1. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk bày tỏ nỗi buồn trước cuộc tấn công khủng bố tại Dnipro, và tâm địa ác độc của người Nga, những kẻ làm dấu thánh giá trước khi bóp cò hay phóng hỏa tiễn giết người vô tội

Trong bài chia sẻ hàng ngày tối thứ Ba 17 Tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã bày tỏ nỗi buồn trước cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng vào một chung cư ở thành phố Dnipro, miền Trung Ukraine vào tối thứ Bẩy 14 Tháng Giêng.

Các chuyên gia cho biết hỏa tiễn Nga đã cướp đi sinh mạng của hàng chục dân thường điều dùng trong vụ tấn công một tòa nhà chung cư ở miền trung Ukraine là loại hỏa tiễn tàn bạo nhất của Nga, thường được gọi là hỏa tiễn Kh-22, được thiết kế để tấn công các tàu sân bay trên biển.

Cho đến nay, ít nhất 44 người thiệt mạng, trong số đó có hai trẻ em, ngoài ra còn có 75 người bị thương, trong đó có 14 trẻ em và các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn đang được tiếp tục vì 46 người vẫn được ghi nhận là mất tích.

Theo Đức Cha Shevchuk, bên cạnh đó còn có một hiện tượng đáng buồn là phản ứng của người Nga trước biến cố này. Nó phản ánh một sự tha hóa con người sâu rộng trong xã hội Nga khi con người công khai reo vui, hả hê trước một hành động tàn bạo và còn hô hào nhiều cuộc tấn công hơn nữa.

Các tuyên truyền viên trên truyền hình nhà nước Nga xem ra đã được khích lệ từ cuộc tấn công hỏa tiễn chết người vào tòa nhà chung cư ở Dnipro, và một số còn kêu gọi tấn công nhiều hơn vào các thành phố khác của Ukraine.

Các quan chức Ukraine đã báo cáo một số người chết mới vào thứ Ba vì cuộc tấn công vào tòa nhà chung cư chín tầng vào thứ Bảy: ít nhất 44 người chết và hàng chục người vẫn chưa được tìm thấy. Đây là một trong những biến cố nguy hiểm nhất kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Igor Markov, một doanh nhân và chính trị gia người Nga, tuyên bố trên kênh truyền hình nhà nước Nga Russia 1 rằng ông “rất vui vì cuối cùng chúng ta đã bắt đầu sử dụng các loại vũ khí mà theo các chuyên gia lực lượng phòng không Ukraine không thể bắn hạ”.

“Tôi không biết Kyiv đã bị trúng thứ gì, tôi nghĩ một chuyên gia quân sự có thể giúp chúng ta tìm ra điều đó, nhưng nó đã bị trúng thứ gì đó mà nó không thể bắn hạ,” Markov nói trong một trích đoạn phát thanh được đăng trên Twitter vào hôm thứ Hai bởi cố vấn cho Bộ trưởng Nội Vụ Ukraine Anton Gerashchenko.

“Đối với tôi, có vẻ như chúng ta cần tấn công ồ ạt nhằm hoàn thành những gì chúng ta đã bắt đầu vào tháng Hai năm ngoái,” hắn ta nói thêm. “chúng ta không có nhiều thời gian vì thế số lượng thương vong phải tăng lên rất mạnh.”

Tuyên truyền viên Nga Sergei Mardan cũng xuất hiện để ca ngợi vụ tấn công trên truyền hình nhà nước.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk than thở rằng: “Họ công khai nói rằng họ muốn biến các thành phố của Ukraine thành đống đổ nát, giết chết hàng nghìn, hàng chục nghìn người. Họ đang nói về nạn diệt chủng”

Mardan, cựu nhà báo của tờ báo Nga Komsomolskaya Pravda, cho rằng các thành phố khác của Ukraine đáng phải chịu chung số phận như Dnipro.

“Chà, hãy nhìn vào những bức ảnh của Mariupol—đó là điều sẽ xảy ra với Kharkiv. Nó sẽ phải như thế. Và với Dnipro, cũng như với Kyiv,” Mardan nói thêm.

Hắn ta nói thêm: “Thật tuyệt khi thấy cây cầu Dnipro bị phá hủy thành rác”.

Trong một đoạn truyền hình nhà nước khác, thành viên Duma Quốc gia Vyacheslav Nikonov đã mô tả người Ukraine hầu hết “không phải con người”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự hoán cải trong tâm hồn của những người Nga đang nung nấu trong tâm hồn mình những tâm tình bạo lực, oán ghét, những tâm địa ác độc đến mức xưng mình là những Kitô Hữu nhưng sẵn sàng báng bổ danh thánh Đức Chúa Trời đến mức làm dấu thánh giá trước khi bóp cò hay phóng hỏa tiễn giết người vô tội.

2. Nữ Đại sứ Hàn Quốc đầu tiên cạnh Tòa Thánh trình ủy nhiệm thư

Nữ Đại sứ đầu tiên của Hàn Quốc cạnh Tòa Thánh đã trình Ủy nhiệm thư lên Đức Thánh Cha Phanxicô, sáng ngày 16 tháng Giêng vừa qua.

Đó là bà Ngũ Hiền Châu (Hyunjoo Oh), 54 tuổi (1969), một tín hữu Công Giáo, gia nhập ngành ngoại giao Hàn Quốc năm 1994 và từng làm Lãnh Sự tại Thành Đô (Chengdu) bên Trung Quốc, tham tán tại Genève, Thụy Sĩ, trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Giám đốc về cộng tác phát triển. Trong những năm gần đây, bà là Phó Đại sứ phụ trách Sứ bộ Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở New York, chuyên về lãnh vực ngoại giao đa phương và cộng tác phát triển quốc tế.

Bà được rửa tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo năm 2003, tại giáo xứ thánh Giuse của các tín hữu Hàn Quốc thuộc Tổng giáo phận Newark, Hoa Kỳ. Lúc ấy bà là bí thư thứ hai của Sứ bộ Hàn Quốc ở Liên Hiệp Quốc.

Trong nhiệm vụ mới tại Vatican, bà Ngũ Hiền Châu đặc biệt xúc tiến với bộ Ngoại giao Tòa Thánh việc kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Tòa Thánh trong năm nay. Bà là người thứ 17 đại diện chính phủ Hàn Quốc trước mặt Tòa Thánh.

Hôm mùng 05 tháng Giêng vừa qua, bà đã tham dự lễ an táng Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong ngoại giao đoàn các nước cạnh Tòa Thánh hiện nay có 20 nữ đại sứ. Phi châu là đại lục đầu tiên có nữ đại sứ cạnh Tòa Thánh. Đó là bà Bernadette Olowo của Uganda. Bà trình Ủy nhiệm thư lên Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngày 23 tháng Giêng năm 1975.

3. Cảnh sát Israel bắt giữ hai kẻ tình nghi phá hoại nghĩa trang Kitô

Cảnh sát Israel đã bắt giữ hai người trẻ Do thái bị tình nghi phá hoại và xúc phạm nghĩa trang Kitô tại Núi Sion ở Giêrusalem.

Hai người trẻ, một người 18 tuổi và người còn lại 14 tuổi đã phá hoại 28 bia mộ, hôm mùng 01 tháng Giêng vừa qua, trong nghĩa trang của Tin lành và Anh giáo ở núi Sion. Đây là một sự việc tình phá hoại vì lý do chủng tộc.

Cảnh sát cho biết họ đã xem xét các máy thu hình và thấy hai người trẻ, trong y phục cổ truyền của Do thái giáo, tháo gỡ các thánh giá, phá vỡ các bia mộ và ném vào các mộ trong nghĩa trang có từ 170 năm nay. Cảnh sát không cho biết thêm thông tin về những người bị bắt.

Nghĩa trang bị xúc phạm là tài sản của Hiệp hội Giáo hội thừa sai và được vị giám mục Anh giáo bấy giờ ở Giêrusalem là Samuel Gobat khánh thành năm 1848.

Hai người trẻ bị bắt vài ngày sau khi xảy ra vụ phá hoại. Ban đầu họ bị giữ lại trước khi bị đưa vào nhà giam. Các vị lãnh đạo Kitô đã lên án vụ phá hoại và xúc phạm này như một tội ác vì oán ghét chống cộng đồng các tín hữu Kitô ở Giêrusalem.

Trong thông cáo chung công bố hôm 12 tháng Giêng vừa qua, Hội đồng các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh địa lên án làn sóng bạo lực mới đây và những vụ phá hoại chống Kitô hữu và các nơi thờ phượng của Kitô giáo, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Israel truy lùng các thủ phạm và đưa họ ra trước công lý theo luật pháp hiện hành.

Các vị lãnh đạo Công Giáo tại Thánh địa nói rằng: “Chúng ta lên án những hành động phá hoại như vậy và tất cả những hình thức lăng mạ chống lại dân chúng và tài sản của họ, dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng, nhất là khi những vụ tấn công tự do của con người nhắm vào những nhóm muốn xây dựng một xã hội lành mạnh và thông truyền các giá trị tốt đẹp cho các thế hệ trẻ”.

4. Tranh chấp về phụng vụ trong Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar Ấn Độ

Hôm 14 tháng Giêng vừa qua, Thượng Hội đồng Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar nghi lễ Đông phương bên Ấn Độ đã kết thúc sau sáu ngày nhóm họp, nhưng không đạt tới một sự đồng thuận mới về cách thức cử hành thánh lễ. Cuộc tranh chấp này đã kéo dài từ 25 năm qua.

Giáo hội này tập trung ở bang Kerala, ở miền nam Ấn Độ và hiện có hơn bốn triệu tín hữu trong và ngoài nước, đứng thứ hai sau Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Từ cuối thập niên 1998, Giáo hội Syro-Malabar bị chia rẽ về cách cử hành thánh lễ: một số theo cách cử hành trong đó chủ tế quay mặt về giáo dân (ad populum), một số khác cử hành theo cách thức vị chủ tế quay mặt lên bàn thờ (ad orientem). Năm 1999, các giám mục thỏa thuận công thức dung hợp: trong phần phụng vụ Lời Chúa, tức là phần đầu của thánh lễ, chủ tế quay mặt về giáo dân, và đến phần phụng vụ Thánh Thể, thì quay lên bàn thờ. Tuy nhiên, một số phần tử của Giáo hội từ chối công thức này, đặc biệt là Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, là giáo phận lớn nhất trong toàn Giáo hội nghi lễ này, với khoảng nửa triệu tín hữu.

Tháng Bảy năm ngoái, Đức Thánh Cha, qua bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, đã can thiệp và nhấn mạnh về sự đồng nhất phụng vụ, dựa trên công thức dung hợp hồi năm 1999, như vừa nói trên. Quy luật này bắt đầu có hiệu lực từ tháng Tám năm ngoái. Tuy nhiên nỗ lực áp dụng gặp sự chống đối với các cuộc xuống đường, tuyệt thực, đốt thư mục vụ của Đức Giám Mục, đốt hình nộm Đức Hồng Y Tổng giám mục Trưởng George Alencherry, Giáo chủ của Giáo hội này. Trước lễ Giáng Sinh vừa qua, một cuộc hỗn chiến về thánh lễ đã xảy ra tại một nhà thờ chính tòa ở miền nam Ấn Độ, đến độ cảnh sát được gọi tới để giải tán đám đông, tạo nên cảnh tượng kéo bàn thờ ngang khu cung thánh và chén lễ vương vãi trên mặt đất.

Đứng trước sự thất bại của Thượng Hội đồng Giáo hội Syro-Malabar trong việc giải quyết tranh chấp này, Đức Hồng Y Alencherry công bố tuyên ngôn nhấn mạnh rằng chỉ có các giám mục và Tòa Thánh có thể đưa ra những quyết định về phụng vụ, và các cuộc thảo luận tương lai phải lấy sự thống nhất phụng vụ như điểm khởi hành.

Đức Hồng Y cũng thông báo một Ủy ban sáu giám mục Giám Mục được thành lập để nghiên cứu vấn đề này, kể cả các cuộc thảo luận với những người chống đối và người ủng hộ việc thống nhất cách cử hành thánh lễ, các thành viên của Hội đồng trung ương của Giáo hội Syro-Malabar và đại diện giáo dân.