Tin mới nhất do Hannah Brockhaus của CNA cung cấp ngày 26 tháng 10: Đức Hồng Y Zuppi gọi Hamas là “kẻ thù tồi tệ nhất của nhân dân Palestine”.

Bên lề một đại hội ở miền Bắc Nước Ý ngày 26 tháng 10, ngài nói rằng, “chúng ta cần một giải pháp bảo đảm quyền lỡi của cả hai bên; chúng ta thực sự cần một giới lãnh đạo Palestine có thẩm quyền”.

Theo một đài truyền hình địa phương của Ý, Telenord, Đức Hồng Y nói rằng gốc rễ gây ra tranh chấp tại Israel và Palestine cần được giải quyết”.

Tin thứ hai của Vatican News cho hay: Đức Giáo Hoàng, hôm thứ năm, nói chuyện bằng điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, theo yêu cầu của Ông này. Hai vị thảo luận về “tìnhhình bi đát hiện nay tại Đất Thánh”

Theo Ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự đau lòng của ngài đối với những gì đang diễn ra và nhắc lại chủ trương của Tòa Thánh, hy vọng rằng giải pháp hai nhà nước và qui chế đặc biệt cho thành phố Giêrusalem có thể đạt tới.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào hồi sáng rằng Tổng Thống bày tỏ với Đức Giáo Hoàng mối lo âu lớn lao về những điều đang diễn ra tại Gaza.

Tưởng cũng nên nhắc lại việc Đức Giáo Hoàng nói chuyện với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 22 tháng 10, trong vòng 20 phút liên quan tới các tranh chấp trên thế giới và việc cần nhận ra các nẻo đường dẫn đến hòa bình.



Nhưng vị lãnh đạo Công Giáo âu lo nhất đối với tình hình Đất Thánh là Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem.

Ngày 24 vừa qua, ngài gửi một thư mục vụ cho toàn giáo phận đề cập tới thảm kịch hiện nay và kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình được vãn hồi trên quê hương của Chúa.

Theo hãng tin Catholic World News, Thượng phụ lên án cả các cuộc tấn công của Hamas vào Israel và vụ pháo kích vào Gaza của Israel, kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình và nói rằng chỉ có việc thành lập một quê hương của người Palestine mới mang lại hòa bình cho khu vực.

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa nói: “Cả thế giới coi Thánh địa này của chúng ta là một nơi thường xuyên gây ra chiến tranh và chia rẽ. Chỉ bằng cách chấm dứt hàng thập niên chiếm đóng và những hậu quả bi thảm của nó, cũng như mang lại một viễn ảnh quốc gia rõ ràng và an toàn cho người dân Palestine thì một tiến trình hòa bình nghiêm túc mới có thể bắt đầu.”

Trong khi lên án một cách dứt khoát “sự tàn bạo” của các cuộc tấn công của Hamas, Đức Thượng Phụ cũng tố cáo phản ứng của Israel là một “chu kỳ bạo lực mới”, mà theo ngài, “đã khiến hơn 5,000 người thiệt mạng tại Gaza, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, hàng chục ngàn người bị thương, các khu dân cư bị san bằng, thiếu thuốc men, thiếu nước và các nhu yếu phẩm cơ bản cho hơn hai triệu người.”

Sau đây là nguyên văn Lá thư của Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa:

Anh chị em thân mến,
Xin Chúa ban bình an cho anh chị em!


Chúng ta đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn và đau đớn nhất trong thời gian và lịch sử gần đây của chúng ta. Hơn hai tuần nay, chúng ta tràn ngập những hình ảnh kinh hoàng, làm sống lại những tổn thương xa xưa, khơi dậy những vết thương mới, khiến nỗi đau, sự thất vọng và giận dữ bùng nổ trong tất cả chúng ta. Dường như có nhiều điều nói về cái chết và lòng căm thù vô tận. Có quá nhiều câu hỏi “tại sao” chồng chéo lên nhau trong tâm trí chúng ta, làm tăng thêm cảm giác hoang mang của chúng ta.

Cả thế giới coi Thánh Địa này của chúng ta là nơi thường xuyên xảy ra chiến tranh và chia rẽ. Đó chính là lý do tại sao cách đây vài ngày, cả thế giới đã cùng chúng ta tham gia vào ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình. Đó là một khung cảnh tuyệt đẹp của Đất Thánh và là thời điểm quan trọng của sự hiệp nhất với Giáo hội của chúng ta. Và khung cảnh đó vẫn còn đó. Ngày 27 tháng 10 tới, Đức Thánh Cha đã kêu gọi ngày thứ hai cầu nguyện và ăn chay, để lời chuyển cầu của chúng ta có thể tiếp tục. Đó sẽ là một ngày mà chúng ta sẽ cử hành với niềm xác tín. Có lẽ điều chính yếu mà người Kitô hữu chúng ta có thể làm vào lúc này là: cầu nguyện, sám hối, cầu bầu. Vì điều này, chúng ta cảm ơn Đức Thánh Cha từ tận đáy lòng.

Trong tất cả sự náo động này, nơi mà tiếng bom chói tai trộn lẫn với nhiều tiếng nói đau buồn và nhiều cảm xúc mâu thuẫn, tôi cảm thấy cần phải chia sẻ với anh chị em một lời có nguồn gốc từ Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đó là điểm khởi đầu mà chúng ta bắt đầu và quay trở lại, hết lần này đến lần khác: một lời trong Tin Mừng giúp chúng ta sống thời điểm bi thảm này bằng cách kết hợp những cảm xúc của chúng ta với những cảm xúc của Chúa Giêsu.

Tất nhiên, nhìn vào Chúa Giêsu không có nghĩa là cảm thấy được miễn trách nhiệm phải lên tiếng, tố cáo, kêu gọi cũng như an ủi và khích lệ. Như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, cần phải trả “cho Caesar những gì của Caesar và phải trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (Mt 22:21). Vì vậy, nhìn lên Thiên Chúa, trước hết chúng ta muốn trả lại cho Caesar những gì thuộc về ông ta.

Lương tâm và nghĩa vụ đạo đức của tôi đòi hỏi tôi phải tuyên bố rõ ràng rằng những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10 ở miền nam Israel là không thể chấp nhận được và chúng ta không thể không lên án nó. Không có lý do gì cho sự tàn bạo như vậy. Vâng, chúng ta có nhiệm vụ phải nêu rõ điều này và tố cáo nó. Việc sử dụng bạo lực không phù hợp với Tin Mừng và không dẫn đến hòa bình. Sự sống của mỗi con người đều có phẩm giá bình đẳng trước Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên tất cả chúng ta theo hình ảnh của Người.

Tuy nhiên, cùng một lương tâm với gánh nặng lớn trong lòng, hôm nay dẫn tôi tới chỗ phải tuyên bố một cách rõ ràng rằng chu kỳ bạo lực mới này đã khiến Gaza thiệt mạng hơn năm nghìn người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, hàng chục nghìn người bị thương, các khu dân cư bị san bằng, thiếu thuốc men, thiếu nước và các nhu yếu phẩm cơ bản cho hơn hai triệu người. Đây là những bi kịch không thể hiểu nổi và chúng ta có nhiệm vụ tố cáo và lên án một cách không dè dặt. Cuộc oanh tạc dữ dội liên tục giáng xuống Gaza trong nhiều ngày sẽ chỉ gây thêm nhiều cái chết và sự tàn phá, đồng thời sẽ chỉ làm tăng thêm sự hận thù và oán giận. Nó sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề nào mà chỉ tạo ra những vấn đề mới. Đã đến lúc phải chấm dứt cuộc chiến này, bạo lực vô nghĩa này.

Chỉ bằng cách chấm dứt hàng thập niên chiếm đóng và những hậu quả bi thảm của nó, cũng như mang lại viễn ảnh quốc gia rõ ràng và an toàn cho người dân Palestine thì một tiến trình hòa bình nghiêm túc mới có thể bắt đầu. Trừ khi vấn đề này được giải quyết tận gốc, nếu không sẽ không bao giờ có được sự ổn định mà tất cả chúng ta đều hy vọng. Bi kịch của những ngày này phải dẫn tất cả chúng ta, tôn giáo, chính trị, xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế, đến một cam kết nghiêm túc hơn về vấn đề này so với những gì đã được thực hiện cho đến nay. Đây là cách duy nhất để tránh những bi kịch khác giống như những bi kịch mà chúng ta đang trải qua hiện nay. Chúng ta nợ nhiều nạn nhân của những ngày này và những nạn nhân của những năm trước. Chúng ta không có quyền giao nhiệm vụ này cho người khác.

Thế nhưng, tôi không thể sống thời kỳ cực kỳ đau đớn này mà không nhìn lên, không nhìn lên Chúa Kitô, không có đức tin soi sáng quan điểm của tôi và của anh chị em về những gì chúng ta đang trải qua, mà không hướng suy nghĩ của chúng ta về Thiên Chúa. Chúng ta cần Lời đồng hành, an ủi và khích lệ chúng ta. Chúng ta cần Lời như cần không khí chúng ta thở.

“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33).

Chúng ta thấy mình đang ở trước cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Người nói những lời này với các môn đệ của Người, những người sẽ sớm bị quăng ném như thể bị cuốn vào một cơn bão trước khi Người chết. Họ sẽ hoảng sợ, chạy tán loạn và bỏ chạy như chiên không có người chăn.

Tuy nhiên, lời cuối cùng trên của Chúa Giêsu là một sự khích lệ. Người không nói rằng Người sẽ thắng, nhưng Người đã thắng rồi. Ngay cả trong cơn hỗn loạn sắp tới, các môn đệ vẫn có thể có được sự bình an. Đây không phải là vấn đề hòa bình lý thuyết, cũng không phải là cam chịu trước sự kiện thế giới là xấu xa và chúng ta không thể làm gì để thay đổi nó. Thay vào đó là việc có sự bảo đảm rằng chính trong tất cả sự ác này, Chúa Giêsu đã chiến thắng. Bất chấp sự tàn ác đang tàn phá thế giới, Chúa Giêsu đã đạt được một chiến thắng và thiết lập một thực tại mới, một trật tự mới mà sau khi phục sinh sẽ được đảm nhận bởi các môn đệ được tái sinh trong Thần Khí.

Chính trên thập giá mà Chúa Giêsu đã chiến thắng: không phải bằng vũ khí, không phải bằng quyền lực chính trị, không phải bằng những phương tiện vĩ đại, cũng không phải bằng việc áp đặt chính mình. Sự bình an mà Người nói đến không liên quan gì đến việc chiến thắng người khác. Người đã giành được thế giới bằng cách yêu nó. Đúng là một thực tại mới và một trật tự mới bắt đầu trên thập tự giá. Trật tự và thực tại của người hiến mạng sống vì tình yêu. Với sự Phục Sinh và ơn Chúa Thánh Thần, thực tại và trật tự đó thuộc về các môn đệ của Người. Thuộc về chúng ta. Câu trả lời của Thiên Chúa cho câu hỏi tại sao người công chính lại phải chịu đau khổ không phải là một lời giải thích mà là một Sự Hiện Diện. Đó là Chúa Kitô trên thập giá.

Chính trên điều đó, mà ngày nay chúng ta đánh cuộc đức tin của mình. Chúa Giêsu trong câu này nói rất đúng về lòng can đảm. Sự bình yên như vậy, tình yêu như vậy đòi hỏi lòng can đảm lớn lao.

Có được lòng can đảm yêu thương và hòa bình ở đây, hôm nay, có nghĩa là không cho phép hận thù, trả thù, giận dữ và đau đớn chiếm giữ mọi không gian trong trái tim, lời nói, suy nghĩ của chúng ta. Nó có nghĩa là thực hiện một cam kết bản thân với công lý, có thể khẳng định và tố cáo sự thật đau đớn về sự bất công và sự ác đang vây quanh chúng ta, mà không để nó làm ô uế các mối quan hệ của chúng ta. Nó có nghĩa là cam kết, tin chắc rằng việc làm tất cả những gì có thể vì hòa bình, công lý, bình đẳng và hòa giải vẫn là điều đáng làm. Ngôn từ của chúng ta không được nói về cái chết và những cánh cửa đóng kín. Ngược lại, các lời nói của chúng ta phải có tính sáng tạo, mang lại sức sống, chúng phải đưa ra viễn ảnh và những chân trời rộng mở.

Cần có lòng can đảm để có thể đòi hỏi công lý mà không gieo rắc hận thù. Cần phải có can đảm để cầu xin lòng thương xót, bác bỏ áp bức, cổ vũ sự bình đẳng mà không đòi hỏi sự độc dạng, trong khi vẫn được tự do. Ngày nay, cần có lòng can đảm, ngay cả trong giáo phận và cộng đồng của chúng ta, để duy trì sự đoàn kết, cảm thấy đoàn kết với nhau, ngay cả trong sự đa dạng về quan điểm, cảm xúc và tầm nhìn của chúng ta.

Tôi muốn và chúng ta muốn trở thành một phần của trật tự mới được Chúa Kitô khai mở. Chúng ta muốn xin Thiên Chúa ban cho lòng can đảm đó. Chúng ta muốn chiến thắng thế gian, vác trên mình Thánh Giá đó, cũng là của chúng ta, được làm bằng đau đớn và tình yêu, sự thật và sợ hãi, bất công và ân phúc, tiếng kêu khóc và sự tha thứ.

Tôi cầu nguyện cho tất cả chúng ta, đặc biệt cho cộng đồng nhỏ bé ở Gaza, nơi đang phải chịu đau khổ nhiều nhất. Đặc biệt, chúng ta nghĩ đến 18 anh chị em đã thiệt mạng gần đây và tới gia đình của họ mà chúng ta quen biết. Nỗi đau của họ rất lớn, nhưng mỗi ngày trôi qua, tôi nhận ra rằng họ đang bình yên. Họ sợ hãi, run rẩy, buồn bã nhưng trong lòng lại bình yên. Tất cả chúng ta đều ở bên họ, trong lời cầu nguyện và tình liên đới cụ thể, cảm ơn họ vì chứng tá tốt đẹp của họ.

Cuối cùng, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân vô tội. Nỗi đau khổ của người vô tội trước mặt Thiên Chúa có giá trị quý giá và cứu chuộc vì nó được kết hợp với nỗi đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô. Cầu mong sự đau khổ của họ mang hòa bình đến gần hơn bao giờ hết!

Chúng ta đang tiến tới lễ trọng kính Nữ vương Palestine, đấng bảo trợ của giáo phận chúng ta. Ngôi đền được xây dựng trong một thời kỳ chiến tranh khác và được chọn làm nơi đặc biệt để cầu nguyện cho hòa bình. Trong những ngày này, chúng ta sẽ một lần nữa tái thánh hiến Nhà thờ và vùng đất của chúng ta cho Nữ vương Palestine! Tôi xin tất cả các giáo hội trên khắp thế giới hiệp cùng Đức Thánh Cha và cùng chúng tôi cầu nguyện cũng như tìm kiếm công lý và hòa bình.

Năm nay chúng ta sẽ không thể tụ tập đông đủ vì tình hình không cho phép. Nhưng tôi tin chắc rằng vào ngày đó toàn giáo phận sẽ hiệp nhất cầu nguyện và đoàn kết vì hòa bình, không phải hòa bình thế gian, mà là hòa bình mà Chúa Kitô ban cho chúng ta.

Với lời cầu nguyện chân thành cho tất cả mọi người,

+ Hồng Y Pierbattista Pizzaballa
Thượng phụ Latinh của Giêrusalem