khi tạm nghỉ, Sơ Mai Thành đã giới thiệu sơ qua đức bác ái công giáo, nêu ra vài gương sáng của những người đương thời và giới thiệu hội Huynh Ðệ
Buổi nói truyện của Sr. Mai Thành
Công Giáo với Việt Nam, Cao miên và Lào. Trong thời Việt Nam chến tranh, vào năm 1970, hội Huynh Ðệ Công Giáo với Việt Nam, Cao miên và Lào đã được một số tín hữu công giáo thành lập. Mục đích của hội là giúp đỡ phát triển, qua những lãnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, đặc biệt ưu tiên cho trẻ em. Những công việc đã và đang làm : 1- Xây trường học ở Hà nội, Huế, Quảng Bình, Cao miên; 2- Tiếp đón các bác sĩ việt nam sang tu nghiệp tại Pháp, từ 10 năm nay; 3- Bảo trợ trẻ em, bằng cách gởi giúp 10€ mỗi em, mỗi tháng. Công việc này đã làm từ 30 năm nay.

Ai muốn tiếp tay với hội Fraternité, xin liên lạc về địa chỉ sau đây : Fraternité chrétienne avec le Vietnam, le Cambodge, le Laos; 36 rue Jean Bleuzen – 92170 Vanves. Tél. : 01 40 93 51 52. E-Mail : fcvcl@club-internet.fr Chủ tịch : Véronique TURPIN

Paris, ngày 13/10/2006

TRẦN Văn Cảnh

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Do hội Fraternité chrétienne avec le Vietnam, le Cambodge, le Laos tổ chức tại Dòng Ðức Bà, số 11, đường La Chaise, PARIS