Bài Phỏng vấn ngày 2 tháng 1 năm 2024 của Solène Tadié đăng trên National Catholic Register: Một năm sau cái chết của Đức Giáo Hoàng người Đức, người phát ngôn cũ của ngài nhìn lại vị giáo hoàng của mình, bao gồm việc xuất bản bộ sách ba cuốn của ngài về Chúa Giêsu Thành Nadarét.



Triều Giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI - và đặc biệt sự từ chức bất ngờ của ngài - đã thay đổi tiến trình của lịch sử Giáo Hội Công Giáo, và đã tạo ra tất cả các loại phân tích cố gắng khám phá những lý do cơ bản cho việc rút lui của ngài.

Trong khi một số nhà bình luận khẳng định rằng Đức Hồng Y Joseph Ratzinger luôn chống lại ý tưởng trở thành Giáo hoàng, thì người phát ngôn cũ của ngài đã làm sáng tỏ điều bí ẩn này, liên kết sự kết thúc của triều giáo hoàng với việc xuất bản, vào năm 2012, phần cuối cùng của bộ ba Chúa Giêsu Thành Nadarét, một công trình có ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Cha Dòng Tên Federico Lombardi, chủ tịch của qũy Joseph Ratzinger-Benedict XVI của Vatican và cựu giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh từ năm 2006 đến 2016, đã theo dõi sát nút triều giáo hoàng rất phong phú về mặt thần học này. Nhưng sự ngưỡng mộ của cha đối với Đức Bênêđíctô, người qua đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2022, đã có từ tuổi trẻ sớm nhất của cha, khi cha còn là một chủng sinh ở Đức vào đầu những năm 1970.

Cùng với nhiều sinh viên khác, cha vui mừng khi được tham dự các lớp học của người đàn ông lúc đó là một trong những giáo sư trẻ nổi tiếng nhất thời ngài, như một phần của chương trình mùa hè dành cho sinh viên thần học ở Salzburg.

“Ngay cả khi đó, tôi đã bị mê hoặc bởi khả năng giải thích các khái niệm thần học khó khăn nhất của ngài bằng một ngôn ngữ rất rõ ràng và thuyết phục, thích nghi với sự nhạy cảm và văn hóa ngày nay, và món quà này đã phát triển hết năm này qua năm nọ”, Cha Lombardi nói như thế trong một cuộc phỏng vấn của tờ Register trước các nhận xét của ngài vào ngày 30 tháng 12 tại hội nghị, “Tưởng nhớ Đức Bênêđíctô XVI: Cuộc đời, Giáo huấn, Di sản”, được tổ chức bởi EWTN Vatican, Quỹ Ratzinger và Fundatio Christiana Virtus tại Campo Santo Teutonico ở Vatican.

Người đầy tớ của Dân Kitô giáo

Cha Lombardi cho biết điều luôn gây ấn tượng nhất với ngài là Đức Bênêđíctô XVI luôn dành thời gian để đích thân viết tất cả các bài giáo lý của ngài và với độ sâu tinh thần vô tận, ngay cả với các cử hành riêng với cộng đồng nữ tu Memores Domini tại Đan viện Mater Ecclesiae, nơi ngài nghỉ hưu. Nhưng chính khi viết bộ ba của ngài về Chúa Giêsu Thành Nadarét, sự nhẫn nhục đáng chú ý của ngài lên đến tuyệt đỉnh, theo nhận định của cha; đó là ý nghĩa trí thức và thiêng liêng của các tác phẩm này.

Cha Lombardi nói, “Đối với tôi, điều đó thật tuyệt vời khi một giáo hoàng, dù rất bận bịu với các cam kết, các quan tâm của ngài, những điều rất khó đối phó, không những muốn mà còn lo liệu để viết một tác phẩm như vậy, rất rộng dài và chuyên sâu để trình bày khuôn mặt của Chúa Giêsu một cách uyên bác và cụ thể chưa từng có, không có thứ duy trí thức trừu tượng nhưng theo cách mọi người thời nay có thể tiếp cận được với ngài”.

Linh mục Dòng Tên, người phát ngôn của Tòa Thánh vào thời điểm từ chức không ai dự ứng, không thể không thấy trong đó một loại tương ứng với việc hoàn thành phần thứ ba của bộ ba thời danh, Các Trình thuật Tuổi thơ, được chính Đức Bênêđíctô XVI coi như một loại “phòng nhỏ bên ngoài” đối với hai tập trước đó của ngài. Thực thế, Đức Bênêđíctô đã tuyên bố từ chức vào tháng 2 năm 2013, chỉ ba tháng sau khi phát hành cuốn sách.

“Như thể ngài cảm thấy ngài đã hoàn thành việc phục vụ của mình trong tư cách Giáo hoàng, là nói lên niềm tin của mình vào dân Kitô giáo theo cách không hoàn toàn chỉ là trí thức nhưng cũng rất sâu sắc về mặt văn hóa và linh đạo.

Chiêm ngưỡng Thiên Chúa qua đôi mắt của Người



Cha Lombardi đã đề cập đến chính công trình này cách riêng, và đến sự trùng hợp về thời gian của nó, khi, về cái chết của vị Giáo hoàng hưu trí, ngày 31 tháng 12, cha nói rằng ngài đã tìm kiếm khuôn mặt của Chúa Giêsu suốt cả đời ngài.

Điều này vang vọng trong lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi ngài gặp gỡ Quỹ Ratzinger vào đầu tháng 12 năm 2022, khi ngài nói tới khuôn mạo của Đức Giáo Hoàng Hưu trí và tầm quan trọng của sự hiện diện tâm linh của ngài đối với toàn bộ Giáo hội qua con mắt chiêm niệm của ngài, một con mắt luôn luôn chỉ đường."

Đó là một hình ảnh mà Cha Lombardi thấy đặc biệt phù hợp, vì Đức Bênêđíctô XVI luôn gây ấn tượng nơi cha, thông qua trí hiểu tâm linh phi thường của ngài, có thể nhìn xa hơn thế giới khả giác và vật chất để dẫn mọi người hướng tới sự thật. Và ngài không tằn tiện với đặc sủng này, trái lại, ngài đã rộng rãi giúp đỡ đàn chiên của ngài gặp gỡ con người của Chúa Giêsu qua các Tin mừng và Phụng vụ.

Cha Lombardi nói, “Triều Giáo hoàng của ngài đã được đặt trong bối cảnh một xã hội đương thời đã rời khỏi sự siêu việt đến mức quên nó đi hoàn toàn, đây là lý do tại sao triều giáo hoàng này nổi bật về tính tối thượng của Thiên Chúa, việc truyền bá đức tin, và do đó, việc tìm kiếm khuôn mặt của Chúa Giêsu, sự mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa”.

Ngày giới trẻ thế giới Madrid, một ẩn dụ của cuộc đời ngài

Cha Lombardi tin rằng, tất cả những điểm đặc thù này đã hội tụ trong một tình tiết được cha cho đặc biệt có tính biểu tượng cho phần còn lại của triều giáo hoàng: Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2011 ở Madrid, được đánh dấu bằng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt trong buổi cầu nguyện do Đức Giáo Hoàng chủ trì.

“Đó là một sự kiện mà tôi nhớ như in, vì những cơn mưa và gió xối xả tối hôm đó rất đáng sợ đến nỗi chúng đã phá hủy những chiếc lều được dựng lên xung quanh khu đất, và toàn khu đất sau đó đã rơi vào bóng tối”, Cha Lombardi nói thế, sợ rằng một chuyển động kinh hoàng có thể diễn ra trong đám đông mà hậu quả của nó có thể rất bi đát.

Tuy nhiên, đối diện với 1 triệu người trẻ tập trung trước mặt ngài, Đức Giáo Hoàng đã quyết định làm ngơ khuyến cáo của đội an ninh tìm nơi ẩn nấp, và ngài cứ đứng đó không chuyển động, chỉ có một thành viên trong đội ngũ nhân viên của ngài cầm một chiếc dù che đầu ngài, trong khi hệ thống phóng thanh công cộng bị nổ tung.

Cha Lombardi nói tiếp rằng Đức Bênêđíctô vẫn đứng đó, bất động, cho đến khi gió dần biến mất, và sự yên tĩnh trở lại, cho phép ngài kết thúc bài phát biểu của mình.

Một cảm giác hòa bình tuyệt vời đã lắng đọng khi đến giờ chầu Thánh Thể, với mặt nhật hoành tráng và lộng lẫy của Nhà thờ chính tòa Toledo. Hình ảnh Đức Giáo Hoàng quỳ trước Thánh Thể này, với cộng đoàn mênh mông phía sau ngài cầu nguyện trong im lặng chắc chắn là cảm xúc khó quên nhất của tôi về Đức Giáo Hoàng bởi vì một cách nào đó, nó tượng trưng cho cuộc sống của ngài, được tạo thành từ rất nhiều cơn bão tố mà sau đó luôn nhường chỗ cho sự yên tĩnh trong việc thờ lạy, và kết hợp với Chúa Kitô, ngay cả trong đêm đen.

Sự dũng cảm và lòng trung thành này cũng có tính xây dựng đối với người cựu phát ngôn của Tòa Thánh trong những năm đứng đầu Quỹ Ratzinger, Đức Giáo Hoàng hưu trí luôn thỏa thuận tiếp kiến những người thắng giải hàng năm, bất kể tình trạng sức khỏe của ngài. Ngài đã làm như vậy ngay ở lúc gần chết, vào ngày 1 tháng 12 năm 2022, khi ngài tiếp kiến cha Dòng Tên Michel Fédou và giáo sư Joseph Weiler trong các bức tường của đan viện nơi ngài cư trú.

“Cuộc gặp gỡ này, vốn cũng là ký ức cuối cùng của tôi về ngài, đặc biệt cảm động vì ngài chỉ còn một chút giọng nói, mặc dù ngài vẫn hoàn toàn sáng suốt, đủ để hỏi những vị khách của mình những câu hỏi sâu sắc trong suốt buổi yết kiến”, Cha Lombardi nói thêm Đức Bênêđíctô vẫn nổi bật sâu xa bởi thái độ bình yên vĩ đại dường như ở trong ngài vài tuần trước khi trở về Nhà Cha trên trời.

“Ngài thường nói rằng ngài chờ đợi cuộc gặp gỡ của mình với Chúa Kitô bằng một trái tim tràn đầy niềm vui, chắc chắn ngài sẽ đối diện với một người bạn chứ không phải một thẩm phán không hề mủi lòng, và điều này rất rõ ràng đối với bất cứ ai có đặc quyền gặp gỡ ngài. Hình ảnh ngài sẽ luôn luôn ở bên tôi”.