Theo bản tin ngày 30 tháng 10 của AsiaNews, hơn một nửa trong số 220 con tin bị bắt giữ ở Gaza là người nước ngoài đến từ 25 quốc gia khác nhau. Ít nhất một phần tư là công nhân: 54 người Thái, năm người Nepal, hai người Philippines, một người Trung Quốc và một người Sri Lanka. Thái Lan cử một nhóm đàm phán tới để đảm bảo việc thả con tin. Lo sợ chiến tranh, nhiều di dân đang rời bỏ Israel.



Một trong những yếu tố chính có thể định hình cuộc chiến giữa Israel và Hamas là vấn đề con tin bị bắt giữ vào ngày 7 tháng 10.

Do kết quả của các cuộc đàm phán để thả họ ở Qatar, Israel đã tạm dừng hoạt động trên bộ để không gây nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Chính phủ Israel không phải là tay chơi duy nhất. Theo thông tin mới nhất, hơn một nửa trong số 220 tù nhân bị phong trào Hồi giáo cực đoan giam giữ đến từ 25 quốc gia khác ngoài Israel.

Ngoại trừ những người có hai quốc tịch, khoảng một phần tư số con tin là công nhân nhập cư, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc là người chăm sóc tại các kibbutzim bị bọn khủng bố tấn công.

Tại Thái Lan, Bộ Ngoại giao đang cố gắng xác định xem 54 người Thái có nằm trong tay Ha-mas hay không, sau khi Israel hôm thứ Tư cho biết gần 1/4 số con tin đến từ Thái Lan.

Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nguồn cung cấp lao động nhập cư chính ở Israel với ít nhất 30,000 người làm việc chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara đã cử một nhóm đàm phán đến để đảm bảo việc thả họ.

Bất chấp việc các con tin Thái Lan không có hai quốc tịch và là lao động nhập cư, cuối cùng họ vẫn rơi vào tay nhóm kiểm soát Dải Gaza, thiệt hại "bên lề" trong cuộc xung đột này, số phận của họ ít được truyền thông thế giới đưa tin và không phải là ưu tiên hàng đầu đối với các chính phủ.

Người Thái không đơn độc; người di cư đến từ các nước châu Á khác: 5 người từ Nepal, 2 người từ Philippines và 1 người từ Trung Quốc và Sri Lanka. Một cặp vợ chồng cũng đến từ Tanzania.

Ít nhất 8,160 người Thái sống ở Israel đã yêu cầu chính phủ giúp họ trở về nhà.

Một số công nhân Thái Lan đang làm việc tại các trang trại gần biên giới Gaza khi cuộc tấn công diễn ra.

Kamlue, người yêu cầu không sử dụng tên đầy đủ của mình, là một trong số họ. Anh đang trên đường thu hoạch bí ở một trang trại thì chiếc xe tải anh đang lái bị cháy nặng.

“Tôi bị bắn vào chân phải và tôi vẫn đang hồi phục vết thương”, người đàn ông 41 tuổi trở về Thái Lan trên chuyến bay hồi hương do chính phủ Thái Lan tổ chức cho biết.

Điều chắc chắn là vụ giết hại và bắt cóc người di cư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với khoảng 110,000 công nhân nước ngoài ở Isra-el, khiến hàng nghìn người trong số họ phải rời đi.