Làm dấu thánh giá rồi bóp cò, phóng hỏa tiễn đánh sập nhà thờ

Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Tu viện Chúa Cứu Thế Biến hình Valaam, nằm trên đảo Valaam, Hồ Ladoga, Cộng hòa Karelia, Liên bang Nga. Đó là những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Các tổng thống đã đi tham quan tu viện và bày tỏ lòng kính trọng đối với các thánh tích của Sergius và Herman, những người sáng lập Tu viện Valaam trong khuôn viên Nhà thờ Chúa Cứu thế Biến hình.

Các nguyên thủ quốc gia cũng đã đến ẩn thất Thánh Vladimir, nơi có Nhà thờ Thánh Vladimir.

Chuyến thăm trước đó của các nguyên thủ quốc gia tới đảo Valaam diễn ra vào tháng 7/2019.

Tu viện Valaam là một trong những tu viện được tôn kính nhất ở Nga. Tu viện thu hút hơn 100.000 khách hành hương và khách du lịch mỗi năm.

Ngày chính xác khi Tu viện Valaam được thành lập vẫn chưa được biết. Theo một số biên niên sử, tu viện này được Thánh Anrê Tông đồ yêu cầu thành lập vào thế kỷ thứ nhất. Tuy nhiên, đó là một truyền thuyết hầu chắc là sai lầm trong cái gọi là Russkiy Mir hay Thế Giới Nga. Thánh Anrê Tông đồ hầu chắc là không biết đến vùng đất xa xôi này.

Một nguồn khác có lẽ đáng tin hơn cho biết ngày thành lập tu viện là vào thế kỷ thứ 10 hay 11 theo sau phép Rửa Tội của hoàng tử Vladimir. Theo các nguồn tài liệu đáng tin hơn nữa, tu viện được thành lập vào năm 1407. Tu viện đạt đến thời hoàng kim vào thế kỷ 15 và 16 khi số lượng tu sĩ lên tới 600 người.

Những năm tiếp theo đánh dấu sự phát triển kiến trúc của tu viện. Tuy nhiên, nó đã bị hư hại rất nhiều, đặc biệt là trong các cuộc chiến tranh giữa Nga và Thụy Điển, và cả trong một trận hỏa hoạn. Đến thế kỷ 19, Tu viện Valaam lại một lần nữa phát triển thịnh vượng. Nhiều công trình kiến trúc được xây dựng vào thời điểm đó. Chúng vẫn tồn tại cho đến ngày nay và được coi là đối tượng của di sản văn hóa và lịch sử.

Sau các hoạt động chiến đấu của Liên Xô-Phần Lan, Nga một lần nữa chiếm hữu Quần đảo Valaam. Các tòa nhà bắt đầu được sử dụng cho nhu cầu dân sự. Vào những năm 1960, chính quyền cộng sản bắt đầu tổ chức các chuyến tham quan cho những ai muốn đến thăm Đảo Valaam. Khu tưởng niệm được khai trương vào năm 1979.

Các dịch vụ tôn giáo được nối lại trong tu viện vào năm 1989. Các tòa nhà chính đã được bàn giao cho Tổng Giám Mục St. Petersbug. Sáu tu sĩ đầu tiên đến vào tháng 12 năm 1989.

Diễn biến này xảy ra sau khi Putin phóng hỏa tiễn đánh sập nhà thờ chính tòa Odesa. Nhà thờ chính tòa Chúa Biến hình Odesa được xây dựng từ năm 1794 đến 1808. Năm 1936, Stalin thấy chướng mắt trước ngôi thánh đường quá hùng vĩ nên cho người đặt bom nổ tan tành thành bình địa. Sau khi hết đại họa cộng sản, các tín hữu đã bỏ ra 10 năm từ 1996 đến 2006 để xây dựng lại y hệt như cũ. Vào đêm thứ Bẩy 22 rạng sáng Chúa Nhật 23 tháng 7, ngôi thánh đường đã bị trúng hỏa tiễn của Nga.

Ngôi thánh đường nằm ở trung tâm thành phố lịch sử, một di sản thế giới của UNESCO. Do mối đe dọa của chiến tranh, UNESCO đã thêm nhà thờ này vào danh sách được bảo vệ vào đầu năm. Bất kể là ngôi thánh đường này là một di tích thế giới, Putin đã ra lệnh bắn tan tành một ngôi thánh đường đẹp.

Nhận định về biến cố này, Cha Ioann Burdin, Cha sở Nhà thờ Chính thống Phục sinh của Chúa Kitô ở thị trấn Nikolskoye của Nga, nói rằng Putin còn cực kỳ nguy hiểm hơn Stalin. Trong khi tên độc tài Stalin càng làm ra những điều khủng khiếp, người ta càng nhận rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa cộng sản và niềm tin tôn giáo tại Nga được phục hồi bất kể những vùi dập của chế độ. Thái độ của Putin làm dấu thánh giá xong là bóp cò sẽ khiến niềm tin Kitô chết trong lòng người.