JD Flynn của tạp chí The Pillar, ngày 15 tháng 9, 2023, cho hay: Kể từ khi công bố Thượng Hội đồng của Giáo hội về tính đồng nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng ngài muốn tiến trình này trở thành một sự kiện mang tính “giáo hội”: một sự phân định chung, mang tính cầu nguyện trong đời sống của Giáo hội.



Nhưng ít nhất ở Hoa Kỳ, nhiều người Công Giáo lo lắng về Thượng Hội đồng, chương trình nghị sự và kết quả của nó.

Để giải quyết vấn đề đó, Tòa Thánh đã thông báo rằng cuộc họp vào tháng tới tại Rôma, trong căn bản sẽ là một biến cố cửa đóng then cài. Phương tiện truyền thông sẽ có quyền truy cập hạn chế vào thượng hội đồng và những người tham gia, và toàn bộ phiên họp có thể sẽ bị ràng buộc bởi bí mật giáo hoàng.

Nhưng những nỗ lực của Vatican nhằm giảm lượng tường trình của “thượng hội đồng truyền thông” có tiềm năng làm tăng thêm sự lo lắng bên ngoài hội trường của thượng hội đồng. Và điều có thể xẩy ra là nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn truyền cảm hứng cho niềm tin vào dự án kế thừa của ngài, thì một cam kết minh bạch triệt để có lẽ sẽ phát huy tác dụng tốt hơn là một cuộc xiết bù loong truyền thông theo lệnh của Vatican.

Thượng hội đồng giám mục hiện đại chiếm một vị trí khác thường trong đời sống của Giáo hội.

Thượng hội đồng là những cuộc họp mặt mang tính tham vấn, nhằm đem các giám mục đến Rôma để đưa ra lời cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về những chủ đề quan trọng trong đời sống của Giáo hội - chúng thường xẩy ra trước các tông huấn do vị giáo hoàng công bố, nhằm đưa ra hướng dẫn về các chủ đề như “gia đình”, “ chức linh mục,” hay “cầu nguyện bằng Kinh Thánh.”

Các Thượng Hội đồng không làm luật, chính sách hay tín lý - chúng đưa ra lời cố vấn cho vị Giáo hoàng, và đôi khi ngài lắng nghe lời cố vấn đó. Đôi khi - như trường hợp của Thượng Hội đồng đặc biệt năm 2019 về khu vực Amazon - Đức Giáo Hoàng nghe lời cố vấn đó nhưng không tiếp thu tất cả các khuyến nghị được đưa ra bởi các cố vấn tập trung tại Rôma.

Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023 ngoại thường vì nó có sự tham gia của một đội ngũ cố vấn rộng rãi - với những người tham gia vượt ra ngoài tầng lớp giám mục - và bởi vì nó đã diễn ra trước nhiều năm gom góp ý kiến, trong các giáo xứ, giáo phận, ở cấp quốc gia và lục địa.

Tất cả các cuộc tham vấn đó đều nhằm mục đích đưa ra lời khuyên cho Đức Giáo Hoàng về chính việc tham khảo ý kiến – về câu hỏi làm thế nào Giáo hội có thể chấp nhận tốt hơn một phương thức phân định và lãnh đạo nhằm mời gọi nhiều người Công Giáo hơn tham dự việc phân định ý muốn của Thiên Chúa đối với Giáo hội.

Nhưng trong khi sự tham gia nền tảng rộng hơn bình thường và có nhiều người tham gia hơn, thì bản chất của thượng hội đồng này vẫn như cũ: đó là một cuộc tụ họp để đưa ra lời cố vấn cho Đức Giáo Hoàng, điều mà ngài có thể lưu ý hoặc có thể không lưu ý, trước khi ngài trao cho Giáo hội một số suy tư mục vụ về chủ đề hiện có.

Tất cả những điều đó nghe có vẻ tương đối không gây tranh cãi.

Nhưng trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, các Thượng hội đồng đã có tầm quan trọng rất lớn trong đời sống của Giáo hội, và thường được các phương tiện truyền thông Công Giáo và thế tục miêu tả là những vấn đề có tính chất quan trọng, có tiềm năng lớn để định hình lại cảnh vực mục vụ và thậm chí cả cảnh vực thần học của Giáo hội.

Một số trong đó khá căng thẳng. Mặt khác, đối với nhiều nhà quan sát, dường như chính Đức Phanxicô đã giúp khuyến khích môi trường đó.

Khi nhấn mạnh không có chủ đề nào không được đưa ra bàn luận, Đức Giáo Hoàng đã giúp tạo ra kỳ vọng cao cho các thượng hội đồng, thậm chí các Hồng Y của Giáo hội còn lập luận rằng các thượng hội đồng do Đức Phanxicô lãnh đạo có thể thảo luận về những thay đổi đáng kể ngay cả đối với tín lý của Giáo hội.

Và một số nhà quan sát cho rằng Đức Phanxicô đã tăng cường tầm quan trọng của các thượng hội đồng bằng cách sử dụng một tông huấn hậu thượng hội đồng, Amoris laetitia [Niềm vui Yêu thương], để đề xuất những thay đổi thực sự – và gây tranh cãi – đối với kỷ luật bí tích của Giáo hội. Tất nhiên, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sử dụng tông huấn hậu thượng hội đồng của ngài, Familiaris consortio, để thúc đẩy một khuôn khổ mới nhằm đánh giá vấn đề kỷ luật bí tích đối với những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn.

Nhiều nhà thần học cho rằng có những khác biệt thực chất và quan trọng giữa những thay đổi đó - nhưng đó lại là một cuộc tranh luận khác. Cả hai đều tận dụng cơ hội của Thượng Hội đồng để thúc đẩy một cách thức mới nhằm xem xét một vấn đề luân lý và thần học lâu đời.

Nhưng bất chấp tính liên tục về phương thức đặc thù đó, điều rõ ràng là các Thượng hội đồng đã đạt được tầm quan trọng được tri nhận nhiều hơn trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô đối với nhiều người Công Giáo, một phần vì mối lo lắng lan rộng ở phương Tây về những cam kết thần học của chính Đức Phanxicô, và, đối với một số người, những câu hỏi phảng phất về cách vị giáo hoàng này có thể giải thích Công đồng Vatican II, hoặc về cách ngài có thể đánh giá tín lý sẽ phát triển ra sao.

Trong khi vị giáo hoàng không cần một thượng hội đồng để làm bất cứ điều đặc thù nào, các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã dần dần coi các khuyến nghị của họ có trọng lượng hơn so với các triều giáo hoàng khác, và người Công Giáo đã trở thành những người quan sát gần gũi hơn về các tiến trình hội nghị.

Thời gian kéo dài cho Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đã làm tăng thêm tất cả những mối lo ngại đó.

Vì vậy, họ cũng đã tri nhận và thừa nhận những sai sót và thành kiến trong diễn trình tham vấn ở địa phương.

Vì vậy, cũng đã có các nỗ lực bao gồm các cuộc tranh luận tín lý về việc truyền chức cho phụ nữ hoặc lý luận luân lý vào một cuộc trò chuyện được cho là về cầu nguyện, tham vấn và phân định có tính bao gồm.

Ngoài ra, những lời hoa mỹ được một số người tổ chức và tham gia Thượng Hội đồng sử dụng – ví các thao tác tham vấn này như sensus fidelium [cảm thức tin hữu]- đã làm tăng thêm sự lo lắng nơi nhiều người Công Giáo về việc một số người tham gia Thượng Hội đồng mưu toan xác định ý nghĩa công việc tư vấn cho Đức Giáo Hoàng của chính họ. (Bất chấp những tuyên bố hạn chế hơn của một số nhà tổ chức thượng hội đồng dẫn đầu.)



Hơn nữa, những người tham gia thượng hội đồng bao gồm các Hồng Y dám cho rằng cuộc họp có thể thảo luận về sự thay đổi tín lý, và ít nhất một Hồng Y đã cảnh cáo một cách đáng lo ngại về triển vọng này của cuộc tụ họp.

Có những người được mời làm người tham gia đã ủng hộ các loại thay đổi tín lý khác nhau. Có những nhân vật được mời đến đại diện cho nhiều phe phái - và ý thức hệ khác nhau - trong đời sống của Giáo hội.

Tóm lại, rất nhiều người Công Giáo lo lắng đối với Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, vì nhiều lý do: Lo lắng về việc mọi việc sẽ diễn ra như thế nào, lo lắng về những chủ đề sẽ được thảo luận, lo lắng về những gì Đức Giáo Hoàng sẽ làm sau khi Thượng hội đồng kết thúc vào tháng 10 năm 2024.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như nhận thức được những lo lắng đó. Ngài đã cố gắng làm họ bớt lo lắng - phần lớn bằng cách nhấn mạnh bản chất tôn giáo của cuộc tụ tập và phạm vi hạn chế của chương trình nghị sự.

Tòa Thánh đã công bố vào tuần trước rằng cuộc họp thượng hội đồng vào tháng 10 sẽ được tiến hành với sự tiếp cận hạn chế của giới truyền thông - rằng các phóng viên sẽ không được mời đến quan sát diễn trình tiến hành, và thay vào đó sẽ nhận được cuộc họp báo hàng ngày của văn phòng báo chí Vatican.

Và Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã cho biết, các nỗ lực tiếp xúc với những người tham gia thượng hội đồng để lấy nhận định hoặc phỏng vấn cần được thực hiện thông qua họ.

Hôm thứ Tư, tạp chí Công Giáo La Croix đưa tin rằng một biện pháp bí mật bổ sung có thể được áp dụng cho các cuộc thảo luận - Đức Giáo Hoàng Phanxicô và những người tổ chức Thượng hội đồng được cho là đang xem xét liệu có nên đặt các phiên họp Thượng hội đồng về tính đồng nghị dưới chính sách bí mật Giáo hoàng hay không, nhằm buộc những người tham gia phải bảo mật nếu không sẽ phạm tội.

Vatican nói rằng những nỗ lực bảo mật được thiết kế để bảo đảm mục tiêu đã được tuyên bố từ lâu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là Thượng hội đồng – có thể là dự án quan trọng nhất của ngài trong tư cách Giáo hoàng – không biến thành một điều giống như một cuộc tranh luận tại nghị viện, với các nghị trình đảng phái ăn thua đủ trong phiên họp thượng hội đồng và trên các phương tiện truyền thông.

Đức Giáo Hoàng đã nói một cách nhất quán rằng ngài muốn Thượng Hội Đồng trở thành một biến cố “có tính giáo hội” - một khoảnh khắc cầu nguyện trong đời sống của Giáo Hội, với sự biện phân chân thực ý muốn của Thiên Chúa đối với đời sống của Giáo Hội.

Nhưng Đức Giáo Hoàng không phải là người duy nhất kỳ vọng vào Thượng Hội đồng, và có rất nhiều người Công Giáo – cả trong số những người tham gia được mời và trong số những người bình luận – đều có nghị trình cho cuộc họp và cách họ sẽ xoay chuyển nó.

Bất cứ điều gì xảy ra bên trong hội trường của Thượng Hội đồng, vẫn sẽ có rất nhiều tiếng nói mong muốn lên khung Thượng hội đồng trên các phương tiện truyền thông như một cơ hội để thấy các nghị trình của họ tiến triển - và coi bất cứ sự phản đối nào là phi thượng hội đồng, chống Đức Phanxicô hoặc trái ngược với Chúa Thánh Thần.

Có vẻ như những phe phái đó sẽ không đến Rôma, và bỏ qua những cơ hội được các loa phóng thanh của phóng viên có thiện chí trình bầy bên ngoài hội trường Thượng Hội đồng. Bí mật của giáo hoàng dường như không có tác dụng ngăn cản nhiều tiếng nói loại này.

Những người tham gia tự phong mình là đại diện bán chính thức của Đức Giáo Hoàng và chương trình nghị sự của ngài, sẽ trình bày tóm tắt các phiên họp cho các nguồn truyền thông thân thiện, khẳng định rằng những diễn giải của họ là những tường thuật khách quan về các cuộc thảo luận.

Trong khi đó, bên ngoài hội trường Thượng Hội đồng, những kẻ khiêu khích sẽ thổi phồng các nghi ngờ của những người hoài nghi, trong khi những người biện hộ đưa ra những tuyên bố hoành tráng về ý nghĩa thần học của cuộc họp tham vấn.

Sẽ sớm có những tiếng nói cạnh tranh nhằm mục đích giải thích và đóng khung Thượng hội đồng bằng những lời hoa mỹ quá khổ - một số cho rằng đó là công việc của ma quỷ, và một số cho rằng cuộc họp đã ca ngợi một Giáo hội mới ra đời, có thể nói như vậy.

Trong khi đó, những tiếng nói ôn hòa và tỉnh táo nhất trong hội trường Thượng Hội đồng cũng có nhiều khả năng tôn trọng bí mật giáo hoàng nhất - và do đó, nếu họ bị ràng buộc bởi tính bảo mật chính thức, họ sẽ thấy mình không thể sửa hồ sơ hoặc trình bày các suy tư cân bằng, có sắc thái, sâu sắc, về những gì đang diễn ra trong các cuộc họp thượng hội đồng.

Những người có khả năng mang lại độ tin cậy cao nhất cho diễn trình sẽ là những người ít có khả năng mở miệng nhất.

Có vẻ như Đức Giáo Hoàng thực sự tin rằng phiên họp của ngài có thể là đỉnh cao của cầu nguyện, một khoảnh khắc hoán cải. Trước đây, Đức Giáo Hoàng đã tạo điều kiện và khuyến khích những khoảnh khắc như vậy – giống như cuộc họp cầu nguyện theo lệnh của Đức Giáo Hoàng năm 2019 của các giám mục Hoa Kỳ, trước cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Cuộc gặp gỡ cũng có thể trở thành một khuôn mẫu cho cuộc đối thoại hiệu quả và có ý nghĩa giữa những người Công Giáo hoàn toàn bất đồng với nhau. Một dịp như vậy có thể mang lại hoa trái to lớn cho Giáo hội.

Hơn nữa, đức tin Công Giáo đòi hỏi các tín hữu phải tin rằng nếu có hai người trở lên tập trung tại hội trường Thượng Hội đồng, nhân danh Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ở đó.

Nhưng nếu những người tham gia buộc phải giữ bí mật, và những người quan sát bên ngoài không có cơ hội quan sát, thì sự hiện diện ôn hòa của Chúa Kitô tại Thượng Hội đồng có thể giúp chúng ta sẽ không được biết đến, không được đánh giá cao và không được lắng nghe trong đời sống của Giáo hội—bất kể những người tham gia được chọn thực sự có “kinh nghiệm về giáo hội” như thế nào.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, biểu tượng sống động của sự hiệp nhất của Giáo hội, chắc chắn không muốn dự án giáo hoàng quan trọng của mình được ghi nhớ trong biên niên sử như một thời điểm hỗn loạn.

Nhưng dù kế hoạch truyền thông hiện tại của ngài có thiện ý đến đâu, nó cũng có thể là kế hoạch chi tiết cho sự hỗn loạn đó. Đó là lý do tại sao cần phải hỏi liệu Tòa Thánh có được phục vụ tốt hơn bằng kế hoạch của một thượng hội đồng được mọi người tiếp cận hay không - trong đó một loạt các nhà báo và quan sát viên được phép tham gia cuộc họp – một kiệt tác của Đức Giáo Hoàng - và có được những cuộc trò chuyện tự do, trực diện, thực chất, với những người tham dự.

Tóm lại, liệu Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị có nên “mở rộng không gian lều của nó” để có chỗ cho toàn thể Giáo hội xem điều gì xảy ra hay không?

Nếu cuộc họp diễn ra như những gì Đức Giáo Hoàng nói, thì sự minh bạch đó có thể sẽ khắc phục được những nỗ lực làm chệch hướng, thay đổi nó hoặc xuyên tạc nó trên các phương tiện truyền thông. Và nếu thượng hội đồng về tính đồng nghị không thực sự diễn ra như kế hoạch, thì có vẻ như một Giáo hội đồng nghị cũng có thể muốn đối đầu trực diện với điều đó.