Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, sáng thứ tư, ngày 13 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Niềm đam mê truyền giảng Tin Mừng qua gương sáng của Chân phước José Gregorio Hernández Cisneros, bác sĩ người nghèo và tông đồ hòa bình. Sau đây là nội dung bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong các bài giáo lý của chúng ta, chúng ta tiếp tục gặp gỡ các chứng nhân nhiệt thành đối với việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy nhớ rằng đây là một loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, về ý chí và thậm chí cả lòng nhiệt thành nội tâm để truyền bá Tin Mừng. Hôm nay chúng ta đến Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là Venezuela, để làm quen với gương mặt của một giáo dân, Chân phước José Gregorio Hernández Cisneros. Ngài sinh năm 1864 và học đức tin trước hết từ mẹ ngài, như ngài kể lại: “Mẹ tôi đã dạy tôi nhân đức từ khi còn trong nôi, giúp tôi lớn lên trong sự hiểu biết về Thiên Chúa và ban cho tôi lòng bác ái làm nhân đức hướng dẫn tôi”. Chúng ta hãy chú ý: chính các bà mẹ là những người truyền lại đức tin. Đức tin được truyền lại bằng phương ngữ, tức là ngôn ngữ của các bà mẹ, phương ngữ mà các bà mẹ biết để nói với con cái mình. Và với các bà mẹ: các bà hãy siêng năng truyền đạt đức tin bằng phương ngữ mẫu thân đó.

Quả thật, lòng bác ái là ngôi sao bắc đẩu định hướng cho sự hiện hữu của Chân phước José Gregorio: một người tốt bụng và tươi cười, tính tình vui vẻ, có trí thông minh đáng lưu ý; ngài trở thành bác sĩ, giáo sư đại học và nhà khoa học. Nhưng trước hết, ngài là một bác sĩ gần gũi với những người yếu đuối nhất, đến nỗi ở quê hương ngài, ngài được mệnh danh là “bác sĩ của người nghèo”. Ngài luôn quan tâm đến người nghèo. Ngài thích sự giàu có của Tin Mừng hơn sự giàu có của tiền bạc, dành cuộc sống mình để giúp đỡ những người nghèo khó. Nơi người nghèo, người bệnh, người di cư, người đau khổ, José Gregorio nhìn thấy Chúa Giêsu. Sự thành công mà ngài chưa bao giờ tìm kiếm trong thế giới, nhưng ngài đã nhận được và tiếp tục nhận được từ người dân, những người gọi ngài là “vị thánh của người dân”, “tông đồ đức bác ái”, “nhà truyền giáo của niềm hy vọng”. Đều là những cái tên đẹp đẽ: “vị thánh của người dân”, “tông đồ của người dân”, “nhà truyền giáo của niềm hy vọng”.

José Gregorio là một người khiêm tốn, tốt bụng và hay giúp đỡ. Đồng thời, ngài được thúc đẩy bởi ngọn lửa nội tâm, ước muốn sống phục vụ Thiên Chúa và người lân cận. Được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành này, ngài đã nhiều lần cố gắng trở thành một tu sĩ và linh mục, nhưng nhiều vấn đề sức khỏe đã ngăn cản ngài thực hiện điều đó. Tuy nhiên, sự yếu đuối về thể chất không khiến ngài khép mình lại mà trở thành một bác sĩ thậm chí còn nhạy cảm hơn với nhu cầu của người khác; ngài bám chặt vào Chúa Quan Phòng và rèn luyện trong tâm hồn mình ngày càng hướng tới những gì thiết yếu. Đây là lòng nhiệt thành tông đồ: nó không theo đuổi những khát vọng riêng của mình, mà là cởi mở đón nhận những kế sách của Thiên Chúa. Và vì vậy, Chân phước hiểu rằng, qua việc chăm sóc người bệnh, ngài thực hành thánh ý Thiên Chúa, an ủi những người đau khổ, mang lại niềm hy vọng cho người nghèo, làm chứng cho đức tin không phải bằng lời nói mà bằng gương sáng. Vì vậy, bằng con đường nội tâm này, ngài tiến tới chỗ chấp nhận y học như một chức linh mục: “chức linh mục của nỗi đau con người” (M. YABER, José Gregorio Hernández: Médico de los Pobres, Apóstol de la Justicia Social, Misionero de las Esperanzas [José Gregorio Hernández: Bác sĩ người nghèo, Tông đồ Công bằng Xã hội, Nhà Truyền giáo Hy vọng, 2004, 107). Điều quan trọng biết bao là không chịu đựng mọi việc một cách thụ động, nhưng, như Kinh thánh nói, làm mọi việc với tinh thần tốt lành, để phục vụ Chúa (x. Cl. 3:23).

Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: José Gregorio lấy đâu ra tất cả sự nhiệt tình, nhiệt huyết này? Nó đến từ sự chắc chắn và sức mạnh. Điều chắc chắn là ân sủng của Thiên Chúa: ngài viết rằng “nếu có người tốt và người xấu trên thế giới, thì kẻ xấu là như vậy vì chính họ đã trở nên xấu: nhưng người tốt là như vậy nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa” (27 tháng 5 năm 1914). Và ngài tự coi mình trước hết là người cần ân sủng, ăn xin trên đường phố và rất cần tình yêu thương. Và đây chính là sức mạnh mà ngài đã có được: sự thân mật với Thiên Chúa. Ngài là một người cầu nguyện – đây là ân sủng của Thiên Chúa và là sự thân mật với Chúa. Ngài là một người cầu nguyện và tham dự Thánh lễ.

Và khi tiếp xúc với Chúa Giêsu, Đấng hiến mình trên bàn thờ cho mọi người, José Gregory cảm thấy được kêu gọi hiến mạng sống mình cho hòa bình. Chiến tranh thế giới thứ nhất đang diễn ra. Vì vậy, chúng ta gặp ngày 29 tháng 6 năm 1919: một người bạn đến thăm ngài và thấy ngài rất vui. Quả thực, José Gregorio biết rằng hiệp ước chấm dứt chiến tranh đã được ký kết. Việc dâng hiến của ngài đã được chấp nhận, và dường như ngài thấy trước rằng công việc của ngài trên trái đất đã hoàn thành. Sáng hôm đó, như thường lệ, ngài đi lễ, rồi ngài xuống phố mang thuốc cho người bệnh. Nhưng khi ngài băng qua đường thì bị một chiếc xe tông phải; được đưa đến bệnh viện, ngài chết khi kêu tên Đức Mẹ. Thế là, cuộc hành trình trần thế của ngài kết thúc, trên con đường đang làm công việc bác ái, và tại một bệnh viện, nơi ngài đã biến công việc của mình thành một kiệt tác, như một bác sĩ.

Anh chị em thân mến, trước chứng tá này, chúng ta hãy tự hỏi: đối diện với Thiên Chúa hiện diện nơi những người nghèo gần tôi, đối diện với những người đau khổ nhất trên thế giới, tôi sẽ phản ứng thế nào? Và gương sáng của José Gregorio: nó ảnh hưởng đến tôi như thế nào? Ngài thúc đẩy chúng ta tham gia khi đối diện với các vấn đề xã hội kinh tế, chính trị lớn lao ngày nay. Rất nhiều người nói về nó, rất nhiều người phàn nàn về nó, rất nhiều người chỉ trích và nói rằng mọi thứ đang đi sai hướng. Nhưng đó không phải là điều mà người Kitô hữu được mời gọi làm; thay vào đó, họ được mời gọi giải quyết nó, chịu bẩn tay: trước hết, như Thánh Phaolô đã dạy chúng ta, hãy cầu nguyện (x. 1 Tm 2:1-4), và sau đó đừng nhàn rỗi nói huyên thuyên – nói chuyện phiếm là một bệnh dịch – nhưng để cổ vũ điều tốt và xây dựng hòa bình và công lý trong sự thật. Đây cũng là lòng nhiệt thành tông đồ; đây là việc loan báo Tin Mừng; và đây là mối phúc Kitô giáo: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5:9).

Chúng ta hãy tiến bước trên con đường của Chân phước [José] Gregorio: một giáo dân, một bác sĩ, một người làm công việc hàng ngày mà lòng nhiệt thành tông đồ đã thúc đẩy ngài sống thực hiện bác ái suốt cuộc đời.