Theo Edward Pentin (National Catholic Register ngày 2 tháng 10 năm 2023), bản dubia này được ký bởi Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Đức Hồng Y Raymond Burke, Đức Hồng Y Zen Ze-Kiun, Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez và Đức Hồng Y Robert Sarah.



Thực vậy, năm vị Hồng Y trên đã gửi một bộ câu hỏi tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô để bày tỏ mối quan ngại của các vị và tìm cách làm sáng tỏ các quan điểm về giáo lý và kỷ luật trước khi khai mạc Thượng hội đồng về tính đồng nghị tại Vatican vào tuần này.

Các Hồng Y cho biết các vị đã gửi năm câu hỏi, được gọi là dubia, vào ngày 21 tháng 8 để yêu cầu làm rõ các chủ đề liên quan đến việc phát triển giáo lý, việc ban phép lành cho các kết hợp đồng tính, thẩm quyền của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, việc truyền chức cho phụ nữ và bí tích giải tội.

Dubia là những câu hỏi chính thức được đưa ra trước Đức Giáo Hoàng và Bộ Giáo lý Đức tin nhằm mục đích gợi ra câu trả lời “Có” hoặc “Không”, mà không cần tranh luận thần học. Chữ dubia là dạng số nhiều của dubium, có nghĩa là “nghi ngờ” trong tiếng Latinh. Chúng thường được nêu lên bởi các Hồng Y hoặc các thành viên cấp cao khác của Giáo hội và nhằm mục đích tìm kiếm việc làm sáng tỏ các vấn đề giáo lý hoặc giáo huấn của Giáo hội.

Bản dubia được ký bởi Đức Hồng Y người Đức Walter Brandmüller, 94 tuổi, cựu chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử; Đức Hồng Y người Mỹ Raymond Burke, 75 tuổi, nguyên trưởng Tối cao pháp viện Tòa thánh; Đức Hồng Y Trung Quốc Zen Ze-Kiun, 90 tuổi, giám mục hưu trí Hồng Kông; Đức Hồng Y người Mexico Juan Sandoval Íñiguez, 90 tuổi, nguyên tổng giám mục Guadalajara; và Đức Hồng Y người Guinea Robert Sarah, 78 tuổi, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Cùng một nhóm các giáo phẩm cấp cao này cho biết các vị đã đệ trình phiên bản dubia trước đó về các chủ đề này vào ngày 10 tháng 7 và nhận được câu trả lời từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày hôm sau.

Nhưng họ nói rằng Đức Giáo Hoàng đã trả lời bằng những câu trả lời đầy đủ thay vì theo hình thức thông thường là trả lời “Có” và “Không”, điều này khiến cần phải gửi yêu cầu sửa đổi để làm sáng tỏ.

Trong một tuyên bố với National Catholic Register, cơ quan thông tấn đối tác của CNA, các ngài nói rằng những câu trả lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô “chưa giải quyết được những nghi ngờ mà chúng tôi đã nêu ra, nhưng nếu có giải quyết điều gì, thì còn làm các nghi ngờ này sâu xa hơn”. Do đó, các ngài đã gửi bản dubia đã được viết lại vào ngày 21 tháng 8, diễn đạt lại một phần để có thể gợi ra câu trả lời “Có” hoặc “Không”.

Các Hồng Y đã từ chối yêu cầu của Register xem xét câu trả lời ngày 11 tháng 7 của Đức Thánh Cha, vì các ngài nói rằng câu trả lời chỉ dành cho các vị và do đó không dành cho công chúng.

Các ngài nói rằng các ngài vẫn chưa nhận được phản hồi về bản dubia đã được sửa đổi gửi đến Đức Giáo Hoàng vào ngày 21 tháng 8.

Register đã tìm kiếm bình luận từ Vatican vào ngày 29 tháng 9 và một lần nữa vào ngày 1 tháng 10 nhưng chưa nhận được phản hồi tính đến thời điểm đăng bài báo này.

Các vị Hồng Y giải thích trong một “Thông báo gửi các tín hữu của Chúa Kitô” ngày 2 tháng 10 rằng các ngài đã quyết định đệ trình bản dubia “vì có nhiều tuyên bố khác nhau của các vị giáo phẩm có địa vị cao” được đưa ra liên quan đến thượng hội đồng sắp tới vốn “công khai trái ngược với giáo lý và kỷ luật liên tục của Giáo Hội.”

Các vị nói rằng những tuyên bố đó “đã tạo ra và tiếp tục tạo ra sự nhầm lẫn lớn và dẫn đến sai lầm giữa các tín hữu và những người có thiện chí khác, đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc nhất của chúng tôi đối với Giám Mục Rôma”.

Các Hồng Y cho biết thêm, sáng kiến này được thực hiện phù hợp với Điều 212 § 3, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của tất cả các tín hữu là “bày tỏ với các mục tử thánh thiện ý kiến của họ về những vấn đề liên quan đến lợi ích của Giáo hội”.

Trong bình luận ngày 2 tháng 10 với Register, Đức Hồng Y Burke nhấn mạnh sáng kiến của các Hồng Y là “phù hợp với thực tiễn thường xuyên của Giáo hội”, đồng thời thêm rằng “các tín hữu, bao gồm cả các Hồng Y có trách nhiệm đặc biệt đối với đời sống của Giáo hội”, có nghĩa vụ thông báo cho các vị Mục tử thánh thiện của Giáo hội – đặc biệt là Giám Mục Rôma – những quan ngại nghiêm trọng về giáo lý và kỷ luật của Giáo hội”.

Ngài nói thêm: “Việc thực hành này đã mang lại cho Giáo hội một kho tàng giáo lý và kỷ luật phong phú trong các câu trả lời của Giám Mục Rôma và của từng giám mục đối với những dubia hoặc những câu hỏi được đặt ra cho các vị. Phần quyết định của tất cả những câu trả lời đó, qua nhiều thế kỷ, đã được hệ thống hóa trong Bộ Giáo luật. Dubia hoặc các câu hỏi được đề xuất theo cách gợi ra một câu trả lời rõ ràng và dứt khoát vì lợi ích của Giáo hội, nghĩa là lợi ích của các linh hồn.”

Đức Hồng Y Burke cho biết “điều quan trọng” là dubiadubia được viết lại “quan tâm chủ yếu đến giáo lý và kỷ luật của Giáo hội, việc cứu rỗi các linh hồn”.

Ngài nói thêm: “Chúng không có ý chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Sẽ thật đáng tiếc nếu cuộc tranh luận xoay quanh con người của Đức Giáo Hoàng thay vì những câu hỏi nghiêm trọng nhất về giáo lý và kỷ luật được đặt ra bởi phiên họp sắp tới của Thượng Hội đồng Giám mục”.

Thói quen công bố dubia đã trở nên phổ biến trong triều giáo hoàng này. Vào năm 2016, các Hồng Y Burke và Brandmüller cùng với các Hồng Y quá cố Carlo Caffarra và Joachim Meisner đã đệ trình một bộ 5 câu dubia lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô để tìm cách giải thích rõ ràng về tông huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô, đặc biệt liên quan đến việc cho phép những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn tham dự các bí tích. Các ngài không nhận được câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi của mình.

Vào năm 2021, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố Các Câu trả lời cho dubia, đưa ra câu trả lời “Không” đơn giản cho câu hỏi về việc liệu Giáo hội có “quyền ban phước lành cho sự kết hợp của những người cùng giới tính hay không”. Cùng năm đó, Bộ Phụng tự đã đưa ra Các Câu trả lời cho dubia về nhiều câu hỏi khác nhau liên quan đến việc thực thi Traditionis Custodes, tự sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh truyền thống.

Sau đó, vào tháng 1 năm nay, Cha Dòng Tên James Martin đã trực tiếp gửi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô một bộ ba dubia để tìm cách làm sáng tỏ những bình luận mà Đức Giáo Hoàng đã đưa ra cho hãng thông tấn AP về vấn đề đồng tính luyến ái. Hai ngày sau, Đức Giáo Hoàng trả lời các câu hỏi bằng một lá thư viết tay.

Cả hai Dubia đều chứa đựng những gì

Dubium (Câu hỏi) đầu tiên liên quan đến việc phát triển giáo lý và chủ trương của một số giám mục rằng sự mặc khải của Thiên Chúa “cần được giải thích lại theo những thay đổi văn hóa của thời đại chúng ta và theo tầm nhìn nhân học mới mà những thay đổi này thúc đẩy; hoặc liệu sự mặc khải của Thiên Chúa có ràng buộc mãi mãi, bất biến và do đó không thể bị mâu thuẫn hay không.”

Các Hồng Y cho biết Đức Giáo Hoàng đã trả lời vào ngày 11 tháng 7 bằng cách nói rằng Giáo hội “có thể đào sâu sự hiểu biết của mình về kho tàng đức tin”, điều mà các ngài đồng ý, nhưng câu trả lời đó “không nắm bắt được mối quan tâm của chúng tôi”, điều mà nhiều Kitô hữu ngày nay cho rằng “Những thay đổi về văn hóa và nhân chủng học của thời đại chúng ta sẽ thúc đẩy Giáo hội giảng dạy điều ngược lại với những gì Giáo hội luôn dạy. Điều này liên quan đến những vấn đề thiết yếu, chứ không phải thứ yếu, cho sự cứu rỗi của chúng ta, chẳng hạn như việc tuyên xưng đức tin, những điều kiện chủ quan để tiếp nhận các bí tích và việc tuân thủ luật luân lý,” các vị nói như thế.

Do đó, các vị diễn đạt lại sự nghi ngờ của mình rằng: “Có thể nào Giáo hội ngày nay dạy những giáo lý trái ngược với những giáo lý mà Giáo hội đã dạy trước đây về các vấn đề đức tin và luân lý, dù bởi giáo hoàng phán từ ngai toà (ex cathedra), hay theo định nghĩa của một Công đồng Đại kết, hoặc trong huấn quyền phổ quát thông thường của các giám mục phân tán trên khắp thế giới (x. Lumen Gentium, 25)?”

Trong dubium thứ hai về việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính, các vị nhấn mạnh đến giáo huấn của Giáo Hội dựa trên sự mặc khải của Thiên Chúa và Kinh Thánh rằng “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Người, Người sáng tạo họ có nam có nữ và ban phúc lành cho họ, để họ sinh sôi nảy nở” (St. 1:27-28), và lời dạy của Thánh Phaolô rằng việc phủ nhận sự khác biệt giới tính là hậu quả của việc phủ nhận Đấng Tạo Hóa (Rm 1:24-32). Sau đó, các vị hỏi Đức Giáo Hoàng rằng liệu Giáo hội có thể đi chệch khỏi giáo huấn như vậy và chấp nhận “như một ‘điều tốt’ có thể xảy ra một cách khách quan như những tình huống tội lỗi, chẳng hạn như kết hợp đồng tính, mà không phản bội lại giáo lý đã được mạc khải không?”

Các Hồng Y cho biết, Đức Giáo Hoàng đã trả lời vào ngày 11 tháng 7 bằng cách nói rằng việc coi hôn nhân ngang bằng với việc ban phước cho các cặp đồng tính sẽ gây ra sự nhầm lẫn và vì vậy nên tránh. Nhưng các Hồng Y cho biết mối quan tâm của họ thì khác, cụ thể là “việc chúc phúc cho các cặp đồng tính có thể tạo ra sự nhầm lẫn trong bất cứ trường hợp nào, không chỉ ở chỗ nó có thể khiến chúng có vẻ giống với hôn nhân, mà còn ở chỗ các hành vi đồng tính luyến ái sẽ được trình bày một cách thực tế như một điều tốt, hoặc ít nhất là điều tốt có thể có mà Thiên Chúa yêu cầu con người trên hành trình hướng tới Người.”

Do đó, các vị diễn đạt lại sự nghi ngờ của mình để hỏi liệu trong “một số trường hợp” một linh mục có thể ban phước cho các cặp đồng tính hay không “do đó gợi ý rằng hành vi đồng tính luyến ái như vậy sẽ không trái với lề luật của Thiên Chúa và hành trình của con người hướng tới Thiên Chúa?” Liên quan đến sự nghi ngờ đó, các vị hỏi liệu giáo huấn của Giáo hội có còn giá trị hay không khi cho rằng “mọi hành vi tình dục ngoài hôn nhân, và đặc biệt là các hành vi đồng tính luyến ái, cấu thành một tội trọng khách quan chống lại luật Thiên Chúa, bất kể hoàn cảnh trong đó nó diễn ra và ý định trong đó nó được thực hiện.”

Câu hỏi về tính đồng nghị

Trong dubium thứ ba, các Hồng Y đã hỏi liệu tính đồng nghị có thể là tiêu chuẩn cao nhất trong việc quản trị Giáo hội mà không gây nguy hiểm cho “trật tự cấu thành do Người sáng lập của Giáo hội mong muốn hay không”, vì Thượng Hội đồng Giám mục không đại diện cho hiệp đoàn giám mục mà “chỉ là một cơ quan tư vấn của Đức Giáo Hoàng.” Các vị nhấn mạnh: “Thẩm quyền tối cao và đầy đủ của Giáo hội được thực thi bởi giáo hoàng theo chức vụ của ngài và bởi giám mục đoàn cùng với người đứng đầu là Giám Mục Rôma (Lumen Gentium, 22)”.

Các Hồng Y cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời bằng cách nhấn mạnh vào một “chiều kích đồng nghị đối với Giáo hội” bao gồm tất cả các tín hữu giáo dân, nhưng các Hồng Y cho biết họ lo ngại rằng “tính đồng nghị” đang được trình bày như thể nó “đại diện cho thẩm quyền tối cao của Giáo hội” hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Do đó, họ tìm kiếm sự rõ ràng về việc liệu Thượng hội đồng có thể đóng vai trò là cơ quan có thẩm quyền tối cao về các vấn đề quan trọng. Câu dubium được viết lại của các vị yêu cầu: “Liệu, trong các vấn đề giáo lý hoặc mục vụ mà Thượng hội đồng sẽ được kêu gọi bày tỏ chính mình, Thượng hội đồng Giám mục được tổ chức tại Rome và chỉ bao gồm đại diện được lựa chọn của các mục tử và tín hữu có thực thi thẩm quyền tối cao của Giáo hội, hoàn toàn thuộc về Giám Mục Rôma và, una cum capite suo [kết hợp với đầu của mình], thuộc về giám mục đoàn hay không (xem điều 336 C.I.C.)?”

Các Chức Thánh và Sự Tha Thứ

Trong dubium thứ tư, các Hồng Y đã đề cập tới những tuyên bố của một số vị giáo phẩm, một lần nữa “không sửa cũng không rút lại”, nói rằng “thần học của Giáo hội đã thay đổi”, do đó phụ nữ có thể được thụ phong linh mục. Do đó, các vị hỏi Đức Giáo Hoàng rằng liệu giáo huấn của Công đồng Vatican II và tông thư Ordinatio Sacerdotalis của Thánh Gioan Phaolô II, vốn “dứt khoát khẳng định việc không thể phong chức linh mục cho phụ nữ, có còn giá trị hay không”. Họ cũng tìm cách làm rõ liệu có hay không việc giáo huấn này “không còn có thể thay đổi cũng như không còn được thảo luận tự do giữa các mục tử hoặc nhà thần học nữa”.

Trong dubium viết lại, các Hồng Y cho biết Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại rằng Ordinatio Sacerdotalis phải được giữ một cách dứt khoát và “cần phải hiểu chức linh mục, không phải theo ngôn từ quyền lực, nhưng theo ngôn từ phục vụ, để hiểu một cách chính xác quyết định của Chúa chỉ dành các chức thánh cho nam giới.” Nhưng các vị không hài lòng với câu trả lời của ngài rằng vấn đề “vẫn có thể được khám phá thêm”.

“Chúng tôi lo ngại rằng một số người có thể giải thích tuyên bố này có nghĩa là vấn đề vẫn chưa được quyết định một cách dứt khoát”, các vị nói thế và nói thêm rằng Ordinatio Sacerdotalis thuộc về kho tàng đức tin. Do đó, câu hỏi được viết lại của các vị bao gồm: “Liệu Giáo hội trong tương lai có đủ khả năng truyền chức linh mục cho phụ nữ hay không, do đó mâu thuẫn với việc dành riêng bí tích này cho nam giới đã rửa tội thuộc về bản chất của bí tích truyền chức, bí tích mà Giáo hội không thể thay đổi?”

Dubium cuối cùng của các vị liên quan đến việc Đức Giáo Hoàng thường xuyên nhấn mạnh rằng luôn luôn có nghĩa vụ tha tội cho mọi người, đến nỗi việc sám hối không phải là điều kiện cần thiết cho việc xá giải bí tích. Các Hồng Y hỏi liệu việc ăn năn tội cách trọn của hối nhân có cần thiết cho việc thành sự của bí tích xưng tội hay không, “đến nỗi linh mục phải hoãn việc xá tội khi rõ ràng là điều kiện này không được đáp ứng”.

Trong dubium được viết lại, các vị lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng đã xác nhận lời dạy của Công đồng Trent về vấn đề này, rằng việc xá tội đòi hỏi tội nhân phải ăn năn, bao gồm quyết tâm không phạm tội nữa. “Và Đức Giáo Hoàng đã mời gọi chúng con đừng nghi ngờ lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa,” các vị lưu ý, nhưng nói thêm: “Chúng con muốn nhắc lại rằng câu hỏi của chúng con không nảy sinh từ việc nghi ngờ sự vĩ đại của lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng trái lại, nó phát sinh từ ý thức của chúng con rằng lòng thương xót này lớn lao đến mức chúng con có thể trở về với Người, thú nhận tội lỗi của mình và sống như Người đã dạy chúng con. Ngược lại, một số người có thể giải thích câu trả lời của Đức Giáo Hoàng có nghĩa là chỉ cần đến tòa xưng tội là đủ điều kiện để nhận được sự xá tội, vì nó có thể ngầm bao gồm việc xưng tội và ăn năn.” Do đó, các vị đã diễn đạt lại sự nghi ngờ của mình như sau: “Một hối nhân, trong khi thừa nhận tội lỗi, từ chối thực hiện ý định không phạm tội nữa, bằng bất cứ cách nào, có thể nhận được ơn xá giải một cách thành sự hay không?”

Bối Cảnh Vatican

Việc công bố công khai các tài liệu, được Register và các cơ quan báo chí khác thu lượm, diễn ra hai ngày trước khi khai mạc Phiên họp thường lệ lần thứ 16 của Thượng hội đồng Giám mục, một sự kiện then chốt và gây nhiều tranh cãi trong Giáo Hội Công Giáo.

Cuộc tụ họp ở Rome đánh dấu một thời điểm lịch sử đối với Giáo hội vì lần đầu tiên trong lịch sử của mình, giáo dân, phụ nữ và những người không phải giám mục khác sẽ tham gia với tư cách là đại biểu toàn quyền bỏ phiếu của thượng hội đồng, mặc dù cuối cùng Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định có chấp nhận bất cứ khuyến nghị nào của phiên họp hay không.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trực tiếp hoặc thông qua Giáo triều Rôma, trước đây đã đề cập đến các vấn đề hàng đầu do năm vị Hồng Y đưa ra và những dubia của các ngài.

Về vấn đề phát triển giáo lý và những mâu thuẫn có thể xảy ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thường xuyên mô tả tầm nhìn về việc mở rộng giáo lý dựa trên sự hiểu biết cụ thể về châm ngôn của Thánh Vicentê thành Lerins rằng tín điều Kitô giáo “tiến triển, củng cố qua nhiều năm, phát triển theo thời gian, sâu sắc hơn theo tuổi tác.” Đức Giáo Hoàng đã nói rằng giáo lý mở rộng “đi lên” từ gốc rễ của đức tin khi “sự hiểu biết của chúng ta về con người thay đổi theo thời gian và ý thức của chúng ta ngày càng sâu sắc hơn”.

Chẳng hạn, Đức Giáo Hoàng nói rằng mặc dù án tử hình đã được chấp nhận và thậm chí được giáo lý Công Giáo trước đây kêu gọi, nhưng “bây giờ nó là một tội lỗi”. Đức Giáo Hoàng nói: “Các ngành khoa học khác và sự phát triển của chúng cũng giúp Giáo hội phát triển sự hiểu biết này”. Trong Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng cách tiếp cận này có thể bị coi “không hoàn hảo” bởi những người “mơ về một học thuyết nguyên khối được mọi người bảo vệ mà không có sắc thái,” nhưng “thực tế là sự đa dạng như vậy giúp chúng ta thể hiện và phát triển tốt hơn các khía cạnh khác nhau của sự phong phú vô tận của Tin Mừng”.

Về chủ đề ban phước cho các kết hợp đồng tính, vốn đã được thúc đẩy ở những nơi như Đức, văn phòng giáo lý chính của Vatican, Bộ Giáo lý Đức tin, đã cân nhắc vấn đề này vào năm 2021, làm rõ rằng “Giáo hội không có và không thể có quyền ban phước cho sự kết hợp của những người cùng giới tính.” Tuy nhiên, một số người đã suy đoán rằng, mặc dù văn bản của Bộ Giáo Lý Đức Tin nhắc đến sự chấp thuận của ngài, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn không hài lòng với tài liệu này. Một cách có liên quan đến vấn đề này, Giám mục Johan Bonny của Antwerp đã tuyên bố vào tháng 3 rằng Đức Giáo Hoàng không bác bỏ kế hoạch ban phép lành kiểu này của các giám mục nói tiếng Flemish, mặc dù tuyên bố này chưa được chứng minh và hiện không rõ liệu lời chúc phúc của người Flemish, trong thực tế, là loại minh nhiên bị hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin bác bỏ hay không.

Về văn bản Bộ Giáo Lý Đức Tin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã trích dẫn nó khi chỉ trích quyết định của Con Đường Đồng Nghị Đức nhằm tiến tới các nỗ lực ban phước cho các kết hợp đồng tính, nhưng ngài cũng nói thêm rằng chủ đề này cần được thảo luận thêm tại phiên họp thượng hội đồng sắp tới. Đáng kể hơn, tân Hồng Y tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin Victor Manuel Fernández, một người bạn thân tín của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã tuyên bố vào tháng 7 rằng mặc dù ngài phản đối bất cứ phép lành nào có thể gây nhầm lẫn giữa kết hợp đồng tính với hôn nhân, nhưng hướng dẫn năm 2021 của Bộ Giáo Lý Đức Tin “thiếu mùi Phanxicô” và có thể được xem xét lại trong nhiệm kỳ của ngài.

Về thẩm quyền của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới, mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở rộng quyền biểu quyết trong Thượng Hội đồng Giám mục vượt ra ngoài phạm vi giám mục, nhưng ngài cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Thượng hội đồng “không phải là một nghị viện” mà là một cuộc họp mặt mang tính tư vấn, thiêng liêng nhằm tư vấn cho Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng đã điều chỉnh giáo luật vào năm 2018 để cho phép tài liệu cuối cùng được Thượng hội đồng Giám mục phê chuẩn “tham gia vào huấn quyền thông thường của người kế vị Thánh Phêrô”, mặc dù chỉ khi “được Đức Giám Mục Rôma chấp thuận rõ ràng”.

Về khả năng truyền chức bí tích cho phụ nữ, vào năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tái khẳng định rằng lời nói “không” rõ ràng của Thánh Gioan Phaolô II qua Ordinato Sacerdotalis (1994) là “lời cuối cùng” về chủ đề này. Vào năm 2018, Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin lúc bấy giờ đã xác nhận rằng chức linh mục chỉ dành cho nam giới là “dứt khoát”. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 với tạp chí America, Đức Giáo Hoàng Phanxicô một lần nữa khẳng định rằng phụ nữ không thể bước vào thừa tác vụ thụ phong và nói rằng điều này không nên được coi là một “sự tước đoạt”.

Đức Giáo Hoàng đã thành lập hai ủy ban riêng biệt để xem xét vấn đề chức phó tế nữ, nhưng ủy ban đầu tiên, dựa trên lịch sử, đã không đạt được bất cứ sự đồng thuận dứt khoát nào và ủy ban thứ hai, tập trung vào vấn đề từ góc độ thần học, có vẻ cũng khó có thể đưa ra sự hỗ trợ đơn phương cho chức phó tế nữ. Tuy nhiên, Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng hỏi liệu “có thể hình dung” việc đưa phụ nữ vào chức phó tế “và bằng cách nào?”

Cuối cùng, liên quan đến việc từ chối việc giải tội trong tòa giải tội, trước đây Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến các linh mục không chịu giải tội cho một số tội luân lý mà không có sự cho phép của giám mục là “tội phạm” và nói với các giám mục Congo vào tháng 2 rằng họ phải “luôn tha thứ” trong bí tích hòa giải, vượt ra ngoài Bộ Giáo luật để “liều lĩnh đứng về phía sự tha thứ”.