Với tựa đề Der Dammbruch![Vỡ đập], hãng tin Kath.net của Công Giáo Đức đã cho phổ biến bài phỏng vấn của Peter Seewald, tác giả từng nhiều lần phỏng vấn Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và sau đó xuất bản thành sách. Nội dung cuộc phỏng vấn có thể tóm tắt bằng chính lời của Seewald: “Các khai triển gần đây (ở Vatican) cho thấy một vụ vỡ đập đích thực. Trận lụt này có thể tiêu hủy những gì còn lại” [nguyên văn: https://kath.net/news/82121].



Được hỏi ông có ngạc nhiên trước việc công bố danh sách các Hồng Y tân cử được hai tờ báo Đức nhận định như là động thái “quét sạch di sản Bênêđictô” và như là “chia tay cuối cùng với Đức Bênêđictô". Seewald trả lời: Không hẳn. Tuy nhiên, theo ông thì chuyện này đáp ứng hoài mong của một số giới truyền thông. Xem ra, ông lưu tâm hơn tới những khai triển như “một nhân viên xứng đáng như Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein bị cấm không được ở lại Vatican và đồng thời bổ nhiệm một người dưới trướng làm người bảo vệ đức tin tối cao, người mà điều kiện để giữ chức vụ quan trọng nhất trong Giáo Hội Công Giáo có vẻ đáng nghi ngờ”.

Được yêu cầu nhận định về câu nói của Hồng Y tân cử Fernandez: “sự phát triển hài hòa sẽ bảo tồn giáo huấn Kitô giáo hiệu quả hơn bất cứ cơ chế kiểm soát nào". Seewald cho rằng câu ấy không những nghe có vẻ mơ hồ, mà còn hết sức lố bịch khi xét đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của giáo hội ở phương Tây. Điều đáng suy nghĩ là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đồng thời tuyên bố rằng trong quá khứ thánh bộ đã “sử dụng các phương pháp vô luân”. Làm sao điều đó lại không được coi là một ám chỉ tới cựu bộ trưởng bộ Đức tin, Joseph Ratzinger? Cũng như một mưu toan hợp pháp hóa việc thay đổi đường đi.

Được hỏi ông nhận định ra sao về những lời Đức Phanxicô ca ngợi Đức Bênêđíctô là “giáo hoàng vĩ đại”; "Tuyệt vời vì sức mạnh của trí thông minh, sự đóng góp của ngài cho thần học, tuyệt vời vì tình yêu của ngài dành cho Giáo hội và con người, tuyệt vời vì các đức tính và đức tin của ngài". Seewald cho hay ông xúc động trước các câu tuyên bố trên vì “Không một nhà quan sát am hiểu nào lại không nhận ra Ratzinger là một trong những người thầy quan trọng nhất trên ngai Phêrô. Tuy nhiên, ngày nay, người ta phải tự hỏi liệu những lời tuyên bố của Bergoglio chỉ là lời nói đầu môi hay thậm chí là màn tung hỏa mù. Tất cả chúng ta đều nhớ những lời ấm áp của Ratzinger tại Lễ an táng Đức Gioan Phaolô II, những lời chạm đến trái tim, nói về tình yêu Kitô giáo, về sự tôn trọng. Nhưng không ai nhớ những lời của Bergoglio trong Thánh lễ cầu hồn cho Đức Bênêđíctô XVI: Chúng lạnh lùng như toàn bộ buổi lễ, quá ngắn để không dành đủ vinh dự cho vị tiền nhiệm”.

Được yêu cầu giải thích thêm, Seewald cho rằng nếu nghiêm túc, hẳn người ta phải cố gắng bồi đắp và sử dụng di sản của vị “Giáo Hoàng vĩ đại”, chứ đâu có phá hoại nó. Bênêđictô XVI đã làm như thế. Khi xử lý di sản của Đức Gioan Phaolô II, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của tính liên tục và các truyền thống vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo, đồng thời không khép mình trước những đổi mới. Còn Đức Phanxicô chỉ muốn thoát ra khỏi tính liên tục. Và do đó khỏi truyền thống giảng dạy của Giáo hội.

Đã đành, Giáo Hội luôn tiến bước, nhưng đâu có phải theo ý thức của giới lãnh đạo. “Đối với Ratzinger, canh tân nằm ở việc khám phá lại năng lực cốt lõi của giáo hội – để sau đó trở thành nguồn mà xã hội cần để không bị hoang sơ về mặt luân lý và thiêng liêng. Cải cách có nghĩa là bảo tồn trong đổi mới, đổi mới trong bảo tồn, mang chứng từ đức tin một cách rõ ràng mới mẻ vào bóng tối của thế giới. Việc tìm kiếm cái đương thời không bao giờ được dẫn đến sự từ bỏ cái đúng và giá trị cũng như sự điều chỉnh đối với tình hình hiện tại”.

Nói về những gì đang diễn ra, Seewald cho rằng việc bổ nhiệm Bộ trưởng Đức tin tương lai nói lên một cách đáng kể ý nghĩa của việc di sản của Đức Bênêđíctô đã bị phá hủy. Trong khi Đức Phanxicô cách chức Hồng Y Müller, người đã được Đức Bênêđíctô bổ nhiệm, ngay khi có cơ hội đầu tiên, thì ngài và người hầu cận Á Căn Đình lâu năm của ngài hiện đang đưa một người vào chức vụ, người đã ngay lập tức tuyên bố những điều như muốn tự giải kết chính mình. Vị này muốn thay đổi giáo lý, đặt các lời tuyên bố trong Kinh thánh vào quan điểm của mình và đưa vấn đề độc thân ra thảo luận.

Seewald coi Fernandez có “những bài diễn văn thường khá vô nghĩa” còn thông điệp “Amoris Laetitia” thì gây tranh cãi, với các khối xây dựng mà các nhà phê bình gọi là “unlesbar to wishy-washy” [không thể đọc được và nhạt phèo] và bị các chuyên gia coi là nghiêng về dị giáo.

Nhưng há Đức Phanxicô không phải là vị Giáo Hoàng cải cách hay sao? Seewald cho rằng khởi đầu ai cũng cảm kích. “Tôi rất ấn tượng trước cam kết của ngài đối với người nghèo, người tị nạn, đối với sự bảo vệ không thể phá vỡ sự sống. Đồng thời, công chúng kinh ngạc nhận thấy rằng Bergoglio đã không giữ nhiều lời hứa của mình..., liên tục mâu thuẫn với chính mình và do đó gây ra sự nhầm lẫn đáng kể. Thêm vào đó là nhiều trường hợp chứng tỏ ngài cai trị một cách khắc nghiệt, phế truất những người mà ngài không thích và đóng cửa các tổ chức có giá trị được thành lập dưới thời Đức Gioan Phaolô II”.

Tóm lại, đối với Seewald, những diễn biến mới nhất cho thấy một vụ vỡ đập thực sự. Và trước sự suy giảm nghiêm trọng của Kitô giáo ở châu Âu, điều này có thể dẫn đến một trận lụt phá hủy những gì vẫn còn tồn tại.

Về sự rạn nứt giữa hai vị Giáo Hoàng gần đây nhất, Seewald cho rằng “Ngay từ ngày đầu tiên trong triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cố gắng tách mình khỏi người tiền nhiệm. Không có gì bí mật khi cả hai không chỉ có tính khí trái ngược nhau mà còn có những ý kiến trái ngược nhau về tương lai của Giáo hội. Bergoglio biết rằng ngài không thể so sánh được với Ratzinger về tài năng thần học và sự cao quý. Nên ngài tập trung vào các hiệu quả và được sự ủng hộ của giới truyền thông, vốn không muốn xem xét quá kỹ để không phải thấy rằng đằng sau vị giáo hoàng, người được miêu tả là người cởi mở và tiến bộ, là một nhà cai trị đôi khi rất độc tài, như Bergoglio đã được biết đến ở Á Căn Đình.

“Một số nhà báo biến việc dàn dựng một 'giáo hoàng cải cách' thành một mô hình kinh doanh thực sự cho các cuốn sách của họ: ‘chiến binh ở Vatican’, người tự bảo vệ mình trước ‘bầy sói’, đặc biệt là chống lại ‘giáo hoàng bóng tối’ Bênêđíctô và bè lũ phản động của vị này. Trong thực tế, không bao giờ có một giáo hoàng bóng tối. Với tư cách là giáo hoàng hưu trí, Đức Bênêđíctô đã tránh bất cứ điều gì có thể gây ấn tượng dù là nhỏ nhất rằng ngài cai trị triều giáo hoàng của người kế vị...”

Seewald nhắc đến việc “Đức Phanxicô không hề e ngại về việc loại bỏ một trong những dự án tâm huyết của người tiền nhiệm chỉ bằng một nét bút: Tông huấn ‘Summorum Pontificum’. Nó tự do hóa việc tiếp cận phụng vụ cổ điển. Ratzinger muốn bình định Giáo hội mà không đặt câu hỏi về tính hợp lệ của Thánh lễ theo Sách Lễ Rôma năm 1969. Ngài giải thích: ‘Trong việc xử lý phụng vụ, số phận của đức tin và Giáo hội đã được quyết định.’ Mặt khác, Đức Phanxicô mô tả các hình thức truyền thống như một ‘căn bệnh hoài niệm’. Có ‘nguy cơ’ đi thụt lùi như một phản ứng đối với tính hiện đại. Như thể bạn có thể kiểm soát các xu hướng, khao khát, nhu cầu thông qua các sắc lệnh cấm. Ở đây, các người Bolshevik đã cố gắng vô ích”.

Kath.net nhấn mạnh sự kiện động thái của Đức Phanxicô về vấn đề trên rõ ràng đã được tham khảo rộng rãi và được “phần lớn các giám mục trên thế giới ủng hộ”. Nhưng Seewald cho hay đó không phải là sự thật. “Một mặt, cuộc tham khảo chỉ được một vài giám mục trả lời, mặt khác, theo như tôi biết, phần lớn trong số họ không hề lên tiếng chống lại ‘Summorum Pontificum’ của Đức Bênêđictô. Kết quả có lẽ chưa bao giờ được công bố. Và thật bất lịch sự khi Đức Giáo Hoàng danh dự chỉ được biết về sự thay đổi từ tờ "L'Osservatore Romano". Đối với ngài nó như một nhát dao đâm thẳng vào tim. Sức khỏe của ngài không bao giờ hồi phục sau đó. Ngay sau khi chết, mọi người có thể thấy Bergoglio đã thắt chặt ra sao bước đi của ngài.

Nhận định về trường hợp của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, Seewald cho rằng Đức Phanxicô đã không dành một ân huệ nào cho vị này cả. Nó làm cho mình không thể tin được. Người ta không thể, với cuốn Kinh Thánh trong tay, liên tục nói về tình yêu thương anh em, sự tôn trọng lẫn nhau và lòng thương xót trong khi chà đạp lên những đức tính đó. Sự tàn bạo và sỉ nhục nơi công cộng mà một người đàn ông xứng đáng như Gänswein đã bị bỏ rơi là chưa từng có. Ngay cả thói quen nói lời cảm ơn với một nhân viên sắp nghỉ việc, như thông lệ ở công ty nhỏ nhất, cũng không được tuân theo.

Đối với nhận định của một số người coi đây là một vụ trả thù, Seewald cho hay, “Nhưng trả thù để làm gì? Bởi vì ở đây, một ai đó tỏ ra một tâm thức không khuất phục trong khi vẫn duy trì lòng trung thành, nhưng đúng hơn sự trưởng thành mà Bergoglio luôn đòi hỏi? Bởi vì ngài đã xuất bản một cuốn sách quan trọng và cần thiết trước những thông tin sai lệch đang diễn ra về công việc và con người của Đức Giáo Hoàng người Đức? Một cuốn sách trong đó Đức Phanxicô không có gì xấu? Giáo hoàng đã hạ cấp Gänswein, nhưng ý ngài là hạ cấp người mà Gänswein đại diện. Và di sản bạn muốn gạt sang một bên giống như bạn gạt cộng tác viên thân cận nhất của bạn sang một bên. Đối với việc dịch cuốn sách Gänswein sang tiếng Đức, Herder-Verlag, như tôi được giới xuất bản cho biết, không được phép sử dụng các dịch giả cho Vatican như thường lệ. Công việc đã bị nghiêm cấm đối với họ”.

Được hỏi về việc Đức Tổng Giám Mục Fernández, lúc được đề nghị làm Viện trưởng viện Đại Học Công Giáo Á Căn Đình, đã gặp phải sự dè dặt, Seewald cho hay: “Bộ Giáo lý Đức tin có những lo ngại về giáo lý và Bộ Giáo dục cho rằng ngài không phù hợp với vị trí lãnh đạo quan trọng như vậy. Sau đó, vấn đề được chấp pháp bởi Tổng Giám mục Buenos Aires vào thời điểm đó: Jorge Mario Bergoglio. Với tư cách là giáo hoàng, Bergoglio dọn đường đến Rome cho vị này bằng cách xác định lại nhiệm vụ của một bộ trưởng Bộ Đức tin. Vấn đề không phải là bảo tồn học thuyết mà là về sự hiểu biết ngày càng tăng về sự thật "mà không cam kết với một hình thức diễn đạt nào". Nói một cách đơn giản: không cam kết bản thân.

Điều cần thiết không phải là quyền giám sát, Đức Phanxicô viết cho Fernández, mà là thúc đẩy đặc sủng của các nhà thần học, bất kể điều đó có nghĩa gì. Thực tế luôn quan trọng hơn ý tưởng. Nói rõ ra là: những gì hiện đang có nhu cầu. Trên hết, Fernández nên “tính đến huấn quyền mới nhất” – của Đức Phanxicô. Bergoglio trước đó đã giảm nhẹ một mục do Đức Gioan Phaolô II ban hành về việc tổ chức Thánh bộ, đề cập đến việc bảo vệ "sự thật của đức tin và sự toàn vẹn của luân lý".

Được hỏi thêm về lời của Đức Phanxicô cho rằng trước đây Bộ Giáo lý Đức tin thực hành “các biện pháp vô luân”, Seewald cho hay: “Thật khét tiếng. Tuyên bố này nhằm làm mất uy tín cấp cao của Bộ dưới thời Hồng Y Müller và Ratzinger nhằm làm cho thuyết tương đối trở nên có hy vọng. Thật tệ khi các phương tiện truyền thông chống Giáo hội đã đọc Joseph Ragthinger như "Hồng Y xe tăng" và "người cứng rắn".

Tờ "Spiegel" ngay lập tức tiếp nhận khuôn mẫu ấy và một lần nữa nói về cựu "cảnh sát tôn giáo", người cũng chịu trách nhiệm về việc rút giấy phép giảng dạy của Hans Küng. Hoàn toàn vô nghĩa, giống như hầu hết những lời sáo rỗng phổ biến về cựu Hồng Y. Với tư cách là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Ratzinger tự coi mình không phải là một kẻ bắt bớ và chắc chắn không phải là một người hoạt động với “những phương pháp vô luân”.

Ngay sau khi ngài nhậm chức, các giám mục, nhà thần học và linh mục bị phản đối không còn bị mắng mỏ như trước đây, mà được mời đến Rome trong những trường hợp quan trọng để đích thân giải quyết các ý kiến khác nhau. Ratzinger đã củng cố quyền của các tác giả và lần đầu tiên trao cho các nhà thần học bị buộc tội sai lệch giáo điều quyền bào chữa. Như một huyền thoại đen kể lại, chưa bao giờ có một lời thề giữ im lặng chính thức nào đối với Leonardo Boff [thần học giải phóng]. Cuộc tranh luận cũng không phải về thần học giải phóng, mà về những tuyên bố đáng ngờ của Boff về Kitô học.

Khi Kath.net cho rằng Ratzinger muốn một “Giáo Hội từ bên trong” thay vì một Giáo Hội từ bên trên hay từ bên dưới, Seewald nói rằng theo Đức Bênêđíctô, “đặc biệt là trong những thời điểm bất ổn, Giáo Hội phải suy nghĩ gấp đôi về chính mình. Chỉ nhờ nền đạo đức kiên quyết của mình, Giáo Hội mới có thể trở thành một cố vấn và đối tác thực sự trong những câu hỏi khó của nền văn minh hiện đại. Trái ngược với các nhà thần học khác, nhà thần học cấp tiến người Munich Eugen Biser đánh giá, "người đã loại bỏ từng viên đá từ tòa nhà cũ vì nó không phù hợp với tòa nhà mới của họ", Ratzinger luôn "trung thành với nguồn gốc". Ngài nghiêm túc coi trọng lời cảnh cáo vĩnh cửu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội của Người, điều mà Chúa Giêsu Kitô đã bày tỏ bằng một lời đầy kịch tính với Phêrô theo Tin Mừng Máccô: “Hỡi Satan, hãy xéo đi! ngươi muốn làm ta vấp ngã; vì ngươi không nghĩ đến ý muốn của Thiên Chúa, mà theo ý muốn của người ta.”

Về tin cho hay: thoạt đầu Fernández đã từ chối việc bổ nhiệm làm bộ trưởng đức tin, Seewald bảo: Chỉ khi Đức Giáo Hoàng đảm bảo với ngài rằng Fernández không phải đối phó với lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, ngài mới đồng ý. Ở đây cũng vậy, có một sự khác biệt rõ ràng về định hướng. Trong khi Fernández bác bỏ trách nhiệm về vụ lạm dụng, thì Ratzinger, trong tư cách bộ trưởng, đã chấp nhận nó vì ngài thấy tội ác bị che giấu và nạn nhân bị bỏ mặc. Tuy nhiên, Fernández không phải là một tờ giấy trắng về chủ đề này. Tờ báo Á Căn Đình "La Izquierda Diario" đưa tin rằng Bộ trưởng Đức tin tương lai, trong tư cách Tổng giám mục La Plata, đã "che đậy dưới nhiều hình thức" ít nhất 11 trường hợp lạm dụng tình dục của các linh mục. Trường hợp nổi tiếng nhất là cựu tuyên úy nhà tù Eduardo Lorenzo, người đã tự sát vào năm 2019 để tránh bị cảnh sát bắt giữ.

Nói chung về việc xử lý lạm dụng trong triều giáo hoàng Bergoglio, Seewald nêu hai ví dụ: Đức Hồng Y người Bỉ Godfried Danneels đã gây chú ý vào năm 2010 bởi vì, với tư cách là tổng giám mục, ngài đã che đậy việc các linh mục lạm dụng trẻ em và sau đó bao che cho một giám mục đã lạm dụng chính cháu trai của mình. Điều này không ngăn cản Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài Chủ tọa Thượng hội đồng về Gia đình ở Rôma vào mùa thu năm 2014. Danneels là một trong những động lực của điều gọi là "Mafia của St. Gallen", một nhóm Hồng Y đã muốn đưa Bergoglio lên làm giáo hoàng tại mật nghị năm 2005; và gần như đã thành công.

Đức Phanxicô cũng không có vấn đề gì khi bổ nhiệm kẻ lạm dụng nổi tiếng Theodore McCarrick, cựu Tổng Giám mục Washington, vào các cơ quan của Vatican. Đức Bênêđictô XVI đã có hành động chống lại McCarrick, trong khi Đức Phanxicô giao cho vị này đàm phán với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều này dẫn đến một thỏa thuận mà Đức Bênêđictô XVI hẳn không vui vì Giáo Hội hầm trú vẫn nằm dưới sự quản lý của chính quyền nhà nước. Kể từ đó, các biểu ngữ có dòng chữ như “Yêu Đảng Cộng sản” đã được treo trong các nhà thờ ở Trung Quốc. Vào đầu tháng Tư năm nay, cộng sản đã bổ nhiệm một giám mục mới cho Thượng Hải mà không hỏi ý kiến của Vatican. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã phản đối, nhưng Đức Phanxicô đã quyết định “chữa lành sự bất thường của giáo luật”, bằng việc gật đầu bỏ qua vụ việc.

Nhận định về các tân Hồng Y, Seewald nói rằng “khoảng 70 phần trăm các cử tri bầu giáo hoàng tương lai đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm. Nhà quan sát Ludwig Ring-Eifel của KNA phân tích: ‘Không giống như những người tiền nhiệm của ngài là Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI,’ Đức Phanxicô chủ yếu kêu gọi vào Hồng Y đoàn những người theo đường lối thần học của ngài. Hồng Y đoàn ngày càng trở thành ‘việc phản ảnh suy nghĩ và nguồn gốc của ngài’”.

Điều đáng chú ý không những chỉ là tỷ lệ người nói tiếng Tây Ban Nha tăng mạnh mà còn là độ tuổi của những người mặc áo đỏ mới. Hầu hết là những người khoảng 60 tuổi, họ không chỉ có ảnh hưởng đến mật nghị tiếp theo mà đôi khi còn ảnh hưởng đến mật nghị sau đó. Tuy nhiên, như đã biết, Chúa Thánh Thần vẫn có tiếng nói trong việc này. Và nhiều người hôm nay vui mừng vì Đức Phanxicô đang loại bỏ di sản của Đức Bênêđíctô có thể sẽ khóc lóc cay đắng vào ngày mai.